PHẦN THỨ HAI
NGƯƠI HÃY YÊU KẺ THÙ NGƯƠI
Phúc Âm Thánh Matthêô 5, 38-48
Buổi sáng, Đức ngài đến không chậm trễ. Trước khi chú giải một đoạn Phúc Âm theo thánh Matthêô, ngài đưa một vài nhận xét mở đầu. Suốt thời gian hội thảo, ngài đã nhiều lần nhấn mạnh mục đích của ngài không phải là cải giáo các Kitô hữu tham dự hội thảo thành Phật tử, nhưng là trình bày quan điểm của một tu sĩ Phật giáo về những đoạn văn được đề nghị.
Đức Đạt Lai Lạt Ma : “Vì cuộc đối thoại này được World Community for Christian Meditation tổ chức và vì phần lớn là các Kitô hữu hành đạo tham gia nghiêm túc trong một tiến trình của đức tin, nên sự trình bày của tôi ưu tiên sẽ gởi đến họ. Tôi sẽ thử giải thích thế nào là các kỹ thuật và phương pháp của Phật giáo có thể được một Kitô hữu hành đạo chấp nhận mà không cần phải hội nhập vào triết lý sâu xa của Phật giáo. Những sự khác nhau sâu sắc về triết lý siêu hình giữa hai truyền thống dĩ nhiên sẽ xuất hiện trong quá trình thảo luận theo nhóm.
“Mối quan tâm chính của tôi là như sau : tôi có thể giúp đỡ và phục vụ Kitô hữu hành đạo như thế nào ? Gieo rắc sự nghi ngờ và chủ nghĩa hoài nghi trong tâm trí người khác là điều tôi không bao giờ muốn. Như tôi đã nói trước đây, tôi tuyệt đối xác tín rằng sự đa dạng của các truyền thống tôn giáo hiện nay là quý giá và thích đáng. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, tất cả các truyền thống tôn giáo lớn của thế giới nói một thứ ngôn ngữ và gửi đến một thông điệp chung mà chúng ta có thể dựa vào để xây dựng một sự hòa thuận nhau thật sự.
“Nói chung, tôi muốn rằng người ta không nên rời bỏ tôn giáo đã trở nên một thành phần của văn hóa và di sản của họ. Đương nhiên, cá nhân được toàn quyền thay đổi tôn giáo nếu một tôn giáo khác tỏ ra hiệu quả hơn và thích hợp hơn với nhu cầu tâm linh của người ấy. Nhưng một cách tổng quát, tốt hơn vẫn là thực hành kinh nghiệm về giá trị của truyền thống tôn giáo của mình. Đây là một ví dụ cho thấy sự khó khăn mà sự thay đổi tôn giáo có thể gây ra : trong một gia đình Tây Tạng, vào những năm sáu mươi, người cha của gia đình qua đời, sau đó ít lâu, người mẹ đến tìm tôi. Bà đã tuyên bố với tôi rằng kiếp này bà theo đạo Chúa nhưng qua kiếp sau bà không có chọn lựa nào khác hơn là theo đạo Phật. Sao mà phức tạp như vậy ! Nếu bạn là Kitô hữu, tốt hơn hết bạn nên triển khai tâm linh trong khuôn khổ của tôn giáo bạn và là một Kitô hữu tốt lành, chân chính. Nếu bạn là Phật tử, bạn hãy là một Phật tử đích thực. Đừng nên nửa nạc nửa mỡù ! Như thế chỉ tạo nên sự lộn xộn trong tinh thần của bạn.
“Trước khi chú giải bản văn, tôi muốn nói đôi điều về sự tham thiền. Ngôn ngữ Tây Tạng chỉ sự tham thiền là gom, nó gợi lên sự phát triển thân quen thường trực với một sự thực hành hay với một đối tượng đặc biệt. Tiến trình “thân mật hóa” là chủ yếu bởi vì sự tinh luyện hay khai mở tinh thần tùy thuộc vào việc gia tăng sự thân quen với đối tượng được lựa chọn. Bởi thế, chỉ có sự áp dụng kiên trì các kỹ thuật tham thiền và sự huấn luyện kiên trì tinh thần mới có thể đưa đến sự biến đổi nội tâm, thiết lập kỷ luật cho tinh thần. Trong truyền thống Tây Tạng, một cách sơ lược, có hai loại tham thiền lớn. Một loại cần mức độ phân tích và lý luận nào đó ; người ta còn gọi đó là trầm tư chiêm niệm hay phân tích. Loại thứ hai là một trạng thái hấp thụ và tập trung ; người ta gọi đó là trầm tư trên một điểm hay hành động tịnh tâm.
