Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (20)


Xem mục lục

 

TU TẬP TRẠCH PHÁP

  

 

Thiền sư Sayadaw U Tejaniya thường nói về việc quán chiếu Pháp hay thẩm xét các hiện tượng (trạch pháp – dhamma-vicaya). Trạch pháp là giác chi thứ hai trong bảy giác chi (bojjhangas), và là một loại trí tuệ (văn tuệ - cintāmayā paññā) chúng ta sử dụng trong khi thực hành. Trong 7 giác chi, ba giác chi đầu (niệm, trạch pháp và tinh tấn) là những giác chi “nhân”, là đầu vào mà chúng ta phải làm việc. Bốn giác chi sau là quả: hỷ (pīti), khinh an (passaddhi), định (samādhi), xả (upekkhā). Chúng ta không thể tạo ra hay làm cho chúng phải diễn ra.

 

Một số trích đoạn trình pháp chọn lọc sau đây sẽ làm rõ hơn về cách thực hành trạch pháp giác chi.

 

 

 

 

Con lắc

 

 

Có một lần tôi đang ngồi thiền và nghe ngài Shwe Oo Min thuyết pháp ở gần đó. Bỗng nhiên, tôi thấy cái tâm tĩnh lặng của mình chợt thay đổi cường độ. Tâm tĩnh lặng trước đó giờ đây bỗng bất an. Điều này xảy ra như thế nào nhỉ? Làm sao mà cơn sân đến bất ngờ như vậy trong khi chỉ vài giây trước đó còn rất bình an?

 

Tâm không còn hứng thú với việc hay biết nữa, vì vậy nó lùi lại đằng sau một chút và bắt đầu đặt câu hỏi. Có cái gì xảy ra bên trong ấy nhỉ? Sự hứng thú tìm hiểu này và chánh tư duy (sammā-sankappa) đã làm thay đổi lối mòn của tâm, từ sân chuyển về Pháp. Nếu không có suy nghĩ đúng này, tâm sẽ còn tiếp tục đi theo cơn sân đó, vẫn tin rằng sân là một phản ứng thích hợp trong tình huống ấy.

 

Tôi có cắt bỏ cơn sân ấy bằng một công cụ nào khác không? Không. Tâm hứng thú muốn biết sự thật, và vì vậy nó chỉ nhẹ nhàng quan sát cơn sân đang diễn ra. Cơn sân đang tự diễn ra.

 

Cái gì đang diễn ra trong tâm? Đó là cái tâm nghe âm thanh từ hai hướng khác nhau. Một bên là tiếng Ngài Shwe Oo Min đang thuyết pháp, và một bên kia là tiếng mấy người đang nói chuyện riêng. Tôi chánh niệm ghi nhận nhiều đề mục khác nhau và tâm chuyển qua chuyển lại giữa các đề mục ấy. Tâm không chú vào một thứ, nó đồng thời hay biết nhiều thứ và xem sự chú ý đang thay đổi như thế nào nữa.

 

Rồi khi ấy tôi nhìn thấy cơn sân! Một mặt tôi muốn nghe Ngài thuyết pháp nhưng lại không nghe rõ được. Tôi cũng thấy tâm mình đang bình luận về tình huống đó và đang tìm đến rắc rối: “Sao lại có người đến mà nói chuyện ở đây trong khi mọi người đang nghe Pháp thế nhỉ?”. Cảm xúc sân tiếp tục sanh lên khi tâm tiếp tục nói.

 

Tâm quan sát nhìn thấy tất cả những gì đang diễn ra trong tâm. Bạn có thể thấy tầm nhìn lúc ấy rộng mở đến thế nào không? Sau khi thấy tâm đi đi lại lại giữa hai bên vài lần như thế, nó bắt đầu thấy sự bất mãn. Bởi vì tâm không có được cái gì nó muốn, là muốn nghe bài pháp ngài đang nói. Lúc đó có sự nhận ra như vậy. Và lúc đó tâm không còn ưa thích đề mục này hay đề mục khác nữa, mà đứng ở giữa. Nó thấy cái khổ ở đó và rồi (tâm phản ứng) tắt lịm dần. Tôi có thể ghi nhận âm thanh chỉ là âm thanh.

