Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (20)


Xem mục lục


 

TINH YẾU THIỀN CHÁNH NIỆM

 

•  Tâm thiền phải thư giãn một cách tự nhiên, tĩnh lặng và bình an. Hãy học cách không tập trung, không kiểm soát, không cố tạo ra cái gì hay hạn chế, gò bó cái gì cả.

 

•  Tại sao phải tập trung nhiều như vậy? Có thể là bạn đang mong muốn có được một kinh nghiệm nào đó hay không thích một cái gì đó đang diễn ra.

 

•  Không tạo ra hay chối bỏ cái gì, và cũng không quên chánh niệm mỗi khi có cái gì đó sanh khởi hoặc diệt đi.

 

•  Tâm đang ở đâu? Nó có chú ý đến những gì đang diễn ra trong thân và tâm không? Hay là đang chú ý đến bên ngoài hay người nào đó?

 

•  Tâm là tâm thiền khi nó không có tham, sân, đau khổ hay bất an trong đó. Khi thực hành với tham muốn hay mong cầu, chờ đợi, thì bạn chỉ tự làm mình mệt mỏi mà thôi.

 

•  Cố gắng tạo ra một cái gì đó là tâm tham đang làm việc. Chối bỏ một cái gì đó là tâm sân đang làm việc. Không hay biết có cái gì sanh lên hay diệt đi là tâm si đang làm việc.

•  Không mong đợi điều gì sẽ đến, không mong muốn điều gì, không bất an, bởi vì khi có những thái độ này trong tâm sẽ rất khó hành thiền.

 

•  Thường xuyên kiểm tra lại thái độ hành thiền.

 

•  Chúng ta chú ý đến và chánh niệm cả cái tốt lẫn điều xấu. Thiền là chấp nhận bất cứ cái gì sanh khởi, dù là “tốt” hay “xấu” và quan sát nó một cách thư giãn.

 

•  Khi chúng ta tham muốn một cái gì được cho là tốt và chống đối lại cái gì bị cho là xấu thì có còn là hành thiền nữa không?

 

•  Khi chúng ta cố gắng tạo ra một kinh nghiệm mình mong muốn thì có là thực hành đúng hay không? Chúng ta chỉ cố gắng hay biết và quan sát những gì đang diễn ra như nó đang là.

 

•  Nếu tâm mệt mỏi hay cảm thấy khổ sở, nhất định có điều gì đó mất cân bằng hoặc thiếu sót trong pháp hành. Khi tâm cảm thấy căng thẳng và tù túng sẽ rất khó hành thiền. Hãy kiểm tra lại xem mình đang thực hành như thế nào khi bạn thấy thân và tâm mình mệt mỏi. Tâm có thái độ đúng không?

 

•  Tâm thiền phải thư giãn và bình an. Bạn chỉ có thể hành thiền được với tâm nhẹ nhàng và giải phóng.

 

•  Tâm đang làm gì? Nó đang làm công việc gì? Nó có bị cuốn trôi theo suy nghĩ không? Nó có đang hay biết không?

 

•  Đừng cố tìm lỗi cuả tâm suy nghĩ – đừng cố gắng ngăn chặn suy nghĩ. Thay vào đó, bạn chánh niệm để nhận biết suy nghĩ mỗi khi nó khởi sanh.

 

•  Tâm thiền hay tâm chánh niệm, chỉ hay biết một cách hời hợt hay biết một cách sâu sắc và cặn kẽ?

 

•  Chúng ta không cố gắng loại bỏ đối tượng của tâm (đề mục). Tuy nhiên, chúng ta muốn hiểu những phiền não sanh khởi liên quan đến đối tượng và quán xét, tìm hiểu những phiền não đó.

 

•  Đề mục không thực sự quan trọng. Tâm quan sát làm việc ở đằng sau mới thực sự quan trọng. Nếu tâm quan sát có thái độ đúng, thì bất cứ đề mục nào cũng là đề mục đúng.

 

•  Chỉ khi có đức tin (saddhā), tinh tấn (viriya) mới phát khởi. Chỉ khi có tinh tấn, chánh niệm (sati) mới liên tục. Chỉ khi chánh niệm liên tục, tâm mới ổn định và vững  vàng (samādhi-định). Với tâm ổn định và vững vàng, bạn sẽ hiểu được mọi thứ như nó đang là (paññā-tuệ). Khi bạn thấy được thực tại như nó đang là, đức tin sẽ càng tăng trưởng.

 

  Hãy giữ chánh niệm trong hiện tại – đừng hồi tưởng lại quá khứ hay ước vọng tương lai.


Xem mục lục