Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

Chủ đề giảng hôm nay là “Tin tức từ biển tâm”, đó là đầu đề một bài ca đang lưu hành, nội dung có liên hệ đến vấn đề ái tình. Có rất nhiều người được nghe bài ca đó. Hôm nay, chúng tôi mượn đầu đề bài ca đó để bàn về vấn đề chúng ta nên đối xử như thế nào những tin tức đến từ biển tâm, nhờ đó mà Trí tuệ được rộng mở.

Gần đây, tôi có viết một cuốn sách, nhan đề “Bồ đề là bụi trần”, trong đó viết rất nhiều bài dùng đầu đề là các bài ca đang lưu hành. Có nhiều người hỏi tôi, vì sao lại lấy đầu đề các bài ca để giảng Phật pháp. Tôi nghĩ rằng, một quan điểm trọng yếu của tôi là hy vọng mọi người có một thái độ thoải mái hơn, tự tại hơn để tìm hiểu Phật pháp, chứ không nên học Phật với thái độ quá nghiêm túc và cứng nhắc.

Rất nhiều người đã từng đi ca hát ở các quán Karaoke. Ca hát ở đây rất thích thú. Vì sao? Vì anh có thể ca hát thoải mái. Ca hát lên tâm tình của mình, mà không cần chú ý tới người khác. Anh ca hát lên mà không có mong cầu gì hết. Cũng không sợ vì ca hát mà bị thám tử phát hiện. Vì trong lòng thoải mái, cho nên cũng có thể ca hát rất vui vẻ. Học Phật cũng vậy, nên giữ tâm tình thoải mái, không mong cầu gì không sợ người khác biết, giữ thái độ thoải mái, thì sẽ nhanh chóng được lợi ích trong việc học Phật.

Hôm nay, nói đề tài “Tin tức từ biển tâm” cũng là với hy vọng mọi người hãy có thái độ thoải mái và tình cảm để lắng nghe những tiếng nói đến từ cõi lòng mình.

1. Học Tập Phật pháp Với Thái Độ Tự Tin

Nhiều năm qua, tôi vẫn luôn luôn đề xướng quan điểm: Trước khi làm một người Phật tử thì hãy làm cho được một người chân chánh bình thường, tức là một người sống tự tại trong cuộc sống của mình. Hôm qua, buổi tối, có khoảng một chục bạn bè học Phật đến nhà tôi chơi. Trong đó có một nữ sĩ nói với tôi “Phật giáo dạy người ta phải biết tiết chế dục vọng, cho nên người xuất gia mặc áo thâm đen hay áo màu; vào ngày Bát quan trai thì không ai được xức nước hoa, làm đầu cho đẹp, không được cài hoa trên tóc, không được ca hát, khiêu vũ. Không được nằm giường cao, rộng.” Cô ta nói với giọng khổ sở: “Còn tôi thì có lúc rất muốn diện quần áo đẹp, tô môi son, đeo vòng tay. Nhưng lại không dám vì sợ người hhác phê bình là Phật tử mà còn ăn diện.” Tôi nói với cô ta “Chúng ta cần nhận thức người tại gia khác với người xuất gia. Xuất gia là người chuyên nghiệp tu hành. Còn tại gia là người tu hành nghiệp dư, cho nên so với người xuất gia, có thể sống thoải mái rộng rãi hơn. Ví dụ như tôi đây là một nhà văn chuyên nghiệp, cho nên yêu cầu của tôi đối với viết văn nghiêm khhắc chặt chẽ hơn. Nếu anh là một nhà văn nghiệp dư thì mỗi năm chỉ cần viết 2, 3 chương sách là được. Nghĩa là yêu cầu viết văn đối với anh có thể rộng rãi và dễ dãi hơn. Tu hành cũng theo một đạo lý như vậy. Một người Phật tử, không cần thiết ngày nào cũng phải mặc áo trắng quần đen. Sắc mặt nhợt nhạt, đi ra đường với thái độ nghiêm túc tựa hồ như đội trên đầu cái bảng đề năm chữ: Tôi là Phật tử đây! Nếu đúng là như vậy thì người khác sẽ không dám gần gũi chúng ta. Thật ra nguời Phật tử há lại không thể mặc áo đẹp, bôi môi son, đeo vòng ở tay hay sao? Tôi đưa cho cô nữ sĩ ấy xem một bức ảnh Bồ tát Quan Thế Âm mà nói rằng: “Này cô xem Bồ tát Quan Thế Âm đẹp biết dường nào. Đầu tóc Bồ tát chải rất đẹp, tướng báo trang nghiêm. Ngài cũng đeo đôi khuyên ở tai mà có ai coi thường Ngài đâu!”

