Bản văn dưới đây về Đại Thủ Ấn — thường gọi là Mahamudra, còn gọi là Phyag-gGya Chhen-Po — do vị đạo sư Ấn Độ Maitripa soạn thảo, và được truyền dạy trực tiếp cho Marpa, và từ Marpa truyền dạy cho Milarepa. Pháp môn Đại Thủ Ấn mặc dù được trao truyền và gắn liền với phái Hồng Mạo (Kargyudpa), nhưng vẫn được học và tu tập bởi chư tăng các tông phái khác của Phật Giáo Tây Tạng. Chữ "Đại Thủ Ấn" có nhiều nghĩa, có khi còn gọi là Đại Biểu Tượng, nhưng nghĩa trực tiếp nhất chính là một trực nhận về thế giới và từ đây học nhân sử dụng như một bảo ấn lớn để hợp nhất niết bàn và sinh tử — ngắn gọn, đó là trực nhận được Tánh Bất Nhị của vạn pháp. Đại Thủ Ấn, trong nghĩa trên, chính là một pháp đốn ngộ. Bản Việt dịch của Nguyên Giác dựa theo bản Anh dịch của James Low trong cuốn Simply Being: Texts in the Dzogchen Tradition, nhà xuất bản Vajra Press, London, 1998.
Thánh Sư Marpa, 1012-1097, là một đạo sư nổi tiếng miền Nam Tây Tạng, còn được gọi là Dịch Giả. Với ba chuyến đi Ấn Độ và bốn chuyến đi Nepal, ngài mang về Tây Tạng nhiều giáo pháp, trong đó nổi bật nhất là Đại Thủ Ấn. Marpa là thầy của Milarepa. Marpa còn được nhìn như là điển hình lý tưởng của trường hợp người tu có vợ con, vừa thành tựu Thánh Pháp vừa lo những trách nhiệm trần gian. Lần đầu tới Ấn Độ, Marpa gặp Thánh Sư Naropa và theo học suốt 16 năm. Theo lịch sử, Marpa theo học tất cả là 108 vị Thầy, nhưng hai vị Thầy chính yếu là Naropa và Maitripa. Trở về Tây Tạng, Marpa dịch các bản văn mang về ra tiếng Tây Tạng, sống đời của một nông dân và có nhiều con với vợ là Dagmema. Lần thứ nhì từ Ấn về, Marpa nhận Milarepa (1025-11235) làm học trò sau khi đã thử thách thật gian nan người đệ tử mới này. Lần thứ ba đi Ấn, Marpa gặp Thánh Sư Atisha (980/90-1055) và gặp lại bổn sư Naropa lần cuối. Marpa đã tiên tri ra việc tông phái Hồng Mạo sẽ phát triển mạnh mẽ ở Tây Tạng, trong đó Milarepa đóng một vai trò rất lớn. Các sách về cuộc đời Milarepa đã được dịch ra Việt ngữ nhiều lần. Bản văn dưới đây được ghi là của Ngài Maitripa truyền trực tiếp cho Marpa.
Nội dung bản văn rất ngắn gọn, yêu cầu học nhân trực nhận Tánh Bất Nhị của vạn pháp và từ đây xa lìa mọi nỗ lực, cứ tự nhiên để tâm an trụ trong cái nhìn Bất Nhị này. Khi dòng sông niệm đứng lại, thì ý nghĩa hiện ra. Và tất cả mọi hành động và nỗ lực thiền định đều không cần thiết, bởi vì Tánh Thực của vạn pháp lúc nào cũng là Vô Tự Tánh.
(BẢN VĂN BẮT ĐẦU)
Hãy đảnh lễ trong tâm thức hoan lạc hoàn toàn, ta sẽ nói cho ngươi về dấu ấn lớn.
Tất cả những gì khả thể chỉ thực sự là tâm của ngươi — đi tìm sự thực ngoài tâm chỉ là việc làm của tri thức rối loạn. Tất cả những hiện tướng đều chủ yếu trống rỗng như một giấc mơ. Và tâm cũng chỉ là chuyển động của trí nhớ và ý tưởng. Với không tự tánh nào trong đó, nó thì như năng lực của ngọn gió; và trống rỗng trong cốt tủy, nó thì hệt như hư không.
