Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Để tìm kiếm lý giải cho hiện tượng phi thường của cuộc đời-sự nghiệp của Bác sĩ Suzuki thì việc xem lại thời đại sinh thành của ông cũng như những nhân tố nổi trội đã hình thành tính cách ông vào những năm đầu đời có thể rất có ý nghĩa. Năm ông ra đời, 1870, đất nước ông dưới sự lãnh đạo của Minh trị Thiên hoàng, vừa khởi đầu đường lối mới về hiện đại hóa cấp tiến. Cha của ông, một thầy thuốc gia truyền thuộc tầng lớp quý tộc samurai, đã bị tước bỏ đặc ân ban cấp lúa gạo hàng năm. Cả gia đình lâm vào cảnh nghèo túng. Họ không còn khả năng cho con theo học nghề thầy thuốc mà nó có vẻ có năng khiếu. Nhưng đến năm mười tám tuổi, ông đã xoay sở được một chân giáo viên ở trường tiểu học của một làng chài, dạy số học, tập đọc, viết, và môn tiếng Anh được Nhật ngữ hóa mà ông góp nhặt từ những cuốn sách giáo khoa căn bản.

Từ những điều trên xuất hiện ba nét cá tính: di sản tinh thần võ sĩ đạo của ông biểu hiện ở sự can đảm, trung thực, và tận tụy; năng khiếu y học của ông hay, nói rộng hơn, năng khiếu quan sát sắc bén và rõ ràng, được chứng thực bằng ngoại diện thể hình của ông - cái đầu luôn ngẫng cao, đôi mắt tinh anh, hai tai thính, cái mũi nhạy; và, như một điềm triệu của buổi sơ thời triều đại Minh trị, cảm tình của ông đối với hải ngoại - như với môn tiếng Anh mà ông ưa thích, đã được giảng dạy dù ở một ngôi trường làng hẻo lánh. Đằng sau tất cả những phẩm chất này chúng ta nhận ra một tinh thần lạc quan có cội nguồn sâu xa thường đi đôi với tính ngây thơ chân chất, tin rằng mọi trở ngại trên đường đi dù thế nào cũng sẽ khắc phục được. Chính vì phẩm chất này mà thầy của ông sau đó đã đặt tên hiệu cho ông là "Đại chuyết," Daisetz.

Cái chết của thân mẫu khiến ông hoàn toàn trơ trọi và được tự do theo đuổi những thiên hướng riêng. Ông đi Tokyo để tham dự khóa học không chính thức ở Đại học Hoàng gia mới mở. Nhưng điều thu hút ông hơn cả là sự phục hồi mới mẻ những sinh lực của Phật giáo đang tập trung tại Thiền viện thời danh Engakuji (Viên giác tự), ở gần Liêm thương. Lãnh đạo tinh thần ở đó là Shaku Sòen, chỉ lớn hơn ông mười một tuổi, một tính cách cao thượng, nhạy cảm, và bất khuất, đã trải qua thời thanh niên cần khổ với vị Thiền sư nghiêm khắc nhất, và xúc động khi thấy rõ những nhu cầu của Phật giáo trong thời đại khủng hoảng này. Ông đã nhìn thấy quê hương ông đang bị tràn ngập bởi những sự vật ngoại lai, sự suy tàn niềm tin vào Phật pháp và cuộc sống chỉ chuộng hình thức.

