Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Phât trước chế luật, dựng mở kẻ mờ.

Câu trên, rõ năm thiên bảy tụ. Câu dưới, rõ khai sáng sơ cơ. Dựng: xây dựng. Mở: phát minh. Do Luật là môn học đầu tiên. Định Huệ, là nền gốc cả muôn lành.

Mông là mờ, tức là mông muội, nghĩa là, từ chưa lên ngôi Thánh (Thập địa Bồ-tát) nhẫn xuống, đều là kẻ mông muội (vì Tam Hiền còn trần sa hoặc, tứ quả Thanh Văn mới chỉ đoạn tư hoặc), huống chi là cả lục phàm phu nơi bạc địa ư!(65).

Phật trước chế luật, số là, bởi chúng sanh phiền não tưng bừng, tam độc bồng bột, điên đảo, loạn tưởng che mất ánh sáng trí huệ, tạo tác ra nghiệp sanh tử; thế nên đức Như Lai ứng hợp theo căn cơ, thi thiết giáo pháp, ban đầu, lấy giới Mộc xoa, để ngừa quấy dứt dữ, kế lấy pháp thiền định để chỉ tức tư lự (vọng tưởng), quên mất cái niệm duyên trần, sau đó, lấy trí huệ phá vô minh hoặc, chứng tỏ chân như.

Nên Tổ Nam Sơn Đạo Tuyên nói “Hễ cái nghiệp do nơi thân và khẩu phát ra thì, việc đề phòng cần ở nơi giới; còn tam độc có sôi nổi lên là, cốt do nơi thức tâm (thức thứ 6) nó sai khiến. Nên, trước lấy giới bắt, kế lấy định trói, sau lấy huệ mà sát nó, là cái lẽ thứ lớp phải vậy”.

Ký: Phật, tức là đức Bổn Sư Thích Ca Như Lai. Tiếng Phạm là Buddha (Phật-đà), dịch: Tri giả, cũng rằng giác giả, nghĩa là, tại nơi cội cây Tất-bát-la Bồ-đề, lảu lảu giác tri, sáng suốt tất cả các pháp tam thế số chúng sanh, số phi chúng sanh, hữu thường vô thường(66)… Ba giác tròn sáng cho nên xưng là Phật.

Ba giác: 1-Tự giác, là tự giác ngộ cho mình tỏ được tánh chân thường rõ vọng hoặc là luống dối,

2-Giác ngộ cho người vận lòng từ vô duyên(67) hóa độ cõi hữu tình, 3-Hạnh giác ngộ viên mãn, vì cả ba ấy đều đã cùng nguyên cực để, hạnh mãn quả viên.

Tiếng Phạm Vi-na-ya (Ty-ni), đây rằng Luật. Luật là phân phán, nghĩa là phân minh, lường xét cả các trường hợp khinh, trọng, khai, giá, trì, phạm(68).

Tiếng Phạm Pratimoksa (Ba-la-đề-mộc-xoa), dịch biệt giải thóat, tức “giới”, nghĩa là, với ba nghiệp (thân, khẩu, ý), bảy chi (thân ba, khẩu bốn), mỗi mỗi đều có giới để phòng ngừa điều quấy, để được riêng riêng mỗi mỗi giải thoát, nên nói biệt giải thoát.

Lại, khi thụ rồi, tùy theo trường hợp các điều sát sanh, thâu đạo, dâm dục, vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt và ác khẩu, đều không tạo tác nữa, thế, riêng riêng mỗi nghiệp, đã chẳng gây nhân thì, riêng riêng mỗi điều đều không mắc quả báo, nên nói là “Biệt biệt giải thoát”. (biệt biệt tức chủng chủng mỗi mỗi hay món món).

Sáng (xây dựng) ban sơ bắt đầu, thành lập luật pháp, sáng tạo công nghiệp.

Ngũ thiên thất tụ rõ đủ ở trong Đại Luật, chính là hai trăm năm mươi giới pháp của Tỳ-kheo tăng; Tỳ-kheo ni thì ba trăm bốn mươi tám giới pháp.
Trí Độ Luận chép “Sư ni thụ giới pháp, lược thì năm trăm, rộng thì tám vạn điều luật”.

Quỉ tắc uy nghi, sạch như giá tuyết.

