Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (4)


Xem mục lục

1- Qua năm bài báo, chúng ta có một số kiến giải chủ yếu về Tánh Không. Nói chủ yếu, vì không thể nói hết về Tánh Không, vì Tánh Không là Vô Lượng Nghĩa (kinh Ðại thừa Vô Lượng Nghĩa). Những giới thiệu sơ lược về tánh Không chỉ là một phần nhỏ của Văn Tự Bát Nhã, mục đích chính của loạt bài là gợi ý, gây cảm ứng về Bát Nhã Không Tuệ Học để độc giả trực tiếp đi vào kinh Ðại Bát Nhã, hầu có thể biết sự tu hành Bát Nhã, quán chiếu Bát Nhã là như thế nào, làm thế nào tu hạnh Bồ Tát theo Trí Huệ ba la mật... để có thể, không những đọc tụng mà còn thọ trì Bát Nhã trong mọi hoàn cảnh sống hằng ngày, đem lại lợi lạc cho mình và cho người. Có đi vào kinh Ðại Bát Nhã thì mới có thể lấy Trí Huệ Bát Nhã làm sinh mạng của mình trong biển lớn sanh tử : đó là Huệ Mạng của những ai tu hành chân chính, Bởi thế, giới thiệu Tánh Không là giới thiệu cái cứu cánh của đạo Phật :" Các pháp rốt ráo Không, chính đó là Niết Bàn"  :(Thiện Ðạt).
 
2-  Tánh Không nếu hiểu theo ý niệm và bị sa vào trong biển độc của thức thì rất dễ bị hiểu lầm thành một thực tại tĩnh động trống rỗng mà người xưa gọi là ngoan không, cái không vô ký. Kinh Viên Giác nói: Nếu lấy tâm luân hồi mà nhìn xem tánh Viên Giác, thì Viên Giác cũng thành sanh tử luân hồi.
 
Tánh Không chính là Ðại Bi. Nếu hành giả càng thâm nhập Tánh Không thì Ðại Bi càng tăng trưởng. Phẩm Xá Lợi nói : Trong Bát Nhã ba la mật xuất sanh đại từ đại bi của chư Phật. Ðại Bi chính là dấu hiệu để hành giả tự nhận biết mình thực sự đi vào Tánh Không. Và Ðại Bi càng thật là Ðại Bi thì càng có tính hoạt động, không  ngơi nghỉ, không mệt mõi nhàm chán như Bồ Tát Qaún thế Âm chứng tỏ. Chính Trí Huệ thấu đạt Tánh Không và Ðại Bi sống động nảy sinh ra Phương Tiện Thiện Xảo, là toàn bộ đời sống, cách sống cứu độ của Bồ Tát ở trong cõi sanh tử.
 
Trí Huệ và Ðại Bi là hai cột trụ dựng nên Phật giáo Ðại Thừa. Tánh Không hay Bát Nhã là giải pháp duy nhất cho con đường Bồ Tát Ðại Thừa :Làm thế nào để có thể ở nơi sanh tử mà vẫn giải thoát, làm thế nào trụ trong giải thoát mà vẩn ở nơi sanh tử để cứu độ chúng sanh. Ở nơi sắc thọ tưởng hành thức, nghĩa là đồng sự đồng nghiệp với chúng sanh mà vẫn giải thoát vì soi thấy năm uẩn đều Không, và cũng từ Tánh Không mà xuất sanh Ðại Bi thương xót ở cùng và cứu độ tất cả. Cứu độ tất cả, hy sinh mọi đời mọi kiếp cho chúng sanh mà chẳng hề buồn giận mệt mỏi vì không thấy có người hy sinh cũng không có một ai được cứu độ, đó là Ðại Bi của Trí Huệ giải thoát thay vì là cái bi chật hẹp của ái kiến ràng buộc.
 
3- Người tu theo Tánh Không mà hiểu lầm thì dễ bỏ quên nhân quả, nghiệp báo. Trái lại, người càng thấu đạt Tánh Không nghĩa là càng có trí huệ thì càng thấy rõ sự hiện hành của nhân quả, càng đi đúng với Trì giới Ba la mật, càng không xâm phạm giới, nghĩa là không xâm phạm tâm Ðại Bi đã mỡ khai nơi mình. Có thể lấy ví dụ của người xưa, Tánh Không dụ cho tánh nước, nhân quả dụ cho sóng.Tánh Không không ngăn cảng con người tạo ra nhân quả, nhưng dầu có sóng nước vẫn nước, không vì có sóng mà nước mất đi bản tánh của mình, còn cái người tạo ra sóng, người ấy phải chịu sự nỗi chìm của nghiệp sóng do tự mình tạo ra. Hoặc lấy ví dụ Hư không và hoa đốm, không tạo ra hoa đốm, không bị nhiễm ô bởi hoa đóm, nhưng có ai tạo ra hoa đốm thì người ấy tự chịu lấy sự quay cuồng.
 
