TỔNG QUAN
VỀ NHỮNG CON ĐƯỜNG
CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
Nguyên tác: A Survey Of The Paths Of Tibetan Buddhism
Tác giả: His Holiness Tenzin Gyatso 14th Dalai Lama of Tibet
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển – 19/06/2010
Làng Đậu hiệu đính
LỜI TỰA
Những nhà nghiên cứu và Phật tử Phật giáo theo truyền thống Trung Hoa thường nghe nói đến Ngũ Thời Thuyết Giáo của Thiên Thai Trí Giả Đại Sư[1] qua bài kệ:
Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật
A Hàm nhị thập, Phương Đẳng bát
Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm
Pháp Hoa, Niết-bàn cộng bát niên
Tức là, đức Phật sau khi thành đạo đã thuyết giảng Kinh Hoa Nghiêm trong hai mươi mốt ngày, hai mươi năm tiếp theo là Kinh A Hàm, tám năm kế là Kinh Phương Đẳng, rồi hai mươi hai năm Kinh Bát-nhã, và cuối cùng đức Phật thuyết Kinh Pháp Hoa và Kinh Niết-bàn trong tám năm.
Nhưng khi học hỏi về Phật giáo Tây Tạng, chúng ta thấy chư vị tổ sư Phật giáo Tây Tạng đã nói đến ba thời chuyển pháp luân. Chuyển pháp luân lần thứ nhất đức Phật thuyết về Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Ba Mươi Bảy Bồ Đề Đạo Phẩm, … Chuyển pháp luân lần thứ hai đức Phật thuyết về Kinh Bát-nhã, chuyên nói về tính Không. Và lần thứ ba đức Phật thuyết về những kinh như Giải Thâm Mật,…, và những bộ mật điển [Tantra] là những bộ phận dường như vắng bóng trong Hán Tạng và như lời đức Dalai Lama, “Chuyển pháp luân lần thứ ba được nối kết với những phương cách khác nhau của việc nâng cao tuệ trí thân chứng tính không. Vì thế chúng tôi nghĩ có một liên kết ở đây giữa kinh điển và mật điển.”
Là người nghiên cứu Phật học, chúng ta phải biết chúng ta muốn gì ở Đạo Phật. Và là người Phật tử thực hành Phật Pháp, chúng ta phải biết đức Phật muốn chúng ta làm gì. Hay mục tiêu của người nghiên cứu và thực hành Phật Pháp để làm gì?
Trong Kinh Pháp Hoa đức Phật nói rằng, "Mục đích của chư Phật ra đời chỉ vì một việc: Đem Tri kiến Phật chỉ dạy cho chúng sanh tỏ ngộ đấy mà thôi! Chư Phật Như Lai nói pháp cho chúng sanh chỉ vì dạy cho họ một ‘Phật thừa’ chớ không có hai thừa, ba thừa nào khác. Pháp của chư Phật trong mười phương cũng đều như vậy"[2].
Thế nào là khai, thị, ngộ, nhập chúng ta có thể hiểu qua một vi dụ:
Tri viên (người làm vườn) dẫn một đoàn người đến trước cổng vườn và mở cửa cổng - KHAI
-Tri viên bèn chỉ - đây là hoa lan (thinh văn thừa), này hoa hồng (duyên giác thừa), nọ, xa hơn một chút là hoa huệ (Bồ-tát thừa), và xa tít đằng kia là hoa sen (Phật thừa) - THỊ
-Đoàn người theo bèn Ồ lên một tiếng và nói, đúng là trăm nghe không bằng một thấy, nay mới thật sự tường tận thấy, nghe, hiểu, biết - NGỘ
-Đoàn người theo sự hướng dẫn của tri viên cùng bước vào vườn dạo cảnh, xem hoa - NHẬP
Thinh văn thừa là thế nào, những pháp môn nào, những điều kiện nào để đạt đến Thinh văn quả?
Duyên giác thừa là thế nào, những pháp môn nào, những điểu kiện nào để đạt đến Duyên giác quả?
Bồ-tát thừa là thế nào, những pháp môn nào, những điều kiện nào để đạt đến Bồ-tát quả?
Phật thừa là thế nào, những pháp môn nào, những điều kiện nào để đạt đến Phật quả?
Mỗi người đến với Đạo Phật phải tìm hiểu, học hỏi, lựa chọn và thực hành để đạt đến mục tiêu của mình. Chúng phải nói rằng sự lựa chọn ấy có thể theo căn cơ, theo sở thích, hay theo nhân duyên. Nhưng chúng ta phải thực sự tìm hiểu, nghiên cứu để lựa chọn lộ trình tu tập, và thực hành một cách nghiêm mật không dời đổi thì mới mong đạt đến kết quả tối hậu, chứ không thể nay pháp môn này mai pháp môn khác; khi Thinh văn thừa, lúc Bồ-tát thừa, rồi Phật thừa. Vì muc tiêu hay điểm đến cứ dời đổi, làm thế nào chúng ta có thể đạt đến kết quả cuối cùng khi thật sự chúng ta cũng không biết kết quả mình muốn đến là gì?
