Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục


 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

 

 

 

(Tọa Đàm 1)

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Trong thời gian qua, ở tại Niệm Phật Đường chúng ta, thường nhắc nhở về vấn đề tu học. Hôm nay Diệu Âm xin thông tin với chư vị có một vấn đề liên quan đến sự tu học khá là quan trọng, cho nên thay vì những ngày này chúng ta nghe những lời trích đoạn khai thị của Hòa Thượng Tịnh-Không, thì hôm nay Diệu Âm xin dành giờ phút này để phổ biến cho chúng ta biết được cái thông tin này, hầu mong cho sự tu học của chúng ta tránh được những trở ngại đáng tiếc xảy ra.

Cái thông tin như thế này, vừa mới đây ở trong nước có một vị niệm Phật cho biết đã đạt đến cảnh giới nhất tâm bất loạn, biết được ngày giờ vãng sanh, và tin này đã phổ biến rất là rộng rãi, toàn quốc đều hay biết và người ta chuẩn bị cho cuộc đưa tiễn vãng sanh rất rầm rộ và trang nghiêm. Nhưng đến sau cùng rồi thì việc vãng sanh đó không xảy ra! Bị trở ngại! Sự việc gây xáo trộn rất lớn trong tinh thần người tu học. Có một điều đáng tiếc hơn nữa là tin này đã tung lên tới thế giới rồi, trên những cái mạng có tầm vóc quốc tế đã đăng lên rồi. Chính vì vậy mà nó ảnh hưởng cũng khá sâu đậm trong làng Phật Giáo Việt Nam chúng ta.

Xin thưa với chư vị, tại sao lại có những chuyện như vậy? Chúng tôi có điện thoại về hỏi những vị rất là thân cận có trực tiếp tiếp xúc với chuyện đó. Thực ra, không có gì gọi là xa lạ lắm, mà chính là vấn đề tu học cần phải “KHẾ CƠ - KHẾ LÝ”.

- Khế Lý” là tu học đúng theo Pháp Phật, không sai với lời Phật dạy.

- “Khế Cơ” là phải biết ứng dụng cho đúng hợp với căn cơ của người tu học.

Nếu căn cứ vào kinh mà quên đi vấn đề căn cơ của chính người tu học, thì có thể rất dễ dàng dẫn đến chỗ gọi là vọng tưởng, không thực hiện được!

KHẾ LÝ là nói về “”. KHẾ CƠ là nói về “SỰ”. Hai điều này rất là quan trọng. Chính vì vậy mà thời gian qua, trong những cuộc tọa đàm, Diệu Âm cũng thường nhắc nhở chư vị đồng tu là riêng Niệm Phật Đường chúng ta ở đây mong muốn chư vị kết hợp lại thành một nhóm nhỏ, tu hành với nhau, học hỏi với nhau, rồi sau cùng chúng ta nương dựa nhau, hộ niệm cho nhau, giúp đỡ nhau để vãng sanh. Đây là điều rất chính xác và hợp với tình trạng của chúng ta.

Hòa Thượng Tịnh-Không thường nhắc rằng thời mạt pháp này không được đóng cửa tự tu một mình. Lý do đầu tiên là thường thường tu một mình, không có thời khóa, giải đãi! Đây là nói về điều gần gũi nhất. Nói về xa là tại vì căn cơ chúng ta quá yếu, chúng ta chưa ngộ được lý đạo cao siêu của Phật, nên Ngài sợ chúng ta ứng dụng bừa bãi. Dù là ứng dụng kinh Phật nhưng không hợp lý, không hợp lúc, không hợp căn cơ thì chúng ta dễ bị tình trạng như vừa nói bên trên.

Xin thưa rằng, có một sự việc như thế này, là có một vị đó, đầu tiên tu về Thiền, sau đó mới gặp được pháp môn niệm Phật, thấy câu A-Di-Đà Phật nhiệm mầu quá và tự tra trong kinh Vô-Lượng-Thọ, nghĩa là tự nghiên cứu lấy thì mới bắt được một câu trong kinh Vô-Lượng-Thọ, câu đó như thế này:

-Bỉ Phật Như Lai, Lai Vô Sở Lai, Khứ Vô Sở Khứ, Vô Sanh Vô Diệt, Phi Quá Hiện Vị Lai.

Người đó ngộ(?) ra câu này, rồi đóng cửa tự tu. Tự tu một thời gian thì mới chứng đến một cái cảnh giới nào đó rất là vi diệu(?), vi diệu đến nỗi mà làm cho nhiều người có học Phật cũng lầm luôn. Chính vì vậy mà sau cùng mới xảy ra tình trạng là đã loan ra quá rộng rãi, tổ chức quá rầm rộ, động luôn tới vấn đề trật tự an ninh của xã hội, và sau cùng thì đưa đến là trong những cái mạng web của thế giới cũng đăng lên luôn… Nhưng mà thực sự thì vị đó hiện bây giờ vẫn còn sống.

Khi chúng ta đọc kinh hay là nghe lời Tổ, nghe giảng ký, chúng ta phải biết trạch pháp một cách cẩn thận. Trạch pháp là thế nào? Là phải biết… À! Lời này là Phật nói ở cảnh giới nào? Một vị Hòa Thượng đang giảng một đoạn kinh này là giảng ở cảnh giới nào? Ví dụ như Hòa Thượng Tịnh-Không giảng kinh, khi Phật nói cảnh giới của Phật thì chắc chắn là Ngài phải giảng trong cảnh giới của Phật. Nếu một người căn cơ hạ liệt như thế này mà chụp lấy điều đó để tu, coi chừng bị trở ngại! Khi giảng đến một cảnh giới của A-La-Hán (là vì trong kinh của Phật mà), thì bắt buộc Ngài phải giảng ở cảnh giới A-La-Hán. Chúng ta nghe tới cảnh giới A-La-Hán vi diệu quá, chụp lấy mà tu thì coi chừng không hợp với căn cơ của mình, đưa tới cái chỗ vọng tưởng!

Thì câu kinh của Phật nói, “Bỉ Phật” chính là A-Di-Đà Phật; “Lai Vô Sở Lai, Khứ Vô Sở Khứ, Vô Sanh Vô Diệt, Phi Quá Hiện Vị Lai”, nghĩa là Vị Phật đó, Như-Lai đó về thì không biết đâu mà về, đi thì không có chỗ nào đi, không sanh không tử, không có quá khứ, hiện tại, vị lai. Một người căn cơ thấp kém như chúng ta, nghe đến câu này quá ư là vi diệu, tưởng mình là Phật, mình cũng không đi đâu, mình cũng không về đâu, mình cũng không sanh không diệt, mình không có quá khứ vị lai... Như vậy mình là Phật rồi chứ gì nữa? Thế là đóng cửa kiết thất tự tu! Trong khi đó Hòa Thượng Tịnh-Không nói, thời đại mạt pháp này không nên tự kiết thất tinh tấn. Thế mà tự kiết thất tinh tấn tu hành đến nỗi xảy ra tình trạng như nói vừa rồi.

Chúng ta phải nhớ cho rõ, về lý đạo thì rõ rệt vị đó tu đúng lý, vì lý này là lý của Phật mà, trong kinh Phật nói ra làm sao không đúng được? Chắc chắn. Nhưng mà ứng với căn cơ của mình thì hoàn toàn sai. Chính vì vậy mà Hòa Thượng Tịnh-Không thường khuyên rằng, trong thời mạt pháp không được “Tự kiết thất tinh tấn”, mà khuyên chúng ta nên tu theo cách của ông thợ vá lu, tức là ông Cô-Lô-Giang.

Ông thợ vá lu tu như thế nào? Hễ mệt thì nghỉ, khỏe thì tu, ngồi niệm Phật được thì ngồi niệm Phật, ngồi niệm Phật mệt mỏi thì đi kinh hành niệm Phật, đi kinh hành mà thấy mỏi chân thì ngồi trên ghế niệm Phật...

Ngài nói là nên tu theo tùy sức, không được vượt qua cái sức của mình. Nếu sơ ý, nhiều khi cứ tưởng rằng, mình có những năng lực đạt được những cảnh giới cao, có thể tu trì như các vị đại Bồ-Tát, thì thường thường trong kinh Phật và chư Tổ cũng hay nhắc nhở câu này: “LỰC BẤT TÒNG TÂM”. Cái Tâm chúng ta muốn thành Phật, cái tâm chúng ta muốn nhất tâm bất loạn, cái tâm chúng ta muốn đạt được hai năm, ba năm vãng sanh… nhưng cái lực chúng ta không trì nổi. Nếu chúng ta bám theo, đến một giai đoạn nào đó có thể vượt qua sự chịu đựng thì chúng ta bị trở ngại! Thường thường khi đã bị trở ngại rồi thì không còn cách nào có thể cứu chữa được! Ví dụ như vị đã bị trở ngại đó, sau khi bị như vậy rồi thì rất nhiều phiền não đã xảy ra. Khi ách nạn bắt đầu đến chập chùng rồi, thì mới tìm cách lánh nạn. Nhưng xin thưa với chư vị, lánh nạn thì trong khi đã đeo nạn trên mình rồi!...

