VI. TUẦN NHIẾP TÂM
Trong sinh hoạt tăng đoàn có một thời kỳ ngưng hết mọi việc cần lao, trừ việc tối khẩn yếu, để dốc hết tinh thần vào sự tu học. Thời kỳ ấy gọi là tuần nhiếp tâm[13] kéo dài trong bảy ngày, và mở ra mỗi tháng một lần trong hai mùa yên nghỉ gọi là mùa an cư hè và an cư đông. Mùa an cư hè khởi đầu tháng tư và mãn trong tháng tám, còn mùa an cư đông khởi đầu tháng mười và mãn trong tháng hai. Nhiếp tâm có nghĩa là thâu góp tâm tư lại một chỗ. Suốt tuần ấy, chư tăng dồn hết vào Thiền Đường, thức dậy sớm hơn thường lệ và “tịnh” khuya hơn trong đêm. Mỗi ngày có một thời pháp khai thị. Sách thì dùng những bộ “lục”, thông dụng nhất là bộ Bích Nham Lục và Lâm Tế Lục, là hai bộ sách cốt yếu nhất của Lâm Tế Tông. Lâm Tế Lục là bộ sách chép lại những lời nói và bài pháp của Nghĩa Huyền, tổ khai sáng phái Thiền Lâm Tế. Bích Nham Lục, như đã nói trước, là một bộ sách thuật lại một trăm câu chuyện Thiền gọi là “tắc” với lời bình giảng và thơ tụng. Cố nhiên tùy lúc cũng dùng nhiều bộ sách khác. Nhưng, với một ông tăng thường, thì sách nào cũng là một thứ obscurum per obscurius[14] như nhau. Sau khi cho nghe một loạt bài pháp, người ta bỏ ông ta ngồi đây một mình trong ngây dại. Không phải vì lời dạy quá bí ẩn, nhưng tai người nghe chưa đủ cơ duyên kiến chiếu vào lý Thiền.
Phép tắc thăng tòa nói pháp diễn ra rất tôn nghiêm. Khởi đầu là những hồi chuông báo hiệu cho đến khi vị hòa thượng chủ đàn xuất hiện ở Thiền Đường, và đó là khởi đầu phần “trì tụng”[15] Trong khi hòa thượng làm lễ dâng hương trước bàn Phật và hương linh vị tiên sư khi chư sư tăng đọc một bài đà la ni[16]ngắn gọi là Chú Đại Bi. Đó là một văn phạn ngữ, nên đọc lên không có nghĩa gì hết. Chắc rằng trong trường học này không thiết yếu phải hiểu nghĩa, chỉ cần tin quyết ở thần lực kiết tường đem đến nhiều lợi lạc cho tâm trí. Điều quan hệ là cách đọc chú, đọc trầm trầm, theo tiếng mõ cầm nhịp liên hồi, (một thứ mõ có tên là mộc ngư, cá gỗ), cốt để chuẩn bị tâm trí của chư tăng chuyển qua tiết mục sau. Sau ba lần trì chú, chư tăng cùng đọc lời khổ khuyến của vị tổ khai sơn Thiền Đường. Nay, tại đôi chùa, người ta thường đọc bài Tọa thiền ca Bạch Ẩn. Sau đây là bản dịch khúc ca của Bạch Ẩn, và bài khổ khuyết của Mộng Sơn Sơ Thạch[17], là bài pháp cuối cùng của Sư được liệt vào hạng được truyền tụng nhất.
BÀI VĂN PHỔ KHUYẾN CỦA MỘNG SƠN
(Muso Kokushi)
Tôi có ba hạng đệ tử.
Trước hết là những người dõng mãnh chặt đứt tất cả ràng buộc của chư duyên, nhất tâm tham cứu chỗ tâm yếu của chính mình, và đó là hạng thượng căn.
Thứ đến những người không nhất tâm tu học, mang lòng tán loạn tầm cầu kinh sách, đó là hạng nhì.
Còn những người tự che khuất cái sáng của tâm mình, chỉ cầu mưa móc của chư Phật chư Tổ nhiễu xuống, đó là hạng thấp hèn nhất.
