GIẢI THÍCH: PHẨM MỘNG HÀNH THỨ 58
(Kinh Ma-ha Bát-nhã ghi: Phẩm mộng nhập tam muội thứ 57)
KINH: Bấy giờ Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề: Nếu Bồ-tát ở trong mộng (svapna) mà vào ba tam muội Không, Vô tướng, Vô tác[1] thời có thể có ích đối với Bát-nhã ba-la-mật chăng?
Tu-bồ-đề đáp: Nếu Bồ-tát ban ngày vào ba tam muội có ích đối với Bát-nhã ba-la-mật, nên ban đêm ở trong mộng cũng sẽ có ích, vì sao? Vì ban ngày, ban đêm ở trong mộng (svapna) không có khác nhau. Nếu Bồ-tát ban ngày tu Bát-nhã ba-la-mật có ích, Bồ-tát ấy ở trong mộng (svapna) tu Bát-nhã ba-la-mật cũng nên có ích.
Xá-lợi-phất hỏi: Bồ-tát nếu ở trong mộng tạo nghiệp,[2] nghiệp ấy có tích tụ thành không? Như Phật dạy: Hết thảy pháp như mộng nên không tích tụ thành. Vì sao? Vì trong mộng không có pháp tích tụ thành, nếu khi thức nhớ tưởng phân biệt lại, nên có tích tụ thành.
Tu-bồ-đề hỏi: Nếu người ở trong mộng sát sinh, khi thức rồi nhớ nghĩ, phân biệt, thủ lấy
[1] Ba tam muội (Trayaḥ samādhayaḥ): Cũng gọi là Tam-ma-địa, Tam-đẳng- trì, Tam định: Chỉ cho ba tam muội: không, vô tướng và vô tác tam muội. T. 2: kinh Tăng nhất a hàm, quyển 14, 3 Tam muội là:
1. Không tam muội (Śūnyatā-samādhi): Quán xét hết thảy các pháp đều rỗng không, là Tam muội tương ưng với 2 hành tướng Không và Vô ngã của Khổ đế, quán các pháp do nhân duyên sinh, ngã và ngã sở đều là không.
2. Vô tướng tam muội (Animitta-samādhi): Tức tất cả các pháp đều không tưởng niệm, cũng không thể thấy, là Tam muội tương ưng với 4 hành tướng diệt, tịnh, diệu, ly của Diệt đế. Niết bàn lìa năm pháp sắc thanh, hương, vị, xúc, hai tướng nam, nữ và mười tướng của ba tướng hữu vi, cho nên gọi là Vô tướng.
3. Vô nguyện tam muội (Apraṇihita-samādhi: cũng gọi Vô tác tam muội; Vô khởi tam muội. Nghĩa là đối với tất cả các pháp không có mong cầu gì, là Tam muội tương ưng với hai hành tướng khổ và vô thường của Khổ đế, với bốn hành tướng nhân, tập, sinh, duyên của Tập đế. Các pháp vô thường, khổ, …đều đáng chán xa, cho nên đạo như thuyền bè cần phải xả bỏ, vì thường xuyên theo định ấy nên có tên là Vô nguyện.
Tham khảo T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (阿毘達摩俱舍論), quyển 28: ba loại Tam muội là: a. Hữu tầm hữu tứ tam ma địa (cũng gọi Hữu giác hữu quán tam muội): Đẳng trì tương ứng với Tầm, Tứ, thuộc về Sơ Tịnh lự và Vị chí định. b. Vô tầm duy tứ tam ma địa (cũng gọi Vô giác hữu quán tam muội): Đẳng trì chỉ tương ứng với Tứ, thuộc về Tịnh lự trung gian địa. c. Vô tầm vô tứ tam ma địa (cũng gọi Vô giác vô quán tam muội): Đẳng trì không tương ứng với Tầm và Tứ, thuộc về Cận phần của Đệ nhị tịnh lự cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
[2] Tục Tạng 46: Đại trí độ luận sớ (大智度論疏), quyển 24, tr.897a.
* Trang 574 *
tướng sát sinh, ta giết như vậy khối ư? Việc ấy thế nào?
Xá-lợi-phất đáp: Không có nhân duyên thời nghiệp không sinh, không có nhân duyên thời tác ý không sinh;[1] có nhân duyên thời nghiệp sinh, có nhân duyên thời tư duy sinh.
Tu-bồ-đề nói: Như vậy, như vậy! Không có nhân duyên nghiệp không sinh, không có nhân duyên tác ý không sinh; có nhân duyên nghiệp sinh, có nhân duyên tác ý sinh. Đối với pháp thấy, nghe, hay, biết có tâm sinh, chẳng từ trong pháp không thấy, nghe, hay, biết tâm sinh; tâm ấy có sạch có nhơ. Vì thế nên có nhân duyên nghiệp sinh, chẳng từ không có nhân duyên nghiệp sinh; có nhân duyên tác ý sinh, chẳng từ không có nhân duyên tư duy sinh.
Xá-lợi-phất hỏi: Như Phật dạy hết thảy các nghiệp (sarva-karma), các tác ý xa lìa tự tướng, làm sao nói có nhân duyên nên nghiệp sinh, không có nhân duyên nghiệp không sinh; có nhân duyên nên tác ý sinh, không có nhân duyên tư duy không sinh?