Chính vì vậy, xin nhắc nhở với tất cả chư vị, ở đây Niệm Phật Đường chúng ta không chủ trương sẽ có một thời khóa nào, hay một phương thức nào để cho chư vị được nhất tâm bất loạn. Ở đây Diệu Âm đóng vai như người đang hướng dẫn đạo tràng này, nên Diệu Âm phải nhắc nhở những điều này để chúng ta cùng tránh, vì nếu không tránh, lỡ bị vướng nạn rồi thì chính Diệu Âm này không cách nào gỡ ra được.

Mong chư vị nhớ những điểm cần yếu như thế này, là chúng ta phải giữ một mực khiêm nhường tối đa, càng tu càng khiêm nhường. Nhất định:

 

 

- Không có nảy lên một ý niệm nào là ta tu ngon lành.

 

 

 

 

- Không có nảy lên một ý niệm nào là ta tu có thể chứng đắc.

 

 

 

 

- Không có nảy lên một ý niệm nào là ta niệm Phật đã nhập tâm rồi, đã nhất tâm bất loạn rồi.

 

 

Diệu Âm đang phổ biến cái chương trình công cứ, nhưng Diệu Âm sẽ theo dõi rất kỹ và thường thường có những lời khuyên chân thành. Ví dụ như thấy quý vị lập công cứ mà ngày đêm bỏ ăn bỏ uống để niệm Phật, thì Diệu Âm xin chư vị hãy giảm bớt lại, thoải mái một chút để có thời gian tắm rửa, lau mặt, lau mày để cho tinh thần của mình được thư thả. Nếu có vị tu giải đãi quá thì Diệu Âm khuyên... À, nên tăng lên một chút, nếu giải đãi quá coi chừng khi nằm xuống thì nghiệp chướng, oan gia trái chủ bủa vây, đồng tu của Niệm Phật Đường A-Di-Đà không cách nào có thể đến giúp được gì cho chư vị.

Cho nên, tùy theo một người mà Diệu Âm khuyên nên tăng lên một chút, cũng vì một người Diệu Âm khuyên nên giảm một chút và luôn luôn theo dõi... Để chi? Vì Hòa Thượng đã dạy rằng, trong giai đoạn này không được quyền tự tu tinh tấn. Tu công cứ là tu tinh tấn. Cho nên xin chư vị nhớ cho, là chúng ta phải cố gắng hết sức trói cái tâm mình trong câu A-Di-Đà Phật, nhưng càng tu nhất định chúng ta phải càng khiêm nhường và càng kết hợp với đạo tràng, để thí dụ như, thấy chị tu trong một thời gian tại sao khuôn mặt trở nên mét mét đi! Là bị mệt quá rồi chứ gì? Giảm bớt lại chị. Cẩn thận. Khi thấy người này tu một thời gian tự nhiên sao thấy hình như là nó lâng lâng trên trời! Giảm bớt lại, đừng sơ ý nữa… Nhờ vậy mà chúng ta giải cứu cho nhau. Chứ nếu không, thì xin thưa với chư vị, thực sự là khó khăn! Nhất là trong giai đoạn này!...

Cố gắng điểm này nhé, càng tu hành chúng ta phải càng buông xả. Nhất định phải buông xả. Nếu không buông xả thì coi chừng rất khó khăn trong công cuộc vãng sanh.

Sắp tới đây tôi sẽ liên lạc về Việt Nam, họ sẽ tìm cách gửi qua một số các hiện tượng vãng sanh nữa cho quý vị coi, nhiều vô cùng. Họ vãng sanh thực sự, hàng trăm cuộc như vậy. Có thể như vậy và tôi đang liên lạc để tìm cách gửi qua rồi tôi sẽ công bố cho quý vị coi. Thật sự đã có vãng sanh. Nhưng thực sự, cũng có những người vì quá vọng tâm mà mất phần vãng sanh. Không những mất phần vãng sanh mà còn bị trở ngại nữa.

Những lời nhắc nhở chân thành này xin chư vị hiểu cho, tại vì trách nhiệm của Niệm Phật Đường là cố giúp người vãng sanh. Nhưng xin chư vị hãy nhớ cho, không thể nào ỷ y, không thể nào lơ là được. Nhất định nhớ cho, chúng ta phải nương theo A-Di-Đà Phật để Ngài cứu độ chúng ta về Tây Phương, chứ không phải là chúng ta chứng đắc để tự về Tây Phương.

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

 

 

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

 

 

 

(Tọa Đàm 2)

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật

Với lòng chân thành, Diệu Âm xin nói lên những điều này, là tha thiết muốn cho tất cả chư vị đồng tu đến đây tu học, sau cùng được thuận buồm xuôi gió về tới Tây Phương Cực Lạc, ngoài ra không có một ý gì khác cả.

Trong pháp tu chúng ta phải rõ thế nào là Khế Lý? Thế nào là Khế Cơ? Tu học phải dựa vào kinh Phật là Khế Lý, dựa vào những lời giảng dạy của chư Tổ Sư là Khế Lý. Đem tất cả những lời giảng đó ứng dụng trên chính mỗi cá nhân chúng ta để được thành tựu, thì đó gọi là Khế Cơ. Khế Cơ là hợp với căn cơ của chúng ta.

Ngài Ấn-Quang Đại Sư nói, tất cả kinh Phật, pháp môn của Phật không có pháp nào cao, không có pháp nào thấp. Ứng hợp với căn cơ của mình thì mới được diệu dụng.

Pháp môn của Phật bình đẳng, đó là Khế Lý. Ứng hợp được với căn cơ của mình, chọn lựa cho đúng, hành cho đúng theo khả năng của mình là Khế Cơ, chúng ta được thành tựu. Nếu chúng ta ứng hợp không đúng, dù là ứng dụng lời Tổ, dù là ứng dụng kinh Phật cũng có thể bị trở ngại như thường. Xin thưa với chư vị, hiện tại bây giờ trong Email của Diệu Âm có khoảng 400 câu hỏi, mà đó cũng là cố gắng giải quyết rồi đó, Diệu Âm không dám mở ra nữa, vì mở ra thì chắc chắn trong đó cũng có những vấn đề tương tự như chúng ta đang giải quyết đây.

Trong quá khứ Diệu Âm đã giải quyết khoảng chừng gần mười người, gần mười người tự khoe mình đã chứng đắc, đã chứng này, chứng nọ. Diệu Âm cũng khuyên hết lời là:

“Phải quyết lòng thành tâm niệm Phật và luôn luôn nghĩ mình là phàm phu tục tử tội chướng sâu nặng, oan gia trái chủ nhiều, mau mau nhiếp tâm niệm Phật cầu Phật gia trì thì mới tránh được những hiểm nạn bất ngờ”.

Nhưng hầu hết các vị đó không nghe! Đến lúc đã bị nạn quá nặng rồi, “Hoảng kinh hồn vía” lên, mới la làng la xóm lên!... Xin thưa, là lúc đó thì Diệu Âm cũng khuyên được khoảng sáu người buông được. Khuyên được người thứ sáu, đến người thứ bảy tiếp tục... người thứ tám tiếp tục... Thôi!... Diệu Âm đành phải đóng Internet luôn, không dám trả lời nữa! Vì thực sự lực của Diệu Âm này không đủ khả năng để giải quyết. Trong khi đó, thì xin thưa với chư vị, nguồn tin của những người hiền lành, chất phác, thật thà, một lòng thành tâm thành kính niệm câu A-Di-Đà Phật và được những ban hộ niệm đến hộ niệm trong những tư thế hết sức bình dân, vậy mà họ ra đi với thoại tướng bất khả tư nghì.

Thực sự, những hiện tượng gần gần với chúng ta đây cũng có những người vừa nhìn thấy một quyển sách, hay một phương pháp nào giới thiệu rằng niệm Phật bảy ngày, bốn ngày, năm ngày, hai tuần thì được Nhập Tâm”, được “Niệm Tự Niệm”, tức là Niệm mà Vô Niệm, rồi có thể tăng tiến dần đến cái chỗ “Nhất tâm bất loạn”, thấy hay quá và vội vã chạy theo!... Có nhiều người rất thân thiện, Diệu Âm cũng chỉ thành tâm khuyên, ngoài ra không biết cách nào khác hơn! Nhưng khổ một điều là khuyên mà các vị đó không nghe. Những người ở trong Internet chỉ liên lạc thẳng với Diệu Âm nên không dám thố lộ ra. Trong khi Diệu Âm đi từ nước này qua nước nọ, bất cứ nước nào cũng gặp ít ra một người, hai người hoặc ba người bị vướng cái nạn này. Bây giờ biết làm sao? Thổ lộ với ai đây? Trong dịp vừa rồi, tức là sự việc nó đã lộ ra rồi, làm chấn động khắp nơi trong nước rồi, thấy sợ quá, mới xin thổ lộ cho chúng ta biết con đường nào là đường chúng ta thành tựu, con đường nào là cạm bẫy, nguy hiểm đang giăng ngay trước bàn chân của mình mà không hay!...

