GIẢI THÍCH: PHẨM PHẬT MẪU THỨ 48.
KINH : Phật bảo Tu-bồ-đề, thí như người mẹ có hoặc 5 con, 10 con, 20 con, 30 con, 40 con, 50 con, hoặc trăm hoặc ngàn con, khi mẹ mắc bệnh, các người con siêng năng tìm cầu cứu chữa, nghĩ rằng: Chúng ta làm sao làm cho mẹ được an, không có việc hoạn nạn đau khổ, không vui, gió, rét, lạnh, nóng, muỗi nhặn, rắn rết xâm phạm thân mẹ là điều lo lắng của chúng ta. Các người con thường tìm đồ vui thích, cúng dường mẹ nó, vì sao? Vì mẹ sanh nuôi chúng ta, chỉ bày cho chúng ta các sự nghiệp thế gian.[1]
Như vậy, Tu-bồ-đề, Phật thường lấy Phật nhãn quán sát hộ niệm Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy, hay chỉ bày thật tướng thế gian; mười phương hiện tại chư Phật cũng lấy Phật nhãn xem thấy Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy, vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy hay sanh ra chư Phật, hay cho chư Phật nhất
[1] T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (Mahā-prajñā-pāramitā-sūtra- 大般若波羅蜜多經), quyển 441, phẩm Phật mẫu thứ 46 (佛母品46), tr. 224c8-9: Mẹ ta từ bi, đẻ nuôi chúng ta, dạy chỉ các thứ sự nghiệp thế gian, chúng ta đâu được chẳng đền ơn mẹ.
* Trang 330 *
nhất thiết trí, hay chỉ bày thật tướng thế gian. Vì thế nên chư Phật thường lấy Phật nhãn xem Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy.
Lại vì Bát-nhã ba-la-mật hay sanh ra Thiền ba-la-mật, cho đến Thí ba-la-mật; hay sanh nội không cho đến vô pháp hữu pháp không; hay sanh bốn niệm xứ cho đến tám thánh đạo phần, hay sanh mười lực cho đến trí nhất thiết chủng của Phật; Bát-nhã ba-la-mật hay sanh Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật, chư Phật.
Tu-bồ-đề, chư Phật đã được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nay được, sẽ được, đều do nhân duyên Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu nên được.
Tu-bồ-đề, nếu, thiện nam tử thiện nữ nhân cầu Phật đạo, mà chép kinh Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, cho đến nhớ nghĩ đúng, chư Phật thường lấy Phật nhãn xem thấy người ấy.
Tu-bồ-đề, Thiện nam tử thiện nữ nhân cầu Bồ-tát đạo, được mười phương Phật thường thủ hộ, làm cho không thối thất Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Như Thế Tôn nói Bát-nhã ba-la-mật hay sanh ra chư Phật, hay chỉ bày tướng thế gian. Bạch đức Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật làm sao sanh chư Phật? Làm sao có thể chỉ bày thật tướng
* Trang 331 *
thế gian? Làm sao chư Phật từ Bát-nhã ba-la-mật sanh ra? Làm sao chư Phật nói tướng thế gian?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Từ trong Bát-nhã ba-la-mật ấy sanh ra mười lực cho đến mười tám pháp không chung, trí nhất thiết chủng của chư Phật.
Tu-bồ-đề, do được các công đức ấy nên gọi là Phật, Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu hay sanh chư Phật; chư Phật nói năm uẩn là tướng thế gian.
Tu-bồ-đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, trong Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu nói tướng năm uẩn thế nào? Trong Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu chỉ bày năm uẩn thế nào?
Tu-bồ-đề, trong Bát-nhã ba-la-mật không nói, không chỉ bày năm uẩn có phá, có hoại, có sanh có diệt, có nhơ có sạch, có tăng có giảm, có vào có ra, không chỉ bày có quá khứ, vị lai, hiện tại vì sao ? Vì tướng “không” không có phá không có hoại, tướng “vô tướng” không có phá không có hoại, tướng “vô tác” không có phá không có hoại, pháp không khởi, pháp không sanh, pháp không có gì của chính nó, pháp tánh, không có tướng phá, không có tướng hoại, chỉ bày như vậy.[1]
Như vậy, Tu-bồ-đề, Phật nói trong Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu chỉ bày thật tướng thế gian.
[1] T.7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (Mahā-prajñā-pāramitā-sūtra- 大般若波羅蜜多經), quyển 441, tr.25b28-c13: Phật dạy: Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, Bát-nhã Ba la mật đa thẳm sâu đều chẳng nói chỉ năm uẩn có thành có hoại, có sanh có diệt, có nối có dứt, có nhiễm có tịnh, có thêm có bớt, có vào có ra. Ðều chẳng nói chỉ năm uẩn có quá khứ, có vị lai, có hiện tại, có thiện, có bất thiện, có vô ký, có buộc cõi Dục, có buộc cõi Sắc, có buộc cõi Vô sắc. Sở dĩ vì sao?
Thiện Hiện! Chẳng phải pháp không, vô tướng, vô nguyện có thành có hoại, có sanh có diệt, có nối có dứt, có nhiễm có tịnh, có thêm có bớt, có vào có ra, có quá khứ, có vị lai, có hiện tại, có thiện, có bất thiện, có vô ký, có buộc cõi Dục, có buộc cõi Sắc, có buộc cõi Vô sắc.
Thiện Hiện! Chẳng pháp không sanh không diệt, không tạo không tác, không tánh, có thành có hoại, có sanh có diệt, có nối có dứt, có nhiễm có tịnh, có thêm có bớt, có vào có ra, có quá khứ, có vị lai, có hiện tại, có thiện có bất thiện, có vô ký, có buộc cõi Dục, có buộc cõi Sắc, có buộc cõi Vô sắc.
Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, Bát-nhã Ba la mật đa thẳm sâu như vậy nói chỉ thật tướng năm uẩn.
* Trang 332 *
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Chư Phật nhân nói Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu mà biết rõ tâm sở hành của vô lượng vô biên vô số chúng sanh.
Tu-bồ-đề! Trong Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy không có chúng sanh, không có danh tự chúng sanh, không sắc không có danh tự sắc; không có thọ, tưởng, hành, thức; không có danh tự thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt cho đến không có ý, không có cái biết của mắt cho đến cái biết của ý; không có cái xúc chạm của mắt cho đến cái xúc chạm của ý; cho đến không có trí nhất thiết chủng, không có danh tự trí nhất thiết chủng. Như vậy, Tu-bồ-đề, là Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu chỉ bày thật tướng thế gian.
Tu-bồ-đề, Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy không chỉ bày sắc, không chỉ bày thọ, tưởng, hành, thức; cho đến không chỉ bày trí nhất thiết chủng, vì sao? Tu-bồ-đề, Vì trong Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu còn không có Bát-nhã ba-la-mật huống gì có sắc cho đến trí nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, sở dĩ có danh tự số lượng chúng sanh, hoặc có sắc, hoặc không có sắc, hoặc có tưởng, hoặc không có tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng chẳng phải không có tưởng. Hoặc ở thế giới này, hoặc khắp thế giới mười phương, các chúng sanh
* Trang 333 *
trong đó hoặc nhiếp tâm, hoặc loạn tâm, chư Phật đều biết đúng như thật nhiếp tâm, loạn tâm ấy.
