Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

 

CHƯƠNG VII
NỖ LỰC
 
Đối với phần lớn chúng ta, trọn vẹn đời sống của chúng ta được xây dựng trên nỗ lực, một hình thức của ý chí. Chúng ta không thể nào ý niệm được một hành động mà không có lòng sở cầu, không có ý chí, không có nỗ lực. Trọn cuộc đời của chúng ta đã được xây dựng trên nỗ lực. Đời sống xã hội, kinh tế và đời sống gọi là đời sống “tâm linh” đều là một chuỗi dài những nỗ lực liên tiếp, luôn luôn được tựu hội thành ra một kết quả nào đó . Rồi chúng ta nghĩ rằng nỗ lực rất chính yếu, cần thiết.
Tại sao chúng ta cố gắng, nỗ lực, chịu khó ? Nói một cách giản dị, phải chăng chúng ta nỗ lực cố gắng để đạt đến một kết quả, để trở thành một nhân vật nào đó, trở thành một cái gì đó, đạt tới mục đích ? Nếu chúng ta không nỗ lực, chúng ta nghĩ rằng mình sẽ thoái bộ, ngưng trệ. Chúng ta có một ý tưởng về mục đích mà chúng ta thường xuyên cố gắng đạt tới ; và sự cố gắng nỗ lực này trở nên thành phần của đời sống chúng ta . Nếu chúng ta muốn thay đổi chuyển hóa bản thân, nếu chúng ta muốn mang đến một sự thay đổi triệt để cho bản thân, chúng ta phải cố gắng , phải nỗ lực hết sức để tiêu trừ những thói xấu, để chống kháng lại ảnh hưởng hoàn cảnh thông thường, vân vân. Vì vậy, chúng ta đã quen thuộc với chuỗi nỗ lực liên tục để tìm thấy và đạt tới một sự thể nào đó để mà có thể sống ra hồn.
Phải chăng nỗ lực như thế là sinh hoạt của bản ngã ? Phải chăng nỗ lực là sinh hoạt vị kỷ ?
Nếu nỗ lực của chúng ta xuất phát từ trung tâm bản ngã, nhất định nỗ lực ấy sẽ tạo ra thêm nhiều xung đột, thêm nhiều hỗn loạn, thêm nhiều thống khổ. Tuy thế chúng ta vẫn tiếp tục hành động từ nỗ lực này đến nỗ lực khác. Ít có người nào trong chúng ta ý thức được rằng sinh hoạt vị kỷ của nỗ lực không thể nào làm sáng tỏ bất cứ vấn đề nào của chúng ta ; trái lại, nỗ lực chỉ gia tăng sự hỗn loạn, sự thống khổ đau đớn trong đời sống của chúng ta. Chúng ta biết như vậy ; thế mà chúng ta vẫn tiếp tục hy vọng thế nào rồi cũng phá vỡ được sinh hoạt vị ngã của nỗ lực, tức là hành động của ý chí.
Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của đời sống, nếu chúng ta hiểu được ý nghĩa của sự nỗ lực. Hạnh phúc có thể đạt được nhờ nỗ lực không ? Ngài có bao giờ cố gắng hạnh phúc không ? Không, không thể nào được, phải thế ? Ngài cố gắng cầm cự tranh đấu để được hạnh phúc và hạnh phúc cũng không xuất hiện , phải thế ? Niềm vui không thể thực hiện bằng cách đàn áp, bằng cách kiềm chế hay sa đọa bừa bãi. Ngài có thể sa đọa bừa bãi nhưng rốt ráo rồi sẽ nếm vị chua cay. Ngài có thể đàn áp hay chế ngự nhưng âm ĩ tiềm tàng vẫn luôn luôn là sự xung đột đấu tranh. Do đó, hạnh phúc không thể xuất hiện bằng nỗ lực, niềm vui cũng không thể xuất hiện bằng sự kiểm soát kiềm chế và đàn áp ; vậy mà tất cả đời sống của chúng ta chỉ là một chuỗi dài gồm toàn những sự đàn áp, những sự kiềm chế, những sự sa đọa đầy hối tiếc. Đồng thời chúng ta thấy ở đâu cũng là sự hiếu thắng thường xuyên, cố gắng để vượt qua, tranh đấu thường xuyên với những đam mê của mình, với lòng tham lam và sự ngu xuẩn của mình. Vậy thì có phải chúng ta đã cố gắng, đã chiến đấu, đã nỗ lực mong muốn tìm thấy hạnh phúc, tìm thấy một cái gì đó mà có thể mang đến cho chúng ta cảm giác thanh bình, một xúc cảm thương yêu ? Tuy nhiên, có phải tình thương hay sự giao cảm có thể xuất hiện bằng sự nỗ lực tranh đấu ? Tôi nghĩ rằng việc hiểu được ý nghĩa của sự tranh đấu, của sự cố gắng hay nỗ lực là một điều vô cùng quan trọng.
