CHƯƠNG III
CÁ THỂ VÀ XÃ HỘI
Vấn đề hiện nay chúng ta phải đối mặt là tìm hiểu rằng cá thể chỉ là dụng cụ của xã hội hay cứu cánh của xã hội. Các ngài và tôi, những cá thể, đã bị xã hội và chính quyền lạm dụng, hướng dẫn giáo dục, kiểm soát, huấn luyện theo một mẫu mực nào đó; hay là xã hội và quốc gia hiện hữu cho cá thể? Cá thể là cứu cánh của xã hội hay chỉ là một hình nộm được dạy bảo, khai thác, làm vật hy sinh như là dụng cụ của chiến tranh? Đó là vấn đề hầu hết tất cả chúng ta phải đối mặt. Đó là vấn đề của thế giới; chúng ta phải tìm hiểu rằng cá thể chỉ là một dụng cụ của xã hội, một trò chơi được nhào nặn với những ảnh hưởng; hay xã hội hiện hữu để phụng sự cho cá thể.
Các ngài làm thế nào để khám phá ra điều ấy? Đó là một vấn đề trầm trọng, phải thế không? Nếu cá thể chỉ là dụng cụ của xã hội , thế thì xã hội lại quan trọng hơn là cá thể. Nếu sự thực là thế, chúng ta phải bỏ cá tính và phải phụng sự xã hội, tất cả hệ thống giáo dục của chúng ta phải được thay đổi hoàn toàn và cá thể phải bị dùng như là dụng cụ để thủ tiêu, để thanh trừng và hoại diệt. Nhưng nếu xã hội được dựng ra cho cá thể thì vai trò xã hội là không phải bắt cá thể quy theo mẫu mực nào, nhưng giúp cá thể có được cảm giác bén nhạy và khát vọng tự do. Vì thế chúng ta phải tìm hiểu đâu là sai lầm giả tạo, hư vị.
Làm thế nào các ngài có thể đi sâu vào vấn đề này ? Đó phải chăng là vấn đề chính yếu? Vấn đề ấy không tùy thuộc vào bất cứ một ý thức hệ nào, dù là tả phái hay hữu phái : nếu vấn đề ấy tùy thuộc vào một ý thức hệ thì nó chỉ là một vấn đề ý kiến. Những ý tưởng chỉ luôn luôn tạo ra thù hằn, hỗn loạn, xung đột. Nếu các ngài nương cậy vào những quyển sách của phái tả hay phái hữu hoặc vào những sách thiêng liêng, các ngài chỉ nương cậy vào ý kiến, dù là ý kiến của Phật, chúa Ki Tô, của chủ nghĩa Tư bản, Cộng sản hay bất cứ ý kiến nào. Tất cả cũng chỉ là ý tưởng, những ý tưởng, chứ không phải là chân lý. Người ta không có thể nào phủ nhận một sự kiện. Người ta chỉ có thể phủ nhận ý kiến về sự kiện. Nếu chúng ta có thể khám phá ra sự thực của vấn đề là gì thì chúng ta có thể hành động một cách độc lập ngoài tất cả những ý kiến. Do đó chúng ta cần phải xua đuổi những gì người khác đã nói, phải thế không? Ý kiến của phái tả hay của những lãnh tụ khác chỉ là kết quả của sự quy định của họ, vì thế khi các ngài phải nương cậy vào chính sự khám phá của các ngài về những gì đã tìm được trong những quyển sách thì các ngài chỉ bị ràng buộc bởi ý kiến. Đó không phải là vấn đề kiến thức.
Làm thế nào mà người ta có thể khám phá ra sự thực của điều ấy ? Chúng ta sẽ hành động trên sự thực ấy. Muốn khám phá ra sự thực của điều ấy, chúng ta phải tự do, phải thoát khỏi tất cả mọi sự tuyên truyền, nói thế có nghĩa là các ngài phải có khả năng nhìn thẳng vào vấn đề, độc lập bên ngoài tất cả ý kiến. Toàn thể sứ mạng của giáo dục là đánh thức cá thể. Muốn thấy được sự thực ấy, các ngài phải minh bạch, nghĩa là các ngài không thể nương cậy vào một lãnh tụ. Khi các ngài chọn một lãnh tụ, các ngài chỉ làm thế vì tâm trí các ngài hỗn loạn, và lãnh tụ của các ngài cũng hỗn loạn, đó là điều đang xảy ra hiện nay tại thế giới. Vì thế các ngài không thể mong chờ lãnh tụ các ngài sẽ hướng dẫn các ngài.
