Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

Sanh tử luân hồi là khuynh hướng tìm thấy
những lỗi lầm nơi người khác.
Naropa

 

Người ta lầm địa chỉ khi tìm hạnh phúc bên ngoài mình, người ta đã thấy điều đó. Người ta có đi du lịch đến đầu kia của thế giới và nhân lên nhiều lần những kinh nghiệm cho đến vô tận cũng vô ích, người ta vẫn sẽ luôn luôn thấy những sự vật qua cùng một đôi mắt, vì người ta tri giác thế giới theo cái mà người ta nghĩ và cảm nhận. Mỗi người có cách diễn dịch riêng của nó về thế giới trong đó nó đang sống.

 

Mọi cố gắng sửa đổi thế giới cho phù hợp với những tham muốn và hy vọng của chúng ta đều đưa đến thất bại. Nếu trời mưa, người ta không thể làm gì và không phải vì người ta muốn thấy mặt trời mà trời nắng. Tuy nhiên, có một điều mà người ta có quyền thay đổi : sự khó chịu mà cơn mưa gây ra cho chúng ta. Điều này không muốn nói rằng người ta phải tự tạo mọi mảnh của một nhân cách mới khác – con người mà người ta có là đã quá đủ. Một cách thực tiễn, điều này nghĩa là người ta cần một tấm gương để giúp người ta thấy đích xác người ta ở đâu, và phát giác cho người ta thấy những khía cạnh của nhân cách mình mà trên đó người ta cần làm việc.

 

Con người có một khuynh hướng rõ ràng là sưu tầm những cái mặt nạ ; mỗi người thực sự có một mặt nạ cho mỗi hoàn cảnh. Nếu người ta không biết người ta có cái đầu gì, thì thực ra bởi vì người ta không bao giờ thực sự quan sát nó một cách chăm chú. Chắc hẳn người ta thiếu sự thụt lui để thấy nó rõ ràng. Rồi người ta nhìn cái đầu của những người khác, và khi thấy một cái đầu đẹp, người ta mong cái đầu mình giống được như nó.

 

Tuy nhiên, có đôi khi mặt nạ rơi tuột đi, hay người ta đã quên mang nó, và trong khoảnh khắc ngắn ngủi, người ta lập tức tự thấy mình nguyên dạng. Nói chung, sự chấn động khiến người ta không chịu đựng nổi. Người ta vội vã che dấu điều người ta đã thấy và làm lại rất mau một mặt nạ mới. Người ta có thói quen luôn luôn muốn sửa chữa lại thực tại để làm lại nó theo ý thích đến độ người ta không đảm đương cái thực sự người ta là. Trong thời gian đó, khuôn mặt thật của chúng ta đang hư thối dưới những mặt nạ, thiếu ánh sáng và không khí, và cũng bởi vì người ta không bao giờ nghĩ đến việc lau rửa nó.

 

Người ta có thể đến chỗ cho những người khác một hình ảnh đẹp về mình, trong khi cái người ta dấu sau những mặt nạ cần một sự giảm xuống nghiêm túc. Vậy là người ta chông chênh khi cho hình tướng bên ngoài đặc quyền so với thực tại, bởi vì chính cái người ta thực sự có nơi mình mới quyết định phẩm chất những kinh nghiệm và dòng sống của chúng ta. Khi nào người ta còn che dấu sự thối nát dưới một sự điểm trang hấp dẫn, người ta chẳng có ích lợi gì nhiều cho chính mình hay cho những người khác, dù người ta duy trì thành công một sự giả bộ toàn vẹn.

 

Chính là sau cái mặt nạ mà người ta phải đuổi cái ta ra khỏi sào huyệt để học nhận biết nó. Tất cả chúng ta đều có nhãn hiệu một “cái tôi”, tuy nhiên thật hiếm người biết họ thực sự là gì. Chỉ cần người ta cho một cái gì nhỏ nhặt, dư thừa – như một đồ chơi trẻ con vặt vãnh hay một mẩu bánh mì – để tự xưng là một lương tâm tốt hay tự cho là một nhà từ thiện vĩ đại, và người ta không thể quên cử chỉ đó. Bấy giờ người ta biểu lộ chứng quên lẫn sâu xa đối với những cơn ích kỷ hay với những trận giận dữ. Và như vậy người ta tự xây dựng một hình ảnh sai lầm về mình để tự củng cố, tự an tâm. Tất cả ý tưởng người ta tự tạo về mình đặt nền trên một sự lừa đảo còn khó phá hơn khi chính người ta là tác giả. Bởi thế tại sao người ta cần một tấm gương soi.