Có một cô gái kể chuyện cho tôi nghe một câu chuyện bí mật: Cô ta ưa nghe ca hát hơn là nghe tụng kinh; cô ta nghĩ rằng việc tu hành của mình có vấn đề, cho nên cảm thấy khổ não hổ thẹn. Tôi nói với cô ta: “Nếu cô thấy nghe âm nhạc thích thú thì cứ đi nghe nhạc, cô thấy nghe đọc kinh không thích thú bằng nghe ca hát, có thể vì cô chưa hiểu hết ý nghĩa trong kinh, hoặc là khi nghe đọc kinh, nội tâm của cô chưa cảm động, chưa được khai mở. Về căn bản, nghe đọc kinh và nghe ca hát đều đáng thích thú, nếu không tức là có thái độ phân biệt.”

Tôi từng có hai lần nghe ca hát mà vô cùng cảm động. Một lần là ở trong chùa, nghe Tăng sĩ hát bài “Tam Bảo ca” do Đại sư Hoằng Nhất viết lời ca hay lời tựa, Đại sư Thái Hư phổ nhạc. Bài ca bắt đầu bằng các câu “Trời và Người trong đêm dài, vũ trụ mờ mịt, ai cho ta ánh sáng đây!.” Tôi nghe cảm động đến chảy nước mắt. Một lần khác, tôi nghe Sư phụ Sám Vân tụng Chú Đại Bi. Giọng của Ngài, thái độ của Ngài, có sức mạnh của lòng từ, lòng bi làm tôi cảm động vô cùng. Ngài tụng Chú Đại Bi theo một tiết tấu mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Tôi rất lấy làm lạ sao giọng tụng kinh nghe hay đến thế! Chúng ta nghe tụng kinh mà không ưa là vì chúng ta chưa lãnh hội được ý nghĩa trong kinh.

Lúc bấy giờ tôi bày cho cô gái một phương pháp, tức là khi nghe người khác ca hát, thì hãy nghe với cái tâm nghe tụng kinh; khi tâm của con người thật vắng lặng trong sáng, thì có thể dùng cái tâm tình nghe tụng kinh như vậy để nghe các bài ca đang lưu hành. Họ sẽ thấy cảm động vô cùng, giống như khi nghe bài “Kỳ thực, anh không rõ lòng tôi.” Khi nghe ngâm bài thơ của Hàn Sơn Tử:

“Ngô tâm tựa thu nguyệt,

Bích đàm thanh hạo khiết,

Vô vật kham tỷ luân

Giáo ngã như hà thuyết.”

Nghĩa là:

“Tâm tôi giống trăng thu,

Như nước ao trong sáng thanh tịnh,

Không vật gì có thể so sánh bằng,

Hãy dạy tôi nói sao đây!"

Nói cách khác, khi nghe người khác tụng kinh, có thể dùng tâm tình nghe ca hát, tức là cái tâm tình hoan hỷ, đợi chờ, thì sẽ cảm thấy nghe đọc kinh rất là thú vị. Có lần tôi được nghe Pháp sư Kiến Như xướng bài “Khấu chung ký” (Bài đánh chuông), tôi cũng chảy nước mắt bởi vì Pháp sư xướng hay quá, hay không khác gì các bài ca đang lưu hành, thậm chí còn hay hơn.

Tôi muốn nói là chúng ta không cần phải gạt bỏ tất cả những gì chúng ta gặp trong cuộc sống, đừng khiến cho tất cả những gì trong cuộc sống sinh ra mâu thuẫn, đối lập với Phật pháp. Có một lần tôi đưa con đi xem bộ phim “Truyện Lục Tổ Huệ Năng.” Xem xong, con tôi nói “Không hay bằng bộ phim của Thành Long.” Tôi cũng đồng ý với con tôi, điều này không có nghĩa là Lục Tổ Huệ Năng không làm chúng tôi cảm động, mà là vì người đạo diễn đã dùng một hình thức cố định, đơn điệu, bảo thủ cho nên người xem không thích thú.

