Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

Bấy giờ, tôn giả Xá lợi Phất nghĩ rằng, “Sắp đến giữa trưa các vị Bồ tát này sẽ thọ thực thế nào?”

Lúc ấy, ngài Duy Ma Cật biết ý đó, bèn thưa rằng: “Phật dạy Tám Pháp Giải Thoát, nhân giả nên tập trung vào những pháp giải thoát ấy, lắng nghe Pháp với một tâm thoát khỏi bận rộn về những điều vật chất. Xin hãy đợi một chút, tôi sẽ hiến ngài bữa ăn chưa từng có.”

Rồi ngài Duy Ma Cật liền nhập chánh định, dùng thần thông lực hiển bày cho đại chúng thấy rõ phương trên, qua khỏi bốn mươi hai hằng sa cõi Phật, có cõi nước tên là Chúng Hương, đức Phật hiện tại hiệu là Hương Tích (Sugandhakuta). Hương thơm của cõi nước ấy thơm hơn hết so với mùi hương của thế giới trời người và cõi Phật mười phương. Cõi tịnh độ ấy không có danh từ Thanh Văn và Bích Chi Phật, chỉ có chúng Đại Bồ tát thanh tịnh, được Phật nói pháp cho. Tất cả thế giới ấy đều dùng hương thơm mà làm lầu đài, hoa viên, kinh hành trên đất hương, mùi hương của thực phẩm lan khắp vô lượng thế giới mười phương. Bấy giờ Phật với các Bồ tát đang ngồi thọ thực. Có các vị thiên tử tên là Hương Nghiêm đều phát tâm Bồ đề đang hầu hạ Phật và các Bồ tát. Cả đại chúng ở trong nhà của ngài Duy Ma Cật đều có thể thấy rõ ràng Phật Hương Tích và các Bồ Tát đang dùng bữa.

Lúc ấy, ngài Duy Ma Cật hỏi chư vị Bồ Tát rằng: “Thưa các nhân giả, có vị nào muốn đến cõi Phật kia để đem cơm về?”

Do thần lực của ngài Văn Thù Sư Lợi, tất cả đều im lặng.

Ngài Duy Ma Cật nói: “Đại chúng các nhân giả đây, không có chi phải thẹn.”

Văn Thù Sư Lợi nói: “Như lời Phật dạy, chớ coi thường người chưa học.”

Lúc ấy, ngài Duy Ma Cật không đứng lên khỏi chỗ ngồi, ở trước chúng hội hóa hiện một vị Bồ tát tướng tốt sáng ngời, oai đức thù thắng, che trùm chúng hội, và bảo rằng: “Ông hãy đến phương trên, qua khỏi bốn mươi hai hằng sa cõi Phật, có cõi nước tên là Chúng Hương, Phật hiệu là Hương Tích, cùng với chư Bồ tát đang thọ thực. Ông hãy đến đó, y theo lời tôi mà thưa rằng: Con Duy Ma Cật kính lễ dưới chân Thế Tôn, tôn kính không cùng, thăm hỏi Ngài được bình thường, ít bệnh ít phiền, và sống tiếp xúc với hạnh phúc tối thượng. Sau khi lễ lạy một ngàn lần dưới chân Thế Tôn, thì thỉnh cầu: Xin Thế Tôn từ bi ban cho phần còn lại của bữa cơm để hoàn thành Phật sự trong thế giới Ta Bà, khiến cho những người ưa pháp nhỏ được mở rộng với pháp lớn, cũng để cho danh hiệu Như Lai được nghe khắp cả.”

Vị hóa hiện Bồ tát tức thì ở trước chúng hội bay lên phương trên. Cả đại chúng đều thấy Bồ tát hóa hiện ấy đến thế giới Chúng Hương, lễ lạy dưới chân Phật và lại nghe rằng: “Con Duy Ma Cật kính lễ dưới chân Thế Tôn, tôn kính không cùng, thăm hỏi Ngài được bình thường, ít bệnh ít phiền, và sống tiếp xúc với hạnh phúc tối thượng. Sau khi lễ lạy một ngàn lần dưới chân Thế Tôn, bèn thỉnh cầu: Xin Thế Tôn từ bi ban cho phần còn lại của bữa cơm để hoàn thành Phật sự trong thế giới Ta Bà, khiến cho những người ưa pháp nhỏ được mở rộng với pháp lớn, cũng để cho danh hiệu Như Lai được nghe khắp cả.”

