Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (20)


Xem mục lục

Phần 1 : Con đường bước vào thiền Vipassana

Bạn bảo vệ chính mình bằng cách tu tập tâm từ, trau dồi chánh niệm. Cả hai đều có thể bảo vệ được bạn. Hãy đặt lòng tin vào Đức Phật, đặt lòng tin vào sự tu tập của mình. 

Xin chào mừng các bạn đã đến với lớp học. Tôi rất vui khi gặp các bạn. Như tôi đã từng nói, hình ảnh đẹp nhất là hình ảnh một thiền sinh đang ngồi thiền, thật là đẹp. Từ khi còn là một cậu bé, mỗi lần nhìn thấy một người đang ngồi thiền là thế nào tôi cũng đứng nán lại một chút để xem, dáng ngồi thật tĩnh lặng, thân hình tĩnh lặng và cũng thật hài hoà và cao quí. Đối với tôi, dáng ngồi như vậy trông như một kim tự tháp, rất vững chải, ổn định, không thể lay động, nó cũng thể hiện cả một chiều sâu nội tâm bên trong nữa, vững vàng và tĩnh lặng. Tư thế ngồi của thân cũng hổ trợ cho tâm, nó làm cho bạn hướng về sự ổn định, tĩnh lặng và an bình.

Khi nhìn bức tượng Đức Phật đang ngồi thiền, hình ảnh đó làm tôi cảm thấy rất bình an. Tôi đã sưu tập được một số bức tranh, một số hình ảnh về Đức Phật, trông vô cùng an lạc, thanh bình.

Trước khi nói về các đề mục hành thiền và các loại định khác nhau (samadhi), tôi muốn trả lời một số câu hỏi tuần trước, đó là những điều rất quan trọng cần phải ghi nhớ. Nó có ý nghĩa rất sâu sắc… nó đề cập đến bản chất của tâm… Tôi đã thử tìm trong một số sách thiền, một số hành giả có kinh nghiệm đã ghi chép lại. Họ đã khám phá ra sự tĩnh lặng trong thiền, nội tâm trở nên yên tĩnh, các tư tưởng hạ bớt dần, bạn không còn nhận biết mọi thứ xung quanh nữa – tức là tâm đã càng ngày càng trở nên tập trung hơn… Sau đó bạn đạt tới một trạng thái định tâm (samadhi), nhưng cũng chỉ có thế. Bạn biết điều gì xảy ra tiếp theo đối với một số người không? Chỉ là một trạng thái tâm tĩnh lặng mà thôi, họ chỉ là những người mới bước chân chập chững vào thiền… (một người mới bước chân vào thiền không có nghĩa là một người mới tập hành thiền, một người còn chập chững trong thiền là người chưa vượt được qua ngưỡng đó. Như vậy nếu bạn đã tập thiền một thời gian rất lâu rồi, nhưng nếu chưa vượt được qua một trình độ nhất định thì bạn vẫn chỉ ở giai đoạn mới bắt đầu. Quả là xấu hổ khi ta hiểu được điều này, bởi vì chúng ta đã hành thiền rất lâu rồi và thích nghĩ là mình đã biết hết mọi thứ, rằng mình đã tiến được rất xa. Nếu vẫn chưa vượt được qua một trình độ nhất định nào đó, thì bạn vẫn còn đang chập chững ở giai đoạn mới bắt đầu mà thôi.)

Như vậy, vừa khi sự tĩnh lặng trong thiền mới kịp đến với hành giả, bỗng nhiên người lính mới này bị lôi tuột trở lại với thực tế. Thực tế ở đây là thực tại thông thường… như vậy… anh ta bị lôi tuột trở lại thực tế phủ phàng bởi một cú sốc đột ngột toàn thân. Tại sao có hiện tượng này? Điều này xảy ra với một số người, trước đây nó cũng thường xảy ra với tôi. Đôi khi nó diễn ra như thế này… tâm tôi đang rất tĩnh lặng … thì đột nhiên nghe thấy một tiếng động nào đó và bị sốc… rồi giật mình tỉnh dậy.

Khi hành thiền, bạn đi vào một thế giới khác, đi vào một thực tại khác và đây là điều bạn cần phải hiểu. Nó tương tự như trạng thái “xuất thần”, một trạng thái thôi miên nhưng không phải bị thôi miên thực sự. Nó rất giống như vậy. Một số bác sĩ hiểu rõ trạng thái này. Khi ngừng lại mọi sự suy nghĩ và tập trung chú ý vào một đối tượng, dần dần tâm bạn trở nên tập trung và bạn thể nhập vào một thực tại khác. Nhưng ở ngưỡng cửa thực tại đó,bạn sẽ thấy rất nhiều khó khăn. Tâm bạn cứ trở lui, trở tới hoài, bởi vì chúng ta đã quá quen với thực tại thông thường mất rồi. Chúng ta cảm thấy an toàn trong cái thực tại đó và muốn bám víu vào nó, không muốn buông bỏ… Đây chính là một loại phản ứng tự vệ. Chúng ta muốn bảo vệ bản thân mình.

