GIẢI THÍCH: PHẨM CHẮC CHẮN THỨ 83
(Kinh Đại Bát-nhã hội 2 ghi: Phẩm Chánh Định thứ 81)
KINH: Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát ấy chắc chắn hay là không chắc chắn?[1]
Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát ấy chắc chắn, chẳng phải không chắc chắn.
Bạch đức Thế Tôn, ở chỗ nào chắc chắn? Ở trong đạo Thanh-văn, ở trong đạo Bích-chi Phật hay ở trong Phật đạo?
Phật dạy: Bồ-tát ấy chẳng phải ở trong đạo Thanh-văn, đạo Bích-chi Phật chắc chắn, mà ở trong Phật đạo chắc chắn.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, đó là Bồ-tát mới phát tâm chắc chắn ư? Hay là Bồ-tát thân sau cùng chắc chắn?[2]
Phật dạy: Bồ-tát mới phát tâm cũng chắc chắn, Bồ-tát không thối chuyển cũng chắc chắn, Bồ-tát thân sau cùng cũng chắc chắn.
Bạch Thế Tôn, Bồ-tát chắc chắn sinh trong ác đạo chăng?
[1] T. 8: Phóng quang Bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 19, tr. 136c13-14: Thế nào là Bồ-tát ma-ha-tát chắc chắn hay là không chắc chắn?; T. 7: Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ hai (大般若波羅蜜多經, 第二分), quyển 477, tr. 414c17-18: Các Bồ-tát ma-ha-tát trụ nhóm chánh tánh định hay trụ nhóm bất định ư?; T. 7: Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ ba (大般若波羅蜜多經, 第三分), quyển 536, tr. 751b28-29: Các Bồ-tát ma-ha-tát trụ nhóm định hay trụ nhóm bất định ư?
[2] Xem T. 8: Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh (摩訶般若波羅蜜經), quyển 4, phẩm kim cang thứ 13 (金剛品第十三), tr. 243b11-19; Đại trí độ luận, quyển 45, giải thích phẩm Ma-ha-tát thứ 13 (釋摩訶薩品第十三), tr. 382b8-21.
* Trang 488 *
Phật dạy: Không. Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, hoặc hàng Bát nhân, hoặc hàng Tu-đà-hồn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật sinh trong ác đạo chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Phật dạy: Như vậy, Bồ-tát từ khi mới phát tâm lại đây tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ dứt tất cả nghiệp bất thiện, mà hoặc bị đọa ác đạo, hoặc sinh cõi trời sống lâu, hoặc không được ở chỗ tu thiện pháp, hoặc sinh nơi biên địa, hoặc sinh vào nhà tà kiến ác, nhà tà kiến không làm,[1] là các nơi không có danh từ Phật, danh từ Pháp và danh từ Tăng, là không có lẽ ấy. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát mới phát tâm đối với Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà lại đem tâm sâu xa hành mười đạo bất thiện, là không có lẽ ấy.[2]
Bạch đức Thế Tôn, nếu Bồ-tát thành tựu các công đức căn lành như vậy, như Phật tự nói: Nếu đời trước thọ quả báo bất thiện thời khi ấy thiện căn ở chỗ nào?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát vì lợi ích chúng sinh nên tùy chỗ thọ thân, đem thân ấy làm lợi ích chúng sinh. Khi Bồ-tát làm súc sinh có sức phương tiện lớn, nếu giặc ốn muốn đến giết hại, vì tâm nhẫn nhục không gì cao hơn, tâm từ bi không có gì cao hơn nên Bồ-tát xả thân mà không não hại
[1] T. 1: Trung a-hàm kinh (中阿含經), quyển 29, đại phẩm, kinh số 124: kinh bát nạn (八難經), tr. 613b1-c10.
[2] T. 8: Phóng quang Bát-nhã kinh ( 放光般若經), quyển 19, tr. 136c22-26: Bồ-tát mới phát tâm hành sáu ba-la-mật, các ác thời diệt, nếu sanh ác thú là không có việc ấy; cũng không sanh ở cõi trời trường thọ, cũng không sanh ở chỗ biên địa không có phật pháp, không sanh nhà tà kiến, nếu sanh ở các chỗ đó không có lẽ đó; trọn không sanh nhà vô đạo kiến. Tu-bồ-đề! Tân học Bồ-tát phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác, trọn không phạm mười điều ác; T. 7: Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ hai (大般若波羅蜜多經, 第二分), quyển 477, tr. 415a3-16: Phật bảo:Thiện Hiện! Các Bồ Tát Ma ha tát cũng lại như thế. Từ sơ phát tâm tu hành bố thí Ba la mật đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa và vô lượng vô biên các Phật pháp khác dứt các ác pháp. Do nhân duyên đây đọa các ác thú, không có lẽ ấy, sanh trời trường thọ cũng không lẽ ấy. Vì ở chỗ kia các thắng thiện pháp hiện hành chẳng được. Bồ-tát ma-ha-tát này nếu sanh chốn biên địa, hoặc sanh nơi bất tín hay trong ác kiến không có lẽ ấy, vì ở chỗ kia chẳng năng tu hành thiện pháp thù thắng, khởi nhiều ác kiến, chẳng tin nhân quả, thường ưa tạp làm các uế ác, chẳng nghe danh Phật, danh Pháp, danh Tăng, cũng không bốn chúng là Bí-sô, Bí-sô-ni, thiện nam tử, thiện nữ nhân. Bồ-tát ma-ha-tát này sanh nhà tà kiến, không có lẽ ấy, vì sanh nhà kia chấp chặt các thứ ác kiến thú, bác bỏ không diệu hành, ác hành và quả, chẳng tu các lành, ưa làm các ác, nên các Bồ Tát chẳng sanh nhà kia.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các Bồ-tát ma-ha-tát sơ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác đem thắng ý lạc mà thọ hành mười thứ bất thiện nghiệp đạo, không có lẽ ấy; T. 7: Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ ba (大般若波羅蜜多經,第三分), quyển 536, tr. 751c12-23.
* Trang 489 *
giặc óan, còn hàng Thanh-văn, Bích-chi Phật không có sức như vậy. Vì thế nên biết Bồ-tát muốn đầy đủ tâm từ bi lớn, vì thương xót mà làm lợi ích chúng sinh nên thọ thân súc sinh.
Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát trú ở trong căn lành nào mà thọ các thân như vậy?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát từ khi mới phát tâm cho đến khi ngồi đạo tràng, trong khoảng thời gian ấy không có căn lành (kuśalamūla) nào không đầy đủ,[1] đầy đủ rồi sẽ được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vì thế nên Bồ-tát khi mới phát tâm hãy nên học hết thảy căn lành; học căn lành rồi sẽ được trí Nhất thiết chủng, sẽ dứt hết thảy phiền não (kleśa) và tập khí (vāsanā).[2]
Bạch đức Thế Tôn, tại sao Bồ-tát thành tựu pháp vô lậu trắng sạch như vậy mà lại sinh trong các đường ác súc sinh?[3]
Phật bảo Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao, Phật thành tựu pháp vô lậu trắng sạch chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Phật thành tựu hết thảy pháp vô lậu trắng sạch.
Nếu Phật tự biến làm thân súc sinh để làm Phật sự, độ chúng sinh, thời đó thật là súc sinh chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Thưa không, bạch Thế Tôn.
[1] T. 7: Đại-bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ hai (大般若波羅蜜多經, 第二分), quyển 477, tr. 415b6-7: Các Bồ-tát từ khi mới phát tâm cho đến khi ngồi Bồ-đề đạo tràng, không có căn lành nào không viên mãn.
[2] T. 7: Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ hai (大般若波羅蜜多經, 第二分), quyển 477, tr. 415b9-12: Bồ-tát từ khi mới phát tâm cho đến khi ngồi Bồ-đề đạo tràng trong khoảng thời gian ấy thường học viên mãn hết thảy thiện pháp; học rồi sẽ được nhất thiết tướng trí, vĩnh viễn đoạn trừ hết thảy tập khí tương tục, mới có thể chứng được nhất thiết trí trí.
[3] T. 8: Phóng quang Bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 19, tr. 137, a13-15: Bồ-tát đầy đủ thiện pháp, chứng đắc pháp vô lậu hiền thánh, mà lại sinh trong đường ác thú cho đến súc sanh ư?; T. 7: Đại-bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ hai (大般若波羅蜜多經, 第二分), quyển 477, tr. 415b13-14: Tại sao Bồ-tát ma-ha-tát thành tựu pháp trắng sạch và chân thánh trí như vậy mà lại sanh vào ác thú thọ thân bàng sanh?; Đại-bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ ba (大般若波羅蜜多經, 第三分), quyển 536, tr. 752a22-23: Tại sao các Bồ-tát ma-ha-tát thành tựu các pháp thánh vô lậu trắng sạch như vậy mà lại sanh trong ác thú thọ thân bàng sanh?
* Trang 490 *
Phật dạy: Bồ-tát cũng như vậy, thành tựu pháp vô lậu trắng sạch; vì độ chúng sinh nên thọ thân súc sinh, cũng dùng thân ấy giáo hóa chúng sinh.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Như A-la-hán thân làm biến hóa có thể khiến chúng sinh hoan hỷ chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Có thể.
Phật dạy: Như vậy, như vậy. Bồ-tát dùng pháp vô lậu trắng sạch ấy, tùy theo chúng sinh đáng được độ mà thọ thân; dùng thân ấy làm lợi ích chúng sinh, cũng không chịu sự thống khổ. Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Vị thầy huyễn thuật huyễn làm các hình dạng: Hoặc voi ngựa, trâu dê, nam nữ để chỉ cho mọi người thấy, mà voi ngựa, trâu dê, nam nữ ấy có thật chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Không thật, bạch Thế Tôn.
