CHƯƠNG 37
GIẢI THÍCH: BỐN ĐIỀU KHÔNG SỢ, BỐN TRÍ VÔ NGẠI
Bốn điều không sợ (vaiśāradya)[1] là, Phật nói lời chân thật rằng: “Ta là bậc nhất thiết chánh trí (saṃyaksaṃbuddha).” Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc trời; ma, Phạm, hoặc các chúng sanh khác mói như thật rằng: Pháp ấy Phật không biết, thì ta cho đến không thấy có chút nhân duyên để sợ. Do vậy, ta được an ổn, được không sợ, an trú chỗ Thánh chúa, như trâu chúa ở giữa đại chúng rống tiếng rống sư tử chuyển Phạm luân (Pháp luân) mà các Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc trời, ma, Phạm, hoặc các chúng khác không thể chuyển được. Đây là điều không sợ thứ nhất.
Phật nói lời chân thật rằng: “Ta đã sạch hết các lậu (kṣīṇāsrava).” Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm, hoặc các chúng khác như thật nói rằng “Lậu hoặc ấy Phật chưa hết,” Thì ta cho đến không thấy có chút nhân duyên sợ điều ấy. Do vậy nên ta được an ổn, được không sợ, an trú chỗ Thánh chúa, như trâu chúa, ở giữa đại chúng rống tiếng rống sư tử, chuyển bánh xe pháp, mà các Sa-môn, Bà-la-môn,
[1] T. 2: Tăng nhất A-hàm (增一阿含經), quyển 19: Tứ đế phẩm đệ nhị thập nhất (四諦品第二十七), tr. 645b26-c17; T. 8: Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật kinh (摩訶般若波羅蜜經), quyển 5, tr. 225b23-c20; T. 7: Đại Bát-nhã kinh (大般若經), quyển 415, tr. 81a16-b20.
* Trang 153 *
hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm, hoặc các chúng khác, thật không thể chuyển được. Đây là điều không sợ thứ hai.
Phật nói lời thành thật rằng: “Ta nói pháp chướng đạo (antayārikadharma).” Nếu Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc trời, hoặc ma,, hoặc Phạm, hoặc các chúng khác như thật nói rằng: “Thọ là chướng pháp không chướng đạo?, thì ta cho đến không thấy có chút nhân duyên sợ điều ấy. Do vậy ta được an ổn, được không sợ, an trú chỗ Thánh chúa, như trâu chúa, ở giữa đại chúng rống tiếng rống sư tử, chuyển bánh xe pháp, mà các Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm, hoặc các chúng khác, thật không thể chuyển được. Đây là điều không sợ thứ ba.
Phật nói lời chân thật rằng: “Ta nói đạo thiết yếu hay ra khỏi thế gian; thật hành đạo ấy, có thể dứt hết các khổ (duḥkhakṣayayitavya).” Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm, hoặc các chúng khác, như thật nói rằng: “Thật hành đạo ấy không thể ra khỏi thế gian, không thể dứt hết khổ,” thì ta cho đến không thấy có chút nhân duyên sợ điều ấy. Do vậy, ta được an ổn, được không sợ, an trú chỗ Thánh chúa, như trâu chúa, ở giữa đại chúng rống tiếng rống sư tử, chuyển bánh xe pháp, mà các Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm, hoặc các chúng khác thật không thể chuyển được. Đây là điều không sợ thứ tư.
Hỏi: Vì sự gì mà nói bốn việc không sợ?
Đáp: Vì có người nói: “Phật tự xưng nhất thế trí (sarvajñāna), nhất thiết kiến, nhưng kinh sách, kỹ thuật, trí xảo, phương tiện
* Trang 154 *
trong thế gian rất nhiều vô lượng, nếu tất cả mọi người chung lại còn khó biết hết mọi việc, huống gì một mình Phật mà có Nhất thiết trí, hoặc có việc ấy, nhưng có nạn vấn việc ấy, Phật làm sao không sợ.” Vì muốn dứt mối nghi hoặc, nạn vấn đó, nên Phật nói bốn điều không sợ.
Lại nữa, hoặc khi Phật chưa ra đời, các ngoại đạo dùng đủ cách dối hoặc người cầu đạo, cầu phước bằng cách hoặc ăn các thứ trái, các thứ rau, hoặc ăn các thứ rễ cây, hoặc ăn phân bò, ăn cỏ, hoặc ngày ăn một bữa, hoặc hút gió, uống nước; ăn váng nước; hoặc dùng áo vỏ cây, lá cây, áo cỏ, da nai, hoặc áo gỗ ván, hoặc nằm trên đất, trên chày, trên gậy, trên tro, trên gai; hoặc khi lạnh thì ngâm nước, khi nóng đốt lửa sưỡi, nhảy vào nước chết, nhảy vào lửa chết, hoặc lao mình xuống núi mà chết, hoặc nhịn ăn mà chết.[1] Dùng các cách khổ hạnh như vậy để cầu sanh lên trời, cầu Niết-bàn, cũng dạy đệ tử không được bỏ phép ấy.
Tất cả như thế dùng lôi kéo kẻ vô trí để được cúng dường; ví như lửa đom đóm khi mặt trời chưa ra, ít nhiều có thể chiếu soi, khi mặt trời đã ra, ngàn ánh sáng chiếu soi, thì trăng và các sao đều mất sáng, huống lửa đom đóm?
Nếu Phật chưa xuất thế, bọn ngoại đạo có chút ánh sáng chiếu thế gian, mà được cúng dường, khi Phật xuất thế, ánh sáng đại trí diệt ánh sáng các ngoại đạo và đệ tử, họ không còn được cúng dường. Vì mất lợi cúng dường nên phỉ báng Phật và đệ tử Phật, như trong kinh Tôn-đà-lỵ Túc Duyên kinh nói: ngoại đạo
[1] T. 27: Đại Tỳ-bà sa luận (大毘婆沙論), quyển 33, tr. 172c18-22.
* Trang 155 *
tự giết Tôn-đà-lỵ (Sundari) để phỉ báng Phật. Nói với mọi người rằng: “Kẻ tị ác ở thế gian còn không làm việc ấy. Người ấy lễ pháp thế gian còn không hay biết huống là Niết-bàn?” Muốn dứt sự phỉ báng ấy cho nên Phật tự nói thật công đức của bốn điều không sợ rằng:
Chỉ riêng ta là người nhất thiết trí. Không ai có thể như thật nói. Phật không hay biết. Ta không sợ điều ấy.
Chỉ riêng ta đoạn tận tất cả lậu hoặc và tập khí, không ai có thể nói thật chưa hết lậu hoặc. Ta không sợ điều ấy.
Ta nói pháp làm chướng ngại đạo Niết-bàn, không ai có thể như thật nói pháp ấy không thể chướng ngại Niết-bàn. Ta không sợ điều ấy.
Ta nói đạo dứt khổ đạt đến Niết-bàn, không ai có thể như thật nói đạo ấy không đạt đến Niết-bàn. Ta không sợ điều ấy.
Lược nói thể của bốn điều không sợ:
1. Chơn chánh biết hết thảy pháp.
2. Hết tất cả lậu hoặc và tập khí.
3. Nói hết thảy pháp làm chướng đạo.
4. Nói đạo dứt hết khổ.
Đối bốn pháp ấy. Nếu có ai như thật nói Phật không thể biết khắp hết, Phật không sợ điều ấy, vì Phật đã chơn chánh biết khắp rành rành. Hai điều không sợ đầu, là đầy đủ công đức tự lợi, hai việc không sợ sau là đầy đủ lợi ích chúng sanh.
Lại nữa, ba điều không sợ, một, ba, tư là nói về trí, điều không sợ thứ hai là nói về đoạn (dứt trừ). Trí đức, đoạn đức đầy đủ, tức việc làm đã xong.
Hỏi: Mười lực đều là trí, bốn điều không sợ cũng là trí, thì có gì sai khác[1]?
Đáp: Các công đức của Phật, nói rộng là lực, nói lược
[1] T. 28: Tạp A-tỳ-đàm tâm luận (雜阿毘曇心論),quyển 6, tr. 922c12-16; T. 27 : Đại Tỳ-bà-sa luận (大毘婆沙論),quyển 31, tr. 159a24-26; T. 29: Thuận chánh lý luận (順正理論),quyển 75, tr. 749a6-14.
