Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

LUẬN NĂM

Ý NGHĨA CỦA TÂM KINH BÁT NHà
TRONG PHẬT GIÁO THIỀN TÔNG

2

Như nhan đề chứng tỏ, Bát nhã ba la mật đa tâm kinh (Prajna-paramita-sutra) được cho là làm tâm điểm hay tâm tủy (hrdaya) của bộ kinh Bát nhã ba la mật đa. Vậy, vấn đề là: Có thực nó mang tinh yếu của bộ kinh vĩ đại đó? Hay nó chứa đựng một yếu tố nào ở ngoài kinh? Nếu nó chứa đựng yếu tố ngoài kinh đô hay một yếu tố nào khác hơn, chúng ta phải hết sức lưu ý; nghĩa là, chúng ta phải xem thử yếu tố ngoại lai này có thực sự nằm trong bộ loại Bát nhã hay không, đồng thời xác chứng mục tiêu của nó để cho thấy tâm điểm của khối văn học đồ sộ này. Vậy thử khảo sát Tâm kinh đã được trình bày ở trên.

Ðiểm trước hết, chúng ta cứ quả quyết rằng Bồ tát Quán Tự Tại (Bodhisattva Avalokitesvara) không xuất hiện trong bất cứ quyển kinh nào thủy văn hệ Bát nhã, với nhiều tác phẩm như Satasahasrka, Pancavimsatisahasrĩka Astasahasika, Saptasatika, v.v... trong tiếng Sanskrit và bộ Ðại Bát nhã (Maha-prajnaparamita) gồm sáu trăm quyển trong Hán văn và các tác phẩm tương đương trong Tạng văn. Nếu đúng thế, chúng ta có thể nói Tâm Kinh là một sản phẩm hậu kỳ, và trong đó có pha trộn các yếu tố ngoại lai. Tuy nhiên, đây không phải là điểm chính mà tôi muốn thảo luận trong thiên luận này. Trong Tâm kinh, còn có một điểm khác, ngoài điểm đề cập đến Quán Tự Tại; ấy mới làm chúng ta ngờ là một soạn phẩm hậu kỳ. Tôi muốn nói tới việc Bát nhã ba la mật được gắn liền với câu thần chú (mantram) làm thế luận cho bài pháp của Quán Tự Tại về Tánh Không (Sùnyatà). Văn học Bát nhã đặc biệt không bị chi phối bởi sự xâm nhập của các công thức ma thuật như Minh chú (Vidyà) Cấm chú (Mantram) hay Tổng trì (Dharàni). Sự thực, chính Bát nhã được coi như là Ðại minh chú trong kinh, nhưng không đề ra những Cấm chú (Mantram) riêng biệt nào, và đó mới đích xác là trường hợp của Tâm kinh.

Vì rằng, trong Tâm kinh, có một câu thần chú (Mantram) đặc biệt được mệnh danh là “Bát nhã ba la mật đa” gồm những chữ này: “Gate, gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi, svaha”. Lối xen kẽ đó hoàn toàn mới mẻ, cần phải đặc biệt lưu ý.

Nhớ kỹ hai điểm này: sự xuất hiện của ngài Quán Tự Tại và sự xen kẽ Cấm chú, chúng ta thử phân tích nội dung của chính bản kinh.

