Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

Khi nói rằng bạn là một con người thì điều đó có nghĩa là gì? Làm chủ cuộc

sống không phải là vấn đề kiểm soát mà là tìm ra sự quân bình giữa những gì

thuộc con người và an nhiên tự tại. Làm cha, làm mẹ, làm vợ, làm chồng, làm

người già, người trẻ,… những vai trò mà bạn phải đóng, những chức năng, nhiệm

vụ mà bạn phải hoàn thành, hay bất kỳ vai trò gì mà một con người phải làm.

Những thứ đó có vị trí của nó và cần phải được tôn trọng, nhưng tự nó thì vẫn

chưa đầy đủ cho một quan hệ hay một cuộc sống mỹ mãn, một cuộc sống thực sự

có ý nghĩa. Những gì thuộc về con người thôi thì vẫn chưa đủ, dù bạn có cố gắng

đến mấy hoặc đạt được những thành tựu như thế nào chăng nữa. Phải có an nhiên

tự tại. An nhiên tự tại ấy nằm trong sự có mặt tĩnh lặng của Tâm, của cái Biết

sáng suốt mà bạn đang thể hiện. Con người là một biểu hiện của hình tướng. Còn

an nhiên tự tại là vô tướng. Con người và an nhiên tự tại không hề tách biệt, mà

đan quyện vào nhau.

    Trong khía cạnh con người, chắc chắn rằng bạn giỏi hơn con cái của bạn. Vì

bạn lớn khôn hơn, có nhiều kiến thức hơn, cao lớn hơn, mạnh mẽ hơn, bạn làm

được nhiều việc hơn. Nếu đó là tất cả những gì bạn biết thì bạn sẽ cảm thấy vượt

trội hơn so với con cái của bạn, dù bạn không ý thức được điều đó. Và bạn sẽ làm

cho con cái bạn cảm thấy chúng non kém hơn bạn. Vì không có sự quân bình

giữa bạn và con cái của bạn, vì đây chỉ là một quan hệ hình tướng và dĩ nhiên là

về mặt hình tướng thì bạn và con bạn không bình đẳng với nhau. Có thể bạn

thương con của bạn, nhưng tình yêu đó chỉ ở khía cạnh con người, tức là mang

tính điều kiện, có tính chất sở hữu và dễ đổi thay. Chỉ khi nào bạn vượt lên trên

hình tướng, đi vào trong Hiện hữu, tức là an nhiên tự tại, thì bạn mới có sự bình

đẳng và chỉ khi nào bạn tìm ra chiều kích của Vô tướng ở trong bạn thì bạn mới

có được tình yêu chân thực trong quan hệ với con cái. Sự Hiện hữu mà bạn đang

thể hiện, cái Chân Ngã vượt thoát thời gian, đã nhận ra được chính nó ở trong

người khác. Và người khác, tức là đứa trẻ, cảm thấy được yêu thương, tức là

được nhận ra.

    Yêu tức là nhận ra chính mình trong người khác. Sự khác biệt chỉ là một ảo

tưởng chỉ có trong lĩnh vực hình tướng. Niềm mong ước được cha mẹ yêu

thương ở một đứa trẻ là niềm mong muốn được nhận ra, không phải trên bình

diện hình tướng mà là trên bình diện của Hiện hữu. Nếu bố mẹ chỉ biết tôn trọng

khía cạnh con người của đứa trẻ mà lãng quên Hiện hữu, thì đứa trẻ sẽ cảm nhận

là mối quan hệ đó chưa được thỏa đáng, rằng có một cái gì đó rất thiết yếu chưa

được tìm ra, và tình trạng này sẽ làm tích lũy nỗi thống khổ ở trong đứa bé và

thỉnh thoảng chúng cảm thấy oán hận bố mẹ mà có khi chúng không hay hề biết.

"Tại sao bố mẹ không nhận ra con?" là câu hỏi đau thương mà đứa trẻ muốn thốt

lên.

    Khi người khác nhận ra bạn, sự nhận biết đó thông qua bạn và người ấy mà

đưa Hiện hữu đi vào thế giới này. Đó là thứ tình yêu có thể cứu rỗi thế giới này.

Ở đây tôi đang nói về quan hệ với con cái nhưng tất nhiên, điều này cũng có thể

áp dụng đối với những quan hệ khác.

    Người ta thường nói: "Thượng Đế là tình yêu", nhưng điều đó không hoàn

toàn đúng. Thượng Đế là Đời Sống Duy Nhất vượt ra ngoài vô vàn những biểu

hiện hình tướng của đời sống. Tình yêu bao hàm cả những phạm trù đối lập:

người yêu và người được yêu, chủ thể và khách thể. Vì thế, tình yêu là sự nhận ra

tính nhất thể trong thế giới nhị nguyên. Đây là sự khai sinh ra Thượng Đế trong

thế giới của hình tướng. Vậy nên, tình yêu làm cho thế giới ít trần tục hơn và

giúp nó đến gần hơn với cõi thiêng liêng, với ánh sáng của nhận thức.

Xem mục lục