 

Lúc ấy tôi đã nhận ra được điều gì? Tâm cho một loại âm thanh, tiếng thuyết pháp của Ngài Shwe Oo Min, là tốt, là đáng ưa thích và tiếng nói chuyện của mấy người kia là xấu, không đáng mong cầu.

 

 

 

 

________________________

 

 

 

 

 

 

Tôi nhận ra rằng nếu tham muốn một điều gì đó

 

 

30 độ nghiêng về một bên của quả lắc, 

 

 

thì sẽ nó lắc qua bên phía bất mãn cũng 30 độ tương ứng khi không đạt được tham muốn đó.

 

 

 

 

_______________________

 

 

Không ai có thể ngăn điều này diễn ra được. Vậy cái gì sẽ xảy ra khi tham muốn đó là 45 độ? 90 độ, 180 độ thì sẽ ra sao? Trước đó, tôi đã nhận ra được rằng ngay cả trước khi cơn sân sanh khởi trong tâm, tâm đã bắt đầu nói khi nó thích một điều gì đó rồi. Bởi vì sự nhận ra này và nhờ có hiểu biết rõ ràng, nên tâm đã tự nhắc nhở chính nó khi tình huống ấy xảy ra.

 

 

 

 

Hứng thú và tìm hiểu

 

 

Bạn cần phải hành thiền như vậy, với sự hứng thú và quán xét, tìm hiểu mỗi khi phiền nào sanh khởi. Khi bạn đã sẵn sàng, bài học sẽ đến và bạn sẽ hiểu biết đầy đủ. Cái chúng ta muốn là những hiểu biết đó, là sự phát triển tuệ giác (ñāna).

 

Khi tôi có chánh niệm thật sự tốt và liên tục, tôi chánh niệm hoàn toàn đầy đủ về đề mục. Tôi thường quan sát các cảm xúc cho đến tận khi tâm trở nên bình an hoặc khi cảm xúc đó hết. Tất nhiên, cuối cùng thì rồi tâm cũng bình lặng trở lại thôi. Vì sao? Tâm có thể trở nên tĩnh lặng nếu chúng ta cứ nhìn trực diện vào một đối tượng nào đó mà không nghĩ đến một điều gì khác. Nhưng như thế sẽ không có trí tuệ và hiểu biết nào sanh khởi lên được.

 

 

 

 

Thất giác chi (7 chi phần giác ngộ)

 

 

Cái chúng ta cần ở đây là trạch pháp (dhamma-vicaya), một trong các nhân trong 7 chi phần giác ngộ (bojjhangas). Bẩy giác chi là niệm (sati), trạch pháp (dhamma-vicaya), tinh tấn (viriya), hỷ (pīti), khinh an (passadhi), định (samādhi), xả (upekkhā). Ba giác chi đầu là nhân, bốn giác chi sau là quả. Chúng ta không cần làm gì với những giác chi quả là hỷ, khinh an, định, xả. Chúng ta không thể tạo ra chúng hoặc làm cho chúng phải xảy ra.

 

Cái chúng ta cần phát triển là niệm, trạch pháp và tinh tấn. Đây là những giác chi mà chúng ta có thể làm việc.

 

 

 

 

 

 

 

 

________________________

 

 

 

 

 

 

Trong ba giác chi này, các thiền sinh thường chỉ chú ý đến niệm và tinh tấn, bỏ quên trạch pháp. Trạch pháp là quán xét các hiện tượng, thẩm xét những gì đang diễn ra, tại sao chúng diễn ra hoặc xem xét cách chúng ta đang thực hành ra sao bằng cách sử dụng những thông tin mình có, trí tuệ và sự thông minh của mình.

 

 

 

 

 

_______________________

 

 

Trạch pháp là loại trí tuệ thuộc về tư tuệ (cintāmayā paññā). Ở đây nó rất cần thiết. Chúng ta phải quán xét với mong muốn học hỏi, biết và hiểu.

