CỔ NHÂN MINH VÀ TÂN NHÂN MINH
Nhân minh có một lịch sử lâu dài được nhiều người sử dụng và phát huy khác nhau, nên đại thể đã chia ra Cổ nhân minh và Tân nhân minh với những điểm bất đồng như dưới đây :
1. Bất đồng về ngũ chi tác pháp (luận thức năm phần), và tam chi tác pháp (luận thức ba phần).
Cổ nhân minh chủ trương ngũ chi tác pháp là Tôn, Nhân, Dụ, Hiệp, Kết.
– Tôn: Là tôn chỉ, chủ trương, lập trường, chủ đề của người lập. Tôn là tiêu đích tranh luận của hai bên lập luận và địch luận; là chủ trương của bên lập luận chưa được bên địch luận công nhận và tán đồng.
– Nhân : Bên lập luận muốn bên địch luận công nhận lập trường của mình thì bên lập luận phải nêu lý do (nhân) để giải thích, thuyết phục. Cho nên, nhân có nhiệm vụ rất trọng yếu là chứng minh và bênh vực cho tôn nghĩa, cho chủ trương của người lập. Nhân này giống tiểu tiền đề trong Tam đoạn luận của Tây phương.
– Dụ : Về lý do thì chỉ mới nêu lên lý lẻ mà chưa chứng minh nơi thực tế, nếu chỉ như vậy thì có thể làm cho bên địch luận còn do dự không tin chắc chủ trương với lý lẽ của bên lập luận đưa ra đã đúng hẳn hay chưa, nên bên lập tiến một bước nữa, đưa ví dụ cụ thể ở sự vật trước mắt mà đã được bên địch công nhận. Dụ này tương đương đại tiền đề ở Tam đoạn luận.
– Hiệp: Là hợp cả tôn, nhân, dụ lại với nhau.
– Kết: Sau khi đã hợp tôn, nhân, dụ lại với nhau thì sẽ có một kết luận về tôn. Như lập:
– Tôn: Kim cương có thể đốt cháy.
– Nhân: Vì là vật có chất thán tố.
– Dụ: Ví như củi, dầu v.v…
– Hiệp: Củi, dầu là vật có chất thán tố, củi dầu có thể đốt cháy; kim cương là vật có chất thán tố, kim cương cũng có thể đốt cháy.
– Kết: Vậy nên biết kim cương có thể đốt cháy.
Đến ngài Trần Na, ngài cho hai phần hiệp và kết nói trên là không cần thiết, nó chỉ là sự lặp lại ba phần: Tôn, nhân, dụ đã nêu, chứ không thêm được ý nghĩa gì hơn, nên ngài đã bỏ hai phần hiệp, kết, và sửa đổi nội dung phần nhân, và dụ để biến thành tam chi tác pháp, tức biến thành tôn, nhân, dụ. Như lập :
– Tôn : Kim cương có thể đốt cháy.
– Nhân : Vì là vật có chất thán tố.
– Đồng dụ : Những vật gì có chất thán tố thì đều có thể đốt cháy (đồng dụ thể), ví dụ như củi, dầu (đồng dụ y).
– Dị dụ : Những gì không thể đốt cháy thì không phải là vật có chất thán tố (dị dụ thể), ví dụ như băng, nước (dị dụ y).
