Các kinh điển của Ấn Độ giáo coi ahimsà, hay bất bạo động là đức tính cao cả nhất. Ahimsà có nghĩa là từ bỏ himsà, hay bạo động vốn là nguyên nhân gây ra mọi thống khổ cho tất cả sinh vật, người cũng như thú vật. Trong Chàndogya Upanisad người ta thấy nói ngay cả các lễ vật dùng cho việc tế tự cũng phải có tính chất đạo đức. Tại các nơi ẩn cư trong rừng (àsramas) người ta thấy một tinh thần bằng hữu bao trùm cả người lẫn vật. Nhưng ta không thể cho rằng kinh điển Ấn Độ giáo bảo ta phải hoàn toàn từ bỏ vũ lực. Quan điểm của Ấn Độ giáo không phải nghiêm khắc cố thủ một lý tưởng xa vời trong khi lên án mọi thỏa hiệp với lý tưởng ấy. Người ta không thể tìm thấy sự thiêng liêng cao cả ngoài đời sống thông thường. Người ta phải nghiên cứu những yêu cầu cụ thể của mỗi hoàn cảnh đặc biệt và nguyên tắc thích ứng với hoàn cảnh đó. Một lý tưởng xa vời khác hẳn với một chương trình thực tế. Áp dụng vũ lực một cách không thích đáng là bạo động. Khi những ẩn sĩ trong rừng bị những bộ lạc không phải là người Aryan tấn công, họ chịu đựng mà không trả thù, nhưng họ trông đợi ỡ những người Sát Đế Lợi (Ksatriyas – giai cấp thống trị) bảo vệ họ tránh những kẻ xâm lược từ bên ngoài. Trong Rg Veda có nói: “Tôi dương chiếc cung (nỏ) Rudra để bắn vào những kẻ nào sách nhiễu những người Bà la môn. Tôi hiện diện khắp đất trời để chiến đấu bảo vệ cho những người thanh tịnh”. Trong khi chúng ta phải dùng sức mạnh tinh thần để khắc phục tội ác vật chất, nhưng chúng ta cũng được phép áp dụng sự đề kháng vật chất đối với tội ác. Trong khi đặt nặng vào việc sử dụng sức mạnh của tâm linh để chinh phục kẻ địch, nhưng chúng ta cũng được phép dựa vào vũ lực. Trong khi các nhà khổ hạnh và ẩn sĩ đã lánh xa trần tục, không còn trực tiếp liên hệ đến phúc lợi chung của xã hội, không được phép dùng vũ khí để bảo vệ những cá nhân hay đoàn thể thì những công dân, vì nghĩa vụ đòi hỏi, có thể và cần phải cầm vũ để chống lại sự xâm lược. Khi Senapati Singha, một chiến sĩ, hỏi đức Phật xem có nên tham chiến để bảo vệ sinh mạng và tài sản cho dân chúng không thì Phật trả lời: “Kẻ nào đáng trừng phạt thì phải được trừng phạt. Như Lai không dạy rằng những người tham chiến để bảo vệ chính nghĩa là đáng trách, sau khi đã hết mọi phương tiện duy trì hòa bình.” Kinh Bhagavadgìtà cũng áp dụng một quan điểm tương tự khi cho rằng nếu một người giết một kẻ khác vì quyền lợi riêng thì hành động của họ là tội ác, nhưng nếu họ làm thế vì lợi ích chung thì hành động ấy không đáng trách. Trái với yêu là ghét chứ không phải vũ lực. Có những trường hợp mà tình thương phải dùng đến vũ lực. Tình thương không chỉ là tình cảm. Nó có thể sử dụng vũ lực để ngăn chặn tội ác và bảo vệ lẽ phải. Bất bạo động như một trạng thái tinh thần thì khác với bất đề kháng. Nó không có oán hận và căm thù. Có khi tình thương thật sự buộc phải chống lại tội ác. Chúng ta chiến đấu, nhưng tâm hồn phải bình thản. Chúng ta phải diệt trừ tội ác mà đừng trở thành tội ác. Nếu hạnh phúc của loài người là quyền lợi tối cao thì chiến tranh và hòa bình chỉ tốt khi nào chúng phục vụ cho quyền lợi đó. Chúng ta không thể bảo rằng bạo động tự nó là tội ác. Sự bạo động của cảnh sát nhằm mục đích duy trì nền an ninh xã hội. Mục tiêu của nó là ngăn chặn sự rối loạn. Phá hoại không phải là mục đích của tất cả mọi trường hợp tranh đấu. Chiến tranh có thể được chấp nhận khi nào mục tiêu của nó là sự phúc lợi của nhân loại và khi nào nó tôn trọng nhân phẩm của con người. Khi một kẻ tội phạm xâm phạm nhân phẩm của người khác mà chúng ta bảo phải tôn trọng nhân phẩm của y, khi một kẻ cướp tàn sát dân lành mà ta bảo phải đối xử với y như một người lương thiện thì chúng ta đã đồng lõa với tội ác. Chúng ta không thể phán đoán cách sử dụng vũ lực là tốt hay xấu nếu ta chỉ nhìn nó một cách phiến diện. Một cuộc giải phẫu làm cho bệnh nhân đau đớn, nhưng chỉ có thể áp dụng để cứu sống bệnh nhân, chỉ khác có một điều là con dao của nhà giải phẩu hay con dao của kẻ sát nhân mà thôi.