 

 

 

 

Vai trò của chánh niệm

  

Vai trò của chánh niệm chỉ là thu thập dữ liệu. Trong quá trình đó luôn có sự khao khát muốn biết. Chánh niệm thực hiện vai trò hay biết mọi thứ đang diễn ra. Nó biết tâm đang chuyển hướng tới lui, các cảm xúc và những gì đang diễn ra.

 

Câu trả lời sẽ đến khi bộ sưu tập dữ liệu đã hoàn chỉnh. Nó không thể sanh khởi khi vẫn còn thiếu sót một vài dữ liệu nào đó. Tuy nhiên, bạn có thể tăng mức độ hứng thú và tò mò trong tâm bằng cách đặt ra một số câu hỏi. Giải pháp sẽ đến với bạn khi đã có đủ dữ liệu cho vấn đề. Khi chưa có chánh niệm hoàn chỉnh, nó chỉ hay biết được những đề mục ở mức độ thô. Hiện tại bạn có thể có chánh niệm và sự ổn định nội tâm, nhưng bạn cần phải tiến lên mức độ vi tế hơn từ mức thô và hời hợt bây giờ. Đó chính là quá trình hoàn thành các nhân duyên cho đầy đủ.

 

Chánh niệm sắc bén có thể thấy được những hoạt động bên trong của tâm. Nếu chỉ có chánh niệm phiến diện thì sẽ không thấy được tất cả những nhân duyên đang có mặt. Có thể bạn sẽ thấy tham và sân không có mặt, nhưng với chánh niệm sâu sắc hơn, bạn sẽ thấy tâm si vẫn luôn luôn hiện diện. Các thiền sinh vẫn trình pháp rằng họ không thấy có tham và sân trong tâm, nhưng đó chỉ là những quan sát rất hời hợt trên bề mặt. Họ vẫn chưa thực sự nhìn được sâu bên dưới. Một mức chánh niệm mạnh và một nội tâm ổn định là điều cần phải có để thấy ở những mức độ vi tế hơn. Đó chính là ý của tôi khi nói bạn cần phải duy trì được một nội tâm ổn định trong một thời gian dài. Nếu làm được điều đó (mà nó cần sự có mặt của trí tuệ), khi bạn đặt câu hỏi, câu trả lời sẽ đến.

 

 

 

Đừng để tâm sân tăng trưởng


Bạn có thể dùng rất nhiều kỹ thuật khác nhau để xử lý tình huống mình đang gặp phải. Giả sử bạn đang làm việc và có quá nhiều việc phải xử lý. Bạn sẽ làm gì? Trước kia thì tôi chỉ dùng chánh niệm. Bởi vì tâm đã có định nhờ thực hành, nên có thể sử dụng nó. Tôi có rất nhiều việc phải làm ở ngoài chợ, và trong hoàn cảnh đó thì rất khó để quán chiếu, vì vậy tôi sử dụng tất cả những gì đã được học (thiền chỉ và thiền vipassana) để dẹp bỏ phiền não. Tôi không muốn sân sanh khởi. Khi có quá nhiều công việc, tôi không nghĩ đến bất cứ việc gì khác mà chỉ quan sát tâm sân một cách nhẹ nhàng nhưng liên tục. Nó giảm dần đi. Không có chút suy nghĩ nào xen vào. Nếu tôi suy nghĩ trong lúc vẫn còn sân, thì tâm chỉ suy nghĩ đến những việc liên quan đến cơn sân ấy. Tôi không nghĩ đến việc gì trong lúc ấy nữa, mà chỉ thuần quan sát cơn sân vài phút và nó giảm dần đi.

 

Cơn sân có giảm xuống bằng 0 không? Không. Lúc đó bạn vẫn chưa được giải thoát khỏi nó đâu. Nó vẫn còn ở đó. Nhưng bạn chỉ có thể nhìn sâu tới mức niệm và định của bạn cho phép. Nếu phiền não vẫn còn ở đó, nó sẽ khởi lên lại nữa. Nhưng tất nhiên xử lý nó ngay khi nó mới nhú lên thì vẫn tốt hơn.

 

 

 

 

________________________

 

 

 

 

 

 

Khi đám cháy còn nhỏ, bạn chỉ cần dội ít nước là đủ. Nhưng khi đã cháy nửa ngôi nhà rồi thì sao?