4- Chúng ta đang bưóc vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, một thế kỷ đặc trưng bằng một nền văn minh kỹ thuật xu hướng về việc hưởng thụ. Và hiện nay, chúng ta cũng đang thấy rõ cái giá phải trả cho việc hưởng thụ vô độ của mình: sự dễ dãi, thácloạn về văn hóa, sự buông thả về đạo đức, sự ứng xử với nhau bàng mưu mẹo chước thuật thay vì nhân cách chân thật, sự chìm ngập trong hình ảnh và nhãn hiệu, sự phá hủy môi trường sống là trái đất v.v... 
 
Bi hoan hay lạc quan, chúng ta không bàn đến ở đây. Nhưng thiết nghĩ, nèn văn minh dầu, tiến theo lối nào và đến đâu, cũng không thể ra ngoài giới hạn cộng nghiệp của dục giới, không thể ra ngoài sắc thọ tưởng hình thức, nghĩa là luôn luôn nằm trong sự giải quyết của Trí Huệ Bát Nhã. Chính trong những thời điểm đặc biệt, trong những phiền não đặc biệt mà ý nghĩa " độ tất cả khổ ách"  của Trí Huệ Bát Nhã lại càng nỏi bật hơn bao giờ hết. Ở vào bất kỳ thời đại nào, văn minh và lịch sử chỉ được cứu độ khi chúng được đặt vào trong Thực Tướng Nghĩa của Bát Nhã BLM. Chỉ có cái nhìn " tất cả pháp Như tướng"  mới dập tắt hết mọi vọng tưởng điên đảo, không tạo thêm cho con người đủ thứ vọng tưởngnhư chạy đua hưởng thụ, chạy đua danh quyền, chạy đua vũ trang, chạy đua  " hòa bình" :  ..Chỉ có cái nhìn "  tất cả pháp không sanh, tất cả pháp không diệt "  mới làm dừng lại sự chạy cuồng của con người, như Ðức Phật đã vĩnh diễn dừng lại so với kẻ sát nhân vì học đạo là Angulimala. Chỉ có cái nhìn" nhất thiết pháp Không "  mới giải được mọi thứ ma túy, dầu ma túy ấy là thuốc, hay ma túy  ấy là danh lợi, tài năng và sắc đẹp, hay đó chỉ là một bản ngã mền như gió nhẹ như hương được dung dưỡng nơi chốn thâm sơn cũng cốc của tứ đại con người. Chỉ có lời tuyên bố của Ðức Phật " 49 năm ta chưa từng nói một chữ"  hay lời nói của một thiền sư "  dầu còn một chữ Như, ta cũng mửa hết nó ra"   mới dẹp trừ mọi lăng xăng loạn tưởng, mọi mưu toan tác, ý lập ra đủ thứ học thuyết-đều kẹt trong vòng danh tướng, đều là lý luận vì không thể vượt ngoài có không, thường đoạn...- để đưa tâm thức con người đến chỗ " ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt " , từ đó mới có ra thân khẩu ý để thực sự làm lợi ích cho người.
 
5- Bộ Ðại Bát Nhã dành riêng nhiều chương để ca ngợi Bát Nhã (Bát Nhã là mẹ của chư  đại Bồ Tát, hay sanh thành như chư đại Bồ Tát, một ngày tu hành Bát Nhã thì đầy đủ cả Phật pháp-Phẩm Thâm Áo). Thật vậy, Bát Nhã gồm nhiếp tất cả công cuộc độ mình và độ người, là chỗ an trụ thanh tịnh cho mọi đại nguyện của một vị Bồ Tát.Không phải là không có lý do khi chúng ta thấy hầu như tất cả các bậc Long Tượng của đạo Phật đýu xuất sanh từ Bát Nhã Không tuệ Học: Long Thọ, Milarepa, Huyền Trang, Huệ Năng, Thái Hư, các Thiền sư TH và VN.. Và chỉ mới đây thôi, cụ Lê Ðình Thám, người có công nhất trong việc chấn hưng PG vào thế kỷ này, người đã đào tạo ra một thế hệ tăng tài làm rường cột của giáo hội cho đến ngày nay, đã thay đõi hẳn cuộc đời mình-từ một ông bác sĩ Ðông Dương thành một Phật tử đem trọn đời mình hiến dâng cho sự phục hưng của đạo Phật-chỉ vì đọc được 4 câu kệ của ngài Huệ Năng nói về Tánh Không viết trên vách của một ngôi chùa ở Ngũ Hành Sơn.
 
Tánh Không là sức mạnh, là Quan Âm Lực (Phẩm Phổ Môn), là sự vô bố úy, ánh sáng của con mắt Trí Huệ và ngọn lửa trong trái tim Ðại Bi của những người con Phật, đã từng và mãi mãi đi đầu , giương cao ngọn cờ giải thoát trên những làn sóng phế hưng của lịch sử, khiến cho ngọn đèn chánh pháp luôn luôn khôngthể nào dập tắt, không thể nào hủy hoại, không thể nào lu mờ vì bất cứ lý do gì, dục lạc hay tham sân si vô nghĩa của thế gian, ở trong cũng như ở ngoài.

Nguyễn Thế Đăng
(Báo Giác Ngộ)

Người gửi bài: Tâm Minh

 

HẾT

Link Audio Tại Website http://www.phatphaponline.org

Xem mục lục