Shaku Sòen quyết tâm hóa giải mối hiểm nguy cực kỳ này với tất cả nỗ lực của ông. Sau khi được thầy Kòsen ấn chứng, ông đã từ chối định cư ngay, như thông lệ, ở một tu viện. Và dù nghèo túng, ông vẫn đi Tokyo để học Anh ngữ trong ba năm, "một việc không ích gì cho Thiền bất cứ ở đâu", như thầy ông đã viết cho ông, và sau đó trải tiếp ba năm chuẩn bị sống cùng các đạo hữu ở tận Tích lan xa xôi để học đọc các văn bản tiếng Pàli, tìm hiểu những dị biệt trong quan niệm về Phật giáo của họ so với ông. Đó là thời gian khổ và thiếu thốn tột bậc của ông. Ông trở về năm 1892 và ngay sau đó được đề cử làm giám tự Engakuji và các tu viện chi nhánh. Dường như ngay từ đầu Shaku Sòen đã nhận thấy những năng lực đặc biệt của người học trò mới và đặt ít nhiều hy vọng ở ông. Sang năm sau, 1893, một cuộc họp có tầm quan trọng đặc biệt, Hội nghị quốc tế về tôn
giáo, đã diễn ra ở Chicago - cơ hội để giới thiệu trước thế giới một ý niệm khởi đầu về giá trị của Phật giáo Viễn Đông. Shaku Sòen quyết định xuất dương lần nữa. Ông cho Suzuki phiên dịch những tài liệu ông đã biên soạn để thuyết trình trước Hội nghị. Năm sau, qua trung gian của Sòen, ông đã dịch ra Nhật ngữ cuốn Phúc âm của Phật do Paul Carus biên soạn.

Đó là bước khởi đầu của sự nghiệp Suzuki như một diễn giả tiên phong của Thiền sang phương Tây. Và mọi việc đã diễn ra theo chiều hướng thuận lợi cho ông có được trang bị tốt nhất mà ông muốn có để thực hiện sứ mệnh này, cũng là số phận của ông. Trong thời gian hội nghị, Shaku Sòen làm quen với ông Hegeler, nhà triệu phú chủ công ty kẽm ở Illinois, người cùng với con rễ là Bác sĩ Paul Carus điều hành một nhà xuất bản chuyên ấn hành sách về tôn giáo, khoa học, và các tạp chí định kỳ. Vì Bác sĩ Carus đang cần một dịch giả, Shaku Sòen thấy không có ai tốt hơn để tiến cử cho ông ta bằng người đồng hành trẻ của ông. Việc làm này bao hàm sự tin tưởng kép: một mặt, bốn năm kiên trì hành Thiền ở Engakuji của người bạn trẻ này đã đủ để y "miễn nhiễm" trước tất cả các ảnh hưởng ngoại lai khác, và mặt khác, không có phương pháp nào tốt hơn để hóa giải một mối hiểm nguy bằng cách tiếp cận ngay điểm xuất phát của nó. Thời xưa các vị thầy Phật giáo thường ứng dụng một điều được gọi là tiên tri, vyàkaraịa(thọ ký; Nh. Juki), tức ký thác trách vụ. Một vị thầy biết rõ năng lực của đệ tử và tùy theo đó mà giao cho y một nhiệm vụ đặc biệt nào đó. Sự giới thiệu Suzuki của Shaku Sòen với ngài Hegeler chính là đưa juki vào thực tế vậy.

Suzuki đã trải qua mười một năm tiếp theo ở công ty xuất bản Open Court để làm việc với Bác sĩ Paul Carus, kiểm duyệt các bản in thử, biên tập, biên dịch từ Hoa ngữ và Nhật ngữ, kể cả Phạn ngữ. Ngoài ra ông còn tháp tùng thầy Shaku Sòen trong những chuyến đi diễn thuyết ở Hoa kỳ với tư cách thư ký và phiên dịch của ông. Trong một chuyến du hành này ông đã gặp Beatrice Erskine Lane, một phụ nữ Mỹ, người sau đó đã thành hôn với ông ở Nhật Bản. Đến năm 1908, ông xuất bản quyển sách quan trọng đầu tay, cuốn Đại cương Phật giáo Đại thừa.

