Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Mọi người đều biết cuộc đời của Bác sĩ Suzuki đã trải qua ở cả hai bán cầu, nhưng điều không kém ấn tượng là khoảng thời gian nó đã kinh qua: gần tròn một thế kỷ. Năm 1955 khi ông đến thuyết trình tại Đại học Washington, tôi tưởng đang hướng dẫn ông tham quan St. Louis lần đầu tiên, nhưng khi chúng tôi di chuyển đó đây, tôi mới vở lẽ rằng mình không đang giới thiệu thăm các cảnh quan và các địa điểm, mà chỉ là đang gợi lại những kỷ niệm của ông ở nơi đó. Việc này xảy ra thế nào tôi vẫn chưa rõ; ông không kể cho tôi ngay lúc ấy. Nhưng khi sự việc đã hiển nhiên và tôi thúc ép ông, ông mới thú nhận đã từng viếng thăm Hội chợ Quốc tế St. Louis năm 1904 - tức 40 năm trước khi tôi dán mắt lên thành phố này và 15 năm trước khi tôi ra đời.

Từ những năm trung tuần bốn mươi, ông đã biết nhiều phố phường và công viên hơn chúng ta từng biết. Đây là một triết gia thay vì rơi xuống giếng dường như ông có cây gậy thần dò mạch nước có thể nhận ra những điểm mà người khác đã bỏ qua. Trong buổi thuyết trình năm đó, Bác sĩ Suzuki đã kể lại chuyện một bậc thầy samurai muốn thử tinh thần cảnh giác của môn đệ, đã treo lơ lững những chiếc gối để nó rơi xuống những người bước vào phòng ông. Người đệ tử đầu tiên bước vào và chụp lấy cái gối khi nó đang rơi xuống. Người thứ hai tuốt kiếm ra chém phăng nó trước khi nó rơi xuống đầu anh. Người thứ ba, nhận thấy cái gối trước khi bước qua ngưỡng cửa, đã lấy nó xuống, đặt lên sàn nhà, và bước vào phòng. Suzuki đã
nhanh chóng nhận ra những cái gối. Ông là một ví dụ sống động của luận điểm Thiền rằng giác ngộ không làm cho thế gian mờ nhạt mà tập trung nó về tiêu điểm rõ ràng hơn.

Một kỷ niệm khác của tôi về lần viếng thăm St. Louis của Bác sĩ Suzuki là lời phúc đáp của ông trước sự tài trợ đó. Chi phí của chuyến đi và khoản thù lao khiêm nhường do một doanh nhân Do thái chi trả, một người đóng nón và bán thiệp Giáng sinh trong thời giờ nhàn rỗi của mình, và đã dùng khoản thu nhập cho những dự án khích lệ sự thông hiểu nhau trên toàn cầu. Tôi nghĩ chính sự tài trợ bất thường này đã khiến Suzuki - một người thích chu du - chấp nhận lời mời đến St. Louis. Sự kiện khác thường ở sở thích của ông không chỉ là hiện tượng một người có thu nhập thấp đã quyết định đóng góp một chút gì cho sự cảm thông trên thế giới, mà còn ở cái không khí đại đồng tôn giáo - một người Do thái bán thiệp Giáng sinh đã mời một nhà sư Phật giáo thuyết giảng. Từ đó hễ gặp lại Bác sĩ Suzuki là chúng tôi nhắc lại ý nghĩa biểu tượng của dịp này.

Ba năm sau, tôi có dịp cùng làm việc với Bác sĩ Suzuki trong ba ngày ở Boston, nơi mà, trong phân ban Đông phương của Viện bảo tàng Mỹ thuật Boston, chúng tôi quay phim cuộc phỏng vấn dành cho "Loạt Chương trình Minh triết" của đài National Broadcasting Company. Điều làm tôi nhớ mãi là thái độ kiên nhẫn và cao hứng của Bác sĩ Suzuki dưới sức nóng của những ngọn đèn pha chói lòa, tiếng ồn, sự căng thẳng và hỗn độn kéo dài nhiều giờ liền - Bác sĩ Suzuki lúc ấy đã 88 tuổi. Tôi còn nhớ lúc ấy, bên máy quay, tôi đã hỏi ông về bài thuyết pháp Niêm hoa vốn được xem là mật chỉ của Thiền tông đã được đức Phật truyền lại cho đệ tử là Ma Ha Ca Diếp. Cuộc phỏng vấn:

Suzuki: Có hội thông nào đó giữa hai người.
Smith: Như vậy mong manh quá.
Suzuki: Thực ra, không mong manh chút nào cả. Anh đang nói với tôi; tôi nói với anh. Có mong manh không?

Vài tháng sau, khi chương trình được phát hình, những lời trao đổi giản dị này đã gợi hứng một nhà thơ Mỹ nổi tiếng làm bài thơ sau đây:

        Mong manh
        Ta nhớ đưa vào không gian này,
        Bóng hiền triết, và thiếu niên gầy
        Chập chờn câu hỏi;
        Hỏi khoảnh khắc Đức Phật niêm hoa;

Một cánh sen lời phán truyền ra.

"Mong manh chăng?" chàng hỏi.

Hiền triết đối:

"Tôi nói anh. Anh nói tôi. Mong manh chăng?"

Có những lời của Bác sĩ Suzuki mà máy quay hôm đó không ghi lại, nhưng tôi vẫn còn nhớ, như: "Chúng ta lên núi để ngắm trăng. Nghĩ rằng chúng ta sẽ đạt được trăng là ảo tưởng. Núi vô cùng. Nhưng trăng ở bên ta trong từng bước chân leo núi."

Ông cũng đã ở bên chúng ta; hiện giờ ông không còn nữa. Trong một nghĩa nhất định thì điều này đúng, nhưng mặt khác nói như vậy chính là lạc vào chủ nghĩa nhị nguyên mà Suzuki đã trải một đời gắng giúp chúng ta vượt qua. "Rất có thể", nhà sử học lỗi lạc Lynn White ở Viện đại học California đã viết, "quyển Thiền luận của D. T. Suzuki ấn hành lần đầu vào năm 1927, đối với các thế hệ mai sau sẽ là sự kiện tri thức vĩ đại như việc William Moerbeke dịch tác phẩm tiếng La tinh của Aristotle vào thế kỷ 13, hay cuốn Marsiglio Ficino của Plato ở thế kỷ 15."

Xem mục lục