Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Luận Bốn

NAM ĐỐN BẮC TIỆM

Hoằng Nhẫn tịch năm 675, bốn năm sau[33]sau đêm mật phó ấn pháp cho Huệ Năng, Sư thọ bảy mươi bốn tuổi. Nhưng Tổ Huệ Năng, theo lời thầy dạy, chưa mở ngay pháp đàn, mà ẩn nhẫn lánh mình trong núi. Ngày kia, Tổ nhập thế, nghĩ rằng đã đến thời kết duyên hóa độ. Thuở ấy Tổ được ba mươi chín tuổi, nhằm năm đầu niên hiệu Nghi Phụng đời Đường (676). Tổ tìm đến thành Quảng Châu, chùa Pháp Tánh, tại đây một pháp sư uyên bác là Ấn Tông đang giảng kinh Niết Bàn.

Nhân lúc ấy có hai ông tăng tranh luận về câu chuyện gió phướn, một ông nói “gió động”, một ông nói “phướn động” , cãi mãi không thôi. Huệ Năng bước tới mà rằng: 

Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, chính tâm ông động[34]

Câu nói chấm dứt tức thì cuộc cãi vã. Nhà sư thông thái Ấn Tông kinh ngạc quá đổi trước câu nói bất thần như vậy của Huệ Năng, dứt khoát, đầy uy lực. Vừa gạn biết tông tích của Huệ Năng, Ấn Tông bèn thỉnh Tổ cho nghe giáo pháp Huỳnh Mai. Sau đây là lời đáp của Huệ Năng:[35]

Trong lời phó chúc, Huỳnh Mai không truyền gì riêng, Ngài chỉ luận về pháp thấy tánh, thiết yếu nhất của đạo Thiền, không luận về thiền định và giải thoát. Tại sao vậy? Vì thiền định giải thoát, bởi lẽ “có hai” (dualistic), chẳng phải là pháp Phật. Pháp Phật là pháp “bất nhị” (non- duality) Chẳng hạn như kinh Niết Bàn luận về Pháp tánh: Pháp tánh là pháp bất nhị, chẳng vì thiện căn hay ác căn mà Phật tánh có thế thường còn hay dứt mất. Vả lại, thiện căn cũng có hai, hoặc thường hoặc vô thường, còn Phật tánh thì chẳng thường chẳng vô thường vậy nên chẳng dứt, ấy gọi là bất nhị. Phàm cái gì “có hai” chẳng phải là Thiền; hai là thiện hoặc bất thiện, còn Phật tánh thì chẳng phải thiện chẳng phải bất thiện, thế gọi là bất nhị. Mọi vật trong đời người mê đều thấy có hai, chỉ bậc trí mới thông đạt cái thực tại tuyệt đối ấy của muôn vật, tức là cái tánh vô nhị, mà đó cũng tức là Phật tánh.

(Đàn kinh, phẩm tựa)

Đó là bước mở đầu đạo nghiệp hoằng pháp của Huệ Năng. Ảnh hưởng của Tổ dường như cấp thời, tràn lan sâu và mạnh. Người ta đổ dồn đến học pháp hằng ngàn. Nhưng Tổ không hành cước xa trong xứ mạng hoằng dương và khuyên giáo. Hoạt động của Tổ toàn thu hẹp ở bốn tỉnh miền Nam, và chùa Bửu Lâm ở Tào Khê là đạo trường của Tổ. Vua Trung Tông hay tin Huệ Năng thừa tiếp Hoằng Nhẫn thọ tâm ấn pháp Đạt Ma, sai một sứ giả mang sắc chỉ đến nghinh thỉnh, song Tổ không nhận về kinh, chỉ thích ở chốn lâm tuyền.

Nhân sứ giả muốn biết chỗ tâm yếu Thiền đề về kinh tâu lại vua, Huệ Năng nêu ý chỉ đại khái như sau :

Đạo do tâm ngộ, há ớ việc ngồi (thiền) sao? Kinh nói: Kẻ nào chỉ  thấy Như Lai ở hình tướng hoặc ngồi hoặc nằm ắt hành tà đạo. Vì sao vậy? Vì Như Lai không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu, không sanh không diệt. Nhận ra cái thế không đến không đi đó là Như Lai thanh tịnh Thiền. Nhận ra cái lẽ muôn vật đều không tịch đó là Như Lai thanh tịnh tọa.

