Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục
Địa cầu, cách đây 114 triệu năm, một buổi sáng kia, sau khi mặt trời vừa hé dạng, bỗng nhiên có một bông hoa duy nhất xuất hiện lần đầu tiên trên hành tinh này; những cánh hoa hé nở, đón chào những tia nắng sớm. Đây quả là một sự kiện quan trọng trong quá trình tiến hóa của thực vật, mở đầu cho một thời kỳ chuyển hóa đời sống của những loài cỏ cây vốn đã xuất hiện trên trái đất từ hàng triệu năm trước. Đóa hoa đầu tiên đó hẳn đã không tồn tại được lâu, vì có lẽ đây chỉ là hiện tượng đơn lẻ hiếm hoi và có lẽ vì giai đoạn ấy chưa phải là thời kỳ thuận lợi cho các loài hoa nở rộ. Tuy nhiên, đến một ngày nào đó, bước chuyển hướng quyết định ấy hẳn cũng phải đến, và nếu có ai đó có mặt vào giờ phút đó để chứng kiến, hẳn họ đã nhìn thấy một sự bùng vỡ của hương hoa và sắc màu lan tràn khắp hành tinh.
 
Mãi về sau này, những sinh thể mong manh đầy hương sắc mà ta gọi là hoa ấy đã đóng một vai trò trọng yếu trong quá trình tiến hóa về mặt nhận thức ở một loài khác: ở con người. Thực vậy, con người ngày càng cảm thấy bị hấp dẫn và thu hút trước hấp lực của những cánh hoa. Khi nhận thức của con người càng trở nên tinh tế hơn, rất có thể bông hoa là thứ đầu tiên mà họ đem lòng quý trọng, mặc dù hoa không phục vụ cho một mục đích thực tiễn nào của họ, tức là không liên quan gì đến chuyện sinh kế, sống còn. Nhưng đóa hoa đã là nguồn cảm hứng cho biết bao nhiêu nghệ sĩ, thi nhân và các nhà huyền học. Chúa Jesus đã khuyên chúng ta nên để thì giờ chiêm nghiệm về hoa và học cách sống như một bông hoa. Tương truyền rằng Đức Phật cũng đã có một bài thuyết pháp trong im lặng, trong đó Ngài cầm một bông hoa trên tay và ngắm nhìn đóa hoa ấy trong yên lặng. Một lát sau, một trong những tỳ-kheo có mặt hôm đó là Ngài Ma-ha Ca-Diếp (Mahakasyapa) đã nở trên môi một nụ cười. Có thể ngài Ma-ha Ca-Diếp là người đệ tử duy nhất hôm ấy hiểu được ngụ ý của bài pháp vô ngôn của Đức Phật. Tương truyền rằng, nụ cười đó (tức là sự trao truyền Tâm ấn giác ngộ) đã được Đức Phật và chư Tổ truyền qua hai tám đời liên tiếp và sau này đã trở thành nguồn gốc của Thiền Tông.
 
Khi ta nhìn ngắm vẻ đẹp của một bông hoa, bông hoa ấy có thể đánh thức, dù chỉ trong thoáng chốc, cảm nhận về cái đẹp ở trong ta, phần hiện hữu sâu xa nhất, và cũng là bản chất thực của chính mình. Giây phút đầu tiên khi cảm nhận cái đẹp là một biến cố có ý nghĩa nhất trong quá trình tiến hóa về nhận thức của loài người. Khi đó ta cũng cảm nhận được tình yêu và sự im lắng ở nội tâm mình. Dù ta không nhận thức được hết tầm quan trọng của biến cố đó, hoa vẫn là một biểu tượng, qua hình tướng, những gì thiêng liêng, cao quý nhất, dù phần cao quý ấy thực chất là cái không có hình tướng. So với những loài cây cỏ đã có mặt trước đó thì hoa có vẻ mong manh, chóng tàn hơn. Nhưng hoa đã trở thành sứ giả từ một cõi khác, như là một chiếc cầu nối liền thế giới của hình hài vật chất với thế giới vô hình. Hoa không chỉ cho ta mùi hương thanh khiết và êm dịu, mà hoa còn mang lại mùi hương của cõi thiêng liêng. Nếu ta có thể dùng từ “tỉnh thức” với nghĩa rộng thì ta có thể ví rằng hoa là sự tỉnh thức của loài cỏ cây.
 