Tu-bồ-đề, làm sao Phật biết tướng nhiếp tâm loạn tâm của chúng sanh?[1] Do pháp tướng nên biết.
Dùng pháp tướng gì nên biết?
Tu-bồ-đề, trong pháp tướng ấy còn không có tướng pháp tướng, huống gì có nhiếp tâm (saṃgrahacitta) loạn tâm (vikṣiptacitta). Tu-bồ-đề, do pháp tướng ấy, nên Phật biết chúng sanh nhiếp tâm loạn tâm.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, Phật biết chúng sanh nhiếp tâm loạn tâm, làm sao biết? Vì tướng tận nên biết, vì tướng không nhiễm ô nên biết, vì tướng tịch diệt nên biết, vì tướng đoạn trừ nên biết, vì tướng tịch tịnh nên biết, vì tướng xa lìa nên biết.
Như vậy, Tu-bồ-đề, Phật nhân nơi Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu nên biết chúng sanh nhiếp tâm loạn tâm.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, Phật nhân nơi Bát-nhã ba-la-mật nên chúng sanh tâm ô nhiễm, như thật biết tâm ô nhiễm; tâm sân hận, tâm ngu si, như thật biết tâm sân hận, tâm ngu si.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, làm sao Phật biết chúng sanh tâm ô nhiễm, như
[1] T. 6: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (大般若波羅蜜經), quyển 305, tr. 556a17-b18, Quyển 442, tr.226c19-227a26; T. 8: Tiểu phẩm bát-nhã ba la mật kinh (小品般若波羅蜜經), quyển 5, tr. 557c18-23; T. 8: Phóng quang bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 11, tr. 76b25-c5l.
* Trang 334 *
như thật biết tâm ô nhiễm? Tâm sân hận, tâm ngu si, như thật biết tâm sân hận, tâm ngu si?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Tướng như thật của tâm ô nhiễm thời không có tướng tâm ô nhiễm, vì sao? Vì trong tướng như thật, tâm và tâm số pháp (Tâm sở) không thể có được, huống gì có được tâm ô nhiễm, tâm không ô nhiễm!
Tu-bồ-đề, tướng như thật của tâm sân hận, tâm ngu si, thời không có tướng sân hận, tướng ngu si, vì sao? Vì trong tướng như thật, tâm và tâm số pháp còn không thể có được huống gì có được tâm sân hận tâm không sân hận, tâm ngu si tâm không ngu si.
Như vậy, Tu-bồ-đề! Phật do Bát-nhã ba-la-mật, nên chúng sanh tâm ô nhiễm, như thật biết tâm ô nhiễm; tâm sân hận, tâm ngu si, như thật biết tâm sân hận tâm ngu si.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, Phật do Bát-nhã ba-la-mật, nên chúng sanh tâm không ô nhiễm, như thật biết tâm không ô nhiễm; tâm không sân hận, tâm không ngu si, như thật biết tâm không sân hận không ngu si.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, làm sao chúng sanh tâm không ô nhiễm, như thật biết tâm không ô nhiễm; tâm không sân hận, như
* Trang 335 *
thật biết tâm không sân hận; tâm không ngu si, như thật biết tâm không ngu si?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Trong tướng tâm không ô nhiễm ấy, tướng nhiễm ô tướng không nhiễm ô không thể có được, vì sao? Tu-bồ-đề! Vì hai tâm không cùng có một lần.
Tu-bồ-đề, Phật do Bát-nhã ba-la-mật, nên chúng sanh tâm không ô nhiễm, như thật biết tâm không ô nhiễm.
Tu-bồ-đề, trong tướng tâm không sân hận, tâm không ngu si ấy, tâm ngu si, tâm không ngu si không thể có được, vì sao? Vì hai tâm không cùng có một lần.
Như vậy, Tu-bồ-đề, Phật do Bát-nhã ba-la-mật, nên chúng sanh tâm không sân hận, tâm không ngu si, như thật biết.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, Phật do Bát-nhã ba-la-mật, nên chúng sanh tâm rộng lớn, như thật biết tâm rộng lớn.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, làm sao Phật do Bát-nhã ba-la-mật, nên chúng sanh ấy có tâm rộng lớn, như thật biết tâm rộng lớn?
Này Tu-bồ-đề, Phật biết tâm tướng của chúng sanh không rộng không hẹp, không tăng không
* Trang 336 *
không giảm, không đến không đi; vì tâm tướng lìa, nên tâm ấy không rộng cho đến không đến không đi, vì sao? Vì tâm ấy không có tự tánh, vậy cái gì rộng cái gì hẹp, cho đến không đến không đi cũng như vậy.
Tu-bồ-đề, Phật do Bát-nhã ba-la-mật, nên chúng sanh có tâm rộng, như thật biết tâm rộng.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, Phật do Bát-nhã ba-la-mật, nên chúng sanh có tâm lớn, như thật biết tâm lớn.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, làm sao Phật do Bát-nhã ba-la-mật, nên chúng sanh ấy có tâm lớn, như thật biết tâm lớn?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Phật do Bát-nhã ba-la-mật, không thấy tâm chúng sanh có tướng đến tướng đi, không thấy tâm chúng sanh có tướng sanh, tướng diệt, tướng trụ, tướng khác, vì sao? Vì các tâm ấy không có tự tánh; vậy cái gì đến, cái gì đi, cái gì sanh, diệt, trụ, dị?
Như vậy, Tu-bồ-đề, Phật do Bát-nhã ba-la-mật nên chúng sanh ấy có tâm lớn, như thật biết tâm lớn.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, Phật do Bát-nhã ba-la-mật nên chúng sanh có tâm vô lượng, như thật biết tâm vô lượng.
* Trang 337 *
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, làm sao Phật do Bát-nhã ba-la-mật, nên chúng sanh có tâm vô lượng, như thật biết tâm vô lượng?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Phật do Bát-nhã ba-la-mật nên biết tâm chúng sanh ấy, chẳng thấy trụ, chẳng thấy không trụ, vì sao? Vì tướng tâm vô lượng ấy, không có nương dựa, vậy cái gì có chỗ trụ không trụ.
Như vậy, Tu-bồ-đề, Phật do Bát-nhã ba-la-mật, nên chúng sanh có tâm vô lượng, như thật biết tâm vô lượng.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, Phật do Bát-nhã ba-la-mật, nên tâm của chúng sanh không thể thấy, Phật như thật biết tâm không thể thấy.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, làm sao Phật do Bát-nhã ba-la-mật, nên tâm của chúng sanh không thể thấy, Phật như thật biết tâm không thể thấy?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Tâm chúng sanh là vô tướng, Phật như thật biết vô tướng, vì tự tướng “không” vậy.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, Phật biết năm mắt không thể thấy tâm chúng sanh.
