Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Tâm bất giác vô minh tạo ra cái Ta và năm uẩn, quên mất bổn tánh thanh tịnh, say mê đắm đuối chấp ngã, chấp vào năm uẩn, để rồi lạc lối trong sinh tử muôn kiếp ngàn đời, không có ngày ra. Muốn trở về thì tâm phải xả bỏ, không chấp vào Ta và năm uẩn. Muốn hết chấp Ta thì phải tu vô ngã, đây là con đường chính thống của Phật giáo Nguyên thủy nói riêng và của Phật giáo nói chung. Riêng với Đại thừa Phật giáo thì mục tiêu chính là thành Phật, tức là trở về chân tâm, hay tánh giác. Hai mục đích có vẻ khác nhau, nhưng tu vô ngã cũng chính là trở về chân tâm, bởi vì chân tâm không có ngã, ngã chỉ là một vọng tưởng của tâm. Phật giáo Nguyên thủy nhấn mạnh về vô ngã, còn Đại thừa nhấn mạnh về chân tâm. 

Nhiều người muốn trở về chân tâm, Phật tánh, bổn lai diện mục nhưng không biết tu vô ngã. Tu vô ngã, dẹp trừ được sự chấp ngã chừng nào thì tiến dần về chân tâm chừng nấy. Không tu học vô ngã, lỡ ai đụng vào cái ngã, thì cái Ta nổi sân lên, không sân thì buồn, không buồn thì bực. Bị phiền não sai sử như vậy thì làm sao thấy được chân tâm?

Diệt trừ được ngã chấp thì phiền não không khởi, tâm trở thành thanh tịnh sáng suốt. Một tâm thanh tịnh vô ngã thì gọi là tâm gì? Đó không phải là chân tâm hay sao? Chân tâm là tâm thanh tịnh, không phiền não, không còn bóng dáng của bản ngã. Khi hết mây đen thì bầu trời tự nhiên sáng. Nếu muốn trời trong mà không dẹp mây thì đến bao giờ trời mới sáng?

Tu Vô Ngã hay Tánh Không?

Nhiều người thích học Tánh Không (bát nhã), vì nghĩ đó là một triết lý cao siêu của đạo Phật và không để ý tới vấn đề tu tập vô ngã. Họ bàn luận xem các pháp có hay không, cái bàn, cái ghế có thật hay không có thật, v.v... Nhưng cái bàn có hay không, điều này không quan trọng. Điều quan trọng là cái bàn đối với tôi ra sao? Tôi có ưa thích cái bàn không? Sự vật hay các pháp có thật hay giả không thành vấn đề, vấn đề là tâm tôi phản ứng như thế nào khi tôi tiếp xúc với sự vật. Tôi có ưa thích và ghét bỏ sự vật hay không?

Khi tiếp xúc với sự vật, con người có khuynh hướng phóng ra ngoài để nắm bắt nó qua sự ưa và ghét. Khi mắt thấy sắc đẹp thì cái Ta ưa thích, muốn có cho bằng được, như vợ đẹp, nhà đẹp, xe đẹp, nữ trang đẹp, v.v... Khi mắt thấy cái gì xấu hay không vừa lòng thì Ta ghét bỏ hoặc nổi sân lên. Khi tai nghe âm thanh êm dịu, thoải mái thì Ta muốn nghe hoài. Khi nghe tiếng khó chịu, chê bai, chỉ trích thì Ta tức giận, bịt tai, bỏ đi chỗ khác.

Do vì không biết bản chất thật sự (thật tánh) của các pháp nên tâm mới chạy theo và phản ứng bằng thái độ ưa ghét. Để hóa giải vấn đề này, giáo lý Tánh Không dạy rằng các pháp (lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) đều không có thật tánh, chỉ do duyên hợp mà hiện hữu. Nhờ biết các pháp và sự vật không có thật nên Ta sẽ bớt bám víu vào nó. Đây là tu theo Tánh Không. Tu theo cách này là lấy sự vật và các pháp bên ngoài làm đối tượng quán chiếu.

Có cách tu thứ hai là nhìn thẳng vào bên trong tâm mình, quán chiếu thấy rõ không có gì là Ta, là của Ta. Theo cách tu này thì sự vật bên ngoài trở thành thứ yếu, cái bàn có hay không, thật hay giả không thành vấn đề vì không ăn nhằm gì đến cái Ta cả. Nhờ vậy tâm trở về yên lặng. Vấn đề quan trọng ở đây là có làm chủ được tâm hay không? Hay là để tâm vọng động phóng ra ngoài bám víu vào những thứ Ta ưa thích.