Một trong những cách tự vệ của chúng ta là luôn duy trì ý thức về bản thân mình, muốn biết hoàn cảnh xung quanh, biết những gì đang diễn ra quanh mình, biết tình trạng thân mình ra sao.

“Người tôi hiện giờ đang như thế nào nhỉ?” Khi bạn hành thiền và tâm trở nên rất tập trung, dần dần bạn sẽ quên mất mọi thứ xung quanh mình. Khi định lực đã mạnh, có lúc bạn còn mất ý thức về chính bản thân mình nữa. Tôi muốn nói là… bạn vẫn ý thức được các cảm giác, nhưng không ý thức được về hình dáng nữa. Có lúc hình dáng cơ thể biến mất vì hình dáng và kích cỡ cũng đều là khái niệm tục đế ( pannatti). Tâm ta chỉ lắp ghép lại và gán cho nó một ý niệm, thực tại chân đế (paramattha) thì không có hình dạng, không có kích cỡ.

Nếu bạn thấy khó hiểu, tôi sẽ cho bạn một ví dụ, ở trong vật lý học Newton. Khi đọc vật lý học Newton, bạn sẽ thấy trong đó có hình dáng, kích thước và sự chuyển động, có tất cả mọi thứ trong đó. Dựa theo vật lý học Newton, bạn có thể dự đoán được mọi thứ: dự đoán được sự chuyển động của các hành tinh, có thể dự đoán được thời gian, chẳng hạn là mười năm sau, một hành tinh nào đó sẽ ở một vị trí xác định nào đó. Chúng ta có thể dự báo trước được điều đó. Nó có hình dáng, kích thước và chuyển động theo quy ước thông thường. Nhưng khi nghiên cứu xuống các hạt hạ nguyên tử thì tất cả những quy ước đó không còn nữa. Ở đó không có hình dạng nào cả, bạn không thể đoan chắc về một điều gì mà chỉ có thể nói một phần trăm xác xuất nào đó để cho một sự kiện nào đó có thể xảy ra, không có gì là chắc chắn cả.

Trong thiền, mọi việc cũng xảy ra y như vậy. Trong trạng thái ý thức thông thường, chúng ta ý thức được về mọi thứ xung quanh: hình dáng, kích cỡ, chúng sanh, con người, đông, tây, nam, bắc, thời gian, ngày, tháng, năm.

Khi hành thiền, chúng ta quên hết: bây giờ là mấy giờ, ngày nào, tháng nào, năm nào và đôi khi quên cả mình đang ở đâu nữa. Chúng ta không còn ý thức được về những điều đó nữa, bởi vì tất cả chúng chỉ là khái niệm. 

Bạn không biết mình đang ngồi ở đâu, đang quay mặt hướng nào. Đôi khi rất lạ, bạn không biết mình đang ngồi ở đâu nữa, nó giống như một loại bệnh tâm thần. Có người không thể nhớ ra mình là ai bởi vì họ bị bệnh tâm thần, nhưng đôi khi ở trong trạng thái này cũng vậy, khi đã vượt qua thực tại thông thường, thì việc bạn là ai cũng không thành vấn đề nữa.

“Tôi” chỉ là một ý niệm, bạn cũng mất hết tất cả những ý niệm đó.

Khi thể nhập vào trạng thái đó, bạn phải dội lại nhiều lần vì sợ… Tôi phải biết mình là ai chứ… Tôi phải biết những gì đang diễn ra ở chung quanh tôi chứ, bởi vì nếu tôi không biết tôi sợ rằng mình sẽ không được an toàn. Chúng ta cố gắng cảm thấy an toàn bằng cách này hay biết tất cả những gì đang xảy ra quanh mình, cố biết tất cả những gì xảy ra đối với thân mình, ý thức về cái thân hay cái ngã của mình, đó thực ra chỉ là khái niệm tục đế pannatti mà thôi. Đây là điều rất quan trọng cần phải biết, nếu không bạn sẽ càng cảm thấy sợ hãi… “Tôi sợ hành thiền”… Điều này từng xảy ra với tôi, đột nhiên giựt nảy mình, tôi bừng tĩnh và vô cùng sợ hãi! Chúng ta sợ phải vượt qua thực tại thông thường này, mặc dù vẫn muốn chứng nghiệm được một điều gì sâu sắc hơn, vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường. Mặc dù chúng ta hành thiền để đạt tới chỗ đó, nhưng thời điểm vượt qua ngưỡng cửa của nó, chúng ta lại sợ và cảm thấy không an toàn.

