Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

III

VÔ TRÍ VÀ KHAM NHẪN 

Sự kiện quan trọng đối với kinh nghiệm tôn giáo, cần phải ghi nhận nơi đây. Là nó ráo riết đòi hỏi kẻ tìm kiếm Thượng Đế hay chân lý vứt bỏ tất cả kiến thức và học thuật mà y thâu lượm được. Dù là Kitô hữu hay Phật tử, dù là Tịnh độ hay Thánh đạo, sự đòi hỏi ráo riết ấy đều quan trọng ngang nhau.

Điều hiển nhiên là kinh nghiệm tôn giáo tuyệt đối tương phản với kiến thức của trí khôn, vì học thuật và đa văn không bảo đảm người ta thành một phần tử của nước Chúa, nhưng “giống như trẻ thơ” không những chỉ do sự khiêm tốn của tâm hồn mà còn là sự đơn thuần của tư tưởng. Những màu sắc của tính khoa đại, ngã mạn, tự ái, với danh nghĩa những sự trung chính của con người, quả thực chúng “giống như một trang phục hoen ố” mà mỗi chúng ta phải cỡi bỏ; nhưng tại sao sử dụng trí khôn cũng cần phải xa lánh? Tâm hồn có thể mong cầu sự cô liêu và im lặng, nhưng tại sao việc tụng đọc kinh sách không ngót sinh ra chán ngán? Tại sao đức Jésus cảm ơn đức Chúa Cha che giấu các hiền triết và hiền minh “những sự này” và khỏi thị chúng cho các con trẻ[26], vốn không đủ sức suy tư chín chắn và lý luận tinh tế?”

Thánh St. Bonaventura dạy chúng ta “đừng dựng thành một quan niệm về bất cứ sự gì, cả đến Chúa, bởi vì bằng lòng với những biểu tượng, hình ảnh, và định nghĩa không phải là điều hoàn hảo, dù chúng có tinh vi khéo léo, dù đó là ý chí hay lẽ thiện, tam vị hay nhất vị, dù chính cả bản chất linh thánh cũng không.”[27]

Thánh St. Augustin độc thoại: “Lạy Chúa, con đã lang thang, như một con lừa lạc lõng, tìm kiếm Ngài ở bên ngoài với lý luận thao thức trong khi ngài ở bên trong con. Con đã quá mệt mỏi đeo đuổi ngài ở bên ngoài, nhưng ngài lại ở bên trong con, nếu con chỉ mong mỏi Ngài và khao khát Ngài. Con đi vòng quanh những đường, những phố của thị thành trong thế gian này đế tìm kiếm ngài, nhưng con không tìm thấy ngài, bởi bì con đã luống công tìm kiếm ngài ở bên ngoài, mà ngài vốn ở trong con.”[28]

Lý do tại sao các bậc Đạo sư không ưa lối trí năng là thế này: nó không mang lại cho chúng ta bản thân sự vật, mà chỉ có những biểu tượng, những hình ảnh, những giải thích và những liên hệ của chúng; luôn luôn nó dẫn chúng ta ra khỏi chính mình, nghĩa là chúng ta lạc vào rừng rậm của suy lý và tưởng không cùng, không cho chúng ta sự thanh bình nội tại và sự an dưỡng tâm linh. Trí năng bao giờ cũng nhìn ra ngoài, quên rằng “có một cái nhìn bên trong có khả năng trực nhận Thượng Đế chân thật Độc Nhất.” Gerson diễn tả như vầy: “Dù tôi có trải qua 40 năm đọc kinh và cầu nguyện, nhưng tôi không bao giờ có thể tìm thấy một sự gì hiệu nghiệm hơn, không, để đạt được khoa thần học thần bí, một sự gì trực tiếp hơn mà tinh thần phải trở thành y như một trẻ thơ và một kẻ ăn mày trước mặt Thượng Đế.”

Tuy nhiên, Phật Giáo, tự căn bản là một tôn giáo chống lại sự vô trí (avidyà) chứ không vì nó, như đã được chứng tỏ trong các dẫn chứng trước đây. Ngu si (Ba la), mê hoặc (Bhrànti) và hạ trí (prithagiana) bị kết án rất nhiều trong các kinh điển Phật giáo coi như là không thể vươn tới chân lý sâu xa nhất của giác ngộ.

Sự thật, đạo Phật trọng trí năng hơn Thiên Chúa giáo và toàn thể xu hướng của tư tưởng Phật giáo nhằm khích lệ trực nhận tánh Không của hiện hữu thay vì được ấp ủ trong tình yêu của một thực thể tối cao. Nhưng dù vậy, vẫn có một nguồn mạnh mẽ trong giáo lý đạo Phật nhấn mạnh tính chất hư ảo của mọi nỗ lực trí năng trong kinh nghiệm của đời sống Phật tử vốn dĩ loại bỏ mọi cố gắng từ chính ta và mọi thành kiến siêu hình. Đấy là để giữ ý thức trong sự thanh khiết trọn vẹn hay trong một trạng thái vô ký; nói cách khác, để làm cho tâm hồn đơn giản như của trẻ thơ vốn không bị nhét kiến văn và ngạo mạn.