“Chúng ta hãy lấy một ví dụ như sự tham thiền về tình yêu và lòng thương xót trong bối cảnh Kitô giáo. Khi tham thiền theo cách phân tích, chúng ta đi theo những hướng tư duy đặc biệt như : để thật sự yêu Thiên Chúa, cần phải thể hiện tình yêu ấy bằng hành động yêu thương chân thật anh em nhân loại của mình. Người ta cũng có thể suy nghĩ về cuộc đời và gương sáng của Đức Giêsu Kitô trong bản thân ngài, ngài đã sống và hoạt động như thế nào để đem lại lợi ích cho chúng sinh, và các hành động của ngài đã minh họa một phong cách sống tràn đầy lòng thương xót. Loại tiến trình suy niệm ấy tạo thành khía cạnh phân tích của thiền định về lòng thương xót. Người ta có thể tham thiền theo các tương tự về lòng nhẫn nại và lòng khoan dung.
“Nhờ có những suy tư đó, các bạn ngày càng xác tín vào sự quan trọng và giá trị của lòng thương xót và lòng khoan dung. Một khi đã đạt tới niềm xác tín tuyệt đối về giá trị và sự thiết yếu của lòng thương xót và khoan dung, các bạn sẽ có cảm giác được xúc chạm và biến đổi từ bên trong. Ở giai đoạn này, các bạn cần phải tập trung tinh thần trên xác tín duy nhất đó, không vận dụng đến sự phân tích khác. Một khía cạnh chính xác hơn, tinh thần phải ở trong thế quân bình hoàn hảo, tập trung trên một điểm – đó là khía cạnh đắm mình hay duy trì sự thiền định trên lòng thương xót. Như thế cả hai loại thiền định đều được áp dụng trong cùng một buổi tham thiền.
“Tại sao chúng ta có thể không chỉ triển khai mà còn tinh luyện lòng thương xót bằng việc áp dụng những kỹ thuật tham thiền vừa kể ? Bởi vì lòng thương xót là một loại cảm xúc có tích chứa một tiềm lực để khai mở. Về đại thể có hai loại cảm xúc. Một loại thì nghiêng về bản năng và không có nền tảng lý trí. Loại kia như lòng thương xót và khoan dung thì ít bản năng hơn và dựa vững chắc vào lý trí và kinh nghiệm. Khi người ta thấy rõ ràng những lý lẽ hợp lý khác nhau của việc triển khai các đức tính ấy và khi người ta xác tín vững vàng những lợi ích mà các đức tính ấy mang lại, lúc bấy giờ các cảm xúc ấy được thanh luyện. Đồng thời xảy đến sự nối kết giữa trí và tâm. Lòng thương xót biểu lộ cảm xúc, hay cái tâm, và việc áp dụng sự trầm tư phân tích thuộc về cái trí. Khi người ta đã đi đến giai đoạn thiền định lúc lòng thương xót được tinh luyện, người ta chứng kiến sự hợp nhất đặc biệt của trí và tâm.
“Nếu giờ đây người ta khảo sát bản chất của các trạng thái thiền định ấy, người ta nhận thấy chúng hình thành bởi các yếu tố khác nhau. Vậy thì, chúng ta hãy lấy ví dụ của tiến trình phân tích để suy nghĩ rằng chúng ta đều là những con người, những tạo vật của cùng một Đấng Tạo Hóa và vì thế thật sự là anh em và chị em của nhau. Trong trường hợp này, các bạn tập trung tinh thần của các bạn trên một đối tượng riêng biệt. Nói cách khác, chủ thể phân tích tập trung trên ý tưởng hay khái niệm được phân tích. Tuy nhiên, khi đã đạt đến tình trạng tập trung trên một điểm duy nhất – khi các bạn cảm thấy sự biến đổi nội tâm ấy, lòng thương xót ấy bên trong các bạn – thì sẽ không còn một tâm thức trầm tư và một đối tượng được trầm tư. Thay vào đó, tâm thức trầm tư của các bạn giàn trải ra dưới hình thức của lòng thương xót.
“Tôi xin kết thúc những nhận xét mở đầu về sự thiền định. Giờ đây tôi sẽ đọc bài Phúc Âm.
