Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Tôi được biết Giáo sư Suzuki vào năm 1909, khi ông trở về sau mười một năm sống tại Hoa kỳ. Lúc ấy ông vừa được chỉ định làm giảng viên, và năm sau, vào tuổi 40, làm giáo sư ở Gakushùin (Peers’ school). Lúc ấy tôi là học sinh năm cuối của trường và lớp của tôi được học Anh văn với Thầy. Vì ngẫu nhiên Thầy cũng là trị sự ký túc xá của chúng tôi, nên hầu hết thời gian ở trường tôi đều cận kề bên ông.

Chẳng bao lâu sau khi tôi tốt nghiệp và vào viện Đại học Hoàng gia Kyoto, Giáo sư Suzuki chuyển đến viện Đại học Otani. Tôi còn nhớ lần viếng thăm tư thất của ông nằm trong chuỗi các tu viện Tôfukuji ở Kyoto, nơi ông đang dốc tâm dịch Kinh ra Anh văn cho tạp chí Phật tử Đông phương. Việc đọc bản in và chỉnh sửa bản thảo chiếm phần lớn công việc.

Tôi nghĩ là mình chịu ảnh hưởng sâu đậm của nhân cách Giáo sư Suzuki khi tôi đến tham Thiền tại các tu viện sau này, nhưng tôi không rõ mình đã có bao giờ thảo luận với ông đặc biệt về chủ đề Thiền tông hay không. Chúng tôi đã bàn những vấn đề xã hội. Sau chiến tranh, tôi thường lui tới thăm ông ở Liêm thương để trao đổi quan điểm về vấn đề lao động. Mặc dù ông hiểu rõ sự cần có những liên đoàn lao động, ông không ngần ngại chỉ ra mức độ dư thừa của chúng.

Muốn ôn lại những kỷ niệm của Giáo sư Suzuki thời ở trường Gakushùin, tôi đã tập hợp và đọc lại càng nhiều càng tốt những tiểu luận và bài giảng của ông đăng trong tờ báo Hojin-Kai của trường. Đọc lại mười tiểu luận giá trị một thời, tôi thấy lại một cách sâu sắc chân tình của ông. Ông vẫn thường nói lòng chân thật là một điều phải được coi trọng trong cuộc sống. Giáo sư Suzuki đã có lần giảng về tác phẩm bất hủ của Thomas Carlyle, cuốn ‘Về Anh hùng và sự sùng bái Anh hùng’. Điều Carlyle nhấn mạnh là tư tưởng kiên định của các vị anh hùng cũng có thể được xem như lòng chân thật. Nếu hình thức ứng xử thế chỗ lòng chân thật, như trường hợp Napoleon, thì tư tưởng cao cả này sẽ mai một.

Tất nhiên, ông đã thường dẫn dắt chúng tôi theo chánh đạo với sự chân tình này. Rất tiếc lúc đó chúng tôi chưa thể hiểu trọn vẹn giá trị của sự dẫn dắt tinh thần này của Giáo sư Suzuki. Chúng tôi được bảo bọc trong bầu không khí thân thương tỏa ra từ nhân cách ông. Có thể vì chúng tôi quá gần gũi ông và còn quá trẻ để hiểu ông thật sự. Tuy nhiên, những gắn bó như vậy đã giúp tôi giữ được mối quan hệ với ông qua năm tháng đến tận ngày ông qua đời

Có những bài viết của ông về Văn hóa Đông phương mang tiêu đề là "Tùy theo ngòi bút điều khiển," "Vào một đêm mưa" v.v.; nhưng trong bàitựa cho các tiểu luận, ta thấy rõ nhiệt tâm của ông mong muốn viết càng bao quát và hoàn chỉnh càng tốt. Nhưng công việc hành chính và riêng tư đã ngăn trở ông, chỉ cho phép ông ghi lại những cảm nhận và tư tưởng một cách tản mạn. Ông đã nhận xét như vậy trong đoạn cuối: "Tôi đã đọc lại tiểu luận từ đầu và cảm thấy hoàn toàn thất vọng mà không thể lý giải tại sao. Ước gì có thể bổ sung thêm, nhưng tôi không có thời gian để làm việcnày."

Chúng ta đã quen xem một hệ thống lý luận phải bao gồm nhập đề, chính đề, và các chi tiết hợp lý hoặc có tính khoa học. Tuy nhiên với Bác sĩ Suzuki, ông thường sử dụng một hệ thống khác để theo đuổi sâu xa hơn tư tưởng của riêng ông. Ông có thể đem lại cho chúng tôi những dưỡng chất tinh thần mà những người bị thu hút với công việc định sẵn hằng ngày như chúng tôi rất cần.