Các vị Bồ tát ở thế giới Chúng Hương thấy Bồ tát hóa hiện thì khen ngợi là hiếm có và nghĩ rằng, “Nay thượng nhân này từ đâu đến đây? Ta Bà thế giới ở tại đâu? Sao gọi là ưa pháp nhỏ?” Bèn đem hỏi Phật.

Phật nói rằng: “Ở phương dưới, qua khỏi bốn mươi hai hằng sa cõi Phật, có thế giới tên là Ta Bà, đức Phật hiện tại hiệu là Thích Ca Mâu Ni, ở đó đang là đời ác năm trược, vì chúng sanh ưa pháp nhỏ mà diễn nói giáo pháp. Ở đó có Bồ tát, tên là Duy Ma Cật, sống trong giải thoát không thể nghĩ bàn, thuyết pháp cho các Bồ tát, nên phái Bồ tát hóa hiện đến đây, xưng dương danh hiệu ta và ca ngợi cõi này, khiến cho các Bồ tát kia được tăng thêm công đức.”

Các Bồ tát ở thế giới Chúng Hương nói: “Vị đó như thế nào mà hóa thân có oai đức, năng lực và vô úy như vậy?”

Phật nói: “Rất lớn. Trong mười phương, ở đâu Bồ tát Duy Ma Cật cũng khiến các hóa thân đến làm Phật sự, lợi lạc cho chúng sanh.”

Khi ấy Phật Hương Tích lấy cái bát thơm đựng đầy cơm thơm trao cho Bồ tát hóa hiện. Bấy giờ chín trăm vạn Bồ tát thế giới Chúng Hương đồng nói: “Chúng con muốn đến thế giới Ta Bà để cúng dường Phật Thích Ca Mâu Ni, gặp mặt ngài Duy Ma Cật và chúng Bồ tát.” Phật bảo: “Nên đi. Nhưng để cho các chúng sanh ở kia không sanh khởi tâm mê hoặc, tham bám, hãy thu hương nơi thân của các ông lại. Cũng nên thay đổi hình dạng, che dấu vẻ đẹp lại, để cho những người cầu đạo Bồ tát ở thế giới kia không tự mặc cảm xấu hổ. Lại nữa các ông ở cõi ấy chớ có coi thường mà sanh ra tưởng chướng ngại cho mình. Tại sao thế? Cõi nước mười phương đều như hư không, nhưng chư Phật vì muốn hóa độ cho những người ưa pháp nhỏ mà chẳng hiện một lần tất cả cõi thanh tịnh của mình.”

Bấy giờ Bồ tát hóa hiện nhận lãnh bát cơm rồi cùng chín trăm vạn Bồ tát của thế giới Chúng Hương, nương thần lực của Phật và của ngài Duy Ma Cật bỗng nhiên biến khỏi thế giới Chúng Hương, trong khoảnh khắc đến nhà ngài Duy Ma Cật.

Trong bản tiếng Hán, phẩm thứ mười này là bắt đầu của quyển hạ, tức là quyển ba trong ba quyển Thượng, Trung, Hạ. Có lẽ người xưa chia làm ba quyển như vậy vì trong quyển Hạ này nói đến mức độ tu hành cao tột của Bồ tát, mức độ thành Phật và sự thành lập Tịnh độ của một vị Phật, và sự so sánh giữa những Tịnh độ với nhau...

Trong phẩm này kinh giới thiệu cho chúng ta thế giới của Phật Hương Tích và những khả năng, những hiểu biết của ngài Duy Ma Cật đối với thế giới đó, nghĩa là giá trị và ảnh hưởng của một Đại Bồ tát đối với toàn thể pháp giới.

