Bác sĩ Daisetz T. Suzuki, nhà học giả lão thành đáng kính của chúng ta, đã ra đi một cách bất ngờ. Một tin buồn vô hạn! Mới đây chúng ta vẫn tưởng và hằng mong ông sẽ sống đến ngoài trăm tuổi. Ông vẫn rất năng nỗ và sáng suốt. Nhưng lòng mong mỏi đó đã tan vỡ bởi một sự thật hiển nhiên.
Tuy thế trong thâm tâm tôi vẫn cảm thấy ông còn đó, còn thật hơn và có phần lấn át cả sự tiếc nuối vì cái chết của ông. Thật vậy, trước sự ra đi của người thân, ai cũng trải nghiệm một cảm giác mạnh mẽ về sự hiện diện của người quá cố trong một thời gian. Nhưng ở đây tôi muốn nói một điều khác. Tôi muốn nói về sự liên giao hay sự đồng nhất tinh thần xảy ra giữa những tâm hồn tỉnh thức ngoài vòng sinh tử. Tôi nhìn thấy Bác sĩ Suzuki và ông ấy nhìn thấy tôi; tôi hiểu ông ấy và ông ấy hiểu tôi; tôi tin ông ấy và ông ấy tin tôi: tất cả diễn ra thật rõ nét khi ta chiêm nghiệm. Nó không bao giờ là sản phẩm của trí tư biện mà là một kinh nghiệm thực tế còn thực hơn cả kinh nghiệm gặp nhau trong cuộc sống hằng ngày.
Một kinh nghiệm như vậy trong văn học Phật giáo đã được diễn tả bằng sự "quán chiếu tương thông giữa Phật với Phật". Có nghĩa là, về không gian có chư Phật trong mười phương, về thời gian có chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai, tất cả đều an trú trong Nhất Chân Pháp giới, quán chiếu tương thông. Bác sĩ Suzuki hiện giờ là một vị Phật Quá khứ, còn tôi, là một con người bình thường sống trong thế giới khổ đau này, chắc chắn sẽ là một vị Phật Tương lai dưới ánh sáng của Bản Nguyện. Trong sự hỗ tương quán chiếu của chúng ta, Phật Quá khứ và Phật Vị lai vẫn hằng gặp nhau, thông hiểu nhau và hỗ tương ấn chứng. Chính xác hơn, sự suy tưởng như vậy đối với tôi chính là niệm Phật (nembutsu).
Thông thường, các nhà nghiên cứu Phật giáo Tịnh độ coi trọng học thuyết nembutsu và chiêm nghiệm chúng sâu sắc. Tuy thế, đó không phải là cách để Bác sĩ Suzuki tiếp cận Phật giáo Tịnh độ. Thông qua cơ cấu học thuyết phái Tịnh độ, ông mưu tìm kinh nghiệm căn bản của những nhà Đại thừa và đời sống của trí huệ và từ bi. Ông đã nhìn thấy sự sở đac tối hậu chân lý của tín ngưỡng Tịnh độ qua hành vi nembutsu. Và trên hết ông yêu thích một trong những bài kệ sau đây của Ippen (Nhất Biến):
Trong lời niệm phát ra (niệm Phật)
Không Phật, cũng không ta -
Nam mô A di đà, Nam mô A di đà!
Đối với Bác sĩ Suzuki, niệm Phật đương nhiên là tuyệt đối tự khẳng định.