Một tâm trí muốn thông suốt một vấn đề thì chẳng những hiểu được vấn đề một cách trọn vẹn hoàn bị, mà còn phải có khả năng theo dõi vấn đề một cách nhanh chóng linh động, bởi vì vấn đề luôn luôn linh động, chứ không bất di bất dịch. Vấn đề luôn luôn mới lạ dù là vấn đề đói kém, vấn đề tâm lý hay bất cứ vấn đề nào khác. Bất cứ một cuộc khủng hoảng nào cũng đều mới lạ, vì thế muốn hiểu cuộc khủng hoảng ấy, tâm trí chúng ta phải luôn luôn tươi tắn, trong suốt, nhanh nhẹn trong việc đuổi theo nó. Tôi nghĩ rằng hầu hết chúng ta đều ý thức được sự khẩn cấp của một cuộc cách mạng nội tâm, chỉ có cuộc cách mạng nội tâm ấy mới có thể đem đến sự thay đổi căn bản, thay đổi một nền tảng, thay đổi nền móng của thế giới bên ngoài và của xã hội. Đó là vấn đề mà chính tôi và những người có thiện chí đứng đắn đang để tâm. Làm thế nào để mang đến một cuộc thay đổi nền tảng cho xã hội, đó là vấn đề của chúng ta, và cuộc thay đổi ngoại giới không thể nào xuất hiện nếu không có cuộc cách mạng nội tâm. Bởi vì xã hội thì luôn luôn bất di bất dịch mà bất cứ sự hành động nào, bất cứ sự cải tạo nào đều trở nên bất di dịch, nếu không có cuộc cách mạng bên trong tâm hồn. Như thế chúng ta không thể nào mong đợi gì nữa nếu cuộc cách mạng nội tâm không thường xuyên xảy ra, vì nếu không có cuộc cách mạng bên trong tâm hồn thì hành động bên ngoài chỉ là việc lặp đi lặp lại theo thói quen. Cử chỉ giao tiếp giữa các ngài và một người khác, tạo thành xã hội ; và xã hội sẽ trở thành một thực thể chết không linh động ; nó sẽ không còn giữ được một nguồn sinh lực nào nữa khi mà cuộc cách mạng nội tâm thường xuyên không thể hiện được, cuộc cách mạng nội tâm là sự chuyển hóa tâm lý sáng tạo, và xã hội vẫn luôn luôn là bất động ứ đọng lại, kết tụ lại, nếu cuộc cách mạng thường xuyên trong tâm hồn không xuất hiện. Chúng ta phải thường xuyên phá vỡ xã hội bất động ấy.
Tương quan với các ngài và sự khốn khổ và sự hỗn loạn bên trong tâm hồn các ngài và chung quang các ngài, tương quan ấy là gì ? Hiển nhiên sự hỗn loạn ấy, sự khốn khổ ấy không thể nào xuất hiện riêng rẽ được, chính các ngài và tôi đã tạo ra nó chứ không phải một nhà tư bản nào khác, hay một người Cộng sản nào khác, cũng không phải bất cứ một xã hội Phát xít nào, nhưng chính các ngài và tôi đã tạo ra sự hỗn loạn ấy trong sự giao tiếp hỗ tương của chúng ta. Những gì bên trong tâm hồn các ngài đã được phóng đại thể hiện ra bên ngoài nơi thế giới bên ngoài; các ngài là gì, các ngài nghĩ gì, các ngài cảm thấy gì, các ngài làm gì trong đời sống thường nhật thì tất cả những sự việc ấy đã được thể hiện ra bên ngoài và những sự việc ấy làm thành thế giới. Nếu chúng ta khốn khổ, bấn loạn, hỗn loạn nội tâm thì tất cả những thứ ấy được phóng ra bên ngoài để thể hiện thành thế giới con người, thành xã hội, bởi vì tương quan giữa các ngài và tôi, giữa tôi và một người khác chính là xã hội và xã hội là sản phẩm của sự tương quan hỗ tương của chúng ta và nếu sự tương quan hỗ tương ấy mà bấn loạn vị kỷ, nông cạn hẹp hòi, quốc gia cục bộ, thì chúng ta phóng đại thể hiện những điều ấy ra bên ngoài và tạo ra sự hỗn loạn trên thế giới. Các ngài thế nào là sao thì thế giới là thế. Vậy thì vấn đề của các ngài chính là vấn đề của thế giới. Hiển nhiên đây là một sự kiện đơn giản căn bản, có phải thế không? Trong sự giao tiếp của chúng ta với một người hay nhiều người, chúng ta dường như bỏ quên, luôn luôn bỏ quên điểm ấy. Chúng ta muốn đem đến