Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục



171. Có gì mà hoang mang

"Vòng kinh của cháu không đều, tháng thì 32, tháng thì 42, 45 ngày. Cách đây vài tháng, cháu mắc một căn bệnh rất đáng sợ: mỗi lần hành kinh là ra 1-2 cục như miếng thịt. Cháu rất hoang mang, mặc dù cô bác sĩ khám cháu bảo cứ yên tâm".

Bình thường, vòng kinh là 28 ngày. Từ ngày thứ nhất (tức là ngày bắt đầu thấy tháng), cùng với sự lớn lên của một noãn nào đó nơi buồng trứng, niêm mạc tử cung cũng dày dần lên, các mạch máu li ti trong đó rộng ra, chứa nhiều máu hơn. Đến ngày thứ 14 là đủ điều kiện đón nhận trứng đã thụ tinh tới làm tổ. Giai đoạn này thường chỉ 14 ngày, nói chung không thay đổi ở mọi cá thể.

Nếu trứng không tới, máu tích tụ nơi tử cung sẽ biến chất dần, niêm mạc căng mọng của tử cung sẽ giảm dần kích thước và đến ngày thứ 28 sẽ bong ra: người nữ bắt đầu có kinh. Máu kinh nguyệt có lẫn những mảnh niêm mạc bong ra, nhưng thường không phân biệt được vì mảnh nhỏ. Trái lại, một số người (nhất là người có vòng kinh kéo dài) thấy từng mảng niêm mạc khá to, giống "những cục thịt" như cháu nói.

Cô bác sĩ khuyên cháu yên tâm là đúng, vì điều đó cũng bình thường. Tuy nhiên, cháu nên khám một bác sĩ phụ sản giỏi để điều chỉnh lại vòng kinh cho đều đặn để sau này, khi lập gia đình, có thể thụ thai theo kế hoạch. Một số chị em dùng cao ích mẫu thấy có kết quả, cháu thử dùng xem.

172. Thống kinh và "huyết trắng"

"Em có kinh từ khi 12 tuổi, chu kỳ 28 hoặc 30 ngày, máu màu đỏ, sau 4 ngày là hết. Tuy nhiên, hễ sắp có kinh là em đau bụng dữ dội, dùng thuốc uống giảm đau chỉ đỡ chứ không hết hẳn. Khoảng hơn một tuần trước ngày hành kinh, em bị ra huyết trắng rất nhiều. Xin sớm cho em một lời khuyên trước khi xây dựng gia đình (em chưa sinh hoạt tình dục lần nào)".

Chu kỳ và số ngày hành kinh của em như vậy là tốt. Về chứng thống kinh, em có thể tự chữa lấy theo cách sau: Trước ngày hành kinh khoảng 48 giờ, cần ngâm từ rốn trở xuống vào nước ấm già (cho tay vào thử thấy khá nóng là được) mỗi ngày hai lần, mỗi lần 20-30 phút. Dùng một chậu to và sâu, đặt hẳn hai mông vào thoải mái, thấy nước hơi nguội phải thận trọng thêm nước nóng vào.

Nếu cần, em có thể uống 1-2 viên Panadol 500 mg/ngày.

Chắc em không bị chứng huyết trắng đâu. Nhiều khả năng em thuộc loại người có nhiều dịch tiết ở đường sinh dục. Dịch này được tiết ra nhiều nhất vào ngày giữa kỳ kinh, sạch, khá trong, có mùi đặc trưng nhưng không hôi, không gây khó chịu như trong bệnh khí hư. Tuy nhiên, đây chỉ là "chẩn đoán từ xa", lại dựa trên những tư liệu thiếu chi tiết. Để yên tâm, trước khi về nhà chồng, em nên đi khám tại một cơ sở phụ khoa.

173. Kinh nguyệt hai tháng một lần

"Cháu 14 tuổi, 8 tháng trước thấy kinh lần đầu, đến nay cứ 2 tháng có một lần, mỗi lẫn khoảng 4 ngày. Cháu ghê lắm. Có cách nào rút ngắn ngày có kinh và làm cho lượng kinh ít hơn không?".

Có kinh trong 4 ngày là tốt, nhưng 2 tháng mới hành kinh một lần thì chưa đủ; chu kỳ lý tưởng là 28 ngày. Nhưng cháu đừng lo, mới đầu thế là rốt rồi, dần dà cháu sẽ đạt được mức lý tưởng. Không nên vì "ghê" mà tìm cách "sửa chữa" quy luật của tạo hóa.

174. Kiêng chua, kiêng ngọt khi hành kinh

"Có phải khi hành kinh thì không nên ăn của ngọt và của chua không?".

Hành kinh là hiện tượng một lượng máu đã được tích tụ từ trước trong niêm mạc tử cung chảy thoát ra ngoài do không có hiện tượng thụ thai. Thực ra máu đó đã tập trung ở tử cung trước khi hành kinh 14 ngày rồi! Ngày hành kinh, bạn nữ thấy khó chịu vì "nó thế nào ấy", chứ có mệt do mất thêm máu đâu.