Trong một thế giới nhiều khuyết điểm, nơi mà không phải ai ai cũng là thần thánh thì vũ lục phải được sử dụng để giữ cho thế giới sống còn. Trong những hoàn cảnh hiện tại, vũ lục cần phải được dùng đến để chặn đứng sự hỗn loạn, bảo vệ cho những người cô thế và duy trì trật tự giữa cá nhân với cá nhân và giữa đoàn thể với đoàn thể, miễn là sự sử dụng ấy không phải cố ý phá hoại. Nó phục vụ quyền lợi tối hậu của những người mà nó định phục vụ. Hành động cảnh sát hợp pháp ấy là cần thiết nếu chúng ta muốn tránh tình trạng rối loạn.
Bạo động khác với trừng phạt. Bạo động gây tổn thương cho một người vô tội còn trùng phạt là ngăn chặn tội phạm. Vũ lực không phải là người làm ra luật mà là kẻ phục vụ luật pháp. Chính trực và công bằng là nguyên lý cai trị và vũ lục là để hỗ trợ cho nguyên lý ấy. Trong Mahàbharata miêu tả cái lý tưởng của một thư sinh như sau: “Trước mặt là bốn kinh Vệ-đà, sau lưng là chiếc cung với bầu tên, một mặt tâm linh đạt đến mục đích của nó bằng sức mạnh tinh thần, còn mặt kia là vũ lực quân sự hoàn thành sứ mệnh của nó.” Nhưng, trong Ràmàyana thì cho rằng sức mạnh của người lính chiến là đáng khinh, chỉ có sức mạnh của nhà hiền triết mới là sức mạnh chân chính. Nơi nào mà bất bạo động không có công hiệu thì được phép sử dụng bạo lực. Kinh Vệ-đà có nói đến chiến tranh và chiến trường, có chứa đựng những bài kinh cầu nguyện cho sự chiến thắng trên chiến trường và sự bại trận của kẻ địch. Những anh hùng trong Thi Sử không lùi bước trước kẻ thù độc ác. Ta buộc phải hủy diệt sự sống của kẻ khác trong trường hợp phải tự vệ, nhưng đừng bao giờ gây ra chết chóc hay khổ đau nếu chúng không tuyệt đối cần thiết.
Những kinh điển của Ấn Độ giáo coi bất bạo động là nhiệm vụ tối cao, nhưng cũng đưa ra những trường hợp trong đó nguyên tắc bất bạo động không được áp dụng. Chúng ta sống trong một xã hội với những luật pháp, quy tắt và phong tục không phải là lý tưởng, nó có quân đội, cảnh sát và nhà tù, tuy nhiên ta vẫn có thể sống cuộc đời trong sạch và thương yêu tất cả mọi người. Trong khi nêu cao lý tưởng và luôn phấn đấu để đạt đến lý tưởng ấy, người Ấn Độ giáo vẫn thừa nhận phải có luật pháp và quy tắc, bởi không có chúng xã hội sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn và vô trật tự. Trong khi sự toàn thiện là một điều không thể theo đuổi được thì chúng ta phải cố gắn không ngừng để trừ khử sự bất toàn thiện và tiến đến lý tưởng. Lý tưởng bất bạo động phải được nuôi dưỡng trong mỗi chúng ta như một mục đích cao cả, nếu trong những trường hợp bắt buộc phải trừ bỏ lý tưởng ấy thì ta phải chấp nhận với niềm ân hận, hối tiếc. Trong lời dạy của chúa Kitô người ta cũng thấy một quan điểm tương tự.