2. Cởi Bỏ Sự Ràng Buộc Của Hình Thức

Học tập Phật pháp, ra sức tu hành, không phải là để biến hình thức bên ngoài của chúng ta thành ra tướng báu trang nghiêm, như như bất động, mà là để cho nội tâm chúng ta có sự đổi mới. Sự đổi mới nội tâm ấy cũng như một sự biến đổi vật lý làm cho tâm tình chúng ta được nâng cao, siêu việt, trở thành ôn hòa, cao cả, cũng tức là làm cho tâm tình chúng ta cởi bỏ được mọi ràng buộc và trở thành tự do.

Tâm chúng ta bị rất nhiều hình thức ràng buộc; trong những hình thức đó có cả những hình thức Phật giáo; chúng ta không dám phê bình mọi sự tình trong đạo Phật, không dám suy xét biện lẽ, vì vậy mà khiến cho rất nhiều hình thức của đạo Phật đến nay vẫn như thế, không sao thay đổi được.

Hãy đưa ra một vài thí dụ như ấn tống kinh sách. Kinh sách ấn tống rẻ và không đẹp chất đầy chùa, khi mua đem về cũng không được mọi người kính trọng. Đối với phóng sanh cũng vậy, động vật gì cũng phóng sanh, làm cho cảnh trí và núi rừng bị ô nhiễm, phá hoại. Những việc như vậy đều do chúng ta không dùng thái độ đúng đắn để kiểm nghiệm, không chịu phá bỏ hình thức, để tâm chúng ta được tự do.

Nếu sau khi theo tín ngưỡng Phật giáo mà cảm thấy bị ràng buộc nhiều hơn, không được tự do, thì phải điều chỉnh, giảm bớt hình thức, khiến cho nội tâm được tự do hơn. Ngoài ra, phải cởi bỏ những vướng mắc trong tâm, để cho tâm được tự tại, để thấy được tất cả mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống. Như thế nào là thấy được mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống? Phải có được đôi mắt tốt, với đôi mắt tốt thì có thể giúp chúng ta nhận thức, cải cách, sáng tạo đối với nội tâm, làm cho tâm tình thăng hoa, đó chính là căn bản của học tập Phật pháp.

Hôm qua, đông bạn bè đến thăm tôi khi chia tay, một vị đứng trên lầu cao 15 tầng ngó xuống thành phố Đài Bắc, nói lên với giọng cảm khái: “Không ngờ cảnh Đài Bắc ban đêm xinh đẹp dường này.” Tôi nói “Nếu anh có một cặp mắt tốt, tâm tình tốt, thì nhìn cảnh ban đêm ở đâu cũng sẽ thấy rất xinh đẹp.” Đó là do tâm tình chúng ta có đổi mới và sáng tạo, cho nên cuộc sống cũng giảm bớt nhơ bẩn đi.

Tôi nói với người bạn là văn sĩ tên Mạnh Đông Ly, anh ta mới dịch xong cuốn sách tựa đề “Con Đường Tô Phi.” Nội dung cuốn sách nói chuyện tu hành. Trong sách có chép một truyện cổ tích làm tôi rất cảm động, truyện kể ngày xưa có một vị Hòa thượng rất nghèo, chỉ có một cái bình vỡ đựng nước và một tấm chăn rách, ông giữ vững nếp sống nghèo. Kết quả là người trong làng đều cho rằng ông tu hành rất tốt. Gần đấy, có một vị Hòa thượng khác, rất giàu có, ăn, mặc đều rất đẹp. Mọi người đều cho rằng ông này hưởng thụ quá mức của một vị Hòa thượng. Một ngày có một người đến gặp vị Hòa thượng nghèo và hỏi: “Xin hỏi Sư phụ: Ngài có thể hay không nói về sự tu hành của vị Hòa thượng giàu có kia. Phải chăng sự tu hành của ông ấy có vấn đề?.” Vị Hòa thượng nghèo trả lời: “Vị Hòa thượng giàu có kia tu hành siêu việt hơn tôi, vì Ngài đã không còn chấp trước giàu hay nghèo và hình thức bề ngoài nữa. Còn tôi đang giữ nếp sống nghèo khổ, là vì tôi không có biện pháp chống đối sự mê hoặc của vật chất.” Khi đọc truyện này, tôi liên tưởng nghĩ tới Đại sư Tịnh Vân. Rất nhiều người phê bình là sản nghiệp của Đại sư ở núi Phật Quang quá to lớn. Nhưng cá nhân tôi lại rất thán phục Ngài. Tôi cảm thấy Ngài đã hoàn toàn thoát khỏi sự phiền nhiễu của sự vật bên ngoài, kể cả giàu và nghèo. Ngài không còn bị vướng mắc, chấp trước nữa. Khi chúng ta có thể nhìn rõ hình thức bề ngoài, không bị ô nhiễm bởi hình thức đó thì chúng ta mới biết được thế nào là tâm chân chính.