* Trang 338 *
Như vậy, Tu-bồ-đề, Phật do Bát-nhã ba-la-mật, nên tâm của chúng sanh không thể thấy, Phật như thật biết tâm không thể thấy.[1]
LUẬN: Ở trên nói mười phương chư Phật và đại Bồ-tát ủng hộ người viết chép đọc tụng cho đến nhớ nghĩ đúng Bát-nhã ba-la-mật, không để Ma tìm được thuận tiện. Thính giả ở trong hội chúng nghe việc ấy, suy nghĩ rằng: “Chư Phật chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tướng tịch diệt, đối với các pháp và chúng sanh không có yêu ghét, vậy cớ sao ủng hộ người viết chép, giữ gìn cho đến nhớ nghĩ đúng?” Vì thế nên Phật bảo Tu-bồ-đề, để nói thí dụ như đứa con vì biết ân nên thủ hộ mẹ nó. Bát-nhã là mẹ của mười phương chư Phật, nếu có Ma v.v... chướng nạn, muốn phá hoại Bát-nhã ba-la-mật, chư Phật tuy hành tướng tịch diệt, nhưng vì thương xót chúng sanh, vì biết ân, nên đem tâm từ bi thường niệm, dùng Phật nhãn thường thấy, mà thủ hộ người tu hành Bát-nhã, khiến được tăng ích, không mất Phật đạo. Trong đây Phật nói nhân duyên: Các hiền thánh và pháp của hiền thánh đều từ trong Bát-nhã sanh ra.
Hỏi: Tu-bồ-đề hỏi bốn việc,[2] cớ sao Phật đáp thẳng ba việc, mà không nói “chư Phật từ trong Bát-nhã sanh?”
Đáp: Bát-nhã sanh chư Phật, chư Phật từ Bát-nhã sanh, nghĩa không khác.
[1] T. 8: Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh (摩訶般若波羅蜜經), quyển 14, phẩm Phật mẫu thứ 48 (佛母品), tr.323a23-324b22.
[2] T. 25: Đại trí độ luận ( Mahāprajñāpāramitā-śāstra- 大智度論), quyển 69, Phật mẫu phẩm 48 (佛母品48), tr.543a1: (1) Bát-nhã ba-la-mật làm sao sanh chư Phật? (2) Lm sao cĩ th? chỉ bày thật tướng thế gian? (3) Làm sao chư Phật từ Bát-nhã ba-la-mật sanh ra? (4) Làm sao chư Phật nói tướng thế gian?
* Trang 339 *
Có người nói các pháp hòa hợp sanh ra Bát-nhã ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật sanh ra chư Phật. Có người tu hành Bát-nhã ba-la-mật và các hạnh khác mà được thành Phật. 1. Nói về tác giả, 2. Nói về pháp. Hoặc nói: “cành gãy làm chết người”, hoặc nói “cây gãy làm chết người”, hai việc ấy giống nhau, cho nên không đáp riêng. Hoặc nói: “Bát-nhã ba-la-mật sanh ra chư Phật”, tức là nói “chư Phật từ Bát-nhã sanh.”
Hỏi: Như các kinh khác nói vì năm uẩn bị phá hoại nên gọi là thế gian, sao trong đây nói Bát-nhã ba-la-mật giải bày năm uẩn, không có tướng phá hoại sanh diệt?
Đáp: Kia là việc Tiểu thừa, đây là pháp Đại thừa (mahāyāna). Trong pháp Tiểu thừa (hīnayāna) phần nhiều nói vô thường (anitya), trong pháp Đại thừa phần nhiều nói pháp không (dharma-nairātmya). Trong pháp Tiểu thừa trước nói vô thường (anitya), sau nói pháp không (dharma-nairātmya), trong pháp Đại thừa mở đầu liền nói pháp không (dharma-nairātmya). Trong pháp Tiểu thừa nói vô thường làm cho chúng sanh sợ hãi, Đại thừa thời không như vậy, thế nên nói không có phá hoại, sanh diệt. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Không (śūnyatā), vô tướng (animita), vô tác (apranihita), trọn không phá hoại. Trong Bát-nhã ba-la-mật chỉ bày tướng thế gian như vậy.
* Lại nữa, năm uẩn (pañcaskandha) gọi là chúng sanh thế gian, có hình sắc dễ biết, còn tâm và tâm số pháp vô hình khó biết, thế nên Phật nói với Tu-bồ-đề, tâm sở hành của vô lượng vô số chúng sanh Phật đều biết. Trong Bát-nhã tuy không có chúng
* Trang 340 *
sanh và các pháp sắc cho đến trí nhất thiết chủng (sarvathā-jñāna), song do lực phương tiện Bát-nhã mà biết được tâm sở hành của chúng sanh, vì trong Bát-nhã ba-la-mật rốt ráo không, nên không chỉ bày sắc pháp cho đến trí nhất thiết chủng. Trong đây Phật nói nhân duyên: Trong Bát-nhã ba-la-mật còn không có tướng Bát-nhã, huống gì có sắc pháp v.v...
* Lại nữa, Bát-nhã ba-la-mật chỉ bày tướng thế gian là tất cả chúng sanh hoặc sắc hoặc vô sắc. Sắc (rūpa) là chúng sanh ở cõi Dục cõi Sắc; Vô sắc (arūpa) là chúng sanh ở cõi Vô sắc; Hữu tưởng (saṃjñin) là trừ cõi trời Vô tưởng và cõi trời Phi Hữu tưởng Phi Vô tưởng, ngoài ra là hữu tưởng; Vô tưởng (asaṃjñā) là chúng sanh ở cõi trời vô tưởng; Phi hữu tưởng phi vô tưởng (Nāivasaṃjñānāsṃjñāyatana) là chúng sanh ở cõi trời hữu đảnh (akaniṣṭha).
Thế giới ở đây là thế giới ba ngàn đại thiên. Khắp cả mười phương là các vô lượng vô biên thế giới khác. Chúng sanh ba đời trong sáu đường tại các thế giới ấy nhiếp tâm hay loạn tâm, Phật đều biết rõ.
Tu-bồ-đề hỏi xong, tâm nghi ngờ quái lạ: Chư Phật thường ưa hành pháp “không” tịch tịnh, sao nay biết khắp vô thỉ vô biên chúng sanh nhiếp tâm loạn tâm? Tâm Phật chỉ có một làm sao trong một lúc biết hết vô lượng tâm chúng sanh? Vì vậy nên hỏi Phật vì sao biết? Phật đáp: Do trí tuệ biết thật tướng các pháp nên biết chúng sanh nhiếp tâm (saṃgrahacitta), loạn tâm (vikṣiptacitta).
* Trang 341 *
Tu-bồ-đề hỏi: Thế nào là thật tướng các pháp (bhūtatathatā)?
Đáp: Đó là rốt ráo không (atyanta-śūnyatā). Rốt ráo không ấy, tánh rốt ráo không thể có được, huống gì nhiếp tâm loạn tâm.
Hỏi: Trong thật tướng các pháp rốt ráo không, không có phân biệt tâm và tâm số pháp, làm sao Phật biết được tâm ấy?
Đáp: Trong đây Phật tự nói: Tánh các pháp thật tướng (bhūtatathatā) cũng không thể có được, lấy trí tuệ ấy biết chúng sanh nhiếp tâm loạn tâm, vì sao? Vì nếu “tánh không-śūnyata” có thể có được, nên mới có nạn vấn, còn “tánh không-śūnyata” không thể có được làm sao nạn vấn, nay Phật đã vượt qua hết thảy pháp do ức tưởng phân biệt hư vọng, an trú nơi thật tướng, nên như thật biết tâm hết thảy chúng sanh, còn tâm chúng sanh vì trú trong pháp hư vọng, nên không thể như thật biết các chúng sanh khác. Trước lược nói biết tâm kẻ khác, sau phân biệt chúng sanh nhiếp tâm loạn tâm, gọi là tâm có ba độc, tâm không có ba độc, tâm rộng lớn vô lượng, không thể thấy ra vào co duỗi v.v...