Câu trên, chỉ thị luật pháp; câu dưới, đặt lời tỷ dụ. Quỉ tắc, là quỉ phạm pháp tắc của luật. Người mà năng bẩm thụ pháp tắc ấy, tức là tiến ngay đến cái đạo quả Vô thượng Bồ-đề.

Uy nghi là với uy nghiêm, ta khá sợ, với hạnh nghi, ta khá kính.

Do thầy Tỳ-kheo vâng giữ đủ cấm giới, các giới được uy nghiêm, tự nhiên khiến cho người ta trông thấy khá sợ thì với đi, đứng, nằm, ngồi, dung nghi đoan trang, hình biểu đường chính; tự nhiên khiến người ta khá kính. Thế thì, trong nghiêm ngoài chính, chẳng bợn một mảy trần, nên được như giá sạch, như tuyết trắng.

Ký: Hai câu của bổn văn đây, là nói về cái thể của tịnh giới; bốn câu của hai văn dưới kia là, nói về cái dụng của giới điều.

Thôi giữ, làm phạm, buộc thu lòng đầu.

Câu trên, rõ giữ giới, phạm giới. Câu dưới, rõ công năng của giới đối với kẻ mới phát tâm.

Song, chỉ (thôi dứt) ác tức trì giới, tác (làm) ác là phạm giới. Chỉ, thì ba nghiệp (thân, khẩu, ý) không giong ruổi nơi vọng cảnh (lục trần), các điều ác chẳng sanh khởi; trì (giữ) thì giữ chí kiên trinh, tâm lìa tán dật (buông lung), thế là thúc liễm (buộc thâu). Chính là cái điều ước đầu tiên để nhập đạo, cái cửa ngõ ban sơ của định huệ, nên nói là sơ tâm (lòng đầu, là mới bắt đầu học giới).

Ký: Chỉ (thôi, dứt), thì các điều ác không sanh khởi, trì (giữ) thì đột-kiết-la(69) chẳng phạm. Lại, Chỉ thì tâm không vọng động; Trì thì chấp mà chẳng mất; Thúc (bó) thì niệm không buông lung; Liểm thì nước định đứng trong.

Phụ Hạnh nói “Có kẻ tự hào rằng tu Đại thừa thì cần gì phải chế giới ấy là sai lầm hẳn!”. Rằng bất chấp đấy, chính là trì giới mà không chấp nê. Nếu cho chẳng trì giới mà gọi là bất chấp, đấy tức là chấp phá rồi thì sao gọi là bất chấp được? Cái chấp trì còn chẳng có, thì cái vọng trì đâu còn.
Mảy múm điều chương, đổi các xấu tệ.

Câu trên, rõ về giới tướng; câu dưới, rõ về đối trị. Do vì giới là đủ cả ba ngàn uy nghi, tám vạn tế hạnh, nên nói là mảy múm điều chương; để trị tám vạn bốn ngàn các trần lao (phiền não), nên nói rằng đổi các xấu tệ.

Ký: Điều chương tức là các điều tướng vi tế trong hai trăm năm mươi giới của Tỳ-kheo. Cách: đổi, tức thoan trừ. Ổi tệ: xấu tệ, tức cả tam độc thập sử(70) các vọng hoặc thói tập nhiễm.

Các vọng hoặc, nói sơ lược là tam kiết(71); mười sử, nói rộng ra là tám mươi tám sử, nhẫn đến tám vạn bốn ngàn trần lao, vì nó thường gút trói chúng sanh lùa khiến trôi lăn nơi tam giới, chẳng đặng giải thoát.

Tam kiết: 1-Thân kiến, 2-Giới thủ, 3-Nghi kiết; lại thêm tham, sân, si, mạn, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, tức là mười sử. Mười sử đây, trải qua dưới tứ đế cả tam giới, hoặc tăng, hoặc giảm chẳng đồng, cộng thành tám mươi tám sử.

Số là, dưới Khổ đế của Dục giới, thì trọn đủ mười sử; dưới Tập Diệt hai đế, đều có bảy sử, nghĩa là trừ ra ba sử thân kiến, biên kiến và giới thủ; dưới Đạo đế có tám sử, nghĩa là chừa ra hai sử thân kiến, biên kiến, thì cả bốn đế đã kể trên hiệp lại là ba mươi hai sử.

Dưới bốn đế của Sắc giới và Vô sắc giới, đều như Dục giới, chỉ với dưới mỗi đế, lại trừ ra cái sân sử, vì chúng sanh ở hai giới trên, sân sử không hiện hành nữa.