một sự thay đổi bằng một hệ thống ý thức mà quên rằng chính các ngài và tôi đã tạo ra xã hội, chính các ngài và tôi đã tạo ra sự hỗn loạn hay trật tự bằng chính lối sống của chúng ta. Thế thì chúng ta phải bắt đầu ngay tại đây, bắt đầu bằng những gì gần bên chúng ta, chúng ta phải lưu tâm để ý đến chính bản thân mình trong đời sống thường nhật, trong những tư tưởng hàng ngày, những cảm giác và những hành động, những gì đã được tỏ bày ra trong lề lối mưu sinh và trong sự giao tiếp của chúng ta với những ý tưởng hoặc những tín ngưỡng. Phải chăng đó là đời sống hàng ngày của chúng ta? Chúng ta bận bịu với cơm áo, với việc làm, để kiếm tìm; chúng ta bận bịu với việc xử sự trong gia đình hoặc với những kẻ láng giềng, và chúng ta bận bịu với những ý tưởng và với những tín ngưỡng.
Bây giờ nếu các ngài khảo sát mối bận tâm lo lắng của các ngài thì các ngài sẽ thấy rằng sự bận bịu ấy đã được hình thành trên sự đố kỵ thèm muốn, nó không phải chỉ là một phương tiện để mưu sinh mà thôi. Xã hội chỉ được xây dựng để trở thành tiến trình của sự xung đột thường xuyên của sự chuyển thành liên tục ; nó đã được xây dựng trên sự tham lam, trên sự thèm muốn đố kỵ, thèm muốn đố kỵ những người địa vị cao hơn các ngài ; người thư ký muốn trở thành ông giám đốc, điều ấy chỉ chứng tỏ rằng hắn không phải chỉ bận bịu với việc sinh sống, bận bịu với phương tiện mưu sinh, mà còn muốn được địa vị và uy thế. Thái độ ấy hiển nhiên chỉ tạo ra sự xáo trộn trong xã hội, trong tương quan giữa con người, nhưng nếu các ngài và tôi chỉ bận bịu có việc sinh sống thì chúng ta phải tìm ra một phương tiện chính trực để sinh nhai, tìm ra một phương tiện không xuất phát từ lòng ham muốn đố kỵ; sự đố kỵ, thèm muốn là một trong những yếu tố tai hại trong sự giao tiếp giữa con người; bởi vì lòng đố kỹ ghen ghét chỉ chứng tỏ lòng ham muốn quyền thế, ham muốn địa vị, và điều ấy sau rốt dẫn đến chính trị : chính trị và lòng tham dục có liên quan mật thiết với nhau. Khi một người thư ký tìm cách trở thành một ông giám đốc thì việc ấy trở nên yếu tố tạo tác chính trị tham quyền : chiến tranh đã xuất phát từ đó ; do đó người thư ký ấy đã trực tiếp chịu trách nhiệm trong cuộc chiến tranh.
Sự giao tế của chúng ta đã được xây dựng trên nền tảng nào ? Sự giao thiệp giữa các ngài và tôi, giữa các ngài và người khác là xã hội, thế thì xã hội đã được xây dựng trên nền tảng nào? Hiển nhiên là không phải trên nền tảng tình thương, mặc dù chúng ta đã nói nhiều về tình thương. Xã hội không được xây dựng trên nền tảng tình thương, bởi vì nếu thực sự có tình thương thì sẽ có trật tự, sẽ có hòa bình, hạnh phúc giữa các ngài và tôi . Nhưng trong giao tế giữa các ngài và tôi thì lại có quá nhiều ác ý, không thành thực, và sự không thành thực ấy , thiếu thiện chí ấy đã mang hình thức dáng dấp của sự kính trọng nể nang. Nếu chúng ta đều bình đẳng trong tư tưởng, trong cảm giác thì không phải cần có sự kính trọng nào cả, không cần phải thiếu thành thực, bởi vì chúng ta là hai cá nhân gặp gỡ nhau, không phải gặp gỡ như là trò và thầy, cũng chẳng phải là vợ cai trị chồng. Khi có sự thiếu thiện chí, thiếu thiện ý thành thực thì lòng tham dục lại xuất hiện, lòng tham muốn thống trị đã gây ra, khơi dậy lòng ghen ghét, hờn giận đam mê đắm đuối. Tất cả những thứ ấy trong sự giao tế hàng ngày đã gây ra sự xung đột thường xuyên mà chúng ta đã cố gắng chạy trốn, và chạy trốn lại chỉ tạo ra sự hỗn loạn khác, sự khốn khổ khác.