Tu-bồ-đề hỏi từng việc, ban đầu đáp do thật tướng các pháp nên biết nhiếp tâm loạn tâm, kế đáp do tận, do không có ô nhiễm, do tịch diệt, đoạn tịch tịnh, ly tướng nên biết.
Tận là tuệ quán vô thường. Bồ-tát tu hành tuệ tâm quán vô thường ấy, lìa bỏ ô nhiễm của thế gian; dùng thế gian đạo ngăn dứt kiết sử, nên gọi là Diệt; Dùng vô lậu
* Trang 342 *
đạo để dứt, nên gọi là Đoạn; đoạn các kiết sử xong, quán Niết-bàn tịch tịnh, lìa tướng. Do nhân duyên ấy được thật tướng các pháp; do thật tướng các pháp, biết chúng sanh nhiếp tâm, loạn tâm, đều là thật tướng.
* Lại nữa, tâm ấy niệm niệm sanh diệt, ở đời vị lai không có nên không thể biết; hiện tại niệm niệm diệt, không có lúc ngừng, nên không thể biết; người phàm phu thủ lấy tướng mà phân biệt, đối với ba đời, ức tưởng vọng thấy, cho là biết được tâm niệm.
Quán theo tận môn tức là rốt ráo không, rốt ráo không nên không đắm trước gì, khi ấy đắc đạo. Biết thật tướng các pháp, đối với các pháp không vọng tưởng phân biệt, thời như thật biết tâm người khác.
Tâm nhiễm ô là hết thảy pháp vào trong pháp tánh đều là thanh tịnh, thế nên nói trong thật tướng của tâm ô nhiễm không có tâm ô nhiễm, vì sao? Vì trong tánh như thật không có tâm, không có tâm số pháp huống gì có tâm ô nhiễm. Tâm sân hận, tâm ngu si cũng như vậy. Trong tướng tâm không có ô nhiễm, trong ấy không có tướng trạng tâm ô nhiễm. Tâm ô nhiễm từ xưa nay không có, nên cũng không có tâm chẳng ô nhiễm, tâm không ô nhiễm là tướng tịch diệt, không có phân biệt gì.
Trong đây Phật tự nói nhân duyên, Tu-bồ-đề, vì hai tâm không cùng có, theo pháp của chúng sanh, thời tâm tâm thứ lớp sanh, khi tâm không ô nhiễm thời tâm không
* Trang 343 *
ô nhiễm, vì sao? Vì tâm ô nhiễm quá khứ đã diệt, vị lai chưa có, hiện tại không có, thời không có tâm ô nhiễm. Tâm ô nhiễm không có nên cũng không có tâm chẳng ô nhiễm, vì pháp đối đãi không có. Thế nên trong thật tướng không ô nhiễm, không có tâm ô nhiễm, tâm chẳng ô nhiễm; không có tâm sân hận, không có tâm ngu si cũng như vậy. Tâm rộng hẹp thêm bớt đều là vì chúng sanh thủ tướng phân biệt. Phật không biết như vậy, vì sao? Vì tâm ấy không sắc không hình, không có trú xứ, niệm niệm diệt, thời không có rộng hẹp thêm bớt sai khác.
Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Tánh và tướng của tâm không có, nên rộng hẹp v.v... không thể có được. Nghĩa của rộng, hẹp, thêm, bớt, lớn, nhỏ là như trong đoạn bốn tâm vô lượng đã nói.
Tâm vô lượng là tâm rộng tâm lớn tức là vô lượng. Lại duyên vô lượng chúng sanh nên gọi là vô lượng. Lại duyên pháp Niết-bàn vô lượng nên gọi là vô lượng. Lại tâm tướng không thể chấp thủ, nên gọi là vô lượng. Như có mắt có sắc làm nhân duyên[1] nên nhãn thức sanh (cakṣur-vijñāna), thức ấy không ở mắt, không ở sắc, không ở chặng giữa, không ở đây không ở kia, thế nên không có trú xứ. Nếu thật không có trú xứ thời làm sao có thể tạo tác gì, hoặc tốt hoặc xấu, như việc thấy trong mộng, không thể tìm tướng chắc thật nhất định của nó. Tâm cũng như vậy, không có chỗ nương tựa, nên không có tướng nhất định, nên gọi là vô lượng. Rộng và lớn cũng theo nghĩa mà phân biệt như vậy.
[1] T. 25: Đại trí độ luận (大智度論), quyển 6, tr. 104a29-b21: Bóng trong gương từ nhân duyên mà có, có mặt, có gương, có người cầm gương, có ánh sáng, các sự ấy hòa hợp mà có bóng; Quyển 52, tr. 434b1318: thí như có mắt, có sắc, có ánh sáng, có khoảng không, có tâm muốn thấy, đủ các nhân duyên ấy hòa hợp sanh nhãn thức. trong đây không được nói mắt là cái thấy, hoặc thức là cái thấy. hoặc sắc là cái thấy, hoặc ánh sáng là cái thấy. nếu mắt, sắc, thức mỗi mỗi khôgn thấy được gì, thì hòa hợp lại cũng không thể có thấy. Vì vậy nên cái thấy rốt ráo không.
* Trang 344 *
Hỏi: Nếu biết tâm không thể thấy, sao Phật nói như thật, biết tâm không thể thấy?
Đáp: Có người tọa thiền, ức tưởng phân biệt, thấy tâm ấy như sợi dây xâu trong hạt ngọc trong sạch, quán sát trong người với bộ xương trắng, thấy tâm thứ lớp nối nhau sanh, có khi thấy tâm ở nơi thân, có khi thấy tâm ở nơi cảnh, như ở vô biên thức xứ (vijñāna-anantya-āyatana), chỉ thấy thức vô lượng vô biên. Để phá các chỗ hư vọng như vậy, nên Phật nói như thật biết tâm chúng sanh, tâm chúng sanh tự tướng không, nên nó là tướng vô tướng.
* Lại nữa, Phật lấy năm mắt (pañca-cakṣūṃṣi) quán sát thấy tâm ấy không thể có được. Mắt thịt (māṃsa-cakṣus), mắt trời (divya-cakṣus) duyên sắc nên không thấy. Mắt tuệ (prajñā-cakṣus) duyên Niết-bàn nên không thấy. Mắt pháp (dharma-cakṣus) của kẻ sơ học, phân biệt biết các pháp lành chẳng lành, có phiền não không phiền não; mắt pháp ấy vào trong thật tướng thời không phân biệt, như trước nói, hết thảy pháp không có kẻ biết, không có kẻ thấy,[1] thế nên không thể thấy. Mắt Phật (Buddha-cakṣus) quán sát tướng tịch diệt nên không thể thấy. Phật thấy tâm chúng sanh là như thật thấy, chứ không như người phàm phu ức tưởng phân biệt thấy.
* Lại nữa, năm mắt do nhân duyên hòa hợp sanh, đều là pháp bị tạo tác, hư dối không thật, Phật không tin không dùng, thế nên không dùng năm mắt thấy.
(Hết cuốn 69 theo bản Hán)
[1] Xem Đại trí độ luận, quyển 3, 7, 12, 25, 42.