Một giới có hai mươi tám sử, cả hai giới nhập chung lại cộng là năm mươi sáu sử; chung với ba mươi hai sử của dục giới, tổng cộng thành tám mươi tám sử.

Xem hai phụ biểu ở sau
Đệ nhứt Dục Giới

Dưới Khổ đế …
Dưới Tập đế …
Dưới Diệt đế …
Dưới Đạo đế …

10 Hoặc
7 Hoặc
7 Hoặc
8 Hoặc Thân. Biên. Tà. Thủ. Giới.
Tham. Sân. Si. Mạn. Nghi.
Tà. Thủ. Tham. Sân. Si.
Mạn. Nghi.
Tà. Thủ. Tham. Sân. Si.
Mạn. Nghi.
Tà. Thủ. Giới. Tham. Sân.
Si.Mạn. Nghi.

Khổ đế mười hoặc: 1-Thân kiến: Lấy khổ quả (cái thân) bằng năm uẩn giả hòa hợp mà mê chấp làm ngã kiến là thường là nhất. 2-Biên kiến: Nhận cái thể của ngã kiến sau khi chết, nó vẫn thường trụ, hoặc cho sau khi chết, nó đoạn tuyệt hẳn. Với thường và đọan ấy, đều chấp một bên, nên gọi biên kiến.

3-Tà kiến: Với cái thân hiện tại đây là cái quả báo đối với cái nghiệp nhân của đời quá khứ, thế mà lại bác đi, cho là không có lý lẽ ấy, nên gọi là tà kiến.

4-Kiến thủ kiến: Vì chấp mê lấy ba cái kiến giải trên đó, cho là chánh kiến. 5-Giới cấm thủ kiến: Mê chấp cái khổ thân hiện tại, làm mỗi mỗi khổ hạnh của tà giới, như giữ ngưu giới, cẩu giới, nằm trên gai, gieo mình vào lửa… tu khổ hạnh như thế làm cái nhân cho thân đây sau được sanh lên chỗ vui của trời hay người, nên gọi giới cấm thủ kiến. 6-Tham: Hàm yêu lấy năm cái kiến hoặc trên đó cho là phải là đúng. 7-Sân: Chấp lấy năm kiến hoặc đã kể trên đó, cho là phi là quấy mà nổi sân khuể. 8-Si: Vì chẳng biết cái lẽ năm kiến thức trên là mê hoặc, là phi lý, nên gọi là si. 9-Mạn: chấp lấy năm kiến hoặc trên cho là phải, là cao kiến mà tự hào, tự sanh tâm kiêu mạn. 10-Nghi: Vì đối với cái chân lý thiết thực của Khổ đế mà nghi là phi thiết thực.

Với mười hoặc (tức 10 sử) trên, năm kiến và nghi, chỉ lấy đế lý làm sở mê, nên gọi là cái hoặc về phần “thân mê”, còn bốn cái tham, sân, si, mạn ấy, lấy năm cái kiến hoặc làm sở mê, nên gọi là cái hoặc về “sơ mê”. Cả mười hoặc thân sơ đó, là vì mê muội cái chân lý khổ đế của Dục giới mà phát khởi ra mười cái phiền não (hoặc hay sử), nên khi chứng vào ngôi kiến đạo (Thanh văn thừa là ngôi Dự lưu hướng, Bồ-tát thừa là ngôi nhập tâm của Sơ địa), khi mà quán xét cái Khổ đế của Dục giới, đồng nhứt thời đoạn hết mười hoặc đã kể trên.

Tập đế bảy hoặc: 1-Tà kiến là với cái lẽ rằng “Vọng hoặc nó làm nguyên nhân cho sanh tử” mà lại bác bỏ đi, cho là không có lẽ ấy, nên gọi là tà. 2-Kiến thủ kiến là mê chấp lấy tà kiến để làm chánh kiến.

3-Nghi là nghi ngờ cái lý của Tập đế; còn bốn cái tham, sân, si, mạn ấy, là lấy ba cái hoặc trước làm sở mê mà sanh khởi ra bốn ấy.