Chúng ta cảm thấy an toàn bằng cách kiểm soát cơ thể mình và mọi thứ diễn ra xung quanh. Một cách để kiểm soát là phải hay biết những gì đang diễn ra, ở xung quanh và trong cơ thể mình. Đây chính là một loại phản ứng tự vệ.

Khi bị căng thẳng một thời gian dài, chúng ta trở nên quen với điều đó và bám víu vào nó. Điều này thường xảy ra hơn đối với những người hay lo lắng, hồi hộp và luôn cảm thấy bất an.

Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong rừng sâu, có rất nhiều hổ báo, rắn rết và các loài thú hoang. Tôi đã từng sống trong rừng, chỗ đó cũng có hổ (Bây giờ thì thợ săn nói hổ lại sợ người và thấy bóng người là chúng chạy trốn). Khi đến những nơi chúng ta chưa bao giờ đặt chân tới, chúng ta cảm thấy rất không an toàn, vì ở đó có nhiều nguy hiểm thực sự: hổ, rắn… Đối với hổ thì chúng ta có thể tự bảo vệ bằng cách ở trong một chỗ được che kín xung quanh. Nhưng còn rắn thì rất khó bởi vì chúng quá nhỏ, có thể luồn vào trong cốc, vì cốc làm bằng tre và có nhiều khe hở. Khi đang ngồi, chợt nghe tiếng shi … shis…, bạn bỗng nhiên giựt mình tỉnh dậy, vô cùng sợ hoãi, cơ thể bạn phản ứng ngay lập tức: “Cái gì thế nhỉ?” Bạn cảm thấy rất không an toàn. Khi phát hiện ra đó chỉ là một con thằn lằn thì OK, bạn quay lại hành thiển, nhưng tâm vẫn không hoàn toàn tập trung vào thiền được, bạn vẫn phải cảnh giác. Nếu cứ phải giữ cảnh giác và cố gắng phát hiện những gì đang diễn ra xung quanh thì rất khó để phát triển một tâm định thâm sâu (samadhi). Bạn vẫn phải tỉnh thức và chỉ có thể chánh niệm đến một mức độ nhất định nào đó mà thôi. Bạn không thể vượt qua được ngưỡng đó.

Để vượt qua được ngưỡng cửa đó, bạn cần có sự tin cậy và an toàn; điều này rất quan trọng.

Nếu được hành thiền cùng với một người mà bạm tin tưởng thì rất tốt: với thầy, một người trong gia đình, hay một người bạn tốt chẳng hạn… Bạn cảm thấy an tâm, “ lỡ chẳng may có điều gì xảy đến với mình thì còn có người xung quanh để giúp, “ đối với những người mới hành thiền, điều này rất quan trọng. Ở Miến Điện, khi chúng tôi hành thiền, các thiền sư hay nói:Hãy giao phó sinh mạng của mình cho Đức Phật một cách tượng trưng, sinh mạng này không còn là của tôi nữa, khi không còn là của tôi thì chẳng cần phải lo lắng cho nó nữa. Đây là một cách cúng dường tượng trưng. Cố gắng tìm một cách nào đó làm cho mình cảm thấy an tâm và tin tưởng vào môi trường xung quanh. Ở nơi đây, bạn không phải sợ hãi điều gì cả. Tất cả mọi người ở đây đều là thiền sinh, chỗ này rất an toàn và đảm bảo. Trước khi ngồi thiền, điều quan trọng là phải rải tâm từ một chút, bởi vì tâm từ (metta) sẽ làm cho bạn cảm thấy được an toàn.

Đôi khi tôi sống ở trong rừng mà không có một mái nhà nào để trú ngụ, không có một chỗ nào để ở. Khi thì ngồi dưới một gốc cây, khi thì ở trong một mái lều giản dị được quây lại bằng mấy tấm y. Chúng tôi hành thiền và tu tập một tâm từ thật mạnh, tâm từ mạnh mẽ đó làm cho chúng tôi cảm thấy rất an toàn. Tôi đã ở trong rừng hơn 20 năm mà chưa hề bị thương tổn bởi một cái gì, có khi ở trong rừng sâu thực sự, chỉ có một vài căn lều chung quanh để đến khất thực. Tôi muốn đi thật sâu, thật sâu vào trong rừng già, cách xa với nền văn minh, bởi nền văn minh này quá xáo động.

Khi tin cậy chính mình, bạn sẽ thấy được an toàn hơn… hãy tự tin vào chính mình, tin vào sự tu tập của mình. Đối với những người mới, thì điều quan trọng là phải tìm một nơi thật an toàn!