Cho nên, chúng ta tới đạo tràng này thì hãy quyết giữ lòng “Thành Tâm Thành Ý”. Hòa Thượng Tịnh-Không có lần gặp Phật tử Ngài lấy nón xuống, Ngài chắp hai tay lại, Ngài cúi đầu xuống... Quý vị nghĩ coi, một vị đại Hòa Thượng gặp đồng tu mà Ngài lấy cái nón xuống, chắp tay lại, cúi xuống. Người ta chụp được tấm hình đó đưa lên thành đề tài: “Chí Thành Cảm Thông”. Quý vị coi những hình ảnh đó để hiểu những lời dạy tuyệt vời của các Ngài.

Trở về vấn đề, vì thấy quá nguy hiểm mà không biết cách nào để có thể khuyên nhau! Khi đã chui vào tình trạng đó rồi thì khó gỡ ra lắm! Nhiều khi mình biết một người bạn, một người rất thân của mình sẽ bị nạn đó mà cũng đành nhìn thôi, chứ không biết cách nào khác hơn! Đây là sự thật!

Trở về vấn đề Khế Lý - Khế Cơ. Ví dụ như chúng ta đang tụng kinh A-Di-Đà, trong kinh A-Di-Đà, Phật nói, Một người nào nhiếp tâm niệm Phật từ một ngày đến bảy ngày nhất tâm bất loạn thì khi người đó ra đi, Ta sẽ đến tiếp dẫn, chắc chắn được vãng sanh về Tây Phương. Có nhiều người ứng dụng ngay lời kinh này, lập ra một phương pháp, rồi tuyên bố rằng với phương pháp tu tập này trong bảy ngày sẽ nhất tâm bất loạn liền. Người ta đã ứng dụng đúng kinh. Nhưng nếu là người thực sự cẩn thận, khi nghe nói như vậy thì xin bái chào đi, quyết lòng rút về, âm thầm khiêm nhường mà niệm Phật. Tại sao vậy? Bảy ngày nhất tâm bất loạn gọi là kiết thất tinh tấn đó, đúng lý của Phật dạy. Nhưng mà bảy ngày được nhất tâm bất loạn thì căn cơ của chúng ta nhất định không thể thực hiện được! Chú ý điểm này, chứ đừng thấy một người nói toàn là kinh Phật hết, rõ ràng người ta có nói gì sai đâu? Nếu ứng dụng theo, chạy theo, coi chừng sự hiếu kỳ này sẽ làm chúng ta bị trở ngại!

Ví dụ khác, như ở trong kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ, Phật dạy tất cả là mười sáu pháp quán, mà trở về tới thời đại này chư Tổ cấm chúng ta đến mười lăm pháp quán không được sử dụng. Cũng từ trong kinh Phật ra chứ không phải ở ngoài, vậy mà chư Tổ chỉ khuyên chúng ta là một lòng chấp trì danh hiệu A-Di-Đà Phật niệm mà thôi, tức là ứng dụng pháp cuối cùng là pháp mười sáu. Mười lăm pháp khác các Ngài không cho. Tại sao vậy? Là tại vì căn cơ của chúng sanh trong thời mạt pháp này rất yếu! Rất nhiều người nghiên cứu kinh mà không chịu chú ý đến chỗ này, lấy kinh ra đi giảng giải, giảng thì Khế Lý mà ứng dụng cho chúng sanh thì Không hợp Cơ, rất dễ đưa đến tình trạng gọi là, nói thẳng ra là: Tẩu Hỏa Nhập Ma!.

Trong pháp thứ mười sáu đó là pháp “TRÌ DANH HIỆU PHẬT”, cũng có tới bốn loại:

 

 

Thật-Tướng-Niệm-Phật.

 

 

 

 

Quán-Tưởng-Niệm-Phật.

 

 

 

 

Quán-Tượng-Niệm-Phật và

 

 

Trì-Danh-Niệm-Phật.

Các Ngài chỉ cho ta được hành trì hai pháp mà thôi, là trì danh hiệu mà niệm và nhìn hình Phật mà niệm là cùng, còn hai pháp Thực-Tướng và Quán-Tưởng các Ngài cũng không cho. Như vậy để chúng ta biết rằng một phàm phu này niệm Phật, muốn thật sự trong một đời này khỏi bị đọa lạc thì bắt buộc phải nghe lời Tổ, mà phải nghe cho thật chính xác, chứ không phải cứ nghe Pháp ào ào, ào ào... mà không biết “Trạch”. Trạch là chọn lựa cho kỹ.

Trở về với cái ví dụ vừa rồi ở Việt Nam, một vị đó thực sự cũng có nghe Pháp của ngài Tịnh-Không, nhờ pháp của Ngài mới tiến tới chỗ là đọc kinh Vô-Lượng-Thọ, tụng kinh Vô-Lượng-Thọ, rồi ngộ ra từ một câu kinh trong Vô-Lượng-Thọ mà trì, để sau cùng bị trở ngại! Vì sao vậy? Vì đoạn này là Phật nói trong cảnh giới của Chân-Tâm Tự-Tánh. Khứ Vô Sở Khứ, Lai Vô Sở Lai là Chân-Tâm Tự-Tánh của chúng ta. Rõ ràng đó là cảnh giới của Chân-Tâm Tự-Tánh. Trong khi chính phàm phu của chúng ta chưa biết Chân-Tâm Tự-Tánh là cái gì? Chưa bao giờ ngộ tới Chân-Tâm Tự-Tánh, gọi là “Minh Tâm Kiến Tánh”! Không bao giờ có! Không bao giờ có mà ứng dụng cái phương pháp này, nhất định “Lý” thì cao trên mây xanh, mà “Chân” thì lầm lũi lầm lũi đi vào cái hố!... Cho nên muốn chứng đắc?... À được! Ta cho chứng đắc, chứng đắc ngon lành! Chứng đắc đến nỗi mà tất cả mọi người đều phải lầm lẫn hết trơn, để khi thăng lên tòa rồi, ta rút cái chứng đắc đó xuống, thì từ cái tòa đó rớt xuống một cái hố sâu vô cùng! Làm sao ai cứu được đây?

Vì biết được điều này nên cảm thấy khá khổ tâm, nhất là trong giai đoạn này. Diệu Âm chỉ thành tâm khuyên rằng: Đừng nên sơ ý!

Cách đây cỡ chừng năm năm, chính Diệu Âm đã gặp một vị, vị này không phải là một Phật tử bình thường, không phải là một cư sĩ, đã nói với Diệu Âm rằng: Ngày đó... tháng đó... vãng sanh. Tôi nói với vị đó: Có chắc không? Ngài nói chắc... Tôi mới nói, bây giờ xin ký giấy đi... Tôi rút trong túi ra, lúc đó không có tờ giấy, chỉ có cái bì thơ. Tôi nói, Ngài hãy viết vào đây đi. Viết vào cái bì thơ đó: Tên gì, pháp danh là gì, bút hiệu, v.v... Rồi ký tên vào đàng hoàng.... Ngày đó… tháng đó… tôi vãng sanh. Tôi hỏi, là biết trước được bao lâu rồi? Hai năm. Tôi làm thinh không nói gì hết. Tôi cũng có nói với vị đó rằng, đây là một cơ hội rất là may mắn, nhất định phải buông hết tất cả vạn duyên, không còn dính mắc cái gì nữa cả, tuyệt đối không được thố lộ với ai hết để cơ hội này được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Tôi cất kỹ cái thơ đó và tôi bắt đầu trở lại Úc. Tôi tính là đúng khoảng chừng 39 ngày sau, 39 hay 38 ngày sau gì đó là vị đó vãng sanh. Đến gần một tuần là bắt đầu tôi đã điện thoại theo dõi. Điện thoại, điện thoại riết cho đến ngày đó cũng không có gì xảy ra và hiện tới bây giờ vị đó cũng còn đang sống!...

Quý vị thấy không? Tôi là người hết sức cẩn thận, với việc này không bao giờ tôi dám tung tin ra đâu à. Khi vị đó nói cho tôi biết rồi, tôi nói đừng bao giờ báo người khác biết nhé. Vị đó nói, không bao giờ đâu... Mới đó, thì ngày hôm sau tôi điều tra thử đã thấy ba, bốn người biết rồi, mà ba, bốn người này là những người tôi quen, chứ còn những người khác nữa thì như thế nào?...