Diệt đế bảy hoặc: Diệt đế là Niết-bàn, lại bác đi, cho là không phải Niết-bàn, ấy là tà kiến, đó là một hoặc. Chấp lấy tà kiến ấy cho là chánh kiến, ấy là kiến thủ kiến, đó là hai hoặc. Với Niết-bàn lại nghi, không có lòng tin quyết định, ấy là nghi đó là ba hoặc. Do ba cái thấy lầm đó làm duyên mà sanh ra bốn cái tham, sân, si và mạn. Vì bị mê muội không hiểu cái lẽ Diệt đế mà sanh ra bốn hoặc ấy.

Đạo đế tám hoặc: Vì mê không rõ cái lẽ của Đạo đế mà khởi ra tám hoặc. Với bảy hoặc trước của Diệt đế, gia thêm một cái giới cấm thủ, thành tám cái. Nhân có một phái ngoại đạo, tu về cái định Vô tưởng, nhận lầm cái định ấy là cái chánh đạo nhập Niết-bàn, ấy là do mê muội không hiểu lẽ của Đạo đế mà sanh khởi ra cái “Giới cấm thủ kiến” là phi đạo lại kể làm đạo đấy.

Nhẫn trên gồm làm 32 hoặc (32 sử) của Dục giới.

Đệ nhị Sắc Giới, Vô Sắc Giới

Dưới Khổ đế …
Dưới Tập đế …
Dưới Diệt đế …
Dưới Đạo đế …
9 Hoặc
6 Hoặc
6 Hoặc
7 Hoặc

Cõi Sắc và cõi Vô sắc, công có hai mươi tám hoặc ấy, là với các hoặc dưới tứ đế, đều chừa mỗi một sân hoặc, vì chúng sanh ở hai cõi này là Định địa, chứ phi như chúng sanh ở Dục giới là Tán địa, nên chúng sanh ở hai cõi trên ý thức không sanh khởi cái phiền não thô động là sân khuễ nữa.
Kể cả những hoặc sử dưới tứ đế suốt tam giới, cọng là tám mươi tám; giữa mười lăm tâm của ngôi kiến đạo đoạn hoặc ấy, nên nói là kiến hoặc của bát thập bát sử.

a-Thập ngũ tâm: Là trải qua những niệm số của ngôi kiến đạo bên Tiểu thừa Câu-xá tông, có tám nhẫn, tám trí cọng làm mười sáu tâm.

1-Khổ pháp trí nhẫn là cái trí đoạn các kiến hoặc dưới khổ đế của Dục giới. 2-Khổ pháp trí là cái trí đoạn khổ hoặc rồi mà chính là chứng đế lý. 3-Tập pháp trí nhẫn là cái trí đoạn các kiến hoặc dưới Tập đế của Dục giới. 4-Tập pháp trí là cái trí đoạn tập hoặc rồi mà chính là chứng đế lý. 5-Diệt pháp trí nhẫn là cái trí đoạn các kiến hoặc dưới Diệt đế của dục giới. 6-Diệt pháp trí là cái trí đoạn diệt hoặc rồi mà chính là chứng đế lý. 7-Đạo pháp trí nhẫn là cái trí đoạn các kiến hoặc dưới Đạo đế của Dục giới. 8-Đạo pháp trí là cái trí đoạn kiến hoặc của Đạo đế rồi, mà chứng là chứng đế lý. 9-Khổ loại trí nhẫn là cái trí đoạn các kiến hoặc dưới Khổ đế của sắc giới và vô sắc giới. 10-Khổ loại trí là cái trí đoạn kiến hoặc dưới khổ đế của hai giới trên rồi mà chính là chứng đế lý.

11-Tập loại trí nhẫn là cái trí đoạn các kiến hoặc dưới Tập đế của hai giới trên. 12-Tập loại trí là cái trí đoạn kiến hoặc dưới Tập đế của hai giới trên rồi mà chính là chứng đế lý. 13-Diệt loại trí nhẫn là cái trí đoạn kiến hoặc dưới Diệt đế của hai giới trên.

14-Diệt loại trí là cái trí đoạn kiến hoặc dưới diệt đế của hai giới trên rồi mà chứng là chứng đế lý.

15-Đạo loại trí nhẫn là cái trí đoạn kiến hoặc dưới đạo đế của giới trên. 16-Đạo loại trí là cái trí đoạn kiến hoặc dưới Đạo đế của hai giới trên rồi mà chính là chứng đế lý.