Phật dạy: Như vậy, Bồ-tát thành tựu pháp vô lậu trắng sạch, hiện ra mỗi mỗi thân để chỉ bày cho chúng sinh; dùng thân ấy làm lợi ích tất cả, cũng không chịu các thống khổ.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát có sức phương tiện lớn, được trí tuệ vô lậu bậc thánh, tùy theo thân chúng sinh đáng được độ mà hiện mỗi mỗi thân hình để độ chúng sinh.
* Trang 491 *
LUẬN. Hỏi: Trong phẩm Tướng Thối Chuyển ở trên nói: Tướng như vậy là tướng mạo chẳng thối chuyển, tướng như vậy là tướng mạo chẳng phải chẳng thối chuyển.[1] Chẳng thối chuyển tức là chắc chắn, nay cớ sao Tu-bồ-đề lại hỏi?
Đáp: Bát-nhã ba-la-mật có nhiều môn, có nhiều đạo. Chẳng thối chuyển là nói về môn một tướng, nay hỏi chắc chắn là hỏi về môn hai tướng.
* Lại nữa, ở trong tâm Phật, hết thảy chúng sinh và hết thảy pháp đều chắc chắn, vì trí người không sánh kịp nên nói là không chắc chắn. Phật tuy biết vô lượng vô số kiếp chứa nhóm công đức lớn, chắc chắn thối chuyển làm hàng Tiểu thừa, cũng biết côn trùng vi tế, tuy chưa có tâm từ nhưng trải qua bấy nhiêu kiếp phát tâm sau sẽ được làm Phật. Chắc chắn biết hết thảy pháp đều như vậy, từ nhân ấy được quả ấy. Thế nên nói Phật đối với hết thảy pháp không còn chướng ngại, vì Phật biết chắc chắn.
* Lại nữa, vì Tu-bồ-đề nghe trong kinh Pháp Hoa nói ở chỗ Phật làm chút ít công đức: Hoặc giỡn cười mà xưng một tiếng Nam-mô Phật, dần dần chắc chắn sẽ làm Phật.[2] Lại vì nghe trong phẩm Chẳng thối chuyển nói, có thối chuyển và không thối chuyển. Lại vì nghe nói hàng Thanh-văn đều sẽ làm Phật;[3] nếu như vậy thời không nên có thóai chuyển?Như trong kinh Pháp hoa nói chắc chắn, còn các kinh khác nói không chắc chắn, hoặc có thối chuyển, hoặc không có thóai
[1] Đại trí độ luận, quyển 73, giải thích phẩm chẳng thoái chuyển thứ 55 ; Aṣṭasāhasrikā prajñāpāramitā sūtra, Avinivartanīyākāraliṅganimittaparivartaḥ saptadaśaḥ, tr. 161-169; T. 6: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (大般若波羅蜜多經), quyển 325, phẩm Sơ phần chẳng Thoái chuyển (初分不退轉品), tr. 662b7-665a18; quyển 326, tr. 666a7-671b22; quyển 327, tr. 671c6-677b4; quyển 448, tr. 260b17-264a8; quyển 449, tr. 264a11-269b2; T. 8: Phóng quang bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 12, phẩm A duy việt trí (阿惟越致品), tr. 86a12-87c11; Quyển 13, phẩm Kiên cố (堅固品), tr. 87c18-94a24; T. 8: Tiểu phẩm bát-nhã ba-la-mật kinh (小品般若波羅蜜經), quyển 6, phẩm A duy việt trí tướng (阿惟越致相品), tr. 563c27-565c27; T. 8: Đạo hành bát-nhã kinh (道行般若經), quyển 6, phẩm A duy việt trí (阿惟越致品), tr. 454b14-458b12; T. 8: Đại minh độ kinh (大明度經), quyển 4, phẩm Chẳng Thoái chuyển (不退轉品), tr. 526c1-531a29; T. 8: Ma-ha bát-nhã sao kinh (摩訶般若鈔經), quyển 4, phẩm A duy việt trí (阿惟越致品), tr. 526c1-531a29; T. 8: Phật thuyết phẩm mẫu xuất sanh tam tạng bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (佛說佛母出生三法藏般若波羅蜜多經), quyển 16, phẩm chẳng Thoái chuyển Bồ tát tướng (不退轉菩薩相品), tr. 641a9-644a9; T. 26: Thập trụ tỳ-bà-sa luận (十住毘婆沙論), quyển 4, phẩm A duy việt trí tướng (不退轉菩薩相品), tr. 40a24-c21.
[2] T. 9: Diệu pháp liên hoa kinh (妙法蓮華經), quyển 1, Phẩm 2: phương tiện, tr. 9a24-25: Ngay cả người tâm tán loạn, vào trong tháp miếu, chỉ niệm một tiếng nam mô Phật, đều đã thành phật đạo; Saddharmapuṇḍarīka sūtra, Upāyakauśalyaparivartaḥ, tr. 37: Namo’stu buddhāya kṛtaikavāraṃ yehī tadā dhātudhareṣu teṣu, vikṣiptacittair api ekavārāṃ te sarvi prāptā imam agrabodhim.
[3] T. 9: Diệu pháp liên hoa kinh (妙法蓮華經), quyển 2, phẩm 4: Tín giải, tr. 17c11-12: chúng con ngày nay, nghe âm giáo Phật, vui mừng nhảy nhót, được điều chưa từng có, Phật nói Thanh-văn, sẽ được làm phật (我等今日, 聞佛音教, 歡喜踊躍, 得未曾有. 佛說聲聞, 當得作佛.); Saddharmapuṇḍarīka sūtra, Adhimuktiparivartaḥ, tr. 75: Āścaryabhūtāḥ sma tathādbhutāśca audbilyaprāptāḥ sma śruṇitva ghoṣam| sahasaiva asmābhirayaṃ tathādya manojñaghoṣaḥ śrutu nāyakasya||1|| viśiṣṭaratnāna mahantarāśirmuhūrtamātreṇayamadya labdhaḥ|
* Trang 492 *
chuyển; thế nên nay hỏi là chắc chắn hay không chắc chắn. Như vậy, do các nhân duyên ấy nên hỏi chắc chắn hay không chắc chắn.
Phật dạy: Bồ-tát là chắc chắn.
Tâm Tu-bồ-đề vì cầu vào Niết-bàn là chắc chắn, thế nên hỏi: Ở trong đạo nào chắc chắn?
Phật dạy: Chẳng phải chắc chắn trong Nhị thừa, chỉ chắc chắn trong Đại thừa.
Vì người cầu Phật đạo có cao, vừa, thấp, thế nên hỏi: Hoặc Bồ-tát mới phát tâm chắc chắn hay Bồ-tát không thối chuyển chắc chắn, hay Bồ-tát thân sau cùng chắc chắn? Ý của Tu-bồ-đề là từ địa vị chẳng thối chuyển trở lên chắc chắn an lập trong Phật đạo chăng?
Phật đáp: Ba hạng Bồ-tát nói trên đều chắc chắn. Chắc chắn là chắc chắn sẽ làm Phật.
Hỏi: như phẩm trên đã nói Phật dùng mắt Phật thấy Bồ-tát trong mười phương, người cầu Phật đạo nhiều như cát sông Hằng, người chẳng thối chuyển hoặc một hoặc hai,[1] nay cớ gì nói ba hạng Bồ-tát trên đều chắc chắn thành Phật?
Đáp: Trước tôi đã nói: Bát-nhã sâu xa có vô lượng môn. Có nơi nói Bồ-tát thối chuyển mà không chắc chắn, có nơi nói Bồ-tát chắc chắn không thối chuyển. Như trong phẩm Chẳng thối chuyển, Tu-bồ-đề hỏi Phật: Bồ-tát thối chuyển là thối chuyển ở trong pháp nào[2]?
[1] T. 8: Đại phẩm Bát-nhã kinh (大品般若經), quyển 9, phẩm đại minh thứ 32 (大明品第32), tr. 284c6-10; T. 8: Phóng quang Bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 7, phẩm thủ thành thứ 33 (守成品第33), tr. 47a2-5.
[2] T. 8: Đại phẩm bát-nhã kinh (大品般若經), quyển 16, phẩm đại như thứ 54 (大如品第54), tr. 337c5-10; T. 8: Phóng quang Bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 12, phẩm thán thâm thứ 55 (歎深品第55), tr. 85c2-26.
* Trang 493 *
[1]? Là từ sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến mười tám pháp không chung, vì rốt ráo không, nên các pháp đều không thối chuyển. Trong đây Phật lại nói không thối chuyển.
Hỏi: Hai nghĩa ấy, nghĩa nào thật?
Đáp: Hai việc đều thật, từ miệng Phật nói ra đều là thật. Như Phật hoặc nói các pháp không, không có sở hữu: Hoặc nói bố thí, trì giới... là hữu vi. Đối người mới phát tâm thời nói các pháp hữu vi, với người học đạo lâu ưa đắm thiện pháp thời nói các pháp không, không có sở hữu, còn người giãi đãi đối với Vô thượng chánh đẳng chánh giác tâm không bền chắc, những người như vậy nên theo Thanh-văn đạo được độ mà không cầu Thanh-văn, phải ở trong sinh tử lâu chịu khổ. Thế nên nói người phát tâm nhiều như cát sông Hằng mà người được chẳng thối chuyển thời hoặc một hoặc hai. Chúng sinh nghe việc ấy rồi có thể kham chịu mọi khổ, chắc chắn được Vô thượng chánh đẳng chánh giác; nếu không thể kham chịu thời thủ chứng đạo Thanh-văn, Bích-chi Phật. Có người có thể được làm Phật mà vì tâm đại bi mỏng, tự ưa thân mình nặng, người ấy nghe việc làm Phật khó được thời phần nhiều thối chuyển, nghĩ rằng: Ta không thể được làm Phật, chẳng bằng sớm thủ chứng Niết-bàn, cần gì phải đời đời siêng khổ! Phật vì hạng người ấy nên nói hết thảy Bồ-tát cho đến Bồ-tát mới phát tâm, đều chắc chắn sẽ làm Phật, như trong kinh Pháp Hoa nói.
