Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục

 

KHIÊM TỐN

Từ ngữ Sanskrit để chỉ một người bạn tốt, kalyanamitra (thiện tri thức), hàm ý cái gì còn hơn một người bạn ; nó gợi ý ai đó (hay cái gì đó) trở thành một người hướng dẫn, một vị thầy, và một cảm hứng cho một người trên con đường giác ngộ. Thậm chí những hoàn cảnh khó khăn có thể phụng sự cho mục tiêu này. Bệnh tật có thể là một người bạn như vậy, vì nó dạy chúng ta sự khiêm tốn và biết ơn. Sự tỉnh giác trọn vẹn về tính hữu hạn, mong manh và phải chết tự nhiên khiến chúng ta khiêm tốn. Nhưng không thể trở nên khiêm tốn tự phần mình, bởi vì nếu chúng ta nghĩ chúng ta đạt đến được, thì vào ngay lúc đó chúng ta đã kiêu ngạo và tự phụ.

Ở Đông Á sự thực hành khiêm tốn bao gồm trong cư xử xã hội, đặc biệt trong lễ lạy. Cúi đầu là tự mình khiêm tốn, cái ngược lại với bản ngã. Lễ bái đặc biệt quan trọng khi đi vào một trung tâm tu hành tâm linh, đó hoặc là một ngôi chùa, một thiền đường, hay một lớp học võ. Ý nghĩa của lễ bái được Shunryu Suzuki, vị thiền sư tiền phong ở Hoa Kỳ diễn giảng :

Lễ bái là một thực hành rất nghiêm ngặt. Bạn cần được chuẩn bị để lễ bái, dù vào phút cuối của đời bạn. Dù không thể thoát khỏi những tham muốn ích kỷ của mình, chúng ta phải làm nó. Bản tánh chân thật của chúng ta muốn chúng ta làm điều đó... Đôi khi người đệ tử lễ lạy vị đạo sư, đôi khi vị đạo sư lễ lạy đệ tử. Một đạo sư không thể lễ lạy đệ tử thì không thể lễ lạy Phật. Đôi khi đạo sư và đệ tử cùng lễ lạy Phật. Đôi khi chúng ta có thể lễ lạy những con mèo và con chó.

Một gương mặt tiêu biểu cho phong cách này là Bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa, bộ kinh Phật giáo phổ thông nhất trong toàn cõi Đông Á. Vị Bồ tát này thường chắp tay lễ bái bất kỳ ai mình gặp, vì ngài nhận thấy tiềm năng giác ngộ nơi tất cả chúng sanh. Lễ lạy với tất cả mọi người không phân biệt ai là sự thực hành tôn giáo của ngài.

Trong niệm Phật, nam mô lễ lạy A Di đà Phật, nhưng không chỉ A Di Đà, vì người ta lễ lạy tất cả mọi sự vật, lớn hay nhỏ. Và sự biểu lộ khiêm tốn và biết ơn này bắt đầu ở nhà, như myokonin Ichitaro có lần nói : “Nam mô nghĩa là đầu của người ta lễ lạy dưới tất cả mọi người. Đầu của bạn cũng lạy dưới vợ con bạn, là những người dưới quyền của bạn cho đến lúc này.” Như lắng nghe sâu xa chuyển hóa bản ngã thành một tự ngã rỗng rang, lễ lạy trở thành một biểu lộ tự nhiên của đời sống chân thật và thực sự chảy suốt qua một con người.

Sự biểu lộ tạ ân theo lối Nhật trước bữa ăn là “itadakimasu”, được nói lên với đầu cúi, hai tay chắp lại. Dù cho ngày nay nó có thể chỉ là một hình thức, ý định căn bản là biểu lộ cảm kích và biết ơn đối với một bữa ăn, nói với thức ăn đặt trước ở mình, “Cám ơn ngươi đã cho cuộc sống của ngươi, để cho cuộc đời ta có thể kéo dài.” Chúng ta cám ơn cuộc đời của rau đậu, cây trái, của thịt và cá và những vật sống khác. Chúng cho đi cuộc đời chúng để cho chúng ta có thể kéo dài cuộc đời làm người của chúng ta. Cecilia Kapua Lindo tóm tắt tình cảm này trong “Biết Ơn với Mọi Chúng Sanh” :

