Tôi muốn được bắt đầu bằng sự cám ơn Đức Dalai Lama đã ban phước cho công trình nhỏ bé này. Như với cuốn sách của tôi, trước khi làm việc tôi đến Ngài để xin lời khuyên bảo và gởi cho vị thư ký của Ngài một danh sách các bản văn Tây Tạng mà tôi định sử dụng. Trong trường hợp này, danh sách gồm bản văn Về sự nhập môn Kalachakra, mà chính Ngài đã viết và tôi đã cùng dịch với Thượng Tọa Doboom Tulku một thập niên trước. Tôi cũng yêu cầu Ngài cho một lời giới thiệu và giới thiệu cho một sadhana mà Ngài thấy thích hợp để đưa vào sách. Một tuần sau, tôi nhận được cả hai, cái sau là một bản sao tập Quý nhất trong những viên ngọc của Buton Rinchen Druppa, một bản văn ngắn tuyệt vời lý tưởng cho cuốn sách này. Tôi cũng muốn ghi nhận rằng từ khi được giải Nobel Hòa Bình năm 1989, yêu cầu về thời gian của Ngài tăng gấp trăm lần, và tôi tán thán lòng tử tế của Ngài trong mặt này. Người Tây phương chúng ta xem Ngài là ‘His Holiness’ ; còn người Tây Tạng dùng một từ ấm cúng hơn và thi vị hơn, Yishin Norbu, ‘Viên ngọc như ý’. Và thật vậy, Ngài thật sự là thế.
Sự tham gia tâm linh cá nhân tôi vào truyền thống Kalachakra bắt đầu từ năm 1973, khi tôi nhập vào một đám đông một trăm năm mươi ngàn Phật tử Himalaya tham dự buổi lễ nhập môn tại Bồ Đề đạo tràng, Ấn Độ, do đức Dalai Lama ban cho. Lúc ấy, tôi đang học ngôn ngữ, văn chương, triết lý và thiền định của Tây Tạng ở Thư viện các công trình và tài liệu Tây Tạng ở Dharamsala. Trước đó, tôi chỉ nghe và đọc về di sản Kalachakra ; sự trao truyền công khai của đức Dalai Lama thật sự kích thích lòng mong mỏi của tôi và trong thập niên tiếp theo của sự học hỏi của mình ở Dharamsala, tôi đã thích thú tiếp xúc với các tài liệu Kalachakra nhiều lần.
Năm 1981, tôi du hành phương nam đến chùa Ganden Shartsey để nghiên cứu Ghi chú về hai giai đoạn thiền định của Kalachakra vinh quang dưới sự chỉ dạy của Thượng Tọa Lati Rinpochey. Sự bình giảng sáng tỏ của Rinpochey làm cho công trình khó hiểu của Dalai Lama thứ Nhất trở nên dễ vào và pha trộn nó với sự ấm áp, hiện thực và sống động. Thời gian đó, tôi sửa soạn một bản dịch của công trình quan trọng này với sự tham dự một trong các Lama trẻ được Rinpochey bảo trợ, vị Tulku Thepo tinh nghịch. Năm sau, nó được in trong cuốn Dalai Lama thứ Nhất : bắt cầu giữa Giáo thừa và Tantra, (New Delhi : Tushita Books, 1982) một khảo cứu về cuộc đời và trước tác của thánh giả kỳ diệu này. Sau đó không lâu, nó được xuất bản ba lần ở Hoa Kỳ với nhà xuất bản Snow Lion.
Tuy nhiên, lưu ý đến truyền thống Kalachakra, các người bạn xuất bản ở Snow Lion cảm thấy rằng sẽ ích lợi cho công chúng độc giả khi giữ phần bình luận về Kalachakra của Dalai Lama thứ Nhất làm phần trung tâm của cuốn sách, vì sự phức tạp và tính chất kỹ thuật của nó, phụ thêm với một dẫn nhập căn bản cũng phù hợp với các độc giả Tây Tạng.
