Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

Trước hết hãy xét đến vấn đề vị trí của bạo lực trong xã hội. Sự nhấn mạnh của thánh Cam – Địa về bất bạo động và chiến tranh đã khiến cho vấn này trở nên cấp bách và, nếu có thể, chúng ta cần phải có một ý niệm thật rõ ràng về vấn đề này. Hàng thế kỷ, chiến tranh – một nỗ lực có tổ chức để tàn sát lẫn nhau – đã được ca tụng như một sự kiện tự nhiên và lành mạnh không thể tách rời đời sống của một quốc gia. Con người thường dùng lý trí để biện minh cho những hành động của mình. Chiến tranh được coi như một phương tiện để đạt đến những mục đích cao đẹp. Sau đây chúng tôi xin trích dẫn ý kiến của một số người để chứng minh cho nhận xét này.

Nietzsche nói: “Đối với những quốc gia đang trở nên yếu kém và bị khinh thị thì chiến tranh có thể được coi làm một liều thuốc, thật vậy, nếu quốc gia ấy muốn tiếp tục sống còn”… “Đàn ông phải được huấn luyện cho chiến tranh, đàn bà cho sự tiêu khiển của các chiến sĩ, còn ngoài ra, tất cả chỉ là điên rồ”… “Bạn cho rằng chính nghĩa thăng hoa ngay cả chiến tranh? Không! Tôi cho rằng một cuộc chiến tranh tốt thánh hóa bất cứ chính nghĩa nào”… 

Ruskin nói: “Tôi nghĩ rằng tất cả các quốc gia hùng cường đã thể hiện sự thật và sức mạnh tinh thần của họ trong chiến tranh rằng họ được nuôi dưỡng trong chiến tranh và lãng phí trong hòa bình, được dạy dỗ trong chiến tranh và bị lừa gạt trong hòa bình, tóm lại một câu là họ sinh trong chiến tranh và chết trong hòa bình.”

Molke thì nói: “Chiến tranh là một bộ phận bất khả phân trong thế giới của thượng đế, nó thúc đẩy sự cống hiến cao quí nhất của con người”…

… “Hòa bình vĩnh cửu chỉ là một giấc mơ, nhưng không là một giấc mơ đẹp.”
Bernhardi tuyên bố: “Chiến tranh là một nhu cầu sinh học, một quy định không thể thiếu trong đời sống nhân loại, nếu thiếu nó thì kết quả sẽ là một lối tiến hóa tai hại cho loài người và hoàn toàn đi ngược lại với tất cả mọi nền văn hóa… Nếu không có chiến tranh thì những dân tộc nhược tiểu hay dã man sẽ nuốt chững những dân tộc khỏe mạnh và văn minh và kết quả là sự sụp đổ toàn diện. Chiến tranh là một trong những yếu tố căn bản của đạo lí. Nếu cần thì một chính khách phải gây ra một cuộc chiến tranh: đó không những là nhiệm vụ chính đáng mà còn là nhiệm vụ đạo đức và chính trị nữa.”

Oswald Spengler viết: “Chiến tranh làm một hình thức vĩnh viễn của sự sống cao đẳng của con người, các quốc gia tồn tại vì mục đích gây chiến,”.

Mussolini quả quyết: “Chỉ có chiến tranh mới đưa được toàn lực của con người đến điểm mãnh liệt nhất, hãy tặng huy chương cao hơn hết cho những dân tộc nào có đủ can đảm đón nhận nó”.

Trong bài diễn văn đọc trước một số sinh viên của đại học Aberdeen năm 1931, Sir Arthur Keith nói: “Thiên nhiên giữ cho vườn cây nhân loại xanh tốt bằng cánh xén tỉa, chiến tranh là chiếc kéo tỉa cành cây của thiên nhiên. Chúng ta không thể ngăn cản công việc của thiên nhiên.”
Đã có những người thuộc tất cả các quốc gia ca tụng chiến tranh như kẻ ban bố nghị lực, cải tiến sự sinh tồn và là kẻ tiêu diệt sự yếu kém. Người ta bảo chiến tranh đã phát triển những đức tính cao quý như: can đảm, danh dự, trung thành và võ hiệp.

Lương tri con người đã tiến triển theo thời gian và ngày nay chiến tranh không còn được ca tụng nhưng được chấp nhận với niềm ân hận ray rứt trong lòng.

Trong khi phe Trục vẫn bám lấy chiến tranh cho đó là một yếu tố căn bản của tiến bộ xã hội, trong khi họ tin rằng sức mạnh là tiêu biểu cho sự vĩ đại của một dân tộc, rằng mục đích của kẻ mạnh là phải khuất phục kẻ yếu, rằng chiến tranh xâm lược là một vinh quan chứ không phải tội ác, rằng bất luận bằng cách nào mang lại thắng lợi dù là lừa gạt, tàn bạo, khủng bố, phi nhân đều được cả, thì các quốc gia Đồng minh tuyên bố họ bắt buộc phải tham chiến vì muốn kiến tạo hòa bình, vì muốn xây dụng một nền trật tự thế giới mà trong mối bang giao giữa các quốc gia phải được quy định như thế nào để tránh những cuộc chiến tranh định kỳ. Họ không những chỉ ghê tởm chiến tranh mà còn ghê tởm cả cái tinh thần và khuynh hướng của phe Trục**. trong một bầu không khí chiến tranh, tất cả mọi phương tiện giáo dục đều nhằm vào việc bồi dưỡng tinh thần chiến tranh. Trong các phim ảnh phơi bày toàn những dụng cụ giết người: nào đại bác, xe tăng, tàu chiến, máy bay, mìn và lựu đạn, v.v.. chúng ta chiến đấu với quân địch bằng lòng tràn đầy thù hận, man rợ và với một đầu óc được tăng cường bằng sự khôn ngoan của khoa học.

Song, các tôn giáo đã tán dương sự bất bạo động như một đức tính tối cao, và cho bạo động là nhược điểm của con người. Người ta không bao giờ tìm thấy điều thiện trong một hình thức hoàn toàn trong thế giời khuyết điểm này, để thấy được sự biểu hiện hoàn toàn của nó ta phải đi vào một thế giới trong đó không còn có thiện, ác đối đãi nữa. Nếu lý tưởng ấy chưa được thấm nhuần đầy đủ trong nhân gian như chúng ta mong muốn thì điều đó không có nghĩa là chúng ta phải xa rời lý tưởng ấy. Những nguyên lý tuyệt đối phải được gắn liền với thế giới kinh nghiệm mà đang biến đổi và tùy thuộc vào tính ngu xuẩn và ích kỷ của con người. Chúng ta phải mang lại những sự thay đổi trong tình hình xã hội sẽ đưa đến sự thể hiện lý tưởng ấy một cách đầy đủ hơn. Tôi có thể lấy Ấn Độ giáo và Thiên Chúa giáo làm điển hình. 

Chú thích:

**Trong Mein Kampt, Hitler viết: “Vấn đề làm thế nào mang lại quyền lực cho người Đức không phải ở chỗ chúng ta có thể chế tạo vũ khí như thế nào, nhưng ở chỗ làm thế nào gây được tinh thần khiến cho một dân tộc có khả năng mang vũ khí. Một khi có được tinh thần ấy rồi thì một dân tộc có trăm nghìn cách đi đến vũ trang cần thiết.” 

Xem mục lục