Trong mười sáu tâm ấy, mười lăm tâm trước là thuộc về ngôi “kiến đạo”, còn một cái tâm rốt sau tên là “ Đạo loại trí” đó, thì thuộc về ngôi “tu đạo”.

Nhẫn: nhẫn hứa, là ngôi đã tin nhẫn chân lý rồi, không sanh kiến hoặc nữa, nên lấy đó làm phần “đoạn đạo”. Trí: quyết định, là lìa hoặc rồi, chính là ngôi quyết định chân lý, nên lấy đó làm phần “chứng đạo”. Pháp: cõi Dục giới gọi là pháp đó, là vì lấy pháp ấy làm cái sở kiến hiện tiền. Loại: hai giới trên gọi là dục đó, là vì lấy cái pháp ấy để tỷ loại với Dục giới.

Với kiến hoặc của tam giới thì, ngôi kiến đạo của Thanh văn đốn đoạn; còn với “tư hoặc” thì phải đoạn dần dần từ phần, vì Thanh văn là độn căn.
Nhân vì pháp hệ, nên chép luôn “tư hoặc” ra đây, để tiện bề tìm hiểu.

81 phẩm tư hoặc.

Với thập hoặc (10 sử) phân làm cửu phẩm cho Cửu địa để mà đoạn đó. Cửu địa: Dục giới ngũ thú tạp cư địa là một; Sắc giới tư thiền thiên là năm, Vô sắc giới tứ không thiền là chín.

Cửu phẩm: Với tư hoặc của chín địa, phân làm thượng thượng phẩm, thượng trung phẩm, thượng hạ phẩm; trung thượng phẩm, trung trung phẩm, trung hạ phẩm; hạ thượng phẩm, hạ trung phẩm, hạ hạ phẩm. Nên thành số 81 phẩm.

Đấng Thánh giả, đã đoạn rồi “kiến hoặc” là quả Dự lưu; lại tiến lên đoạn từ một phẩm nhẫn đến năm phẩm tư hoặc của một địa ngũ thú tạp cư, là ngôi Nhất lai hướng; đến chừng đoạn hết sáu phẩm ấy rồi, là ngôi Nhất lai quả. Do vì còn ba phẩm hạ tư hoặc của Dục giới, nên còn phải một lần qua lại giữa nhân gian và sáu Dục thiên để tu đoạn. Kế đó đương đoạn ba phẩm hạ tư hoặc, là ngôi Bất hoàn hướng; đến chừng đã đoạn hết rồi, là ngôi bất hoàn quả, do vì chẳng trở lại sanh ở dục giới nữa. Kế đoạn dần dần 72 phẩm tư hoặc của tám địa của hai giới trên là ngôi A-la-hán hướng; chính sau khi đã đoạn hết 72 phẩm tư hoặc ấy rồi, là ngôi A-la-hán quả. Dịch Bất sanh, là do vì đã đoạn sạch hết rồi 81 phẩm tư hoặc, nên không còn trở lại thụ sanh ở trong tam giới nữa. Nghĩa là ra ngoài tam giới.

Nhẫn trên, là rút ở quyển 12 của bộ Câu-xá Luận.

Tám vạn bốn ngàn các trần lao lấy tham hành, sân hành, si hành và đẳng phần hành(72), đều đủ hai vạn một ngàn, cọng là tám vạn bốn ngàn.
Tam thiên uy nghi, bát vạn tế hạnh 250 giới pháp, lấy hành, trú, tọa, ngọa là bốn uy nghi ấy, đều có 250, hiệp lại là 1000, chạy vòng cả quá khứ, hiện tại, vị lai ba đời ấy, cọng lại là 3000; lấy 3000 ấy, phối với thân ba khẩu bốn, cọng thành hai vạn một ngàn; lấy hai vạn một ngàn ấy, lại đối trị cả bốn món phiền não là tham, sân, si và đẳng phần, cọng thành là bát vạn tứ thiên tế hạnh, ấy là để đối trị bát vạn tứ thiên các trần lao môn.
Tiệc pháp (pháp hội) Tỳ-ni, chưa hề gần gũi, liễu nghĩa thượng thừa, làm gì rành rõ!

Đây là lời nương nhau thừa tiếp văn trên phát khởi văn dưới.

Hai câu trên, với giới luật, chưa học tập. Hai câu dưới với kinh giáo không thể tỏ biết.