Cho kỳ xuất bản này, tôi đã dò lại đáng kể bản dịch trước kia, cách đó cả thập niên. Sự hiểu biết về toàn bộ hệ thống đã tiến thêm, dĩ nhiên, và các sự nghiên cứu khác bên Tây phương cũng thế. Trong hình thức trước kia nó chỉ là một bản in trước tác của Dalai Lama thứ Nhất gồm 16 khoản, trong khi ở đây tôi đã dịch với nhiều nhấn mạnh đến thuật ngữ kỹ thuật. Với sự hiểu biết hết mức của tôi, bản dịch năm 1981 về cuốn sách Ghi chú là bản dịch đầu tiên sang Anh ngữ về Kalachakra sáu yoga. Sự nghiên cứu trước kia tập trung chính yếu vào yếu tố lịch sử và huyền thoại của Kalachakra, hay về khoa học thiên văn, chiêm tinh, thuật luyện kim, và sự liên kết của nó với y học v.v…
Ở đây tôi không thử giới thiệu một tổng lược và các ngành truyền thống của Kalachakra. Tôi cũng không nhắm vào một nghiên cứu chính quy về Kalachakra như vậy. Mục đích của tôi là cung cấp cho độc giả một cái nhìn chung về di sản tâm linh của Kalachakra như một truyền thống sống, căn cứ chủ yếu vào những ý tưởng của Dalai Lama thứ Nhất trong cuốn Ghi chú. Tôi đã thử khai triển các tư tưởng này bằng cách đào sâu từ các văn bản của các đại sư của các dòng phái khác, đặc biệt là Dalai Lama thứ Hai, thứ Bảy, thứ Mười Ba và thứ Mười Bốn, các vị phụ giáo của các vị và một ít từ các hậu thân của Panchen Lama.
Bộ sách này được sắp xếp thành hai phần : phần Một là cái nhìn tổng quát của tôi về hệ thống Kalachakra, và phần Hai trình bày một sưu tập bảy bản văn Tây Tạng về truyền thống yoga Kalachakra.
Trong phần Một, gồm mười hai chương, tôi cố phác họa viễn cảnh của các quan điểm Tây Tạng về Kalachakra. Sự định đặt vị trí về Kalachakra của tôi trong toàn bộ giáo lý Phật giáo, chi tiết như từ chương Sáu đến chương Mười là phần lớn được chỉ đạo bởi sách Hướng dẫn vào tantra Phật giáo của đức Dalai Lama thứ Mười Ba, mà tôi đã trích dẫn rộng rãi. Tổng quát, ngài Thứ Mười Ba theo ấn bản do Lama Tsongkhapa, người sáng lập phái Gelukpa của Phật giáo Tây Tạng. Điều này đặc biệt liên quan đến ý định của tôi, vì Lama Tsongkhapa là một trong những bậc thầy tâm linh quan trọng nhất của Dalai Lama thứ Nhất.
Tôi phải xin lỗi với độc giả tình cờ nếu đôi lúc vài chỗ tôi đem vào trong phần Một có vẻ khó hiểu. Tất cả điều tôi có thể gợi ý là những phần dễ sẽ được đọc trước, và những phần khó hơn sẽ đọc vài lần. Tôi đã làm hết sức để diễn tả các ý niệm phức tạp của tantra một cách thẳng gọn nhất có thể được ; tuy nhiên, tantra là giáo lý cao nhất và bí truyền nhất được đức Phật dạy, bởi thế chúng ta hy vọng phải cố gắng để hiểu được chúng.
Cái chính văn được dịch trong phần Hai được nghiên cứu và dịch chung với một số Lama Tây Tạng là đạo hữu trải qua vài năm.