* Trang 156 *
là không sợ.
Lại nữa, có khả năng làm là lực, không chỗ nghi nạn là không sợ. Trí tuệ tu tập nên gọi là lực, tiêu tán các vô minh nên gọi là không sợ. Nhóm các pháp thiện nên gọi là lực, diệt các pháp bất thiện nên gọi là không sợ. Tự có trí tuệ nên gọi là lực, không ai phá hoại được nên gọi là không sợ. Trí tuệ mạnh mẽ là lực, chịu được vấn nạn là không sợ. Nhóm các trí tuệ gọi là lực, trí tuệ dùng ra ngoài là không sợ; ví như chuyển luân Thánh vương, thành tựu bảy báu là lực, được bảy báu rồi, khắp bốn châu thiên hạ đều hàng phục gọi là không sợ. Lại như thấy thuốc hay khép biết phương thuốc gọi là lực, hòa hiệp các thứ thuốc cho người gọi là không sợ. Tự lợi ích là lực, lợi ích người khác là không sợ. Tự trừ phiền não là lực, trừ phiền não cho người khác là không sợ. Không bị trở hoại là lực, không nạn không thối là không sợ. Tự thành điều thiện cho mình là lực, thành điều thiện cho người khác là không sợ, trí thiện xảo là lực, dùng trí thiện xảo là không sợ. Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí là lực; Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí hiển phát ra ngoài là không sợ, mười pháp bất cọng là lực, mười pháp bất cọng hiển phát ra ngời là không sợ. Thông đạt khắp pháp tánh là lực, nếu có các vấn nạn, không cần suy nghĩ đáp lại được liền, là không sợ. Được Phật nhãn là lực, Phật nhãn thấy rồi với người có thể độ thuyết pháp độ cho họ là không sợ. Được ba trí vô ngại là pháp, nghĩa, từ, ấy gọi là lực; được ứng biện vô ngại ấy gọi là không sợ. Nghĩa vô ngại trí là lực, lạc thuyết vô ngại trí là không sợ. Nhất thiết
* Trang 157 *
trí tự tại là lực, các thí dụ, nhân duyên, trang nghiêm ngôn ngữ thuyết pháp là không sợ. Phá chúng ma là lực, phá các luận nghị sư ngoại đạo là không sợ. Các nhân duyên như vậy, phân biệt lực và không sợ.
Hỏi: Sao gọi là không sợ?
Đáp: Được không nghi ngại, không kỵ nạn, trí tuệ không lui, không mất, lông trên mình không dựng đứng, ở trong mỗi pháp đúng như thuyết liền làm, ấy là không sợ.
Hỏi: Làm sao biết Phật không sợ?
Đáp: Nếu có chỗ sợ thời không thể chế ngự đại chúng, hay nhiếp, hay xã, hay khổ khắc đối trị, hoặc nói nói êm dịu mà dạy bảo, như Phật có lần xua đuổi ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên v.v... rồi trở lại đem tâm lân mẫn nhiếp thụ[1], nếu có chỗ kỵ nạn thì sao các bọn thầy luận nghị ở trên đảnh núi kiêu mạng, đem trí tuệ bề ngoài với tâm cuồng say đều nói rằng trong thiên hạ chỉ có ta chứ không còn ai khác biết chắc chắn kinh thư và phú kinh thư luận nghị người khác. Dùng miệng ác chê bai như voi điên ấy là Am-bạt-tra[2], Trường-trảo, Tát-giá-kỳ, Ni-kiền, Côn-lô-chi v.v... đều phục chịu Phật cả, nếu có chỗ sợ, thời không thể như vậy.
Lại năm người xuất gia như Kiều-trần-như (Kauṇḍinya) v.v..., một ngàn tiên nhân bện tóc như Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp v.v..., Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ma-ha Ca-diếp v.v... đều xuất gia ở trong Phật pháp.
[1] T. 2: Tăng nhất A-hàm kinh (增壹阿含經), quyển 41: Mã vương phẩm đệ tứ thập ngũ, (馬王品第四十五), (1), tr. 770 b14-c9.
[2] Am-bạt-tra tức A-ma-trú, tham khảo T. 1: Trường A-hàm kinh (長阿含經), quyển 13: A-ma-trú kinh đệ nhất (阿摩晝經第一) (20), tr. 82a6-88b7.
* Trang 158 *
Lại trăm ngàn người dòng họ Thích, các đại vương châu Diêm-phù-đề, đại vương Ba-tư-nặc (Prasenajit), vua Tần Bà-ta-la (Bimbisāra), vua Chiên-đà-bà-thù-đề, vua Ưu-điền, vua Phất-ca-la-bà-lỵ, vua Phạm-ma-đạt v.v... đều làm đệ tử Phật.
Lại các Bà-la-môn tại gia mà trí tuệ vượt hơn thế gian, được vua chúa kính ngưỡng làm thầy như ông Phạm-ma-dụ, Phất-ca-la-bà-lỵ, Cưu-la-đàn-đà v.v... đều làm dệ tử Phật.
Có người được Sơ quả, nhị quả, tam quả, tứ quả. Các đại quỷ thần A-la-bà-ca, Tỳ-la-ca v.v... Các đại long vương A-ba-la-la, Y-la-bát-đa-la v.v... các người ác như Ương-quật-lê-ma-la v.v... đều hàng phục qui hóa theo Phật.
Nếu mà có sợ thời không thể ngồi một mình trên tòa sư tử dưới gốc cây, khi sắp thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác, quần chúng ma vương hóa làm đầu sư tử, hổ lang, gấu, bi, hoặc một mắt, nhiều mắt, hoặc một tai, nhiều tai, vác núi phun lửa, đi quanh bốn phía, Phật lấy tay chỉ xuống đất, trong khoảng nháy mắt, chúng liền biến mất.
Chư thiên, A-la-hán, Tỳ-ma-chất-đế-lệ, Thích-đề-nhân, Phạm thiên vương v.v... Phật dẫn dắt tâm họ đều làm đệ tử.
Nếu mà có sợ, thì không thể thuyết pháp ở giữa đại chúng. Vì không sợ, nên có thể thuyết pháp ở giữa đại Chư thiên, quỷ thần như vậy. Cho nên gọi là không sợ.
Lại nữa, Phật đối với chúng sanh là tối tôn tối thượng, đã tột đến bờ kia của hết thảy pháp, được tiếng tăm lớn, nên tự nói không sợ.
* Trang 159 *
Lại nữa, hãy để công đức ấy của Phật lại, về các công đức thế gian của Phật cũng không ai sánh kịp, vì Phật đã nhỗ hết gốc rễ của sợ, đó là sanh nhà tệ lậu, chỗ tệ lậu, sắc xấu xí, không oai nghi, lời nói thô ác v.v...
Sanh nhà tệ lậu: Nhà Thủ-đà-la (śūdra), làm nghề khiêng người chết, hốt phân, nuôi gà, heo, đi săn bắn, đồ tể, nấu rượu v.v... là nhà tiểu nhân ty tiện, nếu ở giữa đại chúng, thời rất sợ. Phật từ xưa lại nay thường sanh trong dòng chuyển luân Thánh vương, như Đảnh sanh vương, Khoái kiến vương, Ta-kiệt vương, Ma-ha Đề-bà vương v.v... gọi là sanh trong nhà thuộc dòng vua, vì vậy nên không sợ.
Sanh chỗ tệ ác lậu: Sanh các nước An-đà-la (andhra), Xá-bà-la (śabara) (Nước trần truồng) Đâu-khư-la (tukhāra) (nước Tiểu nhục-chi)[1] Tu-lỵ (suli)[2], An-tức, Đại-tần v.v... sanh ở trong các biên quốc như vậy, nếu ở giữa đại chúng thời rất sợ. Phật sanh ở trung quốc Ca-tỳ-la-vệ cho nên không sợ.
Sắc xấu xí: Có người thân khô khan gầy người, ta không muốn thấy, nếu ở giữa đại chúng, thời cũng sợ hãi. Phật có thân sắc tốt đẹp như vàng nhuận sáng, như lửa chiếu núi xích kim, cho nên không sợ.