Chúng ta đã quen bám víu vào chính mình, dính mắc với chính bản thân mình, cố gắng bảo vệ mình trong mọi lúc… Chúng ta khư khư giữ chặt lấy bản thân… Thử xem bạn có thực sự thấy như thế này không: “ Tôi đang cố kiểm soát , làm chủ thân tâm mình.” Tất cả chúng ta đều cố để kiểm soát, nhưng trong thiền, nếu làm như vậy bạn sẽ không thể phát triển được tuệ giác thâm sâu và tiến xa hơn nữa.

Bạn phải học cách buông bỏ… Để bất cứ việc gì đến thì đến, bởi vì những điều kinh nghiệm được trong thiền sẽ khác lạ đến mức nếu cố kiểm soát nó, bạn sẽ bị thụt lui ngay. Bạn sẽ không thể tiến lên một chút nào được nữa! “Khư khư ôm chặt bản thân mình,” chúng ta làm việc này một cách vô thức, đó mới chính là khó khăn và vướng mắc của mình.

Bởi vì, về mặt ý thức bạn cố gắng từ bỏ sự kiểm soát, cố gắng buông bỏ, nhưng trong vô thức thì bạn lại sợ và cảm thấy không an toàn. Vì vậy bạn bạn vẫn cố kiểm soát, cố làm chủ vì nỗi sợ, nỗi lo lắng, bất an này đã ăn sâu trong xương tuỷ chúng ta. Không biết đã bao lâu, có thể hàng triệu năm, nó ăn sâu trong cấu trúc gien ADN của chúng ta rồi, tôi nghĩ vậy. Đây không phải là một việc dễ làm: Chúng ta luôn phòng vệ một cách vô thức để chống lại nguy cơ tan rã về mặt tâm lý.

“Sự tan rã về mặt tâm lý” nghĩa là sao? Sự tập hợp cho chúng ta ý niệm ta là ai. Tan rã có nghĩa là anatta vô ngã, không có ai làm chủ. Bạn có sẵn lòng đạt đến chỗ ấy không?

Không có cái gì là tự ngã, không có cái gì kiểm soát, làm chủ ta cả. Đó chỉ là tiến trình thân tâm đang diễn tiến! Khi bạn cố gắng kiểm soát là bạn đã ra khỏi nó. Bạn đã rớt ra khỏi thiền… Thiền là một hình thức đầu hàng.

Chúng ta luôn luôn muốn kiểm soát và làm chủ mình: “Tôi phải biết mình là ai, phải biết mình đang làm gì chứ”, với thái độ đó thì đừng hòng chúng ta vượt qua cửa thiền được! Không có một cái “Tôi” nào đang hành thiền cả, bạn thậm chí cũng không thể làm chủ được sự hành thiền của mình nữa. bạn chỉ thuần quan sát những gì đang diễn ra, chỉ đơn thuần quan sát mà không kiểm soát. Cũng giống như khi bạn nhìn ra đường. Bạn ngồi ngoài hiên, nhìn con đường trước mặt, bạn không thể kiểm soát được một chiếc xe nào trên đường cả. Chúng chỉ đến và đi, bạn chỉ ngồi quan sát… Tôi biết những gì đang diễn ra nhưng tôi chẳng có chút quyền hành gì với chúng cả. Bạn cần phát triển một trạng thái tâm như vậy, không kiểm soát. Đó là lý do tại sao tôi cố gắng nói với các bạn là đừng kháng cự, kiểm soát, chỉ buông bỏ, chỉ là một người quan sát hoàn toàn khách quan.

Vào lúc chúng ta thấy mình mất quyền kiểm soát, vào lúc cảm thấy không còn cái “Tôi” đâu nữa, chúng ta thấy một nỗi sợ nhen lên trong mình. Nhưng đây không phải là điều xảy ra với tất cả mọi người. Nó chỉ xảy ra với một số người mà thôi. Rồi chúng ta buông bỏ để vào thiền… Mỗi khi thấy điều này, bạn hãy cố gắng trấn tĩnh lại và tự nhủ rằng không có gì nguy hiểm cả, không việc gì phải sợ. Hãy tự tin vào chính mình, tự tin vào sự tu tập của mình và tiếp tục. Chúng ta không còn khư khư bám chặt lấy mình nữa. Khi hành thiền, chúng ta không chấp giữ, không bám víu vào bản thân mình. Hãy kiểm tra lại xem bạn có đang làm như vậy không, có cố kiểm soát hay cố làm gì đó không. Bỗng nhiên, tâm ta cảm thấy mình đang bị nguy hiểm và một cú sốc đột ngột trong một phản ứng tự vệ buộc ta trở lại canh giữ bản thân mình. Đúng thời điểm vượt sang một thực tại khác, chúng ta lại giật mình tỉnh lại, lại muốn lấy lại sự kiểm soát. Đây là một phản ứng tự vệ của thân tâm. Cú sốc đột ngột này không thường xảy ra lắm, nhưng có thể rất sợ hãi. Chỉ cần nhắc nhở và khích lệ mình rằng:”Rồi nó sẽ biến mất.” Khi bạn đã rèn luyện được một sự bình an và trí tuệ uyên thâm hơn, nó sẽ tự biến mất. Điều này sẽ còn xảy ra , trở tới trở lui lại một vài lần nữa.

