CHƯƠNG 40
GIẢI THÍCH: SÁU THẦN THÔNG
KINH: Đại Bồ-tát muốn trú ở sáu thần thông[1] nên học Bát-nhã Ba-la-mật.
LUẬN: Hỏi: Như đã nói trong phẩm tán thán Bồ-tát, các Bồ-tát đều được năm thần thông (bodhisattvāḥ) (pañcābhijñāḥ), nay vì sao nói muốn trú ở sáu thần thông (bodhisattvaḥ ṣaḍabhijñatāyāṃ sthātukāmaḥ)?
Đáp: Năm thông là sở đắc của Bồ-tát, nay muốn trú sáu thần thông là sở đắc của Phật. Nếu Bồ-tát được sáu thần thông thời có thể đưa đến nạn vấn như thế.
Hỏi: trong phẩm Vãng sanh nói: Bồ-tát trú ở sáu thần thông, đi đến các nước Phật,[2] sao nay nói Bồ-tát đều được năm thông?
Đáp: Lậu tận thông thứ sáu có hai thứ:
1. Lậu (āsrava) và tập (vāsanā) đều hết.
2. Lậu hết mà tập khí chẳng hết.
Tập khí không hết nên nói đều được năm thông, lậu hết nên nói trú ở sáu thần thông.
Hỏi: Nếu Bồ-tát đã hết lậu (kṣīṇāsrava), tại sao còn sanh (upapatti)? tại sao thọ sanh (upapattiparigraha)? Hết thảy sự thọ sanh đều do ái tương tục nên có, ví
[1] T. 1: Trường a-hàm kinh (長阿含經), quyển 9, tr. 54b9-11: Sáu thần thông: Thần túc thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thiên nhãn thông và lậu tận thông.
[2] T. 8: Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh (摩訶般若波羅蜜經), quyển 2, tr. 225c21-24: Lại nữa này Xá-lợi-phất, có Bồ-tát ma-ha-tát đắc sáu thần thông, không sanh dục giới, sắc giới và vô sắc giới, từ một quốc độ của Phật này đến một quốc độ của Phật khác, cúng dường, cung kỉnh, tôn trọng, tán thán chư Phật.
* Trang 271 *
như gạo tuy có được ruộng tốt, gieo đúng thời cũng bao giờ mọc được. Các bậc Thánh nhân đã thoát khỏi lớp vỏ ái, tuy có nhân duyên (upapattihetupratyaya) của nghiệp hữu lậu sanh-(sāsravakarman), cũng không có lẽ sanh được?
Đáp: Trước đã nói Bồ-tát vào pháp vị, trú ở địa vị bất thối chuyển, hết nhục thân cuối cùng, được pháp tánh sanh thân, tuy đã dứt các phiền não, mà còn nhân duyên của tập khí phiền não nên thọ pháp tánh sanh thân, chứ chẳng phải sanh ở ba cõi.
Hỏi: A-la-hán phiền não đã hết, tập khí cũng chưa hết vì sao không sanh?
Đáp: A-la-hán không tâm đại từ bi, không có bổn thệ nguyện độ hết thảy chúng sanh; lại lấy việc tác chứng thật tế, đã lìa sanh tử (nên không sanh N.D).
Lại nữa, trước đã đáp có hai thứ lậu hết, trong đây không nói Bồ-tát được lậu tận thông, chỉ tự nói người muốn được sáu thần thông, nên học Bát-nhã Ba-la-mật. Nghĩa của sáu thần thông như Phật đã nói ở phẩm sau.[1] Phẩm tán thán[2] Bồ-tát trên kia cũng đã nói nghĩa của năm thần thông.
Hỏi: Thần thông có thứ lớp thế nào?
Đáp: Bồ-tát lìa năm dục, được các thiền, có từ bi nên vì chúng sanh mà thủ lấy thần thông, hiện các việc hy hữu kỳ lạ, khiến chúng sanh được thanh tịnh, vì cớ sao? vì nếu không có việc hy hữu thời không thể khiến nhiều chúng sanh đắc độ.
[1] T. 8, Tiểu phẩm bát-nhã kinh (大品般若經), quyển 2, vãng sanh phẩm (往生品), tr. 228b1-229a11; T. 8: Phóng quang bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 2, độ ngũ thần thông phẩm (度五神通品), tr. 9c4-10a7; T. 8: Quang tán bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 2, hành không phẩm (行空品), tr. 159b23-160b13.
[2] T. 44: Đại thừa nghĩa chương (大乘義章), quyển 20, tr. 862a16-c6.
* Trang 272 *
1. Đại Bồ-tát suy nghĩ như vậy rồi, buộc tâm vào chỗ trống trong thân, diệt tướng sắc thô trọng, thường thủ lấy tướng rỗng nhẹ, phát tâm đại dục tinh tấn, trí tuệ trù lượng, sức tâm có thể cất nổi thân chưa? Trù lượng rồi, tự biết sức tâm lớn, có thể cất nổi thân, ví như học bay, thường bỏ tướng sắc thô trọng mà thường tu tập theo tướng rỗng nhẹ, bấy giờ liền bay được.
2. Cũng có thể biến hóa các vật, khiến đất thành nước, nước thành đất, gió thành lửa, lửa thành gió, các đại như vậy, đều làm cho nó chuyển đổi. Khiến vàng thành ngói gạch, ngói gạch thành vàng, các vật như vậy, đều khiến biến hóa. Muốn biến đất thành nước, thường tu tập niệm tưởng nước làm cho nhiều hơn, không còn niệm tưởng tướng đất. Khi ấy tướng đất theo như niệm tưởng biến thành nước, các vật như vậy, đều có thể biến hóa.
Hỏi: Nếu như vậy thì có khác gì với nhất thiết nhập?
Đáp: Nhất thiết nhập là bước đầu của thần thông. Trước đã được nhất thiết nhập, tám bội xả, tám thắng xứ, làm cho tâm nhu nhuyến chiếc phục. Vậy sau mới dễ vào thần thông.
Lại nữa, trong nhất thiết nhập, chỉ riêng mình tự thấy đất biến thành nước, còn người khác không thấy, trong thần thông thời không vậy, tự thấy thật là nước, người khác cũng thấy thật là nước.
Hỏi: Nhất thiết nhập cũng là đại định, cớ sao không
* Trang 273 *
khiến thành thật là nước cho mình và người đều thấy ?
Đáp: Đối tượng của pháp quán nhất thiết nhập rộng nên chỉ có thể làm cho tất cả thành nước, mà không thể làm cho thật là nước. Còn thần thông không thể khắp tất cả chỗ, mà chỉ có thể khiến đất chuyển thành nước, bèn thành nước thật. Vì vậy nên hai định lực khác nhau.
Hỏi: Việc biến hóa của hai định ấy là thật hay là hư? Nếu thật, làm sao đá thành vàng, đất thành? Nếu hư, tại sao Thánh nhân mà làm việc không thật?
Đáp: Đều thật, Thánh nhân không hư, vì đã nhổ hết ba độc, và vì các pháp không có tướng nhất định, nên có thể chuyển đất thành nước... như sáp, keo là loại đất mà gặp lửa thời tiêu ra nước, thành tướng ướt. Nước gặp lạnh thời kết thành băng, là tướng cứng, nước đá thành vàng, vàng hỏng thành đồng hoặc trở lại đá. Chúng sanh cũng như vậy, ác có thể thành thiện, thiện có thể thành ác, vì vậy nên biết hết thảy pháp không có tướng nhất định. Dùng sức thần thông biến hóa, là thật chứ không dối. Nếu pháp vốn có tướng nhất định, thời không thể biến.
3. Thần thông của các Hiền thánh, tùy ý tự tại đối với sáu trần, thấy đẹp có thể sanh ý tưởng chán, thấy xấu có thể sanh ý tưởng vui, cũng có thể lìa ý tưởng đẹp xấu mà hành tâm xả. Ấy gọi là ba loại thần thông. Thần thông tự tại này, chỉ Phật mới đầy đủ. Bồ-tát được thần thông dạo các nước Phật, đối với ngôn ngữ bất đồng của các nước khác nhau và đối với âm thanh của chúng sanh vi tế, xa xôi không nghe
* Trang 274 *
được nên cầu có thiên nhĩ thông (divyaśrotra). Thường nhớ nghĩ đến nhiều loại tướng lớn, thủ lấy tướng ấy tu hành, thường tu tập, nên được tai được tạo thành bằng sắc thanh tịnh của tứ đại cõi Sắc, được rồi, bèn nghe xa, âm thanh người, trời, thô, tế, xa, gần đều nghe thông suốt không ngăn ngại.