 Nước không còn, sức cũng không còn,

 

và nửa ngôi nhà cũng chẳng còn.

 

 

 Bạn phải cần thêm những phương tiện khác để chữa cháy. Chính vì vậy tôi không bao giờ cho phiền não chút cơ hội nào. Không cho phép nó xuất đầu lộ diện.

 

 

 

 

_______________________

 

 

Đức Phật nói: “Đừng cho phiền não cơ hội khởi sanh”. Vậy bạn không cho phiền não nào cơ hội? Phiền não hiện tại, quá khứ hay tương lai? Phiền não hiện tại thì đang diễn ra rồi. Vậy chúng ta phải vượt qua loại phiền não nào? Nếu bạn nhận ra phiền não đang có mặt trong hiện tại, điều đó có nghĩa bạn chưa tới được trình độ vượt qua phiền não. Khi phiền não đang diễn ra, tức là đã muộn. Bạn chỉ ở thời điểm quán xét nó thôi. Trong thực tế, nếu bạn bắt đầu hiểu được nó, trí tuệ sẽ vượt qua nó và đóng nó lại. Trí tuệ đó sẽ không cho nó cơ hội để sanh khởi. Đó là cách bạn vượt qua nó. Làm sao bạn vượt qua được nó nếu không cho nó vào bên trong? Liệu phiền não có cơ hội sanh khởi nếu có niệm, định và tuệ vững mạnh?

Nếu chánh niệm mạnh, tâm bình an và ổn định, nhưng tuệ yếu thì sao? Sân nhất định sẽ lại nổi lên. Một số người có niệm và định nhưng tính tình rất sân. Một người có định mạnh, nhưng chỉ mỗi định tâm mà không có trí tuệ, thì định ấy sẽ có tác dụng phóng đại sự việc. Phiền não cũng phóng đại sự việc. Kết hợp cả hai thứ đó lại, và bạn đối diện với nó, đương nhiên là sẽ bùng nổ.

 

Bạn sẽ bắt đầu tìm đường thoát chỉ khi không còn chịu đựng được nữa. Người nào quen sống trong bóng mát sẽ chẳng thể chịu đựng nổi khi ra giữa trời nắng chói chang. Những người như vậy sẽ chắc chắn không để những việc ấy xảy ra trong tương lai. Anh ta sẽ không để sân bùng phát ra mặc dù sân vẫn luôn muốn xuất đầu lộ diện.

 

 

 

 

Tâm si là bóng tối

 

 

Khi bạn có dù chỉ một chút chánh niệm thôi, bạn sẽ lợi ích được bao nhiêu? Bạn có thấy tâm mình thỏa mái hơn bao nhiêu không? Bởi vì bạn không biết những gì đang diễn ra nên bạn không biết nó nhẹ nhàng, thanh thản biết bao nhiêu. Luôn luôn có những phiền não vi tế ở bên dưới. Tâm si (moha) luôn luôn có ở đó. Tâm si luôn có mặt mỗi khi không có trí tuệ hiện diện. Chỉ có những khoảnh khắc ngắn ngủi khi có trí tuệ thì tâm si mới tạm thời vắng bóng. Bao nhiêu lần cái “tôi” không xảy ra? Ngay cả khi bạn thoáng nhìn thấy nó thì tâm si cũng ngay lập tức kéo đến che kín nó rồi. Tâm si là u tối.

 

Bạn có chiếc đèn pin tí xíu này. Khi bật lên, tất nhiên là nó sáng và bạn có thể nhìn thấy. Bạn chỉ có thể thấy một khoảng hẹp trước mặt, nhưng cũng có thể bạn đã tự bằng lòng với nó. Bạn nghĩ về nó: “Ồ, bây giờ tôi biết thật nhiều”. Thế còn tất cả những thứ bạn không hề thấy thì sao? Nó còn nhiều lắm. Bạn chỉ biết những gì mình nhìn thấy, bạn không biết những thứ mình chưa biết.

