Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (14)


Xem mục lục

33. Giấc mơ của một vương tử

Tại miền Bắc Ấn Độ cách đây khoảng hai ngàn năm trăm năm có một vương quốc, do vua Udayi và hoàng hậu Vajra Devi trị vì. Vua và hoàng hậu có một hoàng tử tên là Vajriputra (21), là người sẽ kế vị.Vajriputra là một thiếu niên đẹp trai, thông thái và là con cưng của hoàng tộc. Từ rất sớm, chàng tỏ ra quan tâm tu học tâm linh hơn là việc cai quản triều đình, là việc mà người ta định trao cho chàng. Mới chín tuổi, chàng đã đặt những câu hỏi chỉ làm cho người khác nhăn trán và gây phiền muộn vì không có vị tri thức nào trong triều có thể trả lời trôi chảy.

Rồi như số phận đưa đẩy, ngày nọ vị A-la-hán Katyayana được mời vào hoàng cung giảng pháp. Cậu thiếu niên Vajriputra chỉ vừa nghe giọng nói đã xin vị A-la-hán nọ làm thầy của mình.Vua và hoàng hậu đồng ý cho Vajriputra đến Katyayana tu học. Sau thời gian thử thách, chàng được nhận làm Tăng và thay vì mặc áo lụa, chàng mặc y vàng của một người tỳ-kheo. Sau đó thầy và người học trò cạo đầu đi tu hành đến một vương quốc láng giềng. Người ta cho rằng, khi từ bỏ gia đình và sứ xở lên đường, con người đã đi dược một nửa của đọan đường thánh đạo.

Một buổi sáng nọ Vajriputra đi một vòng khất thực. Chàng đi qua các nẻo đường nhỏ của kinh đô nước láng giềng này và gặp một phụ nữ còn trẻ, người này ngoắc chàng đi vào một cái sân tràn ngập những hoa. Chàng ngần ngừ đi theo. Sau vài bước, chàng đã ở trong sân cung điện của nhà vua Prakanda, nhưng vì mới đến đây nên chàng không hề biết. Trên các phiến đá quý, giữa các lùm cây, hoa và tiếng chim hót, các nàng cung nữ đang giỡn đùa dưới ánh mặt trời ban mai. Thấy một Tăng sĩ trẻ tuổi khả ái, các nàng bật tiếng cười như ngọc và kêu gọi chàng cùng vào ngồi chơi.Sau một thời gian khất thực, chàng Tăng sĩ đói bụng được phục vụ đủ các món thượng vị, được chiều chuộng săn đón và chàng ở lại lâu hơn mức cần thiết. Đối với các nàng, Vajriputra thấy cũng nên đáp lễ bằng cách giảng vài câu kệ về ý nghĩa cuộc đời, khuyên nên từ bỏ tính chất phù phiếm của cuộc sống vô thường. Ngay cả với các câu hỏi đùa giỡn chàng cũng trả lời hết sức nghiêm túc.Trong lúc đó thì hầu cận nhà vua đã báo cáo các chuyện xảy ra trong vườn. Nhà vua không tin nhưng thân hành đến xem sự thể. Vua núp dưới vòm cây nhìn vào trong, không có cung nữ nào để ý cả, nàng nào cũng đang say mê ngắm chàng Tăng sĩ và cái miệng nói của chàng. Nhà vua tức giận quay lại bảo hầu cận: "Đám cung nữ này thì ai chúng cũng mê mệt, còn như ta đây minh triết hàng trăm lần mà chúng không hay. Để rồi xem”. Rồi nhà vua cao giọng: "Tu sĩ mà quây quần với đàn bà con gái là hư hỏng rồi. Cho nó hai chục hèo may ra tỉnh ngộ”.

Lệnh của nhà vua lập tức được thi hành. Sau đó Vajriputra bị đuổi ra trước cổng thành, mặt mày nhăn nhó vì đau và tức. Chàng thề sẽ trả thù, sẽ về ngay quê hương đem quân đi phá ngay lâu đài của Prakandas thành bình địa.Sau đó chàng về gặp thầy và kể lại câu chuyện. “Con không thể tiếp tục làm Tăng sĩ”,chàng cương quyết.“Con xin thầy cho trả lại chiếc y vàng và cho phá mọi hạnh nguyện.”