Không có oai nghi: Tới lui, đi bước, ngồi đứng, không có oai nghi của người, thời hay sợ. Phật không có việc ấy.
Lời nói thô ác: Có người âm thanh dữ, nói ngượng nghịu, nói lắp, không có thứ lớp, người ta không ưa, thời rất sợ. Phật không có cái sợ ấy, vì Phật nói chân thật êm
[1] T. 51: Đại đường tây vực ký (大唐西域記), quyển 11, tr. 872a6.
[2] T. 51: Đại đường tây vực ký (大唐西域記), quyển 11, tr. 871a11.
* Trang 160 *
ái, thứ lớp dễ hiểu, không mau, không chậm, không ít, không nhiều, không ẩn không nhơ, không đùa cợt, hơn tiếng chim Ca-lăng-tầng-già (kavaliṅka), từ và nghĩa phân minh, không làm tổn thương ai.[1] Lời Phật lìa dục nên không nhiễm, dứt sân nên không ngại, trừ ngu nên dễ hiểu, tăng trưởng pháp hỷ nên khả ái, ngăn tội nên an ổn, theo tâm người, theo giải thoát, nghĩa thì sâu, lời thì diệu. Có nhân duyên nên lời nói có lý, dùng thí dụ nên khéo hiển bày, việc thành nên khéo rõ việc, quán sát tâm các chúng sanh nên nói lặc vặt, lâu về sau đều chứng nhập Niết-bàn cho nên nhất vị giải thoát.
Do vô lượng lời nói trang nghiêm như vậy, Phật đối với lời nói không có sợ.
Chỉ nói về pháp thế gian như vậy Phật còn không có sợ, huống chi pháp xuất thế gian. Do vậy nói Phật có bốn việc không sợ.
Hỏi: Trong mười lực của Phật, có việc không sợ chăng? Nếu có việc không sợ thời không nên chỉ nói bốn. Nếu có việc không sợ, tại sao nói thành tựu không sợ?
Đáp: Một trí ở mười nơi gọi là Phật thành tựu mười lực, như một người biết mười việc, theo việc mà gọi tên. Mười lực ấy dùng ra ở bốn chỗ, ấy là không sợ.[2] Lực biết có lẽ ấy, không có lẽ ấy (Thị xứ bất thị xứ lực), lực hoặc lậu hết (Lậu tận lực), tức việc không sợ thứ nhất, thứ hai, còn tám lực[3] tuy nói rộng, là việc không sợ thứ ba, thứ tư. Thế cho nên trong mười lực có việc không sợ, mà nói riêng ra bốn việc không sợ cũng không lỗi.
Chánh biến tri (không sợ một): Biết hết thảy
[1] T. 11: Đại bảo tích kinh (大寶積經), quyể10, tr. 55c20-56a5.
[2] T. 29: Câu-xá luận (俱舍論),quyển 27, tr.140c17-21.
[3] T. 25: Đại trí độ luận (大智度論), quyển 24, tr. 235c22-236a14: Tri nghiệp báo lực, tri định lực, tri căn lực, tri dục lực, tri tánh lực, tri chí xứ đạo lực, tri túc mạng lực, tịnh thiên nhãn lực.
* Trang 161 *
pháp không điên đảo, chánh không tà, như các đức Phật quá khứ, ấy gọi là Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Như Phật bảo A-nan, điều thế gian trời, người không biết được thì Phật biết cùng khắp, nên gọi là Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Hoặc có người nói pháp ấy Phật không biết.
Hỏi: Ấy là người nào?
Đáp: Trong ấy Phật có nói hoặc Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm, cho đến người muốn luận nghị với Phật. Luận pháp gì?
Có người nói: Phật không nói đến 18 thứ đại Kinh thư của ngoại đạo[1], Thắng Luận, Số Luận, Vệ-đà.
Có người nói: Cân lượng núi Tu-di, đại địa sâu cạn, đầu số của tất cả cỏ cây.
Có người nói: Mười bốn nạn vấn[2] thế giới là thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên, Phật không đáp được.
Có người nói: Pháp, sắc pháp, vô sắc pháp, có thể thấy, không thể thấy, có đối ngại, không đối ngại, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi v.v... Phật chỉ biết một thứ nhân duyên về việc đạo, còn các nhân duyên các pháp khác, Phật hoặc không biết hết.
Sa-môn là nói người xuất gia.
Bà-la-môn là nói người tại gia có trí.
Trời là nói địa thiên, hư không thiên.
Ma là nói sáu trời ở cõi Dục.
Phạm là nói đứng đầu là Phạm thiên vương, và tất cả trời ở cõi Sắc.
[1] T. 42: Bách luận sớ (百論疏), Cát Tạng, quyển 1, tr. 251a20-b8: 18 Đại kinh thư của ngoại đạo, cũng gọi là 18 Minh xứ: Tứ bì-đà (1. Hà lực bì-đà: giải thích pháp giải thoát, 2. Trị thọ bì-đà: thuyết minh pháp thiện đạo, 3. Tam-ma bì-đà: thuyết minh pháp dục trần; nghĩa là tất cả những việc mê muội dục lạc, 4. A thát bì-đà: giải thích pháp chú thuật, toán số v.v...), bì-đà cũng gọi là vi-đà (veda). Lại có sáu luận (1. Thức-xoa luận: giải thích 64 năng pháp, 2. Tỳ-già-la luận: giải thích các âm thanh, 3. kha thích ba luận: giải thích các danh tự thiên tiên thượng cổ cho đến nhân duyên, 4. Thụ để (trương lí phản) xa luận: giải thích thiên văn, địa lý, toán số v.v…, 5. Xiển đà luận: giải thích Phật đệ tử ngũ thông tiên thuyết kệ luận, 6. Ni lộc đa luận: giải thích nhân duyên tất cả vạn vật) hợp với Tứ bì-đà là mười. Lại có 8 luận (1. Kiên vong bà luận: giản trạch các pháp thị phi, 2. Na tà tỳ tát đa luận: giải thích các pháp đạo lý, 3. Y để a bà luận: thuyết minh truyện ký túc thế, 4. Tăng khư luận: giải thích 25 đế, 5. Khóa già luận: thuyết minh về nhiếp tâm pháp, 6. Đà thố luận: giải thích pháp dùng binh trượng, 7. Kiền xiển bà luận: giải thích âm nhạc, 8. A thâu luận: giải thích về y học) cộng thành 18 đại kinh thư.
[2] T. 2: Tạp A-hàm kinh (雜阿含經), quyển 16 (408), tr. 109a28-b4.
* Trang 162 *
Các chúng khác là các người khác ngoài mấy loài trên.
Như thật nói là hoặc đem việc trước mắt, hoặc đem nhân duyên ra nạn vấn.
Cho đến không thấy có chút nhân duyên sợ là tướng nhân duyên, ta không thấy có chút nhân duyên đúng như pháp đến phá hoại ta được. Vì không thấy sợ nên ta nói lời thành thật rằng ta an trú chỗ của Thánh chúa (Ārṣa).
Phật nói lời thành thật rằng: Ta dứt hết các lậu (việc không sợ thứ hai) nếu có người nói lậu hoặc ấy Phật không dứt hết, ta không có sợ. Những gì là lậu? Lậu có ba[1] là dục lậu (kāmāsrava), hữu lậu (āsrava), vô minh lậu (avidyāsrava).
Lậu là từ trong 6 căn tiết ra, tâm số pháp tương ưng với tâm cấu nhiễm. Lại nữa, như trong Kinh hết thảy lậu chướng phân biệt[2] nói 7 lậu.
Pháp làm chướng đạo (việc không sợ thứ ba): Chỉ cho các nghiệp hữu lậu và các phiền não, báo chướng ở ác đạo, và vì để hưởng thọ vị thiền thế gian mà tu bố thí, trì giới, mười thiện đạo. Lược nói những gì hoặc thiện, hoặc bất thiện, hoặc vô ký, có thể chướng ngại Niết-bàn, đều gọi là pháp làm chướng đạo.
Có người nói: Đạo có hai pháp (điều không sợ thứ bốn) là Thánh định và Thánh tuệ. Hai pháp ấy đưa đến Niết-bàn.