Có thể nói là bất cứ dạng vật chất nào ở bất kỳ hình thức nào – như khoáng chất, thực vật, động vật, con người… – đều đang đi qua quá trình “tỉnh thức”. Tuy nhiên, để dạng vật chất ấy thực sự đạt đến trạng thái tỉnh thức là một điều rất hiếm khi xảy ra vì đó không hẳn là một tiến bộ thông thường trong quá trình tiến hóa mà còn là sự gián đoạn trong quá trình phát triển bình thường, và là một bước nhảy vọt lên một cấp độ hoàn toàn khác của Hiện Hữu, mà quan trọng hơn hết là một sự giảm bớt về mức độ nặng nề và dày đặc của vật chất.
Còn gì nặng hơn và khó xuyên thủng hơn là một tảng đá, vật thể dày đặc nhất trong các vật thể, thế mà một vài loại đá, khi trải qua một quá trình thay đổi cấu trúc phân tử lại trở thành pha lê, một tinh thể trong suốt mà ánh sáng có thể xuyên qua dễ dàng. Vài loại khoáng chất, dưới đáp suất và nhiệt độ cực cao lại biến thành kim cương, trong khi vài loại khoáng chất khác lại trở thành đá quý.
Hầu hết các loài bò sát vẫn chưa biến đổi nhiều từ hàng triệu năm qua. Trong khi một số loài khác thì lại mọc cánh, có lông vũ và hóa thành chim, từ đó vượt lên khỏi lực hấp dẫn của trái đất đã từng níu chân chúng từ bấy lâu nay. Hóa thành chim chẳng phải để đi hay trườn mình trên mặt đất một cách thành thạo hơn, mà thực ra là để hoàn toàn vượt thoát khỏi chuyện phải đi hay trườn.
 
Từ thời xa xưa, hoa, pha lê, đá quý và những loài chim chóc đã mang một ý nghĩa đặc biệt nào đó trong tâm thức của loài người. Cũng như tất cả các thể sống khác, chúng cũng chỉ là sự thể hiện có tính chất tạm thời của Nhất thể, của Tâm luôn tiềm ẩn ở phía sau. Chính những phẩm chất mong manh của hoa giải thích tại sao chúng mang một ý nghĩa đặc biệt và là lý do tại sao con người lại tìm thấy sự tương đồng và sức thu hút ở hoa.
Khi ta có một mức độ Có Mặt, im lắng và sự chú tâm tỉnh táo ở bên trong thì ta mới có thể cảm nhận được bản chất siêu nhiên của sự sống, cái thần thái và linh hồn trong mỗi tạo vật, mỗi thể sống, và ta bỗng nhận ra rằng bản chất siêu nhiên trong mỗi tạo vật cũng đã chứa sẵn trong mỗi con người, khiến ta cảm thấy yêu quý tạo vật như yêu quý chính mình. Cho đến khi nhận thức được điều này, đa số chúng ta chỉ nhìn ra được những hình hài cạn cợt ở bên ngoài mà không thấy được bản chất thần thánh ở bên trong, cũng như ta không nhận thức được bản chất siêu nhiên của chính mình, nên ta thường tự đồng nhất mình với hình hài vật chất và những trạng thái tâm lý khổ đau của mình.
 
Đôi lúc, một người dù có rất ít hoặc không có khả năng hiện Diện nào cả cũng có thể nhìn thấy ở một bông hoa, một hòn đá quý, một tinh thể pha lê hay ở một con chim một điều gì đó nằm đằng sau những hình hài vật chất ấy, dù anh ta không biết rằng đó chính là cái đã tạo nên sức hút và làm cho mình cảm thấy có mối liên hệ nào đó với những vật thể ấy. So với các thể sống khác thì một bông hoa có bản chất mong manh hơn và do đó hoa ít che khuất cái tinh túy ở bên trong của chính nó hơn là những sinh thể sống khác. (Ngoại trừ các sinh vật còn sơ sinh, như một em bé, con chó con, hoặc một con cừu non… vì chúng mong manh, dễ bị tổn thương vì chưa phát triển hết tính đông đặc của vật chất). Ở đó, ta vẫn còn thấy vẻ ngây thơ, cái đẹp và vẻ dịu dàng như không thuộc về thế giới này. Chúng làm mềm lòng ngay cả những con người vô cảm.

Cho nên khi nào bạn đang tỉnh táo và nhìn ngắm một bông hoa, một tinh thể pha lê hay một con chim mà đầu óc bạn không bận rộn muốn gọi tên những vật ấy, thì những vật đó sẽ mở ra một cánh cửa đưa bạn vào cõi Vô Tướng. Có một sự khai mở ở bên trong, dù rất bé, để đưa bạn đi vào cõi tâm linh. Điều này giải thích tại sao ba vật thể đã “giác ngộ” này đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển tâm thức của con người từ thuở xa xưa; đó cũng là lý do tại sao đài sen là biểu tượng của Phật giáo, còn chim bồ câu trắng tượng trưng cho Đức Chúa Thánh Thần (Holy Spirit) trong đạo Cơ đốc. Chính ba vật quý này đã và đang tạo cơ sở cho một sự chuyển hướng sâu sắc trong tâm thức của hành tinh, sự chuyển hướng này nhất định sẽ xảy ra với tâm thức của loài người. Đây là quá trình tỉnh thức tâm linh mà chúng ta đang bắt đầu chứng kiến.

Xem mục lục