Thoạt tiên, cái gây chú ý nhất trong khi theo dõi bản văn là, hầu như không có gì hết ngoài một tràng phủ định, và cái được mệnh danh Tánh là Không thì là thuần túy phủ định luận, nó giản lược kỳ cùng tất cả vào cái không. Thế thì, kết luận sẽ là, Bát nhã ba la mật, hay đích thực sự thực hành của nó, cốt ở chỗ phủ định tất cả. Phủ định năm Uẩn (skandha); phủ định 18 Giới (dhàtu); phủ định 12 Xứ (ayatana); phủ định 12 Nhân duyên; phủ định 4 Thánh đế. Và cuối điểm của hết thảy những phủ định này không có trì hay đắc gì cả. Ðắc (pràpti hay labdhi) có nghĩa là chú tâm vào và giữ chặt lấy sở tri kết quả từ suy luận đối đãi. Vì không có thứ đắc nào hết, nên tâm hoàn toàn vượt qua mọi chướng ngại tức những sai lầm khởi lên từ tác dụng trí năng và vượt luôn những chướng ngại bắt rễ trong ý thức truy nhận và cảm quan của chúng ta, ngại sợ hãi và bàng hoàng, vui vẻ và buồn phiền, thất vọng và giải đãi Khi chứng được như thế là đã đạt tới Niết bàn. Niết bàn và giác ngộ (sambodhi) là một. Vậy ra do từ Bát nhã ba la mật mà hiện khởi hết thảy chư Phật trong quá khứ, hiên tại và vị lai. Bát nhã ba la mật đa là mẹ của Phật đạo và Bồ tát đạo, điều thường xuyên được nhắc nhở trong văn học Bát nhã 

Ðến đây, chúng ta có thể nói, Tâm kinh hoàn toàn phù hợp với tinh thần của các kinh điển Bát nhã ba la mật. Khởi đầu với các phủ định, rồi chấm dứt với một xác quyết, mà trong thuật ngữ Phật giáo gọi là “giác ngộ” ý niệm về Tánh Không có thể làm khiếp đảm kẻ sơ cơ bởi người ta thường có thói quen coi nó như một thứ hư vô hóa toàn triệt, nhất là khi Tâm kinh có vẻ chỉ là chuỗi phủ quyết. Nhưng, vì chuỗi phủ quyết này cuối cùng đưa chúng ta tới cái quyết định, mặc dù cái đó không hẳn là xác quyết theo nghĩa thông thường. Tâm kinh rồi ra không phải một loại thánh kinh của hư vô chủ nghĩa. Bát nhã ba la mật, làm được điều kỳ diệu đó, tức diễn dịch hay dẫn khởi một xác quyết từ những phủ định vô địch, cho nên đáng được coi như một đại thần chú vô song, vô đẳng đẳng chú. Nói một cách không thường, Tâm kinh phải đúc kết bằng câu đó; bài pháp của ngài Quán Tự Tại giảng cho Xá lợi phất (Sariputra) tiến tới kết luận đương nhiên của nó; khỏi đi xa hơn nữa, và khỏi phải đọc ta cứ như hát Kịch rằng thần chú đó là “Gate, gate, v.v.”

Có thể hiểu tại sao nói Bát nhã ba la mật đa là một đại phần chú, nhưng nói rằng đại Bát nhã thần chú đó là "Gate, gate...” thì hình như không có nghĩa gì hết. Những gì đã sáng tỏ và hợp lý, đến đây bỗng trở thành một thứ biến dạng huyễn hoặc. Tâm kinh chuyển thành một bản văn của chú thuật thần bí. Cái này có vẻ là một sự thoái hóa hay một sự suy sụp. Ðâu là ý nghĩa của biến thái đột ngột? Hoặc, tại sao có sự vô nghĩa này?

Cái gọi là Bát nhã ba la mật đa thần chú, nếu dịch ra có nghĩa: “Này Trí tuệ, đi qua, đi qua, đi qua bờ bên kia, đi qua đến bờ bên kia, svàhà!” Svàha là lời chúc lành, lúc nào cũng nằm ở đoạn cuối của một Mantram hay Dharani. Tiếng thét đó có can dự gì tới việc tụ tâp bát nhã ba la mật sâu xa? Mỗi khi được đọc lên, đại khái người ta cho là Mantram hay Dharani gây ra những phép lạ. Trong trường hợp này, hiệu quả linh nghiệm do đọc “gate” phải là sự chứng Ngộ. Vậy, chúng ta có thể nói, cùng đích của môn Phật học khả dĩ đạt được chỉ cần do cái câu thần bí đó? Ðối với Tâm kinh đương nhiên đấy là lời kết, vì ở đây không thể có suy luận nào khác. Làm thế nào người ta có thể đồng hóa Bát nhã với câu chú “gate” Chúng ta có thể thấy các tín đồ Chân tông nhận Tâm kinh làm một trong các kinh chính của họ quá dễ dàng và tự nhiên. Nhưng Thiền cũng đã từng đọc nó trong khóa tụng hằng ngày bằng cách nào? Ý niệm và Chân ngôn ( Mantram) khá xa lạ đối với Thiền đồ. Từ triết học về Tánh Không (Sùnyatà) và Chính giác (Sambodhi), chuyển hướng đến một tôn giáo của chú thuật, không dễ gì chấp nhận nổi.