Xin thưa với chư vị, đây là những điều có thực, nói lên để cho chúng ta biết rằng, nhất định trong đời này muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì phải một lòng khiêm nhường, một lòng vui vẻ, buông hết tất cả những sự câu chấp của thế gian ra. Phải thường thành tâm sám hối. Bắt chước theo phương pháp của ngài Tịnh-Không đi, cúi đầu xuống, sám hối đi. Hãy vì chư vị oan gia trái chủ mà thành tâm niệm Phật, ngày ngày hồi hướng cho chư vị oan gia trái chủ liền đi. Nếu sơ ý, xin thưa thật đến lúc cuối cùng rồi không ai có thể cứu được cái huệ mạng của mình đâu! Sơ ý một chút vạn kiếp sau chúng ta vẫn còn bị đọa lạc, chứ không phải là chuyện dễ! Vậy mà, chỉ cần thành tâm đi, buông xả vạn duyên ra, nhất định bám lấy đạo tràng này, nhất định bám lấy đồng tu, thành tâm để niệm Phật đi thì:

 

 

- Chư Phật cảm thông.

 

 

 

 

- Chư Thiên-Long Hộ-Pháp cảm thông.

 

 

 

 

- Chư Oan-Gia Trái-Chủ cảm thông.

 

 

Chúng ta sẽ được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Cống cao ngã mạn, nhất định bị nạn, dù cho xin thưa thật, lúc mà quý vị lâm chung chính Diệu Âm này đứng trước mặt hộ niệm cũng vô ích, tại vì Diệu Âm này không có một lực nào hết, chỉ biết nghe các vị Tổ mà khuyên nhau một lời để chúng ta đi trong con đường gọi là: “CHÍ THÀNH CẢM THÔNG”, để được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

 

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

 

 

 

(Tọa Đàm 3)

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật

Tu hành trong thời đại mạt pháp này có nhiều chướng ngại lắm, nếu chúng ta sơ ý thì nhiều khi mình tưởng là thuận nhưng lại là nghịch!...

Nếu mà chúng ta chú ý, với sự hướng dẫn cụ thể, tiếp xúc được các vị thiện tri thức thì những cái nghịch duyên đó nó biến thành thuận duyên. Cho nên, trong thời đại này nhất định chúng ta phải lắng nghe các lời Tổ dạy cho những người phàm phu tục tử như chúng ta cách tu hành an ổn.

Như hồi sáng chúng ta nói, nhất định phải kết bè với nhau, thành tâm niệm Phật, tâm ý khiêm nhường, buông xả những thế trần xuống, tham sân si mạn những cái câu chấp phải bỏ ra. Xin thưa, tu như vậy, đối với những pháp môn khác, vạn kiếp sau chưa chắc gì thoát ly sanh tử luân hồi. Nhưng mà đối với pháp môn niệm Phật, chỉ cần buông tình chấp xuống, những cái gì phiền não bỏ đi, rồi niệm Phật thành tâm nguyện vãng sanh thì ta được vãng sanh. Đây là con đường tu hành thấp nhất của những người phàm phu như chúng ta.

Xin nhớ, Tu là tu cho chính ta, chứ không phải tu cho người khác. Chúng ta thường nghe nói rằng, “Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc”. Nên sửa ngay những cái lỗi của mình. Trong kinh Phật, có nhiều kinh Phật dạy cho những người phàm phu tục tử tu. Ngài Tịnh-Không khuyên rằng, trong thời mạt pháp này nên trì giữ kinh Vô-Lượng-Thọ. Ta đang trì giữ kinh A-Di-Đà, kinh A-Di-Đà và kinh Vô-Lượng-Thọ là một chứ không phải hai. Nhưng mà xin thưa thực, kinh Vô-Lượng-Thọ có những lúc Phật nói cảnh giới của Phật, có những lúc Phật nói cảnh giới của đại Bồ-Tát, có những lúc Phật nói cảnh giới của các vị A-La-Hán, có những đoạn Ngài nói cho hàng phàm phu tục tử như chúng ta. Vì thế, ngay kinh Vô-Lượng-Thọ, không phải là toàn bộ kinh đó chúng ta đều có thể ứng dụng được đâu.

Một chứng minh cụ thể là mới vừa rồi ở quê nhà, có một vị đã ứng dụng kinh Vô-Lượng-Thọ: “Bỉ Phật Như-Lai, Lai Vô Sở Lai, Khứ Vô Sở Khứ, Vô Sanh Vô Diệt, Phi Quá Hiện Vị Lai”, ứng dụng câu này mà tu. Rõ ràng là kinh của Phật trong Vô-Lượng-Thọ, nhưng đưa đến một kết quả thực là phũ phàng! Chính vì vậy, ngay giảng ký của Hòa Thượng Tịnh-Không, chúng ta nghe cũng cần phải biết trạch. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, có lúc trên cảnh giới của Phật thì Hòa Thượng phải giảng cảnh giới của Phật. Nếu thấy cái đạo lý quá ư là nhiệm mầu, chấp vào đó, ta áp dụng vào, có thể đi sai liền lập tức.

Ngay trong kinh Vô-Lượng-Thọ, cũng là lời Hòa Thượng Tịnh-Không dạy đó, nhưng muốn áp dụng ta hãy áp dụng theo phẩm 32 đến 37. Nếu quý vị làm được từ phẩm 32 đến 37, thì nhất định sẽ thành công. Vì sao vậy? Từ 32 đến 37, sáu phẩm này Phật dạy cho chính phàm phu tục tử chúng ta. Hãy lật giảng ký của Hòa Thượng ra nghe cho thật kỹ chỗ đó, nếu mà quý vị làm được nhất định thành công. Bây giờ, ví dụ như chúng ta kẹt quá, không có giờ nghe, đọc kinh Vô-Lượng-Thọ cũng đọc không được, thì xin chư vị đến Niệm Phật Đường A-Di-Đà này, ngay trên bảng màu vàng vàng đó, chính đó là nội dung của phẩm 32 đến 37. Phật dạy rõ ràng minh bạch, tóm gọn lại bằng những câu đó:

- Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người.

- Khéo giữ thân nghiệp, đừng mất luật nghi.

- Khéo giữ ý nghiệp, thanh tịnh vô nhiễm.

- Và sau đó là mười điều thiện.

Đây là nội dung tổng kết từ phẩm 32 đến phẩm 37. Nếu tu như vậy đối với tất cả những pháp môn khác, ngàn đời ngàn kiếp không cách nào vượt qua sanh tử luân hồi! Ấy thế mà nhờ câu A-Di-Đà Phật, chúng ta chỉ tu như vậy thôi, nhưng ta sẽ được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Dễ dàng đơn giản!

Cho nên chúng ta phải biết vấn đề “Khế Cơ - Khế Lý” một cách rõ rệt. Kinh Phật nhất định không có kinh nào nói sai lý đạo. Nhưng căn cơ không xét kỹ, chúng ta áp dụng sai liền!

Chính vì vậy, để cho trong thời mạt pháp này khỏi bị trở ngại, xin thưa nên biết áp dụng thẳng những điều hết sức là cụ thể. Khi quý vị nghe những lời pháp của Hòa Thượng Tịnh-Không, từng điểm từng điểm. Điểm nào là của phàm phu tục tử chúng ta, thì phải làm ngay lập tức. À! Một là một, hai là hai, tự nhiên chúng ta sẽ thành công. Đừng ứng dụng sai...

Tu là tu cho mình, là hàng phàm phu, chứ đâu có phải là tu cho Phật!... Câu nói “Về không có chỗ về, đi không có chỗ đi. Không có quá khứ, hiện tại, vị lai. Không sanh không diệt...” là câu Phật nói cảnh giới của Phật. Ta tu cho hàng phàm phu chứ đâu phải tu cho Phật, mà lại áp dụng những điều đó vào trong hàng phàm phu này? Chính vì vậy, ví dụ như có một đoạn kinh, Ngài nói cho hàng đại Bồ-Tát, Ngài nói với hàng đại Bồ-Tát thì đại Bồ-Tát tu cho Bồ-Tát. Còn ta tu cho hàng phàm phu, tại sao lại tu cho Bồ-Tát? Vì là phàm phu mà tu cho Bồ-Tát, nên bị nạn vậy thôi. Rất nhiều người đã bị trở ngại về chuyện này.

Trở lại chính chúng ta, ta tu sao khỏi bị chướng ngại? Hãy đọc cái “Quy tắc tu học” của ngài Ân-Quang, đây chính là lời của chư Tổ dạy cho hàng phàm phu. Ngài nói rõ rệt, thẳng vào hàng phàm phu này. Hàng phàm phu chúng ta áp dụng quy tắc của ngài Ấn-Quang thì nhất định thành công. Có một lần ngài Ngộ-Đạo giảng kinh. Ngài nói rằng, có một vị tới hỏi ngài Ấn-Quang: “Bát Chu Tam Muội là gì? Tu như thế nào?”. Ngài Ấn-Quang quát mắng, Ngài la liền: “Nhà ngươi hỏi chuyện này để làm chi?”. Khi mà ngài Ngộ-Đạo giảng tới câu đó làm cho tôi giựt mình!...