* Trang 345 *
KINH: Lại nữa, Tu bồ đề Phật do Bát nhã ba la mật thâm sâu mà như thật biết tâm số của chúng sanh ra khỏi, chìm đắm, co duỗi.
Bạch đức Thế Tôn, làm thế nào Phật do Bát nhã ba la mật thâm sâu mà như thật biết tâm số của chúng sanh ra khỏi, chìm đắm, co duỗi.
Phật dạy: Tâm số của chúng sanh ra khỏi, chìm đắm, co duỗi v.v... đều nương nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức phát sanh. Tu bồ đề, Phật từ nơi đó biết tâm số của chúng sanh ra khỏi, chìm đắm, co duỗi, nghĩa là biết tâm số của chúng sanh chấp “thần ngã và thế gian thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ” Kiến chấp ấy nương nơi sắc mà có; chấp “thần ngã và thế gian vô thường, là sự thật ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi sắc mà có; chấp “thần ngã và thế gian cũng thường cũng vô thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ” kiến chấp ấy nương nơi sắc mà có; chấp “thần ngã và thế gian chẳng phải thường chẳng phải vô thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ” kiến chấp ấy nương nơi sắc mà có.
Chấp “thần ngã và thế gian thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ” kiến chấp ấy nương nơi thọ mà có; chấp “thần ngã và thế gian vô thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi thọ mà có; chấp “thần ngã và
* Trang 346 *
thế gian cũng thường cũng vô thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi thọ mà có; chấp “thần ngã và thế gian chẳng phải thường chẳng phải vô thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi thọ mà có.
Chấp “thần ngã và thế gian thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi tưởng mà có; chấp “thần ngã và thế gian vô thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi tưởng mà có; chấp “thần ngã thế gian cũng thường cũng vô thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi tưởng mà có; chấp “thần ngã và thế gian chẳng phải thường chẳng phải vô thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi tưởng mà có.
Chấp “thần ngã và thế gian thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi hành mà có; chấp “thần ngã và thế gian vô thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi hành mà có; chấp “thần ngã và thế gian cũng thường cũng vô thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi hành mà có; chấp “thần ngã và thế gian chẳng phải thường chẳng phải vô thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi hành mà có.
Chấp “thần ngã và thế gian thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi
* Trang 347 *
thức mà có; chấp “thần ngã và thế gian vô thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi thức mà có; chấp “thần ngã cũng thường cũng vô thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi thức mà có; chấp “thần ngã và thế gian chẳng phải thường chẳng phải vô thường là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi thức mà có.
Chấp “thế gian hữu biên là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi sắc mà có; chấp “thế gian vô biên là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi sắc mà có; chấp “thế gian hữu biên vô biên là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi sắc mà có; chấp “thế gian chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi sắc mà có. Nương thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. [1]
Chấp “thần ngã chính là thân”, kiến chấp ấy nương nơi sắc mà có; chấp thần ngã khác, thân khác, kiến chấp ấy nương nơi sắc mà có. Nương nơi thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.
Chấp “sau khi chết còn có như khứ[2] là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi sắc mà có; chấp “sau khi chết không còn có như khứ là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi sắc mà có; chấp “sau khi chết
[1] T. 1: Trường a-hàm kinh (Dīrghāgama-長阿含經), tr. 75c12-76a1, quyển 14, tr. 91b6-23, quyển 17, tr. 111a1-12, quyển 19, tr. 128b17-24; T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 16, kinh số 408, tr. 109a27-b4; T. 26: Thập trụ tỳ-bà-sa luận (Daśabhūmivibhāsā-śāstra-十住毘婆沙論), quyển 11, tr. 80c29-a10; T. 26: A-tỳ-đạt-ma tập dị môn túc luận (阿毘達磨集異門足論), quyển 8, tr. 400a7-23; T. 28: Xá-lợi- phất a-tỳ-đàm luận (舍利弗阿毘曇論), quyển 20, tr.658a3-17; T. 30: Trung luận (Madhyamaka-śāstra-中論), quyển 4, phẩm 22: Quán như lai (Tathāgata-parīkṣā-觀如來品22), tr. 30b29-c11, Quyển 4, phẩm 27: Quán tà kiến (Dṛṣṭi-parīkṣā-觀邪見品27), quyển 4, phẩm 25: Quán Niết bàn (Nirvāna-parīkṣā- 觀涅槃品25), tr. 36a14-26: Sau khi đức Như Lai diệt độ, hoặc hiện hữu hay không hiện hữu, các kiến chấp ấy nương nơi Phật Niết-bàn mà sinh khởi; thế gian hữu biên vô biên, hoặc thường hoặc vô thường, các kiến chấp ấy nương đời vị lai và quá khứ mà sinh khởi (Paraṁ nirodhādantādyāḥ śāśvatādyāśca dṛṣṭayaḥ| Nirvāṇamaparāntaṁ ca pūrvāntaṁ ca samāśritāḥ (21).
Sau khi Như lai diệt độ còn có Như lai, không có Như lai, cũng có cũng không có Như lai, chẳng phải có Như lai chẳng phải không có Như lai; thế gian hữu biên, thế gian vô biên, thế gian cũng hữu biên cũng vô biên, thế gian chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên; thế gian thường, thế gian vô thường; thế gian cũng thường cũng vô thường, thế gian chẳng phải thường chẳng phải vô thường. Trong ba loại mười hai kiến chấp ấy, bốn kiến chấp sau khi Như lai diệt độ Như lai có không… là dựa vào sau khi Như lai Niết bàn mà khởi lên; bốn kiến chấp thế gian hữu biên vô biên …là dựa vào đời vị lai mà khởi lên, bốn kiến chấp thế gian thường vô thường…là dựa vào đời quá khứ mà khởi lên.
Như Như lai có hay không có…sau khi diệt độ không thể có được, Niết bàn cũng như vậy, như thế gian đời quá khứ, vị lai, hữu biên, vô biên, thương, vô thường đều không thể có được. Niết bàn cúng như vậy. Thế nên nói thế gian và niết bàn không có sai khác.
T. 30: Du già sư địa luận (Yogācāra-bhūmi-śāstra-瑜伽師 地論), quyển 7, tr. 310a22-b10: Biên vô biên luận là, như có Sa môn hoặc bà-la-môn, y chỉ các tịnh lự thế gian. Đối với thế gian ấy trú hữu biên vô biên tưởng , câu tưởng không câu tưởng, rộng như kinh nói. Do sanh khởi thấy như vậy, lập luận như vậy, thế gian hữu biên, thế gian vô biên, thế gian cũng hữu biên cũng vô biên, thế gian phi hữu biên phi vô biên. Nên biết trong đây đã nói nhân duyên và kế chấp. Trong đó nếu y đoạn biên tế cầu thế biên, hoặc ức niệm hoại kiếp đối với thế gian sinh khởi hữu biên tưởng, hoặc ức niệm thành kiếp thời đối với thế gian sinh khởi vô biên tưởng, hoặc khi y vào phương vức rộng cầu thế biên, hoặc dưới đến vô gián lại không có sở đắc, hoặc trên đến tịnh lự thứ tư cũng không có sở đắc, bàng nhất thiết xứ không có được biên tế. Lúc bấy giờ đối với trên dưới sinh khởi hữu biên tưởng, đối với bàng xứ sở sinh khởi vô biên tưởng. hoặc là trị bệnh chấp này, chỉ y vào văn nghĩa sai biệt không sai biệt, thời đối với thế gian sinh khởi phi hữu biên phi vô biên tưởng
Nay nên hỏi kia, ông muốn gì? từ tiền hoại kiếp cho đến nay lại có thế gian sinh khởi hay không sinh khởi? nếu nói có, thế gian hữu biên không đúng đạo lý, nếu nói không, phi thế gian trú niệm thế gian biên, chẳng phải đạo lý. Như vậy đến từ có đến từ vô, đều không đúng lý. Vì vậy biên vô biên luận này không như lý nói.