“Các ngươi đã nghe bảo rằng : Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn ta, ta bảo các ngươi đừng cự lại người ác. Nếu ai vả má phải ngươi, thì hãy giơ má kia cho nó nữa. Nếu ai muốn kiện ngươi để đoạt áo lót, thì hãy bỏ cả áo choàng cho nó. Nếu ai bắt ngươi đi làm phu một dặm thì hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, ngươi hãy cho ; người muốn vay, ngươi chớ khước từ.” [Matthêô 5, 38-42]
Đức Đạt Lai Lạt Ma : “Những cách thực hành lòng khoan dung và nhẫn nại mà đoạn Phúc Âm này khuyên làm vô cùng giống với những cách thực hành lòng khoan dung và nhẫn nại mà Phật giáo nói chung khuyên làm. Đặc biệt chính đại thừa Phật giáo trong bối cảnh lý tưởng bồ tát đã khuyến khích dùng sự bất bạo động và lòng từ bi đáp trả lại người làm điều ác đối với chúng ta. Trong một chừng mực nào đó, đoạn văn này có thể được đưa vào trong một sách luận của Phật giáo mà chắc không ai nhận ra nguồn gốc Kitô giáo của nó.
“Các ngươi đã nghe bảo : Hãy yêu mến người thân cận, và hãy ghét kẻ thù địch. Còn ta, ta bảo các ngươi : Hãy yêu mến kẻ thù địch [hãy làm điều lành cho những ai ghét các ngươi], hãy cầu nguyện cho những người [ngược đãi và] bách hại các ngươi. Như thế, các ngươi sẽ trở nên con cái của Cha các ngươi ở trên trời, Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ cũng như trên người lành và làm mưa trên người công chính và trên kẻ gian tà. Nếu các ngươi chỉ yêu mến những kẻ yêu mến các ngươi thì các ngươi có công đức gì ? Há những người thu thuế cũng không làm như thế sao ? Nếu các ngươi chỉ chào hỏi anh em các ngươi, thì các ngươi có làm gì khác thường đâu ? Há người ngoại (đạo) cũng không làm thế sao ? Vậy các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha các ngươi trên trời là Đấng trọn lành.” [Matthêô 5, 43-48]
“Điều này nhắc tôi nhớ đến một đoạn văn trong một sách luận của Phật giáo đại thừa là Bản trích yếu thực hành trong đó Shantideva hỏi “nếu các ngươi không thực hành lòng từ bi với kẻ thù các ngươi thì các ngươi thực hành với ai ?” Người ta còn hiểu ngầm rằng ngay cả súc vật cũng biểu lộ sự yêu thương, từ bi và một tình cảm cộng thông đối với những người và vật mà chúng yêu thích. Nếu chúng ta tự hào mình là những người hành đạo tâm linh, tình nguyện bước vào con đường tâm linh, chúng ta phải chứng tỏ mình có thể làm tốt hơn các súc vật.
“Đoạn trích dẫn Phúc Âm này cũng nhắc tôi nhớ đến những suy nghĩ của một sách luận đại thừa khác tên là Bồ Tát đạo, trong đó Shantideva khẳng định có được một thái độ đúng đắn với kẻ thù là một điều quan trọng. Nếu các bạn biết vun trồng thái độ ngay lành, kẻ thù của các bạn sẽ trở thành những người thầy tâm linh tốt nhất bởi vì sự hiện diện của họ cho các bạn cơ hội thăng tiến lòng khoan dung, sự nhẫn nại và hiểu biết. Khi đạt được sự nhẫn nại và khoan dung nhiều hơn, các bạn sẽ dễ dàng phát triển năng lực của lòng từ bi, và nhờ đó phát triển sự đồng cảm của mình. Như thế, ngay cả việc thực hành con đường tâm linh, sự hiện diện của kẻ thù là chủ yếu. Hình ảnh loại suy mà Phúc Âm sử dụng với “mặt trời chiếu sáng không phân biệt” rất quan trọng. Đấy là một ẩn dụ tráng lệ về lòng từ bi. Nó làm cho ta hiểu được lòng từ bi thì vô tư và toàn diện.