Đọc “Tổng Quan Những Con Đường[3] Của Phật Giáo Tây Tạng”, chúng ta sẽ thấy đức Dalai Lama là một bậc Đại Tri Viên, ngài chỉ rõ tất cả mọi con đường để chúng thấy rõ, nhất là con đường Tantra, sự thực hành Tantra không chỉ của tông Gelugpa mà của bốn tông phải chính của Phật giáo Tây Tạng, một con đường mới lạ với các Phật tử Đông Độ, đấy là Phật tri kiến, đấy là Phật thừa, vì mỗi chúng ta đều có khả năng để thành Phật, mà đấy là Phật tính, mà đấy là cơ sở căn bản của mọi Phật tử dù tu theo Tịnh Độ, Thiền Tông hay Mật Tông, chỉ có phương tiện đạt đến là khác nhau. Nhất là Ba Phương Diện Chính Yếu Của Con Đường Tu Tập do tổ sư Tsongkhapa[4] đề ra mà đấy là cơ sở lập cước của mọi Phật tử dù tu theo Pháp môn nào[5]:
1- Viễn ly: một chí nguyện đạt đến sự giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, vì những khổ đau kinh khiếp của nhà lửa tam giới.
2- Bồ đề tâm: để đạt được một sự giải thoát như thế thì phải tạo nên một công đức lớn lao, mà không vì hơn là phát nguyện tu để đạt đến kết quả giải thoát giác ngộ để có năng lực hổ trợ tất cả chúng sinh cùng thoát ly sinh tử và chứng quả giác ngộ.
3- Tính Không: chỉ có tuệ trí thực chứng tính Không mới có thể triệt tiêu tất cả mọi phiền não vọng tưởng và đạt đến giải thoát giác ngộ.
Và đối với đạo pháp Kim Cương Thừa, đức Dalai Lama thường nhắc nhở mỗi khi thuyết giảng hay truyền pháp là, nếu quý vị đến đây nhận lễ truyền pháp này để cầu phước báu, hay sự giải thoát cho riêng mình là sai lầm.
Trong Thanh Tịnh Đạo Luận[6] có nói đến ba bậc phát tâm để tu tập:
Bậc hạ để cầu tái sinh hưởng phước báu.
Bậc trung để cầu sự giải thoát sinh tử.
Bậc thượng tu vì tất cả chúng sinh.
Đấy là sự phát tâm lập cước ngay từ lúc đầu, nhưng trong Lộ trình Tiệm Tiến Lamrim cũng nói đến ba tầng bậc tương tự như vậy, nhưng đấy là những nấc thang để tiến lần lên sự giác ngộ tối hậu.
Đức Dalai Lama cũng từng nói trong quyển Mật Thừa [Tantra, Vajrayana] Tây Tạng rằng[7]:
Nguyện vọng vị tha hướng đến giác ngộ tối thượng vì tất cả chúng sanh là nền tảng của sự thực hành của một Bồ-tát trong cả hai Thừa Hoàn Thiện và Kim Cương thừa. Nguyện vọng vị tha được khởi dẫn từ tình thương và bi mẫn, chúng là kết quả của việc nhìn thấy sự khổ đau của vòng sanh tử, phát sanh ý muốn từ bỏ nó, và rồi áp dụng cái hiểu biết này cho những người khác. NẾU MỘT NGƯỜI KHÔNG MUỐN THOÁT KHỎI VÒNG SANH TỬ, THÌ KHÔNG THỂ NÀO MONG MUỐN CHO NHỮNG NGƯỜI KHÁC THOÁT KHỎI NÓ. Ý muốn từ bỏ vòng sanh tử này là chung cho cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa và trong Đại thừa thì chung cho cả Thừa Hoàn Thiện [Ba-la-mật-đa thừa] và Kim Cương thừa.
Thiền sư Nhất Hạnh cũng nói trong Năng Lực của Cầu Nguyện rằng:
Ba điều cầu nguyện thông thường là sức khoẻ, sự thành đạt, và sự hài hoà. Nhưng đối với người xuất gia thì có khác, điều cầu nguyện trước tiên nhất của người xuất gia là vượt thoát sinh tử và thực hiện cho được sự an lạc hạnh phúc của pháp giới bản môn ngay trong thế giới tích môn.
Nguyện mọi người khi đọc đến tác phẩm rất súc tích này để thấy những lời vàng ngọc của đức Dalai Lama để có sự lựa chọn rõ ràng cho lộ trình tu tập của mình để đạt đến kết quả tối hậu, như một mục tiêu của mình khi đến với đạo Phật.