Vì thế, trước khi nói các pháp là có hay không thì hãy nên tìm xem cái Ta có hay không? Vì nếu cái Ta có thì chắc chắn các pháp phải có. Khi lỡ thấy cái Ta là “có” rồi thì cố gắng nói các pháp “không có thật” hay “có giả” cũng chỉ là gượng nói, vì cả hai (không có thật và có giả) đều có chữ “có”. Nhiều người học Tánh Không, biết cái bàn không có thật, nhưng vẫn thích cái bàn vì nó có giả. Biết danh lợi là huyễn mộng, không thật nhưng vẫn thích làm chùa to, tượng lớn để người đời biết đến mình. Biết sắc đẹp không có thật, nhưng vẫn thấy hấp dẫn và say mê, giống như ai cũng biết phim ảnh, xi nê là giả nhưng vẫn thích đi xem xi nê. Biết xe hơi không có thật, nhưng mắt vẫn thấy nó đẹp và thích mua xe hạng sang.  

Học Tánh Không mà không học Vô Ngã thì thiếu căn bản.  Khi cái ngã (Ta) chưa trừ thì dù có giảng nói các pháp không có tự tánh, hay không có thật chăng nữa, tâm vẫn thấy các pháp là có thật và dính mắc vào ưa ghét. Vì vậy khi quán chiếu về Tánh Không thì trước hết cần phải quán về Ngã Không cho thuần thục rồi sau đó mới tới Pháp Không. 

Tu tập vô ngã

Tu tập vô ngã có hai cách:

1) Thuần phủ định.

2) Phủ định và xác định.

Phương pháp thứ nhất, thuần phủ định, đó là tu vô ngã theo truyền thống Nguyên thủy. Chỉ cần phủ định, không chấp nhận năm uẩn là ngã (Ta). Phương pháp thường được áp dụng là Thiền Tứ Niệm Xứ (Satipatthana), hay Minh Sát Tuệ (Vipassana).

Phương pháp thứ hai là đưa tâm trở về tự tánh hay bổn tánh của nó, dạy cho nó biết nó không phải là năm uẩn mà là chân tâm thanh tịnh. Khi tâm trở về bổn tánh thì cái ngã (Ta) tự động tan biến. Đây là con đường của Thiền tông, của kinh Lăng Nghiêm, Kim Cang, Viên Giác, Pháp Bảo Đàn, v.v...

Thiền Tứ Niệm Xứ

Đây là phương pháp thiền căn bản của Phật giáo Nam tông, nó xuất xứ từ kinh Đại Niệm Xứ (Mahasatipatthana sutta) là kinh thứ 22 của Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) và kinh Niệm Xứ (Satipatthana sutta) là kinh thứ 10 của Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya). Nội dung của hai kinh này hoàn toàn giống nhau.

Tứ Niệm Xứ là bốn lãnh vực (xứ) quán niệm gồm: thân, thọ, tâm và pháp.

Kinh Niệm Xứ định nghĩa bốn phép quán niệm như sau:

1) Quán niệm thân thể nơi thân thể, tinh chuyên và ý thức rõ ràng về thân thể, làm chủ được mọi tham dục và ưu tư trong cuộc đời.

2) Quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ, tinh chuyên và ý thức rõ ràng về cảm thọ, làm chủ được mọi tham dục và ưu tư trong cuộc đời.

3) Quán niệm tâm thức nơi tâm thức, tinh chuyên và ý thức rõ ràng về tâm thức, làm chủ được mọi tham dục và ưu tư trong cuộc đời.

4) Quán niệm các pháp nơi các pháp, tinh chuyên và ý thức rõ ràng về các pháp, làm chủ được mọi tham dục và ưu tư trong cuộc đời.

Quán niệm (sati) có nghĩa là tỉnh thức chú tâm quan sát và ghi nhận.

Khi chú tâm quan sát ghi nhận thân thể và những gì liên quan đến thân thể như hít thở, đi đứng, hành động, tứ đại, nội thân bất tịnh, hay xác chết thì gọi là niệm thân.