Đạo không có sáng tối. Nói sáng tối là nêu cao cái nghĩa đắp đổi lại qua. Sáng sáng không cùng rồi cũng phải cùng.

(Cũng vậy, đạo không có phiền não với bồ đề đối đãi nhau. Vì sao?) Vì phiền não tức bồ đề, chẳng phải hai chẳng phải khác. Nếu lấy trí huệ chiếu phá phiền não, đó là kiến giải của hàng Thanh văn, Duyên giác cởi xe nai dê; hàng trí cao căn lớn quyết không như vậy.

Sáng với không sáng, kẻ phàm thấy “có hai”, bậc trí thấu rõ tánh nó “vô nhị”. Cái tánh vô nhị ấy là chân như thực tánh. Tánh ấy bình đẳng  muôn vật, ở phàm ngu chẳng bớt,  hiền thánh chẳng thêm, ở phiền não chẳng loạn, ở thiền định chẳng tịch; cái thấy có nhị tuyệt đối ấy, thấy chẳng đoạn cương thường, chẳng đến chẳng đi, chẳng ở giữa chẳng trong ngoài, chẳng sanh chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ chẳng dời, đó gọi là Đạo.

Nếu ông muốn biết chỗ tâm yếu của Thiền thì lành dữ tất tất chớ nghĩ đến thì tự nhiên ngộ nhập trong thể tánh thanh tịnh của tâm, tuy vắng lặng linh minh mà diệu dụng thì vô tận đáp ứng với thế sự vô cùng.

(Đàn kinh, phẩm hộ pháp).

Trong khi Huệ Năng hành Thiền ở phương Nam thì Thần Tú, cầm đầu một trường phái khác, hoạt động ở phương Bắc.

Trước khi đến với Phật giáo, Thần Tú đã là người thâm Nho, cái cốt ban đầu ấy hầu như đúc sẵn cho ông sau này một khuôn mặt khác hẳn với Huệ Năng, người bạn đồng môn thất học. Vua Võ nhà Đường là đệ tử của Ngài, và dĩ nhiên nhiều quan cận thân, đại phu nữa quy y với Ngài. Khi vua Trung Tôn tức vị, năm 685, Thần Tú còn được trọng vọng hơn nhiều, và chính một vi quan đại phu thời ấy là Chang Shuo viết tiểu sử và tụng văn khắc làm mộ bia cho Ngài, trong ấy có bài pháp kệ này :

Lời dạy của chư Phật

Trong tâm bổn lai đủ.

Cầu tâm mà bỏ tánh

Khác nào lạc mất cha.

Thần Tú tịch năm 706, trước Huệ Năng bảy năm. Trường phái của sư gọi là Bắc Tông, đối với Nam Tông của Huệ Năng, rất hưng thịnh ở phương Bắc hơn Huệ Năng ở phương Nam nhiều lắm. Nhưng từ khi Mã Tổ (? - 788) và Thạch Đầu (700-790) tích cực phát huy đạo Thiền ở phương Nam, và đặt xong tại đó cơ sở Thiền pháp thì Bắc Tông không tìm ra người thừa tiếp đành mai một hẳn đến đỗi những gì nay ta biết được về Thần Tú đều do tài liệu của phái đối lập và Nam Tông. Thế là chính Huệ Năng, chớ không phải Thần Tú, được hậu thế thừa nhận là Tổ thứ sáu của đạo Phật Thiền Trung Hoa.