Hỏi: Như trong thiền kinh nói: Trước hết được thiên nhãn, thấy chúng sanh mà không nghe được tiếng nó, nên cầu được thiên nhĩ thông. Được thiên nhãn (divyacakṣus), thiên nhĩ thấy biết được thân hình, âm thanh của chúng sanh, mà không hiểu được ngôn ngữ, các lời lo, mừng, khổ, vui, nên cầu được trí tuệ vô ngại (niruktipratisaṃvid). Chỉ biết lời nó mà không biết được tâm nó, nên cầu được trí biết tha tâm (paracittajñāna); biết tâm nó mà chưa biết nó từ đâu đến, nên cầu được túc mạng thông (pūrvanivānusmṛti); đã biết từ đâu đến, lại muốn trị tâm bệnh của nó nên cầu được lậu tận thông (āsravakṣaya). Được đầy đủ năm thông rồi, mà không thể biến hóa nên việc độ thoát chưa rộng, không thể hàng phục người tà kiến, người đại phúc đức, nên cầu được thần thông như ý (Ṛddhyabhijñā). Thứ lớp phải như vậy, cớ sao đây nói trước cầu thần thông như ý?
Đáp: Chúng sanh kẻ thô thì nhiều, kẻ tế thì ít, cho nên trước dùng thần thông như ý, thần thông như ý gồm được cả thô tế, độ người được nhiều nên nói trước.
Lại nữa, các thần thông được pháp khác nhau, số pháp khác nhau. Được pháp nhiều thì trước cầu thiên nhãn, vì dễ được. Hành giả dùng các ánh sáng mặt trời, mặt trăng, sao, ngọc, lửa v.v... thường siêng tinh tấn, khéo tu tập, ngày đêm không đổi khác, hoặc trên hoặc dưới,
* Trang 275 *
hoặc trước hoặc sau, đồng nhất sáng suốt, không bị ngăn ngại, khi ấy bắt đầu được thiên nhãn thần thông. Các thần thông khác thứ lớp được, như vừa nói.
Lại nữa, Phật như chỗ tự chứng được mà thứ lớp nói cho người. Phật đầu đêm được một thông một minh, đó là như ý thông và túc mạng minh; giữa đêm được thiên nhĩ thông và thiên nhãn minh; cuối đêm được tha tâm trí thông và lậu tận minh. Cầu minh dụng công năng nên nói ở sau. Thông và minh thứ lớp được, như bốn quả Sa-môn, quả lớn thì ở sau.
Hỏi: Nếu thiên nhãn dễ được nên ở trước, sao Bồ-tát không trước được thiên nhãn?
Đáp: Bồ-tát đối với các pháp đều dễ không khó, còn người khác vì độn căn nên có khó có dễ.
Lại nữa, đầu đêm (prathame yāme) ma vương đến muốn chiến đấu với Phật, Bồ-tát dùng sức thần thông biến hóa các thứ làm cho binh khí của ma đều thành anh lạc, hàng ma xong, tiếp nghĩ đến thần thông muốn cho đầy đủ. Móng tâm liền vào, liền được đầy đủ thần thông. Hàng ma xong, tự nghĩ một thân làm sao được sức lớn? bèn cầu túc mạng minh, tự biết do năng lực đã tích tụ nhiều đời. Giữa đêm (madhyame yāme) ma liền đi xa, vắng lặng không tiếng, vì thương xót tất cả, nghĩ tới tiếng chúng ma, phát sanh thiên nhĩ thông và thiên nhãn minh. Dùng thiên nhĩ ấy, nghe tiếng khổ vui của chúng sanh trong mười phương năm đường. Nghe tiếng xong muốn thấy hình nói mà bị ngăn che không thấy nên cầu được thiên nhãn. Lúc
* Trang 276 *
cuối đêm (paścime yāme) đã thấy thân hình chúng sanh lại muốn biết tâm nó nên cầu tha tâm trí. Biết tâm chúng sanh đều muốn lìa khổ cầu vui, nên Bồ-tát cầu lậu tận thông. Trong các thứ vui, vui lậu tận hơn hết, nên làm cho chúng sanh chứng được.
Hỏi: Bồ-tát đã được vô sanh pháp nhẫn (anutpattikadharmakṣānti), đời đời thường được quả báo thần thông, sao nay tự nghi, đã thấy chúng sanh mà không biết tâm nó?
Đáp: Có hai hạng Bồ-tát:
1. Pháp tánh sanh thân Bồ-tát (dharmadhātujakāya).
2. Vì độ chúng sanh nên phương tiện chịu làm thân theo phép tắc (manuṣyadharma), của con người, sanh vào nhà vua Tịnh-phạn, ra dạo bốn cửa thành, hỏi người già, bệnh, chết. Làm vị Bồ-tát ngồi dưới cây thọ vương, đầy đủ sáu thần thông.
Lại nữa, Bồ-tát thần thông, đã có mà chưa đầy đủ, nay đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm chứng được, ấy là Phật thần thông. Làm theo phép tắc của con người nên tự nghi, không có lời.
Hỏi: Theo thứ lớp sáu thần thông, thì nên trước hết là thiên nhãn, cuối cùng là lậu tận thông. Song cũng có khi không theo thứ lớp như vậy chăng?
Đáp: Phần nhiều trước có thiên nhãn, sau là lậu tận trí, hoặc có khi tùy chỗ ưa tu mà được thiên nhĩ trước hoặc thần túc trước.
Có người nói, ở Sơ thiền thiên nhĩ dễ được, vì có bốn tâm giác quán (nhãn, nhĩ, thân, ý thức – ND); ở Nhị thiền thiên nhãn dễ được, vì nhãn thức không có, tâm thu nhiếp không tán loạn; ở Tam thiền như ý thông dễ được, vì thân
* Trang 277 *
thụ hưởng khoái lạc; ở Tứ thiền các thông đều dễ được, vì là chỗ hết thảy an ổn.
Nghĩa của túc mạng, tha tâm, lậu tận như trong đoạn Mười lực đã nói.
KINH: Muốn biết hết thảy chúng sanh tâm xu hướng về đâu, nên học Bát-nhã Ba-la-mật.
LUẬN: Hỏi: Trong sáu thông đã nói thần thông biết tha tâm, sao nay còn nói lại?
Đáp: Cảnh giới của tha tâm thông ít, chỉ biết được tâm tâm số pháp[1] của chúng sanh hiện tại ở cõi Dục cõi Sắc, chứ không biết được tâm tâm số pháp của chúng sanh ở quá khứ, vị lai và ở cõi Vô sắc.[2] Phàm phu thông đối với Tứ thiền địa trên, tùy theo chỗ được thần thông trở xuống, biết khắp được tâm tâm số pháp của chúng sanh trong bốn châu thiên hạ; Thanh-văn đối với Tứ thiền trên, tùy theo chỗ được thần thông trở xuống, biết khắp được tâm tâm số pháp của chúng sanh trong ngàn thế giới; Bích-chi-phật thông, đối với Tứ thiền địa trên, tùy theo chỗ được thần thông trở xuống, biết khắp được tâm tâm số pháp của chúng sanh trong trăm ngàn thế giới. Người độn căn ở địa trên không thể biết tâm tâm số pháp của người lợi căn ở địa dưới; phàm phu không biết được tâm tâm số pháp của Thanh-văn, Thanh-văn không biết được tâm tâm số pháp của Bích-chi-phật; Bích-chi-phật không biết được tâm tâm số pháp của Phật. Vì vậy nên nói muốn biết hết thảy chúng sanh tâm hành hướng về đâu, nên
[1] T. 28: A-tỳ-đạt-ma tỳ-bà-sa luận (阿毘曇毘婆沙論), quyển 49, tr. 370c9-13: Hỏi rằng: cũng tri số pháp, thế nào gọi là biết tâm của người khác? Đáp rằng: dùng tâm để biết. Tâm mong cầu của hành giả, cần tu phương tiện, muốn biết tâm của người khác, không cầu số pháp, cũng tri số pháp, cho nên gọi là tri tha tâm trí. Như người cầu thấy vua, không mong cầu thấy quyến thuộc của vua, nếu khi thấy vua, cũng thấy quyến thuộc của vua, tri số pháp (tri tha tâm trí) cũng lại như vậy.
[2] T. 27: A-tỳ-đạt-ma đại tỳ-bà-sa luận (阿毘達磨大毘婆沙論), quyển 99, tr. 513a22-25: Hỏi: tại sao vô sắc giới không có tha tâm trí? Đáp: không phải điền khí, cho đến nói rộng. Lại nữa, tu tha tâm trí y vào sắc mà khởi, đất là chỉ ở tứ căn bổn tịnh lự, không phải cận phần, vô sắc, đất ấy không thể phát sanh ngũ thông.
* Trang 278 *
học Bát-nhã Ba-la-mật.
Hỏi: Lấy trí gì mà biết được tâm tâm số pháp của hết thảy chúng sanh?