Tu-bồ-đề đáp: Vì chấp thủ tướng nên có nhân duyên nghiệp sinh,[2] chẳng từ không có nhân duyên nghiệp sinh. Vì chấp thủ tướng nên có nhân duyên tác ý sinh, chẳng từ không có nhân duyên tư duy sinh.
[1] Tục Tạng 46: Đại trí độ luận sớ (大智度論疏), tr.897a: Xá-lợi-phất đáp rằng: nếu không có nhân duyên thời nghiệp không sinh, không có nhân duyên tác ý không sinh: nghiệp gồm có thân, khẩu, ý, “tác ý” là căn cứ vào ý nghiệp, tư nghiệp nếu không có nhân duyên thời không sinh, cần phải có nhân duyên mới sinh. Ngày tác ý, nghiệp mới sinh; đêm nằm mộng cũng có nhân duyên tư nghiệp mới sinh, không có nhân duyên thời không sinh, nên biết nhất chủng vậy.
[2] Tục Tạng 46: Đại trí độ luận sớ (大智度論疏), tr. 897a: Vì chaáp thuû töôùng neân coù nhaân duyeân nghieäp sinh: Dưới đây: Thiện Cát đáp: muốn luận hết thảy các pháp xa lìa tự tướng, không có nhân duyên, không có nghiệp và tác ý v.v…, chỉ vì chúng sanh không hiểu, đối với các pháp xa lìa tự tướng chấp thủ tướng, siêu vượt các nghiệp, từ nhân duyên sinh, nếu không có nhân duyên thời không sinh vậy.
* Trang 575 *
Xá-lợi-phất hỏi: Nếu Bồ-tát ở trong mộng bố thí (dāna), trì giới (śīla), nhẫn nhục (kṣānti), tinh tấn (virya), thiền định (samādhi), tu trí tuệ (prajñā);[1] đem phước đức thiện căn ấy hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là thật hồi hướng chăng?
Tu-bồ-đề đáp: Bồ-tát Di-lặc đang ở trước mặt được Phật thọ ký chẳng thối chuyển sẽ làm Phật, nên hỏi Di-lặc, Di-lặc sẽ đáp.
Xá-lợi-phất hỏi Bồ-tát Di-lặc rằng: Tu-bồ-đề nói Bồ-tát Di-lặc hiện ở trước mặt được Phật thọ ký chẳng thối chuyển sẽ làm Phật, Di-lặc sẽ đáp.[2]
Di-lặc Bồ-tát nói với Xá-lợi-phất: Sẽ lấy danh Di-lặc đáp chăng? hoặc lấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức đáp chăng? hoặc lấy sắc không đáp chăng? hoặc lấy thọ, tưởng, hành, thức không đáp chăng? Sắc không thể đáp; thọ, tưởng, hành, thức không thể đáp. Sắc không không thể đáp; thọ, tưởng, hành, thức không không thể đáp. Ta không thấy pháp ấy có thể đáp, không thấy người hay đáp; ta không thấy người được thọ ký, cũng không thấy pháp có thể thọ ký, cũng không thấy nơi thọ ký, hết thảy pháp ấy đều không hai, không khác.
Xá-lợi-phất nói với Di-lặc Bồ-tát: Như lời nhân giả nói, như thế là được pháp tác chứng chăng?[3]
Di-lặc đáp: Như lời tôi vừa nói, như thế chẳng chứng.
[1] Tục Tạng 46: Đại trí độ luận sớ (大智度論疏), tr. 897b: Trong mộng bố thí, trì giới v.v… Ý rằng: trên đã nói trong mộng có nhân duyên nên nghiệp sinh; có nhân duyên nên tư nghiệp sinh, Bồ-tát ban ngày tâm chấp thủ tướng, thực hành pháp sáu ba-la-mật này, còn không thật hồi hướng, huống gì trong mộng tâm mê muội cuồng si hành sáu ba-la-mật được hồi hướng chăng? nếu tự mình đem thiện căn hồi hướng, thật gọi thiện căn hồi hướng, hoặc người khác duyên thiện căn hồi hướng gọi là tùy hỷ hồi hướng.
[2] Tục Tạng 46: Đại trí độ luận sớ (大智度論疏), quyển 24, tr. 897b: Di-lặc được Phật thọ ký chẳng thối chuyển: thông cả thượng và hạ, nên trong phẩm Tất định phân làm ba phần, giải thích rõ tất định vị: 1. Bồ-tát mới phát tâm, 2. Bồ-tát vô sanh nhẫn, 3. Bồ-tát tối hậu thân. Di-lặc nay lại thành tựu thật sự lợi ích, nên nói nơi thọ ký.
[3] T. 7: Đại bát nhã ba la mật đa kinh (Mahā-prajñā-pāramitā-sūtra- 大般若波羅蜜多經), quyển 451, tr.274c16-17: Bấy giờ Cụ Thọ Xá-lợi-phất lại hỏi Từ Thị Bồ-tát ma-ha-tát rằng: pháp nhân giả chứng, như lời nhân giả nói chăng?