Khi chú tâm quan sát ghi nhận những cảm thọ sướng, khổ sinh diệt ra sao thì gọi là niệm thọ.

Khi chú tâm ghi nhận và quan sát những trạng thái tâm thức (như tham, sân, si, có khởi lên hay không) thì gọi là niệm tâm.

Khi chú tâm quan sát ghi nhận các pháp đối tượng của tâm gồm ngũ cái, ngũ uẩn, lục căn, lục trần, thất giác chi, tứ thánh đế, thì gọi là niệm pháp.

Hướng tâm quán niệm bốn lãnh vực trên để làm gì? Để thấy được tính chất vô thường, vô ngã của các pháp, để chế ngự tham dục và ưu tư trong cuộc đời, để thoát khỏi khổ đau phiền não. Khi quán niệm với mục đích như thế thì được gọi là chánh niệm (samma-sati).

Dưới đây là vài thí dụ cụ thể tu tập Tứ Niệm Xứ.

1/ Niệm thân

Bình thường khi đi, đứng, cử động, ai nấy đều cho rằng Ta (mình) đi, đứng, cử động. Nhưng nay, mỗi khi đi, hành giả nên niệm (ghi nhận): “Đi, có sự đi” hoặc “chân, bước” hoặc “bước, bước, bước”. Ban đầu bạn có thể không để ý, nhưng sau một thời gian thực tập, bạn sẽ trực tiếp nhận ra chỉ có sự đi là một thực tại, trong đó không có Ai đang đi, không có Ta (Tôi) đang đi! Vì sao thế? Vì đó là một động tác vô chủ, là sự phối hợp chuyển động của thân và tâm. Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy trong động tác đi đó, khởi đầu bằng một ý niệm “muốn đi”, và ý niệm này tác động vào thân khiến chân nhúc nhích, di chuyển. Sự phối hợp giữa tâm (ý niệm muốn đi) và thân (chân) tạo ra sự đi. Do đó sự đi vô chủ, không có một ai đi cả! Nếu thấy có cái Ta đang đi thì cái Ta đó ở đâu? Cái Ta đó chỉ là một ảo tưởng của tâm bịa đặt ra rồi gán vào sự đi một tác giả.

2/ Niệm thọ

Khi ngồi thiền lâu, bỗng nhiên cảm thấy đau nhức nơi chân thì bạn ghi nhận: “Có cảm giác đau nơi chân” hoặc “Đau, đau, đau”. Bạn không nên niệm: “Tôi đau chân, hoặc chân tôi đau”. Vì sao? Vì thực tế không có một cái Tôi nào đau chân, và cũng không có cái chân nào là của Tôi!

“Không có Tôi đau chân” vậy Ai đau chân? Không có ai đau chân cả! Chỉ có một cảm giác đau đang phát sinh nơi chân và một cái tâm đang ghi nhận mà thôi!

Khi cảm giác đau phát sinh, nó sẽ trải qua bốn giai đoạn: phát sinh, tăng trưởng, suy yếu, tan biến. Nếu bạn vững tâm kiên nhẫn quán sát thì sẽ thấy nó đau hơn, rồi từ từ dịu dần và tan biến. Thấy được vậy tức là chứng nghiệm được tính chất vô thường của cảm thọ. Nhưng nếu bạn không chịu nổi cơn đau thì cứ nhẹ nhàng gỡ chân ra hoặc thay đổi tư thế. Điều chính yếu là đừng nhận cảm thọ là Ta (mình, tôi).

3/ Niệm tâm

Trong lúc hành thiền, nếu có một ý niệm nhớ tưởng khởi lên, bạn phải tỉnh giác ghi nhận liền: “Có một ý niệm nhớ tưởng đang khởi lên” hoặc “Có sự nhớ” hoặc “Nhớ, nhớ, nhớ”. Sau khi niệm xong bạn phải chú ý xem ý niệm đó còn hay tan biến. Nếu còn thì bạn tiếp tục ghi nhận sự diễn tiến của nó. Trong sự ghi nhận này không có một cái Ta nào tưởng nhớ và cũng không có Ai tưởng nhớ. Chỉ có một ý niệm nhớ tưởng vừa khởi lên trong tâm mà thôi. 