Đáp: Các đức Phật có giải thoát vô ngại-(asaṅgavimokṣa), vào trong giải thoát ấy có thể biết được tâm tâm số pháp của hết thảy chúng sanh. Các đại Bồ-tát được giải thoát vô ngại tương tợ, cũng có thể biết tâm tâm số pháp của hết thảy chúng sanh. Tân học (ādikarmika) Bồ-tát muốn được giải thoát vô ngại của đại Bồ-tát ấy và của Phật, dùng giải thoát vô ngại ấy mà biết tâm tâm số pháp của hết thảy chúng sanh. Đại Bồ-tát thì muốn được giải thoát vô ngại của Phật. Vì vậy nên tuy đã nói biết tha tâm thông, nay còn nói muốn biết hết thảy chúng sanh tâm xu hướng về đâu, nên học Bát-nhã Ba-la-mật.
Hỏi: Tâm xu hướng về đâu, tâm có đi hay không đi? Nếu có đi, thời ở đây không có tâm, giống như người chết; nếu không đi thời làm sao biết được? như Phật nói, nương ý duyên pháp mà có ý thức sanh ra, nếu ý không đi thời hòa hợp (với pháp N.D)?
Đáp: Tâm không đi không ở mà có thể biết, như trong kinh Bát-nhã Ba-la-mật nói: Hết thảy pháp không có tướng đến đi,[1] làm sao nói có tâm đến đi? Lại nói các pháp khi sanh không từ đâu đến, khi diệt không đi đâu,[2] nếu có đến đi tức rơi vào thường kiến. Các pháp không có tướng nhất định. Vì vậy nên chỉ do trong sáu căn ngoài sáu trần hòa hợp sanh sáu thức, và sanh sáu thọ, sáu tưởng, sáu tư. Do vậy, nên tâm như huyễn hóa, có thể biết tâm tâm số pháp của hết thảy chúng
[1] T. 8, Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh (摩訶般若波羅蜜經), quyển 6, thắng xuất phẩm đệ nhị thập nhị (勝出品第二十二), tr. 264b24-28: Tu-bồ-đề! Là đại thừa, không thấy đến, không thấy đi, không thấy trú, vì sao? Tu-bồ-đề, hết thảy các pháp không có tướng động! là pháp không đến, không đi, không trú, vì sao? Này Tu-bồ-đề! sắc không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, cũng vô sở trú, thọ, tưởng, hành, thức không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, cũng vô sở trú!; T. 7: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (大般若波羅蜜多經), quyển 419, tr. 102c28-29: Này Thiện hiện! tất cả các pháp không từ đâu đến không đi về đâu, cũng lại vô trú, vì sao? Vì tất cả các pháp nếu có tướng động, nếu trú thời không thể đắc.
[2] T. 8: Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh (摩訶般若波羅蜜經), quyển 6, đẳng không phẩm đệ nhị thập tam, tr. 264b25-265a10: Tu-bồ-đề! hết thảy các pháp không có tướng động, là pháp không đến, không đi, không trú, vì sao? Này Tu-bồ-đề! sắc không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, cũng vô sở trú, thọ, tưởng, hành, thức không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, cũng vô sở trú.
* Trang 279 *
sanh, mà không có người biết, không có người thấy. Như trong phẩm Tán thán Đại thừa (Mahāyānastutiparivarta) nói: Nếu tâm tâm số pháp của hết thảy chúng sanh, tánh thật có không hư dối, thời Phật không thể biết tâm tâm số pháp của hết thảy chúng sanh, tánh thật hư dối, không đến không đi, nên Phật biết được tâm tâm số pháp của hết thảy chúng sanh. Ví như Tỳ-kheo người tham cầu thì không được cúng dường, người không tham cầu thời không thiếu thốn chi. Tâm cũng như vậy, nếu phân biệt thủ tướng, thời không được thật tướng pháp, không được thật tướng pháp, thời không thể thông suốt biết tâm tâm số pháp của hết thảy chúng sanh. Nếu không thủ tướng, không phân biệt. Thời được thật tướng pháp, được thật tướng pháp thời có thể thông suốt biết tâm tâm số pháp của hết thảy chúng sanh không ngăn ngại.
Hỏi: Các tâm của tất cả chúng sanh có thể biết được hết ư? Nếu biết hết thời chúng sanh có biên giới, nếu không biết thì cớ sao nói muốn biết hết thảy chúng sanh tâm xu hướng về đâu? làm sao Phật có được nhất thiết chủng trí?
Đáp: Tâm tâm số pháp của tất cả chúng sanh, có thể biết hết được vì cớ sao? Ví như trong Kinh nói: Trong tất cả người nói thật, Phật là hơn cả. Nếu không thể biết tâm của hết thảy chúng sanh đến tận biên tế, thì sao Phật nói biết hết? Cũng không gọi là ngưòi Nhất thiết trí, nhưng lời Phật nói đều thật, chắc chắn phải thật có người nhất thiết trí.
Lại nữa, chúng sanh tuy vô biên thì nhất thiết chủng
* Trang 280 *
trí cũng vô biên. Ví như họp lớn nắp cũng lớn. Nếu trí tuệ có biên mà chúng sanh vô biên, mới nên có vấn nạn ấy. Nay trí tuệ và chúng sanh đều vô biên, thời vấn nạn của ông sai.
Lại nữa, nếu nói hữu biên vô biên, hai điều ấy ở trong Phật pháp bỏ qua không đáp. Mười bốn việc ấy hư dối không thật, vì vô ích nên không nên cật nạn.
Hỏi: Nếu hữu biên vô biên, đều không thật, nhưng Phật nhiều chỗ nói vô biên, như nói chúng sanh có si ái trở lại đây vô thỉ vô biên, mười phương cũng vô biên tế?
Đáp: Chúng sanh vô biên, trí tuệ Phật không biên, ấy là thật. Nếu ai chấp trước vô biên, thủ tướng hý luận, Phật nói đó là tà kiến, ví như nói thế gian thường hoặc vô thường cả hai đều điên đảo, rơi vào trong mười bốn nạn vấn, nhưng Phật phần nhiều dùng nghĩa vô thường để độ chúng sanh, ít dùng nghĩa hữu thường. Nếu chấp trước vô thường, thủ tướng hý luận, thì Phật nói đó là tà kiến hư vọng. Nếu không chấp trước vô thường, biết vô thường tức là khổ, khổ tức là vô ngã, vô ngã tức là không, được như vậy nương vô thường quán mà vào các pháp không, bèn là thật. Vì vậy nên biết vô thường đứng vào trong chân đế, là thật, đứng vào trong mười bốn nạn vấn, vì lý do chấp trước, nên nói là tà kiến. Thế nên nói vô thường để rõ vô biên, vô biên nên chúng sanh nhàm chán sanh tử dài lâu, ví như 40 Tỳ-kheo ở nước Ba-lê cùng tu mười hai tịnh hạnh,[1] đi đến chỗ Phật, Phật dạy cho hạnh yểm ly. Phật hỏi Tỳ-kheo:
Năm sông Hằng-gia (Gaṅgā), Lam-mâu-na (Yamunā), Tát-la-do (Sarayū), A-chỉ-la-bà-đề (Aciravatī), Ma-hê-(Mahī), từ chỗ phát nguyên
[1] T. 2: Tạp a-hàm kinh (雜阿含經), quyển 33, kinh số 937, tr. 240b12-15; T. 8: Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh (摩訶般若波羅蜜經), quyển 14, tr. 320c5-9: 12 tịnh hạnh: A-luyện-nhã, thường khất thực, nạp y, nhất toạ thực, tiết lượng thực, trung hậu bất ẩm tưởng, trủng gian trú, thọ hạ trú, lộ địa trú, thường toạ bất ngọa, thứ đệ khất thực, tam y.
* Trang 281 *
chảy vào biển cả, nước trong biển ấy nhiều hay ít?
Tỳ-kheo thưa: Rất nhiều!
Phật nói: Chỉ một người trong một kiếp, khi làm súc sanh bị giết, xẻ, cắt, lột, hoặc khi phạm tội bị cắt tay chân, chặt đầu, huyết chảy ra như vậy, nhiều hơn nước biển kia. Như vậy trong vô biên đại kiếp, thọ thân xuất huyết không thể kể xiết, kêu khóc rơi lệ và uống sữa mẹ, cũng nhiều như vậy. Một người trong một kiếp chưa xướng kể quá hơn núi lớn Tỳ-phú-la (núi này người Thiên trúc thường trông thấy, dễ tin, cho nên nói đến). Chịu khổ sanh tử trong vô lượng kiếp như vậy.
Các Tỳ-kheo nghe như vậy, nhàm ghét thế gian, tức thời đắc đạo.