Trước hết, Tịnh độ là một thế giới, một cõi nước do một vị Phật hóa hiện ra để hóa độ cho người tu hành mà thân tâm đã khá thanh tịnh. Sự hóa hiện này dựa trên hai tích tập đã trọn vẹn của một vị Phật, tích tập công đức và tích tập trí huệ, và nguyện lực của vị ấy. Do tích tập công đức của Phật Hương Tích nghiêng về hương thơm, cho nên điểm nổi bật nơi Tịnh độ của ngài là hương thơm. Do trí huệ của ngài đã thấu suốt trọn vẹn pháp tánh (tức là tánh Không) nên ngài có năng lực hóa hiện ra Tịnh độ Chúng Hương. Và vì hóa hiện ra từ tánh Không, nên “cõi nước mười phương đều như hư không, nhưng chư Phật vì muốn hóa độ cho những người ưa pháp nhỏ mà chẳng hiện một lần tất cả cõi thanh tịnh của mình”. Tóm lại có thể hiểu Tịnh độ là phương tiện trang nghiêm của một vị Phật, phương tiện đó phát sanh từ Trí huệ và Đại bi viên mãn.

Cũng trên con đường thành Phật đó, Bồ tát Duy Ma Cật đã thấu đạt pháp tánh (hay pháp giới tánh) một cách sâu xa và vi tế, để có thể từ pháp giới tánh đó hóa hiện ra một Hóa Bồ tát không ngăn ngại với pháp giới. Đời sống của một vị Bồ tát ở cõi Ta Bà cũng mang tính cách phổ quát đối với các cõi Tịnh độ khác, như vậy, dù đang sống ở cõi Ta Bà đời ác năm trược, đời sống ấy là đời sống phổ quát của cả pháp giới, với giá trị, ảnh hưởng, cấp bậc trong toàn bộ pháp giới.

Lúc ấy ngài Duy Ma Cật hóa ra chín trăm vạn tòa sư tử, trang nghiêm tốt đẹp như các tòa ngồi trước. Các vị Bồ tát đều ngồi trên đó. Bồ tát hóa hiện đưa bát đầy cơm thơm cho ngài Duy Ma Cật, hương thơm xông khắp thành Tỳ Da Ly và tam thiên đại thiên thế giới.

Bấy giờ trong thành Tỳ Da Ly các Bà la môn, cư sĩ v.v... ngửi được hơi hương này, thân tâm thơ thới, ca ngợi là chưa từng có. Khi ấy chủ trưởng giả Nguyệt Cái cùng tám vạn bôn ngàn người đến nhà ngài Duy Ma Cật. Thấy trong phòng rất nhiều Bồ tát, các tòa sư tử cao rộng nghiêm đẹp, ai cũng rất hoan hỷ, đảnh lễ các Bồ tát và các đại Đệ tử, rồi đứng qua một bên. Các địa thần, hư không thần và các vị trời cõi dục, cõi sắc nghe hơi hương này cũng đều đến nhà ngài Duy Ma Cật. 

Trưởng giả Duy Ma Cật thưa với tôn giả Xá Lợi Phất và các đại Thanh Văn rằng: “Xin mời các nhân giả dùng bữa. Cơm vị cam lồ này là do đại bi xông ướp, xin chớ đem tâm ý hữu hạn mà dùng thì không tiêu được.”

Có một ít vị Thanh Văn nghĩ, cơm này ít quá mà đại chúng đây thì nhiều lắm. Bồ tát hóa hiện nói: “Xin các ngài chớ đem đức nhỏ, trí nhỏ của Thanh Văn mà tính lường phước huệ vô lượng của Như Lai. Bốn biển còn có thể khô hết, còn cơm này vẫn vô tận. Giả sử mọi người mỗi người ăn một vắt lớn bằng núi Tu Di cho đến một kiếp cũng không hết được. Tại sao như vậy? Vì là món ăn dư của bậc đầy đủ công đức, vô tận giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, không bao giờ cùng tận được.”

Khi đó, cơm trong bát ấy làm no đủ tất cả chúng hội mà vẫn không hết. Các vị Bồ tát, Thanh Văn, Trời, Người, ai ăn cơm đó thân thể đều an lạc như chư vị Bồ tát ở thế giới Nhất Thiết Lạc Trang Nghiêm. Những lỗ chân lông đều bay ra diêu hương, như mùi hương của cây cối ở thế giới Chúng Hương. 

