Có một hiện tượng khá phổ biến là việc ngầm khoe khoang sự quen biết của
bạn với những người nổi tiếng với mục đích lòe người khác; đây là một chiến
lược của bản ngã để làm cho nó cảm thấy nổi bật hơn người. Nhu yếu muốn được
nổi tiếng này che mờ bản chất chân thật của bạn29. Nếu bạn là người nổi tiếng thì
hầu hết những người mà bạn gặp đều muốn tự củng cố hình ảnh về bản thân họ -
tức là cảm nhận của họ về chính họ - nhờ sự quen biết với bạn. Bản thân họ có
thể không biết rằng họ cũng chẳng hề quan tâm gì đến bạn, mà thực ra họ chỉ
quan tâm đến chuyện nâng cao cảm nhận về chính bản thân họ, cái cảm giác mà
chung cuộc chỉ là một điều hư cấu. Nhưng họ tin rằng, qua bạn, họ có thể “có
nhiều hơn”. Họ trông mong để hoàn thiện chính họ qua bạn, hay nói một cách
chính xác hơn, là qua cái hình ảnh trong trí óc của họ về bạn như là một người rất
nổi tiếng.
Chuyện đề cao thái quá về danh tiếng chỉ là một trong nhiều cách thể hiện sự
điên rồ đầy tính bản ngã trong đời sống. Một số người nổi tiếng rơi vào sai lầm
này và đồng nhất bản thân với hư cấu có tính tập thể đó, tức là cái hình ảnh mà
mọi người và các phương tiện truyền thông đã tạo ra cho họ, và họ thực sự tự
thấy mình ưu việt hơn những người bình thường. Do đó càng ngày họ càng trở
nên xa lạ với chính họ và những người chung quanh; và họ ngày càng cảm thấy
khổ sở và càng phụ thuộc vào sự mến mộ của mọi người. Họ luôn bị bao quanh
bởi những người luôn vỗ béo cho cái hình ảnh bị thổi phồng về chính họ. Họ
không còn khả năng để thiết lập những mối quan hệ chân chính với người khác.
Albert Einstein, người đề ra thuyết tương đối trong ngành vật lý học, không
bao giờ tự đồng nhất ông với hình ảnh mà người khác đã tạo dựng về ông. Ông
vẫn luôn sống khiêm nhường, không mang nặng bản ngã. Quả thực, ông đã từng
nói về "sự mâu thuẫn đáng buồn cười giữa những gì mà người ta xem là những
năng lực và thành tựu của tôi với thực tế con người của tôi như thế nào và những
gì tôi thực sự có thể làm".
Đây là lý do tại sao mà một người nổi tiếng rất khó có được một mối quan hệ
chân chính với người khác. Một quan hệ chân chính là một quan hệ không bị chi
phối bởi bản ngã, vì mục tiêu của bản ngã là chỉ để tạo dựng nên một hình ảnh
không có thực30 hay dùng quan hệ ấy để cho bản ngã đi tìm chính nó31. Trong
một quan hệ chân chính, ta thấy có sự cởi mở và lòng quan tâm chân thành đối
với người kia, mà không phải vì bất kỳ một hậu ý nào. Sự quan tâm rất tỉnh táo
đó chính là sự Hiện diện. Đó là điều kiện tiên quyết cho bất cứ một quan hệ chân
chính nào. Bản ngã hoặc là muốn cái gì đó hoặc là hoàn toàn lãnh đạm khi cảm
thấy nó không thu lượm được gì từ người kia. Bản ngã không hề quan tâm đến
bạn. Do đó, ba trạng thái chính của một quan hệ có tính bản ngã là: mưu cầu một
cái gì đó, thất vọng vì mưu cầu ấy không được thỏa mãn (bạn trở nên giận dữ,
oán ghét, quở trách, hay than phiền) và lạnh nhạt.