“Khi đọc các đoạn văn này, tôi thấy Phúc Âm đặt nặng sự thực hành lòng khoan dung và đề cao tình cảm vô tư, không thiên vị đối với mọi tạo vật. Theo ý kiến của tôi, để triển khai năng lực khoan dung đối với mọi người, và đặc biệt đối với một kẻ thù, điều kiện quan trọng tiên quyết là tiếp nhận mọi người với tính bình đẳng. Nếu người ta nói với các bạn rằng không nên thù nghịch kẻ thù mà phải yêu mến hắn, chỉ khẳng định như thế sẽ không khuyến khích các bạn thay đổi. Đối với mỗi người chúng ta, cảm thấy sự thù nghịch đối với những người làm khổ bạn và có cảm tình đối với những người yêu thương bạn là hoàn toàn tự nhiên. Đây là một tình cảm tự nhiên của con người. Vậy chúng ta phải sử dụng các kỹ thuật hiệu quả để giúp chúng ta vượt qua từ sự thiên vị nội tại trong bản tính đến một tình trạng bình đẳng cao nhất.
“Nhiều kỹ thuật đặc biệt cho phép triển khai tánh bình đẳng đối với mọi chúng sinh. Trong khuôn khổ Phật giáo, người ta có thể dùng đến khái niệm tái sinh để giúp chúng ta thực hiện tính bình đẳng. Tuy nhiên, vì chúng ta đang bàn luận trong khuôn khổ Kitô giáo, đã hẳn có thể nêu lên ý tưởng Sáng tạo theo đó tất cả mọi tạo vật đều bình đẳng vì đều là các tạo vật của cùng một Thiên Chúa. Khởi từ niềm tin ấy, người ta có thể thăng tiến trong tính bình đẳng. Ngay trước buổi họp này, tôi đã có một cuộc trao đổi ngắn với Cha Laurence. Cha đã giải thích với tôi rằng trong thần học Kitô giáo, người ta cho rằng mọi con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa – Tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bản tính Thiên Chúa. Điều này theo tôi dường như hoàn toàn tương tự với ý niệm Phật tánh trong Phật giáo. Niềm tin cho rằng mọi người đều tham dự vào cùng một bản tính Thiên Chúa, đem lại cho chúng ta một nền tảng vững chắc, một lý lẽ mạnh mẽ để tin rằng mỗi người chúng ta có thể thủ đắc một ý nghĩa đúng đắn về tính bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.
“Tuy nhiên, chúng ta không nên quan niệm sự bình đẳng của tâm hồn như một mục đích tự thân. Cũng không nên nghĩ rằng mình phải theo đuổi một tình trạng hoàn toàn vô cảm trong đó chúng ta không có chút tình cảm hoặc cảm xúc thay đổi đối với kẻ thù hay bè bạn. Đấy không phải là mục đích mà chúng ta tìm kiếm. Điều chúng ta tìm kiếm trước tiên là mong muốn xây dựng nền tảng, sử dụng một cánh đồng trống để sau đó chúng ta sẽ vun trồng những tư tưởng khác. Tính bình đẳng là mảnh đất bằng phẳng mà chúng ta chuẩn bị trước tiên. Rồi trên nền tảng ấy, chúng ta phải suy nghĩ về giá trị của lòng khoan dung, nhẫn nại, tình thương yêu, lòng từ bi đối với tất cả mọi người. Chúng ta cũng phải xem xét sự bất lợi, tiêu cực của tư tưởng vị kỷ, của những cảm xúc rối loạn giao động đối với bạn bè và kẻ thù, và các tiêu cực do sự thiên vị đối với những người khác.
“Điểm chủ yếu là ở chỗ cách thức sử dụng tính bình đẳng nền tảng ấy. Điều quan trọng là việc tập trung trên những tiêu cực của giận dữ, thù hận tạo thành những trở ngại chính cho sự triển nở năng lực của lòng từ bi và khoan dung. Chúng ta cũng phải suy nghĩ đến những giá trị và những đức hạnh khi đào sâu lòng khoan dung và nhẫn nại. Điều này có thể thực hành trong khuôn khổ Kitô giáo mà không cần sự hỗ trợ của niềm tin tái sinh : Thiên Chúa đã dựng lên các bạn là những cá nhân và cho các bạn sự tự do hành động hài hòa với các ước nguyện của mình – hành động một cách đạo đức, phù hợp với luân lý và sống một cuộc sống xứng đáng là một cá nhân thấm nhuần đạo đức và có trách nhiệm. Khi cảm nhận và thực hành lòng khoan dung và nhẫn nại đối với đồng loại, các bạn hoàn thành ước nguyện này : làm hài lòng Đấng Tạo Hóa của các bạn. Mặt khác : đó là tặng vật đẹp nhất, của lễ tốt nhất mà các bạn có thể dâng lên Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của các bạn.