Như đã nói ở trên, Ghi chú của Dalai Lama thứ Nhất (Chương Mười Bảy của cuốn sách này) được sửa soạn dưới sự trông coi của Lati Rinpochey chùa Ganden Shartsey. Trong bản dịch trước, tôi trộn lẫn các điểm bình giải quan trọng của Rinpochey vào trong bản dịch, phân biệt chúng với lời của Dalai Lama thứ Nhất bằng các dấu ngoặc. Lần in này, tôi lấy chúng ra khỏi bản văn và đặt chúng ở phần chú thích.
Năm 1980, hợp tác với Tulku Doboom, rồi với một thư ký riêng của đức Dalai Lama và giám đốc Nhà Tây Tạng, New Delhi, tôi dịch bản văn thứ hai của truyền thống Kalachakra. Đó là bài Về sự nhập môn Kalachakra của đức Dalai Lama hiện tại, vốn được viết ra như một hướng dẫn cho người tham dự lễ truyền pháp Kalachakra mà Ngài đã ban cho trong năm trước tại Madison, Wisconsin. Bản dịch của chúng tôi được in lần đầu như một chủ đề trong The Tibetan Review (tháng Tư, 1981). Tôi muốn bày tỏ sự cám ơn với Ngài vì sự cho phép in bản văn ấy. Cùng với Tulku Doboom tôi cũng đọc và dịch Guruyoga Kalachakra in trong cuốn sách này, chương Mười Tám.
Những tiên quyết của sự lãnh nhận nhập môn Mật thừa của Dalai Lama thứ Bảy, tức chương Mười Lăm, được dịch năm 1981 dưới sự hướng dẫn của Tulku Amchok, cũng của chùa Ganden Shartsey. Cùng thời gian đó, tôi dạy Anh ngữ cho Tulku Amchok, và ngài dạy cho tôi tiếng Tây Tạng. Đầu tiên, tôi xuất bản một tóm tắt của bản dịch trong một bộ sách thực hành tantric, để phổ biến giới hạn chỉ cho các người đã được nhập môn, có tựa đề là Về Yamantaka, bộ Một (New Delhi : Tushita Books, 1981).
Tôi cũng đọc và dịch Một ước vọng hoàn thành các giai đoạn của con đường Kalachakra vinh quang của Panchen Lama thứ Nhất, cùng với Tulku Amchok. Tôi cảm thấy điều này thật tốt lành, vì có một mối liên hệ thân thiết giữa Ngài Panchen và các hậu thân của Amchok. Tulku Amchok hiện tại được ngài Panchen Lama thứ Bảy (vừa mới tịch) khám phá khi mới chỉ mười tuổi. Panchen thứ Bảy lại được nhận ra khi còn là một đứa trẻ bởi Tulku Amchok trước kia. Như thế hai vị này có một liên kết tâm linh chặt chẽ. Điều này tiếp tục qua nhiều năm, và như định mệnh, cá nhân tôi chịu ảnh hưởng bởi mối liên kết của hai vị. Năm 1986, tôi đã tổ chức một vòng thuyết giảng liên quốc gia cho Tulku Amchok ; nhưng một tháng trước khi khởi hành, ngài nhận được một thông điệp từ Panchen Lama yêu cầu ngài đến gặp tại Nepal và du hành với Panchen trở lại Lhasa và Bắc Kinh.
Tulku Amchok ra đi trong một năm, và chuyến thuyết giảng bị bãi bỏ. Khi tôi đến Dharamsala để sưu tầm tài liệu về ngài, tôi bắt gặp một bức ảnh chụp một đứa trẻ du mục, ngón tay trong miệng, áo và giày bằng da cừu, với một dòng chữ viết phía sau : “Glenn, tôi xin lỗi đã làm phiền, nhưng em bé này đã gọi tôi trở lại Tây Tạng một thời gian.” Như thế, thay vì đi một vòng thế giới, Amchok đã đi dạy khóa mùa đông ở trường ‘Hậu thân Lama’ của Panchen Lama mới thành lập ở Bắc Kinh. Khi viết dòng chữ trên, thì tu viện của ngài ở Amdo, miền đông Tây Tạng mà ngài đã trùng tu trong dịp thăm lại Tây Tạng năm 1983, là một trong những tu viện lớn nhất thế giới, với hơn một ngàn vị tăng. Trong lần đi thăm thứ hai này, Tulku Amchok cũng phiên dịch cho buổi gặp gỡ giữa Panchen Lama và cựu tổng thống Jimmy Carter.