[2] Xem Đại trí độ luận, quyển 2, 7, 42, 55.
* Trang 348 *
chết hoặc có như khứ hoặc không có như khứ, là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi ắc mà có; chấp “sau khi chết chẳng phải có như khứ chảng phải không có như khứ là sự thật, ngoài ra là vọng ngữ”, kiến chấp ấy nương nơi sắc mà có. Nương nơi thọ, tưởng, hành, thức, cũng như vậy.
Như vậy, Tu bồ đề, Phật do Bát nhã ba la mật thâm sâu mà như thật biết tâm số chúng sanh ra khỏi, chìm đắm, co duỗi.
* Lại nữa, Tu bồ đề, Phật biết tướng sắc, biết tướng sắc thế nào? Là như như, như như chẳng hoại, không phân biệt (nirvikalpa), không có tướng (animitta), không có ức tưởng, không có hý luận (aprapañca), không có đắc (aprāpti), tướng sắc cũng như vậy.
Tu bồ đề, Phật biết tướng thọ, tưởng, hành, thức thế nào? Là như như, như như chẳng hoại, không phân biệt, không có tướng, không có ức tưởng, không có hý luận, không có đắc; tướng thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.
Như vậy, Tu bồ đề, Phật biết tướng như như của chúng sanh và tướng như như của tâm số ra khỏi, chìm đắm, co duỗi. Tướng như của năm uẩn, tướng như của các hành tức là tướng như của hết thảy pháp.
* Trang 349 *
Những gì là tướng như của hết thảy pháp? Ðó là sáu Ba la mật tướng như; sáu Ba la mật tướng như tức là ba mươi bảy phẩm tướng như; ba mươi bảy phẩm tướng như tức là “mười tám không” tướng như; “mười tám không” tướng như tức là tám bội xả tướng như; tám bội xả tướng như tức là chín định thứ đệ tướng như; chín định thứ đệ tướng như tức là Phật mười lực tướng như; Phật mười lực tướng như tức là bốn điều không sợ, bốn biện giải vô ngại, đại từ đại bi cho đến mười tám pháp không chung tướng như; mười tám pháp không chung tướng như tức là trí Nhất thiết chủng tướng như; trí Nhất thiết chủng tướng như tức là pháp thiện pháp bất thiện, pháp thế gian pháp xuất thế gian, pháp hữu lậu pháp vô lậu tướng như ; pháp hữu lậu pháp vô lậu tướng như tức là các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại tướng như; các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại tướng như tức là pháp hữu vi pháp vô vi tướng như; pháp hữu vi pháp vô vi tướng như tức là quả vị Tu đà hoàn tướng như; quả Tu đà hoàn tướng như tức là quả vị Tư đà hàm tướng như; quả vị Tư dà hàm tướng như tức là quả vị A na hàm tướng như; quả vị A na hàm tướng như tức là quả vị A la hán tướng như; quả vị A la hán tướng như tức là đạo Bích chi Phật tướng như; đạo Bích chi Phật tướng như tức là Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề tướng như; Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề
* Trang 350 *
tướng như tức là chư Phật tướng như; chư Phật tướng như đều là tướng nhất như, chẳng hai chẳng khác, chẳng tận chẳng hoại, ấy gọi là tướng như của hết thảy các pháp. Phật do Bát nhã ba la mật biết được tướng như ấy. Do nhân duyên ấy nên Bát nhã ba la mật hay sanh ra chư Phật, hay chỉ thị tướng thế gian.
Như vậy, Tu bồ đề, Phật biết hết thảy pháp tướng như, không phải tướng chẳng như, tướng chẳng khác. Vì được tướng như ấy nên Phật gọi là Như lai.
Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, tướng như của các pháp ấy, không phải tướng chẳng như, tướng chẳng khác, rất sâu xa. Bạch đức Thế Tôn, chư Phật dùng như ấy mà vì người nói Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.
Bạch đức Thế Tôn, ai hay tin hiểu điều ấy? Chỉ có Bồ tát đã đến địa vị bất thối và người đầy đủ chánh kiến và A la hán đã hết sạch các lậu hoặc, vì sao? Vì pháp ấy rất sâu xa.
Tu bồ đề, như ấy tướng không cùng tận nên rất sâu xa.
Tu bồ đề thưa: Pháp gì tướng không cùng tận nên rất sâu xa? Phật dạy: Hết thảy pháp không cùng tận. Như vậy, tu bồ đề, Phật biết
* Trang 351 *
được hết thảy pháp ấy rồi mà thuyết pháp cho chúng sanh.
LUẬN: Phật biết hết sở tác sở hành của tất cả chúng sanh, biết sáu mươi hai tà kiến, chín mươi tám kiết sử phiền não, thế nên nói Phật biết tâm tâm số pháp của chúng sanh ra khỏi, chìm đắm, co duỗi. Người tại gia bị các phiền não ái nhiễm nhận chìm, nên gọi là chìm, người xuất gia lìa chín mươi sáu thứ tà kiến gọi là ra khỏi. Lại thường đắm cái vui ở đời gọi là chìm, hoặc biết nó vô thường mà sợ sệt cầu đạo gọi là ra khỏi. Lại lãnh thọ chín mươi sáu tà đạo không thể cầu chánh đạo trở lại chìm vào thế gian, gọi là chìm, co là không lìa khỏi cõi dục, duỗi là lìa khỏi cõi Dục. Lìa không lìa cõi Sắc cũng như vậy. Như ngươì đứng trên ao nước trong, trông thấy cá, có con thường ở trong nước, có con tạm nhảy ra rồi trở lại lặn xuống, có con ra khỏi nhìn bốn phương, có con ra khỏi muốn lội qua gần bờ trở lại lặn xuống. Phật cũng như vậy, lấy Phật nhãn nhìn chúng sanh trong mười phương sáu đường, có kẻ thường đắm năm dục, bị phiền não che tâm, không cầu ra khỏi; có kẻ tâm tốt hay bố thí, trì giới mà vì tà kiến nghi hoặc che tâm nên trở lại chìm đắm; có kẻ ra khỏi năm dục, quán bốn chân lý vi diệu, đạt được noãn pháp, nhưng chưa đạt được thật pháp nên trở lại chìm đắm; có người lìa dục chứng được Sơ thiền cho đến Vô sở hữu xứ định, vì chẳng đặng Niết bàn nên trở lại chìm đắm.