[1] T. 8: Đại phẩm bát-nhã kinh (大品般若經), quyển 16, phẩm đại như thứ 54 (大如品第54), tr. 337c5-10; T. 8: Phóng quang Bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 12, phẩm thán thâm thứ 55 (歎深品第55), tr. 85c2-26.
* Trang 494 *
Hỏi: Nếu hết thảy Bồ-tát đều chắc chắn, cớ gì Phật mỗi mỗi quở trách hàng nhị thừa mà không cho Bồ-tát thủ chứng nhị thừa?
Đáp: Người cầu Phật đạo nên biết khắp pháp tính, song người ấy vì sợ già bệnh chết nên ở trong pháp tính thủ chứng phần ít, bèn ngưng nghỉ, bỏ Phật đạo, không độ chúng sinh, bị chư Phật, Bồ-tát quở trách rằng, ông muốn bỏ đi, hội hợp không được xa lìa. Khi được chứng A-la-hán thời không còn cầu tam-muội sâu xa của Bồ-tát, lại không rộng độ chúng sinh, thời bị quanh co, đối với Phật đạo thời trở ngại.[1]
Hỏi: A-la-hán do nhân duyên đời trước được thọ thân, chắc chắn phải diệt, vậy ở chỗ nào mà đầy đủ Phật đạo?
Đáp: Khi được thành A-la-hán, nhân duyên các lậu hoặc ba cõi dứt hết, không còn trở lại sinh trong ba cõi. Có cõi nước thanh tịnh của Phật ra ngồi ba cõi, không có danh từ phiền não, ở chỗ Phật nơi cõi nước ấy nghe kinh Pháp Hoa thời đầy đủ Phật đạo. Như kinh Pháp Hoa nói: Có A-la-hán hoặc không nghe kinh Pháp Hoa mà tự mình được diệt độ; tôi ở nước khác vì họ nói việc ấy rằng: Ông đều sẽ làm Phật.[2]
Hỏi: Nếu A-la-hán đi đến cõi nước thanh tịnh của Phật thọ thân pháp tính, như vậy nên chóng được làm Phật, cớ sao nói quanh co, trở ngại?
[1] T. 9: Diệu pháp liên hoa kinh (妙法蓮華經), quyển 4, tr. 29a16-22: Đức Phật cũng lại như vậy, lúc làm Bồ-Tát giáo hóa chúng con, khiến phát tâm cầu nhất-thiết-trí, mà chúng con liền bỏ quên không hay không biết. Đã được đạo A-la-hán tự nói là diệt-độ, khổ nhọc nuôi sống được chút ít cho là đủ, nhất thiết trí nguyện vẫn còn chẳng mất. Ngày nay đức Thế-Tôn giác ngộ chúng con mà nói rằng: “Các Tỳ-kheo! đạo (sở đắc) của các ông không phải rốt ráo diệt. Ta từ lâu đã khiến các ông gieo căn lành của Phật, dùng sức phương tiện chỉ tướng Niết-bàn mà các ông cho là thật được diệt độ.”; Saddharmapuṇḍarīka sūtra, Pañcabhikṣuśatavyākaraṇaparivartaḥ, tr. 135: evameva bhagavan asmākamapi tathāgatena pūrvameva bodhisattvacaryāṁ caratā sarvajñatācittānyutpāditānyabhūvan| tāni ca vayaṁ bhagavan na jānīmo na budhyāmahe| te vayaṁ bhagavan arhadbhūmau nirvṛtāḥ sma iti saṁjānīmaḥ| vayaṁ kṛcchraṁ jīvāmaḥ, yadvayaṁ bhagavan evaṁ parīttena jñānena paritoṣamāpadyāmaḥ| sarvajñajñānapraṇidhānena sadā avinaṣṭena| te vayaṁ bhagavaṁstathāgatena saṁbodhyamānāḥ-mā yūyaṁ bhikṣava etannirvāṇaṁ manyadhvam| saṁvidyante bhikṣavo yuṣmākaṁ saṁtāne kuśalamūlāni yāni mayā pūrvaṁ paripācitāni| etarhi ca mamaivedamupāyakauśalyaṁ dharmadeśanābhilāpena yad yūyametarhi nirvāṇamiti manyadhve|
[2] T. 9: Diệu pháp liên hoa kinh (妙法蓮華經), quyển 3, phẩm thứ bảy Hóa thành dụ (化城喻品第七), tr. 25c14-20: Sau khi Ta diệt độ, lại có đệ tử không nghe kinh này, không biết không hay hạnh của Bồ-Tát, tự ở nơi công đức của mình được tưởng cho là diệt độ sẽ nhập Niết-bàn. Ta ở nơi nước khác làm Phật lại có tên khác. Người đó dầu sanh lòng tưởng là diệt độ nhập Niết-bàn, nhưng ở nơi cõi kia cầu trí huệ của Phật, được nghe kinh này, chỉ do Phật thừa mà được diệt độ lại không có thừa nào khác, trừ các đức Như-Lai phương tiện nói pháp; Saddharmapuṇḍarīka sūtra, Pūrvayogaparivartaḥ, tr. 120-121.
* Trang 495 *
Đáp: Người ấy vì nhân duyên tham đắm Tiểu thừa mà bỏ chúng sinh, bỏ Phật đạo, lại dối nói được đạo. Vì nhân duyên ấy nên tuy không thọ khổ não sinh tử, mà vẫn ở địa vị Bồ-tát độn căn, không thể chóng thành Phật đạo, không như vị Bồ-tát tu hành đi thẳng.
* Lại nữa, Phật pháp là điều thứ nhất trong năm điều không thể nghĩ bàn.[1] Nay nói vị A-la-hán lậu hoặc sạch hết, trở lại làm Phật, điều đó chỉ có Phật biết được. Người luận nghị chính có thể luận việc ấy mà không thể lường biết, thế nên không nên hí luận. Nếu khi cầu được làm Phật thời mới có thể hiểu rõ, còn những người khác có thể tin mà chưa thể biết.
Chắc chắn Bồ-tát đọa trong ba đường ác chăng là Tu-bồ-đề khi nghe Phật nói vô lượng nhân duyên đời trước: Hoặc thọ thân voi, nai, rùa, bồ câu, công, oanh vũ chịu các khổ, thế nên hỏi Phật: Nếu Bồ-tát chịu làm thân súc sinh như vậy thời vì sao nói hết thảy Bồ-tát chắc chắn? Chắc chắn tức là chẳng thối chuyển, chẳng thối chuyển là không đọa trong ba đường ác.
Phật hỏi ngược lại Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao, các bậc thánh trong hàng Bát nhân... đọa vào ba đường ác chăng?
Tu-bồ-đề suy nghĩ: Các thánh nhân ấy đã vào thánh đạo nên không có nhân duyên đọa vào ba đường ác. Suy nghĩ rồi đáp rằng: Thưa không.
[1] Đại trí độ luận, quyển 30, tr. 283c17-19: Kinh nói: Naêm vieäc baát khaû tö nghì ñoù laø chuùng sanh nhieàu ít, nghieäp quaû baùo, naêng löïc ngöôøi toïa thieàn, naêng löïc caùc ma, naêng löïc chö Phaät; T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottarāgama-增壹阿含經), quyển 21, khổ lạc phẩm (苦樂品), tr. 657a19-b27, T. 3: Đại phương tiện phật báo ân kinh (大方便佛報恩經), quyển 1, tr. 128a15-17; T. 31: Hiển dương thánh giáo luận (顯揚聖教論), quyển 6, tr. 510c2-6.
* Trang 496 *
Phật dạy: Bồ-tát cũng như vậy, nhân duyên đọa vào ba đường ác đã hết thời làm sao Bồ-tát đọa vào ba đường ác? Nhân duyên đọa vào ba đường ác là các pháp bất thiện. Bồ-tát từ khi mới phát tâm lại đây tu tập các pháp thiện bố thí, trì giới... dứt mười pháp bất thiện là giết hại, trộm cắp... thời nếu người ấy còn đọa vào ba đường ác là không có lẽ ấy, vì sao? Vì đã dứt hết pháp ác, tăng ích pháp lành. Pháp bất thiện có năïng, vừa và nhẹ. Nặng thời đọa địa ngục, vừa thời đọa súc sinh, nhẹ thời đọa ngạ quỷ. Ba độc bất thiện ấy Bồ-tát đã dứt hết, tâm thương xót sâu xa nghĩ đến chúng sinh, thế nên không đọa.
Hỏi: Nếu như thế thời có thể không sinh trong ba đường ác. Vậy là phước đức của Bồ-tát ấy nhiều, cớ sao không sinh trong cõi trời sống lâu?
Đáp: Bồ-tát vì thương xót chúng sinh mà hành sáu Ba-la-mật, tuy có thể vào thiền định, hòa hợp với tâm từ bi tu hành, song không đắm thiền vị, nên khi mạng sắp hết, nghĩ đến cõi Dục nên thối mất thiền đạo, vì trong cõi trời sống lâu không có khổ não, đắm sâu thiền vị thời khó có thể được độ, nên không sinh vào trong ấy.