Tóm tắt về truyền thống Kalachakra của Dalai Lama thứ Mười Ba được trích từ cuốn Hướng dẫn vào Tantra Phật giáo của ngài, nó đã được in trong khảo cứu về cuộc đời và sự nghiệp đức Dalai Lama thứ Mười Ba của tôi, với tựa đề là Con đường của chiến sĩ Bồ tát (Snow Lion, 1988). Tôi cũng có sửa lại bản văn đôi chút, để phù hợp với thuật ngữ dùng trong các chương khác.
Cuối cùng, lời cầu nguyện ngắn do Panchen Lama thứ Sáu của chương Mười Ba được dịch cùng với người bạn Lama Chomdzey Tashi Wangyal của chùa Deprung Loseling, người đã làm việc một cách thích thú ở phòng lưu trữ của thư viện Công trình và Tài liệu Tây Tạng từ giữa thập niên bảy mươi. Trong nhiều năm, tôi đã đọc và dịch các bản văn Tây Tạng cùng với vị tăng khiêm hạ lạ lùng này ; tôi cũng buồn buồn nghĩ rằng sắp tới tôi chỉ còn được thấy người ít lâu nữa thôi, nếu dự định của người trở lại vùng Kham trong năm nay và dâng hiến cuộc đời còn lại để chấn hưng giáo pháp ở quê nhà, nơi ấy nó đã bị hủy hoại trong những năm cách mạng văn hóa, không bị ngăn cản bởi người đương quyền Trung Hoa.
Văn học Trung Á cực kỳ dồi dào về tài liệu Kalachakra. Có vài ngàn (nếu không nói là hàng chục ngàn) tựa đề hiện diện trong Tạng ngữ. Tôi không có ý định cung cấp ở đây một kiểm điểm về kho tàng rộng lớn ấy. Trọng tâm của tôi là tình cảm và tính cách của truyền thống như một toàn thể. Thêm vào những tác giả tôi đã trích dẫn hoặc quy chiếu vào theo những cách khác nhau suốt bản văn, tôi cũng đặc biệt yêu thích những tác phẩm của vị guru của Dalai Lama thứ Nhất Bodong Chokley Namgyal, guru của Dalai Lama thứ Hai Khedrup Norzang Gyatso và guru của Dalai Lama thứ Bảy Trinchen Ngawang Chokden. Dầu cho trong cả ba trường hợp, đệ tử trở nên nổi tiếng hơn thầy, thì sự đóng góp của ba phụ giáo này cho sự giữ gìn và phổ biến truyền thống Kalachakra thực sự khổng lồ. Dalai Lama thứ Nhất cũng học Kalachakra với bốn vị thầy nổi danh khác là Lama Tsongkhapa, Khedrupjey, Gyaltsepjey, và Pakpa Yonten Gyatso, mỗi toàn tập của các vị là rất nhiều trước tác về Kalachakra. Vị guru của Dalai Lama thứ Năm Panchen Chokyi Gyaltsen cũng là một tác giả đầy hứng thú về chủ đề, cũng như thế là đệ tử Panchen Chokyi Nyima của Dalai Lama thứ Mười Ba. Khi chuẩn bị cho cuốn sách này, tôi đã cố gắng trích phần lớn từ các tác phẩm của chính các Dalai Lama.