Điều quan trọng nhất là giữ gìn vệ sinh vì tế bào tử cung đang rụng hàng loạt, dễ gây viêm nhiễm. Còn chuyện ăn uống xin chị em cứ thoải mái.

175. Đứng lên ngồi xuống bị chóng mặt

"Cháu học lớp 11. Sau những hôm thức khuya, mắt cháu bị cứng và nhức; khi đọc nhiều cũng thế. Cháu có kinh từ năm 14 tuổi, một năm nay cứ 20 ngày lại có kinh một lần, liệu có sao không? Đôi lúc cháu thấy đau nhói ở tim, khi xúc động cảm thấy tức ngực và nghẹt thở, đứng lên ngồi xuống chóng mặt, liệu đây có phải là bệnh tim không?".

Vòng kinh thông thường là 28 ngày; của cháu 20 ngày là ngắn. Tình hình này có thể làm cho cháu bị thiếu máu, khi đang ngồi nếu đứng lên đột ngột sẽ thấy chóng mặt. Khi có điều kiện, cháu nên tìm đến một bác sĩ phụ khoa giàu kinh nghiệm để họ giúp cháu sớm đạt được vòng kinh 28 ngày.

Hiện tượng đau nhói trước ngực hoặc một vùng nào đó thường xảy ra ở độ tuổi mới lớn, sau này sẽ hết, đừng quá lo lắng. Tư thế ngồi xổm bó gối trước ngực là kiểu ngồi thiếu khoa học, không lợi cho việc lưu thông máu ở chi dưới (có lẽ chỉ có chúng mình và một số rất ít dân tộc khác là ngồi theo kiểu độc đáo này thôi, người phương Tây dùng hố xí bệt là vì họ không có thói quen ngồi xổm. Nếu phải ngồi thấp, cháu nên dùng ghế thấp.

Nên tránh thức khuya, phải ngủ đủ 7-8 giờ vàng ngọc, trong đó bắt buộc phải có ít nhất 15-30 phút ngủ trưa. Khi đọc sách, muốn không nhức đầu thì đừng cúi đầu; đầu phải thẳng, thậm chí hơi ngửa ra sau và duỗi chân càng tốt (người phương Tây thích ngồi sa lông, dựa cổ thoải mái vào nệm thế) hoặc nằm lên võng mà đọc.

Tất nhiên, nếu có vị bác sĩ nào đó giàu kinh nghiệm kiểm tra tim cho cháu thì càng tốt.

176. Chưa có kinh

"Cháu đã 19 tuổi mà vẫn chưa có kinh nguyệt. Cháu tự mua thuốc viên để uống nhưng không kết quả".

Cháu không nói chi tiết về sự phát triển cơ thể của cháu cho nên tôi chỉ phỏng đoán thôi. Cháu có thể thuộc một trong hai tình huống sau đây:

- Có vấn đề thuộc nội tiết, hoạt động của tuyến yên bị trục trặc. Trong trường hợp này, bộ máy sinh dục kém phát triển (buồng trứng hoạt động yếu, tử cung bé, vú không nở, không có kinh nguyệt). Điều trị: Kích thích hoạt động của tuyến yên, đồng thời dùng thuốc để có vòng kinh nhân tạo.

- Lâu nay cháu vẫn "có kinh", nhưng do màng trinh của cháu không có lỗ thoát nên toàn bộ máu kinh tích tụ trong âm đạo, lâu dần thành một bọc lớn, khiến người khác có thể nhầm là mang bầu. Khi khám, bác sĩ phát hiện màng trinh căng phồng, không có lỗ, ấn vào có cảm giác chất dịch ứ bên trong. Trong trường hợp này, cơ thể vẫn phát triển tốt. Để điều trị, chỉ cần rạch màng trinh cho máu kinh chảy ra.

Trong cả hai trường hợp, cháu đều phải nhờ cậy một bác sĩ phụ sản giỏi giúp đỡ, không dùng thuốc tùy tiện vì rất nguy hiểm.

177. Có vá lại được không

"Năm 15 tuổi, cháu bị bọn xấu cướp đi đời con gái. Nay đến tuổi lấy chồng, cháu không muốn mình là con gái mất trinh. Nghe nói y học có thể mổ vá lại màng trinh. Việc phẫu thuật có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và đường con cái sau này không, và nơi mổ nào đáng tin cậy nhất?".

Cách đây khoảng 10 năm, tôi có đọc một truyện ngắn với nội dung tóm tắt như sau: Nàng Tố Trinh xinh đẹp đã nghĩ ra cách vá màng trinh để làm cho các chàng trai tưởng nàng còn trinh nguyên. Vá đi vá lại quá nhiều lần, mắt nàng kém dần, cuối cùng nàng chọc nhầm kim vào một huyệt hiểm và chết".

