Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Như vừa thấy ở trên, vô ngã có thể dịch là không có ngã hoặc không phải là ngã, nhưng vô ngã luôn luôn đi sau một chủ từ, đó là ngũ uẩn vô ngã hay các pháp vô ngã. Trong các kinh Nikaya đức Phật lập đi lập lại những câu hỏi: “Sắc là thường hay vô thường? Cái gì vô thường là khổ hay sướng? Cái gì vô thường, khổ thì có lý chăng khi nói cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta?”. Rồi ngài dạy quán: “Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta”. Nghi vấn được đặt ra là nếu cái này không phải là Ta, vậy thì Ta là cái gì?  Trước khi nói cái này hay cái kia không phải là Ta thì phải xét xem cái Ta (ngã) có hay không đã? Sao không thấy đức Phật nói thẳng Ngã là gì, có hay không mà chỉ nói những thứ khác như sắc, thọ, tưởng, hành, thức không phải là Ngã? 

“Người đời thường nghiêng về hai khuynh hướng nhận thức: một là có, hai là không. Đó là do vướng mắc vào cái tri giác sai lầm của mình. Vì vướng mắc vào tri giác sai lầm đó cho nên mới kẹt vào hoặc ý niệm có hoặc ý niệm không”. Nếu trả lời cái Ta (ngã) là có thì rơi vào chấp thường. Nếu trả lời cái Ta là không thì rơi vào chấp đoạn. Cách thuyết pháp của đức Phật không rơi vào nhị biên, nên ngài không bao giờ trả lời thẳng là có hay không. Ngài thường trả lời theo lý trung đạo nhân duyên: cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không. Do trả lời như vậy nên người nghe không thể bám víu, chấp thủ. Ngoài ra ngài cũng không trả lời thẳng là có hay không mà thường dùng phương tiện hỏi ngược lại để người hỏi tự chứng ngộ lấy. Chúng ta muốn có đáp số ngay lập tức, nhưng ngài lại bắt chúng ta phải tự làm bài và tìm ra đáp số. 

Trong kinh Trung Đạo Nhân Duyên, Phật nói với Ca Chiên Diên (Kaccayana): “Phần lớn người đời đều bị kẹt vào chấp và thủ. Người không bị kẹt vào chấp và thủ thì không còn nắm giữ, kế đạt và vọng tưởng về cái ngã nữa”. Đức Phật không trả lời thẳng là Ngã (cái Ta) có hay không, nhưng qua lời kinh chúng ta vẫn có thể hiểu được là không có Ngã, cái Ta không có, nó chỉ là một vọng tưởng, một ý tưởng mê lầm.

Trong kinh Kaccayanagotta, đức Phật nói: “Này Kaccàyana, chấp thủ phương tiện và bị thiên kiến trói buộc, phần lớn thế giới này là vậy. Và ai với tâm không trú trước, không chấp thủ phương tiện ấy, không chấp thủ thiên chấp tùy miên ấy, không có chấp trước, không trú trước, vị ấy không có nghĩ: “Đây là tự ngã của tôi”. Như vậy có nghĩa là khi tâm chấp trước, bị thiên kiến trói buộc thì người đó khởi lên ý nghĩ về ngã, và liền cho đây là ngã của tôi (cái ta của tôi).

Trong kinh Người Bắt Rắn, có đoạn: “Vì có ý niệm về ta cho nên có ý niệm về của ta, nếu không có ý niệm về ta thì sẽ không có ý niệm về của ta. Ta và của ta đều là những ý niệm không thể nắm bắt được, không thể thiết lập được... Vì xét ra thì không có cái ta mà cũng không có cái của ta.... Tại vì cái ta đã không có mà cái của ta cũng không”. Ở đây nói rõ ngã và ngã sở chỉ là những ý niệm, vọng tưởng, không có thật.

Tóm lại vô ngã mang đủ cả hai nghĩa:

1.   Không phải là ta, là của ta.

2.   Không có ta. Chữ ta ở đây là cái ta, cái tôi.

Nghi vấn

1. Vô ngã theo nghĩa thứ nhất, tức không phải là ta, là của ta thì có thể chấp nhận được.  Nhưng nghĩa thứ hai, vô ngã là không có ta, vậy tại sao mọi người lại thấy có ta?

- Vì tập khí vô minh, nghiệp chướng lâu đời nên chúng sinh thấy có Ta (ngã). Cái thấy của chúng sinh là một ảo giác, một ảo tưởng như năm thí dụ trong kinh Bọt Nước. Thí dụ như đi xem xi-nê, vào rạp tắt đèn tối om, khán giả không còn tự nhìn thấy mình nữa mà chỉ thấy người trên màn ảnh. Đến một lúc nào đó, bị lôi cuốn bởi phim hay nên khán giả bất giác quên mình, tưởng người trong phim là thật, khi thấy người trong phim bị đánh giết thì tự nhiên la hoảng lên, vô tình nhận người trong phim là mình, là ta. Màn ảnh và cuốn phim có nhưng không phải là ta. 