Lại nữa, nghe nói mười phương chúng sanh nhiều vô biên liền sanh tâm hoan hỷ thọ giới bất sát. Được vô biên phước đức. Do nhân duyên ấy đối Bồ-tát mới phát tâm, hết thảy chúng sanh trong thế gian đều nên cúng dường, vì cớ sao? Vì độ chúng sanh trong vô biên thế giới, nên công đức cũng vô biên. Có lợi ích như vậy nên nói “Vô biên.”
Vì vậy nên nói biết hết thảy chúng sanh tâm xu hướng về đâu, như mặt trời chiếu thiên hạ, một lúc cùng chiếu đến, khắp nơi đều sáng.
KINH: Đại Bồ-tát muốn hơn trí tuệ của hết thảy Thanh-văn, Bích-chi-phật, nên học Bát-nhã Ba-la-mật.
LUẬN: Hỏi: Thế nào là trí tuệ của Thanh-văn, Bích-
* Trang 282 *
chi-phật?
Đáp: Do tướng chung tướng riêng quán thật tướng các pháp, đó là trí tuệ Thanh-văn, như trong Kinh nói: Đầu lấy trí tuệ phân biệt các pháp, sau dùng trí tuệ Niết-bàn. Trí tuệ phân biệt các pháp là tướng riêng, trí tuệ Niết-bàn là tướng chung.
Lại nữa, biết pháp ấy mở, pháp là ấy trói, là lưu chuyển, là trở về, là sanh, là diệt, là ưa thích, là tai họa, là nghịch, là thuận, là bờ này, là bờ kia, là thế gian, là xuất thế gian, phân biệt các pháp theo hai môn gọi là trí tuệ Thanh-văn.
Lại nữa, có ba thứ trí tuệ, là biết năm thọ uẩn tập như vậy, tán như vậy, xuất như vậy; là vị, là hoạn, là xuất ly. Trí tuệ tương ưng với ba giải thoát môn. Như vậy phân biệt các pháp theo ba môn.
Lại nữa, có bốn thứ trí tuệ, là trí về bốn niệm xứ; pháp trí; tỷ trí (loại trí), tha tâm trí, thế trí, khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí; trí biết bất tịnh, biết vô thường, trí biết khổ, trí biết vô ngã, trí biết vô thường, trí biết khổ, trí biết không, trí biết vô ngã, pháp trí, tỷ trí, tận trí, vô sanh trí. Như vậy phân biệt các pháp theo bốn môn.
Lại nữa, từ khổ pháp trí nhẫn tuệ cho đến Không không tam-muội, vô tướng vô tướng tam-muội, vô tác vô tác tam-muội trí, các trí tuệ có được ở khoảng trung gian ấy đều là trí tuệ Thanh-văn. Nói lược là nhàm chán thế gian niệm tưởng Niết-bàn, lìa ba cõi, dứt các phiền não, được pháp tối thượng tức là Niết-bàn. Ấy gọi là trí tuệ Thanh-văn.
* Trang 283 *
Lại nữa, như trong phẩm Bát-nhã Ba-la-mật nghĩa nói:[1] Tướng trí tuệ Bồ-tát và trí tuệ Thanh-văn là một trí tuệ. Chỉ vì Thanh-văn không có phương tiện, không có thệ nguyện rộng lớn trang nghiêm (na mahāsaṃnāhasaṃnaddha), không có tâm đại từ đại bi, không cầu hết thảy Phật pháp, không cầu nhất thiết chủng trí biết hết thảy pháp, chỉ nhàm chán già, bệnh, chết, dứt các ái buộc ràng, thẳng đến Niết-bàn. Ấy là khác.
Hỏi: Thanh-văn như vậy, còn trí tuệ Bích-chi-phật thế nào?
Đáp: Trí tuệ Thanh-văn tức là trí tuệ Bích-chi-phật, chỉ có sai biệt là thời tiết (kāla), lợi căn (tīkṣṇendriya), phước đức (puṇya). Thời tiết là lúc không có Phật ở đời cũng không có Phật pháp, do một ít nhân duyên mà xuất gia, đắc đạo, gọi là Bích-chi-phật. Lợi căn là khác, pháp tướng là đồng, chỉ do trí tuệ vào sâu mà được đạo Bích-chi-phật. Phước đức gọi là có tướng, hoặc một tướng, hai tướng cho đến 31 tướng. Hoặc gặp được Thánh pháp ở trong Phật pháp đời trước, sau khi pháp diệt (saddharmavipralopa) chứng thành A-la-hán, ấy gọi là Bích-chi-phật, thân không có tướng hảo[2] có vị Bích-chi-phật mau nhất là tu hành bốn đời lâu là tu hành trăm kiếp, như Thanh-văn có vị mau là ba đời lâu là 60 kiếp.[3] Nghĩa này trước đã nói rộng.
Hỏi: Như Phật nói bốn quả Sa-môn, bốn bậc Thánh nhân, tứ Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán; năm bậc Phật tử từ Tu-đà-hoàn cho đến Bích-chi-phật; ba thứ Bồ-đề là, Độc-giác bồ-đề, Phật bồ-đề. Như vậy, trong quả, trong Thánh, trong Phật tử, trong Bồ-đề đều không có Bồ-tát,
[1] T. 8: Đại phẩm bát-nhã kinh (大品般若經), quyển 1, tập tương ưng phẩm (習相應品), tr. 222a10-b13; T. 8: phóng quang bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 1, tr. 5a26-b22; T. 8: Quang tán bát-nhã kinh (光讚般若經), quyển 1, tr. 152c3-153a5.
[2] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (阿毘達磨俱舍論), quyển 12, tr. 64a28-b11: Độc giác có hai loại sai khác: Các vị Độc giác sống thành đoàn (bộ hành, vargacārin); các vị phật Độc giác “tương tợ như loài tê ngưu” (lân giác dụ) (khaḍgaviṣāṇakalpa).
Bộ hành: thuộc hàng Thanh văn (śrāvakapūrvin). Có luận sư cho rằng các vị này vốn thuộc dị sinh nhưng đã từng tu tập thuận quyết trạch phần (nirvedhabhāgīyas) của Thanh văn thừa; đến đời này thì tự mình chứng đắc được thánh đạo. Bổn sự (Pūrvakatha) nói rằng: “Có 500 vị tiên cùng tu khổ hạnh trên một ngọn núi. Lúc đó có một con khỉ đã từng sống gần một vị phật Độc giác đi đến chỗ của họ và làm các điệu bộ đã bắt chước được của vị phật Độc giác trước mặt họ. 500 tiên nhân thấy vậy cũng bắt chước theo các cử chỉ này và người ta nói rằng nhờ vậy mà họ chứng đắc Bồ-đề của phật Độc giác. Theo các luận sư trên thì rõ ràng 500 vị tiên nhân này không phải là thánh giả, tức không phải là Thanh-văn, bởi vì nếu trước đây đã đắc quả Thanh-văn tức phải xả ly giới cấm thủ thì về sau không thể nào lại xả bỏ để tu tập khổ hạnh trở lại.”
Lân giác dụ là các vị phật Độc giác sinh sống một mình. Các vị này phải trải qua một trăm đại kiếp để tu tập các pháp cần thiết cho sự chứng đắc Bồ-đề (Bồ-đề tư lương) [tức giới, định, tuệ]. Họ tự mình chứng đắc Bồ-đề mà không nhờ vào thánh giáo và vì chỉ có thể điều phục được mình mà không thể chuyển hóa chúng sinh cho nên gọi là Độc giác.
Abhidharmakośa-śāstra, Lokanirdeśaḥ, tr. 183: dvividhā hi pratyekabuddhāḥ-vargacāriṇaḥ, khaḍgaviṣāṇakalpāśca, tatra vargacāriṇaḥ śrāvakapūrviṇaḥ pratyekajinā ucyante, pṛthagjanapūrviṇo’pi santītyapare, ye’nyatrotpāditanirvedhabhāgīyā iha svayaṃ mārgamabhisambudhyante, tathā hi pūrvayogaṃ paṭhanti - parvate kila pañcaśatāni tāpasānāṃ kaṣṭāni tapāṃsi tapyante sma, yāvat pratyekabuddhasahoṣitena markaṭenāgamya tadīryāpathasandarśanāt pratyekabodhimabhisambuddhāḥ” (94) iti, na cāryāḥ santaḥ kaṣṭāni tapāṃsi tapyeran, khaḍgaviṣāṇakalpāḥ punarasaṃsṛṣṭavihāriṇaḥ, teṣāṃ pratyekabuddhānām-khaḍgaḥ kalpaśatānvayaḥ (95) mahākalpānāṃ śataṃ bodhisambhāreṣu caritaḥ khaḍgaṃ viṣāṇakalpo bhavati, vinopadeśenātmānamekaṃ pratibuddhā iti pratyekabuddhāḥ, te hyekamātmānaṃ damayanti, nānyān.