Bát Chu Tam Muội là một phương pháp tối thượng để đưa đến cảnh giới “Nhất tâm bất loạn”, trong 90 ngày thì thành đạo. Ngài Ấn-Quang nói: “Nhà ngươi có làm được chuyện đó hay không mà hỏi?”. Hỏi để vọng tưởng, chứ ích gì? Về nhà lo niệm Phật, tìm người hộ niệm cho nhau thì thành công. Có nhiều người khi tu hành không biết trạch pháp một cách cẩn thận. Cứ đem những điều quá cao, quá đà của mình mà tu, sau cùng bị chướng ngại trùng trùng! Mà một khi đã chướng ngại trùng trùng rồi thì không còn cách nào có thể cứu chữa được!...

Trở lại vấn đề cụ thể của chính chúng ta, Hòa Thượng Tịnh-Không dạy, muốn thành đạo trong đời này thì câu nói đầu tiên của Ngài là buông xả.

- Ví dụ, ta thường buồn cái gì, nhất định hãy bỏ cái buồn đó đi thì niệm Phật được vãng sanh.

 

 

- Ví dụ, ta ghét một người nào, nhất định phải bỏ cái ghét đó đi thì chúng ta mới được vãng sanh.

 

 

- Ngài nói, trong đời của ta mà còn đố kỵ một người nào, thì nhất định không được vãng sanh.

- Nếu trong đời này mà mình ghét một người nào, thì nhất định mình không được vãng sanh.

Ngài nói rõ rệt lý do tại sao. Đây là những lời nói Ngài dạy cho hàng phàm phu tục tử chúng ta. Tại vì toàn bộ phàm phu tục tử chúng ta là chấp trước, phân biệt... không cách nào có thể thoát vòng sanh tử luân hồi được. Chính vì vậy mà tu là tu cho mình. Chắc chắn chúng ta ai cũng có nghe những chuyện một người chết bị vướng vào chỗ nào đó, hàng đêm trở về khóc than với con cái, chiều chiều hiện về đầu hè khóc với con cái, nhập vào thân người này phá, nhập vào thân người khác phá, khóc lên, khóc xuống... Trong những cảnh khổ đó, mình hãy tưởng tượng thử, có phải vì một chút chấp trước cho nó đã cái cơn sân si, mà bị nạn vạn đời vạn kiếp không? Ích lợi gì đâu?

Cho nên, tu là tu cho chính mình. Nhất định không thể nào tu cho đạo tràng, không thể nào tu cho một người nào cả. Nếu mình nghĩ rằng tu để cho vui, tu để đạo tràng có đông người, tu vì cảm tình... thì nhất định oan uổng lắm! Xin thưa chư vị, vì huệ mạng ngàn đời ngàn kiếp phải ráng mà làm cho được chuyện này: Những thứ chuyện cạnh tranh, ganh tỵ trên thế gian này có chi đâu mà tham chấp như vậy? Tại sao không biết bỏ ra để chúng ta đi vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nếu mà trong đời này, với cái thân phận phàm phu tục tử này mà không gặp câu A-Di-Đà Phật, không gặp pháp môn niệm Phật này, xin thưa thực với chư vị nhất định ta bị nạn! Tại sao vậy? Hòa Thượng Tịnh-Không nói, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút chúng ta cứ luôn luôn thâm nhập tất cả những cái nghiệp, gọi là nghiệp tam ác đạo trong tâm. Không nói người này xấu thì nói người khác xấu, không chê người này thì cũng chê người khác, không cười người này thì cũng cười người khác, không tham tiền thì cũng tham danh, không tham danh thì cũng tham cái gì đó... Những điều này luôn luôn, luôn luôn trói chặt chúng ta. Tất cả những cái đó là nhân chủng địa ngục hết, tam ác đạo hết. Như vậy làm sao mà chúng ta không bị nạn? Mà khi đã bị nạn rồi, xin thưa thực là bị cả ngàn đời vạn kiếp!

Mình nhìn ra ngoài cây coi, con chim đó, một bộ lông đó, mưa cũng đó mà nắng cũng đó, lạnh cũng đó mà rét cũng đó, nó vẫn chịu đựng như vậy. Mình chịu đựng như nó được không? Không được đâu! Nhưng mà coi chừng mình sẩy một cái, có thể, xin thưa thực khi chết đi rồi thành như vậy đó. Lúc đó rồi vợ chồng cũng đành chịu thua, không cứu nhau được! Cha con cũng đành chịu thua, không cách nào cứu nhau được! Mà thực sự là có cách cứu, A-Di-Đà Phật cứu chúng ta một cách rõ rệt. Phàm phu tục tử này nhất định khi chết phải tùng nghiệp thọ báo, nhưng chỉ cần bứng đi, bỏ đi, ngộ ra liền lập tức đi, liệng những cái chuyện đó đi, chúng ta thành tâm niệm Phật, thì ngày đó chúng ta về Tây Phương thành đạo Vô-Thượng.

Xin thưa quý vị, nếu mà chúng ta ngộ ra chỗ này rồi, thì tại sao không tranh thủ ngày đêm để lo niệm Phật? Tại sao còn buồn cái này, còn giận cái kia, để mà sau cùng chúng ta đi xuống địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh để chịu nạn? Thực sự đúng như vậy mà. Tôi đi nhiều chỗ lắm chư vị ơi! Tôi gặp những trường hợp, có những vong linh, họ ứng hiện về, họ nhập vào những người bà con, anh em mà than mà khóc! Than khóc không được thì lại quýnh lộn đánh phá với nhau nữa, xé áo xé quần, đâm những người con của mình... Ghê lắm chư vị ơi! Nhìn tới những hiện tượng đó mình biết rằng cái người về nhập đó đang chịu khổ, họ khổ kinh khủng lắm, không phải đơn giản đâu à!

Tại sao họ khổ vậy? Tại vì họ không biết tu. Đã là phàm phu mà không biết tu, nhất định phải chịu cái tình trạng đau khổ như vậy!...

Bây giờ chúng ta đã thấy rõ rệt rồi... Cái Niệm Phật Đường này gọi là Niệm Phật Đường A-Di-Đà, đang nhắc nhở cho chúng ta phải niệm câu A-Di-Đà Phật. Là thân phàm phu này, nhất định suốt cuộc đời này chúng ta không chứng được gì đâu. Bảo đảm với chư vị, không chứng được gì cả. Không chứng được nhưng mà ta được đi về Tây Phương là do lòng chí thành chí kính mà về Tây Phương đó. Nếu người nào mà còn chấp, thì nên nhớ cho, Niệm Phật Đường này quyết lòng đưa tiễn người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, không thể nhân nhượng một người nào hết… Tới đây thì giới luật phải nghiêm minh…

 

 

- Nhất định phải chân thành niệm Phật.

 

 

 

 

- Nhất định phải buông xả cố chấp ra.

 

 

 

 

- Buông xả được thì chúng ta cứu nhau mới được.

 

 

 

 

- Không buông xả thì chúng ta cứu nhau không được.

 

 

 

 

- Cứu nhau không được thì cảm tình với nhau để rồi ta bị đọa lạc! Ích lợi gì đâu?

 

 

Rõ ràng những cái chứng minh cụ thể, những cái tin tức đã đưa đến dồn dập... Khi khởi một tâm cống cao ngã mạn: Bị nạn! Khi tham chấp một cái gì: Bị nạn! Bỏ ra đi, dù nghiệp chướng tràn trề, thì A-Di-Đà Phật dạy, hãy thành tâm sám hối đi! Đã thành tâm sám hối thì làm sao mà có thể nói lỗi người? Từ bi, đại thiện, đại lành đi! Đã từ bi, đại thiện, đại lành thì làm sao có thể ghét người? Đơn giản như vậy. Buông ra, tâm ý buông ra, tự nhiên thoải mái. Chúng ta niệm câu A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật thề rằng làm được như vậy mà sau cùng niệm được mười câu Phật hiệu của Ngài, cầu về Tây Phương mà Ngài không đón về Tây Phương, Ngài thề không thành Phật. Đây chính là cái đầu mối để chúng ta thành công.

Mong cho chư vị nghe được những lời này nhất định tỉnh ngộ liền lập tức, quyết định thành tâm, chí thành chí kính, nương vào câu A-Di-Đà Phật.

Chúng tôi ở đây có phát hành công cứ niệm Phật, nhưng công cứ niệm Phật bắt buộc những người nào nhận công cứ có xác nhận là chịu buông xả hay chưa? Nếu chưa chịu buông xả mà làm công cứ đó thì vô ích, mà coi chừng bị vọng tưởng. Tại sao vậy? Hồi sáng đã nói rồi, nếu mà vọng tưởng nổi lên, “Ta” cho anh một cái đài để anh ngồi, anh ngồi trên cái đài, “Ta” rút cái chứng đắc ra, bên cái đài đó sẽ có một cái hố thiệt sâu… Đã sụp xuống đó rồi thì chư Phật mười phương cũng buông tay, không cách nào cứu được.

Vì vấn đề thành đạo giải thoát cho chính chúng ta, mong chư vị quyết lòng thành tâm, chí thành, chí thiết, khiêm nhường để nương nhau niệm Phật đi về Tây Phương trong một đời này.