Cuốn sách này chủ yếu nhắm vào phương diện tâm linh của truyền thống Kalachakra hơn là vào điều mà Dalai Lama thứ Hai gọi là ‘các cành nhánh của Kalachakra’ trong bài thơ mà tôi trích in ở chương Mười. Chữ ‘nhánh’ ở đây ám chỉ các khía cạnh siêu hình học hay ‘khoa học’ như là luyện kim, thiên văn… Một số đáng kể được viết về các khía cạnh này bởi các học giả khác. Sự quan tâm của tôi là truyền thống thiền định, điều mà ít sự nghiên cứu Tây phương đi vào.
Tôi xin lỗi cho vài lầm lỗi luồn lọt vào trong nghiên cứu ở phần Một hay dịch thuật ở phần Hai. Tôi đã làm hết sức mình để không có lỗi lầm bằng cách hỏi các vị Lama có thẩm quyền các điểm nghi ngờ, cũng như quy chiếu theo các bản văn bình giảng truyền thống. Nhưng như Đức Dalai Lama đã một lần bình luận khi tôi bày tỏ về sự chính xác hoàn thiện của sự dịch ra Anh ngữ : “Một vài lỗi ở rải rác đây đó chỉ là dấu hiệu của một cố gắng tiền phong nhằm tìm hiểu một vùng đất mới không có bản đồ sẵn. Một vài người phải khởi đầu công cuộc ấy.” Chắc chắn một trăm năm sau, nhiều điều được làm hôm nay bởi các nhà Tây Tạng học khắp thế giới sẽ có vẻ quê mùa, cũng như nếu như chúng ta có thể phán xét về các việc dịch thuật được làm cách đây năm mươi năm trước. Sự hiểu biết về truyền thống tantra Phật giáo luôn luôn phát triển, và từ ngữ Anh về các ý niệm Phật giáo càng trở nên chính xác hơn. Mong rằng những ai có một quan tâm tâm linh về Kalachakra học được những điều mà tôi đã dịch đúng ; và mong rằng các học giả tương lai học được và sửa chữa cho các điểm sai mà tôi đã mắc phải.
Đối với những người nhắm đến việc sở đắc các phương pháp hiện thực của Kalachakra về giai đoạn phát triển và giai đoạn thành tựu, cuốn sách này không nên được xem là một cẩm nang thực hành trọn đủ. Kim Cương thừa chỉ có thể tiến hành thành công dưới sự trợ giáo có thẩm quyền. Vài phần, như là phương pháp guruyoga hay sadhana (chương Mười Tám và Mười Chín) có thể được dùng cho thực hành hàng ngày, người nào thích thú thực hành như thế nên trước tiên kiếm ra một Lama đủ tư cách và đọc bản văn và thảo luận tiến trình với ông. Như là hậu quả của cuộc lưu vong Tây Tạng, nhiều thành phố lớn ở Bắc Mỹ và châu Âu bây giờ đều có ít ra một vị Lama Tây Tạng có thẩm quyền nơi vùng lân cận.
Để kết luận, tôi muốn được cảm ơn các người xuất bản, Jeff Cox và Sidney Piburn của nhà xuất bản Snow Lion, Ithaca, New York, vì những nỗ lực liên tục của họ để làm cho tài sản tinh thần phong phú, văn hóa và văn học Tây Tạng đến với quần chúng độc giả thế giới. Cũng xin cám ơn Susan Kyser, người biên tập của tôi ở Snow Lion ; David Reigle ở Báo Trường học Phương đông góp phần về chính tả Sanskrit, về việc đọc các phần và xếp chữ Quý nhất trong những viên ngọc ; Richard B. Martin, người quản thủ thư viện về phần Nam Á ở thư viện Alderman, đại học Virginia, về sự giúp đỡ thư mục và Alexander Kocharov và Robert Beer về các tranh ảnh phụ thêm cho cuốn sách này.
Glenn H. Mullin
Thư viện Công trình và Tài liệu Tây Tạng - Dharamsala, H.P., Ấn Độ
Ngày 10 tháng 3 năm 1991