Có người nói: Ba thánh đạo là vô lậu giới, định, tuệ.
[1] T. 26: Tập dị môn túc luận (集異門足論), quyển 14, tr. 425b23-24.
[2] T. 1: Trung A-hàm kinh (中阿含經), quyển 2 (10): Lậu tận kinh (漏盡經), tr. 432a10-13: Có bảy đoạn lậu, phiền não. Bảy lậu là gì? hữu lậu từ kiến đoạn, hữu lậu từ hộ đoạn, hữu lậu từ ly đoạn, hữu lậu từ dụng đoạn, hữu lậu từ nhẫn đoạn, hữu lậu từ trừ đoạn, hữu lậu từ tư duy đoạn.
* Trang 163 *
Có người nói: Bốn pháp là Bốn thánh đế.
Có người nói: Năm căn xuất thế gian.[1]
Có người nói: Sáu tánh xuất thế gian.
Có người nói: Bảy giác ý.
Có người nói: Tám thánh đạo, đưa đến Niết-bàn.
Các Luận nghị sư nói: hết thảy vô lậu đạo đưa đến Niết-bàn. Trong đó, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn đi đến nói lời như thật rằng. Việc ấy không như vậy, thì ta cho đến không thấy có chút nhân duyên sợ, vì không thấy sợ, nên nói lời thành thật rằng, ta an trú ở chỗ Thánh chúa.
Hỏi: Vì sao Phật nói lời thành thật rằng, ta an trú ở chỗ Thánh chúa?
Đáp: Tự công đức đã đầy đủ, cũng khiến chúng sanh được an lạc lợi ích. Nếu phật tự được trú xứ an lạc mà không thể làm lợi ích chúng sanh, cũng không gọi là an trú ở chỗ Thánh chúa. Nếu chỉ lợi ích chúng sanh mà không tự đầy đủ công đức, cũng không gọi là an trú ở chỗ Thánh chúa. Nếu tự có công đức cũng lợi ích chúng sanh, vì vậy cho nên nói lời thành thật rằng, ta an trú ở chỗ Thánh chúa.
Lại nữa, Phật tự dứt ác, cũng dứt ác cho chúng sanh, vì dứt hai ác nên được thanh tịnh bậc nhất, khéo thuyết pháp nên an trú ở chỗ Thánh chúa.
Lại nữa, đối bốn Thánh đế, ba lần chuyển mười hai hàng, có thể chuyển có thể phân biệt, hiển bày phu diễn nên nói Ta an trú ở chỗ Thánh chúa.
[1] T. 14: Trì thế kinh (持世經), quyển 3, tr. 659b6-7: Năm căn xuất thế gian, đó là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn.
* Trang 164 *
Lại nữa, có thể trừ hết tất cả nghi hối, giải thích được tất cả nạn vấn thâm sâu, nên gọi là an trú ở chỗ Thánh chúa (là chỗ đệ nhất, tối thượng, cực cao, không thối không một, đầy đủ công đức, không giảm thiểu). Do sức nhân duyên công đức như vậy nên nói lời thành thật rằng, Ta an trú ở chỗ Thánh chúa.
Ở giữa chúng cất tiếng rống sư tử:[1]chúng là tám chúng Sa-môn, Bà-la-môn, Sát-lợi, Thiên, Tứ thiên vương, Tam thập tam thiên, ma, Phạm. Chúng sanh ở trong 8 chúng này, mong cầu trí tuệ, cho nên trong Kinh chỉ nói đến 8 chúng. Trong đây Phật cất tiếng rống sư tử cũng ở giữa hết thảy chúng, cho nên trong Kinh nói: “Hoặc còn các chúng khác.” Vì hễ ai nghe được âm thanh của Phật, đều gọi là chúng.
Lại nữa, có người nói: Phật một mình ở chỗ vắng thuyết pháp, cho nên nói: Ở giữa chúng nói lời thành thật rằng: Ta có mười lực, bốn không sợ, ấy gọi là ở giữa chúng cất tiếng rống sư tử.
Lại nữa, Phật khai thị Ta thành thật nói rằng: Ta là sư tử, bậc nhất thiết trí ở giữa hết thảy thế gian, ai còn có nghi ngờ, không tin hãy đi đến, ta sẽ giải thích cho. Do vậy nên nói ở giữa chúng rống tiếng sư tử.
Sư tử rống: Như sư tử vương, sanh trong giống thanh tịnh, ở trong núi sâu hang thẳm, hàm vuông xương lớn, thân thịt béo đầy, đầu to, mắt dài, sáng sạch, mi cao mà rộng, răng to sắc trắng sạch, miệng mũi vuông lớn, cứng rắn bền chắc,
[1] Trung bộ kinh I, kinh số 12: Đại kinh sư tử hống (Mahāsīhanāda sutta); T. 2: Tạp A-hàm kinh (雜阿含經), quyển 14 (348), tr. 98a14-19: Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: Như-lai thành tựu thập lực, tứ vô sở uý, biết trước trú xứ của Phật, chuyển pháp luân, ở giữa chúng cất tiếng rống sư tử rằng: “cái này có thì cái kia có, cái này sanh thì cái kia sanh, nghĩa là vô minh duyên hành, cho đến rộng nói thuần đại khổ tụ tập, thuần đại khổ tụ diệt. Này các Tỳ-kheo, đây là chơn thật giáo pháp hiển hiện, đoạn dòng sanh tử, cho đến chư thiện hiển hiện.
* Trang 165 *
răng khít bằng nhọn, le lưỡi trắng đỏ, hai tai cao lên, lông tóc sáng nhuận, thân trên rộng lớn, da thịt cứng rắn, xương sống thẳng hông nhỏ, bụng thon, đuôi dài, móng nhọn, chân đứng vững vàng, thân lớn sức mạnh. Từ chỗ ở bước ra, vặn mình, nhăn mày, gầm gừ, lấy miệng dũi xuống đất, hiện oai thế lớn, ăn không lỗi thời, bày tướng sớm mai, biểu hiện sức sư tử vương, làm oai với loài hưu nai, gấu, cọp, beo, chồn heo, thức tỉnh chúng ngủ lâu, hàng phục kẻ cao cường có thế lực, tự mở đường đi mà gầm thét lớn. Khi rống như vậy, các loài chúng nghe được, hoặc mừng, hoặc sợ, loài ở hang ẩn trốn, loài ở nước lặng sâu, loài trong núi lặng nép, voi bức vòng khóa cuồng cuống mà chạy, chim ở giữa không bay cao tránh xa.
Phật sư tử cũng như vậy, sanh từ trong tộc tánh lớn của sáu Ba-la-mật và bốn Thánh chủng xưa[1] (Catur-āryavaṃśa), là bốn thứ làm phát sanh hạt giống Thánh. 1. Biết vui đủ y phục. 2. Biết vui đủ ẩm thực. 3. Biết vui đủ ngọa cụ. 4. Biết vui đoạn vui tu. N.D. chú). Ở trong núi lớn tịch diệt, hang thiền định thâm sâu, được cái đầu “Nhất thiết chủng trí,” cái hàm “nhóm các thiện căn,” con mắt “Vô lậu chánh kiến,” sáng sạch, chân mày “Định tuệ bình đẳng” cao rộng, răng to “Bốn việc không sợ,” trắng sắc, miệng “Vô ngại giải thoát” đầy đủ, má “bốn chánh cần” chắc đầy, răng “ba mươi bảy đạo phẩm” dày chịt bằng sắc, le lưỡi trắng đỏ “Tu bất tịnh quán,” tai “Niệm tuệ” cao thượng, tóc lông “mười tám pháp bất cọng” sáng sạch tươi nhuận, thịt thân trên “ba giải thoát môn” bền chắc, lưng thẳng “ba thị hiện,”[2] bụng “minh hành” đầy đủ chẳng hiện,
[1] T. 1: Trung A-hàm kinh (中阿含經), quyển 21: Thuyết xứ kinh đệ thập ngũ (說處經第十五) (86), tr. 563b27-c8.