* Trang 576 *
Bấy giờ Xá-lợi-phất suy nghĩ: Bồ-tát Di-lặc trí tuệ rất sâu; lâu ngày tu bố thí, trì giới, nhân nhục, tinh tấn, thiền định, tu trí tuệ, vì theo nghĩa vô sở đắc nên có thể nói như vậy.
Bấy giờ Phật bảo Xá-lợi-phất: Ý ông nghĩ sao? Ông dùng pháp ấy được A-la-hán, có thấy pháp ấy chăng? - Xá-lợi-phất thưa: Không thấy.
Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát tu Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, không nghĩ rằng tu pháp ấy sẽ được thọ ký; tu pháp ấy đã được thọ ký; tu pháp ấy sẽ được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy, Xá-lợi-phất! Bồ-tát tu Bát-nhã ba la-mật không nghi ta hoặc được hoặc chẳng được, mà tự biết thực được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
LUẬN: Hỏi: Xá-lợi-phất vì cớ gì đem việc trong mộng gạn hỏi Bồ-tát về ba tam muội?
Đáp: Vì việc trong mộng hư dối như cuồng như điên,[1]chẳng phải thấy thật, còn ba tam muội là pháp thật. Lại, các chỗ khác nói ở trong mộng cũng có ba thứ: thiện, bất thiện và vô ký. Nếu Bồ-tát lấy thiện tâm tu ba tam muội thời được phước đức. Nhưng mộng là việc cuồng si không thể ở trong đó tu thật pháp được quả báo; nếu có thật pháp thời không gọi là mộng. Vì thế nên hỏi: Nếu Bồ-tát ở trong mộng tu ba tam muội có tăng trưởng Bát-nhã ba la-mật và phước đức, nhóm các thiện căn gần Phật đạo chăng?
[1] Mộng (svapna): Tức là những sự tướng mà tâm và tâm sở đã đối cảnh duyên theo lúc ban ngày, bây giờ hiện lại rõ ràng trong giấc ngủ, giống như thấy cảnh hiện thực, gọi là Mộng.
Đại trí độ luận, quyển 6, chương 10: giải thích mười dụ: như mộng: Như trong mộng không có sự thật mà thấy có thật, khi thức dậy mới biết không, trở lại tự cười mình. Người cũng như vậy, ở trong sức ngủ của các kiết sử, thật không có mà vẫn ái trước, khi được đạo giác ngộ, mới biết là không thật, cũng lại tự cười mình; vì vậy nên nói như mộng.
Lại nữa, mộng có năm thứ: Trong thân không điều hòa, hoặc nhiệt khí nhiều, thời phần nhiều mộng thấy lửa, thấy sắc vàng, đỏ; hoặc lãnh khí nhiều, thời phần nhiều mộng thấy nước, thấy sắc trắng; hoặc phong khí nhiều, thời phần nhiều mộng thấy bay, thấy sắc đen; hoặc thường nhớ tưởng suy nghĩ những việc từng nghe thấy, thời hay mộng thấy việc ấy; hoặc do trời muốn làm cho mộng để được khiến thấy việc vị lai. Năm thứ mộng ấy đều không có thật mà vọng thấy có. Người cũng như vậy, chúng sanh trong năm đường, vì nhân duyên của lực thân kiến nên thấy bốn thứ ngã:[1] Sắc ấm là ngã, sắc là ngã sở, sắc ở trong ngã, ngã ở trong sắc. Giống như sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Bốn nhân năm thành hai mươi cách chấp ngã. Khi đắc đạo thật trí tuệ giác ngộ rồi, thời biết không thật.
Kinh Na Tiên nói có 6 nguyên nhân khiến người ta thấy mộng trong giấc ngủ, đó là: Bệnh phong, bệnh có nước trong túi mật, bệnh đờm, quỉ thần cám dỗ, thói quen và điềm báo thức; luận Đại tỳ bà sa, quyển 37: Mộng mà sau khi tỉnh dậy còn có thể ghi nhớ, kể lại cho người khác nghe, gọi là Mộng hoàn toàn. Còn nếu bàn về tự tính (bản chất) của Mộng thì có cách nói như: Ý, niệm, ngũ thủ uẩn, tâm, tâm sở… về lý do thấy mộng, thì luận Đại tỳ bà sa cũng nêu ra các thuyết trong sách Phệ đà như 5 duyên (lo nghĩ, thói quen, phân biệt, thay đổi ý niệm, loài ma quỉ cám dỗ, hoặc do tha lực, đương có, phân biệt, các chứng bệnh) và 7 duyên (thấy, nghe, nhận, mong cầu, phân biệt, đương có, các chứng bệnh).
Trong 3 cõi, thì Mộng chỉ phát sinh ở cõi Dục, không có trong cõi Sắc và Vô sắc. Nhưng trong cõi Dục thì chỉ có Phật là không mộng, còn từ hàng Dị sinh (phàm phu) cho đến các bậc Thánh quả Dự lưu đều có mộng. theo thuyết của tông Duy thức, trong giấc ngủ say thì hoàn toàn không có ý thức và do có tác dụng ý thức mà có mộng. Tông Duy thức cũng dùng Mộng để ví dụ cái không, vô, hư dối của tính “Biến kế sở chấp” (parikalpita-svabhāva) trong ba tánh Duy thức. Thuyết nhất thiết hữu bộ cho rằng tất cả việc thấy trong mộng đều là thật, cho nên có tác dụng sinh quả báo. Nhưng các sư thuộc phái Thí dụ thì phủ nhận thuyết này.
