Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

8. VẤN NẠN SAI BIỆT

Hữu danh vấn :

Nếu đã tuyệt chỗ suy lường nơi Niết Bàn thì siêu xuất ngoài lục căn và lục trần, chẳng ra ngoài, chẳng ở trong mà huyền đạo độc tồn; thế thì cái đạo cứu cánh lý cùng, tánh tận, nhiệm mầu hợp một, chẳng có sai biệt là lẽ dĩ nhiên rồi. Mà Kinh Phóng Quang nói : "Đạo pháp của tam thừa đều vì vô vi mà có sai biệt".

Phật nói : "Xưa kia lúc tôi làm Bồ Tát tên là Nho Đồng, đã nhập Niết Bàn thời Nhiên Đăng Phật; lúc ấy Nho Đồng Bồ Tát mới chứng được vô sanh pháp nhẫn nơi thất địa, cần phải tiến thêm ba cấp mới chứng thập địa".

Nếu Niết Bàn là một thì chẳng nên có ba, nếu đã có ba thì chẳng phải cứu cánh. Đã nói là đạo cứu cánh mà lại có sự cao thấp chẳng đồng, theo sự thuyết pháp khác biệt trong các kinh, phải lấy cái nào làm trung đạo?

9. GIẢI ĐÁP SAI BIỆT

Vô Danh đáp :

Chánh lý của đạo cứu cánh chẳng có sai biệt. Kinh Pháp Hoa nói : "Đệ nhất đại đạo chẳng có hai chánh lý, ta vì những kẻ giải đãi mà kiến lập phương tiện, ở nơi đạo pháp nhất thừa mà phân ra nói thành ba". Cũng như lời thí dụ "ra khỏi căn nhà lửa được ba thứ xe" tức là lý này vậy.

Vì đều được ra ngoài sanh tử nên cùng gọi là vô vi, vì loại xe (thừa) chẳng đồng nên có ba tên, nếu trở về nguồn gốc thì chỉ là một thôi.

Lời vấn nạn rằng "Cái đạo tam thừa đều vì vô vi mà có sự chứng sai biệt". Ấy là do người có ba mới thành ra ba loại nơi vô vi, chẳng phải vô vi có ba loại.

Nên Kinh Phóng Quang nói : "Niết Bàn có sai biệt ư? Đáp rằng :

không sai biệt". Chỉ vì Như Lai tập khí phiền não đều tận, Thanh Văn tập khí chưa sạch mà thôi.

Nay lấy thí dụ sau đây để dụ cho ý chỉ xa xôi : Như người chặt cây, chặt đi một thước thì mất hết một thước, chặt đi một tấc thì mất đi một tấc, dài ngắn do nơi thước tấc chẳng do nơi sự mất vậy.

Muôn điều sai biệt của chúng sanh là do lục căn lục thức của chúng sanh chẳng đồng, nên sự chiếu soi của trí huệ có sâu cạn, đức hạnh có lớn nhỏ, nên Tam thừa cao thấp chẳng đồng mà đều được đến bờ bên kia. Bờ bên kia đâu có khác biệt, do người đi tự thành ra khác biệt mà thôi. Thế nên việc tùy cơ thuyết pháp của các kinh có sai biệt mà ý chỉ chẳng có trái nhau vậy.

10. TRÁCH SỰ KHÁC BIỆT

Hữu danh vấn :

Cùng ra nhà lửa thì sự lìa tai họa là một, đồng ra khỏi sanh tử thì vô vi cũng là một. Mà lại nói : "Bờ bên kia chẳng khác, do người tự thành ra khác". Bờ bên kia tức là vô vi, người tức là kẻ chứng vô vi, xin hỏi "người và vô vi là một hay là khác"?

Nếu người tức là vô vi, vô vi tức là người thì chẳng nên nói vô vi chẳng khác, do người tự thành ra khác. Nếu người khác với vô vi thì người chẳng phải vô vi, vô vi tự là vô vi, người tự thường là hữu vi, thì cái lý "âm thầm dung hợp" lại mắc kẹt mà chẳng thông. Thế thì, người với vô vi nếu là một thì cũng chẳng phải là ba (Tam thừa), nếu khác cũng chẳng phải là ba, vậy cái tên "Tam thừa" do đâu mà sanh khởi?

Xem mục lục