Nam Mô A-Di-Đà Phật

 

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

 

 

 

(Tọa Đàm 4)

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật

Trong khoảng thời gian gần đây, có quá nhiều biến cố cũng khá trầm trọng chung quanh sự tu hành. Trong những ngày qua thì mình có nói qua cái vấn đề tu hành cần phải Khế Cơ - Khế Lý.

 

 

- Khế Lý là đúng với kinh Phật, đúng với lời Tổ.

 

 

 

 

- Khế Cơ là phải hợp với căn cơ của mình.

 

 

Sự-Lý viên dung mới có thể thành tựu. Nếu tu hành nhắm tới Khế Lý, tức là lý đạo suôn sẻ đúng với kinh Phật, nhưng mà quên chú ý đến căn cơ của mình, sẽ đưa đến kết quả hết sức phũ phàng và những hiện tượng mà mấy ngày trước chúng ta nêu ra là một chứng minh hết sức cụ thể, đã ảnh hưởng rất tai hại đến căn nhà Phật Giáo ở quê nhà. Thì hôm nay vì vấn đề liên quan đến Khế Cơ, và vì những biến cố đã đến dồn dập như vậy, ảnh hưởng rất lớn trong đường tu hành vãng sanh của chúng ta. Cho nên dành trong khoảng thời gian này, Diệu Âm xin mổ xẻ thêm những điều sơ suất rất là phổ thông, thay vì chúng ta tiếp tục mở các lời khai thị của ngài Tịnh-Không. Thật ra, đến ngày hôm nay thì lời khai thị cũng đã hết, đang tìm những lời khai thị mới, nhưng chưa kịp. Vấn đề Khế Cơ, nếu chúng ta không chú ý, cứ tưởng là dễ, sau cùng rồi có thể chúng ta hưởng lấy cái quả báo phũ phàng!...

Khế Cơ tức là nói về “Sự”, thì hộ niệm thật sự là đúng Cơ, đúng Căn, rất hợp Cơ, hợp Căn trong khoảng thời gian này và trong cái khả năng hạ căn phàm phu của chúng ta. Hộ niệm, như hôm trước mình nói, là một pháp tu, nó bao gồm cả TÍN-NGUYỆN-HẠNH. Thấy nó đơn giản như vậy, nhưng chúng ta phải biết: Tin... Tin cho đúng; Nguyện... Nguyện cho đúng; Hạnh... Hành cho đúng. Nếu chúng ta sơ ý chỉ cần sai lạc thì có thể phạm phải những lỗi lầm mà dẫn luôn tới kết quả là sau cùng chúng ta không được vãng sanh.

Ví dụ đơn giản như Nguyện, ai cũng biết ở đây là chư Tổ dạy, nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Trong kinh Phật dạy, nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc và ngày ngày chúng ta cộng tu với nhau cũng Nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ Trung.... Đơn giản, gọn gàng như vậy. Chư Tổ nói, một lòng tha thiết nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

 

 

- Nếu cái thân mạng của mình mà còn, tức là chưa hết, thì tự nhiên hết bệnh.

 

 

 

 

- Nếu cái thân mạng của mình nó đến thời hạn ra đi, nhờ lời nguyện này mà mình được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

 

 

Có nhiều người cũng niệm Phật, cũng nghe rất nhiều Pháp, có thể nghe nhiều hơn người ta nữa, nhưng khi có bệnh hiện ra, vô thường hình như đã gõ cửa(!)... Khi mình tới thăm thì vô tình mới biết rằng người đó đã phát nguyện sai! Thật là những điều làm cho mình giựt mình! Họ nguyện như thế nào?... “Ngày ngày tôi quỳ trước bàn thờ Phật, tôi tha thiết nguyện với Phật, xin Phật nếu mà cái thân bệnh này mãn thì cho con đi liền đi. Nếu chưa mãn thì xin cho con được hết bệnh để con niệm Phật. Tôi nguyện tha thiết hàng ngày như vậy, mà bây giờ tôi buồn rơi nước mắt! Tôi khóc… vì tại sao tôi tu nhiều như vậy mà bệnh vẫn đến với tôi?...”.

 

 

Quý vị nghe kỹ đến lời nguyện này, thật sự có phải là đúng hay không? Chư Tổ dạy là, nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, mình không chịu nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, lại lấy cái lời giải thích của các Ngài để làm thành lời nguyện của mình. Sai là sai chỗ này! Tại sao không nguyện rằng: Nam Mô A-Di-Đà Phật, xin Phật cho con về Tây Phương”, gọn gàng đơn giản, hợp lý. Mà lại nguyện: Nam Mô A-Di-Đà Phật, nếu cái thân bệnh của con mà hết thì cho con đi liền hôm nay cũng được. Nếu cái thân bệnh này mà còn, thì cho con được khỏe mạnh”...

 

 

Trong lúc nguyện như vậy có phải mình đang sợ cái bệnh mà mới nguyện như vậy không? Rồi khi bệnh xuống lại khóc. Tại sao khóc? Tại sao con niệm Phật như thế này mà bệnh cũng không hết? Có phải mình đang sợ cái bệnh không?

Cho nên khi đối diện tới một sự thật chúng ta mới thấy rõ vấn đề. Khai triển ra mình thấy sai như thế nào rồi! Khi phát hiện những chỗ này, nêu lên đây để chư vị chú ý cho kỹ. Trong rất nhiều những bài viết, những lần tọa đàm, nhất là khi đi hộ niệm, xin chư vị có thể tham gia ban hộ niệm và nghe cho kỹ những lời, gọi là lời hướng dẫn bệnh nhân… không bao giờ Diệu Âm nói những lời như vậy!

- Bác ơi quyết lòng nguyện vãng sanh nghe Bác, đi sớm ngày nào hay ngày đó nghe Bác… Không sợ! ... Nói rõ ràng:

 

 

- Ngày đêm niệm Phật, căn bệnh này nó đến kệ nó nghe Bác, đừng sợ. Nếu mà Bác sợ bệnh, nhất định cái bệnh nó sẽ bao vây lại, không cách nào thoát được. Đối với đời này khổ quá rồi! Bỏ luôn, không sợ nữa. Cứ một lòng niệm Phật rồi nguyện vãng sanh. Đi hôm nay cũng được. Khi nào A-Di-Đà Phật đến là đi liền. A-Di-Đà Phật hiện ra theo A-Di-Đà Phật mà đi, rồi sau đó chúng con tới hộ niệm sau.

 

 

Rõ ràng những lời nói mình thấy đơn giản, nhưng mà nhất định là chú tâm về nguyện vãng sanh. Chứ không phải là: “Bác ơi! Bác niệm Phật rồi năn nỉ với Phật nếu mà mạng này còn thì hết bệnh để an tâm niệm Phật, nếu mà mãn thì cho đi luôn”... Hoàn toàn hai ý nguyện này khác nhau. Lấy lời giải thích của Tổ thành lời nguyện chính của mình, trong khi nguyện chính là nguyện vãng sanh về Tây Phương mình lại không nguyện. Tu như vậy sau cùng nhiều người đã mất phần vãng sanh. Nếu quý vị đã nghe tọa đàm về hộ niệm, chắc chắn Diệu Âm đã đưa ra những cái mẫu mực của những người đã tu 36, 37 năm trường, kiết thất không biết bao nhiêu lần, tất cả những khóa Phật Thất Niệm Phật đều tham dự hết, nhưng sau cùng không được vãng sanh. Tại sao vậy? Là tại vì không có người nhắc nhở cho những điều sơ suất này. Người niệm Phật đã chìm đắm trong những lời nguyện sai lầm! Trong lúc nguyện vãng sanh thì họ sợ chết, họ đã nghĩ tới cái bệnh. Họ nguyện là: “Con niệm Phật như vậy quyết lòng xin Phật cho con được hết bệnh”.

Quý vị có nguyện như vậy không? Nhiều người có trong đó. Xin thưa rằng, chuyện Nhân-Quả của mình A-Di-Đà Phật không nhúng tay vào được. Tại vì có Nhân thì có Quả. Nhân ở đâu? Nhân trong vô lượng kiếp, nhân trong lúc chúng ta mê mờ làm những điều sai trái. Bây giờ mình tu có giỏi cho mấy, làm thiện nhiều cho mấy đi nữa thì cái nhân nó vẫn còn nguyên đó. Nhân lành thì hưởng quả lành, nhân ác thì bị quả ác. Nhân lành mà muốn hưởng quả lành thì cái tâm của ta phải duyên tới cái nhân lành đó, để cho cái nhân lành nó nở ra cái quả cho chúng ta hưởng. Trong lúc chúng ta tu là tạo nhân lành, nhân lành thì sẽ hưởng quả lành, nhưng cái tâm chúng ta lại sợ bệnh, tức là nó duyên tới những cái nhân bệnh, thì cái nhân bệnh nó sẽ hiện ra. Nếu một người giác ngộ, thì khi cái bệnh hiện tiền, chính đây là một bài pháp sống thực, giúp ta vẫn vui vẻ, thoải mái.