Sinh ở biên địa thời bị chướng ngại, không thể tu pháp thiện nên không sinh đến đó, vì sao? Vì Bồ-tát đã nhổ sạch cội gốc tâm lẩn tiếc giáo pháp; vì lẩn tiếc giáo pháp nên mới sinh ở biên địa, là chỗ không biết pháp.
* Trang 497 *
* Lại nữa, Bồ-tát thường ưa trung đạo (madhyamā-pratipad), lìa bỏ hai bên nên không sinh chốn biên địa. Chốn biên địa không có danh từ Tam bảo (tri-ratna), không biết đến bảy chúng, chỉ quý việc hiện tại, không quý phước đức đạo pháp, thế nên gọi là chốn biên địa, chứ không riêng chỉ sinh chốn biên địa thời gọi là chốn biên địa. Nếu biết Tam bảo, biết nhân duyên tội phước tương tục, biết thật tướng các pháp thời người ấy dù sinh bên ngồi cõi Diêm-phù-đề (jambu-dīpa) cũng không gọi là chốn biên địa, huống gì sinh giữa cõi Diêm-phù-đề!
Do Bồ-tát ấy thường ưa thích vì chúng sinh thuyết pháp, cũng rất ưa thích thiện pháp (kuśala-dharma), cho nên gặp được chúng sinh hiền lành, vừa ý cùng sinh một nơi, gọi là trung tâm của cõi nước; ở trung tâm cõi nước lại không sinh vào nhà tà kiến, vì sao? Vì Bồ-tát ấy đời đời thường tự mình hành chánh kiến (samyag-dṛṣṭi), cũng dạy người hành chánh kiến, tán thán pháp chánh kiến, hoan hỷ tán thán người hành chánh kiến; thế nên không sinh vào nhà ác tà kiến.
Hỏi: Bồ-tát ấy có sức phước đức và trí tuệ lớn thời nên sinh vào chốn biên địa, nhà tà kiến để giáo người khác, cớ sao lại sợ mà không sinh?
Đáp: Bồ-tát có hai hạng: 1. Bồ-tát đã thành tựu đại nguyện; 2. Bồ-tát mới có nhân duyên phát tâm. Bồ-tát đã thành tựu đại nguyện có sức lớn nên tùy theo nơi chúng sinh có thể độ mà thọ thân, không tránh
* Trang 498 *
chốn biên địa, nhà tà kiến, còn Bồ-tát mới phát tâm nếu sinh vào các nơi ấy thời đã không thể độ người lại còn tự hủy hoại mình, thế nên không sinh. Thí như vàng thật ở trong bùn trọn không bị hủy hoại, mà đồng thiết thời bị hủy hoại.
Tà kiến là tà kiến không làm. Tuy 62 thứ đều là tà kiến (mithyā-dṛṣṭi) nhưng tà kiến không làm là nặng nhất, vì sao? Vì không làm là nói rằng, không nên làm công đức (guṇa) hay cầu Niết-bàn (nirvāṇa). Như nói trời làm hoặc nói thế giới có đầu, tuy là tà kiến mà không chướng ngại làm việc phước đức, còn tà kiến không làm rất ác, nên không sinh nơi đó.
* Lại nữa, Bồ-tát mới phát tâm mà có tâm nhiễm ác hành đạo bất thiện thời không có lẽ ấy, vì sao? Vì Bồ-tát ấy nhất tâm hồi hướng, quý trọng Vô thượng chánh đẳng chánh giác chứ không quý trọng pháp thế gian. Bồ-tát ấy do chưa lìa dục nên tuy khởi lên các phiền não mà trọn không có tâm ô nhiễm làm việc ác, tuy có dùng roi gậy gây khổ mà trọn không cướp mạng sống, không lấy của người khác làm họ mất mạng. Bồ-tát ấy dứt hết thảy pháp bất thiện, tu tập hết thảy pháp thiện nên không sinh vào chỗ có tám nạn, thường sinh vào chỗ có tám điều tốt.
Tu-bồ-đề hỏi: Nếu Bồ-tát thành tựu các căn lành (kuśala-mūla) như vậy, cớ gì nhân duyên đời trước lại làm thân nai, ngựa...?
Phật đáp: Bồ-tát thật có thành tựu thiện căn phước đức, song vì lợi lạc chúng sinh nên thọ thân súc sinh,
* Trang 499 *
cũng không có tội súc sinh. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Bồ-tát ở trong súc sinh mà biết thương xót giặc ốn, là điều mà A-la-hán, Bích-chi Phật không có được. A-la-hán, Bích-chi Phật khi giặc ốn đến hại, tuy không đáp trả nhưng không thể thương xót, nhớ nghĩ, cúng dường, cung cấp. Như tiền thân Bồ-tát làm voi trắng sáu ngà,[1] có một người thợ săn dùng tên độc bắn vào ngực. Bấy giờ voi trắng, tiền thân Bồ-tát lấy vòi bao che cho thợ săn, không để các voi khác làm hại, nói với voi cái rằng: Em là vợ của Bồ-tát, cớ gì sinh ác tâm? Đó là tội phiền não của thợ săn, chứ chẳng phải tội của người. Khi ta được Vô thượng chánh đẳng chánh giác sẽ diệt trừ tội phiền não ấy. Thí như người bị quỷ ám, vị thầy chú thuật đến chỉ trị quỷ mà không giận người;[2] thế nên chớ tìm tội người ấy. Rồi từ từ hỏi thợ săn: Vì sao ông bắn ta? Thợ săn đáp: Ta cần cặp ngà của ngươi. Voi liền đến hốc đá bẻ ngà trao cho, máu thịt tuôn ra mà không cho là thống khổ; lại còn cung cấp lương thực, chỉ đường cho đi. Những việc từ bi như vậy hàng Thanh-văn, Bích-chi Phật không thể có được. Có tâm tốt như vậy thời làm sao thọ thân súc sinh được? Nên biết đây là biến hóa để độ chúng sinh.
Hỏi: Vì cớ gì không làm thân người vì họ thuyết pháp mà lại làm thân thú?
Đáp: Có khi chúng sinh thấy thân người thuyết pháp thời không tin chịu, thấy thân súc sinh thuyết pháp thời tin vui, nhận lãnh lời giáo hóa. Lại, Bồ-tát muốn đầy đủ lòng từ bi lớn nên muốn thi hành việc ấy.
[1] T. 3: Lục độ tập kinh (六度集經), quyển 4, tr. 17a-c; T. 4: Đại trang nghiêm luận kinh (Sūtrālaṃkāra-śāstra-大莊嚴論經), quyển 14, tr. 336b-338a; T. 4: Tạp bảo tạng kinh (雜寶藏經), quyển 2, tr. 453c-454b; T. 22: Ma-ha tăng kỳ luật (Mahāsāṃghika-vinaya-摩訶僧祇律), quyển 2, tr. 240b-241a; T. 24: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da dược sự (Mūla-sarvāstivāda-vinaya-kṣudraka-vastu - 本說一切有部毘奈耶藥事), quyển 15, tr. 71a-72a; T. 51: Tây vực ký (西域記), quyển 7, tr. 906a; T. 3: Đại thừa bản sanh tâm địa quán kinh (大乘本生心地觀經), quyển 1, tr. 295c25-26: Xưa làm voi trắng sáu ngà, voi trắng thù diệu không thể sánh bằng, bỏ thân mạng cứu người thợ săn, cầu phật Vô thượng đại bồ-đề; Đại trí độ luận, quyển 12, chương 20: giải thích đàn-ba-la-mật pháp thí, tr. 146b27-c5: Ví như Thích-ca Văn Phật, từng làm Voi trắng sáu ngà, kẻ thợ săn rình cơ hội, lấy tên bắn, cả bầy Voi xông đến muốn đạp nát kẻ thợ săn, Voi trắng lấy thân cản lại, ủng hộ người kia, thương nó như thương con, và khuyến dụ bầy Voi, từ từ hỏi người thợ săn rằng: “Cớ gì bắn tôi?” Thợ săn đáp: “Ta cần ngà của ngươi.” Tức thời Voi dụi sáu ngà vào trong lỗ đá, máu thịt tuông ra, dùng vòi quấn ngà đưa cho thợ săn. Tuy rằng thân Voi, mà dụng tâm như vậy nên biết Voi ấy không phải chịu quả báo súc sanh. Trong pháp A-la-hán, hoàn toàn không có tâm đó. Nên biết đó là pháp thân Bồ-tát
[2] T. 12: Đại bát-niết-bàn kinh (大般涅槃經), quyển 32, tr. 557c19-22.
* Trang 500 *
. Chúng sinh trông thấy vừa sợ vừa mừng mà đều được vào đạo.
(Hết cuốn 93 theo bản Hán)
KINH: Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát trú ở pháp trắng sạch gì có thể làm các phương tiện như vậy mà không bị ô nhiễm?[1]
Phật dạy: Bồ-tát dùng Bát-nhã ba-la-mật làm các phương tiện như vậy, hiện thân trong mười phương các cõi nước nhiều như cát sông Hằng làm lợi ích chúng sinh, cũng không tham đắm thân ấy, vì sao? Vì người tham đắm, pháp tham đắm và chỗ đắm đều không thể có được, vì tự tính không. Tính không, không tham đắm tính không, trong tính không, không có người tham đắm, cũng không có chỗ tham đắm, vì sao? Vì trong không, tướng không không thể có được; ấy gọi là bất khả đắc không. Bồ-tát trú trong ấy có thể được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.[2]
Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát chỉ trú trong Bát-nhã ba-la-mật được Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà không trú trong các pháp ư?