Chắc ai đó đọc truyện này và tưởng thật, đã nói lại với cháu; hoặc giả có người nào nói tào lao cho vui thôi, đừng tin. Tú Bà trong Truyện Kiều bắt nàng bôi "nước vỏ lựu, máu mào gà", đó chẳng qua chỉ là cách tự trấn an. Phẫu thuật hiện đại có thể làm giả "cái đó", có thể rất giống về hình thù, nhưng không tài nào phục hồi nguyên xi cái màng có chất liệu đặc biệt này.

Trường hợp của cháu có gì nghiêm trọng đâu mà phải che giấu. Tốt nhất là sống lạc quan, đến khi gặp ai muốn tìm hiểu thì nói rõ cho người ấy biết, nếu họ xa lánh cháu thì quả họ là con người cổ hủ, kém xa chàng Kim trong tác phẩm nói trên của Nguyễn Du.

178. Khi hành kinh có nên tắm gội?

"Mẹ cháu thường khuyên là khi hành kinh không được ăn chua, uống nước đá, đặc biệt không được tắm hoặc gội đầu, nếu không nghe mẹ thì có ngày mắc bệnh điên. Cháu cứ muốn tắm rửa mà sợ quá!".

Chắc mẹ cháu sợ con gái cảm lạnh, nhưng những điều cấm kỵ cụ thể mà cụ đưa ra là không khoa học. Cháu cứ tắm gội, nhưng không nên tắm lâu, kể cả khi trời nóng nực. Nếu ăn chua và uống nước đá thì cũng vừa phải thôi (kể cả những ngày "không có vấn đề") kẻo bị bệnh đường ruột.

Trong thời gian hành kinh, thành của dạ con ở trong trạng thái "bỏ ngỏ", dễ bị viêm nhiễm hơn. Vì vậy, phải tránh lội nước ngập bẹn, nhất là nước bùn, nước bẩn. Lúc này, cơ thể cũng kém khỏe khoắn hơn, dễ bị cảm lạnh, say nắng. Vì vậy, phải giữ ấm về mùa đông, không dãi nắng hè khi không đội mũ nón.

179. Dùng nịt vú có hại không?

"Người cháu hơi đẫy, nhất là sau khi sinh. Cháu phải thường xuyên đeo nịt vú cho người nom thon bớt. Gần đây nghe phong thanh là nịt vú gây thư vú, cháu sợ quá!".

Không nên lo sợ một cách quá đáng, nhưng cháu cần biết một điều như sau: Qua thống kê trên 5.000 chị em, các nhà khoa học Mỹ nhận thấy, nguy cơ thư vú ở những chị em đeo nịt vú liên tục 12 tiếng mỗi ngày cao gấp 20 lần; ở những chị em đeo suốt cả ngày cao hơn 100 lần so với những người ít dùng hoặc không dùng nịt vú. Do đó, chị em không nên dùng nịt vú quá 12 tiếng mỗi ngày, và tránh những nịt vú quá chật.

Trường hợp của cháu, khi bé thôi bú, cháu nên cân lại thể trọng để bắt đầu theo dõi, rồi thực hiện một chế độ ăn hợp lý (nghèo calo, nhiều rau và trái cây), thường xuyên đi bộ hay thể dục mềm dẻo. Nên chú ý vùng ngực (quay tròn vai - cánh tay) và vùng eo - mông (lắc vòng). Không ngủ quá 7 giờ/ngày; tự rèn luyện để luôn nhanh nhẹn, hoạt bát (để tiêu tốn thêm calo).

Cháu có thể tiếp tục dùng nịt vú, nhưng phải giảm thời gian sử dụng, càng ít đeo càng tốt, và dùng loại long lỏng thôi.

180. Có nên lắc vòng đều đều?

"Cùng với việc tập thể dục đều đặn, bạn cháu và cháu lắc vòng vào buổi sáng và chiều, mỗi lần 30 phút. Gần đây, nghe người ta nói lắc vòng sẽ không có con, chúng cháu sợ quá. Xin cho biết sự thật ra sao? Liệu lắc vòng có làm trụt ruột?".

"Người ta" là ai vậy? Chắc chắn không phải sách báo, đài phát thanh hoặc truyền hình rồi. Các cháu chớ nhẹ dạ mà tin những người "nói đại, nói dại" kiểu đó. Cứ yên trí lắc vòng đều đặn, các cháu sẽ có vòng eo tuyệt vời đấy. Và nên kết hợp với động tác thở sâu để tăng lượng không khí lưu thông qua phổi, giúp cho lồng ngực cân đối, nở nang.

Trong y học không thấy có bệnh gì gọi là bệnh "trụt ruột". Chỉ có bệnh sa niêm mạc trực tràng (lòi dom), thoát vị bẹn (ruột chui qua một vài chỗ yếu nơi thành bụng ở bẹn), thoát vị rốn (ruột chui qua điểm yếu vùng rốn, thường gặp ở trẻ sơ sinh)... Những bệnh kể trên không phải là hậu quả của việc lắc vòng.

Xem mục lục