Nếu quý vị nghe, xem những băng đĩa Diệu Âm hộ niệm cho người ta. Người ta bệnh… người ta sắp chết... nhưng mình tới vẫn bắt tay, cười hè hè:

“Như vậy là Bác sướng, Bác được về trước tôi. Không sao! Bây giờ cái bệnh nó đau, nó càng đau chứng tỏ rằng mình sắp đi về Tây Phương rồi. Vui vẻ lên, sẵn sàng trả nghiệp đi, không sợ gì cả. Một lòng niệm Phật, càng đau càng niệm Phật, trông cho nó đau nhiều hơn nữa đi...”.

Chứ tôi không bao giờ nói rằng:

“Bác ơi! Bác niệm Phật... niệm Phật cho nó hết đau nghe Bác”.

Mình nói niệm Phật cho hết đau tức là gợi ý để người ta nghĩ đến chuyện đau đó, nhất định cơn đau này nó sẽ càng ngày càng tăng lên. Nó mới tăng có một nửa mà người ta cứ tưởng nó tăng đến một trăm lần! Cái tâm người ta đã chìm đắm trong cái nghiệp đó, chìm đắm trong cơn đau đó, nhất định người ta không còn cách nào thoát được cái ách nạn của bệnh khổ! Trong khi đó, xin thưa thật, chính phụ thân của Diệu Âm, là ông già của Diệu Âm, từ khi bệnh cho đến lúc vãng sanh, ông không bao giờ vô trong bệnh viện, mà nhiều khi mình muốn đưa ông vào bệnh viện, mình cảm thấy sợ ông bị đau, nhưng ông không vô là không vô. Cái lực của ông mạnh như vậy đó. Từ một người bình thường không có tu, khi biết tu rồi thì nhất định không đi. Trước những giờ phút tắt hơi, mười một ngày bí tiểu. Mình mà bí tiểu một ngày thôi, mình sẽ la làng la xóm! Ông ta bí tiểu mười một ngày?... Không cần. Ông nói bí tiểu thì đi về Tây Phương luôn. Thế mà mười một ngày ông ta vẫn cười hè hè trong tình trạng đó để ra đi. Cái năng lực này xin thưa thật, nếu mà ông cụ đó nguyện rằng: “Nam Mô A-Di-Đà Phật, xin cho con hết bệnh để con niệm Phật thì nhất định ông có thể bị đau lăn lộn từ trên giường xuống dưới giường và ông ta không thể nào an nhiên tự tại ra đi tại nhà, mà phải ra đi trong bệnh viện! Quý vị nghĩ thử, trong bệnh viện làm sao có thể hộ niệm được?...

Chính vì vậy mà bắt đầu từ hôm nay, sẵn trong dịp này, Diệu Âm sẽ cố gắng khai triển ra những điều sơ suất rất là phổ thông để chúng ta tránh. Nếu không tránh được thì coi chừng tu như thế này gọi là KHẾ LÝ, nhưng áp dụng thì không KHẾ CƠ, không hợp! Không hợp thì chúng ta có thể tự rước lấy những ách nạn, chứ đừng nghĩ rằng chúng ta niệm Phật nhiều như vậy là chắc chắn sẽ được vãng sanh, còn những người kia không niệm Phật thì không được. Coi chừng những người không niệm Phật đó, nhưng mà nhờ thiện căn phước đức của họ, đến giờ phút cuối cùng lại gặp những người tới khai thị. Được khai thị, họ phát lòng tin vững vàng, nói đâu nghe đó. Nói một nghe một, nói hai nghe hai, nói một làm một, nói hai làm hai, người ta vãng sanh. Còn mình thì tu nhiều quá(!), nhưng nói một không chịu làm, tưởng những điều này là đơn giản! Đứng trước bệnh nhân khai thị, tưởng là những lời này đơn giản! Đơn giản mà coi chừng mình thực hiện sai! Mình đi sai đường!...

 

 

Mong cho chư vị quyết tâm nhất định đừng bao giờ để một cái gì sơ suất, ta sẽ vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

 

 

 

(Tọa Đàm 5)

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Nhân tiện trong những giờ nói về tu hành cần phải “Khế Lý - Khế Cơ”, Diệu Âm xin nêu ra một vài điều sơ suất rất tế vi trong pháp tu niệm Phật mà kinh nghiệm đã gặp qua, từ sự sơ suất đó mà nhiều người đã không được vãng sanh một cách hết sức đáng tiếc! Nói đáng tiếc có nghĩa là đúng ra họ được vãng sanh, nhưng chỉ vì một sơ suất nhỏ, chú ý lắm mới thấy, không chú ý không thấy, nên cứ tưởng là đúng, nhưng sau cùng thì kết quả thực sự là hơi buồn!...

Hôm qua chúng ta có nhắc đến lời nguyện vãng sanh, là chúng ta phải đơn giản, gọn gàng:

 

 

- Nam Mô A-Di-Đà Phật con nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

 

 

 

 

- Con thèm vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

 

 

 

 

- Xin Phật cho con về Tây Phương Cực Lạc.

 

 

 

 

- Con muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

 

 

Nói sao nói, mình nói gọn như vậy cũng được, nhất là trước những giờ phút lâm chung xin đừng có nên dài dòng cái đuôi phía sau, nhiều khi chính cái đuôi đó nó lộ ra một cái gì sơ suất chính trong tâm chúng ta. Ví dụ như hôm qua, mình có nói một người đã nguyện: “Nam Mô A-Di-Đà Phật, nếu mà con số phần đã hết thì cho con vãng sanh liền, nếu mà số phần con chưa hết thì xin cho con hết bịnh để con tiếp tục tu hành.... Nghe qua thì thấy không có cái gì sai hết, tại vì người ta vẫn nguyện vãng sanh, nhưng thực ra cái tâm nguyện này là tâm nguyện sợ bịnh, mà nhiều khi còn sợ chết nữa trong đó! Thực ra thì chính những lời này là lời mà chư Tổ dùng để dặn dò những người không biết pháp môn niệm Phật. Ngài dặn như vậy để cho mình an tâm quyết lòng nguyện vãng sanh, mình vô tình lại bỏ lời nguyện vãng sanh mà đem cái lời giải thích của các Ngài thành lời nguyện, nên sức nguyện của mình không đủ mạnh, thành ra không có cảm ứng, không có tương ưng với đại nguyện, và sau cùng có thể mất phần vãng sanh một cách oan uổng!

Hôm nay, mình nói thêm một chút nữa về những điều tế vi trong lời nguyện. Có nhiều người khi bịnh xuống rồi thì phát nguyện như thế này:

- Nam Mô A-Di-Đà Phật, một đời con làm thiện làm lành, con quyết đi về Tây Phương để cứu độ chúng sanh. Hôm nay con bịnh quá cho nên niệm Phật không được, nguyện Phật thương tình cho con hết bịnh để con niệm Phật để về Tây Phương. Khi con hết bịnh rồi con phát nguyện con sẽ làm tất cả những việc thiện lành khác để giúp đỡ cho chúng sanh, còn ngày nào con làm việc thiện lành ngày đó.

Đại khái như vậy... Lời nguyện này nếu những người không hiểu đạo, nghe qua người ta thấy vĩ đại lắm. Nhưng thực ra lời nguyện này cũng đi lệch với pháp tu rồi. Tại vì chư Tổ thường hay dặn chúng ta: Nguyện là nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, không được nguyện hết bịnh. Các Ngài khuyến tấn chúng ta rõ rệt là cái thân bịnh này nhất định nó có định kỳ rồi. Nếu ta là một vị ở trên Tây Phương Cực Lạc giáng sanh xuống đây, tái lai xuống đây để làm đạo, chúng ta cũng giả đò bịnh, giả đò sao đó cũng được, thì các Ngài muốn nguyện sao nguyện, và các Ngài muốn đi thì đi, muốn về thì về. Thực ra nhiều khi các Ngài không cần nguyện nữa là khác. Các Ngài giáng sinh xuống đây thấy một chúng sanh khổ, các Ngài cứ lăn xả vào làm việc giúp đỡ chúng sanh, các Ngài không niệm Phật nữa, vì các Ngài là người đã ở trên cõi Tây Phương thị hiện xuống đó thôi. Còn chúng ta là một người hạ căn phàm phu, thì nghiệp chướng nhiều đời nhiều kiếp nó đã đúc kết đến đời này rồi. Cái thọ mạng này thực ra là để trả nghiệp. Mình sinh ra mình phải trả nghiệp 70 năm, nhất định cầu trước một năm, tức là 69 năm không được, tại vì mình phải trả cho đủ 70 năm. Khi thọ mạng đến rồi, trong khi phước báu của mình nhiều quá, mình cầu thêm nửa tháng nữa để hưởng cũng không được.