[2] T. 26: Tập dị môn túc luận (集異門足論), quyển 6, tr. 389b17-18: Tam thị đạo: 1. thần biến thị đạo, 2. ký tâm thị đạo, 3. giáo giới thị đạo.
* Trang 166 *
lưng “nhẫn nhục” thon nhỏ, đuôi “viễn ly hạnh,” chân “bốn như ý” đứng vững, móng “năm căn vô học” nhọn bén, thế của mười lực vô lượng, thân vô lậu pháp chúng đầy đủ. Từ trú xứ Tam-muội vương của chư Phật đi ra, bốn vô ngại trí nhăn mày gầm gừ trong đất chư pháp, miệng vô ngại giải thoát, nương sức mười lực quảng đại, độ chúng sanh không sai thời, chỉ bày tướng sớm mai cho thế gian trời người, hiển bày đức của đấng Pháp vương, làm oai với chúng ngoại đạo tà kiến luận nghị sư, giác tỉnh các chúng sanh ngu mê trong bốn đế, hàng phục sức kiêu mạn của kẻ đắm trước năm uẩn là ta, mở đường cho kẻ tà kiến dị học luận nghị. Như vậy, khiến kẻ hành tà đạo thì sợ hãi, người chánh tín thì vui mừng, kẻ độn căn được lợi, an ủi đệ tử, phá hoại ngoại đạo, chư thiên trường thọ, hưởng lâu cái vui cõi trời, thời biết rõ vô thường.
Các chúng sanh như vậy nghe tiếng sư tử rống bốn đế, đều sanh tâm nhàm chán, nhàm chán nên được xa lìa, được xa lìa nên vào Niết-bàn. Ấy gọi là ở giữa chúng như sư tử rống.
Lại nữa, Phật sư tử rống và sư tử rống có sai khác. Sư tử rống thì các loài thú kinh sợ, hoặc chết, hoặc gần chết, còn Phật sư tử rống thì khỏi sợ chết. Sư tử rống thì sợ, đời đời chết khổ, còn Phật sư tử rống, chỉ đời này chết, không còn khổ đời sau. Sư tử rống thì tiếng thô ác, chúng không ưa nghe, sợ hãi sống chết, còn Phật sư tử rống thì tiếng nhu nhuyến, nghe không chán, tâm rất vui, nghe xa cùng khắp, thường cho hai thứ vui là vui sanh cõi trời, và vui Niết-bàn. Như thế là sai
* Trang 167 *
khác.
Hỏi: Phật rống tiếng rống sư tử cũng khiến cho người nghe sợ, cùng với sư tử rống có gì khác?
Đáp: Nghe Phật sư tử rống đương thời sợ ít mà sau được lợi ích lớn. Người có tâm đắm trước tôi, ta, người khát ái cái vui thế gian, người tâm tà kiến thường bị điên đảo ràng buộc, thì sanh sợ hãi, như trong Kinh nói: Phật thuyết bốn đế, cho đến trên chư thiên cũng đều sợ hãi nghĩ rằng: Chúng ta vô thường, khổ, vô ngã, không, vì tâm điên đảo nên đắm trước tướng vui thường. Như thế là sai khác.
Lại nữa, nghe sư tử rống, trừ người lìa dục, các người khác đều sợ, còn Phật sư tử rống thì người cầu Niết-bàn ly dục, người không ly dục đều sợ. Sư tử rống thời người thiện bất thiện đều sợ, còn Phật sư tử rống chỉ người thiện sợ.
Lại nữa, sư tử rống mọi thời đều sợ, còn Phật sư tử rống tuy có làm chúng sanh sợ chút ít nhưng mà chỉ bày tội ác thế gian, khiến đừng ưa sanh trong thế gian, quán công đức lợi ích của Niết-bàn, trừ các thứ sợ hãi của thế gian, đóng đường ác, mở đường thiện, khiến người đi đến thành Niết-bàn.
Lại nữa, do 20 việc nên Phật nói gọi là sư tử rống, đó là vì nương dựa mười lực, vì không thiếu, vì không sợ, vì âm thanh thanh tịnh, vì chưa từng có, vì dắt dẫn chúng sanh, vì làm ác ma kinh sợ, vì làm nhiễu loạn ma dân, vì khiến chư thiên hoan hỷ, vì được ra khỏi lưới ma, vì dứt ma trói buộc, vì phá lưỡi câu ma, vì vượt qua cảnh giới ma, vì tự
* Trang 168 *
pháp tăng trưởng, vì tổn giảm tha pháp, vì quả báo không hư dối, vì thuyết pháp chẳng trống không, vì người phàm phu vào Thánh đạo, vì người vào Thánh đạo được đầy đủ hết lậu, và vì tùy chỗ thích hợp chứng đắc ba thừa. Vì vậy nên Phật nói, gọi là sư tử rống. Ấy là nghĩa tổng tướng, biệt tướng về sư tử rống.
Chuyển phạm luân: Thanh tịnh gọi là phạm. Trí tuệ và pháp tương ưng với trí tuệ của Phật gọi là luân (bánh xe). Lời của Phật nói, người lãnh thọ theo pháp hành trì, gọi là chuyển. Luân ấy lấy bốn niệm xứ đầy đủ làm cái bầu xe, năm căn, năm lực làm cái tay hoa xe, bốn như ý túc làm cái vành kiên cố, bốn chánh cần làm vành khít hợp, 3 giải thoát làm gọng xe, thiền định trí tuệ làm điều hợp, vô lậu giới làm hương bôi xe, 7 giác ý làm tạp hoa anh lạc, chánh kiến làm quay phải, tín tâm thanh tịnh làm sự ưa vui, chánh tinh tấn làm đi mau, tiếng sư tử rống làm âm thanh tuyệt diệu, hay làm sợ ma luân, phá mười hai nhân duyên tiết giải luân, hoại sanh tử luân, lìa phiền não luân, dứt nghiệp luân, làm chướng ngại thế gian luân, phá khổ luân, hay làm cho hành giả hoan hỷ, trời, người kính mộ. Luân ấy không ai lay chuyển được, luân ấy bảo trì Phật pháp, do vậy nên gọi là chuyển phạm luân.
Lại nữa, Phật chuyển pháp luân như chuyển luân Thánh vương, chuyển bảo luân.
Hỏi: Phật và chuyển luân Thánh vương có gì tương tợ?
Đáp: Ví như vua sanh ở trong dòng thanh tịnh không
* Trang 169 *
tạp, theo tộc tánh thành tựu gia nghiệp, đủ các tướng trang nghiêm thân, vương đức đầy đủ, hay chuyển bảo luân, nước thơm rưới đầu, thọ vương vị trên ở bốn thiên hạ, hoại trừ hết thảy phép giặc, khiến không dám trái, kho báu đầy dẫy, quân cách bảy báu để làm trang sức, lấy bốn nhiếp pháp nhiếp thủ chúng sanh khéo dùng vương pháp, an ủi bổ nhậm quí tánh, đại thần chủ binh để làm chánh sách trị nước, vui vẽ bố thí trân bảo thượng diệu, tri niệm đến ai thủy chung không thay đổi.
Phật pháp vương cũng như vậy. Các đức Phật Thích-ca Mâu-ni, Nhiên-đăng, Bảo-hoa v.v... sanh từ trong dòng chư Phật thanh tịnh, tiên Phật oai nghi hạnh nghiệp, đầy đủ ba mươi hai tướng để tự trang nghiêm, Thánh chúa oai nghi đầy đủ, chuyển chân pháp luân, vị cam lồ trí tuệ rưới trên đầu trí, làm bậc chí tôn giữa ba cõi, phá hoại hết thảy giặc phiền não, chúng học, vô học hoan hỷ, cấm giới đã được kiết không dám trái phạm. Kho pháp bảo vô lượng đầy đủ, báu bảy giác phần trang nghiêm, đội quân 84.000 pháp tụ, lấy bốn nhiếp pháp xuất thế gian mà thu nhiếp chúng sanh, biết phương tiện nói pháp bốn Thánh đế làm nghi thức của Pháp vương, các đại tướng Xá-lợi-phất, Di-lặc khéo sửa trị pháp Phật quốc, dùng vô lậu căn, lực, giác, các thứ vui diệu bảo để bố thí, thăm cầu thiện sự cho hết thảy chúng sanh là chỗ tưởng niệm kiên cố. Đó là chỗ tương tợ giữa chuyển luân Thánh vương với Phật Pháp vương.
Lại nữa, Phật có chỗ thù thắng hơn chuyển luân Thánh vương. Chuyển luân Thánh vương không lìa các phiền não, Phật đã lìa vĩnh viễn các phiền não; chuyển luân Thánh
* Trang 170 *
vương chìm trong bùn sanh tử, Phật đã ra khỏi; chuyển luân Thánh vương làm tôi tớ ái ân, Phật đã ra khỏi; chuyển luân Thánh vương đi trong con đường hiểm sanh tử, Phật an trú trong quang minh đệ nhất; chuyển luân Thánh vương tự tại cùng cực giữa bốn thiên hạ, Phật tự tại giữa vô lượng vô biên thế giới; chuyển luân Thánh vương tài bảo tự tại, Phật tâm bảo tự tại; chuyển luân Thánh vương khát ưa vui cõi Phật cho đến cái vui ở cõi trời Hữu Đảnh cũng xa lìa; chuyển luân Thánh vương theo bên ngoài mà tìm vui, Phật tự tâm sanh vui. Do vậy, Phật đối với chuyển luân Thánh vương là thù thắng hơn.
Lại nữa, chuyển luân Thánh vương tay vận chuyển xe báu đi giữa hư không vô ngại, Phật chuyển bánh xe pháp ở giữa hết thảy thế gian trời người không ngăn ngại. Người thấy được xe báu, các độc hại đều diệt, gặp được xe pháp thời tất cả độc phiền não đều diệt. Thấy xe báu thì các tai nạn ác hại đều diệt, gặp được xe pháp thời tất cả tai hại về tà kiến, nghi, hối đều tiêu diệt. Vua lấy xe báu trị thiên hạ, Phật dùng xe pháp trị hết thảy thế gian trời, người, khiến được tự tại với pháp. Đó là chỗ tương tợ giữa chuyển luân Thánh với Phật.
Lại nữa, xe pháp thù thắng hơn xe báu, xe báu hư dối, xe pháp chắc thật; xe báu tăng trưởng lửa ba độc, xe pháp diệt lửa ba độc; xe báu hữu lậu, xe pháp vô lậu; xe báu vui năm dục lạc, xe pháp vui pháp lạc; xe báu là chỗ kiết sử, xe
* Trang 171 *
pháp chẳng phải chỗ kiết sử; xe báu đi chỗ có hạn lượng; xe pháp đi vô lượng quốc độ; xe báu do nhất tâm thanh tịnh bố thí nên có thể được đời đời, xe pháp do nhân duyên nhóm hết thảy thiện căn trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp và trí tuệ nên được; xe báu sau khi vương chết không còn chuyển động, xe pháp sau khi Phật diệt độ vẫn chuyển động; xe báu ở nơi một người, xe pháp ở nơi hết thảy người khả độ.
Lại nữa, phạm là rộng, Phật chuyển xe pháp khắp cả mười phương, nên gọi là rộng.
Lại nữa, từ bốn tâm phạm hạnh (từ, bi, hỷ, xả) nói ra nên gọi là Phạm luân.
Lại nữa, lúc Phật mới đắc đạo, phạm thiên vương thỉnh Phật chuyển pháp luân, cho nên gọi là phạm luân.
Lại nữa, Phật ở thành Ba-la-nại chuyển pháp luân, A-nhã Kiều-trần-như đắc đạo, tiếng pháp nghe thấu Phạm thiên, nên gọi là phạm luân.
Lại nữa, có người qủy phạm thiên, muốn cho họ hoan hỷ, nên gọi là phạm luân. Do vậy nên gọi là phạm luân.
Hỏi: Có khi Phật gọi là pháp luân, khi gọi là phạm luân, có gì sai khác?
Đáp: Phạm luân và pháp luân không khác nhau.
Lại nữa, có người nói, nói phạm luân là chỉ thị về bốn tâm vô lượng, nói pháp luân là chỉ thị về bốn đế pháp.
Lại nữa, nhân bốn tâm vô lượng đắc đạo, ấy gọi là phạm luân, nương pháp khác đắc đạo, ấy gọi là pháp luân.
* Trang 172 *
Phạm luân chỉ thị tứ thiền, pháp luân chỉ thị thánh đạo tu thiền, pháp luân chỉ thị Thánh đạo tu trí tuệ. Như vậy, phân biệt chỗ sai khác giữa phạm luân và pháp luân.
Hỏi: Pháp gì là tánh không sợ?
Đáp: Lúc Phật mới đắc đạo, được hết thảy Phật pháp, mười lực, bốn việc không sợ v.v... trong đây được pháp tương ưng với bốn trí không sợ ở đời vị lai, gọi là không sợ, như trong lúc bố thí, trong tâm phát sanh pháp xả tương ưng với từ tâm sở. Lại như tương ưng với bốn vô lượng gọi là pháp từ.
Hỏi: Trong bốn việc không sợ, có thứ lớp thế nào?
Đáp: Việc không sợ đầu chỉ thị người biết hết thảy pháp, biết hết thảy pháp môn nói ta đã sạch hết lậu, sạch hết nên biết pháp làm chướng ngại sự hết lậu, để dứt pháp chướng ngại đó nên nói đạo.
Lại nữa, không sợ đầu ví như thầy thuốc biết tất cả dược thảo, không sợ hai; ví như biết tất cả bệnh dứt, không sợ ba, ví như biết điều cấm kỵ, không sợ bốn; ví như chỉ thị những thứ ăn năn.
Lại nữa, không sợ đầu nói về trí nhất thiết chủng, trong không sợ hai nói về không còn tâm trí phiền não, trong không sợ ba nói pháp lỗi lầm, trong không sợ bốn nói về việc thành được đến Niết-bàn.
Hỏi: Như trong Bát-nhã Ba-la-mật, mỗi phẩm đều nói
* Trang 173 *
năm uẩn, mười lực, bốn không sợ, mười pháp bất cọng đều không, vậy làm sao phân biệt nói tướng của nó?
Đáp: Trong Phật pháp cái “Không bất khả đắc” không chướng ngại gì đối với các pháp. Nhân cái “Không bất khả đắc” ấy mà nói ra hết thảy Phật pháp, mười hai bộ Kinh. Ví như hư không không có gì, mà mọi vật đều nương đó trưởng thành.
Lại nữa, nói mười lực, bốn không sợ, không vì chấp thủ tướng trước tâm phân biệt, mà chỉ vì độ chúng sanh, biết chúng sanh nhờ nhân duyên này mà được giải thoát.
Ví như nói cỏ thuốc chỉ vì để trị lành bệnh chứ không phải để tìm tướng cỏ thuốc. Như trong Trung luận nói:
“Nếu tin các pháp không,
Ấy thời thuận với lý.
Nếu không tin pháp không.
Hết thảy đều trái mất.[1]
Nếu lấy “Vô” là không,
Không có gì tạo tác,
Chưa làm đã có nghiệp,
Không làm có tác giả.[2]
Các pháp tướng như vậy,
Ai hay tư lường được?
Chỉ có tâm thẳng sạch.
Nói ra không nương tựa,
Lìa hai kiến có, không.
[1] Tham khảo Trung luận (Madhyamaka śāstra), phẩm 24: Quán Tứ đế, kệ 14: sarvaṃ ca yujyate tasya śūnyatā yasya yujyate, sarvaṃ na yujyate tasya śūnyaṃ yasya na yujyate.; T. 30: Trung luận (中論), quyển 4: Quán Tứ đế phẩm 24, tr. 33a22-23: 以有空義故, 一切法得成;若無空義者, 一切則不成.
[2] Tham khảo Trung luận (Madhyamaka śāstra), phẩm 24: Quán Tứ đế, kệ 37: Na kartavyaṃ bhavet kiṃcit anārabdhā bhavet kriyā, kārakaḥ syād akurvāṇaḥ śūnyatāṃ pratibādhataḥ.; T. 30: Trung luận (中論), quyển 4: Quán Tứ đế phẩm 24, tr. 34b18-19: 若破於空義, 即應無所作, 無作而有作, 不作名作者.