Pháp Nhiên Thượng Nhân (Hoen Shônin 1133-1212) mô tả thái độ của Tịnh độ tông đối với sự Vô tri và tâm hồn thuần phác:

“Tôi không nói niệm Phật như các hiền giả Hoa và Nhật nhắc đến, cũng không phải là xưng tụng Phật hiệu vốn được hành trì như là kết quả của học tập và hiểu biết đối với ý nghĩa niệm Phật. Mà chỉ là đọc lên danh hiệu A-di-đà, không hoài nghi rằng điều đó có đưa đến sự vãng sinh Tịnh độ của người tin hay không; chỉ có điều đó, những việc khác không cần thiết. Người ta thường nói đến ba tâm và bốn hạnh nhưng tất cả đều có đủ cho niềm tin rằng sáu chữ “Nam mô A-di-đà Phật” quyết định sự vãng sinh Tây phương. Nếu ai nghi gì khác hơn thì sẽ không nhận được những ân đức của hai đấng Thánh Nhân. Phật A-di-đà và Phật Thích Ca, và bị đặt ra ngoài bản nguyện. Những ai tin tưởng niệm Phật, dù có học hết những giáo thuyết của đức Thích Ca Mâu Ni, phải xử sự như một gã si độn vô tri, hay như một tín nữ có tâm hồn thuần phác; hãy tránh xa sự thông thái rởm, và hãy xưng niệm Phật hiệu với một tâm hồn thuần phác”.

Thân Loan Thượng Nhân (1173-1262), môn đồ Pháp Nhiên, cũng thốt lên tâm tình tương tự trong Tán dị sao.

“(Có người bảo rằng) không thể tin rằng những ngườikhông đọc tụng và học hỏi kinh luận mà lại được cứu rỗi. Một quan niệm như vậy thật quá xa vời đạo lý. Tất cả cáckinh điển nhằm giải thích về sự thật của tha lực chứng tỏ rằng ai ai cũng sẽ thành Phật, do tin tưởng bản nguyện mà niệm Phật. Ngoài ra, học hỏi có cần gì cho vãng sanh tịnh độ? Những ai hoài nghi về điểm đó cứ để họ chuyên cần học hỏi để thấu hiểu ý nghĩa của bản nguyện. Đáng thương thay, có kẻ dù chuyên cần học hỏi kinh điển mà không thể thấu hiểu ý nghĩa chân thật của Thánh Giáo. Bởi vì danh hiệu có hình thức như được xưng tụng bởi một người có tâm hồn thuần phác, y có thể chẳng hiểu gì về kinh điển dù chỉ một câu; đấy gọi là pháp môn dễ hành”. 

Căn cứ theo đường lối mà các sử gia Thiền tường thuật về Lục tổ Huệ Năng, người ta có thể thấy rằng khi trình bày ngành Thánh Đạo của Phật Giáo, thiền tông cũng tránh né việc  việc học hỏi và đọc tụng kinh điển, bởi vì ngài Huệ Năng dược coi là một gã bán than dốt nát so với đối thủ của ngài là Thần Tú, mà tài bác học của sư đã là sở nguyện giữa năm trăm môn đồ của Hoằng Nhẫn; người ta cũng có thể nói theo một trong cách ngôn của Thiền đồ là “Bất lập văn tự”; vì thực tình, đây chính là điểm tấn công Thiền của các luận sư Thiền thái tông ở đời Tống.

Những ai đã từng nghiên cứu Thiền tông đều biết rõ đâu là thái độ của Thiền đối với bác học và tri thức. Văn học Thiền dẫy đầy những đoạn như vầy: “Ta không có lời nào để dạy thiền cho các người”; “trong 49 năm ta chưa từng nói đến một chữ”; “đấy là sở học của ngươi; hãy cho ta biết ngươi đã thấy ra được gì trong chính ngươi”; ngươi sẽ làm gì với việc tụng đọc kinh điển vốn chẳng dính gì đến tự tính của mình?”; “ngươi tin là có thể đương đầu với sự chết nỗi bằng tất cả kiến văn quảng bác của mình ư?”; tất cả những kinh luận mà các ngươi kính cẩn học hỏi há không phải chỉ là đống giẻ rách chùi bụi?” vân vân và vân vân.

Trong tất cả những lý do tại sao sự vô tri và sự thuần phát của tâm hồn được tán dương như vậy trong kinh nghiệm tôn giáo, lý do quan trọng nhất có lẽ phải được tìm thấy ngay trong bản chất của tri năng. Vì vốn dĩ mang chất nhị nguyên, nó đòi hỏi một điểm sở y để từ đó khởi sự lập nên một phát biểu hay đề ra một luận chứng hay đem lại một phán đoán.

Tập quán này - cái tập quán cần có một mệnh đề được đảm bảo xác thực và cần ôm chặt lấy nó - phản lại điển hình của đạo tâm mà trên nguyên tắc vốn chấp nhận hiện hữu như thế là như thế chứ không thắc mắc, không chống đối, không nghi ngờ. Kinh nghiệm tôn giáo bộc lộ trong những câu nói đơn gỉan, chắc nịch, và thẳng thắn, quyết không chịu những lối quanh co và hiện chứng. Dù đấy là Phật giáo Thiền hay Phật giáo Tịnh, trực giác thần bí tràn trề trong một tâm hồn vốn không có thành kiến, nhất là được nuôi dưỡng bởi học thuật. Khi đài gương của tâm thức đã sạch hết bụi bậm của trí năng, nó phản chiếu vinh danh và tình yêu của Thượng đế, như nhưng Kitô hữu thường nói. Vậy thì, Vô trí và ngây thơ đi đôi với tính thụ động.

Xem mục lục