 

Đây là lời nói về vấn đề này của một trong những vị thầy tâm linh vĩ đại của Tây Tạng, Jamgon Lodro Thaye : “Khi tôi nhìn một số người thực hành Phật giáo, họ hoàn toàn có vẻ tốt đẹp, nhìn theo bên ngoài : họ nói hay, ăn mặc đúng, họ biết ngồi như một vị Phật. Nhưng khi tôi quan sát khuôn mặt bên trong của họ, họ có vẻ của những con rắn độc. Chỉ cần họ chạm phải chút khó khăn hay chút chướng ngại nhỏ nhặt thì tính khí đích thực của họ lộ ra ngay. Như con rắn có vẻ trơn láng và mềm mại trong khi luôn luôn sẵn sàng mổ, những người đó sẵn sàng gây gổ đổ lỗi cho bất kỳ ai làm chướng ngại họ.”

 

Không phải tự thân con rắn là xấu, nhưng sự sợ hãi, thù hận và vô minh đã quy định nó phải giết mỗi khi nó cảm thấy bị đe dọa. Chúng ta cũng hơi giống như vậy : cái xấu người ta có thể thấy nơi mình là sản phẩm của vô minh – sự nhận biết sai lầm về bản tánh thật sự của những sự vật. Vậy thì người ta có thể, và người ta phải, chuyển hóa vô minh này thành trí huệ, bằng cách nhìn vào trong, xoay tâm thức về trên chính nó. Điều này sẽ tự động tác động lên những tương quan lành mạnh hơn, phong phú hơn với thế giới bao quanh chúng ta.

 

Điều trên có nghĩa quan trọng là tỏ ra điều độ và lương tri đối với cái mà người ta sắp khám trong gương. Để cho những lỗi lầm, khuyết điểm được che dấu thì chẳng lợi ích gì, cũng không hiệu quả và có hại khi chỉ thấy những mặt tốt của mình. Nếu người ta quá đặt nặng những thói xấu, những lệch lạc của mình, người ta sẽ chìm trong thất vọng và chán nản tất cả. Người ta phải có thể tự xem mình trong cái gương một cách khách quan, không kết án điều mình thấy trong đó, và không muốn đập bể gương thành muôn mảnh. Ngược lại, vô ích khi không biết đến những khuyết điểm hay đè nén chúng, điều chỉ làm chúng mạnh thêm khi luôn luôn đặt mình dưới sức ép, sẵn sàng bùng nổ trước một cơ hội nhỏ.

 

Vũ khí nguyên tử là một chuyện làm cho nhiều người trong chúng ta tức giận, tuy nhiên người ta không biết rằng tâm thức chúng ta thường trực là chỗ ở của một loại phản ứng nguyên tử. Mỗi ngày, cái “ta” sản xuất ra hàng triệu tấn kiêu ngạo, ghen ghét, giận dữ, tham muốn và thù hận, chúng gieo rắc kinh hoàng và căng thẳng ở mọi phương vị và gây nên những tổn hại khủng khiếp nơi ta và nơi những người khác. Rõ ràng không phải chôn vùi những vũ khí nguyên tử xuống đất hay tự bằng lòng với ước mong chúng biến mất mà người ta làm cho chúng thành vô hại. Nếu người ta muốn hóa giải những sức mạnh tàn phá chứa trong mình, phải tỏ ra khôn khéo và thiện xảo để tháo gỡ và triệt hạ chúng. Người ta phải kêu gọi hiểu biết và tình thương, cộng với khá kiên nhẫn và không bám luyến. Không quên một chút thư giãn và khôi hài…

 

Điều người ta sắp khám phá khi nhìn “tấm gương” sẽ rất ích lợi cho chúng ta để thành tựu con đường tâm linh, nhưng quan trọng nhất là cái trí huệ rất mới mẻ này không nằm trong chữ nghĩa chết khô. Phải đem nó vào kinh nghiệm của mình và nuôi dưỡng thường trực nó trong cuộc sống hàng ngày. Nếu người ta không áp dụng vào cuộc sống trí huệ và lòng bi vừa thức giấc trong mình, người ta sẽ chỉ có thêm một mặt nạ khác.