Nguyện đem công đức này dâng lên đức Dalai Lama, các bậc thầy tổ, cùng tất cả chúng sinh cùng đạt đến kết quả giải thoát giác ngộ. Xin cám ơn sự giới thiệu và hiệu đính của đạo hữu Làng Đậu, dù biết rằng khả năng của Tuệ Uyển rất hạn chế, nhưng được sự khuyến khích của anh, cùng muốn giáo pháp của đức Dalai Lama một trong những bậc Đạo sư vĩ đại nhất của thời đại được lưu bố, như cơn mưa tưới xuống thế gian này nên tác phẩm có cơ duyên được hiện diện. Rất hổ thẹn vì khả năng, cùng sự thiếu sót của mình.
Nguyện cho mây lành từ ái và mưa pháp bi mẫn che chở và tưới mát khắp thế gian.
Nam-mô A-di-đà Phật
Tuệ Uyển
------------------------------------
[1] Trí Di (智顗 538 - 597) được coi là Tổ thứ tư của Thiên Thai tông; đệ tử của Huệ Tư, Tổ thứ ba của Thiên Thai tông. Ông tu trên núi Thiên Thai thuộc tỉnh Chiết Giang 22 năm cho đến khi mất để nghiên cứu Phật học. Tùy Dưỡng Đế đã ban cho ông danh hiệu Trí Giả, nên ông được người đời tôn xưng là Trí Giả đại sư hay Thiên Thai đại sư. Nhiều tài liệu đã phổ biến tên không chính xác của ông là Trí Khải.
”Trí Di”. Wikipedia. <http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%AD_Di>. Truy cập23/08/2010
[2] Trích Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Quyển thứ Nhất. Phẩm “Tựa” . Kệ 18.”Kinh Diệu-Pháp Liên Hoa”. Con Đường Thiện Đạo. <http://conduongthiendao.com/PhatDao/KinhPhat/DieuPhapLienHoa/PD-KP-DPLH-QuyenThuNhat-Index.htm>. Truy cập23/08/2010.
[3] Trong bản dịch này từ đây về sau chúng tôi sẽ dùng các thuật ngữ “con đường”, “lộ trình”, “đạo”, hay “đạo pháp” với cùng một ý nghĩa.
[4] Còn gọi là Tông-khách-ba, 1357-1419, là một vị Lama lớn của Tây Tạng, nhà cải cách lừng danh của Phật giáo tại đây. Sư sáng lập tông phái Cách-lỗ [gelugpa], với một trong những giáo pháp quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng là giáo pháp Lamrim Chenmo [Bồ-đề Đạo Thứ Luận hay Giai Trình Của Giác Ngộ].
Sư sinh ra trong lúc các Tạng kinh tại Tây Tạng đã được biên soạn xong nhưng Sư chủ trương soát xét lại toàn bộ kinh điển và tổng kết thành quả của mình trong hai tác phẩm chính: Bồ-đề đạo thứ đệ và Chân ngôn đạo thứ đệ. Sư là người xây dựng nhiều tháp quan trọng tại Tây Tạng như Drepung, Sera và Ganden.
”Tông-khách-ba”. Wikipedia. <http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B4ng-kh%C3%A1ch-ba>. Truy cập 26/08/2010.
[5] Trích từ Bài giảng tóm lược của đức Dalai Lama về tác phẩm “Ba Phương Diện Chính Yếu của Con Đường”. Tsongkhapa. Anh ngữ: Alexander Berzin. Việt Ngữ: Tuệ Uyển.
<http://vnthuquan.net/diendan/(S(hmjvq245xfxxtw45ohjgtibl))/tm.aspx?m=546981>. Truy cập 23/08/2010.
[6] Thanh Tịnh Đạo (p. visuddhi-magga), nghĩa là "con đường dẫn đến thanh tịnh", là tên của một bộ luận cơ bản của Thượng Toạ Bộ (p. theravādin), được Phật Âm (p. buddhaghosa) soạn trong khoảng thế kỉ thứ 5. Thanh Tịnh Đạo trình bày giáo lí của Đại Tự (p. mahāvihāra), một trong những trường phái Pali.
Bộ luận này gồm có 3 phần với 23 chương: chương 1-2 nói về Giới, chương 3-13 nói về Định và chương 14-23 nói về Huệ. Phần nói về định trình bày rõ các phương pháp và đối tượng quán niệm của Thượng Toạ bộ, khả năng phát triển và thánh quả của các phép thiền định. Trong phần Huệ, Thanh tịnh đạo trình bày giáo lí cơ bản của đạo Phật như Tứ Điệu Đế, Duyên Khởi, Bát Chính Đạo...
“Thanh Tịnh Đạo”. <http://vi.wikipedia.org/wiki/Thanh_t%E1%BB%8Bnh_%C4%91%E1%BA%A1o>. Wikipedia. Truy cập 25/08/2010
[7] Trích từ phần III Phụ Lục trả lời phỏng vấn của đức Dalai Lama.
“Tantra in Tibet”. Tsongkhapa. Dalai Lama ‘s teaching. Eng. Trans. Jeffrey Hopkins. Viet. Trans. An Phong.
<http://www.quangduc.com/mattong/43matthuataytang3.html>.