Dù ẩn dưới hình thức gì đi nữa, động cơ vô thức ở đằng sau của bản ngã chỉ
là để củng cố cảm nhận về một cái “Tôi”, cái “Tôi” hão huyền ấy sẽ xuất hiện khi
có một ý nghĩ – đó có thể là một ân sủng hoặc là một lời nguyền – và ý nghĩ đó
bắt đầu chiếm hữu và che mờ niềm vui đơn giản mà sâu sắc khi con người tiếp
xúc với Hiện Hữu, với Cội Nguồn, với Thượng Đế. Dù cho bản ngã được thể
hiện dưới bất kỳ lối cư xử nào thì động lực nằm đằng sau của bản ngã luôn luôn
là: Có nhu cầu được nổi bật, trở nên đặc biệt, để nắm quyền kiểm soát; nhu cầu
có quyền lực, được người khác quan tâm đến mình, nhu cầu tích lũy tài sản hoặc
kiến thức nhiều hơn; và tất nhiên là cả cảm nhận về sự cách biệt giữa bạn với thế
giới chung quanh, nói một cách khác, bản ngã của bạn luôn có nhu cầu muốn có
sự đối kháng, có một người để bạn cho là kẻ thù.
Bản ngã luôn muốn cái gì đó từ người khác, hay từ những tình huống nào
đấy. Bản ngã ở trong bạn luôn luôn có một động cơ bí ẩn, vì nó luôn luôn cảm
thấy "chưa đầy đủ", hoặc có một sự thiếu thốn lớn cần phải lấp đầy. Bản ngã của
bạn thích sử dụng người khác và những tình huống nào đấy để có được những gì
nó muốn, ngay cả khi bản ngã của bạn thành công thì nó cũng không cảm thấy
thỏa mãn được lâu. Thường thì những ý đồ của nó bị cản trở và trong hầu hết
trường hợp, khoảng cách giữa “cái mà bản ngã của bạn muốn” và “những gì đang
xảy ra” là nguyên nhân làm cho bạn rất khổ. Có một câu trong bài hát tiếng Anh
từng rất thịnh hành: “I can't get no satisfaction” - “Tôi không bao giờ cảm thấy
thỏa mãn” - đã nói lên rất chính xác cảm giác của bản ngã trong bạn. Và sợ hãi là
cảm xúc chính nằm đằng sau, chi phối tất cả mọi hoạt động của bản ngã. Bạn sợ
mình chỉ là một kẻ vô tích sự, sợ mình sẽ bị hoại diệt, sợ phải chết đi. Mọi hành
động của bạn rốt cuộc cũng chỉ là để xua đi nỗi sợ hãi này nhưng giỏi lắm thì bản
ngã của bạn chỉ có thể tạm thời dùng một quan hệ luyến ái để che đậy nỗi sợ hãi
ấy, hoặc qua chuyện bạn sở hữu một cái gì, hay giành giật được cái này, cái nọ.
Nhưng một ảo tưởng sẽ không bao giờ làm cho bạn được thỏa mãn27. Chỉ có
nhận ra được bản chất chân chính của bạn mới đưa bạn đến tự do, giải thoát.
Nhưng tại sao bản ngã ở trong bạn thường có cảm giác sợ hãi đời sống? Vì
bản ngã được phát sinh khi bạn sai lầm tự đồng nhất mình với hình tướng; trong
khi sâu trong lòng bạn biết rất rõ rằng không một hình tướng nào bền vững lâu
dài, rằng tất mọi hình tướng cả đều sẽ phôi pha, chóng tàn. Do đó bản ngã của
bạn luôn có một cảm giác bất an, dù bên ngoài nó luôn tỏ ra rất tự tin.
Cách đây một vài năm, khi tôi đang dạo chơi với một người bạn ngang qua
một khu bảo tồn thiên nhiên gần thành phố Malibu, bang California, chúng tôi
tình cờ bắt gặp một khu trang trại bị hỏa hoạn trước đó vài thập niên. Khu nhà
lâu ngày đã bị cây cối, dây leo mọc phủ đầy, và bên con đường mòn có một tấm
bảng do ban quản lý công viên dựng lên. Tấm bảng ghi "Nguy hiểm, mọi cấu
trúc đều không vững bền". Tôi quay sang nói với người bạn: "Đây quả là một câu
kinh văn thực sâu sắc và thâm diệu (28)". Chúng tôi đứng lặng im trong niềm kính
sợ. Khi bạn nhận ra và chấp nhận rằng bạn, mọi sự, mọi vật, kể cả những vật thể
rắn chắc, đều không vững bền thì lúc đó sẽ có một niềm an bình trỗi lên ở trong
bạn. Đó là vì khi bạn nhận ra tính vô thường của mọi sự, mọi vật; điều này sẽ làm
thức tỉnh trong bạn một chiều không gian vô hình tướng, chiều không gian đó
vượt thoát cả sinh tử. Chúa Jesus gọi đó là "Đời sống miên viễn".