Còn những người tâm nhiễm tục học, cố tạo một cái danh văn nhân học giả, chỉ là hạng ngoại đạo trọc đầu, cả đến trong hàng đệ tử thấp nhất cũng không nhập bọn được.
Còn nói chi hạng người chỉ ham ăn mê ngủ, biếng nhác, ươn hèn, há có thể gọi là người của Tăng Già sao? Cổ đức gọi họ là phường giá áo túi cơm, thật chẳng quá đáng. Bởi lẽ họ không đáng gọi là tăng, nên tôi cấm họ xưng là đệ tử của tôi, cấm vào chùa, vào viện, cả đến tạm trú cũng không chấp thuận được huống nữa là xin nhận vào hàng học tăng. Lão tăng nói thế, các ông có thể nghĩ rằng tôi thiếu tâm lượng từ bi bao dung tất cả, nhưng đó chỉ cốt cho họ thấy điều lỗi lầm để sám hối, và trở thành những cây lành mạnh trong vườn tổ.
BẠCH ẨN TỌA THIỀN CA
Tất cả chúng sanh bổn lai là Phật;
Cũng như băng với nước;
Ngoài nước, không đâu có băng,
Ngoài chúng sanh, tìm đâu ra Phật?
Đạo (chân lý) gần bên mình mà chẳng biết,
Bao người tìm kiếm xa vời - đáng thương!
Đó cũng như người nằm trong nước,
Gào rát cổ xin cho đỡ khát;
Đó cũng như con trai một vị trưởng giả giàu,
Lang thang sống với phường nghèo khó.
Nguyên do ta luân hồi trong sáu cõi
Là tại ta chìm đắm trong hắc ám của vô minh ;
Mãi lạc xa, xa mãi trong u minh,
Biết bao giờ thoát ly sanh tử?
Pháp môn Tọa Thiền của Đại Thừa,
Ta không đủ lời để tán tụng.
Những pháp hạnh cao quý như bố thí, trì giới,
Như niệm hồng danh Phật, sám hối, và khổ hạnh,
Và biết bao công đức khác,
Tất cả đều là kết quả của tọa Thiền.
Thậm chí những người chỉ ngồi qua một lần
Cũng diệt trừ được tất cả ác nghiệp,
Không đâu tìm thấy ác đạo nữa,
Mà Tịnh Độ vẫn sát kề bên.
Xin hãy cung kính nghe nói cái Thực ấy,
Dầu chỉ một lần,
Hãy tán thán, hãy hoan hỉ ôm choàng lấy ,
Và sẽ được muôn vàn phước huệ.
Vì những người tự mình phản tỉnh,
Chứng vào cái thực của Tự Tánh,
Cái thực của Tự Tánh là Vô Tự Tánh,
Người ấy thật đã thoát ngoài điên đảo vọng tưởng,
Đã mở ra cánh cửa đồng nhất của nhân và quả,
Và thênh thang con đường pháp phi nhị phi tam.
Trụ nơi Bất Dị giữa những cái dị
Dầu tới lui vẫn không bao giờ động,
Nắm cái Vô Niệm trong cái niệm
Trong mọi thi vị đều nghe tiếng pháp.
Trời Tam Muội lồng lộng vô biên,
Trăng Từ Trí sáng ngời viên mãn.
Ấy là lúc họ thiếu gì đâu ?
Đạo (chân lý) bổn lai thanh tịnh hiện thành,
Thế giới này là thế giới của Tạng Hoa Sen,
Và thân này là Thân Pháp của Phật.
Buổi tụng giảng kéo dài độ một giờ, một bài giảng hoàn toàn khác với những bài giảng thường thuộc đề tài tôn giáo, tuyệt không dẫn giải, không viện chứng, không tán tụng, không biện luận. Vị hòa thượng kể như chỉ đề cử lại bằng lời nói những gì đã được bình giảng trong bộ sách đặt trước mặt. Bài giảng kết thúc, chư tăng cùng đọc ba lần Bốn Lời Nguyện Lớn, rồi giải tán. Lời nguyền ấy nguyên văn như sau:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành