& Một đệ tử của Ajaan Fuang kể lại rằng lần đầu tiên khi cô gặp sư, cô được hỏi, “Con thường đi đâu, làm gì, để tạo công đức?” Cô trả lời rằng cô đã hỗ trợ xây tượng Phật ở chùa này và đóng góp làm lò hỏa táng ở chùa kia, vân vân. Sau đó, sư hỏi thêm: “Sao con không tạo công đức ngay trong tâm mình?”
& Có lần Ajaan Fuang nhờ một đệ tử cắt giùm rễ cây cỏ, vì chúng mọc lấn hết sân chùa. Người đệ tử không sốt sắng mấy với công việc sư nhờ, nên vừa cắt cỏ, cô vừa tự hỏi mình, “Không biết tôi đã tạo nghiệp gì mà phải làm các công việc nặng nhọc như thế này?” Khi cô xong việc, sư bảo cô, “Việc con làm hôm nay cũng có chút công đức, nhưng không nhiều”.
“Dạ sao vậy sư? Sau bao nhiêu công sức đó mà con không được nhiều công đức sao?”
“Nếu con muốn có đầy đủ công đức, thì công đức đó phải xuất phát từ tấm lòng của con”.
& Lần khác, Ajaan Fuang hướng dẫn các đệ tử ở Bangkok lên một ngọn đồi để dọn sạch khu vực quanh một ngôi tháp. Họ thấy một đống rác ai đã đổ đầy trên đó. Một thiền sinh trách, “Ai mà vô phép tắc quá, dám làm chuyện như vầy?” Nhưng Ajaan Fuang trả lời, “Con đừng trách ai đó làm chuyện này. Nếu họ không vứt rác lên đây, thì ta đâu có cơ hội lập công đức bằng việc dọn sạch chỗ này”.
& Có lần, sau khi danh tính Ajaan Fuang xuất hiện trên một tờ báo, một nhóm ba nam Phật tử từ Bangkok lái xe đến Rayong để đảnh lễ sư. Sau khi đảnh lễ rồi, ngồi chuyện trò một lúc, một người nói, “Đất nước ta vẫn còn các vị sư tu hành đúng đắn để chúng con được chia sẻ ba-la-mật của họ, có phải thế không, thưa sư?”
“Đúng vậy,” Ajaan Fuang trả lời, “nhưng nếu ta chỉ đòi hỏi chia sẻ ba-la-mật của người mà không tự mình phát huy nó, thì người ta sẽ coi ta chỉ là người ăn xin, và không muốn chia sẻ gì với ta nữa”.
& Một nữ Phật tử ở thị trấn Samut Prakaan, ngoại ô Bangkok, nhắn với các đệ tử của Ajaan Fuang rằng bà muốn cúng dường một số tiền lớn để giúp làm tượng Phật tại tu viện Dhammasathit. Bà yêu cầu Ajaan Fuang đến nhà bà làm lễ ban phước khi bà trao ngân phiếu cho sư. Sư từ chối lời yêu cầu, “Nếu muốn có công đức, thí chủ phải đi tìm nó. Không thể mong công đức đi tìm thí chủ”.
& Một Phật tử khác có lần điện thoại đến văn phòng tu viện Makut, báo rằng bà sẽ cúng trai tăng tại nhà, và muốn mời Ajaan Fuang đến vì bà nghe rằng sư là một hành giả chân tu. Sư từ chối và nói, “Cơm gạo của bà ấy quý lắm sao mà chỉ có hành giả chân tu mới có thể dùng?”
& Một đệ tử của Ajaan Fuang nói rằng cô muốn làm điều gì đó đặc biệt vào ngày sinh nhật của mình để tạo công đức. Sư nói, “Tại sao phải đợi đến sinh nhật? Nếu làm vào ngày khác, công đức con sẽ kém hơn sao? Nếu muốn tạo công đức thì cứ làm ngay. Đừng đợi đến sinh nhật, vì tử nhật có thể đến trước đấy”.
& Nói về những người không thích hành thiền, nhưng rất sốt sắng giúp đỡ công việc xây dựng ở chùa, Ajaan Fuang có lần đã nói, “Mấy người này không thích các công đức nhẹ, nên ta phải tìm các công đức nặng cho họ làm. Chỉ có cách đó mới làm họ vui lòng”.
& Không lâu sau khi ngôi tháp hoàn thành, một nhóm đệ tử của Ajaan Fuang ngồi ngắm công trình, hoan hỷ với tất cả các công đức họ tích lũy được vì họ đã góp tay vào việc xây dựng. Ajaan Fuang vô tình đi qua, nghe được câu chuyện, sư lên tiếng, không thực sự nhắm vào một ai, “Đừng quá chấp vào các thứ vật chất. Khi tạo ra công đức, chớ chấp vào công đức. Nếu để mình tự mãn với ý nghĩ, ‘Chính tay tôi đã giúp xây tháp đó’, hãy coi chừng. Nếu chết ngay lúc này mà trong đầu cứ nghĩ, ‘Ngôi tháp này là của tôi, của tôi’. Thì thay vì được tái sinh lên cõi phạm thiên với mọi người, thì ta lại tái sinh làm ngạ quỷ để canh giữ ngôi tháp một thời gian, vì tâm ta quá dính chấp vào vật chất”.
& “Nếu, khi làm thiện, ta lại chấp vào điều thiện đó, ta sẽ không bao giờ được giải thoát. Ta bị dính chấp ở đâu, thì ở đó có hữu và sinh”.
& Có một truyền thống cổ xưa trong Phật giáo –dựa trên các sự tích Apadana- rằng bất cứ khi nào ta cúng dường hay làm hành động thiện, ta nên hồi hướng công đức cho một ước nguyện nào đó. Nhiều khi Ajaan Fuang khuyên các đệ tử nên lặp lại ước nguyện của mình mỗi lần họ hành thiền, ước nguyện gì thì tùy cá nhân. Nhưng đôi khi, sư khuyên họ nên có ước nguyện giống như ước nguyện của vua Asoka lúc cuối đời rằng: “Trong các kiếp tương lai, mong rằng tôi có thể làm chủ tâm mình”.
Lúc khác thì sư dạy rằng: “Không cần phải có ước nguyện dông dài, rối rắm. Chỉ cần tự nhủ: Nếu tôi có tái sinh, mong cho tôi luôn được gặp Phật pháp”.
Nhưng không phải lúc nào Ajaan Fuang cũng khuyên đệ tử ước nguyện như thế. Có lần một đệ tử nói rằng khi bà tạo công đức, bà không có ước nguyện gì để hồi hướng công đức tới đó. Sư bảo, “Nếu tâm đã viên mãn, hoặc nếu bà không thích, thì không cần phải ước nguyện điều gì. Giống như khi ăn, dầu bà có ước muốn được no hay không, khi bà cứ tiếp tục ăn, thì không cách gì bà không được no”.