Thực sự như vậy. Đây là lời Tổ dạy, cho nên xin chư vị, chúng ta hãy an tâm về vấn đề sanh tử. Tại vì khi đi hộ niệm mình mới thấy rõ rệt điều này, có những người ngày đêm cầu chết: “Con đau quá rồi, cầu Phật, cầu trời, cầu miễu gì đó cho con chết”. Họ cầu chết từng ngày, từng giờ thế mà không chết. Ở tại quê của Diệu Âm có một bà Cụ, 99 tuổi, bà thèm chết đến nỗi bà làm một cái quan tài để tại đầu hè, bà trải chiếu trong cái quan tài và bà nằm trong cái quan tài đó để cho chết. Khi bịnh không ai dám tắm nước, còn bà thì khi bịnh bà lấy nước xối ướt hết áo quần, rồi đến nằm trong cái quan tài đó cho chết, thế mà không chết. Bà thọ trên 100 tuổi, không chết là không chết, không kiêng không cử gì hết, mà cứ nằm... nằm trong quan tài rồi đậy cái nắp lại một nửa, để ló cái lỗ chui vô vậy thôi. Trông chết mà không chết. Tại vì cái thọ mạng người ta nó có định rồi, không mắc mớ gì mà mình sợ hết.

Khi bịnh xuống, lời nguyện của mình nó xác định cái tâm nguyện vãng sanh của mình. “Nam Mô A-Di-Đà Phật, con một đời làm thiện làm lành, chắc chắn con muốn về Tây Phương với Phật, nhưng mà bây giờ đau quá xin Phật thương con cho con hết bịnh để con niệm Phật”. Rõ ràng mình đang nguyện hết bịnh. Chư Tổ dạy nếu mà mình nguyện hết bịnh thì cái bịnh của mình không hết, nhưng nếu lúc đó cái thọ mạng của mình hết thì vì lời nguyện hết bịnh, bắt buộc mình phải trôi theo thân bịnh này mà tiếp tục thọ sanh trong lục đạo luân hồi, không biết là cảnh giới nào. Nếu mình nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc một cách tha thiết, nếu cái thân mạng này hết hạn thì nhờ lời nguyện này mà cảm ứng với 48 đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật, mình được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nếu cái thọ mạng của mình chưa hết, có nghĩa là ba tháng nữa, năm tháng nữa, một năm nữa... thọ mạng mới hết, thì nhờ cái lòng tha thiết có đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh tự nhiên được chư Bồ-Tát gia trì, được thần lực của A-Di-Đà Phật gia trì, vì đây là một hành giả đã đủ Tín-Nguyện-Hạnh để đi về Tây Phương, thì tự nhiên cơn bịnh sẽ giảm, nó giảm một cách rõ rệt. Có rất nhiều người, Diệu Âm nói rõ ràng là rất nhiều người, đã có hiện tượng này. Lạ lắm! Có nhiều người đã hết bịnh một năm rồi ra đi, có nhiều người hai năm, có nhiều người ba năm, có nhiều người đến nay hiện tại bây giờ là gần sáu năm rồi, từ một bịnh ung thư chuẩn bị chết mà không chết. Có nhiều người bác sĩ đã khám, có ung thư khắp người, như vậy mà niệm Phật tự nhiên cũng khoảng mấy tháng sau thì thực sự không còn ung thư nữa. Lạ lắm chư vị!

Những điều này nói ra đối với khoa học người ta không tin, nhưng Diệu Âm tha thiết nói với chư vị, hãy tin đi, vững vàng tin đi, chắc chắn. Ví dụ như hồi chiều này có khoe mấy tấm hình cho anh Thiện Bình coi, tôi chỉ cho Thiện Bình về cô bác sĩ Vân Hương ở bên Đức, chính người thân của chị là người bị ung thư chuẩn bị chết. Chị là một người bác sĩ trị bệnh ung thư nhưng đành phải bó tay! Nhờ khuyên cô đó niệm Phật, quyết lòng buông xả, không cần gì nữa hết, niệm Phật bảy tháng sau thì tự nhiên bịnh ung thư không còn nữa. Lạ lùng! Hiện tại bây giờ vị đó vẫn còn sống và chính Diệu Âm có gặp trực tiếp được người bịnh đó. Quý vị thấy lạ lùng chưa? Không thể nào mà mình tưởng tượng ra được!

Cho nên khi bịnh xuống mà mình nguyện cầu cho hết bịnh, với lời nguyện này mình tưởng rằng mình tha thiết đi về Tây Phương, nhưng thực ra nó đã dấu cái tâm sợ chết trong đó. Hay nói rõ hơn, mình giả đò nguyện vãng sanh, chứ thực ra mình sợ chết. Chư Tổ nói, đã sợ chết thì nhất định không thể vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Những người có phước báu, những người có tiền bạc thường là người sợ chết. Còn những người khổ khổ một chút, người ta thấy đời này quá khổ, nên không tha thiết nữa. Vì không tha thiết nữa, nên trước những cơn đau họ thèm vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Sự thèm muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, sự nguyện cầu vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc quá mạnh, nó mạnh đến nỗi mà họ quên mất cái đau luôn...

Hôm qua chúng tôi nêu ra một trường hợp như chính phụ thân của Diệu Âm. Là một người bị bịnh, hai vị bác sĩ đứng nhìn thấy một hiện tượng lạ mà phải ngỡ ngàng! Những hiện tượng này nếu ở trong bệnh viện, họ phải chích cái thuốc giảm đau cực mạnh, nếu không thì ông Cụ đau đớn phải lăn lộn từ trên giường lăn xuống đất. Thế mà ông Cụ cười hè hè. Mà đặc biệt nữa, là ông Cụ quyết định không chịu đi vào bệnh viện. Không chịu đi! Nói đi về Tây Phương thì đi chứ đi nhà thương thì không đi. Ông Cụ cười hè hè cho đến khoảng chừng mười, mười lăm phút trước khi ra đi là hết cười nữa rồi, rồi ra đi.

Quý vị hãy coi cái phim của bà Nguyễn Thị Cúc ở Gia-Lai, tám năm nằm trên giường bệnh, hộ niệm mười ngày tỉnh dậy, tỉnh dậy rồi nhưng ngồi dậy không được mà nằm trên giường, chắp tay bái: “A-Di-Đà Phật cho con về Tây Phương”. Bà tha thiết đi về Tây Phương. “Nam Mô A-Di-Đà Phật cho con về Tây Phương”. Chỉ vậy mà thôi, bà Cụ đã biết được giờ vãng sanh. Vì sao vậy? Vì trong những giờ phút trước khi xả bỏ báo thân cái tâm nguyện của Cụ quá mạnh, nó mạnh đến nỗi cảm ứng đến 48 lời nguyện của đức A-Di-Đà mà được vãng sanh. Quý vị coi bà Phan Thị Diệu Anh, người ta xúi giục bà, người ta củng cố tinh thần bà, khuyến tấn bà đến nỗi trước giờ chết bà nói, “Bây giờ tôi mừng quá rồi, tôi muốn nhảy, tôi nhảy múa”. Có nhảy được không? Nhảy mà mấy người chung quanh sợ bà té. Nhờ nỗi vui mừng đó, cộng thêm sự thèm muốn đi về Tây Phương, quyết đi về Tây Phương, bà quên hết tất cả, cơn đau cũng quên luôn, không còn nữa. Nói về tâm lý cũng đúng, mà nói Phật lực gia trì thì thật sự là có. Không phải dễ!...

Còn trước những giờ phút đó mà ta nói “Nam Mô A-Di-Đà Phật, con tu nhiều quá rồi, sao Phật không cho con hết bịnh để con niệm Phật cho nhất tâm để con về Tây Phương...” Đó là cái tâm sợ chết! Đó là lời nguyện sợ bịnh! Nguyện hết bịnh thành ra mất phần vãng sanh. Có rất nhiều cuộn phim vãng sanh, quý vị coi lại những phim vãng sanh rồi, thấy đó mình mới hiểu rằng, được vãng sanh hay không đều nằm trong giây phút này.

Chúng ta nói ở đây là trong lúc chúng ta còn tỉnh táo chứ không phải nói trong lúc chúng ta lâm chung. Nếu không chuẩn bị ngay bây giờ, chưa chắc gì khi lâm chung tinh thần của chúng ta mạnh bằng những người đó. Trong khi những người đó lại tu ít hơn ta, mà người ta thì có tinh thần mạnh hơn ta. Tại sao ta lại thua họ?

Không chịu vững mạnh ngay từ bây giờ, cứ chờ đến giờ phút lâm chung tưởng rằng ta ngon hơn sao? Nhưng mà coi chừng tinh thần chúng ta hình như yếu hơn đó. Vì yếu hơn nên oan gia trái chủ cũng có những đòn thế dành cho những người tu hành với tâm không vững!... Sau cùng vướng nạn là tại vì vậy.

Mong tất cả chư vị quyết lòng nguyện vãng sanh. Rõ ràng! Minh bạch! Đừng ngại, đừng ngùng gì nữa cả, chắc chắn chúng ta được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xem mục lục