Dù ước mơ của tôi là làm một bản tóm lược những tư tưởng của Bác sĩ Suzuki được thể hiện trong các trước tác thời kỳ đầu của ông, song hiện tại tôi chưa có đủ thời gian. Tôi phải tự hài lòng với một tình tiết xảy ra gần sáu năm trước. Lúc ấy, tôi cùng với cô Okamura, thư ký của ông, đang dìu ông bước xuống những bậc cấp của Thư viện Matsugaoka, bổng ông chợt hỏi tôi: "Tôi nhớ, khi anh còn là một sinh viên và đang đi dạo với tôi, có lần anh đã nói anh không cần gì ở những người đã quá tuổi ba mươi. Bây giờ anh đã vượt qua cái tuổi đó, không biết anh có còn giữ luận điểm ấy nữa không?" Quả thật tôi có nói như thế, nhưng cách đây đã gần nửa thế kỷ! Tôi sững sờ trước trí nhớ siêu phàm của ông đến độ không thể trả lời ngay
lúc ấy. Vào một dịp khác, tôi đã hỏi ông: "Xin Thầy cho tôi một công án", ông gật đầu: "Một loại công án, có thể lắm chứ". Lần trao đổi này vẫncòn in hằn trong tâm trí tôi.

Ông luôn hiểu lời tôi một cách thân ái còn tôi nói về ông với tất cả tấm lòng mình. Giờ đây khi nghĩ về sự quan tâm của Bác sĩ Suzuki dành cho thế hệ trẻ, được biểu hiện trong nhiều tiểu luận của ông, tôi cảm thấy hỗ thẹn về những phát ngôn khinh suất của mình.

Cho phép tôi trích dẫn vài dòng ông đã viết cho tờ tập san của trường chúng tôi vào năm 1916:

Tôi hầu như không nghĩ rằng có hai nhóm quyền lực khác nhau và thường trực trong xã hội chúng ta hay ngay cả trên toàn thế giới. Chúng đang vận hành một cách tương phản do đấu tranh, bức bách, và mâu thuẩn.

Tất nhiên trên thế giới luôn có hai tầng lớp con người: tầng lớp trẻ và tầng lớp già. Kể cũng lạ, họ luôn chống đối nhau mà không thử tìm hiểu nhau bao giờ. Vậy tôi muốn nêu ra điểm này: bên nào nên xấu hỗ vì một sự đối đầu như vậy? Theo tôi tầng lớp già phải chịu trách nhiệm. Điều này càng đặc biệt đúng trong môi trường giáo dục. Giới cao niên thường hay quên thời trẻ trung của họ. Họ không mảy may chú ý là mọi sự đang thay đổi từng ngày và rằng thời trẻ tuổi của họ trong quá khứ không nhất thiết phải giống như thế hệ trẻ ngày nay.

Người thanh niên nào cũng có vấn đề riêng về cách đáp ứng những yêu cầu của thời đại. Y nỗ lực giải quyết vấn đề, sử dụng bất kể kiến thức, đạo lý, tư tưởng và khả năng họ đang có. Dù thế hệ trẻ có thể có những vấn đề khác biệt, thái độ và chân tình của họ không thay đổi theo dòng thời gian. Chừng nào vấn đề chưa được giải đáp, giới trẻ càng thành khẩn và cầu thị. Yêu cầu ở đây là những người lớn tuổi hơn và giới trung niên, với kinh nghiệm và quan điểm đã sở đắc của họ, cần phải đồng cảm và hiểu rõ điều này. Giới trẻ hay có khuynh hướng gạt bỏ những mâu thuẩn gay gắt trong cuộc sống; tình cảm của họ chân thành và suy nghĩ của họ rất lôgic; họ lao tới trước theo những trực tuyến của lôgic. Nếu thế giới này chỉ có toàn giới trẻ thì hoặc nó sẽ là thiên đàng hoặc nó sẽ bị hủy diệt. Cho nên thực tế là tầng lớp già nên hành xử như một cái thắng hãm bớt giới trẻ. Những điều mà người lớn cho là đáng trách hoặc không nên làm chưa chắc giới trẻ cũng nghĩ như vậy. Một nền giáo dục đúng đắn do đó không nên được quan niệm một cách cứng nhắc.

Ông luôn suy xét mọi vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Tri thức của ông đã đạt đến mức tròn đầy và sâu sắc gần như tri thức của vị Thiền sư nổi tiếng Triệu Châu. Đối với Bác sĩ Suzuki, những trở ngại vật chất như tuổi tác không thể ngăn cản nhiệt tình truy tìm chân lý hay làm mất đi tính trẻ trung bất biến nơi ông. Nhớ lại những đóng góp rực rỡ mà Bác sĩ Suzuki đã hoàn thành trong lãnh vực giáo dục và triết học, tôi không khỏi ngậm ngùi thương tiếc ông đã ra đi.

Xem mục lục