Bác sĩ Suzuki đã vào cõi Niết bàn. Tôi những tưởng, dù gần đây ông hơi ốm yếu, nhưng với tinh thần minh mẫn và đầy sức sống ấy đáng lẽ ông phải sống đến trăm tuổi. Vậy mà cơn bạo bịnh đã đưa ông ra đi vĩnh viễn.
Sáng sớm ngày 12 tháng 7, tôi bàng hoàng khi nghe điện thoại gọi từ Tokyo báo tin ông mất. Quy luật của trần gian, định mệnh của muôn loài, không có ngoại lệ, biết vậy, nhưng chúng ta vẫn không khỏi thầm mong Bác sĩ Suzuki có thể sống lâu hơn - dù chỉ một ngày - cho lợi ích của con người, cho những công trình chỉ có ông mới hoàn thành được.
Nhìn lại những năm tháng thân tình đã qua, tôi càng thấy rõ sự tuyệt diệu của dịp may đã dun rũi chúng tôi tình cờ gặp nhau.
Tôi được biết tạp chí Phật tử Đông phương đang dự tính ra số đặc biệt tưởng niệm Bác sĩ Suzuki. So với tầm vóc của những công trình ông đóng góp cho lịch sử của tư tưởng, đặc biệt tư tưởng Phật giáo hay Thiền tông, chắc chắn có nhiều người xứng đáng hơn tôi để lượng định vai trò đó của ông. Ở đây tôi muốn tự hạn chế chỉ bày tỏ lòng cảm kích sâu xa trước chân tình mà Bác sĩ Suzuki đã dành cho tôi.
Hay tin ông mất ở bịnh viện St. Luke, tôi liền hủy bỏ hoặc hoãn lại mọi công việc đã dự kiến để lấy chuyến tàu đêm vào ngày 13 tháng 7, đến Liêm thương sáng sớm ngày hôm sau. Ngay sau đó tôi tiếp tục hành trình đến Thư viện Matsugaoka. Trời hãy còn tinh mơ, chưa có bóng dáng ai đến đây. Matsugaoka chìm trong tĩnh lặng. Sương sớm bao trùm khu rừng phía xa xa. Trong khu rừng đó, ngay kế bên mộ phần của Bác sĩ Kitaro Nishida, là phần mộ của gia đình Suzuki nơi ông sẽ đời đời an nghỉ. Tôi chắp tay, cúi đầu xá về hướng đó, và rồi leo lên những bậc cấp dẫn đến Thư viện. Một lùm tre um tùm bao quanh mấy bậc cấp bằng đá quanh co. Thỉnh thoảng có một cái gì chạm vào má tôi và tôi nhìn thấy những giọt sương rơi xuống
hai ống tay áo.
Nhớ lại Bác sĩ Suzuki cũng đã từng leo lên những bậc cấp này nhanh nhẹn như vậy. Tôi có cảm giác mình đang bước theo từng bước chân ông, lòng buồn vợi. Chiều ngày 11 tháng 7, ông đã được khiêng xuống cũng qua những bậc cấp này, trên một chiếc cáng cứu thương, để không bao giờ trở lại.
Lên đến đỉnh, tôi bước tới Thư viện. Cửa vẫn còn đóng. Người trong nhà còn nghỉ ngơi sau mấy ngày vất vả đau thương này. Linh cửu của Bác sĩ Suzuki đã được đưa qua chùa Đông khánh.
Trước tiên tôi được dẫn vào phòng khách, sau đó được mời nghỉ lại nơi thư phòng của Bác sĩ Suzuki. Nhà sư già đến trên một chuyến tàu đêm đượcsử dụng phòng riêng của ông. Căn phòng được giữ nguyên và mọi vật dụng trong phòng để y như lúc ông còn sống. Tôi như có thể cảm thấy ánh mắt hiền hòa của ông đang quan sát khắp nơi. Từ cái kệ sách, cái bàn viết rộng lớn và chiếc ghế bành; tôi chăm chú nhìn quanh như để khắc sâu vào tâm khảm lần cuối cùng hình ảnh thư phòng này của ông. Trong một góc phòng còn để mấy cái túi xách. Ông đã dự định đi Karuizawa vào ngày 11 vừa qua, nhưng đã ngã bịnh vào chính buổi sáng hôm đó.
Một lát sau, người cùng đi nói với tôi: "Nhìn xem, đây là những trang cuối cùng Bác sĩ Suzuki đã viết. Ông vừa hoàn thành nó vào chiều hôm mùng 10." Cô chỉ vào những trang bản thảo được viết trên giấy cũ. Cây bút máy ông dùng vẫn còn để gác trên đó.