Katyayana gật đầu đồng ý nhưng khuyên chàng nên nhẫn nhục, đừng thêm một điều bất hảo bằng một điều bất hảo khác."Hãy nhớ đến lời dạy của đức Phật Cồ-đàm”, vị A-la-hán đọc:

“Vui mừng hay đau khổ

mất mát hay thành công

tủi nhục hay vinh quang

hãy nhận tất cả với lòng bình thản,

không tham cầu cũng không ghét bỏ.

đó là con đường thoát

khỏi vương quốc của ảo giác”.

Chàng hoàng tử không muốn nghe những điều đó. “Không, con đã quyết”, chàng lầm bầm, “con hứa hẹn quá nhiều, nếu từ nay chỉ biết bất bạo động và lòng từ bi. Con phải bỏ lời nguyện này thôi, vì lũ côn đồ phải trả những cái giá kiêu mạn của chúng”.

Katyayana gật đầu đồng ý, nhưng nhắc chàng rằng trời đã tối. "Con cũng biết, ban đêm đi rừng thật bất trắc; đợi đến sáng mai hãy về, hãy nhận phước lành của ta rồi sau đó con muốn làm gì thì làm”.

Vajriputra nghe lời thầy, nán lại một đêm, mỗi lần nhìn chiếc y vàng dính máu, lòng chàng còn hậm hực. Trong lúc chàng tu sĩ trẻ tuổi ngủ say, vị A-la-hán từ bi dùng năng lực trí tuệ chuyển cho chàng một giấc mơ nhiều ý nghĩa. Trong giấc mơ, Vajriputra thấy mình về nhà và sau khi phụ hoàng mất, chàng được lên ngôi. Chàng động viên binh sĩ và ra lệnh truy nã kẻ thù, biến lâu đài của Prakandas thành bình địa.

Sự thể lại xảy ra khác hẳn: chàng thất trận bị cầm tù và bị xử trảm. Một đám đông hò reo chỉ chực chờ đầu chàng bị chém. Trong phút cuối cùng bỗng chàng thấy sư phụ hiền từ hiện ra, đầy tuyệt vọng chàng kêu cứu: "Bạch thầy Katyayana, tha tội cho con, hãy cứu con!”. Chàng sợ hãi tỉnh giấc, thấy thầy ngồi bên cạnh mình an ủi: "Đừng sợ bất cứ mọi hình ảnh xuất hiện trong đời, con ạ. Tất cả chỉ là một giấc mơ. Con còn nguyên vẹn cả…”

Bỗng, Vajriputra nhận ra rằng tất cả mọi hình ảnh vừa rồi lẫn cả những biến cố có thực ngày hôm qua đều như nhau, chỉ như một cơn ác mộng. Sự sân hận và lòng thù oán của chàng kéo nhau ra đi, với tri kiến mới lạ đó, chúng biến đi như các đám mây dưới ánh mặt trời. Chàng cúi đầu ba lần trước vị đại sư, chàng biết rằng cảm tạ bao nhiêu lần cũng không đủ vị thầy đã dùng linh ảnh ngăn mình đi qua một quãng đời khác, một quãng đời có lẽ sẽ rất khủng khiếp và sẽ đưa vô số con người vào khổ ải. Rồi Katyayana đưa học trò mình đi vào chiều sâu của giáo pháp vô ngã để nhận ra rằng mọi sự không có một bản thể gì riêng biệt đứng đằng sau. Sau đó Vajriputra giác ngộ và càng thâm hiểu những gì đêm hôm đó mình đã trải qua.

Về sau, Vajriputra trở thành một trong mười sáu A-la-hán, là những vị đã truyền chánh pháp của Phật Cồ-đàm, mà ngày nay chúng ta còn biết ơn. Người Tây Tạng cho rằng, những ai lòng còn sân hận, đầy thù oán và không biết tha thứ thì hãy nên cầu vị A-la-hán Vajriputra, vì vị vương tước một thời đầy kiêu mạn này biết cách xa lánh những tâm thức đó.

