Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (14)


Xem mục lục

 

Bài Ca Đại Ấn của Tilopa

Đại Ấn thì vượt khỏi mọi lời nói và biểu tượng,
Nhưng với con, nhiệt tâm và trung thành,
Naropa, điều này phải được nói ra.

Tánh Không không cần có chỗ trụ,
Đại Ấn nằm yên nơi không có gì cả.
Không khởi một nỗ lực nào,
Mà buông lỏng và tự nhiên,
Thì người ta có thể phá tan ách xiềng
Bèn có ngay giải thoát.

Nếu người ta thấy không có gì cả khi nhìn vào không gian,
Nếu với tâm bấy giờ người ta quan sát tâm,
Người ta phá tiêu những phân biệt chia cách
Và Phật quả viên thành.

Những đám mây lang thang qua bầu trời
Không gốc rễ, không nhà trú ;
Cũng thế những tư tưởng phân biệt trôi nổi qua tâm.
Một khi thấy được Tự Tâm,
Phân biệt bèn ngừng dứt.

Trong không gian những hình dạng và màu sắc thành hình,
Nhưng không gian không nhuốm màu đen, trắng.
Từ Tự Tâm mọi cái khởi lên
Nhưng tâm không nhiễm ô bởi tốt hay xấu.

Bóng tối bao đời không thể che tối mặt trời ;
Những kiếp dằng dặc triền miên
Của sanh tử không thể che dấu
Ánh Sáng rạng rỡ của Tâm.

Dù lời nói được nói ra để giải thích tánh Không,
Tánh Không là như vậy, không thể nào diễn tả.
Dù chúng ta nói, “tâm là ánh sáng chói ngời”
Nó thì vượt khỏi mọi ngôn từ biểu tượng.
Dù tâm vốn là không trong bản chất
Nó bao trùm và chứa đựng mọi sự.

Chớ làm gì cả với thân mà chỉ buông xả,
Đóng kín miệng và giữ im lặng,
Tâm trống không và không nghĩ gì.
Như thân một cây tre rỗng

Để cho thân nghỉ ngơi thoải mái.
Không lấy cũng không bỏ,
Để cho tâm ở yên.
Đại Ấn là một tâm không bám trụ.
Thực hành như vậy, đến lúc con sẽ đạt đến Phật quả.

Thực hành Thần chú và Ba la mật,
Giáo huấn trong Kinh và Giới luật,
Và giáo lý từ những Trường phái và Luận điển sẽ không đem lại
Sự chứng ngộ Chân Lý Vốn Sẵn.
Vì nếu tâm còn ham muốn
Mà tìm kiếm mục đích, nó chỉ che mất Ánh Sáng.

Người nào giữ những giới luật Mật thừa
Nhưng lại phân biệt, thì đã phản bội tinh thần Samaya.
Hãy ngừng mọi hoạt động, từ bỏ mọi ham muốn,
Hãy để những tư tưởng khởi lên và diệt mất
Như những làn sóng trong đại dương.
Người không hề làm chướng ngại cái Vô Trụ
Và nguyên lý Vô phân biệt,
Là đang giữ giới Mật thừa.

Người từ bỏ khao khát
Và không bám níu cái này cái nọ,
Bèn tri giác được thật nghĩa
Ban cho trong Kinh điển.

Trong Đại Ấn tất cả tội lỗi nhiễm ô cháy sạch ;
Trong Đại Ấn người ta được giải thoát
Khỏi ngục tù của thế gian này.
Đây là ngọn đuốc tối thượng của Pháp.
Những người không tin nó
Là những người ngu mãi mãi chìm sâu
Trong khốn khổ và muộn phiền.

Nỗ lực cho giải thoát
Người ta cần nương dựa một vị Thầy.
Khi tâm con nhận những ban phước của ngài
Giải thoát bèn ở ngay bên cạnh.

Than ôi, mọi sự trong thế gian là vô nghĩa,
Chúng chỉ là những hạt giống của muộn phiền.
Những giáo lý nhỏ đưa đến những hành vi ;
Người ta chỉ nên theo
Những giáo lý Lớn.

Siêu vượt nhị nguyên
Là cái Thấy Tối Cao (Vua).
Chiến thắng những phóng dật
Là sự thực hành Vương Giả.
Con Đường không-làm
Là Đường chư Phật ;
Ai giẵm bước trên Con Đường đó
Thì đạt đến Phật quả.

Thoáng chốc là thế gian này ;
Như những bóng ma, những giấc mộng,
Có bản chất nào đâu.
Hãy buông bỏ nó, từ bỏ thân thích,
Cắt đứt những buộc ràng của tham lam, thù hận,

Hãy thiền định trong rừng trong núi.
Nếu không cố gắng nào mà thảnh thơi,
Con an trụ trong “trạng thái tự nhiên”,
Thì Đại Ấn sẽ sớm hiện tiền với con
Và chứng Vô Sở Đắc.