[3] T. 27: A-tỳ-đạt-ma đại tỳ-bà-sa luận-阿毘達磨大毘婆沙論, quyển 101, tr. 525b14-21.
* Trang 284 *
tại sao nói Bồ-tát hơn hết thảy Thanh-văn, Bích-chi-phật trí tuệ?
Đáp: Phật pháp có hai:
1. Thanh-văn, Bích-chi-phật Phật pháp.
2. Đại thừa pháp.
Trong pháp Thanh-văn nhỏ nên chỉ tán thán việc Thanh-văn, không nói đến việc Bồ-tát; trong pháp Đại thừa rộng lớn nên nói việc của cái Đại Bồ-tát là phát tâm (cittotpāda), tu hành mười địa (daśabhūmibhāvanā), vào pháp vị (niyāmāvakrānti), tịnh quốc độ Phật (buddhakṣetrapariśodhana), thành tựu chúng sanh (sattvaparipācana), chứng được Phật đạo (abhisaṃbodhi). Trong pháp này nói, Bồ-tát ở dưới Phật hãy nên như cúng dường Phật. Hay quán các pháp tướng như vậy, ấy là phước điền, hơn Thanh-văn, Bích-chi-phật.
Như vậy, trong kinh Đại thừa nơi nơi đều tán thán trí tuệ đại Bồ-tát hơn Thanh-văn, Bích-chi-phật. Như trong kinh Bửu-Đảnh (Ratnakūṭasūtra) nói: Chuyển luân Thánh vương thiếu một không đủ ngàn người con, tuy có đại lực, mà chư thiên, người đời không quí trọng. Còn có giống chuyển luân Thánh vương thật, dù ở trong thai mới bảy ngày đầu, đã được chư thiên quí trọng, vì sao? Vì 999 người con không thể nối được dòng giống chuyển luân Thánh vương, làm cho người đời được vui hiện tại và tương lai. Còn giống chuyển luân Thánh vương thật, tuy ở trong thai nhưng chắc chắn có thể nối ngôi Thánh vương, cho nên được cung kính. Các A-la-hán, Bích-chi-phật cũng vậy, tuy được năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám Thánh đạo, sáu thần thông, các thiền định, lực trí tuệ, thật tế được chứng, làm phước điền cho chúng sanh, mà mười phương chư Phật không quí trọng. Bồ-tát tuy còn ở bào thai các kiết sử
* Trang 285 *
phiền não, ba độc tham dục trói buộc, khi mới phát đạo tâm vô thượng chưa có thể làm gì mà đã được chư Phật quí. Vì vị ấy dần dần sẽ thực hành sáu Ba-la-mật, được lực phương tiện, vào địa vị Bồ-tát, cho đến được nhất thiết chủng trí, độ vô lượng chúng sanh, không dứt hạt giống Phật, hạt giống pháp, hạt giống tăng, không dứt mất nhân duyên của sự thanh tịnh an lạc cõi trời, cõi người.
Lại như chim Ca-lăng-tần-già, còn ở trong vỏ trứng đã phát ra âm thanh vi diệu hơn các loài chim khác. Đại Bồ-tát cũng như vậy, tuy chưa khỏi vô minh mà âm thanh thuyết pháp nghị luận hơn Thanh-văn, Bích-chi-phật và ngoại đạo.[1] Như trong kinh Minh Võng[2] nói: Tuệ mạng Xá-lợi-phất bạch Phật rằng:
Bạch Thế tôn: Các Bồ-tát thuyết pháp, nếu ai có thể nghe được, được công đức lớn, vì sao? Vì cho đến được nghe tên các Bồ-tát ấy cũng được lợi ích lớn, huống gì được nghe các vị thuyết pháp.
Bạch Thế tôn! Ví như trồng cây, không nương nơi đất mà muốn được gốc, cành, cọng, lá, thành hoa quả, là điều khó được. Các Bồ-tát tu hành cũng như vậy, không trú nơi hết thảy pháp mà hiện trú ở sanh tử, ở trong thế giới chư Phật, tự tại vui nói pháp trí tuệ có ai nghe được pháp do đại trí tuệ du hý tự tại vui nói ấy mà không phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Bấy giờ trong hội có Phổ-hỏa bồ-tát (Samantapuṣpa) nói với Xá-lợi-phất: Trưởng lão là bậc trí tuệ đệ nhất trong hàng đệ tử Phật, nay Trưởng lão đối pháp tánh các pháp có thuyết được chăng? sao không dùng đại trí tự tại vui thuyết pháp?
[1] T. 9: Đại phương quảng phật hoa nghiêm kinh (大方廣佛華嚴經), quyển 59, tr. 778c14-17: Ví như chim kim xúy khi mới sanh, mắt của nó sáng rõ, có thế lực mạnh, các loài chim lớn nhỏ đều không có khả năng đó. Bồ-tát ma-ha-tát cũng lại như vậy, sanh vào nhà Như-lai, phát bồ-đề tâm, tuệ nhãn minh tịnh, có đại thế lực; Thanh-văn, Duyên-giác trong một trăm ngàn kiếp, tu tập trí tuệ, không thể sánh bằng.
[2] T. 15: Trì tâm phạm thiên sở vấn kinh (持心梵天所問經), quyển 2, tr. 10c23-11b25; T. 15: Tư ích phạm thiên sở vấn kinh (思益梵天所問經), quyển 2, tr. 42c9-43b2; T. 15: Thăng tư duy phạm thiên sở vấn kinh (勝思惟梵天所問經), quyển 3, tr. 74a2-c7.
* Trang 286 *
Xá-lợi-phất nói: Các đệ tử Phật, đúng như cảnh giới của họ, thời có thể có thuyết pháp.
Phổ-hỏa bồ-tát lại hỏi: Pháp tánh (dharmatā) có cảnh giới chăng?
Xá-lợi-phất nói: Không.
Nếu pháp tánh không có cảnh giới cớ sao Trưởng lão nói: Đúng như cảnh giới của họ thời có thể có thuyết pháp?
Xá-lợi-phất nói: Tùy chỗ chứng được mà thuyết.
Phổ-hỏa lại hỏi: Trưởng lão lấy pháp tánh có vô lượng tướng làm cảnh ư?
Xá-lợi-phất nói: Phải.
Phổ-hỏa nói: Sao nay nói tùy chỗ chứng được mà thuyết? Như pháp tánh chứng được là vô lượng thời thuyết cũng phải vô lượng mà pháp tánh vô lượng thì chẳng phải tướng lường được?
Xá-lợi-phất nói: Pháp tánh chẳng phải tướng nắm bắt được.
Phổ-hỏa nói: Nếu pháp tánh chẳng phải tướng nắm bắt được, thời ông lìa pháp tánh được giải thoát chăng?
Xá-lợi-phất nói: Không! Vì sao? Vì pháp tánh là tướng không biến hoại.
Phổ-hỏa nói: Thánh trí mà ông chứng được cũng như pháp tánh ư?
Xá-lợi-phất nói: Tôi muốn nghe pháp, chẳng phải lúc thuyết.
* Trang 287 *
Phổ-hỏa nói: Hết thảy pháp nhất định ở trong pháp tánh, có người nghe, người nói ư?
Xá-lợi-phất nói: Không.
Phổ-hỏa nói: Sao ông nói tôi muốn nghe pháp chẳng phải lúc thuyết.
Xá-lợi-phất nói: Phật nói hai hạng người được phước vô lượng là người nhất tâm thuyết pháp và người nhất tâm nghe pháp.
Phổ-hỏa nói: Ông vào trong Diệt tận định, có thể nghe pháp chăng?
Xá-lợi-phất nói: Này thiện nam tử! Trong diệt tận định không nghe pháp.
Phổ-hỏa nói: Ông tín thọ hết thảy pháp tướng thường diệt chăng?
Xá-lợi-phất nói: Tin việc ấy!
Phổ-hỏa nói: Pháp tánh thường diệt (tịch diệt) nên không nghe pháp, vì sao? Vì các pháp tướng thường tịch diệt.
Xá-lợi-phất nói: Ông có thể không dậy khỏi định mà thuyết pháp chăng?
Phổ-hỏa nói: Không có Pháp nào chẳng phải tướng định.
Xá-lợi-phất nói: Nếu như vậy, thời nay hết thảy phàm phu đều là thiền định?
Phổ-hỏa nói: Phải! Hết thảy phàm phu đều là thiền
* Trang 288 *
định.
Xá-lợi-phất nói: Thiền định gì mà hết thảy phàm phu đều thiền định?
Phổ-hỏa nói: Vì Tam-muội pháp tánh bất hoại nên hết thảy phàm phu đều là thiền định.