Nói về những ý tưởng, làm thành đời sống thường nhật của chúng ta, chẳng hạn như những tín ngưỡng và những phương thức, có phải những thứ ấy đã làm méo mó tâm trí chúng ta hay không? Và sự ngu dại là gì? Ngu dại khờ khệch là đặt những giá trị sai lầm vào những sự vật mà ta đã tạo ra. Hầu hết những tư tưởng của chúng ta có phải đều bắt nguồn từ bản năng tự vệ? Ồ phải chăng những ý tưởng chúng ta, ờ, quá nhiều ý tưởng chúng ta , phải chăng những ý tưởng ấy chỉ nhận một ý nghĩa sai lầm mà chính những ý tưởng ấy chẳng hề có trong tự thể? Vì thế khi chúng ta tin tưởng vào bất cứ một hình thức nào, dù là tôn giáo, kinh tế hoặc xã hội, khi chúng ta tin tưởng vào Thượng Đế, vào những ý tưởng, vào một cơ cấu xã hội phân ly con người với con người, và chủ nghĩa quốc gia v.v…Hiển nhiên chúng ta đã đặt một ý nghĩa sai lầm vào tín ngưỡng, điều ấy chỉ chứng tỏ sự khờ khệch ngu dại, bởi vì tín ngưỡng chỉ phân tán con người, chứ không thống nhất con người lại. Thế thì chúng ta đã thấy rằng chính lối sống đã có thể tạo ra trật tự hay hỗn loạn, hòa bình hay xung đột, hạnh phúc hay thống khổ.
Phải chăng vấn đề của chúng ta là tìm hiểu xem có thể nào có được một xã hội bất động và đồng thời có một cá thể mà cuộc cách mạng thường xuyên có thể xuất hiện trong tâm tư của cá thể ấy? Nói thế có nghĩa là cuộc cách mạng trong xã hội phải bắt đầu bằng cuộc chuyển hóa tâm lý trong tâm tư của cá thể. Hầu hết chúng ta đều muốn chứng kiến một cuộc chuyển hóa triệt để trong cơ cấu xã hội. Đó là mặt trận toàn diện đang tiếp diễn hiện nay ở thế giới : người ta muốn đem đến một cuộc cách mạng xã hội bằng phương tiện cộng sản hoặc bất cứ phương tiện nào khác. Nhưng nếu cuộc cách mạng xã hội xảy ra thì đó chỉ là hành động đụng chạm hời hợt đến cơ cấu bên ngoài của con người, dù có cách mạng triệt để đi nữa thì bản chất của cuộc cách mạng xã hội chỉ là một thực thể tĩnh chết bất động, nếu cuộc cách mạng nội tâm không được thể hiện trong cá thể, nếu cuộc chuyển hóa tâm lý không được tựu thành trong cá thể. Thế thì muốn khai sinh một xã hội linh động, không đi lại, không lặp lại đường lối cũ, không tĩnh chết bất động, không đồi phế suy sụp, muốn đem đến một xã hội luôn luôn linh động thì chúng ta nhất định phải tạo ra một cuộc cách mạng trong cơ cấu tâm lý của cá thể, vì nếu không có cuộc cách mạng nội tâm, cách mạng tâm lý thì sự thay đổi hời hợt bên ngoài chẳng có ý nghĩa gì đáng kể cả. Nói thể có nghĩa là xã hội luôn luôn phải bị đọng cứng tĩnh chết, không sống động vì thế luôn luôn suy tàn, sụp độ. Dù có ban hành luật pháp thông minh đến đâu đi nữa thì xã hội luôn luôn lệ thuộc tiến trình thối nát suy tàn, bởi vì cuộc cách mạng phải xảy ra trong tâm tư, chứ không phải chỉ hời hợt bên ngoài.