Phải chăng nỗ lực có nghĩa là tranh đấu thay đổi cái đang thành ra một cái khác hay thành ra cái mình muốn nó phải là, phải trở nên như những ý muốn của mình ? Nghĩa là chúng ta thường xuyên tranh đấu cố gắng trốn tránh đối mặt với cái đang , hay là chúng ta cố gắng chạy thoát khỏi nó hay cố gắng biến thể hay biến chuyển hiện thể, cái đang , tức là thực tại. Một người thực sự tự tại, bằng lòng, tự túc là một người hiểu được cái đang , đặt đúng cái ý nghĩa của cái đang . Đó mới là lòng tự tại chân chính, sự tự tại ấy không dính dáng gì với việc có được ít hay nhiều vật sở hữu mà lại chỉ bận tâm tìm hiểu ý nghĩa trọn vẹn của cái đang ; và cái đang  chỉ có thể xuất hiện khi ngài tri nhận nó, khi ngài ý thức nó, chứ không phải khi các ngài cố gắng biến chuyển hoặc cố gắng thay đổi nó.
Thế thì chúng ta thấy rằng nỗ lực là một sự cố gắng hay là một sự tranh đấu để biến thể cái đang trở thành cái mà mình muốn nó là. Tôi chỉ nói về sự chiến đấu tâm lý chứ không phải sự chiến đấu với một vấn đề vật lý, như công tác kỹ sư hay một sự khám phá nào đó hay sự biến chuyển nào đó hoàn toàn có tính cách kỹ thuật. Tôi chỉ nói đến sự chiến đấu về mặt tâm lý mà sự chiến đấu này luôn luôn chế ngự phạm vi kỹ thuật. Ngài có thể xây cất một xã hội tuyệt vời với tất cả sự săn sóc đàng hoàng, áp dụng kiến thức vô hạn mà khoa học đã mang đến cho chúng ta . Nhưng khi mà sự chiến đấu tâm lý, sự tranh đấu và chiến đấu không được lý giải, cùng đặc sắc và lưu hướng tâm lý không được chế ngự, dù là cơ cấu xã hội có được xây dựng một cách tuyệt vời đi nữa thì sớm muộn gì cũng phải sụp đổ, đó là điều thường xảy ra trên đời này.
Nỗ lực là sự lôi cuốn ra ngoài cái đang . Vừa khi tôi chấp nhận cái đang  thì không còn sự chiến đấu nữa. Bất cứ hình thức nào của sự cố gắng hay sự chiến đấu chỉ là dấu hiệu của sự xao lãng và sự xao lãng ấy, tức là nỗ lực, phải luôn luôn hiện hữu khi mà tôi muốn chuyển hóa cái đang  trở thành một cái không phải là nó trên bình diện tâm lý.