“Trong Phật giáo, người ta thấy có ý tưởng gọi là của lễ thực hành (drupai chošpa) theo đó mọi của lễ cúng dường mà người ta có thể dâng lên một đấng mà người ta tôn kính – của lễ vật chất, bài ca chúc tụng và tặng vật khác – của lễ đẹp nhất chính là sống một cuộc sống phù hợp với những nguyên tắc của đấng đó. Trong khuôn khổ của Kitô giáo, khi sống một cuộc đời thấm nhuần đạo đức, đặt nền tảng trên lòng khoan dung và nhẫn nại, trong ý nghĩa đó, các bạn đã dâng lên Đấng Tạo Hóa của các bạn một của lễ tuyệt vời. Chắc chắn, điều đó sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc chỉ đọc kinh cầu nguyện. Nếu các bạn cầu nguyện mà không sống phù hợp với lời cầu nguyện thì chẳng có ích lợi gì lớn lao.
“Một trong những thiền sư lớn của Phật giáo Tây Tạng là Milarepa khẳng định trong một bài ca kinh nghiệm tâm linh : “Về của lễ vật chất, tôi chịu trắng tay ; tôi không có gì để cúng dường. Điều tôi có thể dâng lên dồi dào, đó là của lễ của sự thực hành tâm linh.” Về đại thể, chúng ta thấy rõ rằng một người có được nguồn dự trữ to lớn của lòng nhẫn nại và khoan dung sẽ hưởng được một mức nào đó của sự bình an và thanh tịnh. Một người như thế không chỉ hạnh phúc và có cảm xúc ổn định mà còn có sức khỏe tốt, ít bệnh tật. Con người ấy có được một ý chí mạnh mẽ, ăn ngon, ngủ yên với một lương tâm trong sáng. Đó là những lợi ích của lòng khoan dung và nhẫn nại mà chúng ta có thể nhận thấy trong cuộc sống mỗi ngày.
“Một trong những xác tín nền tảng của tôi là bản tính nhân loại căn bản hướng về lòng từ bi và thương yêu. Bản tính nhân loại căn bản thì hiền lành và không gây hấn, bạo động. Điều này hoàn toàn phù hợp với điều mà Cha Laurence đã nói nhân loại chia sẻ cùng một bản tính Thiên Chúa. Tôi sẽ nói thêm rằng khi xem xét tương quan giữa tinh thần, ý thức hay thân xác, người ta nhận thấy rằng những thái độ, cảm xúc và tinh thần lành mạnh liên hệ chặt chẽ với sức khỏe thể xác và sinh thú. Chúng gia tăng sự thoải mái của thể xác, trong khi những thái độ cảm xúc tiêu cực hay không lành mạnh như sự giận dữ, lòng thù ghét, những tình trạng tinh thần rối loạn làm mòn mõi sức khỏe thân xác. Mối tương quan ấy cho thấy rõ bản chất nhân loại căn bản rất gần với những thái độ và cảm xúc lành mạnh.
“Sau khi đã suy nghĩ về những đức tính như lòng khoan dung, nhẫn nại và tin chắc vào sự cần thiết phải phát triển và gia tăng các đức tính ấy nơi bản thân mình, kế đó là phải xem xét các loại và mức độ của lòng nhẫn nại và khoan dung. Vì thế, các sách luận Phật giáo mô tả ba loại khoan dung và nhẫn nại. Loại thứ nhất là trạng thái lãnh đạm không gì lay chuyển được – người ta có khả năng chịu đựng mọi đau khổ mà không bị nhấn chìm. Đó là trình độ thứ nhất. Trong trạng thái thứ hai, hành giả không những có thể chịu đựng nhiều đau khổ, nhưng nếu cần còn sẵn sàng kể cả ước mong đảm nhận những thử thách, nhọc nhằn và đau khổ của con đường tâm linh. Điều đó có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận các thử thách để đạt đến một mục đích cao hơn. Loại thứ ba là lòng nhẫn nại và khoan dung sinh ra do một xác tín vững vàng về bản chất của thực tại. Trong thực hành Kitô giáo, loại nhẫn nại này có nền tảng là đức tin vững vàng trong mầu nhiệm Sáng tạo. Mặc dù sự phân biệt giữa ba trình độ của lòng khoan dung là việc của các tác giả Phật giáo, nhưng cũng có thể chuyển sang bối cảnh của Kitô giáo. Điều này đặc biệt đúng với loại nhẫn nại – khoan dung thứ hai – tự do đảm nhận những thử thách của con đường tâm linh – dường như đây cũng là vấn đề trong đoạn văn sau đây : các mối Phúc thật của Phúc Âm Thánh Matthêô.”