 34. Milarepa, người ham ngủ

Thỉnh thoảng Milarepa, người du ca đắc đạo cũng rời cảnh độc cư núi rừng để về làng mạc Tây Tạng. Có lần ngài ngủ trong một tu viện, và vì ngài trông như một kẻ tu khổ hạnh hoang dã, không ai biết đến nên các vị Lạt-ma cho ngài nằm trước cửa một phòng nhỏ của vị Tăng khác. Không ai để ý đến ngài cả.

Trong phòng vị Tăng sĩ nọ đang nằm, còn Milarepa ngồi trước cửa, nhắm mắt. Vị Tăng nọ thật ra là kế toán trưởng của tu viện, lo lắng cho thu nhập của tu viện, hôm nay không ngủ được. Ông đang lo ngày mai bán con bò bao nhiêu tiền để có lời. Trong đầu ông tính toàn chuyện tiền bạc chi phí, chi li từng bộ phận con bò. Sáng hôm sau thì xem ra ông đã tính xong, chỉ trừ chưa biết giá cái đuôi bò phải đòi bao nhiêu mới phải. Ông bực mình, lầm bầm cầu nguyện cho đúng phép, thắp cây đèn mỡ bò lên, đốt hương trên bàn thờ rồi bước chân ra ngoài, đạp nhằm lên người của Milarepa. Thấy áo quần của Milarepa, ông lắc đầu nhìn con người đang nằm sóng soài trên bậc cửa. “Mặt trời lên mỗi lúc một cao, còn ngươi mê ngủ đang nằm đây, không thiền định cũng chẳng cầu nguyện cho lợi ích tập thể, mà tập thể là người nuôi dưỡng ngươi”, ông càu nhàu phê bình, “Thế mà ngươi dám nói mình là tu sĩ ư! Cho và nhận của ngươi là cái gì?”

Milarepa đáp: "Thường thì ta không ngủ lâu như thế này. Nhưng đêm qua ta chẳng được yên giấc vì suốt đêm phải tính lời lỗ về con bò, con bò hôm nay phải bỏ mạng vì ta”.

Vị Tăng nọ kinh ngạc không nói được lời gì. Mặt đỏ hồng, ông nghiêng người trước Milarepa và cảm tạ. Ông đã nhận ra đây là một sứ giả của đức Phật, Ngài đã gửi người đó đến đây để cho ông một bài học quan trọng.

35. Hồ đầy châu báu

Taschi la một thanh niên thích nghe chuyện. Có lần chàng nghe chuyện gần túp lều nghèo khổ của mình có một cái hồ chứa đầy vàng bạc châu báu, chàng liền lên đường tìm kiếm cho biết. Hồ nằm trên núi giữa hai sườn đầy tuyết và rất khó đến. Ngoài ra người ta còn bảo rằng, có một vị nữ thần canh giữ vàng bạc này. Vị này tu không thù địch với người nhưng cũng không dễ cho ai lấy đi các thứ đó. Là người tò mò và gan dạ, chàng sắm một cái túi và lên đường đi kiếm hồ. Chàng leo lên tới hồ thì cũng vừa đuối sức và vui mừng thấy rằng, hồ này không có màu xanh thẫm như các hồ khác ở Tây Tạng mà lại có màu vàng rực.

Lòng đầy hy vọng, chàng leo tới bờ hồ thì vừa có một đám mây đen hiện ra trên mặt hồ thành hình một nữ thần đáng sợ và lơ lửng trước mặt Taschi.Taschi cũng dự đoán được, chàng thu hết can đảm gọi lớn: "Nữ thần, ta có thể lấy được bao nhiêu châu báu của người?” Nữ thần nghiêng người qua lại, phát ra muôn ánh sáng khác nhau trên mặt hồ. Sau đó vị ấy nói bài kệ khó hiểu: "Người xứng đáng thì nhận mà không hỏi. Kẻ không xứng đáng thì hỏi mà không nhận”.Taschi trả lời: "Ta không hiểu người nói, ta chỉ muốn lấy những gì ta thật cần thiết thôi”.