Sự kiện khác, làm cho hiện diện của Mantram trong Tâm kinh càng huyễn hoặc hơn, là bài chú (Mantram) kết thúc luôn luôn được đọc theo lối phỏng dịch nghĩa, làm như âm hưởng đích thực của lối dịch âm Phạn hán là một tác động mầu nhiệm. Các loại thần chú không bao giờ được dịch nghĩa sang Hán văn. Ðây là một cách rất tự nhiên. Nếu các câu đó không sao hiểu nổi, và chúng cố để cho không hiểu, chúng càng khó hiểu, vì cứ đề y nguyên văn thì uy lực mầu nhiệm ẩn náu đằng sau lại càng có hiệu nghiệm. Nhưng, tại sao trong Thiền lại cần có cái thứ không hiểu nổi? Không hiểu nổi không phải là không đạt tới nổi kinh bát nhã ba la mật đa nói nhiều đến chỗ đó.

Chắc chắn, trong dòng phát triển của nó tại Trung Hoa Thiền đã thâu nhận khá nhiều thủ pháp của Chân ngôn tông, và trong nghi lễ của nó có nhiều Thần chú và nhiều Ðà la ni thực sự của Chân ngôn tông. Vì lý do đó, tôi nghĩ rằng, sự phát sinh của Tâm kinh thuộc vào một thời kỳ trễ hơn toàn thể bộ phận của chính văn học Bát nhã. Dù vậy, đâu là ý nghĩa của câu thần chú “Gate!” trong Tâm kinh,  một trong số các kinh văn quan trọng nhất trong giáo pháp của Thiền? Nếu câu thần chú giữ một địa vị lưng chừng trong kinh, mặc dù trong một tác phẩm ngắn loại này khó mà tìm thấy ngay tại chỗ có cái quan trọng nào thứ yếu hơn, thì câu hỏi về ý nghĩa của thần chú có lẽ không là vấn đề trọng đại. Nhưng, một độc giả dù khinh suất cũng nhận thấy ngay địa vị rất nổi bật mà thần chú đã chiếm cứ trong sự tiến triển của học thuyết Bát nhã. Sự thực, hình như toàn thể bản kinh được viết ra vì câu thần chú đó, và không có gì khác hơn. Nếu vậy, rồi ra đâu là ý nghĩa của thần chú, ngoài nghĩa đen của nó? Tại sao nó là cao điểm của toàn bộ phủ định trong Tâm kinh?

Theo ý tôi, giải quyết cái huyền diệu này không những là chìa khóa để thấu hiểu toàn bộ triết lý Bát nhã, mà còn hiểu luôn cả mối quan hê chính yếu của nó đối với Thiền. Vì vậy tôi đã nói nhiều về sự xen kẽ của thần chú trong Tâm kinh.