Đôi lúc, người mới hành thiền có thể bị xen ngang bởi một nỗi sợ đột ngột. Hốt nhiên bạn giật mình bàng hoàng, giật nẩy mình, nhưng trong một số trường hợp, thân vẫn rất tĩnh tại, không giật lên như vậy. Thân vẫn giữ nguyên tư thế nhưng tâm có phản ứng. Có lúc, người hành thiền giật mình hoảng hốt bởi một cảm giác hoảng sợ đột ngột ngay khi sự tĩnh lặng trong tâm vừa mới kịp đến với mình. Thiền đột ngột bị ngắt quãng, dừng lại, bạn giật mình tỉnh dậy. Đó là một số phản ứng tự vệ vô thức. Những người thường xuyên bị căng thẳng và hay lo lắng, hồi hộp thường có cảm giác rằng nếu buông bỏ như vậy, có thể một điều gì thật khủng khiếp sẽ xảy đến với mình. Người đó cảm thấy rằng:” Nếu buông bỏ tất cả, mình sẽ không biết điều gì xảy ra cả, có thể một sự việc lạ lùng nào đó sẽ xảy đến và mình sẽ không thể kiểm soát được. Có lẽ mình nên quay lại với cách sống bình thường trước kia thì hơn.” Trong số chúng ta có rất nhiều người như vậy đấy.

Đó là lý do tại sao để phát triển lòng tự tin và dũng cảm chúng ta cần phải tu tập, phải giữ ngũ giới trong sạch, điều đó sẽ làm bạn can đảm hơn.

Giữ ngũ giới trong sạch, bạn sẽ ít bị lo sợ, điều đó là sự thật. Nếu bạn tự tin mình là người giới đức và nhân hậu, nó sẽ đem lại cho bạn rất nhiều nghị lực và can đảm.

Bạn cũng nên tu tập tâm từ (metta), khi bạn là người từ bi nó sẽ giúp bạn trở nên tĩnh lặng và an bình. Chúng ta được bảo vệ bởi tấm lòng từ bi của chính mình. Đôi khi, bạn cảm thấy như có sự gia hộ nào đó bao phủ quanh mình, giống như những làn sóng radio hay một từ trường vậy. bạn cảm thấy mình được bảo vệ bởi tâm từ của chính mình. Bất cứ người nào đến với ý định làm hại bạn, khi tiếp xúc với từ trường thiện tâm của bạn, họ sẽ thay đổi ý định… “Ồ, tôi sẽ không nói điều gì nữa, tôi sẽ không làm điều gì nữa, “ điều này là sự thật! Hãy cố gắng tu tập tâm từ. Càng tu tập thiện tâm này, từ trường từ bi của bạn ngày càng mạnh và bạn sẽ được chính tâm từ của mình bảo vệ. Rất nhiều người hỏi tôi: “Làm cách nào để tôi tự bảo vệ mình?”

Bạn bảo vệ chính mình bằng cách tu tập tâm từ, trau dồi chánh niệm. Cả hai đều có thể bảo vệ được bạn. Hãy đặt lòng tin vào Đức Phật, đặt lòng tin vào sự tu tập của mình.

Trước khi nhập định sâu, hãy ngồi xuống và suy tưởng về các phẩm chất tốt đẹp của mình. Rải tâm từ và niệm ân Đức Phật, rồi tự nói với mình: “ Tôi sẽ thể nhập sâu vào thiền, nhưng khi có bất cứ sự nguy hiểm nào, tôi sẽ tỉnh thức lại ngay.” Bạn có thể quyết định như vậy, làm một vài lần, bạn sẽ thấy khi có điều gì xảy đến, bạn tỉnh thức ngay lập tức. Điều này rất thực, bởi vì khi đến sống một số nơi, chúng ta cần phải làm như vậy, không chỉ để đề phòng nguy hiểm mà nếu muốn xuất định vào một giờ nhất định nào đó, bạn cũng có thể làm theo cách này. Bạn nhìn đồng hồ và thấy vừa đúng giờ mình quyết định trước, chỉ chênh lệch 1-2 phút.