Từ bao lâu
Tôi quá đỗi lầm đường do huyền thoại
Nó tán dương con người độc lập, tự thành.
Từ khi nghe được tiếng nói của bậc Giác Ngộ
Mọi dáng vẻ vênh vang
Bị xì hơi, như một trái banh trống rỗng.
Và tôi ý thức được sự hiện hữu của tôi tùy thuộc
Vào nhiều cuộc đời đã chết cho tôi
Mỗi khi tôi ngồi xuống để dùng một bữa ăn.

Đây là một sự nhận thức rằng con người không thể sống mà không xâm hại những hình thức sống khác. Trong nhận thức đó có sự buồn rầu của một chúng sanh bị nghiệp quả giới hạn không thể nào làm cách gì khác hơn để tồn tại. Có một vũ trụ khác biệt giữa việc tin rằng con người có quyền dùng những hình thức đời sống khác với sự miễn tội vô can và phải làm như vậy với một cảm thức xấu hổ, tiếc nuối và hối hận sâu xa. Bây giờ điều ít nhất một người có thể làm, là biết ơn và không phí phạm những quà tặng của thiên nhiên. Khi chúng ta thấy rằng con người không chiếm một chỗ đặc ân, đặc biệt trong mạng lưới của đời sống, bấy giờ khiêm tốn và biết ơn sẽ tự nhiên và tự phát. Nhưng đến được một sự thấu hiểu như vậy là khó khăn vô cùng.

Bản chất hữu hạn của hiện hữu con người là một sự kiện của đời sống. Về thân xác, trí thức và tình cảm, chúng ta bị giới hạn, hạn chế. Chúng ta không thể bay trong bầu trời như chim, lặn xuống nước như cá. Dầu có thông minh sắc bén thế nào, một người cũng không thăm dò thấu đến những cảm nhận bên trong của một người khác, thậm chí những người thương yêu nhất. Không ai có thể thực sự biết cái gì về cuộc sống sau cái chết dù có suy tư tính toán thế nào. Chúng ta thấy khó khăn kiểm soát được ghen ghét, tức giận, tự nghi, bất an và sợ hãi, dù chúng ta có hiểu rằng chúng làm hại chúng ta. Chúng ta mong mỏi luôn luôn thương yêu, nhưng thực ra chúng ta thất thường và không thể tin cậy được. Chúng ta càng mong mỏi sống một cuộc đời gương mẫu, về đạo đức và tôn giáo, chúng ta càng thấy rõ những giới hạn nghiệp báo của chúng ta.

Khi Khổng tử được kính trọng như một vị thầy kiểu mẫu, ông không chỉ dạy mà còn sống một đời đạo đức, chính ông là người đầu tiên biết ra những giới hạn của mình. Sự khiêm tốn của ông đến từ sự chấp nhận này : “Người quân tử thấy hổ thẹn khi lời nói vượt quá hành vi của mình... Người quân tử có ba điều, nhưng ta không thể đạt đến đó. Người trí thì không có lưỡng lự ; người nhân thì không có lo âu ; người dũng thì không có sợ hãi (Luận ngữ 14 : 30-31). Tóm lại, ông chấp nhận sự thiếu thốn trí, nhân, dũng của mình, một dấu hiệu của sự vĩ đại của ông như một bậc thầy của nhân loại.

Khi chúng ta nhận thấy rằng chúng ta đều được nâng đỡ bởi những sức mạnh hữu hình và cả vô hình của thế giới chúng ta, chúng ta phải khiêm tốn và biết ơn. Thực sự biết điều này là kinh nghiệm sự buồn rầu và hối tiếc về chính thân phận làm người của mình. Nhưng sâu xa hơn những cảm nhận của chúng ta là tấm lòng đại bi giữ chúng ta tồn tại trong nó. Bổn Nguyện cuối cùng chuyển hóa con người quy ngã và kiêu mạn một cách vô vọng thành con người biểu lộ khiêm tốn và biết ơn.

Xem mục lục