Trước khi thần chú “gate!” vén mở bí mật của nó trong liên hệ với học thuyết về Tánh Không và Giác ngộ, cũng nên thử xem các giáo thuyết cốt yếu của kinh Bát nhã ba la mật đa là gì. Hiểu được cái đó, sẽ dễ định giá Tâm kinh hơn, nhất là trong tương quan sinh tử của nó với chứng nghiệm của Thiền[9]

Sau khi nhận xét về kinh Bát nhã ba la mật đa trong các trang tiếp theo đây, chúng ta sẽ có thể thấy rằng, giáo thuyết của Tâm kinh có chỗ phù hợp và có chỗ không với các bản kinh chính của Bát nhã. Phù hợp ở chỗ cả hai đều lấy Trí Bát nhã

làm căn nguyên của giác ngộ, và không phù hợp ở chỗ Tâm kinh hoàn toàn nhấn mạnh trên câu thần chú “gate!”. Sắc thái này vắng mặt hẳn trong các bản kinh chính của bộ Bát nhã. Trong Tâm kinh, việc tụ tập Bát nhã ba la mật đa được đồng hóa với việc tụng đọc thần chú.

Theo Ngài Huyền Trang không phải đọc thần chú, mà là đọc trọn cả Tâm kinh do đức Quán Tự Tai nói; ngài xuất hiện vào lúc Huyền Trang đang trên đường đi Ấn Ðộ. Huyền Trang được dạy học kinh này mỗi khi gặp những gian nan và tân khổ qua những cảnh man dại bị bao phủ trong tuyết lạnh, bị cuốn bởi những ngọn gió lốc ào ạt và thú dữ thường xuyên qua lại. Bồ tát hiện thân làm một nhà sư bịnh hoạn, đọc bài kinh để trấn an nhà sư chiêm bái vĩ đại này của Trung Hoa. Sư thành tín tuân theo lời khuyên, và cuối cùng nhờ đó đã có thể bình an đi tới vùng đất tâm nguyện. Bấy giờ kinh được coi như là chứa đựng tinh yếu của Phật tâm.[10]

Câu chuyện khá hấp dẫn, nhưng tụng đọc ở đây cốt để tránh xa những gian nan hiểm trở chứ không phải để khai ngộ tâm trí. Ðây không đề cập tới sự đồng nhất của Bát nhã ba la mật với Cấm chú coi như để dọn sạch những trở ngại và những dao động của tâm. Ý nghĩa này có thể tìm thấy nơi khác.

Khi thần chú được trì tụng mà không cần nghĩ đến kết quả của nó sẽ như thế nào, và tụng theo cách mà kinh Bát nhã khuyến cáo những ai muốn học Bát nhã, thì bằng phép lạ nào mà đạo nhãn được mở ra và soi thấy những bí mật của Bát nhã? Khi một Thiền sư được hỏi về con số của các sư tăng trong thiền viện của mình, sư đáp: “Trước bà ba, sau bà ba”. Ðối với phàm tâm, trả lời kiểu đó chẳng cho biết bấy giờ sư đang nghĩ gì trong lòng. Có lẽ thần chú “gate!” có cái ý gì ở bên trong, và chỉ những ai đã vào đạo mới có thể hiểu nổi; khi hiểu được cái bí nhiệm trong câu trả lời, vấn đề tự nó trở thành sáng tỏ và tất cả những gì được ẩn tàng trong Bát nhã lồ lộ trước mặt có thể lắm; nhưng rồi, tại sao lại là câu thần chú Gate đặc biệt này, chứ không là cái gì khác? Câu thần chú đó một cách nào đó khá vô nghĩa, nếu xét về nghĩa đen của nó thì không tài nào hiểu cho nổi. Chỉ khi nào đặt trong toàn thể nội dung của Tâm kinh mà chúng ta đã biết, mới thấy nó hết vô nghĩa. Vấn đề của chúng ta ở đây sẽ là: Có liên hệ mật thiết nào giữa giáo pháp chung của Tâm kinh và khẩu quyết, hay đúng hơn và lời tán: “Đi qua, đi qua, đi qua bờ bên kia, đi qua đến bờ bên kia, chào Bodhi !”?   
 

3

Theo ý tôi, có thể giải quyết tất cả những khúc mắc để thấu triệt Tâm kinh bằng cách sau đây.