Bây giờ, ngài Duy Ma Cật hỏi các vị Bồ tát ở cõi Chúng Hương rằng: “Như Lai Hương Tích thuyết pháp thế nào?” Các Bồ tát ấy nói: “Như Lai của cõi chúng tôi nói bằng không văn tự. Chỉ dùng các hương làm cho các trời người nhập vào luật hạnh. Các vị Bồ tát đều ngồi dưới cây hương, ngửi thấy hương vi diệu ấy liền được chánh định Nhất Thiết Đức Tạng. Vào chánh định ấy thì đều đầy đủ bao nhiêu công đức của Bồ tát.”

Các Bồ tát Chúng Hương hỏi ngài Duy Ma Cật: “Ở đây Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp thế nào?” Ngài Duy Ma Cật nói: “Ở cõi này chúng sanh cang cường khó giáo hóa, nên Phật nói lời cang cường để điều phục họ. Rằng cái này là địa ngục, cái này là súc sanh, cái này là ngạ quỷ, cái này là những chỗ tai nạn, cái này là chỗ người ngu sanh đến. Cái này là tà hạnh của thân, cái này là quả báo tà hạnh của thân. Cái này là tà hạnh của khẩu, cái này là quả báo tà hạnh của khẩu. Cái này là tà hạnh của ý, cái này là quả báo tà hạnh của ý. Cái này là sát sanh, cái này là quả báo sát sanh. Cái này là không cho mà lấy, cái này là quả báo không cho mà lấy. Cái này là tà dâm, cái này là quả báo tà dâm. Cái này là vọng ngữ, cái này là quả báo vọng ngữ. Cái này là nói hai lưỡi, cái này là quả báo hai lưỡi. Cái này là lời nói ác, cái này là quả báo lời nói ác. Cái này là lời nói vô nghĩa, cái này là quả báo lời nói vô nghĩa. Cái này là tham lam, cái này là quả báo tham lam. Cái này là sân hận, cái này là quả báo sân hận. Cái này là tà kiến, cái này là quả báo tà kiến. Cái này là keo kiệt, cái này là quả báo keo kiệt. Cái này là phá giới, cái này là quả báo phá giới. Cái này là giận dữ, cái này là quả báo giận dữ. Cái này là lười biếng, cái này là quả báo lười biếng. Cái này là tán loạn, cái này là quả báo tán loạn. Cái này là ngu si, cái này là quả báo ngu si. Cái này là kiết giới, cái này là giữ giới, cái này là phạm giới. Cái này là nên làm, cái này không nên làm. Cái này là chướng ngại, cái này là không chướng ngại. Cái này là bị tội, cái này là khỏi tội. Cái này là sạch, cái này là dơ. Cái này là hữu lậu, cái này là vô lậu. Cái này là tà đạo, cái này là chánh đạo. Cái này là hữu vi, cái này là vô vi. Cái này là thế gian, cái này là Niết bàn. 

“Vì người khó giáo hóa tâm họ như khỉ vượn, nên dùng bao nhiêu pháp để chế ngự tâm đó mới có thể điều phục. Ví dụ như voi ngựa hung hăng, khó thuần hóa, phải làm cho đau đớn đến xương cốt rồi sau đó mới điều phục được. Chúng sanh cang cường khó giáo hóa, nên dùng tất cả mọi lời nói đau khổ đắng cay mới có thể nhập vào luật hạnh.”

Các Bồ tát cõi Chúng Hương nghe nói như vậy đều nói rằng: “Thật là hiếm có! Như Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật ẩn dấu vô lượng năng lực tự tại đó mà dùng các pháp người nghèo hèn ưa thích để độ thoát cho họ. Các Bồ tát ở đây cũng lao nhọc, khiêm hạ, với vô lượng đại bi để sanh vào cõi Phật này.”