T. 30: Du già sư địa luận (瑜伽師地論), quyển 1, tr. 281a3-7: Sao gọi là Mộng? Hoặc do thể chất yếu đuối hoặc do lầm lỗi mỏi mệt, hoặc do ăn thức ăn nặng nề, hoặc do nơi ám tưởng tác ý tư duy, hoặc do ngủ nghỉ tất cả mọi việc, hoặc do thói quen lúc ngủ, hoặc do nguyên nhân bên ngoài tác động như do quạt mát, do thần chú, do âm nhạc, hoặc do uy thần đưa đến trạng thái mộng mị; Yogācārabhūmi-śāstra: kathaṃ svapiti, prakṛtyāśrayadaurbalyatayā pariśramaklamadoṣatayā bhojanagauravatayāndhakāranimittamanasikāratayā sarvakarmāntaprativisrambhaṇatayā nidrābhyastatayā paropasaṃhāratayā ca, tadyathā, saṃvāhyamāno vā vidyayā vauṣadhaurvā prabhāveṇā pasvāpyamānaḥ svapiti.
* Trang 577 *
Ý Tu-bồ-đề là, nếu nói tăng trưởng thời mộng là hư dối, còn Bát-nhã là thật pháp, làm sao tăng trưởng được? Nếu nói không có tăng trưởng thời trong mộng có thiện, làm sao không có tăng trưởng? Không được đáp rằng, có tăng trưởng, không tăng trưởng. Thế nên Tu-bồ-đề xa lìa câu nạn vấn về hai bên ấy, nên đem thực tướng các pháp để đáp: Còn phá hành nghiệp tạo trong ban ngày huống gì tạo trong mộng rằng: Bồ-tát nếu trong ban ngày tu Bát-nhã ba-la-mật có ích, thời trong ban đêm tu cũng nên có ích. Nhưng vì trong ban ngày tu còn không có ích, huống gì tu trong mộng! Vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật không phân biệt có tướng ngày đêm.
Xá-lợi-phất nghe Tu-bồ-đề nói đã biết Bát-nhã không thêm (na paripūrṇāḥ), không bớt (nonā), không còn gạn hỏi gì nữa. Nay lại nhân việc khác hỏi việc trong mộng: Này Tu-bồ-đề, nếu trong mộng tạo nghiệp, nghiệp ấy có tích tụ thành, nghiệp ấy thật có tích tụ thời nghiệp ấy có thể thành quả báo chăng? Nghiệp ấy nếu có thật, thời Phật thường nói hết thảy pháp không, như mộng, không thể tích tụ thành được, vì sao? Vì tâm mộng vi tế, yếu ớt, không thể tích tụ thành nghiệp. Trong ban ngày tâm vi tế, yếu ớt còn không thể tích tụ thành, huống gì trong mộng! Nếu khi thức phân biệt trong mộng đã sinh tâm thiện, bất thiện là đã có thể tích tụ thành.
Tu-bồ-đề hỏi: Như người trong mộng giết người, khi thức dậy phân biệt rằng ta giết, thế là khối chăng? Nghiệp ấy thế nào, có tích tụ thành chăng?
* Trang 578 *
Xá-lợi-phất đáp: Hết thảy nghiệp trong ngày hoặc đêm đều từ nhân duyên sinh, không có nhân duyên thời không sinh.
Tu-bồ-đề chấp nhận lời ấy: Như vậy, nghiệp (karma) có nhân duyên thời sinh, không có nhân duyên thời không sinh; tư (cetanā) có nhân duyên thời sinh, không có nhân duyên thời không sinh. Nghiệp là thân nghiệp (kāya-karma), khẩu nghiệp (vāc-karma); Tư là chỉ ý nghiệp.[1] Tư là nghiệp thật, còn thân, khẩu nghiệp vì do Tư nên gọi là nghiệp. Ba nghiêïp ấy nhân nơi bốn thứ là, hoặc thấy hoặc nghe, hoặc hiểu hoặc biết, nhân bốn thứ ấy tâm sinh, tâm ấy theo nhân duyên sinh hoặc tịnh hoặc bất tịnh; tội nghiệp là bất tịnh, phước duyên là tịnh. Thế nên, nếu ở trong mộng thấy gì đều nhân việc thấy, nghe, hay, biết trước đó. Trong mộng tạo thiện, ác, vì sự ngủ nghỉ che tâm, không được tự tại, không có thế lực nên không thể tích tụ thành quả báo. Nếu nghiệp ấy khi thức dậy đem tâm thiện ác hòa hiệp nên có thể giúp thành quả báo. Ý Tu-bồ-đề là, trong mộng tạo nghiệp thật có tích tụ thành, vì sao? Vì có nhân duyên mới sanh khởi, nên tâm trong ban ngày với tâm trong mộng không khác nhau, vì cớ sao? Vì đều nhân nơi bốn thứ thấy nghe hay biết làm sinh khởi.
Xá-lợi-phất lấy Không tánh để gạn Tu-bồ-đề: Như Phật nói hết thảy các nghiệp xa lìa tự tướng, ông làm sao nói chắc các nghiệp nhân duyên sinh, không có nhân duyên không sinh?