Cắt đứt rễ của một cái cây
Thì lá sẽ héo tàn ;
Hãy cắt đứt rễ của tâm con
Thì sanh tử rơi rụng.

Ánh sáng bất kỳ ngọn đèn nào
Xóa tan trong chốc lát
Bóng tối của những kiếp dằng dặc ;
Ánh sáng mạnh mẽ của tâm
Trong một tia chớp đốt cháy
Tấm màn của vô minh xưa cũ.

Người nào bám níu vào tâm thì không thấy
Sự thật của cái vượt khỏi tâm.
Người nào nỗ lực thực hành Pháp
Không tìm ra sự thật của cái vượt khỏi thực hành.
Để biết cái vượt khỏi cả tâm và thực hành,
Người ta cần cắt sạch gốc rễ của tâm
Và mở to mắt trần trụi. Như thế cần xa lìa
Mọi phân biệt và an trụ thảnh thơi.

Người ta không lấy hay bỏ
Mà ở yên tự nhiên,
Vì Đại Ấn thì vượt khỏi

Mọi chấp nhận và từ chối.
Vì thức A Lại Da thì không sanh,
Không ai có thể ngăn lấp hay làm nhiễm ô nó ;
Ở trong “cảnh giới” không sanh
Mọi hình tướng xuất hiện sẽ tan vào Pháp tánh,
Mọi chấp ngã và kiêu mạn sẽ tan thành không.

Sự Hiểu Ngộ tối thượng siêu vượt mọi đây và kia.
Hành Động tối thượng bao trùm phương tiện thiện xảo vĩ đại
Mà không bám luyến.
Sự Thành Tựu tối thượng là chứng ngộ
Cái vốn sẵn mà không mong cầu.

Ban đầu thiền giả cảm thấy tâm thức mình
Đổ ào ào như một thác nước ;
Ở chặng giữa, nó chảy từ từ
Và êm ả như sông Hằng ;
Cuối cùng, nó là một đại dương bao la
Nơi đó hai Ánh Sáng
Của Con và Mẹ hòa thành một.

Lời Nguyện Đại Ấn
Karmapa Rangjung Dorje
thứ Ba

(1)
Trong Mạn đà la con thấy Guru, Bổn tôn và các Thánh,
Trong mọi lúc mọi phương con thấy chư Phật và chư Bồ tát,
Với thành tâm sâu xa con cầu nguyện tất cả các ngài ;
Ban phước cho những ước nguyện của con.

(2)
Những nghiệp thiện của tâm và thân
Và những công đức của tất cả chúng sanh
Là những dòng suối sạch trong từ Núi Tuyết.
Nguyện chúng tự do đổ về biển cả
Của Bốn Thân của Phật quả bao la.

(3)
Qua mọi đời tương lai của con
Nguyện con không nghe những từ
Như “khổ đau” và “tội lỗi”
Nguyện con luôn luôn
Chia xẻ niềm vui và cái tốt đẹp
Trong đại dương Pháp bao la.

(4)
Nguyện con luôn luôn có rảnh rang, lòng tin, chuyên cần và trí huệ,
Gặp những Guru và nhận những giáo huấn cốt lõi của các ngài.
Trong thực hành nguyện con không bao giờ gặp
Những trở ngại mà luôn luôn
Hưởng thụ Pháp trong những đời tương lai.

(5)
Nguyện Tỉnh Giác phân biện và thiêng liêng
Giải thoát cho con khỏi vô minh ;
Nguyện những Giáo Huấn cốt lõi phá tan mọi nghi ngờ bóng tối.
Qua ánh sáng của thiền định
Nguyện con thấy ra Chân Lý lộ bày,
Và đốt lên ánh sáng của Ba Trí Huệ.

(6)
Nền Tảng là Hai Chân Lý (nhị đế)
Vượt khỏi những kiến chấp có, không ;
Con đường là sự chuẩn bị tâm linh
Xa lìa tăng và giảm ;
Quả là Hai Lợi Lạc, tự giác giác tha
Siêu vượt khỏi sanh tử và Niết bàn.
Nguyện con luôn luôn gặp được những giáo pháp
Chân chánh này suốt những đời vị lai.

(7)
Tinh túy Tâm rỗng rang và sáng chói –
Cội nguồn đích thực của Hai trong Một.
Đại Ấn kim cương cắt đứt thường tịnh hóa
Vô minh và nhiễm ô, những mê lầm thoáng chốc.
Nguyện con đạt đến Pháp thân vô cấu
Quả của tịnh hóa, thường hiển lộ.