Khi giáo thuyết Bát nhã hoàn toàn đồng nhất với kinh nghiệm Phật giáo, Tâm kinh được viết ra để nói lên những điểm cốt yếu của Bát nhã trong một hình thức rất giản ước đồng thời để chỉ định tiến trình tâm lý của hành giả tu tập Bát nhã ba la mật uyên áo này. Khi kinh bắt sang trào lưu phát triển khác, nó mở rộng thành một nền văn học rất phồn tạp, rườm rà, đồ sộ, mà tại Trung Hoa được biết dưới danh hiệu Đại bát nhã ba la mật đa (Mahàprajnàpàramità Sùtra) 600 quyển; trong số đó, 400 quyển đầu đại để tiếng đương với bản Sanskrit Satasàhasrikà prajnàpàramità, Bát nhã bách thiên tụng tức bản kinh gồm 100.000 bản tụng. Bản kinh nào sớm nhất bản rút ngắn hay bản mở rộng[11]; chúng ta chưa thể biết được. Nhưng, bản rút ngắn không có nghĩa chỉ là cô đọng; đồng thời với lúc cô đọng nó chuyển hướng bản kinh thành một tài liệu tâm lý học về kinh nghiệm Bát nhã. Đây là sự thay đổi đáng chú ý, vì rằng khi thêm vào câu thần chú “Gate” là đã thay đổi toàn diện sắc thái của việc giản ước. Nếu không có câu thần chú, giản ước vẫn là một sự kiện đơn giản, không có nghĩa gì hết, và tầm quan trọng nặng ký của nền văn học đó đến đây biến mất hẳn.

Trong lúc tôi chưa thể tìm thấy một cách chính xác là tâm kinh trở thành một khóa bản của Thiền tại Trung Hoa vào lúc nào, các thiền sư hẳn đã khá sáng suốt, trong lịch sử của Thiền, thấy kinh còn có yếu tố khác chứ không chỉ là một cố gắng cô đọng. Cho đến về sau, kinh Kim cương (Vajracchedika) đã đáp ứng cho chủ đích đó, và ngay cả trước thời Huệ Năng cũng vậy. Khi Huyền Trang kể những chuyện linh ứng của mình do đọc Tâm kinh, các thiền sư nhận ngay, và đồng thời còn thấy bên trong có yếu tố khác nữa. Cái “yếu tố khác” đó có thể .không lọt vào tầm mắt của các luận sư Duy thức học (Vijnaptimatra), nhưng không trốn khỏi các Thiền sư họ đặt kinh nghiệm đi trước triết lý, và rất sốt sắng với giá trị tâm lý của tất cả nền văn học Phật giáo. Họ hiểu ý nghĩa của thần chú khác hẳn các tín đồ Chân ngôn tông.

Một sự kiện đáng lưu ý là thần chú Gate cũng thấy có ở cuối bộ Đại Bát nhã bản Hán dịch của Huyền Trang. Hình như nó được thêm vào đời Nguyên, vì ấn bản đời Nguyên mới có nó. Phải chăng ý tưởng phụ thêm thần chú nên coi là xuất phát từ Tâm kinh khi nó bắt đầu lưu hành rộng rãi trong giới Phật tử? Kinh Bát thiên tụng (Astasàharikà) nói rằng Bát nhã ba la mật là một minh chú (vidyà) lớn, không lường được, không dò được, không sánh được, và tối thượng; nếu vậy, nên coi “Gate” như là lối tán dương của Tâm kinh bằng những từ ngữ chói sáng của Thần chú.