Mật tông hay nói chuyện trang nghiêm. Chúng ta thấy có rất nhiều vị Đại Lạt Ma, đội mão giát vàng, dệt kim tuyến. Nhiều vị pháp vương mặc lễ phục rất đẹp. Các vị ấy đi trên thảm đỏ rộng 50 mét. Nếu chúng ta còn chấp trước hình thức thì chúng ta sẽ không thể chấp nhận hình thức đẹp đẽ tráng lệ bề ngoài của họ. Sự thật là có rất nhiều vị Đại Lạt Ma đã siêu việt lên trên mọi chấp trước giàu hay nghèo.

Là người Phật tử hay người tu hành, chúng ta có thể sùng bái các vị Lạt Ma như Đế Nhược Ba, hay là Mật Lặc Nhật Ba (Milarepa). Tôi thường xem truyện ký của Lạt Ma Milarepa và nhiều lần cảm động chảy nước mắt. Tôi không khi nào tu theo được nếp sống khổ hạnh như Ngài. Ngược lại, anh cũng có thể sùng bái Bồ tát Liên Hoa Sanh và Đại sư Tsong Ka Pa. Hai vị này đều khác với Lạt Ma Milarepa, vì họ ăn mặc rất là đẹp đẽ, trang nghiêm. Do đó có thể nói, một người chỉ cần tu hành trung thực, nhận thức được tâm mình, thì hình thức bề ngoài sẽ không thành vấn đề quan trọng nữa. Cũng như nói: Chúng ta có thể chọn hình thức tu hành nào cũng được, khổ hạnh hay lạc hạnh cũng được.

3. Xa Rời Tâm Thì Không Có Phật

Trong đạo Phật có câu chuyện có liên quan đến sự tu hành của Phật Thích Ca và Phật Di Lặc. Phật Thích Ca và Phật Di Lặc từ xưa vốn là anh em cùng học một Thầy, nhưng vì sao Phật Thích Ca lại thành Phật sớm hơn Phật Di Lặc? Đây là vì Phật Thích Ca tu khổ hạnh, vì vậy mà mau chóng thành Phật. Còn Bồ tát Di Lặc vì sao đến nay vẫn chưa thành Phật? Đó là vì Bồ tát chọn tu theo lạc hạnh. Ngài cho rằng, trong khoái lạc, người ta vẫn có thể tu hành. Chúng ta nhận thấy Bồ tát Di Lặc, vì quá khoái lạc, cho nên hình thù béo mập. Bồ tát Di Lặc đến lúc nào mới thành Phật? Đáp án là sau 56 ức 7.000.000 năm mới thành Phật. Phật Thích Ca thường hay ca ngợi Phật Di Lặc là rất khéo tu hành. Bởi vì Ngài Di Lặc dùng một thái độ thoải mái, vui vẻ, thung dung mà vẫn có thể siêu việt và tu hành Phật pháp. Đương nhiên, giữa khổ hạnh và lạc hạnh có một khoảng cách thời gian đến 56 ức bảy trăm vạn năm. Nhưng đối với một người tu hành mà nói thì 56 ức bảy trăm vạn năm chỉ là thời gian một nháy mắt.

Khi chúng ta đã có thể thấy được tự thân mình, hiểu biết được tự tâm mình, thì dù có phải trải qua một trăm ức năm mới tu thành Phật được cũng không đáng sợ. Nếu chúng ta hoàn toàn không thấy được tự thân mình, thì dù là thời gian rất ngắn, cũng cảm thấy sợ hãi.