2. Bất đồng ở sự phân định năng lập và sở lập
Năng lập và Sở lập là hai danh từ chuyên môn khó dịch. Ta nên hiểu : năng lập là động lực, nguyên liệu, lý lẽ để thành lập tôn chỉ (chủ trương, mệnh đề). Còn sở lập là tôn chỉ (chủ trương, mệnh đề) được thành lập, tức bị thành lập. Trong ba phần; tôn, nhân, dụ. Tôn là một mệnh đề gồm hai danh từ. Danh từ trước (tiền trần), vì chỉ cho vật thể, tự tánh nên được gọi là hữu pháp sở biệt. Danh từ sau (hậu trần), vì chỉ cho nghĩa lý, thuộc tính, phẩm chất sai biệt, nên được gọi là pháp, năng biệt. Như tôn “âm thanh là vô thường” thì “âm thanh” là tiền trần, hữu pháp, tự tánh (vật thể), sở biệt. Còn “vô thường” là hậu trần, pháp, sai biệt, năng biệt. Theo Nhân minh thì âm thanh hay vô thường là hai danh từ riêng biệt mà ai cũng biết thế nào là âm thanh, thế nào là vô thường, ở đó, không có gì phải tranh luận, chỉ khi nào âm thanh và vô thường được ghép chung lại với nhau bằng một hệ từ liên kết “là”, thành ra mệnh đề “âm thanh là vô thường”, bấy giờ mới trở thành điểm tranh luận. Vì có người cho âm thanh là vô thường nhưng cũng có người cho âm thanh là thường. Như phái Vệ-đà cho âm thanh trong kinh Vệ-đà, âm thanh cầu nguyện Phạm Thiên là thiêng liêng, là thường, nên mới tranh luận. Vậy phải kể chung cả tiền trần hữu pháp và hậu trần pháp thành một mệnh đề “âm thanh là vô thường” thì mới thành tôn sở lập, và là điểm tranh luận, chứ không phải chỉ riêng tiền trần hữu pháp hay hậu trần pháp mà cho là sở lập như Cổ nhân minh chủ trương. Và như vậy, khi tôn gồm cả tiền trần, hậu trần đã là sở lập, thì phần nhân và dụ trở thành năng lập, để chứng minh thành lập tôn sở lập. Ở đây, năng lập của Nhân minh giống với đại tiền đề, tiểu tiền đề của Tam đoạn luận, mà sở lập của Nhân minh thì giống với đoán án của Tam đoạn luận. Đây là một cải cách lớn của ngài Trần Na.
3. Bất đồng về sự phân biệt giữa tôn thể và tôn y.
Tôn thể là bản thể của tôn, tôn y là tài liệu, là y cứ để dựa vào đó tổ chức thành tôn thể. Như tôn “âm thanh là vô thường”, thì danh từ trước (tiền trần) “âm thanh” là tôn y, và danh từ sau (hậu trần) “vô thường” cũng là tôn y. Khi âm thanh và vô thường không đi liền nhau thì âm thanh là âm thanh, vô thường là vô thường, không có chi phải tranh cãi. Nhưng khi âm thanh và vô thường ghép lại với nhau bằng một hệ từ liên kết “là”, hoặc “chẳng phải là”, v.v … thì nó trở thành một mệnh đề (một chủ trương) nghĩa là thành tôn thể, làm tiêu đích cho sự tranh luận giữa đôi bên. Bên này cho âm thanh là vô thường, bên kia cho âm thanh là thường. Nói cách khác, ở đây tôn y thì phải được cả hai bên lập luận và địch luận đồng công nhận, còn tôn thể thì phải được bên lập công nhận, mà bên địch không công nhận. Bên lập luận đã công nhận, lại muốn đưa ra lập luận để thuyết phục bên địch, dù lúc đầu bên địch không công nhận, nhưng sau khi nghe lý lẽ rõ ràng xác đáng của bên lập, ắt sẽ công nhận. Nếu một chủ trương (hay mệnh đề, tôn thể) mà đã được cả hai bên đồng công nhận trước rồi thì không cần lập lại làm gì, nếu lập thì dư, vô ích, và mắc lỗi “tương phù cực thành”. Đây là một phát hiện lớn của ngài Trần-Na. Nhưng Cổ nhân minh không rõ điều đó, không phân biệt tôn y và tôn thể, nên có người cho tiêu đích tranh luận là ở “tôn tiền trần”, có người cho tiêu đích tranh luận là ở “tôn hậu trần”, có người cho là ở cả “tôn tiền trần, hậu trần”, không rõ ràng nhất định.
4. Bất đồng về sự thay đổi chín cú nhân và ba tướng của nhân.
Nhân minh với tam chi tác pháp (luận thức gồm ba phần) là tôn, nhân, dụ. Trong đó, nhân giữ vai trò chủ yếu, đứng giữa làm môi giới, liên hệ với tôn và dụ. Cứ nhìn vào nhân đối với tôn, và đối với dụ có liên hệ hay không liên hệ toàn phần hay ít phần, mà biết rõ nhân ấy là đúng hay sai. Nếu nhân đúng thì mới có khả năng chứng minh thành lập được tôn, còn nếu nhân sai thì không đủ khả năng thành lập được tôn. Do đó, Cổ nhân minh đã xét đến sự liên hệ của nhân với tôn đồng phẩm và tôn dị phẩm qua chín trường hợp để biết nhân trong trường hợp nào là đúng, nhân trong trường hợp nào là sai. Chín trường hợp này gọi là chín cú nhân (chín cú nhân đã nói ở đoạn trước). Ngài Trần Na cho chín cú nhân này chưa đầy đủ chặt chẽ, vì chỉ mới đề cập nhân liên hệ hay không liên hệ toàn phần hay ít phần với tôn đồng phẩm và với tôn dị phẩm. Nghĩa là chỉ đề cập sự liên hệ với tôn hậu trần đồng phẩm dị phẩm, chứ chưa biết đến sự liên hệ của nhân với tôn tiền trần hữu pháp, cũng rất quan trọng, cho nên, ngài Trần Na biến đổi chín cú nhân thành “nhân ba tướng”, vừa gọn gàng, đầy đủ chặt chẽ hơn. (Xem mục nhân chơn năng lập ở đoạn sau).
5. Bất đồng về sự phân biệt giữa dụ thể và dụ y.
Ở Cổ nhân minh có luận thức năm phần là tôn, nhân, dụ, hiệp, kết. Ở phần dụ thì chỉ có đồng dụ chứ không có dị dụ, và cũng không phân biệt dụ thể và dụ y. Ở Tân nhân minh có luận thức ba phần, thì phần dụ có đầy đủ cả đồng dụ và dị dụ. Đồng dụ và dị dụ lại đều có cả dụ thể và dụ y. Dụ thể là thể tính, lý lẽ, ý nghĩa của dụ; dụ y là chỉ sự vật cụ thể làm chỗ y cứ của dụ thể, khi ta nêu nó ra làm ví dụ. Dụ thể và dụ y cũng gọi là lý dụ và sự dụ. Như lập :
– Tôn : Âm thanh là vô thường.
– Nhân : Vì do tạo tác mà có.
– Dụ : Những gì do tạo tác mà có đều vô thường (đồng dụ thể), ví như bình, bàn (đồng dụ y). Những gì thường đều không do tạo tác mà có ra (dị dụ thể), ví như vàng, hư không (dị dụ y).
Khi là đồng dụ y thì chính nó phải gồm đủ hai điều kiện là “nhân đồng phẩm” và “tôn đồng phẩm”, khi là dị dụ y thì chính nó phải có đủ hai điều kiện ngược lại là “tôn dị phẩm” và “nhân dị phẩm”. Đây cũng là một điểm phát hiện mới của ngài Trần Na. trong Phật giáo và do chịu ảnh hưởng Nhân minh mà các bộ luận của Phật giáo ra đời vào giai đoạn này đều đã viết trên thể thức luận lý của Nhân minh, như thấy rõ trong Thành Duy Thức Luận của Hộ Pháp, Chưởng Trân Luận của Thanh Biện, Chánh Lý Nhất Trích Luận của Pháp Xứng. Vậy nếu không hiểu Nhân minh thì khó mà đọc nổi các bộ luận này và nhiều bộ khác.
Dưới đây, ta lần lượt tìm hiểu Nhân minh mà Thiên Chủ đã tóm tắt trong bộ Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận của ngài.