Trở lại chủ đề chính, việc tụ tập Bát nhã uyên áo cũng là việc thực tập công án, mà tôi đã đề cập trong Thiền luận bộ trung. Quán Tự Tại (Avalokitesvara, hoặc Quán Thế âm) là người học Thiền, và đức Phật trong Tâm kinh cho biết ngài Quán Tự Tại đã học như thế nào. Vì Bát nhã là công án được đề ra cho ngài giải quyết, làm phương tiện chứng quả giác ngộ tối thượng. Quá trình chứng ngộ của ngài xuôi theo dòng phủ quyết. Phủ định bất cứ thứ gì có thể đem trí óc mà hiểu như là một đối tượng của tư tưởng. Thiền tông cũng làm như thế. Nó bắt đầu bằng trí óc. Phải trừ diệt vô minh cố hữu trong tâm từ vô thủy quá khứ. Đó là bước thứ nhất hướng tới giác ngộ. Vô minh tức không thấy sự thực (dharma, pháp) như thế là như thế, yathàbhùtam (như thật). Vậy rồi, Tâm kinh đề ra một tràng phủ định, chối bỏ luôn cả nhận thức, hay trí. Bởi vì, chừng nào ý thức còn có chỗ bám, đó thực là một trở ngại trên đường đi về giác ngộ tối thượng. Tự chủ và tự tại có nghĩa là có đường đi hoàn toàn dẹp sạch tất cả các chướng ngại vật chúng có thể chân ngang dòng suối tự do và tự tác chủ của Bát nhã. Phủ định là dọn sạch, là thanh lọc như thế. Trong thực tập công án, dọn sạch như thế cũng là phương sách tiên quyết.

Chúng ta biết rằng, phủ định chỉ là phương tiện nhờ đó để thành tựu cái khác. Trong Bát nhã ba la mật, nó cũng là cái dẫn chúng ta đi tới mục đích của pháp môn này. Thiền, ngay từ khởi thủy, đề ra cho chúng ta một công án coi nhẹ giải thích của trí óc, và do đó chỉ con người phủ định cho chúng ta đi mà không cần nói một cách công khai. Tâm kinh, trực thuộc văn học Bát nhã, diễn theo cái đà diễn tiến chung này, và chứa đầy tiếng không! Nhưng chúng ta cắm dùi vào đâu sau khi vứt bỏ hết mọi kho tàng trí nàng, khái niệm? Là cái không trơ trọi, là khoảng trời trống trơn, là cái trống rỗng hoàn toàn, đó là ý nghĩa của Sùnyatà (Tánh Không) ư? Nếu đúng vậy, chúng ta vẫn ở nguyên trong cảnh vực của những khái niệm “Cái không chi” (ngoan không) vẫn còn là một trong những đối tượng tư tưởng của chúng ta. Phải vứt bỏ cái đó, vì đó là điên đảo và mộng tưởng.

Trong Phật giáo Chân tông, bỏ “tự lực” cốt để vãng sinh về quốc độ của Phật Di Đà (Amìtàbha). Phủ định cũng là khẳng định ngay đó. Chân tông tránh dùng trí năng. Chủ trương phủ định của nó không gây kinh hãi và thất vọng cho bằng Bát nhã ba la mật. Tuy nhiên, ngay đây, một tâm trạng gọi là “không bố úy”, “không quái ngại” được trồi lên làm mục tiêu. Mục tiêu đó là gì? Giác ngộ tối thượng này là gì? Nó ở đâu? Khi nào đạt đến?

Đạt đến, lúc ngài Quán Tự Tại tuyên bố, “Gate, gate, paragate, parasamgate!”. Vì đó là sự phóng xuất vọt ra từ nội tâm của ngài khi ngài sang ngang dòng phủ định. Ngài là hành giả của Bát nhã ba la mật đa, không thể vĩnh viễn quanh quẩn trong một vòng tròn phủ định. Một khi ngài đi đến đích, kiệt sức và vô vọng, chẳng còn ước mong nào trước mặt, và ngài biết nhưng gì đã bị bỏ lại đằng sau. Nhưng vẫn có cái thúc đẩy bước tới. Trí năng và xúc cảm hoàn toàn cùng tận, ngài thực hiện bước nhảy tối hậu. Bứt lìa đoạn dây cuối cùng trói buộc ngài vào thế giới của đối đãi và “tự lực”. Ngài thấy mình đứng trên bờ bên kia. Bị áp đảo bởi các tình cảm của mình, ngài chỉ có thể đọc lên “Gate”. Rồi thì, Gate trở thành câu thần chú của ngài, Gate trở thành thần chú của Bát nhã ba la mật đa. Với sự phóng xuất đó, mọi vật bừng sáng, và Quán Tự Tại đã tu tập Bát nhã đến chỗ cuối cùng. 