 

Một kỹ thuật chỉ có giá trị nếu người ta có thể áp dụng nó vào một tình huống thực tiễn. Dù bạn có một hiểu biết lý thuyết hoàn hảo về cơ khí, bạn cũng sẽ không thể sửa chiếc xe của bạn nổ máy trở lại trước khi chính bạn bước vào thực hành bằng cách thọc tay vào dầu mỡ. Những kỹ thuật làm chủ tâm thức chẳng giúp gì bạn nếu chúng vẫn còn nguyên là những lý thuyết trừu tượng ; chúng chỉ có giá trị nếu chúng hiện thân trong thực tế hàng ngày và nuôi dưỡng thực tế đó. Chẳng hạn có ăn nhập gì khi trải qua một giờ thiền định về sự ghen tuông để cố thoát khỏi nó, rồi tức thì sau thời thiền, người ta lại nổ bùng một cơn ghen tuông với vợ hay chồng chỉ vì một cái cớ nhỏ nhặt.

 

Người ta có thể trải qua một đời thu thập sưu tầm những giáo huấn đủ mọi loại với những thiện ý tốt đẹp nhất cho thế giới : chúng chẳng giúp gì nhiều khi người ta không áp dụng chúng vào hoàn cảnh cụ thể. Sự giáo dục và khả năng trí thức của chúng ta có thể có một ích lợi nào đó để chúng ta hiểu cái gì xảy đến với chúng ta trong đời sống hàng ngày và giúp chúng ta quản lý nó. Nhưng vô cùng quan trọng hơn là có một tâm thức mở rộng, sẵn sàng chấp nhận cái gì tự xuất hiện và đối mặt với nó. Tiến bộ tâm linh không phải là một vấn đề trình độ trí thức hay và văn hóa : ở Tây Tạng không thiếu những người rất đơn giản, họ không biết đọc không biết viết, đã đạt đến một trạng thái thức tỉnh hoàn toàn của tâm thức.

 

Mỗi người đều mang nơi bản thân mình tiềm năng của sự thức tỉnh tâm linh. Nếu người ta thêm vào đó sự phong phú lớn lao những kinh nghiệm mà chúng ta đều có, người ta có tất cả nguyên liệu cần thiết cho sự phát triển tâm linh, miễn là người ta khai thác nó. Bởi vì người ta không dùng nó, thì cũng như nó không có gì cả ở nơi người ta. Một người giàu có không biết cách dùng tiền sẽ có nhiều vấn đề khó khăn hơn một người đạm bạc biết rút phần tốt nhất có thể từ mỗi đồng xu. Một ví dụ khác : hãy tưởng tượng rằng bạn muốn nổ máy chiếc xe hơi của bạn. Nó không nhạy : bình ắc quy hết điện. Bạn có hàng trăm bình ắc quy để thay đổi trong ga-ra, nhưng bạn cũng quên sạc chúng. Tất cả tiềm năng năng lượng mà bạn có là vô ích, vì không được dùng, và bạn chẳng thể chạy đi. Từ đó là sự quan trọng phải nghiêm mật và lợi dụng cái người ta đã vốn có.

 

