Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

Lời bình tổng kết:

 

Trong bức thư này, rõ ràng Yaeko đã tiên đoán cái chết của mình. Khi xem nội dung rực rỡ của bảy lá thư trước, tôi đã bị kích động nhiều và rất buồn vì giọng bất tường của lá thư này. Tôi đã hy vọng rằng dù sao cái chết của cô ấy sẽ không đến sớm như thế. Ôi! Đáng thương xót biết bao!

Một trong các kinh nói rằng chết lý tưởng là chết với sự biết trước một tuần, với chút ít đau đớn và buồn phiền, với tâm tịch nhiên bất động, hoàn toàn không ràng buộc với thân. Đây là lý tưởng mà tất cả Phật tử ấp ủ, nhưng không dễ gì thực hiện được như thế.  

Sư Trung Phong (Chubo) đã một lần trang nghiêm tuyên bố: “Tôi muốn chết với sự biết trước cái chết một tuần, với tâm tịch nhiên bất động hoàn toàn không ràng buộc với thân, như thế để được tái sinh nơi cõi Phật, nhờ đó, cuối cùng sẽ đạt được giác ngộ vô thượng và nhận sự thọ ký của chư Phật để tôi có thể độ tất cả chúng sinh khắp vô số thế giới được tốt hơn.”

Cái chết của Yaeko nằm trong tinh thần này, trước bức thư này, tôi đã nhận được một điện tín khẩn cấp yêu cầu tôi đến gặp cô ấy vào ngày 29 tháng 12 năm 1935. Khi gặp và nói chuyện tôi đã xác nhận con mắt Tâm của cô ấy đã mở.

Cô ấy khóc, tôi cũng thế. Tôi khóc vì vui và buồn. Về phần cô ấy, cô ấy không chút sợ chết mà chỉ nghĩ đến Pháp và sự giác ngộ của những người khác. Cô ấy hiểu rất sâu rằng bạn bè và những người quen biết có thể hiểu lầm sự tu tập Thiền hay kinh nghiệm ngộ của mình, khiến cô ấy không an tâm. Cô ấy sợ một sự tin tưởng sai lầm như thế có thể khiến cho những người chưa thật tin Phật giáo sẽ khước từ Pháp. Nếu điều này xảy ra, cô ấy sẽ mắc phải trọng tội, về mặt nghiệp, không những phản lại Pháp mà còn phản lại chính những người đó nữa. Hơn nữa, cô ấy còn cảm thấy mình mắc tội bất tín và vô trách nhiệm đối với chư Phật và tất cả mọi người. 

Những ý nghĩ này đeo nặng trên cô ấy, mặc dù cô ấy nguyện chịu khổ nơi địa ngục vì hậu quả của sự bội nghịch như thế. Nghĩ rằng mình có thể dẫn dắt người khác theo hướng sai lầm là không thể tha thứ được. Suốt ngày và đêm hôm ấy, tôi đã ở lại và cô ấy đã bàn luận với tôi về các mối bận tâm này. Tôi đoan chắc với cô ấy rằng không có lý do nào để lo ngại cả ,vì tôi sẽ đính chính bất cứ một ý nghĩ sai lầm nào như thế.

Tôi đã thường xuyên lưu ý cô ấy phải đề phòng sự cố gắng quá sức, vạch rõ rằng việc ấy trái với Chánh Pháp và hơn nữa những người có ý chí có thể thực hiện tu Thiền không cần gắng sức. Dĩ nhiên như vậy, không thể nào cô ấy có thể vô tình không biết sự cảnh cáo của tôi, không quan tâm đến sức khỏe của mình mà để nó bị ngấm ngầm phá hoại do sự gắng sức quá độ khiến cô ấy chết nhanh hơn. Nỗi lo sợ lớn nhất của cô ấy là sợ rằng người ta có thể hiểu lầm nguyên nhân cái chết của mình [họ trách Pháp đòi hỏi côấy quá mức] rồi đi đến khinh rẻ Pháp. (28)  

--------------------------------------------

(28) Mối quan tâm sâu xa của Yaeko về những hiểu lầm có thể xảy ra đối với cái chết của mình có vẻ như không hợp lý. Tại sao cô ấy cảm thấy mình có trách nhiệm đối vơi cung cách mà người khác chọn để phân tích cái chết của cô? Nhưng có thể hiểu dược cảm nghĩ của cô ấy khi chúng ta nhớ lại rằng sự giác ngộ chân thật, bằng cách tiết lộ mối tương quan với nhau của tất cảt cả chúng sinh và những ảnh hưởng =>

Dù sao đạo hạnh của cuộc đời cô ấy vẫn nằm trong tấm gương tuyệt hảo là hoàn toàn có thể tu tập Thiền một cách đúng đắn và ngay cả kinh nghiệm sự giác ngộ viên mãn ngay tại nhà mà một phần là ở trên giường bệnh. Nếu có quyết tâm mãnh liệt, người ta luôn luôn có thể thực hành tọa thiền ngay cả với một thể chất yếu đuối và không thể đi dự nhiếp tâm được. Điều này đã nâng cao kinh nghiệm phi thường của cô ấy và đáng được ghi vào lịch sử Thiền hiện đại.

Giờ đây Yaeko đã ra đi, thực là một mất mát lớn. Song cuộc đời dũng cảm của cô ấy thực đầy hứng khởi và ảnh hưởng của nó thực xa vời đến độ chắc chắn sẽ nâng cao sự truyền bá Phật giáo và lợi ích cho loài người. 

-----------------------------------------------

=> của nó đối với các sinh thể khác trong mọi hành động phát sinh ý thức trách nhiệm không chỉ đối với những gì người ta làm mà còn với những gì người ta không làm trong bất cứ hoàn cảnh nào cho phép.

Xem mục lục