“Thế thì cứ lấy, cứ lấy đi rồi hãy thấy”. Sau đó vị nữ thần biến mất trong không gian.

Taschi thò hai tay vào nước lạnh như băng và không bao lâu đã kiếm được ba thỏi vàng. “Juhu”, chàng nhảy lên mừng rỡ. Chàng liền cho các thỏi vàng vào túi, đồng thời nghĩ ra một điều mới. “Lượm vàng ở hồ này thật là khoẻ. Ta khỏi cần phải mang mấy cục vàng này về mà phải về ngay báo cha ta biết, ông sẽ mang bao bố đến, thậm chí hai bao bố”. Chàng cất mấy thỏi vàng dưới một cục đá bên bờ hồ rồi lên đường về nhà.Chàng thuyết phục mãi người cha mới chịu tin, sợ còn khó hơn thuyết phục vị nữ thần. Nhưng Taschi nói mãi ông cũng nghe và hai cha con leo lên đỉnh núi để thăm lại hồ lần thứ hai.Tới bờ hồ, vị nữ thần lại hiện ra, lơ lửng trên đầu hai người. “Ngươi còn muốn gì nữa. Ba thỏi vàng không đủ cho ngươi ư”. Chàng ấp úng trả lời: "Nhưng, cha tôi muốn thật sự thực sự tận mắt xem thế nào”. Chàng nhìn quanh thì thấy viên đá và các thỏi vàng hồi trước đã biến mất, chàng hỏi rụt rè: "Liệu cha tôi xin được ít vàng của người chăng? Bọc vàng của tôi hồi trước để ở đây không còn, chắc hồ đã lấy lại. Xin người cho chúng tôi mỗi người được lấy một ít rồi từ nay không bao giờ phải xin điều gì nữa”.

Vị nữ thần nhấc tay gật đầu đồng ý và biến mất. Hai cha con hiểu ý nhau và bắt đầu mò vàng.Chưa đầy phút sau, mỗi người trong tay đã lượm được ba thỏi vàng sáng loáng. Họ nhìn nhau, mắt lấp lánh. Người này nói ra ý tưởng người kia: "Ta cần ít nhất một con trâu kéo và toàn thể gia đình để chở số lượng vàng này đi, dù chỉ một nửa. Cái ta đang có chỉ là đồ cỏn con, phải tính một số lượng khác mới đuợc”.

Hai người vứt ngay túi vào hồ và vội lên đường về nhà. Cả nhà được gọi, phân chia kế hoạch. Lúc đó trời đã tối chưa thể lên núi ngay được và bây giờ cũng là lúc cả nhà ăn mừng sắp được một gia sản kếch sù. Tất cả thực phẩm bia rượu để dành đều được đem ra ăn uống. Cả nhà say sưa bàn kế hoạch tương lai, người cha đem lưỡi cày gỗ ra đốt, vì ông không bao giờ muốn đi cày nữa. Ngày hôm sau thì ai cũng kêu than nhức đầu và một lúc sau, cả nhóm mới sửa soạn lên đường leo núi. Ngay con trâu mới mua hôm qua cũng không chịu đi theo và cuối cùng chạy đi mất. Chưa hết, trong nhà cãi nhau dữ dội vì việc đi đường nào, cuối cùng chia làm hai nhóm, một nhóm đi thẳng đường lên núi, nhóm kia đi vòng cho bớt nguy hiểm.

Điều gì xảy ra thật thì không ai rõ, vì sau đó mỗi người trong nhóm kể một cách khác nhau. Nhưng điều chung nhất là không ai tìm lại được cái hồ đó cả, và có ai tìm đuợc thì cũng không còn cái hồ hồi trước với nước trong vắt và các thỏi vàng, với vị nữ thần, vị chơi trò cút bắt cùng con người.

Xem mục lục