Sự bất đồng giữa Nam Tông và Bắc Tông là sự bất đồng cố hữu nằm trong lòng người; nếu ta gọi Tông này là trí thức thì tông kia phải coi là chủ nghiệm. Nam Tông xứng là đốn, đối với Bắc Tông gọi là tiệm, là do Nam Tông chủ trương ngộ là ngộ tức thì, không tuần tự, vì không có một quá trình tiến bộ nào hết; còn Bắc Tông, trái lại, nêu cao phương thức cần phải theo để đạt ngộ, nghĩa là ngộ lần hồi, đòi hỏi nhiều thời gian, nhiều công phu tịnh quán vậy. Huệ Năng là một cao thủ cực đoan của duy tâm luận, còn Thần Tú là một người biết thực không dám không biết đến thế giới hiện tượng, ở đó thời gian ngự trị trên mỗi hành động của chúng ta. Người duy tâm không phải không cần biết đến khía cạnh khách quan của thực tại, nhưng mắt họ luôn luôn đặt ở một điểm tự lập tự tại ngoài tất cả, và nhỡn quang họ phóng ra từ tuyệt đối điểm ấy. Đốn giáo là nhỡn quang ấy phóng vào cái nhiều của muôn vật trong trạng thái một tuyệt đối. Tất cả các nhà huyền học đều thuộc Đốn giáo. Bay lướt từ cái thuần nhất đến cái thuần nhất không phải, mà cũng không thể là một diễn trình tuần tự. Pháp môn Thần Tú cần được chủ ý nhiều như một lời khuyên thiết thực cho những người tinh nghiêm hành Thiền, trì giới, thực tu, nhưng bất lực để mô tả thực chất của cái thân chứng gọi là thấy tánh lồng trong thông điệp đặc thù của Huệ Năng biệt lập với mọi trường phái Phật giáo khác. Thiền Bắc Tông không tồn tại được là việc khá dĩ nhiên, vì Thiền không thể khác hơn là một hành vi trực giác tức thì, đột ngột. Chớp nhoáng mở ra cả một thế giới chưa bao giờ ai dám mơ đến, Thiền là một bước nhảy bất thần và thần bí vậy, nhảy từ một bình diện này sang một bình diện khác của tư tưởng. Nêu lên những đoạn đường nhằm đạt cứu cánh, Thần Tú đánh mất mục tiêu tối hậu của Thiền. Tuy nhiên, về mặt thiết thực, Sư vẫn là một cố vấn xứng đáng, có nhiều ưu điểm.

Khái niệm đốn ngộ và tiệm ngộ trong Thiền học phát xuất từ bộ kinh Lăng Già, sự phân biệt được đề ra ở đoạn kinh luận về phép tịnh tâm, gạn lọc hết dòng tưởng niệm và hình tướng. Theo kinh, sự gạn lọc ấy tùy chỗ mà gọi tên, khi thì tiệm, khi thì đốn. Nếu ví đó như sự chín mùi của trái cây, hoặc công việc nắn đồ gốm, hoặc sức nảy nở của cỏ cây, hoặc sự điêu luyện một nghệ thuật thì phải tuần tự tiến dần trong thời gian; đó là một hành vi thuộc diễn trình tiệm tiến vậy; nhưng nếu ví đó như một tấm gương phản chiếu ngoại vật, hoặc như thức A lại gia truyền lại tất cả tâm ảnh thì sự tinh lọc ấy diễn ra tức khắc. Vậy là kinh ấy nhận có hai loại căn trí: có thứ tâm phải tinh lọc lần hồi mới đạt ngộ sau nhiều năm tu tập thiền định, và có lẽ nhiều kiếp nữa; có những tâm khác chứng ngay đến đó, bất thình lình, hầu như không cần có trước một cố gắng có ý thức nào hết.

Ngoài phần kinh trên, sự phân chia hai tông Thiền, về phía đốn giáo, còn dựa vào những sự kiện tâm lý chung quyết hơn. Điểm tranh luận không phải là vấn đề thời gian dầu ngộ chớp nhoáng hay không chớp nhoáng, điều ấy không làm bận tâm các Thiền sư, vì các ngài cho rằng sở dĩ có bất đồng là bất đồng giữa một thái độ triết lý chung và một nhỡn quang phóng thẳng vào sự kiện giác ngộ. Như vậy là vấn đề thời gian vật lý giờ đây chuyển thành vấn đề tâm lý với tất cả ý nghĩa thâm diệu hơn vậy.