Thế giới Chúng Hương là cõi Tịnh độ của Phật Hương Tích, do Trí, Bi, Nguyện của Phật Hương Tích tạo thành. Thế giới đó chính là biểu hiện của Báo thân và Hóa thân của Phật Hương Tích, bởi thế mà cây thơm, cơm thơm, cái gì cũng thơm (Chúng Hương). Hương đó chính là Pháp, cho nên “chỉ dùng các hương làm cho các trời người nhập vào luật hạnh”. “Các vị Bồ tát đều ngồi dưới cây hương, ngửi thấy hương vi diệu ấy liền được chánh định Nhất Thiết Đức Tạng”.

Luật hạnh, nghĩa là khuôn khổ tự nhiên của người đã bước vào con đường. Con đường chính là luật hạnh. Nhất Thiết Đức Tạng, tạng của tất cả công đức Bồ tát, đó là Như Lai tạng hay Phật tánh.

Tất cả sắc thanh hương vị xúc pháp của một cõi Tịnh độ đều là Sắc thân của đức Phật tạo ra cõi Tịnh độ đó, cho nên chúng hiển bày Pháp thân Phật tánh. Điều này chúng ta thấy kinh A Di Đà nói về cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà cũng như vậy. Và phẩm Phật Quốc thứ nhất của Kinh này cũng nói như vậy. Vấn đề của một hành giả là biết thấy, biết nghe, biết ngửi... nghe, thấy, ngửi cho đến tận cội nguồn của chúng, để thể hiện thực tại vẫn sẵn sàng hiện bày ra đó, như đức Phật nói với ngài Xá Lợi Phất: “Này Xá Lợi Phất! Cõi này của ta vẫn thanh tịnh, mà vì ông chẳng thấy.”

Ở cõi Ta Bà (Kham Nhẫn) này con đường khó khăn trắc trở hơn, vì chúng sanh cang cường hơn, nhiều chướng ngại hơn rất nhiều. Ở cõi kia, hầu như không có chướng ngại, nên dùng một cái chánh (mùi hương) thấm vào thân tâm của người ta khiến người ta nhập vào cái chánh, hiển lộ ra cái chánh. Như vậy ở cõi kia là con đường thẳng thắn, trực tiếp, thuận: từ cái chánh đi vào cái chánh, từ cái chánh ít đi đến cái chánh nhiều, và nhiều hơn nữa... Ở cõi kia hầu như chỉ có một vị, một vị chánh, hầu như không có mâu thuẫn, chỉ có một cái không hai từ ít cho tới nhiều. Còn ở cõi này cái bất chánh, cái chướng ngại lại nhiều, hầu như chất liệu của cõi này là cái bất chánh, cái chướng ngại, đúng như ngài Xá Lợi Phất nói, "Cõi này toàn là gò nổng, hầm hố, gai góc, sỏi sạn, đất đá, đầy dẫy dơ bẩn xấu xa”, như trong phẩm Một.

Bởi thế sự tu hành ở cõi này là phải phân biệt cái gì đúng, cái gì sai; cái gì chánh cái gì tà; cái gì đưa đến an lạc, cái gì đưa đến khổ đau. Sống trong cái này thì không có cái kia, như thế là sống trong luật hạnh, sống trong đời sống không sai lầm, đúng pháp và như thế tương ưng được với pháp tánh không hai.

Đức Thích Ca Mâu Ni là một vị Phật, do đó ngài có vô lượng năng lực tự tại từ pháp giới tánh, nhưng vì cõi Ta Bà Kham Nhẫn này nhiều nghiệp xấu như vậy, chúng sanh cang cường (nghĩa là nghèo hèn) như vậy nên đã ẩn dấu bớt để dùng pháp người nghèo hèn ưa thích để độ cho họ. Như một căn nhà có những bóng đèn điện yếu, không thể đưa vào năng lực điện mạnh vào được, mà phải bớt đi, nếu không chúng sẽ cháy.

Về phần các Bồ tát cõi này, vì đồng sự với chúng sanh ở đây, nên cũng lao nhọc, cực khổ với biết bao nhiêu là chướng ngại, đồng thời khiêm hạ, tự che dấu mình để hòa quang đồng trần, nếu không có lòng đại bi vô lượng thì khó mà lợi mình lợi người ở đây vậy.