Trở lại tấm gương của chúng ta, không chỉ đơn giản ngắm hình ảnh mình trong đó, mà còn phải chuyển sang hành động. Không phải chỉ nhận ra mình đang ghen tuông, giận dữ, rồi thôi. Phải thể hiện sự kiên trì và sáng suốt để học nhận diện, rồi hóa giải, trung hòa những chất độc bên trong của mình và những trạng thái tâm lý phát sanh từ chúng, những trạng thái tâm lý đã tạo cho chúng ta một thế giới quá đỗi khó khăn để sống. Nếu chúng ta không thể kiểm soát thế giới bên ngoài, ít ra tất cả chúng ta đều có thể đánh bại những kẻ xúi giục ra những rối rắm khổ nạn này là giận dữ, kiêu căng, tham muốn, thù hận và ghen tỵ. Càng tiến theo chiều hướng này, người ta càng cảm thấy biến mất cái cảm tưởng xung đột thường trực với những sự vật và những con người mà người ta đã có trước kia, và những vấn đề và những khổ đau của chúng ta càng giảm đi bấy nhiêu. Khi người ta chấm dứt tự đánh lộn với chính mình, người ta không còn chiến đấu với phần còn lại của thế giới. Nếu người ta biết tự chấp nhận mình như mình đang là, người ta có thể chấp nhận phần còn lại của thế giới và những người đang chia xẻ thế giới với chúng ta. Không còn nữa sự hao tán thất thoát năng lượng trong những xung đột bên trong hay bên ngoài ; mọi điều người ta làm, ở mọi cấp độ, đều hòa nhập vào hành trình tâm linh, và đem lại lợi lạc cho những người khác đồng thời cho chính mình.

 

Trước khi đến đó, tốt hơn là tránh rơi vào một quá độ của sự tự soi xét mình bằng cách tự phân cực mình thái quá trên chính mình và trên những vấn đề cá nhân. Để giữ sự chừng mực, cần không mất quan điểm vị tha của động lực ban đầu : nhớ rằng người ta tiến hành công việc này trên chính mình là để tìm ra khá đủ những nguồn lực nơi mình để có thể giúp đỡ những người khác. Một thái độ như thế sẽ cho chúng ta một điểm quy chiếu khách quan và tránh cho chúng ta khỏi quá tự trầm ngâm về chính mình. Người ta sẽ mang lại một cái nhìn tỏ rõ hơn về những sự vật khi thấy chúng như chính chúng là, và người ta sẽ tri giác tốt hơn cái gì không ổn trong đời họ. Người ta sẽ học thay đổi cái có thể thay đổi và chấp nhận cái không thể tránh.

 

Không dễ chịu lắm khi sống trước mặt một tấm gương, nhưng trò chơi xứng đáng bỏ công để giúp chúng ta hiểu những khó khăn của chúng ta và giúp giải quyết chúng. Bình thường, người ta có khuynh hướng phê phán những người khác và muốn thay đổi họ nhiều hơn. Thế nên người ta có thể hơi hoảng sợ khi lần đầu tiên nhìn thấy những quan hệ của mình và thế giới bằng cách mới mẻ này : thay vì chờ đợi những sự việc thay đổi từ bên ngoài, người ta nắm chính mình trong tay. Ban đầu, chắc chắn người ta hơi sợ vì cái không biết, cái xa lạ, điều đó rất bình thường, nhưng việc đó cũng không phải khó khăn như nó có vẻ thế : chỉ cần chấp nhận tìm hiểu chính mình, làm bạn với chính mình, như một người nuôi thú giỏi trước tiên phải có được sự tin cậy của con cọp trước khi có thể dạy dỗ nó. Một khi người ta biết thiết lập những quan hệ thật sự với chính mình, người ta có lẽ sẽ thấy rằng người ta có không nhiều những vấn đề hơn người ta tưởng, và những vấn đề thực sự còn lại có thể tự giải quyết khá dễ dàng.

 

Điều đó mở ra những viễn tưởng đáng để khổ công đầu tư vào công việc làm trên chính mình này. Khi học điều phục tâm thức mình, người ta có khả năng giải quyết những vấn đề riêng tư. Có một cái gì thay thế cho sự khó nhọc này không ? Có chứ, nếu người ta thích ở lại hơn mãi mãi trong tình trạng xung đột chiến đấu thường trực với thế giới, bằng cách cứ tiếp tục đổ những cái gì không song suốt lên lưng những người khác hay những hoàn cảnh. Nếu quả thật người ta chọn biện pháp này, phải tiên liệu sự nhiễm độc với hàng triệu cá nhân khác… Thật là một chương trình vĩ đại ! Thế thì dạy dỗ thuần hóa tâm thức của chính mình sẽ trở thành một cách giải quyết duy nhất đơn giản mà hấp dẫn vô song…

Xem mục lục