Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (4)


Xem mục lục

Trong tập sách nhỏ này, Thrangu Rinpoche trình trình bày một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ và rõ ràng tánh không trong truyền thống Phật giáo Tây tạng, cả về giáo lý lẫn tu tập. Có thể nói đây là một kết hợp chặc chẽ của giáo lý và tu tập trong Phật giáo Tây tạng, đặc biệt là trong dòng truyền Karma Kagyu. Lý thuyết và thực hành hỗ trợ cho nhau, tạo nên sự quân bình trong lý thuyết và thực hành của Phật giáo Tây tạng.

Tánh không ở đây khởi đầu từ chính đức Phật, cụ thể là mười sáu cái không đã xuất hiện trong những lời dạy của Ngài trong kinh Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa và cô đọng trong các giáo pháp vô ngã, bát chánh đạo, và giáo lý duyên khởi của Ngài, bắt đầu với chánh kiến hay là cái thấy đúng của Phật pháp. Các giáo lý này của đức Phật là nguồn nước tinh khôi, thuần khiết, miên viễn chảy lung linh trong tất cả các tông phái Phật giáo, đặc biệt là trong các truyền thống Rangtong và Shentong của Phật giáo Tây tạng.
 
Vào thế kỷ thứ nhất của Kỷ nguyên, khi Đại sư Long Thọ (Nāgārjuna) xuất hiện, như chính đức Phật đã tiên tri, tánh không được phát huy đến tột đỉnh của nó với “nhất thiết pháp không” được Long Thọ trình bày dưới hình thức biện chứng pháp trong Trung Luận (Mūlamadhyamakākarikā) với công thức “Bát Bất” lừng danh,[1] và cùng với các luận khác của sư, đã khai sáng một trường phái Đại thừa có ảnh hưởng lớn nhất ở Ấn độ thời bấy giờ, với sự đóng góp của các sư khác như Thánh Thiên (Āryadeva), Phật Hộ (Buddhapālita), Nguyệt Xứng (Chandrakīrti)…, tánh không được phát đại quang huy, về sau trở thành truyền thống Rangtong trong Phật giáo Tây tạng cho đến ngày nay.
 
Rồi đến thế kỷ thứ tư của Kỷ nguyên, với sự xuất hiện của một đại sư khác, Đại sư Vô Trước (Asanga), cũng đã được đức Phật tiên tri, tánh không đã được nêu thêm là tính trong sáng quang minh hay Phật tánh như đã được trình bày trong Luận Phật Tánh (Tạng: Uttaratantra Shāstra), cũng gọi là Luận Bảo Tánh (Phạn: Ratnagotravibhāga) của đức Di Lặc và bốn luận khác do Vô Trước viết thành văn và luận giải, gọi là “Năm Luận của Di Lặc,” khiến cho tư tưởng “tánh không” trở thành tư tưởng “chân không diệu hữu” trong tư tưởng Đại thừa (Mahāyāna) và Kim Cương thừa (Vajra-yāna) của Phật giáo. Cùng với một số luận khác như Luận Du Già Sư Địa (Yogāchārabhūmi Shāstra), v.v…, Đại sư Vô Trước đã khai sáng trường phái Đại thừa Du-già Hành tông (Yogāchāra) và khi truyền sang Tây tạng, được các luận sư Tây tạng như Jamgon Khongtrul luận giải trong Tập Yếu Tri Kiến (Shes-bya Kun-Khyab-Mdzod), và được truyền trao trong trường phái Trung đạo Shentong ở Tây tạng cho đến ngày nay.
 
Trong tập sách này, Thrangu Rinpoche đã dựa trên chương 7 của Tập Yếu Tri Kiến của Jamgon Kongtrul, một trong những luận sư danh tiếng nhất của Phật giáo Tây tạng ở thế kỷ 19, để trình bày các cái thấy về tánh không theo hai truyền thống Rangtong và Shentong thuộc trường phái Trung đạo của Phật giáo Tây tạng. Đây là một tài liệu quí cho những ai muốn có cái nhìn giản dị, trong sáng về giáo lý và tu tập, nhất là với các pháp môn quán tưởng Yi-đam (bổn tôn), Đại Thủ ấn (Mahāmudrā) và Đại Hoàn thiện (Dzog-chen) trong các truyền thừa chính của Phật giáo Mật tông Tây tạng.
 
Bản dịch tiếng Việt này được chúng tôi thực hiện từ bản tiếng Anh “Shentong & Rantong, Two Views of Emptiness” (Shentong & Rangtong, Hai Cái Thấy về Tánh Không) do Peter Roberts thông dịch những bài nói của Thrangu Rinpoche ban cho tại Thrangu House ở Oxford, Luân đôn, Anh quốc vào năm 1995, được Clark Johnson biên tập, chú thích, và giới thiệu, và nhà Namo Buddha Publications xuất bản ở Colorado, Hoa kỳ vào năm 2009.
Dù đã cố gắng nhiều nhưng chắc vẫn còn sai sót, xin độc giả rộng lượng chỉ bảo cho. Đa tạ.

Frederick, Hè 2013

Đỗ Đình Đồng

Xem mục lục