Tu-bồ-đề đáp: Các pháp tuy “không”, xa lìa tự tướng, nhưng phàm phu chấp thủ tướng, có nhân duyên
[1] Trung luận (中論), phẩm 17: quán về nghiệp: Phật nói tư tức là ý nghiệp, nghiệp từ tư sinh khởi là thân nghiệp và khẩu nghiệp; Madhyamaka śāstra, Karmaphalaparīkṣā: Tatra yaccetanetyuktaṃ karma tanmānasaṃ smṛtam| Cetayitvā ca yattūktaṃ tattu kāyikavācikam (3).
* Trang 579 *
nên nghiệp sinh; nếu không chấp thủ tướng, không có nhân duyên thời nghiệp không sinh. Thế nên biết, hết thảy nghiệp đều từ nhân duyên chấp thủ tướng nên có, trong ban ngày và trong mộng không khác nhau.
Xá-lợi-phất lại hỏi: Nếu Bồ-tát ở trong mộng tu sáu Ba-la-mật rồi hồi hướng Vô thượng đạo là thật hồi hướng chăng? Nếu trong mộng và trong ban ngày không khác nhau, thời ở trong mộng hồi hướng sẽ phải là thật? Lại, nếu trong ban ngày có tâm chấp trước thủ tướng, thời không gọi là hồi hướng, huống gì khi ngủ nghỉ che tâm? Tu-bồ-đề cho hai vấn nạn ấy sâu xa, khó đáp, nên nói với Xá-lợi-phất nên hỏi Di-lặc.
Hỏi: Di-lặc cớ gì chỉ nói Không mà chẳng đáp?
Đáp: Hai đại đệ tử ấy vì lợi ích cho Bồ-tát, nên phân biệt thức với mộng, hoặc đồng, hoặc khác. Vì Phật thường nói hết thảy pháp như mộng, vậy nếu trong ban ngày hành đạo thời trong mộng cũng có thể hành đạo. Di-lặc thấy hai người đều có chỗ chấp, không thể thông suốt nên Di-lặc không đáp.
Lại có người nói Di-lặc lấy Không để đáp. Xá-lợi-phất hỏi Di-lặc: Như “Không” được nói, lấy đó làm chứng đắc chăng? Ý Xá-lợi-phất là nếu lấy “không” làm chứng đắc tức muốn sinh nạn vấn, sao làm chứng đắc được? Nếu không chứng đắc, như vậy tự ông chẳng được, chẳng biết làm sao nói được. Ý Di-lặc là: Ông lấy Niết-bàn làm chứng đắc, ta cho Niết-bàn cũng không, vì vô sở đắc nên chẳng chứng đắc.
* Trang 580 *
Có người nói: Vì Di-lặc chưa đầy đủ Phật pháp nên nói không làm chứng đắc. Pháp của Bồ-tát là nên biết không, vô tướng, vô tác, chẳng nên chứng đắc.
Bấy giờ Xá-lợi-phất nghĩ rằng: Bồ-tát Di-lặc có trí rất sâu, nói đuợc như vậy, biết được tướng Niết-bàn mà không thủ chứng, ấy gọi là rất sâu. Trong đây Xá-lợi-phất tự nói nhân duyên: vì Di-lặc lâu ngày tu sáu Ba-la-mật nên có trí rất sâu. Ý Xá-lợi-phất là, Di-lặc kế tiếp sẽ làm Phật, nên có thể đáp mà không đáp. Vì vậy Phật trở lại hỏi Xá-lợi-phất: Ý ông nghĩ sao? Ông thấy dùng pháp ấy được A-la-hán chăng? Xá-lợi-phất thưa: Không thấy, vì sao? Vì pháp ấy không, vô tướng, vô tác thời làm sao thấy được? Nếu thấy được tức là có tướng, mắt thịt, mắt trời phân biệt thủ tướng nên không thể thấy; mắt tuệ không có phân biệt tướng nên cũng chẳng thấy, vì vậy đáp chẳng thấy.
Phật dạy: Bồ-tát cũng như vậy, khi được vô sanh nhẫn, không nói rằng ta nhờ thấy pháp ấy mà được thọ ký sẽ được Vô thượng đạo. Tuy không khởi lên cái thấy ấy cũng chẳng sinh nghi: Ta chẳng được Vô thượng đạo. Như ông tuy chẳng thấy pháp cũng chẳng nghi ta thành A-la-hán hay chẳng thành A-la-hán.