Này Tu-bồ-đề, vả chăng có pháp không vào trong Bát-nhã?
[1] T. 8: Phóng quang Bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 19, tr. 137b2-4: Bạch đức Thế-tôn Bồ-tát trú thiện pháp nào, có thể làm các phương tiện thiện xảo, không cùng đồng với các thú?; T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ hai (大般若波羅蜜多經, 第二分), quyển 477, tr. 415c12-14: Bạch đức Thế-tôn các Bồ-tát ma-ha-tát trú ở pháp nào, mà vì nhiêu ích các hữu tình nên phương tiện khéo léo tuy thọ các thân ác thú, như ưng thành thục các loại hữu tình, dù thọ thân kia, mà chẳng đồng kia chịu các khổ não. Cũng lại chẳng bị tội lỗi thú kia làm tạp nhiễm; T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ ba (大般若波羅蜜多經, 第三分), quyển 536, tr. 752b22-24: Bạch đức Thế-tôn các Bồ-tát ma-ha-tát trú ở pháp nào, có thể làm phương tiện thiện xảo như vậy, tuy thọ các thân bàng sanh v.v… Cũng lại chẳng bị tội lỗi thú kia làm tạp nhiễm.
[2] T. 8: Phóng quang bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 19, tr. 137b7-10: Các pháp đều không, vì thế nên “không” chẳng ô nhiễm không, người không ô nhiễm cũng không, người cũng không ô nhiễm không. Vì sao? Vì “không không” không thể có được, ấy gọi là vô sở đắc không. Bồ-tát trú ở vô sở đắc không thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác; T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ hai (大般若波羅蜜多經, 第二分), quyển 477, tr. 415c18-25: Bồ-tát ma-ha-tát đối với hết thảy pháp đều vô sở đắc, bất khả đắc năng nhiễm, sở nhiễm và nhân duyên nhiễm. vì sao? Vì hết thảy pháp tự tính không vậy. Thiện Hiện nên biết! “không” chẳng thể nhiễm trước không, “không” cũng chẳng thể nhiễm trước các pháp, cũng không có các pháp năng nhiễm trước được không. Vì sao? Vì trong “không” tính không còn không thể được, huống có các pháp mà có thể được! như vậy gọi là bất khả đắc không. Các Bồ-tát ma-ha-tát an trú trong đây có thể chứng được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì các hữu tình thường làm lợi ích; T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ ba (大般若波羅蜜多經, 第三分), quyển 536, tr. 752b29-c7.
* Trang 501 *
Tu-bồ-đề thưa: Nếu Bát-nhã tự tính không, thời vì sao hết thảy pháp đều vào trong Bát-nhã ba-la-mật, trong không, không có pháp hoặc vào hoặc không vào?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Hết thảy pháp (sarvadharma), hết thảy pháp tướng không (sarvadharma-lakṣaṇa-śūnyatā) chăng?
Bạch đức Thế Tôn, tướng không.
Này Tu-bồ-đề, nếu hết thảy pháp, hết thảy pháp tướng không, cớ sao nói hết thảy pháp không vào trong không?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát làm thế nào khi hành Bát-nhã ba-la-mật, trú trong hết thảy pháp không, mà có thể khởi lên thần thông Bát-nhã ba-la-mật;[1] trú trong Thần thông Ba-la-mật rồi đi đến mười phương các cõi nước nhiều như cát sông Hằng cúng dường chư Phật hiện tại, nghe Phật thuyết pháp, ở chỗ Phật gieo trồng căn lành?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật, quán mười phương các cõi nước nhiều như cát sông Hằng ấy đều tính không, trong các cõi nước ấy chư Phật cũng tính không, chỉ có tên giả, nên tên giả về chư Phật hiện thân cũng tính không. Nếu mười phương các cõi nước và chư Phật tính chẳng không, thời tính không ấy có thiên lệch. Vì tính không, không thiên lệch nên
[1] T. 8: Phóng quang bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 19, tr. 137b17-18: Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, làm thế nào trú trong không đầy đủ tuệ thần thông?; T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ hai (大般若波羅蜜多經, 第二分), quyển 477, tr. 416a9-11: Bồ-tát ma-ha-tát làm thế nào khi hành bát-nhã ba-la-mật, an trú trong các pháp tự tính không, dẫn phát thần thông ba-la-mật-đa.
* Trang 502 *
hết thảy pháp, hết thảy pháp tướng không; vì thế, hết thảy pháp, hết thảy pháp tướng không.[1] Thế nên Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện phát sinh thần thông Ba-la-mật (ṛddhi-pāramitā),[2] trú trong thần thông Ba-la-mật ấy khởi lên thiên nhãn, thiên nhĩ, như ý túc, trí biết tâm người khác, trí biết đời trước, trí biết sinh tử của chúng sinh. Nếu Bồ-tát xa lìa thần thông Ba-la-mật thời không thể làm lợi ích chúng sinh, cũng không thể được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Thần thông Ba-la-mật là đạo làm lợi ích của Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì sao? Vì dùng thiên nhãn thời tự mình thấy được các pháp lành, cũng dạy người được các pháp lành, đối với các pháp lành cũng không nhiễm trước, vì các pháp lành tự tính không. Tự tính không, không nhiễm trước gì, nếu nhiễm trước thời đắm vị, trong không có vị. Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật có thể phát sinh thiên nhãn như vậy, dùng thiên nhãn ấy quán hết thảy pháp không, thấy pháp không ấy không thủ tướng, không tạo nghiệp, cũng vì người khác nói pháp ấy, cũng không thấy có tướng chúng sinh (sattva-lakṣaṇa), không thấy có danh từ chúng sinh.
Như vậy, Bồ-tát dùng pháp không có sở đắc nên khởi lên thần thông Ba-la-mật, dùng thần thông Ba-la-mật ấy, việc đáng làm nên làm. Bồ-tát dùng thiên nhãn sáng suốt hơn mắt người thấy
[1] T. 8: Phóng quang bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 19, tr. 137b22-23: Nếu các cõi Phật chư Phật chẳng không, không là có thiên lệch; vì thế “không” không thiên lệch , các pháp đều không; T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ hai (大般若波羅蜜多經, 第二分), quyển 477, tr. 416a18-21: Nếu mười phương giới và chư Phật cùng pháp đã nói, giả nói danh tự tự tánh chẳng không, thời sở thuyết không, lẽ thành một phần. Vì sở thuyết không chẳng thành một phần, nên tất cả pháp tự tánh đều không. Lý ấy mới châu viên, không hai không khác; T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ ba (大般若波羅蜜多經, 第三分), quyển 536, tr. 752c29-753a3.
[2] T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ hai (大般若波羅蜜多經, 第二分), quyển 477, tr. 416a22-23: Các Bồ-tát ma-ha-tát khi hành thâm bát-nhã ba-la-mật-đa, do phương tiện khéo léo khắp quán không, nên dẫn phát thần thông ba-la-mật-đa.
* Trang 503 *
mười phương các cõi nước; thấy rồi bay đến mười phương làm lợi ích chúng sinh: Hoặc lấy việc bố thí, hoặc lấy việc trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định; hoặc lấy trí tuệ; hoặc lấy ba mươi bảy pháp trợ đạo; hoặc lấy các thần thông, giải thốt, tam-muội, pháp Thanh-văn, pháp Bích-chi Phật hoặc pháp Phật làm lợi ích chúng sinh.
Vì hạng người xan tham mà nói như vầy: Này các chúng sinh, các ngươi nên bố thí; nghèo cùng là khổ não. Người nghèo cùng còn không làm lợi ích mình được, huống nữa làm lợi ích người khác! Vì thế nên các ngươi nên siêng bố thí để tự mình được vui, cũng làm cho người khác được vui; chớ vì nghèo cùng mà ăn nuốt lẫn nhau, không lìa khỏi ba đường ác.
Vì hạng người phá giới thuyết pháp rằng: Này các chúng sinh, việc phá giới rất khổ não, người phá giới còn không làm lợi ích mình được, huống nữa làm lợi ích người khác! Việc phá giới thọ quả báo khổ: Hoặc ở địa ngục, hoặc ở ngạ quỷ, hoặc ở súc sinh. Các ông đọa trong ba đường ác tự mình còn không cứu được, làm sao cứu người khác? Thế nên các ông không nên theo tâm phá giới để đến khi chết hối hận.
* Trang 504 *
Nếu gặp người sân giận tranh đấu lẫn nhau, nói pháp như vầy: Này các chúng sinh, chớ sân giận tranh đấu lẫn nhau. Người sân giận loạn tâm không thuận theo pháp lành, các ngươi đem tâm rối loạn sân giận lẫn nhau thời hoặc đọa vào địa ngục, hoặc đọa vào ngạ quỷ, hoặc đọa vào súc sinh; thế nên các ngươi không nên sinh một niệm sân giận, huống nữa là nhiều.
Vì hạng chúng sinh giải đãi thuyết pháp khiến được tinh tấn; vì hạng chúng sinh tán loạn khiến được thiền định, vì hạng chúng sinh ngu si khiến được trí tuệ cũng như vậy. Đối với người hành dâm dục khiến quán bất tịnh; đối với người sân giận khiến quán lòng từ; đối với người ngu si khiến quán mười hai nhân duyên; đối với chúng sinh hành phi đạo khiến vào chánh đạo là đạo Thanh-văn, đạo Bích-chi Phật và Phật đạo. Vì các chúng sinh ấy thuyết pháp như vầy: Điều các ông chấp trước, pháp ấy tính không; trong pháp tính không thể chấp trước được; tướng không chấp trước cũng là tướng không. Như vậy, Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật trú trong Thần thông ba-la-mật, làm lợi ích chúng sinh.
Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát nếu xa lìa thần thông thời không thể theo ý chúng sinh thuyết pháp lành cho họ. Vì thế, Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-
* Trang 505 *
mật nên khởi lên thần thông. Thí như chim không có cánh thời không thể bay cao; Bồ-tát không có thần thông thời không thể tùy ý giáo hóa chúng sinh. Do vậy, Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật nên khởi lên các thần thông, khởi lên các thần thông rồi nếu muốn làm lợi ích chúng sinh thời tùy ý lợi ích được.
Bồ-tát dùng thiên nhãn thấy mười phương các cõi nước nhiều như cát sông Hằng (Gaṅgā-nadī-vāluka) và chúng sinh trong các cõi nước ấy, thấy rồi dùng thần thông qua đến chỗ đó, biết tâm của chúng sinh, theo điều thích ứng với họ mà nói pháp: Hoặc nói về bố thí, nói về trì giới, nói về thiền định, cho đến nói về Niết-bàn.
Bồ-tát dùng thiên nhĩ nghe hai thứ âm thanh: Hoặc của người, hoặc của chẳng phải người; nghe mười phương chư Phật thuyết pháp và đều có thể nắm giữ, đúng như pháp đã được nghe mà vì chúng sinh nói pháp: Hoặc nói về bố thí cho đến hoặc nói về Niết-bàn.
Bồ-tát được trí thanh tịnh biết tâm người khác, dùng trí biết tâm người khác (paracitta-jñāna) mà biết tâm của chúng sinh, theo điều thích ứng của họ mà nói pháp, hoặc nói về bố thí cho đến hoặc nói về Niết-bàn.[1]
[1] T. 8: Phóng quang bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 19, tr. 138a2: Dùng ý thanh tịnh biết tâm niệm chúng sanh; T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ hai (大般若波羅蜜多經, 第二分), quyển 477, tr. 417a21-23: Bồ-tát ma-ha-tát dùng tha tâm trí thanh tịnh, như thật biết rõ pháp tâm tâm sở các loại hữu tình, theo điều thích ứng của họ mà nói pháp yếu. Nghĩa là nói bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nói rộng cho đến hoặc nói Bồ-đề, hoặc nói Niết-bàn khiến hữu tình kia nghe pháp này rồi đều được lợi ích an vui thù thắng.
* Trang 506 *
Bồ-tát được trí biết mạng sống đời trước (pūrva-nivāsānusmṛti-jñāna), nhớ biết nơi nguồn gốc sinh ra, cũng tự nhớ biết đời trước của mình và nhớ biết đời trước của nggười khác. Dùng trí nhớ biết mạng sống đời trước ấy, nhớ quá khứ ở chỗ nào, nơi nào; biết danh tự của chư Phật và chúng đệ tử. Gặp chúng sinh tin ưa việc của mạng sống đời trước thời hiện việc đời trước mà nói pháp: Hoặc nói về bố thí cho đến hoặc nói về Niết-bàn.
Dùng sức thần thông như ý, đi đến vô lượng cõi nước của chư Phật cúng dường chư Phật, theo chư Phật gieo trồng căn lành rồi trở lại cõi nước của mình.
Bồ-tát chứng được trí sạch hết các lậu (āsrava -kṣaya-jñāna), dùng trí sạch hết các lậu ấy vì chúng sinh nói pháp: Hoặc nói về bố thí cho đến hoặc nói về Niết-bàn.[1]
Như vậy, Tu-bồ-đề, Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật nên khởi lên thần thông như vậy. Bồ-tát dùng việc tu thần thông ấy mà tùy ý thọ thân, khổ vui không nhiễm đắm; thí như người của Phật biến hóa, hóa làm ra mọi việc, khổ vui không nhiễm đắm. Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật nên dùng thần thông như ý như vậy, có thể làm nghiêm tịnh cõi Phật và thành tựu tuệ giác cho chúng sinh.
[1] T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ hai (大般若波羅蜜多經, 第二分), quyển 477, tr. 417b: Bồ-tát ma-ha-tát đem tùy sở đắc lậu tận trí thông, như thật biết rõ các loại hữu tình lậu hết chưa biết, cũng như thật biết lậu hết, phương tiện vì kẻ chưa hết tuyên nói pháp yếu. Nghĩa là nói bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nói rộng cho đến hoặc nói Bồ-đề, hoặc nói Niết-bàn, khiến các hữu tình nghe pháp này rồi, đều được lợi ích an vui thù thắng.
* Trang 507 *
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát không nghiêm tịnh cõi Phật, không thành tựu tuệ giác cho chúng sinh thời không thể được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì sao? Vì nhân duyên không đầy đủ, không thể được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát làm thế nào đầy đủ nhân duyên rồi được thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Hết thảy pháp lành là nhân duyên của Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, những pháp lành nào mà do pháp lành ấy nên được Vô thượng chánh đẳng chánh giác?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát từ khi mới phát tâm lại đây, Thí ba-la-mật là nhân duyên của pháp lành, nơi đó không có phân biệt người thí, người nhận thí, vì tính không. Do Thí ba-la-mật ấy có thể tự mình làm lợi ích, cũng có thể làm lợi ích cho chúng sinh, từ trong sinh tử kéo ra, khiến được Niết-bàn. Các pháp lành ấy đều là nhân duyên của Vô thượng chánh đẳng chánh giác, của đại Bồ-tát.[1] Nhờ hành đạo ấy mà các Bồ-tát quá khứ, vị lai, hiện tại được thốt qua khỏi sinh tử; đã qua khỏi, nay qua khỏi và sẽ qua
[1] T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ hai (大般若波羅蜜多經, 第二分), quyển 477, tr. 417c25-29: Biết tất cả pháp tự tánh không vậy. Do tu bố thí v.v… sáu ba-la-mật-đa năng tự nhiêu ích cũng năng nhiêu ích tất cả hữu tình khiến ra khỏi sanh tử chứng Niết-bàn, nên nói là thiện pháp, cũng gọi tư lương bồ đề Bồ-tát, cũng gọi đạo Bồ-tát ma-ha-tát.
* Trang 508 *
khỏi.[1] Do Giới ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, bốn niệm xứ cho đến tám phần thánh đạo, mười tám không, tám bội xả, định chín thứ lớp, các môn Đà-la-ni, mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, các công đức như vậy đều là đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác; ấy gọi là pháp lành. Bồ-tát đầy đủ pháp lành ấy rồi, sẽ được trí Nhất thiết chủng. Được trí Nhất thiết chủng rồi sẽ chuyển pháp luân; chuyển pháp luân rồi sẽ độ chúng sinh.[2]
LUẬN: Bấy giờ Tu-bồ-đề hỏi: Trú vào căn lành nào nên có thể thọ thân này?[3]
Phật đáp: Bồ-tát đầy đủ hết thảy pháp lành cho đến Tu-bồ-đề nghe rồi rất hoan hỷ bạch Phật: Bồ-tát thành tựu sức phương tiện lớn, trú vào thánh pháp vô lậu nào có thể thọ thân này mà không nhiễm trước? Theo thân ấy, thí như vị thầy huyễn thuật, cũng như việc biến hóa? Trú ở pháp trắng sạch nào mà có thể làm các phương tiện như vậy?
Phật đáp: Bồ-tát do sức Bát-nhã ba-la-mật nên có thể thành tựu phương tiện như vậy, hiện mỗi mỗi thân làm lợi ích cho chúng sinh trong mười phương các cõi nước và cũng không tham đắm thân ấy. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Bồ-tát có ba pháp không thể có được: Một là thân Bồ-tát; hai là nai ngựa được làm ra, ba là pháp được dùng, vì sao? Vì pháp ấy đều tính không; tính
[1] T. 8: Phóng quang bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 19, tr. 138a23-24: Nhờ hành đạo ấy mà các Bồ-tát quá khứ, vị lai, hiện tại đều được độ thoát, cũng lại độ thoát cho chúng sanh; T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ hai (大般若波羅蜜多經, 第二分), quyển 477, tr. 417c29-418a2: Chúng Bồ-tát ma-ha-tát quá khứ vị lai hiện tại hành đạo ấy nên đã được sẽ được đang được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Cũng khiến hữu tình đã sẽ đang vượt qua biển sanh tử, được vui Niết-bàn.
[2] T. 8: Phóng quang bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 19, tr. 138a27-29: Bồ-tát đạo trãi qua các pháp lành, Bồ-tát đầy đủ các pháp lành ấy rồi sẽ được trí tát-bà-nhã, được trí tát-bà-nhã rồi sẽ chuyển pháp luân; T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, hội thứ hai (大般若波羅蜜多經, 第二分), quyển 477, tr. 418a20-24: Lại có vô lượng chúng các Bồ-tát tu công đức đều gọi thiện pháp, cũng gọi tư lương bồ đề Bồ-tát, cũng gọi đạo Bồ-tát ma-ha-tát. Các Bồ-tát ma-ha-tát cần tu các thắng thiện pháp như thế khiến được viên mãn, mới chứng được Nhất thiết trí trí. Đã chứng được Nhất thiết trí trí mới có thể chuyển vận bánh xe Chánh pháp không trái ngược, khiến các hữu tình an vui rốt ráo.
[3] T. 8: Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh (摩訶般若波羅蜜經), quyển 26, tr. 409c12-13: Tu-bồ-đề bạch phật rằng: Bạch đức Thế-tôn! Bồ-tát ma-ha-tát trú trong pháp lành nào thọ các thân như vậy?; Đại trí độ luận, quyển 93, tr. 713a17-19.
