Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

Bấy giờ, trong thành lớn Tỳ Da Ly có một trưởng giả tên là Duy Ma Cật, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, sâu trồng cội lành, đắc Vô sanh nhẫn, biện tài vô ngại, du hý thần thông, chứng các tổng trì, được vô sở úy, hàng phục ma oán, nhập pháp môn sâu xa, giỏi về Trí huệ ba la mật, thông đạt phương tiện, thành tựu đại nguyên, biết rõ chỗ hướng đến trong tâm chúng sanh. Lại hay phân biệt các căn cơ lanh lợi hoặc chậm lụt. Ở lâu trong Phật đạo, tâm đã thuần thục, quyết định trong Đại thừa. Các việc làm đều khéo suy lường. Trụ nơi oai nghi của Phật, tâm rộng như biển. Chư Phật khen ngợi, hàng đệ tử Phật, Đế Thích, Phạm Vương, vua ở thế gian… thảy đều kính trọng.

Vì muốn độ người, nên ngài dùng phương tiện khéo, cư ngụ ở thành Tỳ Da Ly. Của cải vô lượng, nhiếp độ dân nghèo. Phụng trì giới thanh tịnh, nhiếp độ các kẻ phá giới. Dùng nhẫn điều hành, nhiếp độ những người giận dữ. Dùng đại tinh tấn, nhiếp độ những người biếng nhác. Nhất tâm thiền định, nhiếp độ các người loạn ý. Dùng huệ quyết định, nhiếp độ những người vô trí.

Tuy làm bạch y cư sĩ mà phụng trì luật hạnh thanh tịnh của Sa môn. Tuy sống tại gia mà không bám nhiễm ba cõi. Thị hiện có vợ con mà thường tu phạm hạnh. Thị hiện có quyến thuộc mà thường thích viễn ly. Tuy phục sức quý báu mà dùng tướng hảo trang nghiêm thân. Tuy có ăn uống mà lấy việc vui Thiền làm mùi vị. Nếu đến chỗ cờ bạc thời để độ người. Thọ các đạo khác mà không làm hư hại chánh tín. Tuy hiểu rõ sách đời, mà thường ưa Phật pháp. Thấy ai cũng kính trọng, lấy đó làm tối cao trong mọi sự cúng dường. Nắm giữ chánh pháp, nhiếp độ kẻ lớn người nhỏ. Trong mọi hùn hợp làm ăn, tuy có lợi lộc mà chẳng lấy làm vui mừng. Dạo chơi các ngã tư đường, làm lợi ích chúng sanh. Vào pháp chánh trị, cứu giúp tất cả. Vào chỗ giảng luận, dạy pháp Đại thừa. Vào các học đường, dạy dỗ trẻ thơ. Vào các nhà dâm, chỉ bày lỗi hại của dâm dục. Vào các quán rượu, lập cho họ chí hướng.

Nếu ở nơi trưởng giả, là bậc được tôn quý trong hàng trưởng giả, vì họ mà nói pháp thù thắng. Nếu ở nơi cư sĩ, là bậc được tôn quý trong hàng cư sĩ, vì họ mà đoạn trừ tham bám cho. Nếu ở nơi Sát đế lợi, là bậc được tôn quý trong hàng Sát đế lợi, vì họ mà dạy cho nhẫn nhục. Nếu ở nơi Bà la môn, là bậc được tôn quý trong hàng Bà la môn, vì họ mà trừ ngã mạn cho. Nếu ở nơi đại thần, là bậc được tôn quý trong hàng đại thần, vì họ mà dạy chánh pháp cho. Nếu ở nơi vương tử, là bậc được tôn quý trong hàng vương tử, vì họ mà chỉ bày trung hiếu cho. Nếu ở nơi nội quan, là bậc tôn quý trong hàng nội quan, dạy dỗ cho cung nữ. Nếu ở nơi dân thường, là bậc được tôn quý trong hàng dân thường, khiến cho họ hưng vượng phước đức. Nếu ở nơi Phạm thiên, là bậc tôn quý trong Phạm thiên, dạy bảo cho trí huệ thù thắng. Nếu ở nơi Đế Thích, là bậc được tôn quý trong Đế Thích, chỉ bày vô thường. Nếu ở nơi Tứ Thiên Vương Hộ Thế, là bậc được tôn quý trong Tứ Thiên Vương Hộ Thế, giúp đỡ các chúng sanh.

Trưởng giả Duy Ma Cật dùng vô lượng phương tiện như vậy mà làm lợi lạc cho chúng sanh.

Tất cả những việc làm của bồ tát có tính cách phương tiện và thị hiện đều phát xuất từ lòng Bi muốn cứu giúp chúng sanh và diễn ra trong tánh Không. Hiểu được tánh Không tức là hiểu được phương tiện thiện xảo, sự thị hiện của bồ tát.