Trước tiên chúng ta phải tự do để thấy rằng niềm vui và hạnh phúc không phải xuất phát từ sự nỗ lực. Sự sáng tạo có phải xuất hiện nhờ nỗ lực hay là chỉ có sự sáng tạo là khi nào tất cả nỗ lực đều chấm dứt ? Khi nào các ngài viết, vẽ và hát ? Khi nào các ngài sáng tạo ? Chắc chắn là khi nào không có nỗ lực, khi nào các ngài hoàn toàn cởi mở, khi nào các ngài tiếp thông giao cảm ở tất cả mọi địa hạt trình độ, được hoàn toàn nhập thể. Lúc ấy mới có niềm vui xuất hiện, lúc ấy ngài bắt đầu ca hát hoặc làm thơ hoặc vẽ tranh hay khuôn đúc một cái gì đó. Giây phút sáng tạo không xuất phát từ sự chiến đấu, sự cố gắng. Có lẽ khi hiểu được vấn đề sáng tạo chúng ta sẽ có thể hiểu được ý nghĩa của nỗ lực. Tâm hồn sáng tạo có phải là hậu quả của nỗ lực, và chúng ta có ý thức được trong những khoảnh khắc tâm tư chúng ta ở trạng thái sáng tạo ? Hay tư thái sáng tạo phải chăng là cảm giác của sự tự quên mình một cách hoàn toàn, cảm giác rằng không còn hỗn loạn trong tâm tư khi mà mình hoàn toàn vô tư lự về sự vận hành của tư tưởng , khi mà hiện thể được sung mãn, trọn vẹn, phong phú ? Trạng thái ấy có phải là kết quả của sự làm việc vất vả, của sự lao tác gian nan, sự chiến đấu xung đột và nỗ lực ? Tôi không biết rằng các ngài có bao giờ để ý khi các ngài làm một việc gì đó một cách dễ dàng nhanh nhẹn thì không có nỗ lực gì cả ; sự chiến đấu cầm cự, cố gắng hoàn toàn không có, nhưng vì đời sống của chúng ta hầu hết chỉ là một chuỗi dài những cuộc giao tranh xung đột và tranh đấu , chúng ta không thể nào hình dung được một đời sống, một trạng thể mà sự cố gắng hoàn toàn dứt tuyệt.
Muốn hiểu được trạng thể không nỗ lực cố gắng, trạng thể của đời sống sáng tạo, chắc chắn chúng ta phải đi sâu vào vấn đề nỗ lực. Khi nói nỗ lực, chúng ta muốn nói cố gắng để tự thành đạt, để trở thành một cái gì đó phải thế không ? Tôi là thế này và tôi muốn trở nên thế khác ; tôi không là thế kia và tôi muốn trở nên thế kia. Trong việc trở thành thế kia, hiển nhiên xuất hiện sự cố gắng, chiến đấu, xung đột, tranh đấu. Trong sự tranh đấu này nhất định chúng ta bận tâm đến việc thành đạt bằng cách thu lượm cứu cánh nào đó, chúng ta tìm kiếm thực hiện bản thân trong một đối tượng, trong một con người, trong một ý tưởng và việc ấy đòi hỏi sự chiến đấu thường xuyên, sự tranh đấu, nỗ lực trở thành, cố gắng thành đạt. Vì thế chúng ta cho rằng sự nỗ lực ấy là một điều không thể tránh, và tôi muốn đặt nghi vấn rằng phải chăng điều ấy không thể tránh, nghĩa là điều muốn trở thành một cái gì đó ? Tại sao có sự tranh đấu như vậy ? Ở đâu có lòng ham muốn thành đạt ở bất cứ cấp độ nào, ở bất cứ trình độ nào, thì ở đó luôn luôn có sự tranh đấu. Sự thành đạt là nguyên động lực, đà thúc đẩy đàng sau nỗ lực, không phân biệt chỗ sai biệt giữa sự thành đạt nơi tâm thức của một người cầm quyền to tát, bà nội trợ hay một người nghèo, ở đâu cũng có sự chiến đấu để trở thành, để thành đạt danh phận.
Vậy thì tại sao lại có khát vọng muốn thành đạt bản thân ? Hiển nhiên khát vọng muốn thành đạt, muốn trở nên một cái gì đó, chỉ xuất hiện khi mình có ý thức rằng mình không là gì cả. Bởi vì tôi không là gì cả, bởi vì tôi thiếu thốn nghèo nàn nội tâm cho nên tôi tranh đấu để trở nên một cái gì đó ; bên ngoài hoặc bên trong tâm tư, tôi chiến đấu để thành đạt bản thân qua vị thế một người nào đó, qua một sự vật nào đó, qua một ý tưởng nào đó. Lấp đầy khoảng trống là trọn vẹn tiến trình của đời sống chúng ta . Ý thức được rằng mình trống rỗng, nghèo nàn trong tâm tư, thì mình liền cố gắng để thu góp những sự vật bên ngoài hay để vun xới sự giàu sang bên trong. Nỗ lực chỉ xuất hiện khi chúng ta trốn thoát sự trống rỗng nội tâm bằng hành động, bằng trầm tư mặc tưởng, bằng gia tăng tài sản, bằng thành công, thành tựu, bằng quyền thế, vân vân. Đó là đời sống thường nhật của chúng ta . Tôi ý thức rằng tôi thiếu thốn nghèo nàn nội tâm và tôi cố gắng chạy trốn nó hoặc lấp đầy nó. Sự chạy trốn, sự trốn tránh ấy hay sự cố gắng khuất lấp nỗi trống rỗng ấy chỉ gây ra sự chiến đấu, tương tranh, nỗ lực.