Tôi nghĩ rằng hiểu được điều ấy là điều rất quan trọng và không nên đề cập qua loa thôi. Hành động ngoại quan, khi nào đã được thành tựu rồi thì chỉ là tĩnh chết bất động ; nếu tương quan giữa những cá thể, tức là xã hội, mà không phải xuất phát từ một cuộc cách mạng nội tâm thì cơ cấu xã hội vốn bản chất là một thực thể tĩnh chết sẽ nuốt lấy cá thể và khiến cá thể ấy cũng trở thành một thực thể tĩnh chết thụ động giống như vậy. Khi ý thức được như vậy, ý thức ý nghĩa tuyệt vời của sự kiện ấy thì việc đồng ý hay bất đồng ý không thành vấn đề. Sự thực không thể phủ nhận là xã hội luôn luôn kết tinh lại và nuốt lấy cá thể; và chúng ta cũng phải nhận rằng cuộc cách mạng sáng tạo thường xuyên chỉ có thể thực hiện trong cá thể, chứ không thể trong xã hội, trong thế giới bên ngoài. Nói thế có nghĩa là cuộc cách mạng sáng tạo chỉ có thể xảy ra trong tương quan cá thể, tức là xã hội. Chúng ta đã thấy cơ cấu xã hội hiện tại ở Ấn độ, Âu châu và Mỹ châu, trong toàn thể thế giới, cơ cấu xã hội đã bị phân hóa một cách nhanh chóng ; chúng ta có thể biết được sự kiện ấy ngay chính trong đời sống của chúng ta. Chúng ta có thể quan sát nó lúc chúng ta đi xuống phố. Chúng ta không cần phải chờ những sử gia vĩ đại kể cho chúng ta biết rằng xã hội chúng ta đang sụp đổ và đòi hỏi những kiến trúc sư mới, những kẻ xây dựng mới để tạo tác một xã hội mới. Cơ cấu xã hội mới phải được thiết lập trên một nền móng mới, trên những sự kiện và những giá trị mới được khám phá. Những kiến trúc sư như thế vẫn chưa xuất hiện. Chưa kẻ nào muốn xây dựng, chưa có kẻ nào khi quan sát và ý thức được rằng cơ cấu xã hội đang sụp đổ thì chính kẻ ấy, khi vừa ý thức như vậy, liền tự mình chuyển hóa trở thành những kiến trúc sư. Đó mới chính là những vấn đề của chúng ta. Chúng ta đã thấy xã hội đang sụp đổ, phân hóa, và chính chúng ta, các ngài và tôi , phải là những kiến trúc sư. Các ngài và tôi phải khám phá lại những giá trị và xây dựng lại mọi sự trên một nền móng căn bản hơn, trường tồn hơn; bởi vì nếu chúng ta chỉ kỳ vọng nơi kiến trúc sư nhà nghề, nơi những kẻ xây dựng tôn giáo và chính trị thì nhất định chúng ta vẫn luôn luôn bị kẹt trong vị trí cũ và chẳng có gì thay đổi mới lạ cả.
Bởi vì các ngài và tôi không phải là những kẻ sáng tạo, do đó chúng ta đã đẩy xã hội đến tình thế hỗn tạp hiện nay; các ngài và tôi phải là những kẻ sáng tạo, bởi vì vấn đề rất là khẩn trương; các ngài và tôi phải ý thức duyên do nguồn gốc sự sụp đổ xã hội hiện nay và tạo lại một cơ cấu mới xây dựng trên sự tri ngộ sáng tạo của chúng ta, chứ không phải chỉ xây dựng trên sự mô phỏng thụ động. Phải chăng sự tri nhận sáng tạo của chúng ta ngụ ngầm cả tư tưởng phủ nhận. Tư tưởng phủ nhận là hình thức cao nhất của sự giao cảm tri nhận. Nói về tư tưởng phủ nhận là muốn nói đến tư tưởng sáng tạo, muốn hiểu bất cứ điều gì thì cần phải có đầu óc sáng tạo, chúng ta phải đi đến vấn đề một cách tiêu cực, nghĩa là đi trên lộ trình phủ nhận, bởi vì việc đặt vấn đề trên quan điểm tích cực, không có gì là sáng tạo cả ; đi đến bất cứ vấn đề nào một cách tích cực, chỉ là mô phỏng lại đường mòn lối cũ thôi. Nói thế có nghĩa là các ngài và tôi phải trở thành những con người sáng tạo để mà có thể xây dựng một cơ cấu xã hội mới. Muốn hiểu một thảm trạng suy tàn, ta phải khảo sát nó, ngắm nghía nó một cách tiêu cực, bằng đường lối phủ nhận, chứ không thể nào đi đến nó bằng một hệ thống ý thức tích cực, một phương thức xây dựng tích cực, một kết luận chặt chẽ tích cực.