KINH: Phật bảo Tu-bồ-đề: Có Bồ-tát khi tu Thí ba-la-mật, gặp người đói rét, lạnh lẽo, áo chăn rách rưới, Bồ-tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu bố thí cũng như khi ta được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có những việc như vậy;
* Trang 581 *
; trái lại áo chăn, ăn uống, dụng cụ nuôi sống sẽ như cõi trời Tứ thiên vương (catur-maharja-kyika), trời Ba mươi ba (Trāyastriṃśat-deva), trời Dạ-ma (Yāma), trời Đâu-suất-đà (Tuṣita), trời Hóa lạc (Nirmāṇarati), trời Tha hóa tự tại (Para-nirmita-vaśa-vartin). Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tu như vậy có thể đầy đủ Thí ba-la-mật, có thể đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Khi tu Giới Ba-la-mật, thấy chúng sinh sát sinh cho đến tà kiến, nhiều bệnh, chết yểu, nhan sắc chẳng đẹp, không có uy đức, nghèo thiếu tài vật, sinh vào nhà hạ tiện, hình thù què quặt, xấu xí; Bồ-tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu Giới ba-la-mật cũng như khi ta được thành Phật, khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có các việc như vậy. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tu như vậy có thể đầy đủ Giới ba-la-mật, đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát khi tu Nhẫn Ba-la-mật, thấy chúng sinh giận dữ, mắng nhiếc lẫn nhau, dùng dao, gậy, ngói, đá tàn hại, cướp đoạt mạng sống của nhau, Bồ-tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu Nhẫn ba-la-mật cũng như khi ta được thành Phật, khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có các việc như vậy, trái lại xem nhau như cha mẹ, như anh em, như chị em, như thiện tri thức, đều hành từ bi. Này Tu-bồ-đề, tu như vậy có thể đầy đủ Nhẫn ba
* Trang 582 *
la-mật, gần đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu Tấn Ba-la-mật, thấy chúng sinh biếng nhác, không siêng tinh tấn, xa bỏ ba thừa Thanh văn, Bích chi Phật, Phật thừa; Bồ-tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu Tấn ba-la-mật cũng như khi ta được thành Phật, khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có các việc như vậy, trái lại hết thảy chúng sinh đều siêng tu tinh tấn, đối với ba thừa đều được độ thốt. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tu như vậy có thể đầy đủ Tấn Ba-la-mật, đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu Thiền Ba-la-mật, thấy chúng sinh bị năm triền cái che lấp, đó là tham dục, sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi làm mất sơ thiền cho tới đệ tứ thiền; mất từ, bi, hỷ, xả; mất hư không xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ, phi phi tưởng xứ; Bồ-tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu Thiền Ba-la-mật cũng như khi ta được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có các việc như vậy. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tu như vậy có thể đầy đủ Thiền Ba-la-mật, đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu Bát-nhã ba-la-mật, thấy chúng sinh ngu si, mất chánh kiến
* Trang 583 *
kiến thuộc thế gian và xuất thế gian, hoặc nói không có nghiệp, không có nhân duyên của nghiệp; hoặc nói ngã là thường, hoặc nói ngã đoạn diệt; hoặc nói không có gì; Bồ-tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu Bát-nhã ba-la-mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, cũng như khi ta được thành Phật, khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có các việc như vậy. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tu như vậy có thể đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy chúng sinh ở vào ba nhóm: một là nhóm chánh định; hai là nhóm tà định; ba là nhóm bất định, Bồ-tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba-la-mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có nhóm tà định cho đến không có tên ấy. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba-la-mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy chúng sinh ở trong địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba-la-mật làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, cũng như khi ta thành Phật, khiến trong cõi nước
* Trang 584 *
ta cho đến không có cái tên ba đường ác. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba-la-mật, đến gần trí Nhất thiết chủng (sarvathā-jñāna).
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy cõi đất trơ trụi, chông gai; núi gò, khe hố nhiều chỗ nhơ nhớp, Bồ-tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba-la-mật làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến trong cõi nước ta không có các việc xấu xa như vậy, trái lại cõi nước bằng phẳng như bàn tay. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba-la-mật, đến gần trí Nhất thiết chủng (sarvathā-jñāna).
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy cõi nước thuần là đất không có vàng bạc, châu báu, Bồ-tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba-la-mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến trong cõi nước ta lấy cát vàng rải đất. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Bát-nhã ba-la-mật, đến gần trí Nhất thiết chủng (sarvathā-jñāna).
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy chúng sinh có điều luyến đắm, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba-la-mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, cũng như khi ta thành
* Trang 585 *
Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có điều luyến đắm. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát khi tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba-la-mật, đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy các hạng chúng sinh Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà-la, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba-la-mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có tên gọi về bốn giai cấp đó. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tu như vậy, có thể đầy đủ sáu Ba-la-mật, đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy chúng sinh có kém, vừa, hơn; sinh vào nhà kém, vừa, hơn, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba-la-mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có điều hơn kém như vậy. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba-la-mật, đến gần trí Nhất thiết chủng (sarvathā-jñāna).
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thầy chúng sinh sắc tướng mỗi mỗi sai biệt, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời
* Trang 586 *
gian ta tu sáu Ba-la-mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có sắc tướng mỗi mỗi sai biệt, trái lại hết thảy chúng sinh đều đoan chính, tinh khiết, thành tựu sắc đẹp. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba-la-mật, đến gần trí Nhất thiết chủng (sarvathā-jñāna).
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy chúng sinh có chủ, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba-la-mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có tên gọi chủ cho đến không có hình tượng ấy, trừ Phật là đấng Pháp vương (vua pháp). Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba-la-mật, đến gần trí Nhất thiết chủng (sarvathā-jñāna).