Thế nào là tướng ra khỏi, chìm đắm, co duỗi? Trong đây Phật nói đó là chấp thần ngã và thế gian
* Trang 352 *
thường. Thần ngã là người phàm phu ức tưởng phân biệt theo tâm chấp ngã thủ tướng nên chấp có thần ngã. Ngoại đạo nói thần ngã có hai thứ là thường và vô thường. Nếu người chấp thần ngã thường, thì thường tu phước đức, để sau thọ quả báo; hoặc do hành đạo mà thần ngã được giải thoát. Nếu người chấp thần ngã vô thường thì vì danh lợi hiện đời nên có tạo tác. Chấp thường vô thường là có người cho thần ngã có hai thứ: 1. Vi tế thường trú. 2. Hiện có tạo tác. Hiện có tạo tác là thân này khi chết vô thường nhưng thần ngã vi tế là thường. Có người nói thần ngã chẳng phải thường chẳng phải vô thường, thường hay vô thường đều có lỗi. Nếu thần ngã vô thường tức không có tội phước, vì sao? Vì nếu thường thời khổ vui không đổi khác, thí như hư không, mưa không làm ướt, gió nắng không làm khô; nếu vô thường thì khổ vui biến đổi, thí như gió mưa, đối với da trâu thì làm cho hư nát. Vì tâm chấp ngã nên nói chắc có thần ngã, nhưng chẳng phải thường chẳng phải vô thường.
Phật nói bốn thứ tà kiến; đều duyên nơi năm uẩn, chỉ vì nơi năm uẩn lầm chấp là thần ngã.
Thần ngã và thế gian là: Thế gian có ba thứ: 1. thế gian năm uẩn. 2. Thế gian chúng sanh. 3. Thế gian quốc độ. Trong đây nói hai thứ thế gian là thế gian năm uẩn và thế gian quốc độ; thế gian chúng sanh tức là thần ngã. Ðối nơi tướng thế gian cũng có bốn thứ tà kiến.
* Trang 353 *
Hỏi: Thần ngã thì từ xưa lại đây không có, nên chấp là sai, còn thế gian là có, cớ sao lại đồng với tà kiến chấp có thần ngã?
Ðáp: Chỉ phá cái chấp tướng thường vô thường đối với thế gian, chứ không phá thế gian, thí như người không có mắt cầm rắn mà cho là anh lạc, còn người có mắt thì cho là rắn, chẳng phải anh lạc. Phật phá cái điên đảo chấp thế gian thường, mà không phá thế gian, vì sao? Vì hiện thấy thế gian vô thường. Nhưng cũng không được nói vô thường vì tội phước chẳng mất; vì quá khứ đã có tạo tác, nói thường hay nói vô thường, cả hai đều lỗi; còn nói chẳng phải vô thường, cũng có lỗi vì đắm trước thế gian.
Thế gian hữu biên là có người tìm nguồn gốc thế gian, không thấy chỗ bắt đầu của nó, không có bắt đầu, thời cũng không có khoảng giữa, khoảng sau. Nếu không bắt đầu, khoảng giữa, khoảng sau thời không có thế gian; thế nên thế gian lý đáng phải có bắt đầu, tức là hữu biên. Người chứng được thiền định nhờ trí biết kiếp trước, thấy được việc trong tám vạn kiếp trước, quá nữa thì không biết; chỉ thấy thức trung ấm bắt đầu của thân này, mà tự suy nghĩ: Thức này không thể không có nhân không có duyên; chắc phải có nhân duyên. Mà trí biết kiếp trước không thể biết, chỉ ức tưởng phân biệt, có một pháp gọi là “thế tánh”, chẳng phải năm thức biết được, vì nó quá vi tế. Từ trong “thế tánh” đầu tiên sanh ra “giác”, giác tức là “thức trung ấm.” Từ giác sanh “ngã”, từ ngã sanh “năm thứ vi trần” là sắc, tiếng, mùi,
* Trang 354 *
vị, xúc. Từ vi trần tiếng sanh “hư không đại”, từ vi trần tiếng và xúc sanh ra “phong đại”, từ vi trần sắc tiếng và xúc sanh ra “hỏa đại”, từ vi trần sắc, tiếng, mùi, vị, xúc sanh “thủy đại”, từ vi trần sắc tiếng mùi, vị, xúc sanh “địa đại.” Từ không sanh nhĩ căn, từ gió sanh thân căn, từ lửa sanh nhãn căn, từ nước sanh thiệt căn, từ đất sanh tỷ căn, như vậy dần dần từ tế đến thô.
Thế tánh là từ thế tánh đi đến thô, từ thô chuyển đến tế, trở lại thế tánh; thí như trong cục bùn có các tánh cách cái bình cái chậu v.v... Lấy bùn làm bình, phá bình làm chậu, như vậy chuyển biến mãi không mất; thế tánh cũng như vậy. Chuyển biến làm thô, thế tánh là pháp thường, không từ đâu đến, như trong kinh Tăng Khư (Saṃkhyā-Số luận) nói rộng thế tánh này.
Lại có người nói: Biên tế bắt đầu của thế gian là vi trần, là cực vi, vi trần là pháp thường hằng không thể phá, không thể đốt, không thể nát, không thể hoại, vì là rất nhỏ, chỉ đợi nhân duyên của tội phước nên hoà hợp mà có thân; hoặc thân trời hoặc thân địa ngục v.v... vì không có cha mẹ; nhân duyên của tội phước hết thời tan rã.
Có người cho “tự nhiên” là khởi nguyên thế giới, giàu nghèo, sanh hèn, chẳng phải do mong ước, tạo tác mà đưọc.
Có người nói: Chúa Trời là khởi nguyên thế giới, tạo tác tốt xấu hoạ phước, trời đất muôn vật, các pháp ấy khi tiêu diệt, Trời trở lại thu nhiếp lấy. Chấp các nguyên nhân tà vạy như vậy cho là biên tế thế giới.
* Trang 355 *
Có người nói: Khi chúng sanh đời đời chịu vui hết, tự đi đến biên tế, thí như đứng trên núi quăng cuốn chỉ, chỉ hết tự ngừng. Thọ tội thọ phước, đều qui về cùng tận. Tinh tấn hay biếng nhác không khác.
Có người nói: Thế gian quốc độ tám phương đều có bờ mé, chỉ phía trên và dưới không có bờ mé.
Có người nói: Phía dưới đến mười tám địa ngục, phía trên đến cõi trời Hữu Ðảnh, trên dưới có bờ mé, còn tám phương không có bờ mé, còn tám phương không có bờ mé. Như vậy các thuyết về thế giới hữu biên.
Có người nói: Chúng sanh và thế giới có ngằn mé, như nói thần ngã ở trong thân thể, nhỏ như hạt cải, hoặc như trái táo, hoặc mōmột tấc, người lớn thì thần ngã lớn, người nhỏ thì thần ngã nhỏ, cho thần ngã là một phần sắc pháp, nên nói thần ngã có biên.
Vô biên là, có người nói: Thần ngã biến khắp hư không, không chỗ nào không có, gặp chỗ có thân thì có cảm giác khổ vui, thế nên gọi thần ngã vô biên.
Có người nói: Quốc độ thế gian vô thỉ, nếu có thỉ thời không có nhân duyên, lúc sau cũng thường thọ thân không cùng tận, thế thời phá hoại Niết bàn. Thế gọi là vô biên.
* Lại nữa, nói thế gian quốc độ, mười phương không có biên tế. Như vậy là các thuyết nói thần ngã thế gian, quốc độ thế gian vô biên.
Hữu biên vô biên là, có người nói: Thần ngã thế gian vô biên, còn quốc độ thế gian hữu biên. Hoặc nói
* Trang 356 *
thần ngã thế gian hữu biên còn quốc độ thế gian vô biên, vì như trên nói thần ngã là sắc pháp. Hoặc nói trên dưới hữu biên, tám phương vô biên, Tóm hai pháp trên gọi là hữu biên vô biên.
Thế gian chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên là, có người thấy thế gian hữu biên, có lỗi, vô biên cũng có lỗi, nên chẳng nói hữu biên, chẳng nói vô biên, chấp chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên là thật tánh thế gian.
Thần ngã tức là thân là, có người nói thân này tức là thần ngã, vì sao? Vì phân tích thân này tìm thần ngã không thể có được.
* Lại nữa, thọ khổ vui tốt xấu đều là thân này, thế nên nói thân tức là thần ngã.
Thân khác thần ngã khác là, có người nói thần ngã vi tế, năm thức không thể biết đưọc, cũng không phải hàng phàm phu thấy được, người nhiếp tâm thanh tịnh, được thiền định mới có thể thấy được. Thế nên nói thân khác thần ngã khác.
* Lại nữa, nếu thân tức là thần ngã, thân diệt thần ngã cũng diệt, ấy là tà kiến, còn nói thân khác thần ngã khác, thân diệt thần ngã thường trú, ấy là biên kiến.
Sau khi chết còn có như khứ là:
* Trang 357 *
Hỏi: Trên kia nói thường vô thường v.v... tức đã nói đời sau hoặc có hoặc không, sao nay lại còn phân biệt như khứ thành bốn câu?
Ðáp: Trên nói chung hết thảy thế gian thường vô thường, còn việc đời sau có hay không cần phải nói riêng.
Như khứ (tathāgata) là, như người đến sanh nơi đây, đi đến đời sau cũng như thế.
Có người nói đời trước không từ đâu đến, diệt cũng chẳng đi đâu.
Có người nói: Thân và thần ngã hòa hợp làm người, sau khi chết thần ngã đi thân không đi, ấy gọi là như khứ chẳng như khứ.
Chẳng phải có như khứ chẳng phải không như khứ là thấy đi không đi đều có lỗi, nên nói chẳng phải đi chẳng phải không đi. Người ấy không thể bỏ cái chấp có thần ngã, nhưng chấp thần ngã chẳng phải đi chẳng phải không đi.
Các phiền não tà kiến như trên, gọi là tướng tâm số ra khỏi, chìm đắm, co duỗi, vì sao? Vì người tà kiến với nhiều đường lối cầu ra khỏi không được, nên muốn ra mà vẫn chìm. Sức tà kiến nhiều khó giải thoát, cho nên nói mười bốn việc tà kiến, là chấp thế gian thường vô thường v.v...
Ngoại đạo tuy mỗi mỗi ức tưởng phân biệt, Phật nói đều duyên nơi năm uẩn, nương tựa năm uẩn không có thần ngã, không thường hằng. Phật biết năm uẩn
* Trang 358 *
trống không, không có tướng trạng, không có tạo tác, không có hý luận. Chỉ biết năm uẩn như như, không như chỗ thấy giả dối điên đảo của hàng phàm phu. Giống như năm uẩn như như, hết thảy pháp như như cũng như vậy, vì sao? Vì hai pháp thâu nhiếp hết thảy pháp, đó là pháp hữu vi (saṃskṛta-dharma) và pháp vô vi (asaṃskṛta-dharma). Năm uẩn là pháp hữu vi,[1] năm uẩn như như tức là pháp vô vi. Quán sát, trù lượng, tư duy năm uẩn có thể thực hành sáu Ba la mật, thế nên nói năm uẩn như tức là hết thảy pháp như; hết thảy pháp như tức là sáu Ba la mật như. Bồ tát thực hành sáu Ba la mật cầu thật đạo, quán năm uẩn vô thường (anitya), không (śūnya), phát sanh ba mươi bảy phẩm, tám bội xả, chín định thứ đệ, ấy là đạo Thanh văn, khi biết rồi đi thẳng qua, tiếp thực hành mười tám không (aṣṭādaśaśūnyatāḥ), mười lực (daśa-balāni), các Phật pháp (buddhadharma), đều do chánh quán sát năm uẩn (pañcaskandha), năm uẩn như, không phân biệt, nên đều là hết thảy pháp như. Thế nên nói thiện pháp (kuśala-dharma) như tức là bất thiện pháp (akuśala-dharma) như, bất thiện pháp như tức là thiện pháp như. Pháp thế gian xuất thế gian cũng như vậy. Thế nên hành giả không được đắm trước thiện pháp, cho đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề (anuttarā-saṃyak-saṃbodhi). Tướng Phật như cũng như vậy, đều là tướng nhất như, không hai không khác, vì sao? Vì tìm thật tướng của chư pháp, đi đến rốt ráo không (atyanta-śūnyatā), không còn dị biệt.
Các pháp như như cũng như vậy, Phật do Bát nhã ba la mật mà chứng được, thế nên nói Bát nhã ba la mật hay sanh ra chư Phật, hay chỉ thị tướng thế gian.
[1] A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (Abhidharmakośa śāstra), phẩm 1: phân biệt giới (dhātunirdeśa), tr. 4: Te punah. saṃskṛtā dharmā rūpa ādi skandha pañcakam. Rūpaskandho vedanāskandhaḥ saṃjñāskandhaḥ samskāraskandho vijñānaskandhaś ca iti ete saṃskṛtādharmāḥ. (Lại nữa các pháp hữu vi, là năm uẩn, gồm sắc uẩn … Luận: Năm uẩn là sắc uẩn (rūpaskandha), thọ uẩn (vedanāskandha), tưởng uẩn (saṃjñāskandha), hành uẩn (saṃskāraskandha), thức uẩn (vijñānaskandha). Năm uẩn trên đây bao hàm đầy đủ các pháp hữu vi.)
* Trang 359 *
Tu bồ đề tán thán là chưa từng có, bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, lý hết thảy pháp như rất sâu xa, tùy thuận chẳng trái nhau, ba đời mười phương chư Phật như tức là các pháp như, hiểu các pháp như ấy nên vì chúng sanh mỗi mỗi thuyết pháp là thậm thâm như, khó hiểu khó tin, vị Bồ tát ở địa vị bất thối (avaivartika) vào pháp vị (bhūtatathatā), được thọ ký mới có thể tin. Người đầy đủ chánh kiến (Samyag-dṛṣṭi) là ba bậc Ðạo nhân (Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm) và A la hán sạch hết lậu hoặc không thọ nhận pháp gì nên có thể tin. Hạng người có lòng tin đã gần địa vị bất thối cho nên không nói riêng.
Phật bảo Tu bồ đề: Hết thảy pháp vô tận nên “như” ấy vô tận, “như” vô tận, nên người được Thánh đạo có thể tin, trong pháp vô vi (asaṃskṛta-dharma) có sai biệt nên có các đạo Tu đà hoàn (srota-āpanna) nghe pháp tự mình chứng được nên có thể tin, còn người phàm phu đắm vào pháp điên đảo (viparyāsa) hư dối, nên không thể tin.
Phật bảo Tu bồ đề: Chư Phật được “các pháp như” ấy nên gọi là Như Lai (tathāgata), gọi là bậc Nhất thiết trí (sarvajña), hay cứu độ chúng sanh khiến đi đến Niết bàn (nirvāṇa).
___________
* Trang 360 *