Với người chưa quen tu tập chánh niệm, theo dõi tâm ý thì khi nhớ tưởng ai hay sự vật gì thì họ cho Ta (mình) là người nhớ tưởng, và chạy theo đối tượng nhớ tưởng. Thí dụ ngồi nhớ tới chồng con, thì hình ảnh chồng con hiện ra trong tâm. Rồi tình cảm khởi lên tiếp theo, và những hình ảnh đó trở nên linh động, lôi cuốn cái Ta vào thương nhớ, giận hờn, v.v...

4/ Niệm pháp

Đang ngồi thiền, bỗng nhiên bên ngoài có tiếng động như tiếng xe hơi, hay tiếng nói chuyện ồn ào, lúc đó hành giả niệm: “Nghe, nghe, nghe” (đó là nương theo nhĩ căn) hoặc niệm: “Có tiếng động” (đó là nương theo thanh trần). Đừng chạy ra nghe xem đó là tiếng gì, tiếng của ai. 

Ngoài giờ ngồi thiền, nếu bị ai mắng chửi thì bạn cũng niệm như trên: “Nghe, nghe, nghe” hoặc “Có âm thanh”.

Có những người nghe dạy là phải niệm thường xuyên, lúc nào cũng phải niệm, cho nên họ niệm như cái máy, lập đi lập lại: đi, đi, đi; đau, đau, đau; nhớ, nhớ, nhớ; nghe, nghe, nghe, v.v... Niệm mà tâm không chú ý vào hành động, cảm thọ, tâm tưởng. Thấy có vẻ niệm đó, nhưng không phải là chánh niệm, vì không có sự tỉnh giác, theo dõi, ghi nhận và biết rằng có sự việc đó đang xảy ra. 

Tu tập đúng đắn Tứ Niệm Xứ, hành giả sẽ có cái nhìn khách quan, không dính mắc đối với sự vật. Không còn cho thân là Ta nên không nâng niu, ái nhiễm nó nữa. Không còn cho những cảm thọ là Ta nên không chạy theo khoái lạc, cũng không xua đuổi khổ thọ. Không còn lầm cho những ý niệm, tư tưởng, suy nghĩ là Ta nên không bị tham, sân, si, vui, buồn, tủi, nhục chi phối. Không còn cho các pháp là của Ta, liên quan đến Ta nên không bám víu, thủ xả, ưa ghét. Nhờ vậy hành giả sống an nhiên tự tại, vượt thoát khỏi tham dục, ưu tư của cuộc đời.

Tứ Niệm Xứ và kinh Vô Ngã Tướng

Cứu cánh của Thiền Tứ Niệm Xứ là chứng ngộ được ba đặc tướng vô thường, khổ, vô ngã của ngũ uẩn và các pháp. Chứng ngộ vô ngã là chứng quả A-la-hán, giải thoát sinh tử, đạt được Niết bàn. Nếu chưa chứng quả thì ít ra cũng giảm trừ được rất nhiều phiền não khổ đau do cái ngã gây nên. 

Thông thường khi hành thiền Tứ Niệm Xứ, các thiền sinh không được dạy hay tiết lộ gì về vô ngã, bởi vì các thiền sư muốn để thiền sinh phát triển chánh niệm rồi tự chứng nghiệm lấy một mình, phải thấy rõ tiến trình vô thường, khổ, xảy ra trong từng sát na. Thiền sinh phải trình pháp thường xuyên để được hướng dẫn tiếp. Đây là một điều tốt, nó tránh cho hành giả rơi vào suy luận kiến thức. Khi biết hay thấy được điều gì thì đó là do thực hành chứ không phải do đọc sách hay nghiên cứu mà biết. Đây là phương pháp tiệm tu đốn ngộ, cứ chăm chỉ tu hành thì sẽ chứng nghiệm được vô ngã. Vô ngã là cứu cánh, hành thiền (chánh niệm) là phương tiện.

Tuy nhiên bạn cũng có thể dùng ngay vô ngã làm phương tiện quán chiếu, đó là áp dụng kinh Vô Ngã Tướng vào việc tu tập. Bạn chỉ cần hiểu rõ lý vô ngã và học thuộc lòng mấy câu của đức Phật đã dạy trong kinh đem ra áp dụng vào đời sống hàng ngày. 

Mỗi khi nhìn vào thân thì tự nhủ: thân này không phải là Ta, là của Ta.  