Tại sao xã hội lại sụp đổ, suy tàn, phân tán, như chúng ta đã thấy quá hiển nhiên như thế? Một trong những lý do đưa đến sự tình như thế là vì chính các ngài, những cá thể, đã không còn là những tâm hồn sáng tạo. Tôi xin giải thích cho minh bạch. Các ngài và tôi đã trở thành những kẻ mô phỏng thôi. Chúng ta chỉ phóng tác, chép lại, bắt chước người khác bên trong tâm hồn và bên ngoài xã hội. Ở thế giới bên ngoài, mỗi khi bạn tập một kỹ thuật, mỗi khi trao đổi giao tiếp với nhau trên bình diện ngôn từ, hiển nhiên khó mà tránh được việc mô phỏng, chép lại, bắt chước người khác. Tôi cóp chép lại những lời lẽ của kẻ khác, chẳng hạn. Muốn trở thành lời một kỹ sư, trước tiên phải học kỹ thuật cơ khí, rồi áp dụng kỹ thuật này để xây cất một cái cầu, chẳng hạn. Trong việc áp dụng kỹ thuật ở đời sống thực tế bên ngoài, hiển nhiên chúng ta không thể không mô phỏng, bắt chước, học lại của người khác, nhưng nếu trong đời sống nội tâm , trong sinh hoạt tâm lý mà chúng ta lại mô phỏng lặp lại, chép lại, bắt chước theo người khác thì hiển nhiên chúng ta không còn là những nghệ sỹ sáng tạo nữa. Sự mô phỏng, bắt chước đã qui định tất cả nền tảng giáo dục chúng ta, cơ cấu xã hội chúng ta và đời sống tôn giáo của chúng ta. Như thế là tôi đã tự động khép mình lại trong một phương thức khuôn phép xã hội hay tôn giáo nào đó. Tôi không còn là một tâm hồn sáng tạo, không còn là một cá thể thực sự; đứng về mặt tâm lý, tôi đã trở thành một cái máy lặp đi lặp lại với những phản ứng tự động nhất định; dù là những phản ứng qui định của một người Ấn giáo, Thiên chúa giáo, Phật giáo, của một người Đức hay người Anh ; tất cả những phản ứng ấy đều có tính cách tự động, bị qui định nặng nề. Những phản ứng của chúng ta bị qui định đóng khuôn ăn rập theo mô hình xã hội, không phân biệt xã hội Đông phương hay Tây phương, duy linh hay duy vật. Như thế chúng ta đã thấy rằng một trong những nguyên nhân chính của sự phân tán xã hội là phỏng theo bắt chước , và một trong những yếu tố phân hóa chính là vị trí của người lãnh tụ, mà bản chất của óc lãnh đạo rốt lại cũng chỉ là mô phỏng, vì bắt chước hướng dẫn trên một đường lối hữu hiệu nào đó trong bài học lịch sử,
Muốn hiểu bản chất của xã hội phân hóa, phải chăng chúng ta rất cần phải tìm hiểu xem các ngài và tôi, những cá thể, có thể nào là những con người sáng tạo hay không ? Chúng ta thấy ngay rằng ở đâu có sự mô phỏng bắt chước thì ở đấy nhất định xảy ra nạn phân hóa ly tán ; ở đâu có quyền thế thị uy thì ở đấy có sự đúc khuôn rập mẫu. Bởi vì toàn thể sinh hoạt cấu thể tâm lý, tâm trí của chúng ta được đặt nền tảng trên quyền thế, quyền uy, cho nên, chúng ta cần phải được tự do để giải thoát khỏi uy quyền thế lực, để mà có thể trở nên những con người sáng tạo. Các ngài có để ý rằng trong những khoảnh khắc sáng tạo, những khoảnh khắc tuyệt vời sinh lực, chúng ta không bao giờ có ý thức phải mô phỏng hay bắt chước ai cả ? Những khoảnh khắc như thế thì luôn luôn mới lạ, tươi tắn và nặng chĩu linh giác sáng tạo và triền miên hạnh phúc. Thế thì chắc chúng ta đã nhận rằng một trong những lý do phân hóa xã hội chính là sự mô phỏng bắt chước, tức là sùng bái quyền uy thế lực của người khác.