Tánh Không ở mức độ ban đầu là duyên sanh. Thí dụ cái bàn là một ‘duyên sanh’ từ gỗ, từ chân bàn, mặt bàn, từ đinh, ráp chúng lại với nhau. Gỗ không phải là bàn, chân bàn không phải là bàn, mặt bàn không phải là bàn… Cái bàn là một duyên sanh, không có hiện hữu tự thân vì phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác. Mọi sự vật đều duyên sanh, không tự có, phụ thuộc vào những cái khác mà có, không có tự tánh nên gọi là duyên sanh, tức là tánh Không.

Ở mức độ cao hơn, tánh Không không chỉ là duyên sanh mà là vô sanh. Trong vô sanh không có thời gian, không có không gian, đó cũng là cõi nước thanh tịnh của Phật. Một tâm thức đạt đến bản tánh của nó, đi vào tận cội nguồn của nó bèn chứng ngộ bản tánh của tâm thức là vô niệm. Vô niệm tức vô sanh. Và vô sanh tức là hết tận phiền não, hết tận cả sanh tử khổ đau và niết bàn an lạc. Đó là tánh Không rốt ráo.

Ngài Duy Ma Cật “đắc vô sanh nhẫn”, tức là đạt đến tánh Không vô sanh này, và vì đại bi ngài làm tất cả mọi sự để nhiếp độ chúng sanh. Nhiếp độ trong vô sanh, nghĩa là không thấy có sự việc nhiếp độ, thời gian để nhiếp độ, chúng sanh để nhiếp độ và bồ tát đang nhiếp độ. Làm mọi sự trong tánh Không như thế cho nên không có phiền não, không có tạo nghiệp mà chỉ có đại giải thoát của tánh Không. Trong tánh Không như vậy, không có việc làm, không có nguyên nhân khiến làm và kết quả được làm mà chỉ có phương tiện và thị hiện.

Dùng phương tiện như vậy, ngài thị hiện thân có bệnh. Vì bệnh đó, các hàng quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ, bà la môn cùng các vương tử, quan chức, vô số ngàn người đều đến thăm bệnh.

Với những người đến thăm, Duy Ma Cật nhân bệnh của thân bèn rộng rãi thuyết pháp:

“Các nhân giả! Thân này vô thường, không mạnh, không sức lực, không kiên cố, là thứ mau hư hoại, chẳng thể tin được. Nó là khổ, là não, là chỗ chứa nhóm các bệnh tật.

“Các nhân giả! Cái thân này đây, người sáng suốt không bao giờ nương cậy nó. Thân này như bọt đọng, không thể cầm nắm. Thân này như bọt nước, không thể còn lâu. Thân này như ngọn lửa, do khát ái sanh. Thân này như cây chuối, bên trong không cứng chắc. Thân này như huyễn, từ điên đảo khởi. Thân này như mộng, do hư vọng mà thấy ra. Thân này như ảnh, theo duyên nghiệp mà hiện. Thân này như tiếng vang, thuộc các nhân duyên. Thân này như mây nổi, giây phút biến mất. Thân này như tia chớp, niệm niệm chẳng dừng ở. Thân này không có chủ, như đất vô tri. Thân này không có ngã, như lửa tự cháy. Thân này không có thọ mạng, như gió tan dừng. Thân này không có người, như nước chảy xuôi. Thân này chẳng thật, bốn đại làm nhà. Thân này là không, lìa ta và cái của ta. Thân này vô tri, như cỏ cây gạch đá. Thân này vô tác, do sức gió nghiệp chuyển. Thân này bất tịnh, đầy dẫy xấu dơ. Thân này là giả dối, dầu có tạm dùng những việc tắm rửa ăn mặc, rốt cuộc cũng tiêu ma. Thân này là tai họa, đủ một trăm lẻ một  bệnh khổ. Thân này như giếng trên gò khô, bị cái già ép bức. Thân này không định, hẳn sẽ phải chết. Thân này như rắn độc, như kẻ cướp oán thù, như xóm nhà không người, do ấm, nhập, giới hợp thành.

Khi đức Thích Ca thành Phật, ngài nói rằng: “Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có tri kiến Như Lai, thế mà do vọng tưởng tà kiến nên oan uổng chịu trầm luân trong sanh tử.” Cái làm cho chúng ta thành chúng sanh là những vọng tưởng điên đảo, quan kiến sai lầm của chúng ta. Những vọng tưởng tà kiến về thân thể, về tâm thức và về các pháp đã tạo ra sanh tử luân hồi đầy khổ đau cho chúng ta.

Để giải trừ những tà kiến, những vọng tưởng về thân cột trói chúng ta vào guồng máy sanh tử, để cởi mở những chấp bám vào thân, chúng ta phải có chánh niệm quán sát về thân. Đây là một đoạn ngài Duy Ma Cật nói về sự quán niệm trên thân, nhờ sự quán niệm đó chúng ta giải thoát khỏi vọng tưởng mê chấp thân thể. Chúng ta cần nhớ rằng để bước vào Nhập Lưu, tương đương với Kiến Đạo vị, hành giả phải xả bỏ cái thấy có thân (thân kiến).