* Trang 509 *
không cũng không tham trước tính không; trong tính không cũng không có người tham trước; vì pháp không có nên chúng sinh không có; chúng sinh không có nên pháp cũng không có. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Trong tính không, tính không thể có được; vì không thể có được thời Bồ-tát làm sao tham trước trí tuệ ấy? Ấy gọi là không, không có sở đắc.
Bồ-tát trú trong Bát-nhã ba-la-mật có thể được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì không chướng ngại nên dễ được.
Tu-bồ-đề hỏi: Bồ-tát trú ở sáu Ba-la-mật cho đến mười tám pháp không chung, nay cớ sao chỉ nói trú trong Bát-nhã ba-la-mật không có sở đắc, được thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác?
Phật dạy: Này Tu-bồ-đề, pháp gì không vào trong Ba-la-mật? Tất cả pháp đều vào trong Bát-nhã ba-la-mật. Nếu trú trong Bát-nhã ba-la-mật tức là trú trong hết thảy pháp.
Lại hỏi: Nếu Bát-nhã ba-la-mật tính không, làm sao hết thảy pháp đều vào trong đó? Trong đây Tu-bồ-đề tự nói nhân duyên: Trong hết thảy pháp tính không không có pháp ra, không có pháp vào.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Hết thảy pháp, hết thảy pháp tướng không chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
* Trang 510 *
Này Tu-bồ-đề, nếu hết thảy pháp, hết thảy pháp tướng không, vậy hết thảy pháp đều vào trong không, cớ sao ông nói trong không không có pháp ra vào?
Bấy giờ Tu-bồ-đề hiểu rõ nên tâm phục mà lãnh thọ. Nghe việc Bồ-tát hóa thân độ chúng sinh, nên hỏi: Bạch đức Thế Tôn, Bồ-tát làm thế nào trú trong hết thảy pháp tính không mà có thể khởi lên thần thông Ba-la-mật, đi đến mười phương các cõi nước nhiều như cát sông Hằng cúng dường Phật, nghe pháp, gieo trồng căn lành sâu dày?
Căn lành là các môn Đà-la-ni, các môn tam-muội, là căn bản của vô ngại giải thốt.[1] Ý của Tu-bồ-đề là nếu Bát-nhã ba-la-mật tính không, thời làm sao Bồ-tát an trú trong Bát-nhã ba-la-mật lại có thể hành thần thông là pháp có?
Phật dạy: Vì tính không cho nên có thể hành, vì cớ sao? Vì khi Bồ-tát hành Bát-nhã, quán mười phương các cõi nước đều không, chư Phật trong các cõi nước ấy cũng không.
Hỏi: Nếu cõi nước không thời Phật cũng phải không, cớ gì nói riêng?
Đáp: Phật do vô lượng vô số công đức chơn thật mà được thân ấy, có thể lấy một ngón chân làm chấn động mười phương các cõi nước nhiều như cát sông Hằng. Lại, Bồ-tát đời đời lại đây lòng yêu thích, kính trọng Phật sâu xa, không thể quán sát Phật chóng làm cho không,
[1] Đại trí độ luận, quyển 28, tr. 265c1-9: Hỏi: Lấy trí gì mà biết được tâm tâm số pháp của hết thảy chúng sanh? Đáp: Các đức Phật có giải thoát vô ngại (asaṅgavimokṣa), vào trong giải thoát ấy có thể biết được tâm tâm số pháp của hết thảy chúng sanh. Các đại Bồ-tát được giải thoát vô ngại tương tợ, cũng có thể biết tâm tâm số pháp của hết thảy chúng sanh. Tân học (ādikarmika) Bồ-tát muốn được giải thoát vô ngại của đại Bồ-tát ấy và của Phật, dùng giải thoát vô ngại ấy mà biết tâm tâm số pháp của hết thảy chúng sanh. Đại Bồ-tát thì muốn được giải thoát vô ngại của Phật. Vì vậy nên tuy đã nói biết tha tâm thông, nay còn nói muốn biết hết thảy chúng sanh tâm xu hướng về đâu, nên học Bát-nhã Ba-la-mật.
* Trang 511 *
, thế nên không hợp chung với cõi nước để nói. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Nếu mười phương các cõi nước và chư Phật chẳng không, thời là tính không có thiên lệch; có thiên lệch thời gọi là có chỗ không và chẳng không. Nay thật không có thiên lệch nên hết thảy pháp, hết thảy pháp tướng không. Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, đối với hết thảy pháp không ngăn ngại, song vì mắt thịt thấy sắc không thông: Thấy trên thời không thấy dưới, thấy trước thời không thấy sau, chỗ rỗng suốt thời thấy, chỗ chướng ngại thời không thấy, ban ngày thời thấy, ban đêm thời không thấy; biết sức mắt thịt kém như vậy nên vì sức phương tiện mà lại cầu mắt trời.
Sức phương tiện là khiến bốn đại ở thế giới khác đến trú trong thân. Nghĩa là dùng thiên nhãn như truớc đã nói.[1] Thiên nhĩ, như ý túc, trí biết tâm người khác, trí biết đời trước, trí biết chúng sinh, sinh về đâu, chết về đâu. Bồ-tát nếu không có thần thông thời không thể làm lợi ích chúng sinh, vì sao? Vì nếu không có thần thông thời làm sao có thể khiến nhiều người phát tâm? Bồ-tát có thần thông mà còn không thể khiến tất cả chúng sinh phát tâm, huống nữa là không có! Thế nên thần thông Ba-la-mật là chỗ hành đạo sở hành của Bồ-tát. Bồ-tát tự thấy pháp lành, cũng dạy người khác được pháp lành mà không tham đắm pháp lành ấy, vì sao? Vì pháp ấy tính đều không.
Hỏi: Thiên nhãn chỉ có thể thấy sắc, làm sao thấy pháp lành mà lại nói hết thảy pháp tính không?
[1] Đại trí độ luận, quyển 8, tr. 116b16-c2; quyển 67, tr. 530a13-b3.
* Trang 512 *
Đáp: Đây là trong nhân nói quả. Do thiên nhãn ấy tự thấy thân mình, lại thấy mười phương chúng sinh, vậy sau dùng trí biết tâm người khác, trí biết mạng sống đời trước, tìm căn lành đời nay đời sau, thấy căn lành và quả báo lâu ngày đều tiêu diệt, tiêu diệt nên thấy nó không.[1] Căn lành ấy đều là pháp hữu vi nên không có tự tính, không có tự tính nên không; vì không nên không thể tham trước, cũng không thể thọ khí vị, không thể thọ khí vị nên không tham trước; thí như ruồi không chỗ nào không đậu, chỉ trừ không đậu trong lửa. Chúng sinh ái trước cũng như vậy, đối với pháp lành, pháp chẳng lành đều ái trước, cho đến ái trước Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng nên không thể vào Niết-bàn, chỉ trừ không thể ái trước lửa Bát-nhã ba-la-mật tính không, vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật tướng không; nếu Bát-nhã ba-la-mật chẳng không tức là có khí vị, là chỗ có thể ái trước. Bồ-tát trú trong trí tuệ ấy không khởi nghiệp hữu lậu, chỉ vì chúng sinh mà thuyết pháp, cũng biết chúng sinh là giả danh, không thể có được. An trú trong Bát-nhã không có sở đắc ấy mà có thể đầy đủ các việc thần thông. Nếu Bồ-tát không được Bát-nhã vô ngại ấy thời không thể được thần thông vô ngại. Bồ-tát được thần thông vô ngại nên có thể bay đến mười phương các cõi nước làm lợi ích chúng sinh, như trong Kinh nói rộng[2]: Hoặc nói về bố thí, hoặc nói về trì giới...; đối với người xan tham thời dạy bố thí... như trong đây nói ví dụ: Ví như chim không có cánh thời không thể bay cao; Bồ-tát cũng như vậy, không có Thần thông ba-la-mật thời không thể giáo hóa chúng sinh. Bồ-tát dùng thiên
[1] T. 2: Tạp a-hàm kinh (雜阿含經), quyển 45, kinh số 1213, tr. 331a11-12: Đại địa và hư không, các sắc tượng thế gian, đều là pháp tiêu diệt tịch nhiên tự quyết định; Đại trí độ luận, quyển 51, tr. 424a3-5: ba cõi hư dối, như huyễn, như mộng, vô minh hư vọng, do nhân duyên mà có, nhân quả không có thật nhất định, hết thảy vô thường, phá hoại tiêu diệt, đều là tướng không.
[2] T. 8: Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh (摩訶般若波羅蜜經), quyển 26, tr. 410b23-27: Bồ-tát dùng mắt trời hơn mắt người thấy mười phương quốc độ, thấy rồi bay đến mười phương làm lợi ích chúng sanh, hoặc dùng bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ làm lợi ích chúng sanh; hoặc dùng 37 trợ đạo pháp, các thiền, giải thoát, tam muội, hoặc dùng pháp Thanh-văn, pháp Bích-chi-phật, pháp Phật làm lợi ích chúng sanh.