Tất cả những gì khả thể đều cư trú trong bình đẳng, hệt như hư không — như vậy, ta nói về dấu ấn lớn.
Tự tánh của ngươi không có thể phô diễn được, và cũng vậy tánh thật của tâm không hề rời xa hay chuyển đổi trạng thái thật của dấu ấn lớn. Nếu ngươi có thể chứng ngộ chân thật điều này, thì tất cả mọi hiện tướng đều trở thành dấu ấn lớn. Đây là trạng thái tự nhiên bao trùm toàn khắp.
Hãy thoải mái trong trạng thái tự nhiên không nỗ lực của ngươi. Đây là trạng thái tự nhiên vô niệm. Thiền pháp này tự cư trú trong chính nó, không cần tìm kiếm gì khác. Loại Thiền pháp nào mà đi tìm kiếm thì chỉ là việc làm của tri thức rối loạn. Y hệt như hư không hay một ảo ảnh huyễn thuật, khi vắng bặt cả thiền định lẫn phi thiền định thì làm sao ngươi nói về chia cách hay không chia cách?
Với những Thiền giả nào có hiểu biết này, tất cả mọi hành động đức hạnh và tội lỗi đều được giải thoát bởi trực nhận về thực tại này. Tất cả mọi tổn thương tinh thần đều trở thành việc nhận biết thuần khiết, lớn lao, và tới như người bạn của Thiền giả, y hệt như ngọn lửa cháy lan suốt cánh rừng. Vậy thì làm sao chúng ta nói gì về chuyện ra đi hay ở lại?
Bất kể là ngươi có ổn định tâm ngươi bao nhiêu tại một nơi vắng lặng, nếu ngươi không trực nhận chân lý này, ngươi sẽ không giải thoát được ra khỏi các trạng thái chỉ là manh mún đó. Nhưng nếu ngươi kinh nghiệm sự thực này, rồi thì có gì có thể ràng buộc được ngươi?
Khi ngươi an trụ một cách không chao động trong trạng thái này, sẽ không còn cần tới bất cứ loại thiền định được cấu trúc nào cho thân và khẩu của ngươi. Cho dù ngươi có vào được trong cái gọi là hợp nhất chân thật hay không, sẽ không còn cần tới nỗ lực thiền định liên hệ tới các pháp đối trị. Không cố tâm muốn thành tựu bất kỳ chi cả, bất cứ những gì khởi lên sẽ được trực nhận là không ngay trong tự tánh. Tất cả những hiện tướng đang tự giải thoát trong chiều kích mở rộng này, và tất cả các niệm đều tự giải thoát ở trong (và tự thân như là) cái nhận biết thuần khiết lớn lao. Đây là tính bình đẳng hoàn toàn bất nhị của trạng thái tự nhiên. Y hệt như dòng chảy của một sông lớn, ý nghĩa chân thực sẽ hiện ra với ngươi bất cứ khi nào ngươi đứng lại. Đây là trạng thái của cảnh giới Phật đang diễn tiến, cái hạnh phúc lớn lao được giải thoát khỏi tất cả các pháp sinh tử.
Tất cả các hiện tượng tự chúng đều trống rỗng một cách tự nhiên, và cái trí tuệ nhận diện cái rỗng không đó sẽ được thanh tịnh ngay trong vị trí riêng của nó. Xa lìa tất cả những kiến giải hóa, sẽ không còn liên hệ nào tới các hoạt động tâm thức nữa. Đây là con đường của tất cả các vị Phật.
Đối với những người thật sự may mắn, ta soạn ra bản văn này để tóm lược tất cả các lời dạy của ta. Nhờ vào đây, nguyện cho tất cả chúng sinh an trụ trong dấu ấn lớn.
Tới đây là hết bài giảng của Maitripa về Đại Thủ Ấn.
Bản văn được truyền trực tiếp từ Thánh Sư đó, và được dịch sang tiếng Tây Tạng bởi dịch giả Tây Tạng Marpa Chokyi Lodro