Xá-lợi-phất nói: Nếu như vậy thời phàm phu với Thánh nhân không khác gì nhau?
Phổ-hỏa nói: Tôi cũng không muốn khiến cho phàm phu và Thánh nhân có sai khác, vì sao? Vì Thánh nhân không có pháp gì diệt, phàm phu cũng không có pháp gì sanh. Hai tướng ấy đều không ra ngoài pháp tánh.
Xá-lợi-phất nói: Thiện nam tử! Thế nào là tướng pháp tánh?
Đáp: Đó là điều biết thấy của Trưởng lão lúc đắc đạo.
Lại hỏi: Sanh pháp Thánh chăng? Không. Diệt pháp phàm phu chăng? Không. Được pháp Thánh chăng? Không. Thấy biết pháp ngữ phàm phu chăng? Không. Vậy Trưởng lão dùng tri kiến nào mà được Thánh đạo?
Xá-lợi-phất nói: Người phàm phu như (Chân như), Tỳ-
* Trang 289 *
kheo được giải thoát như, Tỳ-kheo vào Vô dư Niết-bàn như. Như ấy một như như không sai khác.
Phổ-hỏa nói: Xá-lợi-phất, ấy là tướng pháp tánh như, bất hoại như, dùng như ấy sẽ biết hết thảy pháp đều như.
Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Bạch Thế tôn, ví như đống lửa lớn, không vật gì không đốt cháy. Các Thượng nhân ấy thuyết pháp cũng như vậy, hết thảy pháp đều vào trong pháp tánh.
Lại như trong kinh Tỳ-ma-la-cật (Vimalakīrtisūtra)[1] nói: Các Thanh-văn, Xá-lợi-phất v.v... đều tự nói rằng: Tôi không kham bến kia hỏi thăm bệnh được. Mỗi người tự nói trước đã bị Tỳ-ma-la-cật quở mắng. Như vậy, trong các Kinh nói: Trí tuệ Bồ-tát hơn Thanh-văn, Bích-chi-phật.
Hỏi: Nhân duyên gì mà trí tuệ Bồ-tát hơn Thanh-văn, Bích-chi-phật?
Đáp: Như trong một kinh Bổn-sanh nói: Trí tuệ Bồ-tát, từ vô lượng A-tăng-kỳ kiếp lại đây, tập hợp các trí, trong vô lượng kiếp, không khổ gì không hành, không khó gì không làm, chỉ vì cầu pháp, nên nhảy vào lửa, nhảy từ núi cao, chịu khổ cắt lột, lấy xương làm viết, lấy huyết làm mực, lấy da làm giấy, viết chép kinh pháp như vậy vì pháp nên thọ vô lượng khổ, vì trí tuệ nên đời đời cúng dường thầy dạy pháp xem như Phật. Tất cả Kinh sách đều đọc tụng, giải nói, trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp thường suy nghĩ trù lượng, tìm cầu các pháp tốt xấu, sâu cạn, thiện chẳng thiện, lậu chẳng lậu, thường
[1] T. 14: Phật thuyết duy ma cật kinh (佛說維摩詰經), quyển thượng, tr. 521b28-523c13.
* Trang 290 *
chẳng thường, có, không v.v... suy nghĩ phân biệt vấn nạn, vì trí tuệ nên cúng dường chư Phật và Bồ-tát, Thanh-văn, nghe pháp, vấn nạn, tín thọ, ghi nhớ đúng, như pháp tu hành nhân duyên trí tuệ đầy đủ như vậy, làm sao không hơn A-la-hán, Bích-chi-phật?
Lại nữa, trí tuệ Bồ-tát, có năm Ba-la-mật giúp đỡ trang nghiêm, có lực phương tiện, đối với hết thảy chúng sanh có tâm từ bi, nên không bị tà kiến chướng ngại. Trú trong mười địa, thể lực trí tuệ sâu lớn. Vì nhân lớn nên hơn Thanh-văn, Bích-chi-phật. Vì nhân lớn nên cái nhỏ tự hỏi. A-la-hán, Bích-chi-phật, không có việc ấy.
Vì vậy nên nói muốn hơn trí tuệ Thanh-văn, Bích-chi-phật nên học Bát-nhã Ba-la-mật.
KINH: Muốn được các Đà-la-ni môn, các Tam-muội môn, nên học Bát-nhã Ba-la-mật.
LUẬN: Đà-la-ni (Dhāraṇī) như trong chương Tán Bồ-tát đã nói:
Môn là các pháp phương tiện để được Đà-la-ni. Như ba Tam-muội gọi là cửa giải thoát.
Thế nào là phương tiện? Nếu người được giữ gìn đều đã được nghe, không mất, hãy nên nhất tâm ghi nhớ, làm cho tâm ghi nhớ tăng trưởng, trước nên để ý nơi việc tương tợ, buộc tâm khiến biết việc không thấy. Như Châu-lợi Bàn-đà-ca: Buộc tâm nơi tấm dẻ chùi giày, khiến nghĩ nhớ thiền định mà trừ tâm nhơ cấu.[1] Như vậy bắt
[1] T. 27: A-tỳ-đạt-ma đại tỳ-bà-sa luận (阿毘達磨大毘婆沙論), quyển 180, tr. 902b18-c1.
* Trang 291 *
đầu học Văn trì đà-la-ni, ba lần nghe có thể được, tâm căn dần dần lanh lợi, hai lần nghe có thể được, khi thành tựu một lần nghe có thể được, được rồi nhớ mãi không quên. Ấy là phương tiện ban đầu của Văn trì đà-la-ni.
Hoặc có khi Bồ-tát vào trong thiền định, được môn giải thoát không quên, do năng lực giải thoát không quên, mà hết thảy ngôn ngữ thuyết pháp cho đến một câu một chữ, đều không thể quên. Đó là phương tiện thứ hai.
Hoặc có khi do năng lực thần chú nên được Văn trì đà-la-ni.
Hoặc có khi do hành nghiệp nhân duyên đời trước, khi sanh ra nghe gì đều nhớ được không quên. Như vậy gọi là cửa vào Văn trì đà-la-ni.
Lại nữa, Bồ-tát nghe hết thảy âm thanh ngữ ngôn, phân biệt gốc ngọn, quán thật tướng nó, biết âm thanh ngữ ngôn niệm niệm sanh diệt, âm thanh diệt rồi, mà chúng sanh niệm niệm chấp thủ tướng, nhớ ngôn ngữ đã diệt ấy, rồi nghĩ rằng, người đó mắng ta, liền sanh sân hận. Ngợi khen cũng như vậy. Bồ-tát quán chúng sanh được như vậy, tuy có bị mắng nhiếc trăm ngàn kiếp, không sanh tâm giận, hoặc ngợi khen trăm ngàn kiếp, cũng không vui mừng. Biết âm thanh sanh diệt tiếng vang. Lại như tiếng trống, không có ai làm. Nếu không ai làm, là không có nơi chốn, rốt ráo không, chỉ lừa dối tai người ngu. Như vậy gọi là vào Âm thanh đà-la-ni (Ghoṣapraveśadhāraṇī).
Lại nữa, có Đà-la-ni lấy hai mươi bốn chữ-(dvācatvāriṃśad akṣara) mà thu nhiếp hết tất cả ngôn ngữ danh tự. Những gì là hai mươi bốn
* Trang 292 *
chữ? Đó là A-la-ba-giá-na v.v..., A-đề (Bàn-đầu), A-nậu-ba-nại (Bất sanh) (ādi-anutpanna). Vị Bồ-tát tu hành Đà-la-ni nghe chữ “A” ấy, liền vào tất cả pháp ban đầu chẳng sanh. Các chữ như vậy, chữ theo chỗ nghe, điều vào trong thật tướng hết thảy các pháp. Ấy gọi là Tự nhập môn đà-la-ni-(Akṣaramukhapraveśadhāraṇī).[1] Như trong phẩm Ma-ha-diễn (Mahāyānaparivarta) nói các tự môn.
Lại nữa, Bồ-tát được các Tam-muội hết thảy ba đời sáng suốt không ngại, đối với mỗi Tam-muội được vô lượng A-tăng-kỳ Đà-la-ni. Như vậy hòa hợp gọi là 500 Đà-la-ni môn (Pañcaśatadhāraṇīmukha). Ấy là tạng công đức thiện pháp của Bồ-tát. Như vậy gọi là Đà-la-ni môn.
Các Tam-muội môn là Tam-muội có hai: Tam-muội trong pháp Thanh-văn Tam-muội trong pháp Đại thừa.
Tam-muội trong pháp Thanh-văn là ba Tam-muội.