Tằng vị thao bồi: chưa hề gần gũi, là chưa từng năm thời kiết hạ nương Bổn sư, mười pháp tịch đến nghe học luật.

Giới là môn học đứng đầu tam tạng pháp môn ở trước định huệ, thế mà học lại toan vượt bực lớp thì làm gì rành rõ được giáo lý? Tỷ như với cửa ngoài chưa vào, thì làm sao quan sát được nội dung nơi nhà trên và trong phòng kín (buồng gói)?

Thế biết rằng với giới luật mà chưa được tinh nghiêm, huệ giải do đâu phát sanh thì, với tông chỉ “Vô lượng liễu nghĩa” làm gì phân rành, mở tỏ, chứng nhập được ư ?

Rằng liễu nghĩa, là các bộ kinh giáo Đại thừa, chính là lời nói quyết chọn rõ ràng, giải rộng cái nghĩa thực tướng của trung đạo một cách minh bạch, phi như các kinh điển Tiểu thừa, và bao thuyết “che tướng, kín ý, ngậm giấu” là mập mờ, bí mật hay huyền bí.

Ký: Ngài Trung quốc sư nói “Người mà tu học pháp Thiền Tông cần phải tuân y theo lời Phật dạy, với các kinh “Nhứt thừa liễu nghĩa” phải khế ngộ lấy bổn nguyên tâm địa, để rồi lần lựa trao truyền cho nhau cùng đồng với đạo Phật; chứ chẳng nên ỷ y nơi vọng tình của mình vì kinh giáo bất liễu nghĩa, để rồi làm cách hiểu bướng thấy càn, gây sự nghi lầm cho hậu học! Vì đã là mình và người đều chẳng lợi ích chi, lại phá hoại Phật pháp nữa! Tỷ như con trùng trong thân sư tử, nó tự ăn được thịt của sư tử (chứ phi con thú nào dám hại sư tử – chính đệ tử Phật làm hại pháp Phật) chứ phi thiên - ma vương, các phái ngoại đạo nào mà có thể phá diệt được Phật pháp.

Tỳ-ni pháp tịch: Tiệc pháp Tỳ-ni, là chỗ giảng diễn giới luật.

Luật dạy Thầy Tỳ-kheo nào dẫu tu chứng được tam minh lục thông(73) đi nữa, cũng cần phải nương theo Bổn sư để học luật đủ năm trường hạ lạp, nếu chưa thông rõ luật học, nhẫn đến trọn đời không được rời y chỉ nơi Bổn sư”.

Tư Trì nói “Luật chế rằng sau khi thọ giới Tỳ-kheo, luôn năm hạ lạp trước, cần phải chuyên học bộ luật cho được khế ngộ, nếu thông được các trường hợp sao là trì giới, sao là phạm giới, biện rành được sự của Tỳ-kheo, nhiên hậu mới có thể tập học các kinh luận; đời nay Tỳ-kheo vượt lớp bỏ học luật mà học kinh luận, đấy, lối tu hành đã mất thứ tự, thời không do đâu chứng nhập đạo quả được, tất nhiên, bị Đại thánh quở trách, rốt phi học đồ rồi”!

“Người đời nay, vừa mới thụ giới phẩm, liền cho nghe kinh, luận hoặc học tham thiền, thành thử, làm nhà Tăng mà với tế hạnh, uy nghi không hiểu một gì ráo. Huống lại còn khi dễ giới kiểm, kích bác Tỳ-ni, chê việc học luật là Tiểu thừa, khi kẻ trì giới là chấp tướng”.

“Nhân đó mà, hoang mê theo trần tục, buông lung thói ngu ngoan; vả lại, với giới mà có thể khinh được, thì sao ngươi đến đàn xin thụ? Với luật mà có thể hủy được, thì sao ngươi cạo tóc nhuộm áo hoại sắc?

“Thế thì khinh giới, tức toàn là khinh lấy mình, hủy luật; tức tự hủy lại mình; vọng tình dễ quen, chí đạo khó nghe, nên chi số vạn người xuất gia, khó được một người thoát tục vượt bầy. Xin rõ lời Phật dạy, không thể không theo ư!?

Đáng tiếc! Bỏ trống qua một đời, sau ăn năn khó vói!