Vậy nếu mình không nỗ lực để chạy trốn thì những gì sẽ xảy ra ? Mình sống với sự cô đơn ấy, sống với sự trống rỗng kia ; và chấp nhận sự trống rỗng kia mình sẽ thấy rằng trạng thái sáng tạo xuất hiện và trạng thái sáng tạo ấy không có dính líu gì với sự chiến đấu, với sự nỗ lực. Sự nỗ lực chỉ hiện hữu khi mà chúng ta cố gắng trốn tránh nỗi cô đơn tâm tư, sự trống rỗng khôn cùng của nội tâm ; nhưng khi chúng ta nhìn sự cô đơn trống rỗng ấy, ngắm nó, khi chúng ta chấp nhận cái đang mà không trốn tránh, thì chúng ta sẽ thấy rằng tư thái hiện thể xuất hiện và tất cả sự tranh đấu đều chấm dứt.Trạng thái hiện thể ấy là tính chất sáng tạo và đó không phải là kết quả của sự chiến đấu.
Nhưng khi mình hiểu được cái đang , tức là sự trống rỗng, sự thiếu thốn nội tâm, khi mình sống với sự thiếu thốn ấy và hiểu nó trọn vẹn thì thực tại sáng tạo, lòng thông minh sáng tạo xuất hiện và chỉ có thế mới mang đến hạnh phúc.
Do đó, hành động như chúng ta từng biết thực ra chỉ là phản ứng, đó là một sự trở thành không ngừng, nghĩa là chối bỏ, trốn tránh cái đang ; nhưng khi mình ý thức sự trống rỗng mà không còn chọn lựa, không còn kết án hoặc biện minh, lúc bấy giờ vừa lúc hiểu được cái đang thì liền xuất hiện hành động, hành động ấy là hiện thể sáng tạo. Các ngài sẽ hiểu điều ấy khi các ngài tự ý thức mình trong hành động. Các ngài hãy ngắm nhìn các ngài khi các ngài hành động. Chẳng những ngắm nhìn bên ngoài thôi mà hãy nhìn đồng thời sự vận hành của tư tưởng và cảm giác các ngài. Khi các ngài ý thức sự vận hành ấy, các ngài sẽ thấy rằng tiến trình tư tưởng, tức là cả cảm giác và hành động, được xây dựng trên ý tưởng muốn trở thành. Ý tưởng muốn trở thành chỉ xuất hiện khi mình có cảm giác bất an tâm hồn, và cảm giác bất an ấy chỉ đến khi mình ý thức sự trống rỗng bên trong tâm tư. Nếu các ngài ý thức được tiến trình tư tưởng và cảm giác, các ngài sẽ thấy rằng có một sự chiến đấu liên tục, một nỗ lực muốn thay đổi, muốn chuyển hóa, muốn chuyển biến cái đang . Đó là nỗ lực muốn thành đạt và muốn thành đạt là trốn tránh trực tiếp cái đang . Nhờ tự tri, nhờ ý thức thường xuyên các ngài thấy rằng sự chiến đấu, sự cố gắng, sự xung đột trong việc muốn thành đạt đưa dẫn đến sự đau khổ, u sầu và mê muội. Chỉ khi nào các ngài ý thức sự thiếu thốn nội tâm và sống với nó mà không trốn tránh, chấp nhận nó trọn vẹn thì các ngài sẽ khám phá một sự tĩnh lặng phi thường, sự tĩnh lặng không phải được sắp đặt cấu thành mà là một sự tĩnh lặng chỉ xuất hiện khi mình hiểu được cái đang . Chỉ trong trạng thái tĩnh lặng ấy mới bừng lên hiện thể sáng tạo.
Xem mục lục