Lại nữa, ba Tam-muội là: Không không Tam-muội-(śūnyatāśūnyatāsamādhi), vô tướng vô tướng Tam-muội-(animittānimittasamādhi), vô tác vô tác Tam-muội-(apraṇihitāpraṇihitasamādhi).
Lại có ba Tam-muội là có giác có quán (savitarka-savicāra), không giác có quán (avitarka-vicāramātra), không giác không quán (avitarka-avicāra).
Lại có năm chi Tam-muội,[2] năm trí Tam-muội[3] v.v... ấy gọi là các Tam-muội.
Lại nữa, hết thảy thiền định cũng gọi là định-(samāpatti), cũng gọi là Tam-muội (samādhi). Tứ thiền cũng gọi là thiền (dhyāna), cũng gọi là định, cũng gọi là Tam-muội. Trừ Tứ thiền, các định khác cũng gọi là định, cũng gọi là Tam-muội, cũng gọi là thiền. Định ở trong mười địa, gọi là Tam-muội.
[1] Xem T. 25: Đại trí độ luận, quyển 48.
[2] T. 28: Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm luận (舍利弗阿毘曇論), quyển 28, tr. 702a20-b23: Thế nào là năm chi định? Như đức Phật bảo các tỳ-kheo, hãy lắng nghe! hãy lắng nghe! Khéo tư niệm, Như-lai sẽ vì các thầy nói thánh ngũ chi định. Chư tỳ-kheo đáp lại, chúng con muốn lắng nghe! Thế nào là đắc tu thánh ngũ chi định? Như tỳ-kheo ly dục ác bất thiện, có giác có quán Ly sanh hỷ lạc, thành tựu sơ thiền. … ấy là chi định thứ nhất của tu thánh ngũ chi. Lại nữa này các tỳ-kheo, diệt giác quán bên trong chánh tín nhất tâm, không giác không quán định sanh hỷ lạc, thành tựu nhị thiền… ấy là chi định thứ hai của tu thánh ngũ chi. Lại nữa này các tỳ-kheo, ly hỷ xả hành niệm chánh trí thân thọ lạc, như các thánh nhơn, giải xả niệm lạc hành, thành tựu tam thiền… ấy là chi định thứ ba của tu thánh ngũ chi. Lại nữa này các tỳ-kheo, trước đoạn khổ lạc xả ưu hỷ, bất khổ bất lạc xả niệm thanh tịnh, thành tựu tứ thiền, đó là chi định thứ tư của tu thánh ngũ chi. Lại nữa này các tỳ-kheo, khéo quán tưởng, khéo tư duy, khéo giải, như người đứng quán ngồi, như người ngồi quán nằm. Tỳ-kheo cũng như vậy, khéo quán tưởng, khéo tư duy, khéo giải, ấy là chi định thứ năm của tu thánh ngũ chi.
[3] T. 28: Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm luận (舍利弗阿毘曇論), quyển 28, tr. 704a4-9: Thế nào là năm trí định? Như Thế-tôn nói: này các tỳ-kheo tu định vô lượng minh liễu, phát sanh năm loại trí, thế nào là năm? (1) Có định hiện lạc hậu lạc báo duyên đây sanh trí. (2) Có định thánh vô nhiễm duyên đây sanh trí. (3) Có định không khiếp nhược có thể thân cận duyên đây sanh trí. (4) Có định tịch tịnh thắng diệu một mình tu trừ duyên đây sanh trí. (5) Có định chánh niệm nhập, chánh niệm khởi duyên đây sanh trí.
* Trang 293 *
Có người nói: Ở Dục giới địa cũng có Tam-muội, vì sao? Vì trong Dục giới có hai mươi hai đạo phẩm[1] nên biết có Tam-muội. Nếu không Tam-muội thời không thể được công đức thâm diệu ấy.
Lại nữa, trong ngàn câu hỏi có câu hỏi ấy: Trong bốn Thánh chủng mấy hệ thuộc Dục giới, mấy hệ thuộc Sắc giới, mấy hệ thuộc Vô sắc giới, mấy không hệ thuộc?
Đáp: Tất cả nên phân biệt. Bốn Thánh chủng hoặc hệ thuộc Dục giới, hoặc hệ thuộc Sắc giới, hoặc hệ thuộc Vô sắc giới, hoặc không hệ thuộc. Bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc cũng như vậy.[2] Do nghĩa đó nên biết ở Dục giới có Tam-muội. Nếu tâm tán loạn làm sao được pháp thượng diệu. Vì vậy nên Tam-muội đều có ở trong chín địa (từ ngũ thú tạp cư địa đến phi phi tưởng xứ địa-N.D). các Tam-muội như vậy, ở trong A-tỳ-đàm có phân biệt rộng.
Tam-muội trong pháp Đại thừa là từ Thủ-lăng-nghiêm Tam-muội (śuraṃgama-samdhi) cho đến hư không đến giải thoát không vướng mắc Tam-muội (ākāśāsaṅgavimuktinirupalepa-samādhi).[3] Lại như Tam-muội thấy hết thảy Phật, cho đến hết thảy Như-lai giải thoát. Tu quán vô lượng A-tăng-kỳ Bồ-tát Tam-muội như sư tử tần thân[4] v.v...
Như có Tam-muội tên là vô lượng tịnh. Bồ-tát được Tam-muội này, hay thị hiện thân hết thảy thanh tịnh.
Có Tam-muội tên là Oai-tướng. Bồ-tát được Tam-muội này, hay cướp mất oai đức mặt trời mặt trăng.
Có Tam-muội tên là Diệm-sơn, Bồ-tát được Tam-muội này, hay cướp mất oai đức của Đế-thích Phạm thiên.
[1] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (阿毘達磨俱舍論), quyển 25, tr. 133b7-8: Dục giới, hữu đảnh, trừ giác, mỗi mỗi có 22 đạo chi, vô vô lậu.
[2] T. 26: Chúng sự phần a tỳ đàm luận (眾事分阿毘曇論), quyển 8, thiên vấn luận phẩm đệ thất chi nhât (千問論品第七之一), tr. 667a15-c18: Thánh chủng hoặc dục giới hệ, hoặc sắc giới hệ, hoặc vô sắc giới hệ, hoặc không hệ. Thế nào là dục giới hệ? nghĩa là thánh chủng sở nhiếp dục giới hệ thuộc ngũ ấm. Thế nào là sắc giới hệ? nghĩa là thánh chủng sở nhiếp sắc giới hệ thuộc ngũ ấm. Thế nào là vô sắc giới hệ? nghĩa là thánh chủng sở nhiếp vô sắc giới hệ thuộc bốn uẩn. Thế nào là không hệ? nghĩa là vô lậu tứ thánh chủng … như tứ thánh chủng, tứ chánh cần, tứ như ý túc cũng như vậy.; T. 26: A-tỳ-đạt-ma phẩm loại túc luận (阿毘達磨品類足論), quyển 11, biện thiên vấn phẩm đệ thất chi nhị (辯千問品第七之二), tr. 738b26-739b13.
[3] Pañcaviṃśati, Dutt biên tập, tr. 142; T. 8: Phóng quang bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 3, 16b; T. 8: Quang tán kinh (光讚經), quyển 4, tr. 172b-173a; T. 8: Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh (摩訶般若波羅蜜經), quyển 3, tr. 237c-238a; T. 7: Đại bát-nhã kinh (大般若經), quyển 409, tr. 50c-51b; śatasāhasrikāprajñāpāramitāsūtra, Ghosa biên tập, tr. 825.
[4] T. 5: Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (大般若波羅蜜多經), quyển 52, tr. 268d: Thế nào gọi là sư tử tần thân tam-ma địa? Thiện hiện! nghĩa là nếu khi trú vào tam-ma-địa này, khởi thần thông tự tại vô uý, hàng phục hết thảy ma quân bạo ác, ấy gọi là sư tử tần thân tam-ma-địa.
* Trang 294 *
Có Tam-muội tên là Xuất-trần, Bồ-tát được Tam-muội này, hay diệt hết thảy ba độc cho đại chúng.
Có Tam-muội tên là Vô-ngại-quang, Bồ-tát được Tam-muội này, hay chiếu soi hết thảy cõi Phật.
Có Tam-muội tên là Không quên hết thảy pháp, Bồ-tát được Tam-muội này có thể ghi nhớ hết thảy pháp Phật nói và giảng nói lời Phật cho người khác.
Có Tam-muội tên là Tiếng như tiếng sấm, Bồ-tát được Tam-muội này, có thể dùng phạm thanh nghe khắp mười phương Phật quốc.
Có Tam-muội tên là Làm vui thích cho hết thảy chúng sanh. Bồ-tát được Tam-muội này, hay làm cho hết thảy người có thâm tâm hoan hỷ.
Có Tam-muội tên Ưa thấy không chán, Bồ-tát được Tam-muội này, hết thảy chúng sanh ưa thấy ưa nghe không biết nhàm chán.
