10
Chương sáu, nhan đề “Cái Thấy của Mật Điển,” được chia thành hai phần. Phần thứ nhất là lời giải thích tổng quát được các bậc sư Trung đạo ban cho và phần thứ nhì là lời giải thích đặc biệt do Gargyi Wangpo (Tai Situpa thứ Tám) cống hiến.
VI. Cái Thấy Của Mật Điển
Mối liên hệ giữa Rangtong và Shentong trong các mật điển (tantras) là gì? Chúng ta có thể hỏi, “Cái thấy nào của Trung đạo gần gũi nhất với các giáo lý của mật điển trong Kim Cương thừa?” Có nhiều bậc sư khác nhau và mỗi sư có cách giải thích riêng của họ về cái thấy trong các mật điển là gì. Tuy nhiên, cái thấy chính là giáo lý của các mật điển tương ứng với sự chuyển pháp luân lần cuối cùng. Jamgon Kongtrul viết rằng đa số các bản văn Ấn độ cũng dạy rằng các mật điển là phần của cuộc chuyển pháp luân lần cuối cùng. Ở Tây tạng, nhiều bậc sư và học giả đã trình bày cái thấy cá nhân của họ về vấn đề này.
Truyền thống Rangtong nói rằng chủ đề của các mật điển là đại cực lạc được dùng như một phương pháp; đối tượng là tánh không không có sự cấu dệt của khái niệm. Điều này không khác với giáo lý Bát-nhã Ba-la-mật-đa về tánh không trong truyền thống kinh. Do dó, các giáo lý của Bát-nhã Ba-la-mật-đa và mật điển là giống nhau khi nó đạt đến đối tượng hay mục đích của những giáo lý này.
Một vài sư nói rằng không có sự khác nhau giữa cái thấy của các mật điển và các giáo lý về tánh không. Những người khác nói rằng những giáo lý ấy không giống nhau, rằng không có tánh không không có sự khái niệm hóa, mà cái thấy của mật điển cũng khác. Họ nói rằng cái thấy của mật điển là tánh không sở hữu những hình thái và mọi sự vật có thể phát sinh trong tánh không.
Điều quan trọng là hiểu rằng có những khác biệt nhỏ giữa kinh và mật điển. Có lần có người nói với tôi, “Khi người ta lắng nghe những lời Phật dạy, thì họ nghe những giáo lý về tánh không, thiền định Samatha, từ, bi và v.v… Điều này rất tốt, nhưng khi thấy những người Phật giáo tu tập, thì không giống như vậy. Trong tự viện người ta đánh trống, thổi kèn, và những vị thần kỳ lạ. Thực tế không thấy người Phật giáo tu tập những gì họ đang dạy.” Đúng vậy. Đây là cách nó hiện ra đối với người mới đến. Nhưng, quan trọng là học và hiểu những khác nhau giữa kinh và mật điển một cách chính xác vì lý do này.
Trong tu tập pháp, mục đích là nhận ra chân tánh của các pháp và để đạt cảnh giới cao của trí tuệ. Trong truyền thống Tây tạng, tu tập thực tế được thực hiện qua tu tập các mật điển. Trong các mật điển có hai phương pháp: con đường giải thoát và con đường phương tiện. Trong con đường giải thoát, người ta nhìn trực tiếp vào tâm mình, vào chân tánh của nó, mà dần dần càng ngày nó càng trở nên rõ hơn. Trong con đường phương tiện, nhiều phương pháp và phép tu yoga khác nhau được dùng để làm gia tăng sự trong sáng và ổn định của tâm như vậy người ta có thể nhìn thấy bản tánh của tâm dễ hơn.
Trong Kim Cương thừa, chúng ta thiền định về các vị thần và về bản tánh của các vị thần ấy. Những gì chúng ta muốn nhận ra trong sự tu tập về các thần là dharmadhātu (chân tánh của các pháp), tánh không của các pháp không thể tách rời với trí tuệ và tính quang minh. Đây là trí tuệ tối hậu của Phật, Phật tánh hiện diện bên trong tất cả mọi chúng sinh. Đây là thiền định về bản tánh của các thần yi-đam (bổn tôn) mà không nhận thức các thần như là những hiện thể ngoại giới, hiện hữu. Các thần ấy được xem là nội tại bởi vì các vị thần mà chúng ta đang thiền định thực tế là bản tánh của chúng ta. Các vị thần này là Chakrasamvara, Hevajra, Vajravārāhī và v.v… Trong các phép tu mật điển, tâm của chúng ta là tâm của vị thần ấy, và người ta thiền định về bản tánh thanh tịnh này. Trong các phép tu này, người ta tưởng tượng thân của mình là thân của vị thần ấy, vì thế người ta không có thân phàm phu và bất tịnh, đúng hơn người ta sở hữu thân không tì vết của vị thần ấy trong lúc thiền định.