Tôi cầm lên một trang bản thảo để nhìn rõ hơn. Đó là phác thảo lời giới thiệu cho cuốn "Hoa vô ngôn." Có nhiều chỗ sửa lại được ghi chữ nhỏ bên lề trang giấy. Tôi bồi hồi cảm động, gần như muốn khóc. Hồi đầu năm (1966), một người bạn của tôi đã dịch ra Anh văn tuyển tập các tiểu luận phảng phất tản văn bằng Nhật ngữ có nhan đề "Hoa vô ngôn" của tôi. Sách dự định xuất bản vào mùa thu này, vì vậy khi làm xong bản dịch, tôi đã mạo muội nhờ Bác sĩ Suzuki xem qua bản thảo và xin được vinh dự có lời giới thiệu vắn tắt của ông. Ông đã trả lời: "Hiện tại tôi rất bận, chưa thể làm ngay được. Tuy nhiên sắp tới tôi sẽ đi Karuizawa, có thể viết lời giới thiệu ở đó và cả việc xem qua bản thảo." Vì vậy mà bản dịch này có ở đây vớiông.
Tin ông đột ngột qua đời đã dập tắt mọi hy vọng của tôi về ân huệ này. Vậy mà, trái với điều tôi tưởng, ông đã làm xong việc đó ngay buổi chiều trước hôm ông vĩnh viễn ra đi. Tôi âm thầm chắp chặt hai tay, bày tỏ lòng kính trọng trước việc làm cuối cùng này của Bác sĩ Suzuki. Thật cảm động khi nghĩ lời giới thiệu thân ái này của ông sẽ chỉ được đăng trong một quyển sách nhỏ khiêm tốn như vậy. Thật là "dùng búa tạ để đóng đinh". Nhưng nghĩ lại tôi thấy: lời giới thiệu này, như việc làm cuối cùng của Bác sĩ Suzuki trong suốt quãng đời cầm bút của ông, không thể được coi như một ân huệ cá nhân. Đó chính là biểu hiện của Pháp tâm vô tận mà vì đó ông đã sống cả cuộc đời.
Có thể tôi lạc đề, song tôi thường nghe Bác sĩ Suzuki nói: "Tôi không phải là một học giả". Chúng ta nên nghiêm túc suy xét xem tại sao Bác sĩ Suzuki, với tất cả những thành quả học thuật của ông, đã lại tuyên bố như thế.
Tâm hồn ông luôn bắt nguồn từ "một cái gì căn bản" vốn vận hành cuộc sống này - cái bản lai của mọi hiện hữu, kinh nghiệm thực sự của chứng ngộ Thiền. Ông đã nhìn thấy trong đó ý nghĩa uyên nguyên của con người. Ông đã nhìn thấy "một cái gì cơ bản" ở tận cùng tâm thức Đông phương. Do đó ông đã miệt mài cần khổ, cố tìm ra phương cách truyền nó lại cho người đời và vận dụng nó cho nền văn hóa của nhân loại. Những nghiên cứu của ông về Thiền, những tìm tòi của ông về Chân lý, tất cả đều chỉ vì mục tiêu này. Kết quả của những nỗ lực chân tình này của ông tuy thế lại thường được người đời xem là những thành quả thuần tính bác học. Mà những gì Bác sĩ Suzuki đã làm đó là sống và không ngừng phấn đấu để diễn đạt "cái căn bản" này, làm sao cho người ta hiểu nó, khiến nó vận hành vì lợi ích của hết thảy nhân loại.
Bởi lẽ đó ông đã không tự giới hạn mình trong thế giới bác học. Chính điều này, theo tôi, là lý do ông trở thành độc đáo trong cả đời sống lẫn sự nghiệp của ông, và đây cũng là lý do tại sao ông đã nói "Tôi không phải là học giả". Rốt ráo, Bác sĩ Suzuki là một người đã sống và hành Pháp trong ý nghĩa rộng nhất của từ này, và những thành quả học thuật của ông chỉ là phần bổ sung cho cuộc đời ông mà thôi.
Những lễ nghi tang chế đã làm xong, đã đến lúc chúng tôi nói lời vĩnh biệt trước linh cửu ông. Tôi đặt một bông cúc trắng bên cạnh gương mặt bình an của ông, chắp lại hai tay cầu nguyện với tất cả sự trang nghiêm, và trong tim tôi nhuốm một giọt máu đau thương vì ly biệt.