Có Tam-muội tên là Quả báo công đức không thể nghỉ nghì, vui trong một duyên, Bồ-tát được Tam-muội này, thành tựu hết thảy thần thông.
Có Tam-muội tên là biết hết thảy âm thanh ngữ ngôn, Bồ-tát được Tam-muội này có thể nói hết thảy âm thanh ngữ ngôn, trong một chữ nói ra hết thảy chữ, trong hết thảy chữ nói ra một chữ.
Có Tam-muội tên là nhóm hết thảy phước đức nghiệp quả chúng sanh, Bồ-tát được Tam-muội này thường im lặng
* Trang 295 *
nhập định, mà vẫn khiến chúng sanh nghe âm thanh sáu Ba-la-mật của pháp chúng của Phật, Thanh-văn, Bích-chi-phật, mà vì Bồ-tát ấy thật không nói một lời.
Có Tam-muội tên là vượt cao hết thảy Đà-la-ni-vương Bồ-tát được Tam-muội này thì được vào vô lượng vô biên các Đà-la-ni.
Có Tam-muội tên là hết thảy vui nói, Bồ-tát được Tam-muội này vui nói hết thảy chữ, hết thảy âm thanh, ngữ ngôn, thí dụ, nhân duyên. Như vậy vô lượng Tam-muội thế lực.
Hỏi: Tam-muội ấy chính là cửa Tam-muội chăng?
Đáp: Tam-muội chính là cửa Tam-muội.
Hỏi: Nếu như vậy, sao không chỉ nói Tam-muội, mà còn nói cửa Tam-muội?
Đáp: Tam-muội của chư Phật vô lượng vô số như hư không vô biên, Bồ-tát làm được hết. Bồ-tát nghe đến Tam-muội ấy tâm liền thối mất, vì vậy Phật nói cửa Tam-muội. Vào trong một cửa, thu nhiếp vô lượng Tam-muội. Như cầm một góc áo, liền được cả áo; cũng như bắt được ong chúa, cả bày ong đều gom hết.
Lại nữa, triển chuyển làm cửa như trì giới thanh tịnh, một lòng tinh tấn, đầu đêm cuối đêm, thường tu tư duy, lìa năm dục lạc, buộc tâm một chỗ. Hành phương tiện ấy, được Tam-muội ấy, ấy gọi là cửa Tam-muội.
Lại nữa, Tam-muội thuộc Dục giới, là cửa Tam-muội Vị đáo địa; Tam-muội Vị đáo địa là cửa Tam-muội Sơ thiền;
* Trang 296 *
Tam-muội Sơ thiền và Nhị thiền biên địa là cửa vào Tam-muội Nhị thiền, cho đến Tam-muội Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ cũng như vậy.
Noãn pháp định là cửa vào Tam-muội đảnh pháp; đảnh pháp là cửa vào Tam-muội nhẫn pháp, nhẫn pháp là cửa vào Tam-muội thế đệ nhất pháp; thế đệ nhất pháp là cửa vào Tam-muội khổ pháp nhẫn; khổ pháp nhẫn v.v... cho đến là cửa vào Tam-muội Kim-cang.
Lược nói, hết thảy Tam-muội có ba tướng là, nhập, trú, xuất. Tướng xuất, tướng nhập gọi là cửa, tướng trú là thể Tam-muội. Các pháp như vậy là Tam-muội trong pháp Thanh-văn.
Cửa Tam-muội trong pháp Đại thừa, như các Tam-muội trong thiền Ba-la-mật nghĩa[1] đã phân biệt nói rộng.
Lại nữa, Thi-la-ha-la luật là cửa Tam-muội, vì sao? Vì ba chi là Phật đạo, đó là giới chi, định chi, tuệ chi. Giới chi thanh tịnh là cửa của định chi, vì giới hay sanh định; định chi hay sanh tuệ chi. Ba chi ấy hay dứt phiền não, hay cho Niết-bàn, vì vậy Thi-ba-la-mật và trí tuệ là cửa gần của Tam-muội. Còn Ba-la-mật kia, tuy có nghĩa cửa mà là cửa xa, như do bố thí được phước đức, có phước đức nên sở nguyện thành tựu, được như sở nguyện nên tâm nhu nhuyến, tâm từ bi nên biết sợ tội, biết nghĩ tới chúng sanh, quán thế gian không vô thường nên nhiếp tâm hành nhẫn nhục; nhẫn nhục cũng là cửa Tam-muội.
Tinh tấn là đối trong năm dục chế tâm trừ năm triền cái, nhiếp tâm không loạn, tâm đi thời thu lại không cho chạy
[1] T. 25: Thích sơ phẩm trung thiền ba la mật (釋初品中禪波羅蜜), tr. 180b11.
* Trang 297 *
loạn, là cửa Tam-muội.
Lại nữa, Sơ địa là cửa của Tam-muội Nhị địa. Như vậy triển chuyển cho đến cữu địa là cửa của Tam-muội thập địa. Thập địa là cửa Tam-muội của vô lượng chư Phật. Như vậy mỗi mỗi làm cửa Tam-muội.
Hỏi: Đà-la-ni môn và Tam-muội môn là đồng hay là khác? Nếu đồng, sao còn nói lại. Nếu khác, nghĩa đó thế nào?
Đáp: Trước đã nói Tam-muội môn và Đà-la-ni môn khác nhau, nay sẽ nói lại: Tam-muội chỉ là pháp tương ưng với tâm (cittaprayukta-dharma), còn Đà-la-ni cũng tương ưng với tâm (samprayukta) cũng không tương ưng với tâm (viprayukta).
Hỏi: Sao biết Đà-la-ni không tương ưng với tâm?
Đáp: Như người được Văn trì đà-la-ni, tuy tâm nổi sân hận cũng không mất, thường đi theo người, như ảnh theo hình. Tu hành Tam-muội lâu quen sau thành Đà-la-ni, như chúng sanh tập lâu thói dục thành tánh. Tam-muội cọng với trí tuệ biết thật tướng các pháp, phát sanh Đà-la-ni, như bình đất mới nắn được lửa đốt chín, có thể giữ không chảy, cũng có thể giúp cho người qua sông. Thiền định không trí tuệ cũng như bình đất mới nắn, nếu có được trí tuệ biết thật tướng, như bình đất mới nắn được lửa đốt chín, có thể giữ gìn vô lượng công đức hai đời của Bồ-tát, Bồ-tát cũng nhân đó mà đắc độ, đến Phật. Như vậy là chỗ sai khác giữa Tam-muội và Đà-la-ni.
* Trang 298 *
Hỏi: Sao trong pháp Thanh-văn không có danh từ Đà-la-ni, chỉ trong pháp Đại thừa mới có?
Đáp: Trong pháp nhỏ không có pháp lớn, ông không nên hỏi, trong pháp lớn không có pháp nhỏ, thời nên hỏi. Như trong nhà nghèo không có vàng bạc không nên hỏi.
Lại nữa, Thanh-văn không ân cần chứa nhóm các công đức lắm, chỉ dùng trí tuệ cầu thoát khổ già, bệnh, chết. Vì vậy người Thanh-văn không dùng Đà-la-ni giữ gìn các công đức, ví như người khác, chỉ một bụm nước là đủ, không cần bình đựng nước, nếu cung cấp cho đại chúng nhận phần, thời cần bình đựng nước. Bồ-tát vì hết thảy chúng sanh nên cần Đà-la-ni giữ gìn các công đức.
Lại nữa, trong pháp Thanh-văn phần nhiều nói các pháp sanh diệt vô thường. Các luận nghị sư nói: Các pháp vô thường, nếu vô thường thời không cần Đà-la-ni, vì cớ sao? Vì các pháp vô thường thời không giữ gìn được, chỉ có hạnh nghiệp nhân duyên quá khứ không mất. Giống như quả báo vị lai, tuy không ắt sanh, hạnh nghiệp nhân duyên quá khứ cũng như vậy.
Trong pháp Đại thừa, tướng sanh diệt không thật, tướng chẳng sanh chẳng diệt cũng không thật. Các quán các tướng đều diệt, ấy là thật. Nếu giữ gìn pháp quá khứ thời không lỗi. Vì để giữ gìn các công đức thiện pháp thiện, căn quá khứ nên cần có Đà-la-ni. Đà-la-ni đời đời thường theo Bồ-tát còn các Tam-muội không như vậy. Hoặc có khỏi đổi thân thời mất.
* Trang 299 *
Như vậy các thứ phân biệt Đà-la-ni, các Tam-muội. Vì vậy nên nói muốn được các Đà-la-ni, các Tam-muội môn, nên học Bát-nhã Ba-la-mật.
(Hết cuốn 28 theo bản Hán)
____________
* Trang 300 *