Chúng ta thiền định về thân, ngữ, và ý của vị thần ấy, bởi vì mục đích trong tu tập pháp là loại bỏ ám chướng phiền não và ám chướng sở tri. Chúng ta muốn loại bỏ những cái bất tịnh này, và bằng cách thiền định về bản tánh của chúng ta như là bản tánh thanh tịnh của vị thần ấy (thân, ngữ, và ý thanh tịnh), những cái bất tịnh ấy sẽ tự nhiên tiêu tan. Nếu chúng ta chỉ đơn giản cố gắng trực tiếp loại bỏ những xúc cảm phiền não và ám chướng sở tri, chúng sẽ không biến mất. Bằng thiền định về hình tướng thanh tịnh, những cái bất tịnh sẽ được loại bỏ một cách tự nhiên. Không những thế mà còn khi tưởng tượng chính mình trong hình tướng thanh tịnh ấy, từ trái tim chúng ta phát ra những tia sáng mời thỉnh các thần yi-đam đến và hòa mình vào chính chúng ta. Chúng ta kinh nghiệm sự dừng nghỉ trong tâm hướng về sự thanh tịnh và, đến một độ nào đó, đây là những gì đánh tan sự bất tịnh của những nhận thức của chúng ta.
Trong lúc tu tập mật điển cũng có tất cả những loại nhận thức khác nhau về nhiều sự vật: những hình ảnh thị giác khác nhau, những âm thanh thích thú hay không thích thú, trống, chiêng, những mùi nhang kỳ lạ, và v.v… Những sự kiện này trợ giúp chúng ta trong thiền định. Để giữ thân, ngữ, ý trong thiền định, còn có phép niệm chú hay chơn ngôn (mantra) mà nó không phải là ngôn ngữ bình thường mà có ý nghĩa đặc biệt. Đúng hơn nó là âm thanh. Nghĩa tiếng Phạn (Sanskrit) của bất cứ một chơn ngôn (mantra) nào cũng có thể dịch được, nhưng các bậc sư khuyên không dịch các chân ngôn mà để chúng trong tiếng Phạn. Những chơn ngôn này không phải là ngôn ngữ bình thường: chúng là những âm thanh đặc biệt làm chúng ta hứng khởi và hộ trợ sự tu tập của chúng ta.
Người ta nói rằng cái thấy của mật điển phù hợp với cái thấy của Shentong. Cái thấy của Rangtong là tốt nhất để hiểu tánh không, để phân tích hiện tượng, và để chứng ngộ tánh không. Nhưng, nghĩ về tánh không thì không đủ khi đến với thiền định. Các giáo lý của Shentong về sự hiện diện của tính trong sáng và trí tuệ có ích lợi cho sự tu tập thiền định thực tế trong các mật điển. Do đó, người ta nói rằng cái thấy của mật điển là cái thấy của Shentong, điều này có thể hiểu được từ các bản văn như Luận Phật Tánh (Uttaratantra Shāstra). Luận Phật Tánh thường được miêu tả như là giáo lý nối kết kinh và mật điển. Jamgon Kongtrul kết luận rằng cái thấy của mật điển là cái thấy của truyền thống Shentong.
Kế tiếp là miêu tả cái thấy của Lạt-ma Gargyi Wangpo, người cũng có các tên khác là Chogyi Nangwa và Situ Chogyi Junge, Tai Situpa thứ Tám. Phân đoạn này cống hiến cách giải thích đặc biệt của sư về những khía cạnh đặc thù của cái thấy Trung đạo trong văn mạch mật điển.