Cuối năm đó ông rời Mỹ, đến Paris một thời gian để sao chép các tư liệu bằng Phạn ngữ, dịch Swedenborg từ tiếng Anh sang tiếng Nhật ở London, rồi trở về Liêm thương để nghiên cứu sâu thêm dưới sự hướng dẫn của thầy Shaku Sòen. Bấy giờ ông đã 38 tuổi và đã có tiếng là diễn giả duy nhất về Thiền và Phật giáo nói chung ở Tây phương. Ông vẫn làm công việc đó không ngừng nghỉ trong năm mươi tám năm tiếp theo, giảng dạy, viết sách và thuyết trình ở bất cứ nơi nào mời, vẫn với phong cách lặng lẽ, không khoa trương mà chinh phục cử tọa.

Sự nghiệp văn chương của ông, phong phú như vậy, không ngoài chủ đề Thiền tông. Ngay cả văn phong của ông cũng mang nét đặc thù của Thiền. Nó không cần hệ thống, không có hoạch định; nó là một chuỗi những "tiểu luận" và "nghiên cứu" ngẫu hứng. Có lẽ một số tác phẩm của ông có thể
làm thất vọng những học giả chuyên nghiệp. Nếu quả vậy thì đó không phải lỗi của tác giả mà của chính Thiền tông mà tác giả chỉ là một cây
phong cầm hợp điệu. Và nếu các bạn chuyển từ những tiểu luận phổ thông đến các chủ đề chuyên sâu hơn của ông, như quyển Khảo cứu Kinh Lăng già chẳng hạn, các bạn sẽ khâm phục tài của tác giả đối phó với những phức tạp của vấn đề biện chứng này và những giải pháp minh bạch dễ hiểu của ông. Các bản dịch từ Hoa ngữ và Nhật ngữ của ông không phải lúc nào cũng chính xác từng câu chữ, nhưng nó luôn nói đúng tâm điểm, và cuối cùng đó mới là vấn đề. Gặp trường hợp những đoạn văn phức tạp ta không bao giờ thấy ông chịu bó tay để tìm ra một biện pháp vắn tắt đạt thẳng mục tiêu.

Tầng lớp cử tọa của những buổi thuyết trình và thảo luận của ông cũng rộng rãi như chính kiến thức ông. Ông đã đến bất cứ nơi nào mời để nói về Thiền, với các triết gia, các nhà thần học hay tâm lý học. Một số người ngờ vực; họ hỏi Thiền tông thì dính dáng gì đến phân tâm học. Nhưng ông không nãn chí, ông biết rõ mình đang làm gì. Như thể Suzuki Daisetz đã khám phá tất cả mọi giao điểm giữa liệu pháp tâm lý và Thiền. Dù sao, chưa có ai có thể thấy rõ hơn ông nét dị biệt không thể phủ nhận của hai ngành này từ cốt lõi cho đến quan điểm.

Nhưng sự phê bình về cái vẻ bề ngoài không quan tâm của Suzuki còn đi xa hơn. Ở Đức, một giáo sư uyên bác về tôn giáo mới đây đã chỉ trích ông từng góp phần hơn bất cứ tác giả nào vào trào lưu Tây phương hóa Thiền tông ở Viễn Đông và làm mất đi những sắc thái tôn giáo cơ bản của nó. Như để minh chứng cho điều mình nói, ông chỉ ra hiện tượng tệ hại về tính đua đòi học Thiền gần đây đã trở thành thời thượng ở Mỹ và cả ở châu Âu.

Vậy, để bắt đầu từ "thói hợm hĩnh của Thiền", chỉ cần nhớ lại câu chuyện tương tự ở chương 13 sách "Phúc âm theo Matthew" là đủ:

Xem kìa,, người gieo hạt ra đồng gieo hạt giống; khi nó gieo, một vài hạt rơi xuống trên đá, lập tức sẽ bị văng ra vì không có đất, và khi mặt trời mọc lên, chúng sẽ khô héo, và vì không bắt rễ được, chúng sẽ lụi tàn.

Rõ ràng chân lý của ví dụ này đã bắt đầu để nhận thức chính nó. Một người bạn của tôi vừa ở Mỹ về đã kể tôi nghe chủ một hiệu sách mà ông gặp và hỏi thăm tình hình kinh doanh hiện tại, đã trả lời một cách vắn tắt: "Thiền đi ra, tình dục vào".