Ngay cả khi ngủ cũng vậy, nhiều thiền sinh có thể làm được điều đó… Hành thiền xong, bạn muốn đi ngủ, một giấc ngủ tự nhiên như thường lệ, bạn tự nhắc mình, “Bây giờ tôi sẽ đi ngủ, nhưng bốn hoặc năm tiếng sau tôi sẽ thức dậy vào đúng thời gian đã định”. Có thể bạn đã nghe hay đọc đâu đó về điều này. Điều đó là có thực, bạn có thể làm được. Bạn cũng có thể làm như vậy trong trường hợp có nguy hiểm, “Tôi sẽ tỉnh thức và sẽ biết cần phải làm gì.” Trong một số trường hợp, hành giả nhập thiền một thời gian dài, đôi khi họ có thể ngồi thiền cả ngày không đứng dậy, họ phải làm như vậy. Trong sách dạy thiền, người ta thường hướng dẫn bạn làm điều đó. Bạn phải quyết định trước như vậy, bởi vì rất có thể nhiều nguy hiểm thực sự sẽ xảy đến. Nếu bất chợt có cháy rừng thì sao? Đó là điều thường xảy ra, vì vậy bạn cần quyết định:” Nếu có điều gì nguy hiểm, tôi sẽ tỉnh thức lại ngay. “ Đây là một câu hỏi rất hay mà có người hỏi từ tuần trước. Hãy đặt những câu hỏi như vậy và cho tôi thời gian chuẩn bị để cho bạn một câu trả lời rõ ràng.

Tuần này, tôi sẽ nói thêm một chút về pannatti và paramattha, sau đó sẽ giảng tiếp về ba loại định khác nhau.

Paramattha là cái bạn kinh nghiệm trực tiếp mà không suy nghĩ về nó. Paramattha là đặc tính cố hữu của tiến trình thân tâm. Thực ra paramattha chính là các tính chất, bạn không thể biết bất cứ điều gì nằm ngoài các tính chất.

Hiện nay, các nhà khoa học đang cố khám phá xem cái gì là thực tại tuyệt đối. Cho đến tận giờ phút này, họ vẫn chưa tìm ra được nó, bởi vì càng đi sâu thì họ thấy việc đó càng hão huyền; vật chất không có hình dạng, không kích thước. Hạt vật chất nhỏ nhất, hạt photon chẳng hạn, ánh sáng cũng là các photon, chỉ là những bó năng lượng không có khối lượng. Bạn có thể hình dung ra một vật gì mà không có khối lượng không? Chỉ thuần tuý là năng lượng, đó là ánh sáng; còn cái gì ở đằng sau nó nữa thì không một ai có thể nói được. Điều duy nhất chúng ta có thể biết về nó là các tính chất của nó, ngoài ra không thể biết được gì hơn.

Trong thiền cũng vậy, cái kinh nghiệm trực tiếp được là các tính chất.

Chẳng hạn khi sờ một vật gì đó, bạn cảm giác thế nào? Bạn cảm thấy nóng, đó là tính chất. Cảm thấy mềm, đó cũng là tính chất. Bạn cảm thấy có sự rung động, một chuyển động nào đó, đó cũng là tính chất. Nhưng chúng ta không thể sờ cái chân được. Cái chân là một cái gì đó được bạn ráp nối, tập hợp lại trong tâm. Bạn không thể nói tính chất của cái chân được. Thậm chí bạn cũng không thể thực sự sờ vào cái chân ấy được nữa. Hãy cố gắng hiểu được điều này. Mới đầu thì rất khó hiểu. “Cái gì? Tôi không thề sờ được cái chân của tôi sao? Đây, nó đây này !!!” Nhưng làm sao bạn biết đó là cái chân? Đó là vì bạn đã ráp nối nhiều ý niệm khác nhau lại mà thành ra cái chân. Nếu bạn sờ vào một vật gì đó, nhắm mắt lại… sờ vào cái gì đó… bạn có thể nói nó là cái gì không? Bạn có thể tả hình dáng của nó không? Không thể được, bạn chỉ có thể tả hình dạng của nó khi xúc chạm vào nó mà thôi… bạn thấy đó là một mặt phẳng… nhưng bạn không thể tả hình dạng của một quả bóng được! Làm thế nào để tả hình dạng của một quả bóng? Bởi vì bạn đã nhìn thấy nó và ráp nối, khâu kết các ý niệm lại với nhau, hoặc bạn có thể sờ và nói rằng… “Ồ, tôi biết hình dạng… nó là một quả cầu hình tròn… rỗng ở bên trong… dày chừng 1 cm…” Làm thế nào để bạn có thể diễn tả được điều đó? Bạn phải tập hợp rất nhiều dữ kiện với nhau, nhưng nếu chỉ lấy một dữ kiện trong đó bạn sẽ không thể tả được bất cứ cái gì, ngoại trừ các tính chất… nó cứng, nó lạnh… không có gì hơn ngoài điều ấy.