Nhớ có lần tôi đi thăm Ngài Thái Tích Độ Nhân Ba Thiết. Ngài được người ta xem là Bồ tát Di Lặc hiện thân. Ngài nói rằng: “Hiện nay có rất nhiều người muốn tu hành có kết quả ngay. Có lần có một Tăng sĩ đến nói với Ngài: Xin Sư phụ cấp cho tôi một chứng chỉ là Sơ Địa Bồ tát để tôi treo trong chùa cho tín đồ được xem.” Ngài trả lời với Tăng sĩ ấy rằng: “Tôi còn chưa chứng Sơ Địa Bồ tát thì làm sao cấp chứng chỉ cho ông được.”

Nếu chúng ta thấy rõ được tự tâm mình, thì sẽ không vội vã cầu kết quả. Nếu không thấy rõ được tự tâm thì có nóng vội cũng vô ích. Ngài Thái Tích Độ Nhân Ba Thiết nói với tôi rằng: “Nếu chúng ta từ đời trước, tái sanh vào thế giới này, bắt đầu tu hành với điểm cơ sở là 0 phần (không phần) thì trải qua tu hành lâu dài trong một đời này, mở mang Trí tuệ, bồi dưỡng lòng Từ bi, mà được thêm một phần thì cũng đã tốt lắm rồi. Thời gian 100 năm đời người có dài lắm đâu! Bất quá chỉ hơn 1 vạn năm, nếu so sánh với thời gian Bồ tát Di Lặc tu thành Phật thì nhanh hơn nhiều.”

Vì vậy mà nói rằng, không nên nóng vội. Đời này, so với đời trước, siêu việt hơn một điểm; nhận thức tự tâm mình rõ hơn một điểm là tốt rồi. Nhìn rõ tức là không mê. Thường có người hỏi tôi mê là thế nào. Mê 迷 là chữ mễ 米 thêm bên phải chữ Sước (gọi là quai sước), ý tứ là đem bát gạo đổ trên đất, rồi lượm lại từng hạt. Mê là sự tán loạn. Tâm tán loạn như bát gạo đổ ra trên đất. Vậy thì ngộ 悟 là thế nào? Ngộ là trong khi bát gạo bị đổ xuống đất, thấy rõ là bát gạo, không nên đem đổ xuống đất như vậy!

Giữa mê và ngộ có một điều rất trọng yếu; đó là đừng để bị ô nhiễm. Vì vậy, cô muốn ăn mặc đẹp thì hãy mua áo đẹp về mặc, muốn bôi môi son thì cứ bôi, muốn đeo vòng tai thì cứ đeo. Cô muốn trang nghiêm cho thân mình thì cứ tô điểm và làm trang nghiêm cho thân mình. Chỉ cần đừng để bị ô nhiễm là tốt.

Các vị Bồ tát đều rất trang nghiêm. Vì sao vậy? Bởi vì Phật giáo là một Tôn giáo giảng về tâm. Trong kinh sách, dùng hai chữ để hình dung Phật pháp, tức là tâm pháp. Phật pháp cũng là chánh pháp. Chánh pháp là cầu ở trong tâm.

Còn cầu đạo ở ngoài tâm là ngoại đạo. Vì vậy trong việc học Phật, có một điều hết sức trọng yếu phải chú ý là lắng nghe tin tức đến từ biển tâm của mình.

Phật là “người giác ngộ triệt để.” Giác ngộ là mình thấy rõ được tâm của mình. Một người mà thấy rõ được tâm của mình tức là Phật. Do đó, có thể kết luận: “Xa rời tâm linh sẽ không có gì gọi là Phật nữa.” Khi chúng ta tụng kinh mà tâm không hiểu, thì cái mình tụng đọc không phải là Phật pháp. Cũng như vậy, khi lễ Phật mà không có tâm; thì đối tượng mình lễ cũng không phải là Phật. Khi sám hối mà không có tâm, thì điều mình sám hối cũng không phải là Phật pháp. Ngược lại, cười mỉm với người khác mà có tâm thì đó là Phật pháp, đi dạo mà có tâm thì đó là Phật pháp, tâm tức là tất cả Phật pháp.

Xem mục lục