 

 

 

 

Hãy khuấy động mọi thứ lên một chút

 

 

 

 

Nếu bạn có thể quan sát một chút trí tuệ này khi chúng đang vận hành, thì trí tuệ ấy sẽ chỉ đường cho bạn. Bạn không thể chứng nghiệm được những gì mình chưa biết. Bạn chỉ hiểu được phần nhỏ vậy thôi. Chính vì vậy bạn không được tự thỏa mãn và dừng lại. Khi bạn hiểu được một điều gì đó, thế vẫn chưa đủ. Bạn không  biết được bản chất của tâm si. Đến khi nào bạn mới hiểu được nó?

 

Bạn sẽ hiểu được khi có trí tuệ. Tâm si rút lui xuống một bước khi trí tuệ khởi sanh. Khi đó bạn sẽ thấy được tâm si có bao nhiêu trong mình. Chính vì thế tôi không hỏi bạn về đề mục. Tôi hỏi bạn hay biết cái gì và cái gì đang diễn ra trong tâm quan sát.

 

 

 

 

________________________

 

 

 

 

Bạn phải khuấy động mọi thứ lên một chút để giúp trí tuệ sanh khởi. Cái gì đang diễn ra thế? Tâm quan sát thế nào? Hãy thường xuyên tự hỏi mình như thế.

 

 

 

 

_______________________

 

 

Do vậy chánh niệm và một số câu hỏi tự vấn phải đi cùng nhau. Cần phải có những suy nghĩ tìm hiểu như vậy cùng với chánh niệm. Khi tâm thay đổi, vẫn luôn có mong muốn biết và hiểu những gì đang diễn ra ở đó. Chỉ khi đó thì tâm mới luôn tỉnh giác trong mọi lúc. Khi tâm có ít năng lượng, nó chỉ ghi nhận, ghi nhận…nhưng mờ dần đi, rồi bạn bị hôn trầm, buồn ngủ.  Khi tâm tĩnh lặng, bạn sẽ trở nên lờ đờ.

 

Thực tế, khi tâm đã tĩnh lặng, đó là lúc để bạn sử dụng những kiến thức và thông tin của mình. Trước đó bạn khó sử dụng được chúng khi tâm xáo động bởi vì mọi thứ cứ rối tinh cả lên. Bạn cần phải sử dụng những kỹ năng này khi tâm đã mạnh mẽ hơn và ổn định hơn.

 

 

 

 

CÂU HỎI

 

 

 

 

rút ra từ chương: “Thế nào là thiền chánh niệm?”

 

 

•  Bạn đang chánh niệm với loại tâm nào?

 

• Khi chánh niệm về đề mục này, tâm bạn cảm thấy ra sao?

 

• Bạn có hay biết là mình đang ngồi hay không? đi? đứng? sinh hoạt hàng ngày? Khi làm các công việc này, nếu hay biết một cách tự nhiên thì bạn biết cái gì?

 

•  Tâm đang ở đâu? Tâm đang làm gì? Tâm đang có cảm xúc gì? Tâm đang suy nghĩ gì?

 

•  Cái gì đang diễn ra? Tại sao nó diễn ra? Nếu không cần phải khiến những thứ đang diễn ra biến mất hoặc những gì không diễn ra phải xuất hiện, thì bạn cần sử dụng loại năng lượng nào?

 

• Bạn có cần phải cố gắng thì mới nhìn hoặc nghe được không? Bạn vẫn có thể hay biết mà không cần chú tâm vào cái gì được không?

 

•   Đề mục và tâm biết, cái nào quan trọng hơn?

 

•  Đề mục nào tốt hơn: hơi thở ở mũi hay phồng xẹp ở bụng?

 

•  Cái gì đang diễn ra trên thân? Bạn đang biết cái gì? Bạn có thể biết cái gì một cách tự nhiên?

 

•  Cái gì đang diễn ra trong tâm bây giờ? Nó đang bình an, hay bất an, hay thất vọng, buồn bực? Cái gì đang diễn ra?

 

•  Bạn bắt đầu thực hành từ lúc nào trong ngày?

 

•  Tâm đang nghĩ chuyện gì? Tâm dùng bao nhiêu năng lượng? Thái độ nào đang có mặt ?

 

•  Bạn đang hành thiền như thế nào? Bạn có thực hành đúng không? Bạn tiếp tục thực hành như thế nào?

 

 

Xem mục lục