Trong thiền chúng ta trở lại với cảm giác thuần tuý đơn giản này, không thêm bớt một điều gì.

Đó là điều tôi vừa trình bày hôm thứ sáu vừa qua, nhưng tôi cũng không hy vọng là mọi người có thể hiểu được một cách đúng đắn về nó… Không thêm bớt một điều gì cả, chỉ kinh nghiệm trực tiếp, đó là điều chúng ta đang cố gắng đạt đến, bởi vì đó cũng chính là điều đang thực sự diễn ra trong mọi lúc. Thời điểm chúng ta kinh nghiệm một điều gì đó, chúng ta cố gắng tập hợp, ráp nối nhiều ý niệm và xây dựng nên một khái niệm từ nó từ những ký ức quá khứ, từ con mắt và từ nhiều nguồn thông tin khác. Hãy cố gắng để hiểu được thế nào là thực tại chân đế paramattha, bởi vì đó là đề mục của thiền Vipassana.

Trừ phi đặt tâm trên thực tại chân đế paramattha, còn không bạn sẽ không thể thực sự phát triển được một tuệ giác sâu sắc, uyên thâm. Bạn có thể phát triển định tâm thâm hậu bằng cách tập trung vào một đề mục nào đó: âm thanh hay hình dáng, màu sắc, một câu thiều nào đó, một ý niệm hoặc có thể tập trung vào đề mục hư không cũng được. Có lần tôi cũng thử hành thiền với đề mục hư không, tập phát triển định tâm qua pháp hành anapana (tập trung hơi thở ở mũi), rồi thử hành thiền định bằng cách dán mắt vào một cái dĩa màu nâu nhạt, cứ nhìn chằm chằm và an trú tâm vào đó, thậm chí khi nhắm mắt lại tôi vẫn thấy được cái dĩa đó trong tâm. Vì vậy, tôi thử nắm bắt hình ảnh hư không. Tôi lấy một mảnh ván và cắt một vòng tròn ở giữa và đặt nó lên trên cửa sổ, để không nhìn thấy gì bên ngoài nữa, không thấy cây cối, nhà cửa. Tôi nhìn vào cái lổ đó và thấy một khoảng trống. Khoảng trống nghĩa là … không có gì ở đó cả…, cứ giữ tâm ở cái lổ hổng đó và nghĩ rằng không có gì ở đó cả… không có gì cả; và thật là lạ, tâm bạn bị hút sâu vào cái hư không đó và trở nên bình an, cực kỳ tĩnh lặng. Ngay cả đến bây giờ tôi vẫn thích thực hành theo cách đó; tuy nhiên tôi cũng không muốn tiếp tục nữa, bởi vì làm vậy sẽ không phát triển được tuệ giác thâm sâu; bạn chỉ có thể an trụ tâm ở đó và đạt được sự an lạc thôi. Bạn có biết tại sao nó an lạc thế không? Bởi vì chỗ đó không có gì cả, không có cái gì để làm khuấy tâm bạn cả… bạn không thể suy nghĩ về cái không có gì… nó là chỗ chấm hết của mọi thứ! Nó rất giống Niết Bàn nhưng không phải là Niết Bàn. Bạn chỉ nhìn vào hư không và cố gắng giữ ý niệm hư không đó trong tâm. Đôi khi bạn nhắm mắt lại và có thể nhìn thấy một lổ sáng rực, bạn nghĩ về cái không… chỉ là không có gì cả… rất là khó nói về nó, nhưng thật sự rất an lạc. Điều tôi muốn nói ở đây là bạn có thể phát triển định (samadhi) bằng cách tập trung vào bất cứ một đề mục nào; có thể bạn chỉ cần ngồi và lẩm nhẩm tụng “coca cola, coca cola…” suốt cả ngày. Tâm bạn sẽ được an trụ, bất cứ câu nào, bất cứ âm thành, hình dạng, hình ảnh hoặc một ý niệm nào; một khi đã an trụ tâm vào đó, bạn sẽ phát triển được định (samadhi).

Ý nghĩa của định (samadhi) là an trụ tâm vào một khái niệm, một cảm giác không biến đổi nào đó, hay thậm chí vào một ý niệm.

Khi muốn phát triển tuệ giác sâu sắc về thực tại, bạn phải tiếp xúc với thực tại đó. Thực ra, chúng ta vẫn luôn tiếp xúc với nó, luôn luôn tiếp xúc. Song chúng ta lại quy đổi cái thực tại ấy ra thành khái niệm. Chúng ta luôn làm việc đó trong mọi lúc.