Phàm nêu lên con đường đi (phương tiện) ắt đánh mất chỗ đến (cứu cánh ), rốt rồi phương tiện được đồng hóa với cứu cánh. Như câu chuyện sau đây :

Khi thầy Chí Thành, học trò của Tông chủ Thần Tú, đến tham vấn Huệ Năng, Năng hỏi thầy ông dạy tăng chúng thế nào, Thành đáp: “Thầy tôi dạy phải chận đứng tất cả tư tưởng trong tâm (trụ tâm) và ngồi im quán tưởng (quán tịnh), ngồi hoài không nằm”. Huệ Năng nói:

Trụ tâm quán tịnh là bịnh, chẳng phải Thiền.

Ngồi hoài thì thân thể bị gò bó chớ có ích gì. Nghe kệ ta đây:

Sanh ra ngồi chẳng nằm

生 來 坐 不 臥

Chết đi nằm chẳng ngồi

死 去 臥 不 坐

Một bộ xương thúi nát

一 真  臭 骨 頭

Có gì đâu công phu.

何 為 立 功 課

Đó, tỏ rõ, là thái độ của Huệ Năng đối với phép hành thiền của Thần Tú nặng về hình tướng. Hai bài kệ trước biên trên vách chùa ở Hoàng Mai Sơn khi cả hai vị tông chủ còn ở với Hoằng Nhẫn kể cũng đủ hùng biện nói lên được tất cả sự bất đồng căn bản giữa hai tông phái.[36]

Sau đó Huệ Năng còn hỏi ông tăng Chí Thành, thuộc Bắc Tông, phép dạy Giới Định Huệ của Thần Tú, Thành thưa: 

Đại sư Thần Tú dạy chúng tôi:

Các điều dữ chớ phạm, đó gọi là giới.

Các điều lành vâng làm, đó gọi là huệ.

Giữ ý mình trong sạch, đó là định.

Huệ Năng nói:  Ý kiến của ta về giới định huệ lại khác.

Giới định huệ của thầy ông dùng để tiếp độ người Đại Thừa; giới định huệ của tôi tiếp độ hàng Tối Thượng Thừa. Mọi pháp tôi nói ra đều từ tự tánh, không bao giờ lìa tự tánh.

Lìa bổn thế mà nói có pháp này pháp nọ ngoài tự tánh là nói mê, chưa tỏ được tánh. Muôn vật, cả giới định huệ, đều do tự tánh ứng dụng ra, có hiểu thế mới thực là hiểu pháp giới định huệ. Nghe kệ ta đây :

Tự tâm vốn không bao giờ quấy, đó là tự tánh giới,

心 地 無 非 自 性 戒

Tự tâm vốn không bao giờ si, đó là tự tánh huệ,

心 地 無 癡 自 性 慧

Tự tâm vốn không bao giờ loạn, đó là tự tánh định.

心 地 無 亂 自 性 定

Nếu ông tỏ sáng tự tánh thì không thấy có gì là đối đãi hai bên nên chẳng cần lập bồ đề niết bàn đối lập với phiền não, hoặc giải thoát tri kiến (giới đinh huệ) đối lập với triền phược. Không có gì là sở đắc hết trong tự tánh, tự nó vốn hư linh, tuy hư linh nhưng từ đó ứng dụng lên tất cả. Cho nên người thấy tánh thì lui tới tự do, không đường không mắc, tùy thế mà làm, tùy cơ mà nói, hiện khắp hóa thân mà chẳng lìa tự tánh, tức được tự tại thần thông, du hí tam muội vậy.

“Tự tánh vốn không quấy, không si, không loạn, lúc nào trí huệ cũng chiếu soi, tự do tự tại, dọc ngang đều ứng đối đặng cả. Tự tánh tự áng tự tỏ (tự ngộ) thoáng tu thoáng ngộ, không thứ lớp gì hết. Muôn vật đều “không tịch” thì có gì là thứ lớp?

(Đàn kinh, phẩm đốn tiệm)

Xem mục lục