Trưởng giả Duy Ma Cật nói: ‘‘Bồ tát ở cõi này đối vói chúng sanh lòng đại bi kiên cố, đúng như các ngài nói. Nhưng các vị ở đây trong chỉ một đời làm lợi lạc cho chúng sanh còn nhiều hơn trăm ngàn kiếp hành (làm lợi lạc cho chúng sanh) ở các thế giới ngài. Tại vì sao thế? Ta Bà thế giới này có mười sự thiện pháp mà các Tịnh độ khác không có.

“Mười sự ấy là gì? 1/ Dùng bố thí để nhiếp độ sự bần cùng. 2/ Dùng tịnh giới mà nhiếp độ sự phá giới. 3/ Dùng nhẫn nhục mà nhiếp độ sự sân hận. 4/ Dùng tinh tấn mà nhiếp độ sự biếng nhác. 5/ Dùng thiền định nhiếp độ sự loạn ý. 6/ Dùng trí huệ mà nhiếp độ sự ngu si. 7/ Nói các pháp trừ nạn để hóa độ người bị tám nạn. 8/ Dùng pháp Đại thừa để hóa độ người thích pháp nhỏ. 9/ Dùng các thiện căn để cứu vớt những người không có phước đức. 10/ Thường dùng Bốn Nhiếp pháp để thành tựu chúng sanh. Đó là mười sự thiện pháp.”

Tại sao ở cõi Ta Bà này chỉ một đời có thể làm lợi mình lợi người hơn trăm ngàn kiếp ở cõi khác? Thứ nhất là một đời ở những cõi khác bằng nhiều đời ở đây, nghĩa là trong một khoảng thời gian mà ở cõi khác sống xong một đời, thì ở đây người ta đã sống chết nhiều đời. Như thế người ta chạm mặt nhiều hơn với sanh lão bệnh tử của mình và của người, do đó sự tu hành đắc lực hơn. Về mặt không gian ở đây nhiều ngăn ngại hơn, và càng ngăn ngại nhiều thì càng khát khao tự do hơn. Thứ ba là về mặt chúng sanh khó độ hơn, và do đó phải sử dụng mọi pháp của Phật. Pháp càng được sử dụng nhiều càng thiện nghệ, càng “phương tiện thiện xảo”, do đó mà Phật pháp được học rộng và sâu hơn.

Một điều chúng ta cần ghi nhớ là sự tương quan giữa lợi mình và lợi người. Sáu điều đầu tiên - và cả mười điều cũng thế - là sáu ba la mật. Các cái này không chỉ áp dụng cho người khác mà còn cho chính mình. Ví dụ bố thí không chỉ là để cho người khác bớt nghèo, mà khi chúng ta nghèo, chúng ta hãy bố thí, vì bố thí đem lại sự sung túc. Hơn nữa, khi chúng ta nâng cấp cho ai về mặt nào, trong hành động nâng cấp cho người khác, chúng ta cũng được nâng cấp. Lợi người và lợi mình là một tiến trình bất khả phân, một tiến trình bất nhị, không hai, và chúng ta có thể nói ba la mật chính là sự không hai đó.

Mười sự thiện pháp này nằm trong Phật pháp, chúng ta hãy dùng chúng luôn luôn để hưởng thọ được sự vi diệu của Phật pháp. Đó không chỉ là những bổn phận chúng ta phải làm, mà là những quyền lợi, những hưởng thụ mà may mắn thay ở đây chúng ta mới có, mới có môi trường, hoàn cảnh để dùng. May mắn thay, phước đức thay, hạnh phúc thay cho những ai dùng chúng!

Các vị Bồ tát thế giới Chúng Hương nói: “Bồ tát thành tựu mấy pháp thì ở thế giới này sống không tỳ vết, thương tổn, chết thì sanh về các cõi Tịnh độ?