Chúng ta thấy cái gì? Thực ra chúng ta nhìn thấy thực tại, nhưng ngay lập tức hoán đổi nó ra thành khái niệm. Chúng ta chỉ nhìn thấy mỗi màu sắc: xanh , đỏ, tím, vàng – nhưng từ kinh nghiệm quá khứ, chúng ta biết đây là một con người và đây là một người mình quen. Nếu quên ký ức của mình, bạn sẽ không biết đó là ai; nếu nhìn thấy một vật mà bạn chưa từng nhìn thấy bao giờ, bạn sẽ xây dựng nên một khái niệm nào đây? Chẳng hạn, mọi người mang đến đây rất nhiều loại hoa quả, bánh trái. Đôi khi tôi không biết những thứ này là gì, tôi phải hỏi mọi người… Cái này là gỉ? Tôi muốn biết mình đang ăn thứ gì. Khi không biết điều gì đó, nó làm chúng ta cảm thấy không được an toàn lắm, chúng ta muốn biết xem… cái này là cái gì… cách làm như thế nào… không biết có hợp với bụng dạ tôi không, tôi muốn biết… Mọi người mang đến nhiều thứ đặt ở đây… hoa quả, bánh ngọt… rất nhiều loại bánh… trông rất đẹp… có loại trông như con tôm hùm. Tôi nhìn thấy nó… cái gì đây ấy nhỉ? Có lúc họ mang thịt lợn lại, nhưng nếu họ không nói thì tôi cũng chẳng biết nó là cái gì. Tôi có thể đoán được mùi vị của nó không? Không có cách nào biết được!!! Tôi có thể ngồi đó và nghĩ xem mùi vị của nó như thế nào, và dù có ngồi cả ngày cũng chẳng thể nào nghĩ ra được. Tôi có thể hỏi người khác rằng, “Hãy nói cho tôi biết mùi vị của nó thế nào?” Dù người đó có nói cả ngày về mùi vị của nó thì tôi cũng chỉ ngồi đó nghe mà vẫn chẳng hiểu nổi mùi vị thực của nó như thế nào. Cách duy nhất là bỏ vào miệng và ăn, bạn sẽ biết nó là cái gì. 

Chúng ta luôn luôn tiếp xúc với thực tại, nhưng ngay lập tức chúng ta chuyển đổi nó ra thành khái niệm. Tôi nhìn thấy một loại hoa quả rất lạ chưa hề thấy bao giờ, quả kiwi. Lần đầu tiên tôi được ăn kiwi là ở đây, tại Australia. Tôi không biết nó là quả gì, nhưng tôi có thể thấy các loại màu sắc và khi tập hợp các màu khác nhau đó lại, tôi biết được hình dáng của nó. Trong hội hoạ có một nghệ thuật vẽ tranh bằng các chấm nhỏ li ti gộp lại gọi là trường phái tranh chấm (pointillism); bạn dùng một đầu bút thật nhọn, chấm một chấm nhỏ, rồi sau đó tập hợp những dấu chấm nhỏ đó lại với nhau và tạo thành một bức tranh. Hãy lấy ngay việc này làm ví dụ. Chúng ta chỉ nhìn thấy những chấm nhỏ, sắp xếp chúng lại và tạo ra một bức hình trong tâm. Chính là tâm ta tạo nên các loại hình dạng. Mắt không thể thấy được hình dạng. Đây cũng là một điều rất khó hiểu. Nếu bỏ màu sắc đi, thì có gì để mà thấy? Chẳng còn lại gì, mọi thứ đều biến mất. Đối với âm thanh cũng vậy. Chúng ta nghe thấy âm thanh, điều đó là thực, nhưng chúng ta không nghe được câu nói. Câu nói là cái chúng ta tạo nên trong tâm; do chúng ta học… đó là một quá trình học hỏi, nó phụ thuộc vào trí nhớ của chúng ta. Khi bạn đến một nước, nơi đó người ta không nói một thứ tiếng bạn không hiểu nổi, bạn chỉ nghe thấy âm thanh nhưng không hiểu được ý nghĩa của những âm thanh đó.

Âm thanh là cái có thực, nhưng ngôn từ và ý nghĩa của ngôn từ là do ta tạo ra… Điều đó rất lợi ích, tôi không nói là vô ích. Nhưng nếu muốn phát triển được tuệ giác sâu sắc về thực tại chân đế, cái vượt ra ngoài thực tại thông thường, chúng ta cần phải vượt thoát ra khỏi ngôn từ và ý nghĩa của nó

Xem mục lục