Chính những tư tưởng về thân đã tạo nên cái thấy có thân. Trong thiền định, không có tư tưởng về thân, lúc đó chúng ta không thấy có thân. Chính trong một cái định và quán như vậy, chúng ta lần lần thấy ra: “Thân này như huyễn, từ điên đảo khởi. Thân này như mộng, do hư vọng mà thấy ra. Thân này như ảnh, do duyên nghiệp mà hiện…” Với một thiền quán sâu xa về thân như vậy, những tư tưởng sai lầm về thân dần dần được giải trừ, và hành giả giải thoát khỏi cái thấy có thân. Giải thoát khỏi cái thấy có thân là giải thoát khỏi những phiền não về thân. Lúc đó thân thể sẽ nhẹ nhàng như một đám mây không trọng lượng, ảnh hưởng của thân sẽ nhẹ bớt, như có như không. Và chính khi không còn bị thân ràng buộc, ảnh hưởng nặng nề, bồ tát mới có thể sử dụng thân này như một Hóa thân để làm lợi lạc cho người khác.

Cũng do thoát khỏi sự tham luyến vào thân này, mà hành giả dần dần chứng ngộ Pháp thân, tức là tánh Không của tất cả các pháp như đoạn kinh sau:

“Các nhân giả! Thân này đáng lo đáng chán, hãy nên ưa muốn Phật thân. Bởi vì sao? Phật thân tức là Pháp thân vậy. Thân ấy từ vô lượng công đức trí huệ sanh, từ giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến sanh, từ Từ, Bi, Hỷ, Xả sanh. Từ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, nhu hòa, cần hành, tinh tấn, thiền định, giải thoát tam muội, đa văn trí huệ, các pháp ba la mật sanh. Từ phương tiện sanh, từ lục thông sanh. Từ tam minh sanh, từ ba mươi bảy đạo phẩm sanh. Từ chỉ quán sanh, từ mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cọng sanh. Từ đoạn trừ tất cả pháp bất thiện sanh, từ tích tập tất cả thiện pháp sanh. Từ chân thật mà sanh. Từ tỉnh giác thấu suốt tánh Không mà sanh. Từ vô lượng pháp thanh tịnh như thế mà Như Lai thân sanh.

Thân này là Khổ đế. Phật thân, Pháp thân, Như Lai thân là Diệt đế.

“Các hành vô thường

Là pháp sanh diệt

Sanh diệt đã diệt

Tịch diệt hiện tiền.”

Cái “tịch diệt hiện tiền” này là Pháp thân vậy. Nó từ vô lượng pháp thanh tịnh, vô lượng công đức tu hành, thâm nhập pháp giới mà sanh ra (hiện ra) vậy. Pháp thân là bản tánh của tâm thức, nghĩa là bản tánh của tất cả tư tưởng sanh, trụ, dị, diệt. Thấu hiểu rằng tư tưởng nào cũng từ Pháp thân tánh Không mà sanh khởi, cũng là một hiện tướng của chính Pháp thân tánh Không, như bất cứ làn sóng nào cũng từ đại dương tịch diệt sanh khởi, cũng là một hiện tướng của đại dương tịch diệt. Đi sâu vào sự thấu hiểu đó là chứng ngộ Pháp thân ở cả hai mặt hiện tượng và bản thể, tức là ở cả hai mặt sắc và Không.

Pháp thân cũng là bản tánh của tất cả các pháp. Pháp thân và pháp tánh là một. Thấy tất cả sóng đều là nước, tất cả tướng đều là tánh, hành giả bằng định và huệ đồng đẳng dần dần đi vào Thực Tại của đời sống hiện tại, tức là Pháp thân. Phẩm thứ mười hai Thấy Phật Bất Động sẽ nói rõ điều này.

“Các nhân giả! Muốn được Phật thân, dứt hết mọi bệnh tật chúng sanh, thì phải phát tâm Bồ đề vô thượng chánh đẳng chánh giác.”

Như vậy, trưởng giả Duy Ma Cật vì những người đến thăm bệnh mà thuyết pháp, khiến vô số ngàn người đều phát tâm Bồ đề vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Tất cả con đường Bồ tát để thành Phật đều được ôm trọn trong Bồ đề tâm. Nói gọn Bồ đề tâm là trí huệ và đại bi.

Bồ đề tâm tương đối là trí huệ và đại bi được phát khởi, là công hạnh nhiếp độ chúng sanh, mang tính cách có làm, tính cách thủy giác, ánh sáng con. Bồ đề tâm tuyệt đối là chính Pháp thân, không phát khởi, không tạo tác, là bản giác, ánh sáng mẹ. Hai cái này hợp nhất là thành Phật. Nhưng hai cái này nương vào nhau, thí dụ đại bi tuyệt đối, vô duyên phải nương vào đại bi tương đối, hữu duyên để có tác động, vận hành; và đại bi tương đối phải có đại bi tuyệt đối để làm nền tảng, nếu không chỉ là những cảm xúc dù cao siêu đến đâu cũng không có nền tảng, căn cứ.

Xem mục lục