(8)
Cái Thấy của Đại Ấn là không thêm chút gì
Vào bản tánh của Tâm.
Chánh niệm với cái Thấy này, không xao lãng là Thiền Định.
Thường trực ở trong đó là Hạnh tối thượng.
Nguyện con xác quyết an trụ trong cái Thấy, Thiền Định và Hạnh này,

(9)
Mọi hình tướng chỉ là những biểu hiện của tự tâm
Tâm vốn vô tâm và trống không trong bản chất.
Dù trống không nhưng không đoạn diệt,
Mà biểu lộ tất cả mọi sự.
Nguyện con luôn luôn quán sát Chân lý này
Và đạt được cái Thấy xác quyết.

(10)
Vì mê, những tự-biểu lộ vốn trống không
Chúng ta lầm cho là những đối tượng có thực và ở bên ngoài ;
Chúng ta chấp lấy tánh tự giác
Mà cho là ngã
Do hai cái chấp (ngã và pháp) này,
Con người lang thang trong sanh tử.
Ôi, nguyện con cắt đứt
Sự mù tối căn bản này.

(11)
“Không có gì thực sự có !”, vì ngay cả
Phật cũng không thấy có gì.
“Tất cả chẳng phải là không !“, vì niết bàn
Và sanh tử vẫn hiện hữu.
Trung đạo kỳ diệu này của Hai trong Một
Thì không thuận cũng không nghịch.
Ôi nguyện con chứng ngộ tự tâm
Thoát khỏi mọi phân biệt.

(12)
Không ai có thể diễn tả Nó bằng cách nói “Nó là cái này”.
Không ai có thể bác bỏ Nó bằng cách nói “Nó không phải là cái này”.
Cái Không này của thật pháp
Siêu vượt khỏi lãnh vực của thức –
Nguyện con hiểu ngộ nó
Với sự xác tín sâu xa.

(13)
Mê mờ Cái Này, người ta lang thang trong sanh tử ;
Thấy được Cái Này, không có giác ngộ nào khác.
Trong chân lý rốt ráo không có đây và kia.
Nguyện con chứng ngộ pháp tánh –
Nghĩa và nguồn của tất cả hiện hữu.

(14)
Hình tướng biểu lộ là tâm ;
Tánh không cũng là tâm.
Giác ngộ là tâm.
Mê mờ cũng là tâm
Khởi diệt của các pháp
Cũng chỉ có trong tâm.
Nguyện con hiểu rằng mọi sự
Duy chỉ là tâm.

(15)
Không nhiễm ô bởi ý định thực hành hay nỗ lực,
Xa lìa khỏi ảnh hưởng thế gian và những phóng dật,
Nguyện con an trụ thong dong trong trạng thái tự nhiên của tâm
Và khéo học điểm vi diệu của tu tâm.

(16)
Mạnh và yếu, tỏ và mờ
Những sóng tư tưởng chìm lặng mất ;
Dòng tâm nhẹ nhàng chảy không hề bị quấy động,
Xa lìa cấu nhiễm của hôn trầm phóng dật.
Nguyện con đi vào đại dương chánh định thường trụ bất động.

(17)
Thường quán sát cái Tâm không thể quán
Thấy rõ ràng Chân lý không thể thấy.
Nguyện đoạn trừ những nghi ngờ thấy có thấy không.
Nguyện con nhìn thấy xác quyết Bản lai diện mục.

(18)
Khi quán sát ngoại vật, con chỉ tìm thấy tâm mình ;
Khi quán sát tâm, con chỉ tìm thấy tánh không ;
Khi quán sát cả tâm và vật,
Con thoát khỏi hai chấp ngã-pháp.
Nguyện con chứng ngộ tự tánh của tâm tỏa sáng.

(19)
Vì Cái Ấy siêu việt tâm thức,
Nó được gọi là Đại Ấn ;
Vì Cái Ấy thoát khỏi những cực đoan,
Nó được gọi là Trung Đạo vĩ đại ;
Vì Cái Ấy bao trùm tất cả,
Nó được gọi là Đại Toàn Thiện ;
Nguyện con luôn hiểu rằng
Biết cái một là biết tất cả.

(20)
Vì không tham luyến, Đại Lạc tương tục sanh khởi.
Thoát khỏi bám chấp, Ánh Sáng thành rạng rỡ
Thấu thoát những ngăn ngại và bóng mờ
Nguyện con hành không ngừng sự thực hành-không-cố gắng này,
Nó là tự do mà tự duy trì, không dính dáng gì đến tư tưởng.