* Trang 174 *
Tâm tự nhiên nội diệt.”
Hỏi: Trong pháp Thanh văn nói mười lực, bốn không sợ như vậy, còn trong Đại thừa phân biệt mười lực, bốn không sợ thế nào?
Đáp: Trong mười lực, bốn không sợ ấy biết hết biết khắp, ấy là trong Đại thừa nói mười lực, bốn không sợ.
Hỏi: Trong pháp Thanh văn cũng nói biết hết biết khắp, cớ sao nói trong Đại thừa mới nói biết hết biết khắp?
Đáp: Trong pháp Thanh văn các Luận nghị sư nói Phật biết hết khắp chứ chẳng phải Phật tự nói, nay trong Đại thừa nói mười lực, bốn không sợ là Phật tự nói ta biết hết biết khắp.
Lại nữa, vì hàng Thanh văn nói mười lực, bốn không sợ hợp cùng với nói bốn đế, mười hai nhân duyên các pháp Thanh văn, điều vì để đạt đến Niết-bàn, nay trong Đại thừa nói mười lực, bốn không sợ hợp cùng vời đại bi, các pháp thật tướng bất sanh bất diệt mà nói.
Hỏi: Phật có mười lực, bốn không sợ, Bồ-tát có chăng?
Đáp: Có thế nào?
1. Phát tâm nhất thiết trí, nên được lực cứng sâu bền chắc.
2. Đầy đủ tâm đại từ nên được lực không bỏ hết thảy chúng sanh.
3. Không cần đến lợi dưởng cung kính cúng dường, nên đầy đủ lực đại bi.
4. Tin hết thảy Phật pháp, đầy đủ phát sinh hết thảy Phật pháp và tâm không biết nhàm đủ nên được lực đại tinh tấn.
5. Nhất tâm hành
* Trang 175 *
theo trí tuệ, không hoại oai nghi nên được lực thiền định.
6. Trừ nhị biên, theo mười hai nhân duyên hành, dứt tất cả tà kiến diệt hết thảy ức tưởng phân biệt hý luận nên đầy đủ lực trí tuệ.
7. Thành tựu cho hết thảy chúng sanh, thọ vô lượng sanh tử, nhóm các thiện căn không biết nhàm đủ, biết hết thảy thế gian như mộng, nên được lực không chán sanh tử.
8. Quán các thật tướng các pháp, biết không ta, không chúng sanh, tin hiểu các pháp không ra không sanh, nên được lực vô sanh pháp nhẫn.
9. Vào ba quán môn giải thoát không, vô tướng vô tác, biết thấy Thanh văn, Bích-chi-phật giải thoát, nên được lực giải thoát.
10. Đối thân pháp được tự tại, biết tâm hành của chúng sanh đến đâu, nên được lực vô ngại trí. Đó là mười lực của Bồ-tát.
Những gì là bốn việc không sợ của Bồ-tát.
1. Nhớ hết điều đã nghe, được các Đà-la-ni, nghi nhớ không quên, nên ở giữa chúng thuyết pháp mà không sợ.
2. Được giải thoát đối với hết thảy pháp, biết phân biệt dùng hết thảy pháp, được biết căn cơ của hết thảy chúng sanh, nên ở giữa chúng tùy theo căn cơ mà thuyết pháp, không sợ.
3. Bồ-tát thường xa lìa mọi sự sợ, không nghĩ rằng: “Mười phương có ai đến vấn nạn ta, ta không thể đáp.” Không thấy có tướng đó, cho nên ở giữa chúng thuyết pháp mà không sợ.
4. Cho mọi người tự do đến nạn vấn, mỗi mỗi đều đáp hết, để dứt trừ nghi hoặc, cho nên ở giữa chúng thuyết pháp mà không sợ. Đó là bốn không sợ của Bồ tát.
Bốn trí vô ngại (pratisaṃvid):[1] Trí biết nghĩa vô ngại, trí biết pháp
[1] Tham khảo T. 27: Đại Tỳ-bà-sa luận (大毘婆沙論), quyển 180, tr. 904a8-23); T. 29: Câu xá luận (俱舍論), quyển 27, tr. 142a22-28; T. 29: Thuận chánh lý luận (順正理論), quyển 76, tr. 751a2-b8; T. 29: Hiển tông luận (顯宗論), quyển 37, tr. 959a15-c22.
* Trang 176 *
vô ngại, trí biết từ vô ngại, trí biết lạc thuyết vô ngại.
Trí biết nghĩa vô ngại: Dùng danh tự ngôn ngữ nói sự vật, mỗi mỗi các pháp tướng, như đất tướng cứng, trong đó tướng đất tướng cứng là nghĩa, danh tự đất là pháp, dùng ngôn ngữ nói đất là từ, đối ba thứ trí ấy vui nói tự tại, gọi là lạc thuyết.
Thông đạt không ngăn ngại bốn việc ấy gọi là trí vô ngại.
Nước tướng ướt, lửa tướng nóng, gió tướng động, tâm tướng suy nghĩ, năm uẩn tướng vô thường, năm thọ uẩn tướng vô thường, khổ, không, hết thảy pháp tướng vô ngã, phân biệt các pháp tướng, tướng chung, tướng riêng cũng như vậy. Ấy gọi là trí biết nghĩa vô ngại.
Trí biết pháp vô ngại: Biết tên gọi của nghĩa ấy, tướng cứng gọi là đất. Phân biệt hết thảy danh tự như vậy không vướng mắc; ấy gọi là trí pháp vô ngại, vì cớ sao? Vì lìa danh tự thì nghĩa không thể có được. Biết nghĩa phải do nơi danh, vì vậy tiếp theo “Nghĩa” là “Pháp.”
Hỏi: Nghĩa với danh là hợp nhau ư? hay lìa nhau ư? nếu nghĩa hợp một với danh, thời khi nói lửa phải bị cháy miệng, nếu lìa thời khi gặp lửa, nước có thể đến?
Đáp: Cũng không hợp cũng không lìa, người xưa tạm đặt tên để gọi các pháp người sau nhân tên ấy mà biết việc ấy, như vậy mỗi pháp đều có tên gọi ấy là pháp.
Tên gọi và nghĩa ấy làm sao khiến chúng sanh hiểu được? vậy phải dùng ngôn từ phân biệt trang nghiêm mới
* Trang 177 *
khiến người ta hiểu được, thông suốt không trệ ngại; ấy gọi là trí biết từ vô ngại.
Nói có đạo lý, khai diễn vô tận, đối các thiền định, cũng được tự tại không trệ vướng mắc, ấy gọi là trí biết vui nói vô ngại.
Trí vô ngại một và bốn ở trong 9 địa, trí vô ngại hai và ba ở trong Dục giới và Phạm thiên.
Trí vô ngại hai và ba thuộc thế trí, trí vô ngại một thuộc mười trí, trí vô ngại bốn, thuộc 9 trí. (Mười trí xem chương 35-N.D chú).
Vô ngại ấy có 3 bậc thượng, trung, hạ. Thượng chư Phật, trung đại Bồ-tát, hạ đại A-la-hán.
Hỏi: Lực, vô sở úy, vô ngại; đều là trí tuệ. Bên trong có lực, bên ngoài vô sở úy là đủ rồi, sao lại còn nói vô ngại?
Đáp: Lực và vô úy đã phân biệt. Có người tuy vô sở úy mà ở giữa đại chúng mà thuyết pháp vẫn có ngại, vì vậy nên nói bốn trí vô ngại. Được bốn trí vô ngại ấy trang nghiêm cho bốn vô sở úy, bốn vô sở úy trang nghiêm cho mười lực.
Lại nữa, nói vô sở úy, hoặc có người nghi rằng sau một người có thể ở giữa đại chúng được vô sở úy? Phật nói vì trước có mười lực, sau có bốn trí vô ngại cho nên ở giữa đại chúng thuyết pháp mà vô sở úy. Như vậy là phân biệt bốn trí vô ngại.
Hỏi: Trong Đại thừa có bốn trí vô ngại của Bồ-tát chăng?
* Trang 178 *
Đáp: Có thế nào?