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy chúng sinh có sáu đường sai biệt, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba-la-mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có tên gọi sáu đường là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, thần, trời, người, trái lại hết thảy chúng sinh đều đồng một nghiệp, tu bốn niệm xứ cho
* Trang 587 *
cho đến tám phần Thánh đạo. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba-la-mật, chóng đến gần trí Nhất thiết chủng (sarvathā-jñāna).
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy chúng sinh có bốn loại sinh: nỗn sinh, thai sinh, thấp sinh và hóa sinh, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba-la-mật làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có ba loại sinh, trái lại đều bình đẳng một loại hóa sinh. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba-la-mật, đến gần trí Nhất thiết chủng (sarvathā-jñāna).
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy chúng sinh không có năm thần thông, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba-la-mật làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta, hết thảy đều được năm thần thông cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy chúng sinh có hoạn nạn về đại tiện, tiểu tiện,[1] nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng sanh trong cõi nước ta đều lấy việc vui pháp làm thức ăn, không có hoạn nạn về
[1] T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (Mahā-prajñā-pāramitā-sūtra- 大般若波羅蜜多經), quyển 451, tr. 277b1-4: Thấy các hữu tình thọ dụng đoạn thực, thân có các thứ đại tiểu tiện lợi, mủ máu hôi hám, rất đáng nhàm bỏ. Thấy việc đây rồi, liền suy nghĩ rằng: Ta phải làm sao cứu vớt các loại hữu tình thọ dụng đoạn thực như thế, khiến trong thân hữu tình không có các tiện uế?
* Trang 588 *
đại tiện tiểu tiện, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy chúng sinh không có ánh sáng, nên phát nguyện: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta đều có ánh sáng, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy có sự tính đếm ngày, tháng, năm, thời tiết, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến trong cõi nước ta không có tên gọi về ngày, tháng, năm cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy chúng sinh thọ mạng ngắn ngủi, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta kiếp số, thọ mạng vô lượng, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy chúng sinh không có tướng tốt, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta đều thành tựu 32 tướng cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy chúng sinh xa lìa các thiện căn, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta thành tựu các thiện căn,
* Trang 589 *
dùng phước đức ấy có thể cúng dường chư Phật, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy chúng sinh có ba độc,[1] bốn bệnh, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có bốn bệnh:[2] rét, sốt, bệnh gió, ba loại tạp bệnh và ba bệnh độc, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy chúng sinh theo tam thừa, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có tên gọi Nhị thừa, chỉ tồn Đại thừa cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, thấy chúng sanh có tăng thượng mạn, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có tên gọi tăng thượng mạn, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật cần phải phát nguyện: Nếu ta có ánh sáng, sống lâu có hạn lượng, tăng chúng có giới hạn, thời sẽ phát nguyện rằng: Ta tu sáu Ba-la-mật làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến ta có ánh sáng, sống lâu không có hạn lượng, tăng
[1] Tục Tạng 46: Đại trí độ luận sớ (大智度論疏), quyển 24, tr. 899b: Bồ-tát thấy chúng sanh tâm có ba bệnh tà độc, thân có gió, lạnh, nóng, bốn hoạn xen tạp. Bồ-tát tịnh độ, phát nguyện khiến chúng sanh không còn thân tâm bệnh. Muốn tất cả chúng sanh có ba độc nay không còn, như trước luận gải thích rằng: không có tà kiến đeo ba độc: sân, tham v.v…
[2] T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (大般若波羅蜜多經), quyển 451, tr. 277c28-278a1: Lại nữa, Thiện Hiện! Có Bồ tát Ma ha tát tu đủ sáu ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình thân tâm đủ bệnh. Thân bệnh có bốn là bệnh gió, nóng, đàm và hỗn tạp. Tâm cũng có bốn bệnh là bệnh tham, sân, si và mạn. Thấy việc đây rồi, liền suy nghĩ rằng: Ta phải làm sao cứu vớt các loại hữu tình như thế khiến đủ căn lành. Liền suy nghĩ, phát nguyện rằng: Ta phải tinh tấn không điều luyến tiếc, tu hành sáu ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật khiến chóng viên mãn, mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Trong cõi Phật ta, các loài hữu tình thân tâm thanh tịnh, không các bệnh khổ cho đến không có tên thân tâm bệnh.
* Trang 590 *
chúng không giới hạn, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, nên phát nguyện rằng: nếu cõi nước ta có hạn lượng thời sẽ phát nguyện: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba-la-mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành phật, khiến cõi nước ta như Hằng hà sa cõi Phật. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba-la-mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát khi tu sáu Ba-la-mật, nên nghĩ rằng: Tuy trong đường dài sinh tử, chúng sinh có nhiều căn tính, bấy giờ ta nên nhớ nghĩ chơn chính như vầy: Biên giới sinh tử như hư không; biên giới căn tính của chúng sinh cũng như hư không,[1] trong đó thật tế không có sinh tử qua lại, cũng không có người giải thốt. Bồ-tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba-la-mật, đến gần trí Nhất thiết chủng (sarvathā-jñāna).
LUẬN: Hỏi: Vì có thứ lớp gì mà nói Bồ-tát thấy chúng sinh đói khát, lạnh lẽo...?