Ngài Duy Ma Cật nói: “Bồ tát thành tựu tám pháp thì ở thế giới này sống không tỳ vết, thương tổn, chết thì sanh về các cõi Tịnh độ. Tám pháp là gì? 1/ Lợi lạc cho chúng sanh mà không mong báo đáp. 2/ Thay thế tất cả chúng sanh chịu mọi khổ não, bao nhiêu công đức làm ra đều đem cho tất cả chúng sanh. 3/ Tâm bình đẳng với chúng sanh, khiêm hạ không ngại, tùy hỷ với tất cả Bồ tát như với Phật. 4/ Kinh pháp dù chưa nghe cũng không lơ là giáo pháp nào. 5/ Không chống đối với các vị Thanh Văn. 6/ Không ganh ghét sự được cúng dường của người, không tự cao về lợi lộc của mình, ở trong đó mà điều phục tâm mình. 7/ Thường xét lỗi mình, không trách móc lỗi người. 8/ Thường nhất tâm cầu các công đức. Đó là tám pháp.”

Trong đại chúng, khi ngài Duy Ma Cật và Văn Thù Sư Lợi thuyết pháp này, có trăm ngàn trời người phát tâm Vô thượng Bồ đề, mười ngàn Bồ tát đắc Vô sanh pháp nhẫn.

Tám pháp này tựu trung là hai sự tích tập công đức và trí huệ, với hai sự tích tập này sinh mạng của Bồ tát - tức là sự sống của thân và tâm - đều thanh tịnh, khiến cho ở đây thì không tỳ vết, thương tổn và đó cũng là căn bản để sanh về các cõi Tịnh độ.

1/ “Lợi lạc cho chúng sanh”: là vui trong việc làm công đức. “Mà không mong báo đáp”: là trí huệ thanh tịnh, tâm thanh tịnh.

2/ “Thay thế chúng sanh chịu mọi khổ não”: với người đã ngộ nhập pháp tánh, đã thấy tánh của khổ não, thì có thể làm được điều này. Chịu mọi khổ não của chúng sanh trong pháp tánh là sự chuyển hóa, nâng cấp cho mình lẫn cho người, để đồng thành Phật đạo. “Bao nhiêu công đức làm ra đều đem cho tất cả chúng sanh”: không còn niềm vui nào hơn khi làm điều này, không còn niềm vui nào hơn khi tâm của chúng ta trải rộng ra khắp cả pháp giới.

3/ “Tâm bình đẳng với chúng sanh, khiêm hạ không ngại”: cảnh giới thấp đến đâu thì tâm ấy cũng thấp đến đó. “Tùy hỷ với tất cả Bồ tát như với Phật”: và dù cao đến đâu cũng tâm ấy tùy hỷ được. Một cái tâm thấp đến tận cùng đồng thời cao đến tột đỉnh là một cái tâm toàn mãn và an lạc, hài hòa với tất cả chúng sanh cũng như chư thánh hiền.

4/ “Kinh pháp dù chưa nghe cũng không lơ là giáo pháp nào”: một tâm mở rộng đối với biển cả Phật pháp, và tâm càng mở rộng thì càng thâu nhập. Thâu nhập đến khi mình là toàn bộ biển cả Phật pháp.

5/ “Không chống đối với các vị Thanh Văn”: tuy không đi theo con đường của Thanh Văn, nhưng con đường đó vẫn không ngoài tâm mình.

6/ “Không ganh ghét sự được cúng dường của người, không tự cao về lợi lộc của mình, ở trong đó mà điều phục tâm mình”: không có tâm đố kỵ, tâm kiêu mạn là hai cái độc trong năm độc, do đó mà tâm tương ưng với sinh hoạt của pháp giới, đầy ánh sáng và niềm vui.

7/ “Thường xét lỗi mình”: một tâm nhìn rõ lỗi mình chưa khởi, đang khởi và đã khởi, đó là một tâm loại bỏ mọi cái độc, luôn luôn trong mát như một nguồn nước suối trên núi cao chảy mãi về đồng bằng. “Không trách móc lỗi người”: một tâm khoan dung thì bao la tự do như bầu trời, còn thỏa thích nào hơn!

8/ “Thường nhất tâm cầu công đức”: hạnh phúc luôn luôn xuất hiện nơi bất cứ sự vật nào, trong bất cứ hành động gì, nơi bất kỳ giác quan nào, vì tất cả đều ở trong Phật pháp.

Xem mục lục