Trí biết nghĩa vô ngại: Nghĩa là thật tướng các pháp, không thể nói được. Nghĩa, tên gọi, ngữ ngôn không riêng khác. Trước, sau, giữa cũng như vậy; ấy gọi là nghĩa. Không thể lìa tên gọi, ngữ ngôn mà riêng có nghĩa. Ba sự ấy bằng nhau nên gọi là nghĩa.
Lại nữa, biết rõ ràng hết thảy, nghĩa của các pháp, thông đạt không vướng mắc, ấy gọi là trí biết nghĩa vô ngại.
Trí biết pháp vô ngại: Pháp là tên gọi của các nghĩa, vì nhờ tên gọi mà biết nghĩa.
Lại nữa, Bồ-tát nhập vào trí biết pháp vô ngại, thường tín pháp, không tin người; thường nương pháp, không nương phi pháp. Nương pháp là, không gì chẳng phải pháp sự, vì sao? Vì người ấy đối với hết thảy tên gọi và ngữ ngôn biết tự tướng vốn xa lìa.
Lại nữa, lấy trí biết pháp vô ngại ấy để phân biệt ba thừa, tuy phân biệt ba thừa mà không hoại pháp tánh, vì cớ sao? Vì pháp tánh là nhất tướng, đó là vô tưởng. Bồ tát dùng ngôn ngữ ấy thuyết pháp mà biết ngôn ngữ là không, như tiếng vang. Thuyết pháp khai thị cho chúng sanh, khiến tin, biết đồng đồng pháp tánh, tên gọi, ngữ ngôn được nói ra thông suốt không vướng mắc. Ấy gọi là trí biết vô ngại.
Trí biết từ vô ngại: Dùng ngôn ngữ để nói cái nghĩa tên gọi, các thứ trang nghiêm ngữ ngôn, tùy căn cơ thích hợp dùng ngữ ngôn khiến cho hiểu rõ, đó là ngữ ngôn trời, rồng,
* Trang 179 *
Dạ-xoa, Can-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Ma-hầu-la-già, phi nhân. Ngữ ngôn Thích-đề Hoàn-nhân, Phạm thiên, Tứ thiên vương, thế chủ. Ngữ ngôn người, một lời, hai lời, nhiều lời, lược nói, rộng nói, ngữ ngôn nữ, ngữ ngôn nam, ngữ ngôn quá khứ, vị lai, hiện tại. Các ngữ ngôn như vậy làm cho điều được hiểu rõ. Tự nói, người khác nói, không có khen chê...vì cớ sao ? Vì hết thảy pháp không ở trong ngữ ngôn. Ngữ ngôn chẳng phải thật nghĩa. Nếu ngữ ngôn là thật nghĩa, thời không thể dùng ngữ ngôn thiện nói điều bất thiện. Chỉ vì đưa vào Niết-bàn cho nên nói làm cho hiểu, chớ chấp trước ngữ ngôn.
Lại nữa, dùng ngữ ngôn để khiến chúng sanh thật hành theo pháp nghĩa. Vì ngữ ngôn đều đưa vào trong thật tướng các pháp. Ấy gọi là trí biết từ vô ngại.
Trí biết vui nói vô ngại: Bồ-tát ở trong một chữ có thể nói hết thảy chữ, trong một lời có thể nói hết thảy lời, trong một pháp có thể nói hết thảy pháp. Trong ấy điều được nói ra đều là pháp, đều là thật, đều là chơn, đều tùy theo người khả độ mà có được lợi ích. Nghĩa là người ưa khế kinh nói Khế Kinh (Sūtra) cho họ, người ưa Trùng Tụng nói Trùng Tụng (Geya) cho họ, người ưa Ký Biệt (Vyākaraṇa) nói Ký Biệt (Thọ Ký) cho họ, người ưa Phúng Tụng (Gāthā) (Cô Khởi) nói Phúng Tụng cho họ, người ưa Tự Thuyết (Udāna), Nhân Duyên (Nidāna), Thí Dụ (Avadāna), Bổn Sự (Itivṛttaka), Bổn Sanh (Jātaka), Phương Quảng (Vaipulya), Vị Tằng Hữu (Adbhutadharma), Luận Nghị (Upadeśa)[1], đều nói cho họ. Tùy theo căn của chúng sanh ưa thích, mà vui nói. Nói tín căn
[1] T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (大毘婆沙論), quyển 1, tr. 2a20-22: 一契經,二應頌,三記別,四諷頌,五自說,六緣起,七譬喻,八本事,九本生,十方廣,十一希法,十二論議.
* Trang 180 *
cho người ưa thích, nói tinh tấn căn cho người ưa tinh tấn, nói niệm căn cho người ưa siêng niệm, nói định căn cho người ưa nhiếp tâm, nói tuệ căn cho người ưa trí tuệ. Cũng như năm căn, nói các thiện căn khác cũng như vậy.
Lại nữa, vì căn của người dâm dục có hai vạn một ngàn, vì căn ấy Phật nói tám vạn bốn ngàn căn pháp đối trị; tùy các căn ấy mà vui nói thứ lớp, căn pháp đối trị. Bồ tát vui nói. Căn của người sân nhuế có hai vạn một ngàn, vì căn ấy Phật nói tám vạn bốn ngàn căn pháp đối trị; tùy các căn ấy, vui nói thứ lớp pháp đối trị, Bồ tát vui nói. Căn của người ngu si có hai vạn một ngàn, vì căn ấy, Phật nói tám vạn bốn ngàn căn pháp đối trị; tùy các căn ấy vui nói thứ lớp pháp đối trị. Bồ tát vui nói, căn của người đẳng phần (tham, sân, si bằng phần nhau) có hai vạn một ngàn, vì căn ấy Phật nói tám vạn bốn ngàn căn đối trị, tùy các căn ấy, vui nói thứ lớp pháp đối trị. Bồ tát vui nói ấy gọi là trí vui biết nói vô ngại.
Lại nữa, Bồ tát dùng trí vô ngại ấy, hoặc một kiếp, hoặc nữa kiếp, mỗi mỗi trang nghiêm thuyết pháp, cũng chẳng hoại các pháp tướng. Vị Bồ tát ấy, hoặc ẩn thân không hiện, mà dùng các lổ chân lông thuyết pháp cho chúng sanh. Theo chỗ thích ứng, không sai bản hạnh. Bồ tát ấy trí tuệ vô lượng, tất cả luận nghị sư không thể biết cùng tận, cũng không thể phá hoại. Bồ tát ấy được trí vô ngại đó, khi chuyển thân thụ sanh, tự nhiên biết rõ các kinh sách, chú thuật, trí tuệ, kỹ năng của hết thảy ngữ thông tiên nhân, đó là bốn Vệ-đà, sáu Ương-già chú thuật, biết các kinh mặt trời mặt trăng
* Trang 181 *
năm sao, kinh hậu mộng, đất động, quỷ nói, chim kêu, tay nói, thú bốn chân, người bị quỷ ám nói, quốc vương xem tướng được mùa mất mùa, tướng mặt trời mặt trăng, năm sao đầu nhau, y dược, chương toán, bốc số, ca múa, kỷ nhạc. Các kinh công xảo kỹ thuật như vậy đều biết hết. Sáng suốt hơn mọi người và các ngoại đạo, không tự cao, không não hại người khác. Biết các việc thế tục ấy, không phải vì Niết-bàn.
Bồ tát thành tựu bốn trí vô ngại nên được sắc lực quang minh hơn các người Phạm chí, được các Phạm chí cung kính ái lạc tôn trọng, tâm không nhiễm trước. Vì như vậy, cho đến được chư thiên tôn trọng cung kính cũng không nhiễm trước, chỉ sanh tâm về vô thường, khổ, không, vô ngã. Cũng dùng thần thông phát khởi tâm chư thiên khiến khát ngưỡng mà nói pháp cho họ, không tận không hoại, dứt trừ nghi hối, khiến an túc Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Ấy gọi là trong Đại thừa nói về bốn trí lực vô ngại của Bồ-tát, hay cứu độ chúng sanh. Đó là nghĩa của bốn trí vô ngại.
(Hết cuốn 25 theo bản Hán)
___________
* Trang 182 *