Mỗi khi có cảm thọ vui buồn, thương ghét, giận hờn thì tự nhủ: cảm thọ này không phải là Ta, là của Ta. 

Mỗi khi tưởng nhớ cái gì thì tự giác nói: cái tưởng này không phải là Ta, là của Ta. Nếu nó cứ trở lại hoài thì mời nó đi chơi chỗ khác.

Mỗi khi suy nghĩ điều gì thì phải tỉnh giác nhận ra: những ý nghĩ này không phải là Ta, là của Ta.

Mỗi khi nhận thức, phân biệt điều gì thì tự nhắc: sự nhận thức này không phải là Ta, là của Ta.

Đây có thể được xem như là đốn ngộ tiệm tu, tức là ngộ lý vô ngã rồi đem ra áp dụng tu hành, cho đến khi tư tưởng vô ngã thấm nhuần trong tâm, nhìn vào năm uẩn liền thấy đó không phải là Ta, là của Ta. 

Nhưng tôi khuyên bạn đừng vội ham chữ “đốn ngộ” tiệm tu, vì đốn ngộ ở đây không giống như của Thiền tông, vì đốn ngộ của Thiền tông là nhận ra bổn tánh, không phải do ý thức mà được. Đốn ngộ ở đây chỉ là hiểu và chấp nhận lý vô ngã rồi đem ra áp dụng tu hành ngay từ đầu, không cần phải hành thiền một thời gian rồi mới nhận ra nó.

Cách tốt nhất là phối hợp cả hai kinh Tứ Niệm Xứ và Vô Ngã Tướng vào việc tu hành. Lý thì biết là vô ngã, nhưng sự thì phải hành thiền để chứng nghiệm, thấy rõ trực tiếp thế nào vô ngã. Ngay cả sau khi trực nghiệm được vô ngã cũng chưa phải là xong, bởi vì tập khí chấp ngã còn dầy, sức vô ngã rất yếu nên phải tiếp tục tu hành cho đến khi chứng quả A-la-hán mới gọi là xong.

Trong lúc tu tập vô ngã, bạn nên tránh dùng chữ Ta và của Ta, mặc dù nó là quy ước tục đế. Chỉ trừ khi nào bất đắc dĩ phải nói chuyện với người khác, nhất là người không hiểu biết gì về vô ngã thì mới dùng chữ Ta (tôi) và của Ta. Thí dụ trong một khóa tu về Vô Ngã, mọi người đã được học hiểu chút ít về vô ngã, khi bạn cần uống nước thì có thể nói: xin anh, chị cho (cái thân này) một ly nước, thay vì nói xin cho tôi một ly nước. Khi muốn đi ngủ thì nói: cái thân tứ đại này mệt cần đi ngủ, thay vì nói tôi muốn đi ngủ. Khi bực mình ai thì nói: cái tâm này đang bực, thay vì nói tôi bực. Khi nói về nhà cửa của mình thì nói: cái nhà của thân tứ đại này. Khi nói về cá nhân mình hay người khác thì dùng chữ ngũ uẩn: ngũ uẩn (tên A) này cần nói chuyện với ngũ uẩn B, C, D.

Sau khi quán chiếu thuần thục vô ngã, bạn có thể dùng chữ “Ai?” để làm phương tiện nhắc nhở mỗi khi bị phiền não quấy nhiễu. Thí dụ khi cơn giận nổi lên liền hỏi: “Ai đang tức giận?”, “Không có Ta thì Ai tức đây?” Hãy nhìn thẳng vào cái Ai đó xem nó là ai? Ở đâu? Trong thân hay tâm? Nhìn kỹ một hồi thì nó sẽ biến mất. Bởi vì không có ai tức, chỉ có một ý niệm sân vừa khởi lên trong tâm mà thôi. Nếu không nhận ra nó (niệm sân) thì nó liền trở thành Ta, tâm bám vào niệm sân rồi tưởng là Ta sân. Bạn hãy áp dụng ngay kinh Vô Ngã Tướng: “Cơn giận này không phải là Ta, là của Ta”, “Cái buồn này không phải là Ta, là của Ta”, “Cái ghét này không phải là Ta, là của Ta”, chúng chỉ là những ý niệm (tâm sở) khởi lên một thoáng giây rồi tiêu tan, như những đám mây trên bầu trời.

Xem mục lục