Tôi kết luận rằng, đây là ý nghĩa của Tâm kinh. Do giải thích bản kinh như thế, chúng ta có thể hiểu tại sao Gate là kết luận, và tại sao kết luận này diễn tả nội dung của Tâm kinh một cách triệt để. Để riêng thần chú ra, nó chẳng có nghĩa gì hết, và khó mà hiểu tương quan sinh tử của của nó với kinh Bát nhã ba la mật. Đừng có bước tới Tâm kinh bằng con đường tắt của trí năng, dù thoạt trông nó như chỉ ra lối đi đó, phải tiến tới theo đường dây của kinh nghiệm tôn giáo, tức là, bằng đường dây mà chúng ta giữ chặt trong lối tham cứu công án. Ý nghĩa của thần chú như thế vén mở những bí mật của nó, và kết quả Tâm kinh trở thành một tài liệu hoàn toàn dễ hiểu có giá trị tôn giáo rất lớn.

Nếu Tâm kinh là một sản phẩm của thiên tài Trung Hoa, câu thần chú có thể không mang hình thái Gate! Như chúng ta đã thấy qua nhiều trường hợp khác nhau rồi, thần chú của các thiền sư đã khoác những màu sắc khác hẳn. Nhưng, trên phương diện tâm lý mà nói, quá trình tâm linh được chứng nghiệm bởi người Trung Hoa và Ấn Độ rõ ràng cũng thế và hiển nhiên, phải thế. Khi một người Trung Hoa được hỏi Phật là ai, y trả lời: “Đó là một cái thùng đầy nước bị thủng đáy”.

Phê phán theo tiêu chuẩn thường của luận lý, nói thế nghe như nói một Dharani. So sánh Phật với thùng nước coi có vẻ phạm thượng, nhưng trong con mắt của Thiền thì phải là cái thùng thủng đáy, nước tuôn ra ngoài hết và không có trăng rọi bóng vào trong đó. Rồi Phật mới hiện thân với 32 tướng tốt.

Tâm kinh không cụ thể mức này, nhưng nó mô tả kinh nghiệm Thiền khá sáng sủa. 

Trong “Gate!” những phủ định của Tâm kinh đã vươn tới khẳng định lớn, mà trong tất cả các kinh điển Đại thừa gọi là Chân như (tathtà). Những phủ định ấy cốt dẫn các hành giả của Bát nhã đi tới kết cuộc này. Việc đọc của Huyền Trang, đọc trong hình thức chú thuật, bây giờ trở nên chứa đựng những giá trị tôn giáo có tầm vóc lớn. Do sức mạnh của câu thần chú kết thúc, giác ngộ tối thượng, mà các học giả quen hiểu bằng trí năng, trở thành một biến cố vĩ đại của kinh nghiệm tâm linh. Địa vị của Tâm kinh trong giáo thuyết của Thiền được định đúng mức ở đây.

Vẫn còn phải cắt nghĩa trường hợp nào thần chú đặc biệt đó được đọc lên. Cái này đòi hỏi dài dòng hơn, mà ở đây thì không đủ; tôi chỉ có thể nói vắn tắt là, ý niệm “bờ bên kia” có chất Ấn riêng biệt, Và nó xuất hiện sớm trong văn học tôn giáo của Ấn Độ. Lấy thí dụ từ văn học Phật giáo khởi thủy, trong kinh Pháp cú chúng ta có câu này?

appaka te manussem yejana paragamino athayam itara paja tiram evanudhavati

Một ít người sang tới bờ bên kia;

Những người khác đang lang thang ở bờ bên này.