Hai câu đây, là lời thương và than! Nghĩa là với luật kinh đã bất minh, tức tự bỏ mất giới đức của thân, lấy tâm huệ của tâm mà với huyền đạo(74) không nhân đâu tỏ ngộ được! Thế là tự bỏ trống qua cái đời của mình, đến khi con ma sanh tử đáo đầu (mắt lờ tóc bạc, gối mỏi răng long) thì, chừng đó, có ăn năn, đã chẳng kịp nào? nên nói nan truy: khó vói!

Ký: Luật là giới học, kinh là định học. Trên đó đã chỉ thị môn học rồi; dưới đây sẽ nói rõ về môn huệ học. Vì, với “đạo” là do nơi Bát-nhã diệu huệ, mới có thể tỏ hiểu được.

Với giáo lý, chưa từng để lòng, thì huyền đạo, không nhân đâu khế ngộ.

Câu trên, huệ giải (trí sáng hiểu) chưa đủ. Câu dưới, đốn ngộ (chứng liền tỏ) không do đâu.

Giáo lý, thuyên lý, gọi là giáo, sở thuyên của giáo nói là lý. Giáo pháp mà nói rõ về lý, tức là mười hai bộ kinh.

Nguyên bởi đức Như Lai ngài y nơi chân lý, thành lập ra lời nói, khiến cho chúng sanh y giáo tu hành, để chứng lấy chân lý.

Tứ Giáo Nghĩa nói “Nói cái lý năng thuyên, để hóa chuyển lòng người, nên nói là giáo.”

Hóa chuyển có ba nghĩa: 1-Chuyển đổi điều ác, làm điều lành; 2-Chuyển đổi điều mê mờ, làm điều giải ngộ; 3-Chuyển đổi tâm phàm làm nên tâm Thánh.

Nói rằng thuyên lý, là nói rõ cái lý chân đế và cái lý trung đạo. (thuyên: biện bạch rành rõ)

Huyền đạo, tức là tâm ấn của Phật Tổ, gượng mà nói thì là, cái “Đạo lý u huyền, vi diệu, tịch diệt vô tướng”

Nếu không lấy “giáo lý” của Như Lai để làm chánh nhân thì, chẳng do đâu đốn ngộ được cái “Vô thượng diệu đạo” của Phật Tổ.

Nên đức Đạt-ma từ phương Tây đến Trung Hoa, Ngài còn lấy bốn cuốn kinh Lăng Già để làm tâm ấn; núi Hoàng Mai, đức Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, khuyên học giả thụ trì kinh Kim Cang Bát-nhã; núi Thiên Thai đức Trí Khải, tụng kinh Pháp Hoa, chứng thấy vào hội Linh Sơn chưa giải tán; Tổ Khuê Phong chứng nhập vào kinh Viên Giác.

Nên sách Tông Cảnh chép “Hai mươi tám đức Tổ bên Tây Thiên, sáu đức Tổ tại Trung Hoa, nhẫn đến các vị Tổ như Mã Tổ, Nam Dương, Nga Hồ, Không San thiền sư…, các Ngài đều rộng thông kinh luận, trọn giác ngộ được tự tâm, với những chỗ khai thị cho đồ chúng, các ngài đều dẫn ra chứng cứ thành thực, hoàn toàn không bao giờ tự đem nơi hung ức ra đặt điều đặt chuyện chỉ bày vọng hoặc.

Thế nên, vẫn trải lâu tuế hoa(75) mà, chân phong(76) không suy đổ. Vì, lấy Thánh ngôn (Phật ngôn) làm định luật, chúng tà ngụy khôn đổi dời, dùng chánh giáo làm chỉ nam(77) nương bằng có chứng cứ.

Nhưng chớ chấp lấy văn tự trên nghĩa, tùy theo lời nói mà sanh ra nhận thấy, chẳng phải dò thấu ý chỉ dưới chân thuyên, họp tỏ nơi gốc chủ, thì cái trí vô sư(78) được hiện tiền, và đạo thiên chân(79) không mê muội.

Thế, biết rằng giáo pháp nó có cái sức trợ đạo, kẻ mới phát tâm tu học đâu thể tạm quên được ư!

Sở dĩ, từ trước các tiền Thánh, các nhà Tổ, đâu chẳng nghiên cứu cùng cực chí lý của tam tạng, để ấn khả nơi tự tâm, rồi ra xem xét theo phong tục mà khai hóa người đời.

Các học giả ngày nay, chẳng thể hoàn toàn được thế, lại khinh khi kinh giáo, là cái tâm gì ru!?