* Trang 513 *
nhãn thấy mười phương các cõi nước của chư Phật cùng hết thảy chúng sinh, dùng thiên nhĩ theo chư Phật nghe pháp, dùng thần thông như ý phóng hào quang lớn, hoặc biến hóa hiện ra các thứ nước lửa, các việc kỳ lạ khiến chúng sinh phát tâm cho là việc hy hữu mà tôn trọng. Dùng trí biết tâm người khác, biết tâm tâm số của người khác tham đắm gì, chán gì, có thể đợ hay không thể độ, là lợi căn hay là độn căn, đã thành tựu căn lành hay chưa thành tựu. Biết tâm của chúng sinh khác như vậy thời nhiếp thủ những ai đã thành tựu căn lành. Gặp người có thể độ thời dùng trí biết mạng sống đời trước, trí biết sinh tử quán nguồn gốc của người kia từ đâu đến, gieo trồng căn lành gì và ưa làm hạnh gì; từ đây mệnh chung sẽ sinh chỗ nào, lúc nào sẽ được giải thốt. Trù lượng suy nghĩ như vậy biết nghiệp duyên quá khứ và biết quả báo vị lai của người có thể độ.
Lại dùng thần thông biết người ấy cần vì sợ hãi mà được độ, thời đem việc địa ngục chỉ bày rằng: Ông sẽ sinh vào trong ấy; biết người cần vì hoan hỉ mà được độ, thời chỉ bày thiên đuờng, mắt thấy việc ấy tâm sinh ra sợ hãi, vui mừng, nhàm chán thế gian. Bấy giờ đem trí thông suốt vô lậu nói pháp dứt hết lậu, chúng sinh nghe pháp ấy phá bỏ tâm tham trước, lại dùng pháp ba thừa mà được Niết-bàn; thí như chim nhạn trắng khi muốn bắt cá thời trù lượng tới lui, không để mất cơ hội; biết có thể bắt được liền bắt, không để lỡ qua. Bồ-tát cũng như vậy, dùng sức thần thông quán nguồn gốc của chúng sinh, thấy nhân duyên có thể độ:
* Trang 514 *
Hoặc thấy cõi nước thời biết; biết các căn tín, tấn... của các chúng sinh ấy mãnh lợi, các nhân duyên đầy đủ nên vì họ thuyết pháp, không để lỡ uổng. Thế nên nói: Bồ-tát lìa thần thông thời không thể lợi ích chúng sinh, như chim không có cánh. Các thần lực khác như Phật tự nói: Dùng thiên nhãn thấy việc sống chết của mười phương chúng sinh, cũng biết tâm chúng sinh, tùy ý thuyết pháp, cho đến khéo tu sức thần thông, vì chúng sinh mà thọ thân, không bị khổ vui làm ô nhiễm. Bồ-tát đối với chúng sinh hoặc làm cha, hoặc làm con, hoặc làm thầy, hoặc làm đệ tử, làm chủ, làm tớ, làm voi ngựa, hoặc làm người cỡi voi ngựa, có khi giàu sang thế lực, có khi nghèo hèn; đối với các việc ấy cũng không bị ô nhiễm; thí như người của Phật biến hóa, hóa làm các việc mà không bị ô nhiễm bởi khổ vui. Hóa làm các việc là như trước đây: Hóa làm vô lượng vô số thân để độ chúng sinh. Khổ vui không nhiễm truớc là đối với vui không sinh tâm ái, đối với khổ không sinh tâm sân, không như chúng sinh tùy theo chỗ mà khởi phiền não. Bồ-tát nên đem thần thông du hí như vậy thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, nghiêm tịnh cõi Phật.
Hỏi: Sức thần thông của Bồ-tát có sở tác, cớ sao gọi là du hý?
Đáp: Hý là như huyễn sư huyễn làm ra các việc, thần thông của Bồ-tát cũng hóa hiện các việc nên gọi là hý.
* Lại nữa, trong Phật pháp có ba tam-muội: Không tam-muội là thượng hành, vì sao? Vì giống như Niết-bàn
* Trang 515 *
không bị dính mắc, không có sở đắc. Các hành pháp khác đều gọi là hạ hành, như trẻ nhỏ. Thế nên nói sức thần thông gọi là du hý; đối với việc thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, nghiêm tịnh cõi Phật là rất cần yếu. Thành tựu tuệ giác cho chúng sinh như trong đây nói: Cùng nhau tu căn lành ở cõi Phật thanh tịnh.
Hỏi: Vì sao phải cần dùng việc thành tựu tuệ giác cho chúng sinh và nghiêm tịnh cõi Phật?
Đáp: Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Không thành tựu tuệ giác cho chúng sinh và nghiêm tịnh cõi Phật thời không được đạo vô thượng, vì sao? Vì nhân duyên không đầy đủ thời không được đạo vô thượng. Nhân duyên là hết thảy pháp lành; từ khi mới phát tâm tu thí Ba-la-mật cho đến mười tám pháp không chung; đối với pháp tu hành ấy không có ức tưởng phân biệt là người thí, là vật bố thí, là người nhận thí, cho đến mười tám pháp không chung cũng như vậy. Nếu Bồ-tát tâm không dính mắc, không phân biệt gì mà hành sáu Ba-la-mật cho đến mười tám pháp không chung; ấy là nhân duyên của Vô thượng chánh đẳng chánh giác; do đạo ấy được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng có thể tự độ, lại có thể độ chúng sinh.
Hỏi: Nếu Bồ-tát đem tâm chấp trước bố thí thời có lỗi gì mà không gọi là đầy đủ; đem tâm chấp trước bố thí thời người nhận thí mang ơn nặng?
Đáp: Tuy có lợi nhỏ mà lỗi lớn; như đồ ăn ngon có lẫn chất độc, tuy có ngon mà tự làm mất mạng.
* Trang 516 *
Hỏi: Lỗi ấy là những gì?
Đáp: Nếu đem tâm chấp trước mà bố thí, hoặc gặp việc không vừa ý thời sinh sân nộ, hoặc người nhận thí không cám ơn liền thành ốn hiềm. Nếu đem tâm chấp trước cúng dường người lành, hoặc khi gặp chút suy tổn thời ốn hiềm việc đã bố thí cho người không xứng đáng, hối tiếc việc đã thí. Nếu bố thí mà tâm hối hận thời thọ quả báo không thanh tịnh.
* Lại nữa, người đem tâm chấp trước bố thí, trong thâm tâm ham trước tài vật, nếu gặp kẻ xâm đoạt liền gia hại, nghĩ rằng: Ta vì phước đức muốn làm việc tốt nên chứa của, cớ sao ngươi xâm đoạt? Trước tham tài vật là việc đời nay, có thể bố thí là việc đời sau. Tâm thương tiếc càng sâu, vì ái trước sâu nên nếu gặp bị xâm đoạt thời hay gây tội nặng; nhân tội nặng nên thọ khổ trong ba đường ác.
* Lại nữa, vì lòng tham trước nên sinh sân hận; vì sân hận nên dùng dao gậy sát hại, chịu các khổ não.
* Lại nữa, người tạo nghiệp ngu si rất không được yên ổn; làm việc dối trá không thật ấy, nên lâu chắc chắn bị hoạn lớn. Mười phương chư Phật đều dạy môn giải thốt vô tướng. Tướng vô tướng của các pháp là thật, nếu người chấp thủ tướng tài vật hư dối không thật ấy, vậy sau sinh tâm chấp trước, vì tâm chấp trước nên mong cầu quả báo lớn mà bố thí; thí như người muốn thu hoạch nhiều nên dùng hạt giống nhiều. Như vậy, tâm chấp trước bố thí được quả báo ít mà không thanh tịnh,
* Trang 517 *
chung quy đi về diệt tận, chịu các ưu não, không thể kể hết, đều do chấp thủ tướng nên có các lỗi như vậy. Nếu đúng như thật tướng mà hành bố thí, thời không có lỗi như vậy, trải qua vô lượng vô số kiếp thọ các phước lạc cũng không cùng tận, cho đến được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
* Lại nữa, như người đem tâm chấp trước hành pháp lành, người ấy nếu nghe nói các pháp rốt ráo không, tức thời bỏ pháp tu hành, đắm trước thủ tướng pháp không ấy, cho đó là thật, trước kia là hư dối. Người ấy mất cả hai thứ, mất pháp lành trước kia và rơi vào tà kiến. Người có tâm chấp trước có lỗi như vậy; thí như người mang bệnh nặng, tuy có các thứ thuốc chữa mà không giảm bớt, thuốc trở lại thành bệnh. Đem tâm chấp trước tu các công đức có tội lỗi như vậy. Bồ-tát bỏ tâm chấp trước, chẳng thủ tướng không, như: Như, pháp tính, thật tế, đối với pháp bố thí cũng thấy đúng như vậy, vì hết thảy chúng sinh mà hồi hướng đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
* Lại nữa, khi Bồ-tát bố thí, nghĩ rằng: Như trí rốt ráo thanh tịnh của mười phương chư Phật trong ba đời biết thật tướng các pháp, cũng biết tướng bố thí, ta nay cũng nên vì tính ấy mà hồi hướng.
* Lại nữa, Bồ-tát ấy là không dùng, không hành năm căn và tâm tâm số pháp, vì nó không thể biết thật tướng các pháp, là pháp ấy đều do nhân duyên sinh, hư dối, không có tự tính. Ta nay muốn biết thật tướng các pháp để hồi hướng, các pháp hư dối ấy vào
* Trang 518 *
vào trong thật tướng đều không có sai khác. Ta nay vì chưa được trí tuệ thanh tịnh chơn thật, nên còn có chỗ phân biệt là hư, là thật. Dùng trí tuệ thanh tịnh để biết, thời đều thành đệ nhất nghĩa đế, vào trong đệ nhất nghĩa đế đều là thanh tịnh, không có sai biệt. Bố thí như vậy mà hồi hướng, thẳng đến Phật đạo; thế nên nói tâm không phân biệt, có thể hành bố thí, ấy gọi là chơn Bồ-tát đạo.
________________
* Trang 519 *