Suzuki Daisetz là người gieo hạt giống với nghị lực và lòng kiên nhẫn phi thường. Ông đã tiếp nối những gì thầy ông, Shaku Sòen, đã làm ở Hội nghị Chicago hơn bảy mươi năm trước, đó là: thu hút sự quan tâm của nhân loại hướng về hiện tượng Thiền, không gì khác. Đây là một trách vụ hoàn toàn chính đáng xét từ quan điểm Tây phương.

Nhưng nhà phê bình có thể đi xa hơn, hỏi rằng: Thế nào là tính chính thống của Suzuki trong lãnh vực riêng của ông, trong Thiền? Liệu hạt giống mà ông gieo rắc có là Thiền thật hay Thiền giả? Ở đây có một cạm bẫy cho các chuyên gia trong khoa học về tôn giáo. Mỗi tôn giáo thiết lập một định chuẩn riêng cho tín đồ của nó. Bạn không thể so đọ giữa tiêu chuẩn Thiên chúa giáo với tiêu chuẩn Phật giáo, và một Thiền giả chỉ có thể được đo bằng chuẩn mực của Thiền. Chúng ta có thật biết chuẩn mực Thiền là gì chưa? Phải chăng Suzuki chưa biết chút gì về nó? Cách nào thì ông cũng sẵn lòng tự thú nhận mình có tội, bởi suốt cuộc đời mình ông đã nói và đã viết về những điều siêu việt ngôn ngữ và văn tự. Cũng trong ý nghĩa này mà, thiết nghĩ, ông đã ký tên những trước tác của mình bằng bút hiệu bí ẩn nhất: Daisetz (Đại Chuyết), vừa có nghĩa "vô cùng giản dị" vừa có nghĩa "vô cùng khờ khạo". Ông thú nhận tội, nhưng tiếp tục "phạm tội." Ông là hiện thân của một công án Thiền, quá bí ẩn đối với cách tư duy Tây phương. Có một câu chuyện tương tự như vậy trong tắc thứ tám của tác phẩm Bích nham lục, chuyện Thiền sư Thúy Nham, sau khóa Hạ, hỏi thính chúng rằng ông có rụng sợi lông mày nào chăng. Ba trong các bằng hữu cao niên nhận xét về ông, một người tiêu cực, một người tích cực, còn người thứ ba, Vân Môn, rất ngắn gọn. "Quan", ông nói, và chặn đứng cuộc luận bàn về những điều nằm ở ngoài nó.

Nhân tiện cũng không phải là vô ích khi nhớ lại, nói chung, thái độ của Phật giáo về những ‘người ngoại đạo’ tỏ ra ôn hòa hơn nhiều tôn giáo khác, kể cả Thiên chúa giáo. Nhưng đạt được sự tán thành của người khác, một loại thích nghi nào đó, sự vận dụng ‘phương tiện thiện xảo’ (Ph. upàya, Nh. hòben), chẳng những được khuyến khích - như trong Saddharma-puịđarika(kinh Pháp hoa) - mà còn được thực hành trong chừng mực mà so ra những sự dung túng vô tội vạ của Suzuki Daisetz chỉ là vô nghĩa.