Dẫu là hạng người “đặng cá quên nơm” thì kinh luật có lỗi gì đâu?

Đức Như Lai kim khẩu thuyết ra, với một lời một chữ; dù trăm kiếp ngàn đời, còn chẳng đặng nghe thấy, nếu ta là hạng người vô duyên thiếu phước, huống nữa được thụ trì hiểu tỏ. Nên biết, giáo điển chẳng làm mê mờ cho người mà, chính tự người mê mờ giáo điển vậy thôi.

Tổ Khuê Phong nói “Môn hạ của các tông phái, đều có người thông đạt, nhưng đều yên phận theo chỗ học tập, nên lối thông suốt thì ít mà, chỗ cuộc chấp lại nhiều. Chỉ lấy theo cái lề vâng chịu cửa ngõ, rồi đều mỗi tự khai trương, dùng kinh luận làm can qua(80) rồi mãi lẫn nhau công kích. Tình ở nơi hàm thỉ(81) mà dời đổi, pháp theo nơi nhân ngã làm thấp cao. gây nên thị phi hoang mang, không thể giải quyết được! Kinh như dây mực, để nảy tánh ngay xiên, dây và mực phi khéo, mà anh thợ khéo ắt dùng dây mực để làm bằng; kinh luận chẳng phải là thiền, mà người tham thiền ắt phải dùng kinh luận làm chuẩn đích(82)”.

“Phải biết rằng Kinh là lời của Phật, thiền là tâm của Phật, luật là hạnh của Phật. Ba nghiệp Thân, khẩu, ý của Như Lai, vốn chẳng trái nhau.”

Chỉn bởi, người với pháp sái nhau, nên pháp cùng người thành bịnh! Các học giả hễ bỏ được một điều nọ, lại chấp một điều kia, tự làm điên đảo lấy mình!

Nếu là người học hiểu đến nơi đến chốn, quày muôn pháp trở về mình (ngoài tâm không pháp, tâm diệt pháp diệt) thì, nào có thị, nào có phi, nào có trái nhau ru!? (Là tự học giả phân biệt thiên chấp, chớ giới luật, kinh giáo và Thiền Tông đâu có phải, chăng, trái nhau).

Ký: Hai câu của bổn văn đây, là nói người mà chẳng có huệ học thì tức là không nhân đâu để đốn ngộ được huyền đạo. Thế thì, nhân học giới luật, mới rõ được giáo pháp; nhân giáo pháp mới rõ được đạo lý.

Hỏi: Đốn ngộ là cái tông của trực chỉ Thiền rồi, thế cần gì còn phải dùng kinh giáo để làm chỉ nam ư ? Vì tông này bất lập văn tự đấy mà!

Đáp: Há chẳng nghe rằng “Hiểu nghĩa bằng cách y kinh là kẻ thù của Phật ba đời. Còn nói pháp mà lìa kinh chừng một chữ, tức đồng ma thuyết” (thế, chấp kinh, lìa kinh, đều chẳng đặng cả). Lại nói “Người nay coi kinh xưa chưa khỏi trong lòng rộn! Muốn khỏi rộn trong lòng, cần phải xem kinh xưa(83).

Bảo Tạng Luận nói “Gương xưa chiếu yêu(84) tinh, yêu tinh tự lộ hình, kinh xưa chiếu vào tâm(85), tâm ấy tự tỏ sáng”.

Nếu biết tất cả pháp, vốn là tánh đức diệu dụng trong Như Lai tạng, thế, thì có chi là thị, có chi là phi, có chi là văn tự ư?

Mười hai bộ kinh: Đức Như Lai thuyết pháp trong bốn mươi chín năm, giáo pháp ấy phân làm mười hai phần mà, thống nhiếp cả ba tạng: 1-Phần khế kinh, 2-Phần trùng tụng, 3-Phần thụ Ký: 4-Phần già-đà, 5-Phần vô vấn tự thuyết, 6-Phần nhân duyên, 7-Phần thí dụ, 8-Phần bổn sự, 9-Phần bổn sanh, 10-Phần phương quảng, 11-Phần vị tằng hữu, 12-Phần luận nghị.

Nam Dương: Trung quốc sư. Nga Hồ: Đại Nghĩa thiền sư. Tư Không Sơn: Bổn Tịnh thiền sư.

Xem mục lục