Có thể nói, Tathagata là paragata, Như Lai là Người Qua bên kia. Nhưng, ý niệm tathà đã trở nên có xu thế trong triết học Phật giáo hơn pàram và Pàràgata được thay thế bằng Tathàgata. Dấu vết ý niệm Pàram còn sót lại trong chữ Pàramità, chỉ cho những đức tính dẫn hành giả sang bờ bên kia của giác ngộ. Pàramità thường được dịch là đáo bỉ ngạn, sang đến bờ bên kia, mà trên thực tế đồng nghĩa với paragata, đi qua bờ bên kia; hai thành ngữ khác nhau là về hướng đi. Đi từ cuối bên này, và đến ở cuối kia; tùy theo chỗ đứng. Trong kinh Bát nhã ba la mật đa, dòng tiến của Quán Tự Tại mà diễn tả như đã “cập bờ bên kia” (pàrasamgate), thì rất là chính xác

Động Sơn Lương Giới[12] thuở còn là chú tiểu, một Luật sư dạy học Tâm kinh, và sư cố cắt nghĩa câu này: “Không mắt, không mũi...”. Nhung Lương Giới đưa mắt nhìn chăm chú sư, rồi sờ vào thân thể mình, và sau hết nói: thầy có hai mắt, hai tai, và các căn khác, và con cũng có như thế. Tại sao Phật dạy là không có?”. Luật sư nghe hỏi, ngạc nhiên bảo: “Ta làm thầy con không nổi. Con nên theo hầu một Thiền sư, vì sau này sẽ là một đại sư của Đại thừa”. 

Khi một tâm hồn trẻ trung hay thắc mắc như Lương Giới mà vấp phải phủ định luận của Bát nhã, đó là dấu hiệu tốt. Nếu cứ tiếp tục thắc mắc, nhất định sẽ có ngày bùng vỡ. Nhưng sau khi bùng vỡ nên bước trở lui lại con đường phủ quyết để thử xem trong con đường dẫn vào chứng nghiệm có thứ gì. Thuyết Tánh Không chẳng còn là phủ định luận thuần túy nữa. Rồi tôi sẽ giảng giải trong các trang sau; đó là cách giản dị nhìn các pháp như thật (yathàbhùtam), nhìn chúng dưới sắc thái Tathatà của chúng. Nó không chối bỏ thế giới vạn thù; núi non vẫn đó, hoa anh đào đang nở rộ, ánh trăng tỏa rạng trong đêm thu; nhưng đồng thời chúng không chỉ y nguyên là những cái riêng biệt, chúng gợi cho ta một ý nghĩa sâu thẳm, chúng được thấu hiểu trong cái không là chúng. Tâm kinh nằm trên nền tảng này.

Nhân lúc bước qua dòng nước, thấy bóng mình trong đó. Động Sơn làm một bài thơ, có thể cho ta điểm tựa dò vào kinh nghiệm nội tại của sư về Bát nhã:

切 忌 從 他 覓 

Thiết kị tùng tha mịch

迢 迢 與 我 蔬 

Thiều thiều dữ ngã sơ

我 今 獨 自 往 

Ngã kim độc tự vãng .

處 處 得 逢 蕖 

Xứ xứ đắc phùng cừ

蕖 今 正 是 我 

Cừ kim chánh thị ngã

我 今 不 是 蕖 

Ngã kim bất thị cừ

修 甚 隃 麼 會 

 Ưng tu thậm ma hội

方 得 契 如 如 

Phương đắc khế như như.

 Đừng nhờ ai tìm kiếm (Chân lý)[13]
Lần hồi lơ với ta
Giờ một mình ta bước
Đâu đâu cũng gặp mi
Nay mi chính là ta
Ta không phải là mi
Nếu hiểu được như thế
Mới gặp trúng Như như.

Xem mục lục