Đáp: Bồ-tát vượt quá Thanh văn, Bích-chi Phật địa, được thọ ký vô sinh pháp nhẫn, không còn có việc gì khác, chỉ có một việc là làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh. Nay nói nhân duyên nghiêm tịnh cõi Phật là khi thấy tướng cõi nước bất
[1] T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (Mahā-prajñā-pāramitā-sūtra- 大般若波羅蜜多經), quyển 451, tr. 278b17-20: Lại nữa, Thiện Hiện! Có Bồ-tát ma-ha-tát tu đủ sáu ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình trong đường dài sanh tử, các loài hữu tình số ấy vô biên. Thấy việc đây rồi, liền suy nghĩ rằng: Ngằn mé sanh tử in như hư không, các cõi hữu tình cũng như hư không, dù không chơn thật các loại hữu tình trôi lăn sanh tử và được giải thoát mà các hữu tình vọng chấp là có, luân hồi sanh tử chịu khổ vô biên. Ta phải làm sao phương tiện cứu vớt. Đã suy nghĩ rồi, khởi nguyện rằng: Ta phải tinh tấn không điều luyến tiếc, tu hành sáu Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật khiến chóng viên mãn, mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Vì các hữu tình thuyết pháp Vô thượng, đều khiến giải thoát đại khổ sanh tử. Cũng khiến chứng biết sanh tử giải thoát đều vô sở hữu, rốt ráo đều không.
* Trang 591 *
tịnh, thời nguyện cõi nước ta không có các việc như vậy, nên thứ lớp nói việc ấy. Bồ-tát khi tu Thí Ba-la-mật, nếu thấy chúng sinh đói khát, áo chăn rách rưới liền nghĩ rằng: Ta chưa thành tựu phước đức và trí tuệ nên không thể cấp đủ sự cần dùng cho chúng sinh; nếu ta chỉ tu tâm từ bi thời đối với chúng sinh không có lợi ích, lúc bấy giờ ta sẽ tu hành mạnh mẽ ba thứ phước đức, trụ trong ba thứ phước đức ấy có thể làm cho chúng sinh bần cùng được sung túc, đó là phước đức được làm Chuyển luân Thánh vương, hoặc làm Thiên vương, hoặc làm Thánh nhân có thần thông, thời có thể dẫn dắt chúng sinh, phá lòng xan tham của họ, khiến tu bố thí. Do nhân duyên chúng sinh bố thí cho đến Bồ-tát bố thí, nên sau khi thành Phật, trong cõi nước không có kẻ nghèo cùng, trái lại tâm muốn gì đều có được, như các vật có được của cõi trời thứ sáu ở cõi Dục. Như vậy, Bồ-tát tùy lúc bấy giờ chứa nhóm công đức bố thí, nên quả báo được sung mãn hết thảy, vì cớ sao? Vì hết thảy pháp hữu vi đều thuộc nhân duyên sinh; nhân duyên tu thiện đầy đủ nên có thể tùy ý được quả báo.
* Lại nữa, chúng sinh vì nhân duyên phá việc trì giới nên thọ mạng ngắn, nhiều bệnh, không có uy đức. Bồ-tát nguyện rằng: Ta tự đầy đủ trì giới, cũng dạy chúng sinh trì giới. Các nguyện nhỏ nhặt khác cũng như vậy cứ theo nghĩa phân biệt. Nghĩa của lời nguyện tối hậu chẳng rõ ràng nên nay lược nói: Bồ-tát khởi nguyện như trên, sinh tâm mỏi mệt nhàm chán nghĩ rằng: Theo Phâït đạo phải tu hành công đức trải vô lượng, vô biên, vố số kiếp rồi sau này mới được. Nhưng số năm của một
* Trang 592 *
kiếp không thể đếm được, nên Phật dùng thí dụ chỉ dạy, huống gì vô lượng vô biên vô số kiếp sống chết, chịu các khổ não. Chúng sinh cũng vô lượng vô biên, không thể dùng thí dụ, tốn số biết được; chỉ chúng sinh số như vi trần trong ba ngàn đại thiên thế giới còn khó độ, huống gì là chúng sinh số như vi trần trong mười phương vô lượng thế giới mà có thể độ được. Vì việc ấy nên tâm sinh thối chuyển; ấy gọi là nhớ nghĩ tà. Thế nên Phật dạy: Bồ-tát phải chánh ức niệm rằng, đường sinh tử tuy dài, nhưng việc ấy đều không, như hư không, như thấy trong mộng, chẳng phải thật dài, không nên sinh tâm nhàm chán. Lại, đời vị lai là cảnh sở duyên của một niệm, cũng chẳng phải dài.
* Lại nữa, Bồ-tát có vô lượng lực phước đức và trí tuệ, nên có thể vượt qua vô lượng kiếp. Do các nhân duyên như vậy, không nên sinh tâm nhàm chán. Trong đây, Phật nói nhân duyên lớn, đó là sinh tử như hư không, chúng sinh cũng như hư không; chúng sinh tuy nhiều nhưng cũng không nhất định thật có chúng sinh, như chúng sinh vô biên, vô lượng, trí tuệ Phật cũng vô biên vô lượng nên Phật độ sinh cũng chẳng khó; thế nên Bồ-tát không nên sinh tâm mệt mỏi, nhàm chán.
_____________
* Trang 593 *