(21)
Tham cầu kinh nghiệm thiền định tự tan biến về phần nó ;
Vọng niệm và ác niệm tự tịnh hóa trong Pháp Giới ;
Tâm bình thường trong đó không có lấy, bỏ, được mất ;
Nguyện con chứng ngộ Pháp tánh –
Vốn xa lìa mọi hý luận, tạo dựng.

(22)
Không biết tự tánh của mình
Là một với tánh của Phật,
Chúng sanh không ngừng lang thang trong sanh tử.
Đối với tất cả chúng sanh trói buộc trong khổ đau phiền não,
Nguyện con luôn luôn xót thương chân thật
Bằng lòng đại bi không thể chịu đựng.

(23)
Khi lòng bi này sanh khởi,
Tánh không vĩ đại cũng sáng rỡ hiện bày.
Con Đường tối thượng sáng tỏ Hai trong Một này,
Nguyện con ngày đêm không lìa bỏ.

(24)
Nguyện con sử dụng nhãn và những thông
Có được từ thiền định,
Để thành tựu những chúng sanh,
Và phụng sự tất cả chư Phật và cõi của các ngài.
Nguyện con làm tròn đại nguyện của các bậc Giác Ngộ,
Và nhanh chóng đạt đến Phật quả tối thượng và toàn hảo.

(25)
Vĩ đại thay năng lực của mọi công đức trong vũ trụ,
Vĩ đại thay năng lực của lòng bi của chư Phật, 
Bồ tát.
Với sự nâng đỡ của thần lực vĩ đại này,
Và được ánh sáng của Pháp hướng dẫn
Nguyện mọi nguyện lành của con và của chúng sanh
Được dễ dàng thành tựu.

Những Cơ Bản 
của Thực Hành Đại Ấn
như được ban cho bởi 
Lama Kong Ka

Lama Kong Ka nói :

Để thực hành thiền định Đại Ấn này, trước hết người ta cần được nhập môn (quán đảnh) với một vị Thầy đầy đủ phẩm chất. Mục tiêu của nhập môn này là làm cho học trò nhận biết tánh Giác minh-không của tự tâm mình. Chỉ sau khi nhận biết tánh giác vốn sẵn và không có tướng này mà học trò mới có thể thực hành Đại Ấn một cách đúng đắn. Trừ phi nó làm được điều đó, còn không nó cảm thấy khó thoát khỏi vướng mắc nhị nguyên chủ thể-đối tượng và nâng tâm thức nó đến trạng thái không phân biệt và không bám luyến. Để thâm nhập tánh giác minh-không (sáng tỏ và trống không) này, nó cần thường xuyên thực hành những giáo huấn cơ bản sau đây.

Người có thể để tâm nghỉ ngơi trong tánh Tỉnh Giác thuần tịnh của chính mình sẽ có thể làm bất cứ điều gì. Thực hành Đại Ấn, nó cần chấm dứt phân biệt, bỏ những tư tưởng thói quen lấy cái này, bỏ cái kia, và cố gắng đạt đến một trạng thái trong đó Samadhi (chánh định) và những hoạt động là một. Cho đến khi nó làm được điều đó, trước tiên nó cần nhấn mạnh vào thiền định tĩnh lặng, và rồi áp dụng tỉnh giác Đại Ấn vào những hoạt động hàng ngày như một thực tập phụ trợ.

• * *
• 
Có ba cơ bản trong thực hành Đại Ấn : quân bình, thư giãn và tự nhiên.

Quân bình nghĩa là làm quân bình thân, khẩu và tâm. Cách làm quân bình thân theo Đại Ấn là buông lỏng nó, quân bình khẩu là làm chậm hơi thở, và quân bình tâm là không bám níu, nương dựa vào bất cứ cái gì.

Đây là cách tối thượng để điều phục thân, hơi thở (khí) và tâm.

Thư giãn buông lỏng tâm, để cho mọi sự tự diễn tiến, bỏ hết những ý niệm và tư tưởng. Khi toàn thân và tâm trở nên buông lỏng, người ta có thể an trụ trong trạng thái tự nhiên mà không nỗ lực. Trạng thái tự nhiên này vốn không phân biệt và không có phóng dật.

Tự nhiên nghĩa là không lấy hay bỏ cái gì cả : nói cách khác, thiền giả hoàn toàn không làm một nỗ lực nhỏ bé nào. Nó để cho giác quan và tâm tự dừng hay tự chuyển động mà không hỗ trợ hay ngăn chặn chúng. Thực hành sự tự nhiên là không nỗ lực và để tự nhiên.

Những điều trên có thể tóm tắt như vầy :
Tinh túy của quân bình là không bám níu.
Tinh túy của thư giãn là không nắm giữ.
Tinh túy của tự nhiên là không nỗ lực.

Xem mục lục