Trong truyền thống kinh, cái hiểu về tánh không ở bên kia sự cấu dệt của khái niệm đến qua lý luận của lý trí. Chúng ta dùng lý luận hợp lý để phân tích hai vô ngã hay mười sáu cái không để có được cái hiểu về tánh không. Dù chúng ta không thể trực tiếp nhìn thấy tánh không của các hiện tượng ngoại giới, bằng cách dùng suy luận chúng ta có thể đi đến kết luận rằng các hiện tượng ngoại giới không có bản tánh riêng của chúng; rằng bản tánh của chúng là tánh không. Chúng ta có thể có được sự chắc chắn qua phân tích luận lý, mà nó là kết quả có được cái hiểu nhất định về tánh không qua lý luận. Chúng ta có được sự chắc chắn rằng tánh không là bản tánh của các pháp. Một khi có được sự chắc chắn này, chúng ta thiền định về căn bản của sự chắc chắn đó. Bằng cách này, cái hiểu của chúng ta về bản tánh của các pháp càng lúc càng trở nên rõ hơn và rõ hơn cho đến khi chúng ta đạt đến địa thứ nhất của bồ-tát địa. Ở giai đoạn này, chúng ta thấy trực tiếp bản tánh của các pháp. Truyền thống kinh này có cái thấy về sự hợp nhất của hiện tướng và tánh không; nghĩa là có các hiện tướng nhưng bản tánh của chúng là không. Như thế, chúng ta khám phá ra sự hợp nhất của hiện tướng và tánh không, như trong truyền thống Rangtong.
Truyền thống Rangtong cũng chủ trương rằng cũng có “sự hợp nhất của tính trong sáng quang minh và tánh không” nghĩa là tánh không có tính trong sáng quang minh. Như thế, do tin vào sự hợp nhất của tính trong sáng quang minh và tánh không, truyền thống Rangtong tin cùng một điều như truyền thống Shentong.
Các mật điển dạy sự hợp nhất của cực lạc và tánh không, nghĩa là có tánh không nhưng bản tánh của nó là cực lạc. Truyền thống mật điển sử dụng các kỹ thuật để vận động năng lực (khí) trong thân. Bên trong thân có những kênh (Tạng: tsa) vi tế trong đó có sự chuyển động của năng lực mà Phạn ngữ gọi là prāṇa và Tạng ngữ gọi là lung hay “khí.” Cũng có những chakra hay “xa luân” (nghĩa đen: “cái bánh xe”) do các kênh cùng đến với nhau tạo thành. Trong các phương pháp yoga của Kim Cương thừa gọi là tummo, hơi ấm sinh ra xâm nhập các xa luân và di chuyển theo các kênh vi tế, như thế thấm nhuần toàn thân. Kết quả của nó là cảm giác cực lạc khắp toàn thân. Nếu một người trở nên bị ràng buộc với cảm giác cực lạc đó, nó sẽ cản trở sự tu tập tâm linh của y. Thay vì, người ta nên thấy bản tánh của cảm giác cực lạc này là tánh không. Nhận diện cực lạc dễ hơn nhận diện tánh không. Do đó, bằng cách tạo ra cực lạc thấm nhập toàn thân và bằng cách nhận biết tánh không của cảm giác cực lạc này, người ta có thể chứng ngộ sự hợp nhất của cực lạc và tánh không. Đây là phương pháp chứng ngộ tánh không dùng trong truyền thống mật điển.
Phương pháp thứ nhì để chứng ngộ tánh không này gọi là phương pháp “lĩnh hội trọn vẹn” và “hủy diệt hay hóa giải hậu quả.” “Lĩnh hội trọn vẹn” là phương pháp để nhận diện một cách đầy đủ sự hợp nhất của cực lạc và tánh không. “Hủy diệt hay hóa giải hậu quả” là hòa hợp mọi thứ vào tánh không.
Cũng có những phương pháp khác dùng trong truyền thống mật điển để chứng ngộ tánh không. Liên quan đến chân tánh thì có thiền định về chứng ngộ sự tương tùy của các pháp (hiện tượng) bằng cách dùng phương pháp “cái làm cho thanh tịnh” và “cái được làm cho thanh tịnh.” Những phương pháp khác nhau vừa miêu tả này đã được Tai Situpa thứ Tám đưa ra. Tai Situpa đã được Padma-sambhava (Liên Hoa Sanh) (Tạng: Guru Rinpoche) tiên tri, “Trong các lạt-ma sẽ có sáu vị có tên ‘Dharma’ hay Pháp”, (Tạng: chö) và sáu vị có tên ‘Pema’ hay hoa sen.” Như thế Chogyi Junge là vị thứ sáu hay vị cuối cùng trong các lạt-ma có tên “Dharma” trong tên của họ, và sư là Tai Situpa thứ Tám.
Hỏi Đáp
Hỏi: Làm sao một người biết mình tu con đường nào, con đường giải thóat hay con đường phương tiện?
Rinpoche: Con đường giải thoát là cách tu tập dễ hơn, vậy nên tu tập con đường đó. Nếu cơ duyên đến để tu tập con đường phương tiện, thì nên nắm lấy ưu thế của cơ duyên ấy.