Về phần mình, phải thú nhận trong nhiều năm trời tôi đã từng coi nhẹ ý nghĩa to lớn của nhân cách và sự nghiệp của Suzuki Daisetz. Sự thay đổi chỉ đến khi tôi đã hình thành quyết tâm nghiên cứu Bích nham lục, một tác phẩm dù có tầm quan trọng bậc nhất, vẫn chưa được ai phiên dịch hoàn chỉnh. Tôi đã bắt đầu bằng những ấn bản còn thiếu sót đang lưu hành tại Nhật Bản, khiến tôi thất vọng, và đã cầu viện tới sự chú giải của Katò Totsudò từ Nhật gởi đến. Chính vào lúc đó, tháng 9 năm 1954, Bác sĩ Suzuki tới Đức để thuyết trình tại viện Đại học Marburg và ở Stuttgart. Tôi được vinh dự phiên dịch cho ông. Một trong những tiêu điểm của ông là cho rằng Thiền thích hành động tự nhiên hơn sự giải thích bằng ngôn từ. "Chúng ta không cần nói với một người bạn tốt rằng mình thích anh ta. Một cái vỗ vai thân tình sẽ làm việc đó." Nói đến đấy, ông vỗ vỗ vai tôi, và toàn thể cử tọa thích thú.

Ông đồng ý với bất mãn của tôi về các ấn bản chưa hoàn chỉnh của Bích nham lục, cho rằng những quyển sách như vậy chưa xứng đáng với nhan đề tác phẩm (một nhận xét rất đúng, vì họ đã lược bỏ phần bình giải quan trọng nhất của Viên Ngộ đóng góp cho tuyển tập của Tuyết Đậu). Trên đường đi Stuttgart bằng xe điện, ông đọc một quyển sách bằng Hán văn: cuốn Bích nham lục gồm hai tập ấn hành tại Nhật Bản. Đến Stuttgart, khi chúng tôi chia tay, ông mang nó ra, ghi trên mỗi tập lời đề tặng và thân tình trao lại cho tôi. Trong những hành vi của ông không có bóng dáng kiểu cách. Nhưng với tôi, trên tất cả, đó là sự động viên quyết định mà tôi đang cần để tiếp nối công việc đang bỏ dở. Và trong những năm đó, nó đã trở thành một thứ huấn lệnh khiến tôi phải tiếp tục dù gặp nhiều khó khăn. Tôi không cần phải nói thêm là từ đó những tác phẩm của ông đã trở thành thiết yếu đối với tôi, nhất là các biên khảo về những kinh điển được coi là xuất xứ của Thiền tông; và sự ngưỡng mộ học thức uyên thâm của ông đã lên đến cao điểm khi tôi nghiên cứu những bài viết của ông về kinh Lăng già.

Nhưng để kết luận, tôi phải kể lại một kinh nghiệm cá nhân xảy ra năm 1954. Chúng tôi đang ngồi trong hành lang một khách sạn thì một phụ nữ, dáng vẻ đau buồn, bước đến và cầu xin được tiếp kiến. Vì bà ta không biết tiếng Anh nên tôi phải phiên dịch. Không cần kể đến chi tiết cuộc đối thoại, nhưng cái làm tôi không thể nào quên là thái độ im lặng, trang nghiêm và đồng cảm của một ông già tám mươi tư tuổi khiêm tốn lắng nghe mọi câu hỏi buốt thấu của người phụ nữ, sự thân ái giản dị trong lời khuyên nhủ, an ủi và động viên, cũng như ánh mắt sinh động chân thành của ông. Ông chắp hai tay để trên bàn, đến cuối buổi nói chuyện, ông rút tay phải ra và ngập ngừng chìa về phía người phụ nữ. Cuối cùng bà ta bắt tay ông và chúng tôi chia tay. Tháng 6 năm 1966, khi tôi thông báo cho bà tin con người khả kính đã mất, bà đã nói: "Lúc đó, ông ấy đã cứu sống tôi."

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà Đông phương không còn là Đông phương và Tây phương cũng không hẳn là Tây phương. Những dòng chảy của cuộc đời, của niềm tin và tình huynh đệ đang luân chuyển và dần dà cuốn trôi mọi rào cản lịch sử. Đó là một hiện trạng đòi hỏi, trên mọi phương diện, một tinh thần rộng lượng nói riêng và trên tất cả là niềm tin cậy sâu xa và bền vững vào nền tảng nơi bắt nguồn cuộc sống của chúng ta và là nơi duy nhất chúng ta thân thuộc.

W. G.

Xem mục lục