2. Vậy thì người đang ngồi xem phim là ai? 

- Người đang ngồi xem phim chỉ là năm uẩn, không phải là ta. 

3. Không có ta, vậy tại sao trong các kinh vẫn thấy đức Phật và đệ tử dùng chữ ta khi xưng hô nói chuyện?

- Đây là điều tế nhị và quan trọng. Trường phái Trung quán Madhyamika Prasangika đã phân tách rõ hai loại ta: một cái ta tương đối và một cái ta tuyệt đối. Cái ta tương đối thì có vì nó là danh từ tạm đặt trên năm uẩn, nhưng cái ta tuyệt đối thì không có (xin xem tiếp phần sau).

4. Có người cho vô ngã chỉ là một khái niệm do Phật tạm thời đặt ra để phá sự chấp ngã của chúng sinh, chứ thật ra vẫn có ngã, vì trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật nói về Thường, Lạc, Ngã, Tịnh?

- Trước hết, có cái gì không phải là khái niệm (concept)? Ngay cả những danh từ như Phật tánh, Niết bàn, Pháp thân, Bát nhã, Chân như, Tánh Không, v.v... cũng đều là khái niệm. Tất cả những gì được nhận thức, quan niệm, suy tư bởi ý thức đều là khái niệm. Có những khái niệm đưa con người vào si mê, lầm lạc, tạo nghiệp ác. Có những khái niệm đạo đức, thanh cao, đưa con người thăng hoa, giải thoát như: Bát nhã, Phật tánh, Niết bàn, vô thường, vô ngã, v.v... Tuy nhiên những danh từ trên không phải chỉ là khái niệm. Thí dụ về Niết bàn, nó là một khái niệm trừu tượng đối với chúng sinh chưa giác ngộ, nhưng đối với Phật và A-la-hán, nó chính là một thực tại. Thí dụ Hỏa tinh (Mars) là một khái niệm đối với dân quê miền thượng du, nhưng nó là một hành tinh có thật đối với các nhà bác học về thiên văn. Vô ngã đúng là một khái niệm đối với chúng sinh còn chấp ngã, nhưng đối với người có tu tập về Thiền Minh sát (Tứ Niệm Xứ) thì nó là một kinh nghiệm có thật, thấy rõ và cảm nhận được. Nếu bạn chấp nhận vô thường có thật thì vô ngã cũng có thật. Bởi vì vô thường và vô ngã là một. Vô thường là đứng trên phương diện thời gian, còn vô ngã là đứng trên phương diện không gian. Ngày nào trong tâm còn chấp ngã thì nhìn đâu cũng thấy có ngã, thấy Niết bàn là ngã, là chân ngã, chân tâm là chân ngã, chân như là chân ngã, pháp thân là chân ngã. Cái ngã rất khó tiêu diệt, vì nó khôn lanh vô cùng, biết len lỏi, ẩn mình và sống bám vào phía sau những lý luận Phật giáo. 

Khi chứng được vô ngã rồi thì tất cả những danh từ, khái niệm vô ngã hay chân ngã đều trở thành vô nghĩa và dư thừa. Giáo lý của Phật nói ra đều là phương tiện như ngón tay chỉ mặt trăng. Khi thấy được mặt trăng thì ngón tay không cần thiết. Nhưng nếu không có ngón tay thì biết mặt trăng ở chỗ nào mà ngó? 

Cái chấp lớn nhất của chúng sinh là chấp ngã. Vô ngã là giáo lý tốt nhất để trị bệnh này. Nếu không tu tập vô ngã mà lại cho đó là khái niệm rồi xem thường thì đến kiếp nào mới thoát khỏi tập khí chấp ngã?  

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật có nói về Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Trước kia đức Phật không nói nhiều về Niết bàn, bởi vì đó là cảnh giới tự chứng, bất khả tư nghì, bất khả thuyết, vượt ngoài ngôn từ khái niệm của thế gian. Nhưng có nhiều người tưởng Niết bàn là hư vô đoạn diệt, nên bất đắc dĩ Phật phải dùng danh từ của thế gian mà diễn tả Niết bàn qua bốn đức tính Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Chúng sinh mê lầm chấp cái thân tứ đại là thường nên Phật dạy vô thường. Chấp thân tứ đại là vui nên Phật dạy về khổ. Chấp ngũ uẩn là ngã (ta) nên Phật dạy vô ngã. Chấp thân tứ đại là đẹp đẽ sạch sẽ nên Phật dạy bất tịnh. Còn Niết bàn (hay Pháp thân) thường hằng không sinh diệt (Thường), an vui không phiền não (Lạc), là Pháp thân viên mãn tự tại (Ngã) thanh tịnh không ô nhiễm (Tịnh). Bốn danh từ Thường, Lạc, Ngã, Tịnh là những khái niệm mà thế gian đã dùng cho ngũ uẩn và thân tứ đại. Vì vậy bốn danh từ này cũng chỉ là phương tiện. Chữ Ngã ở đây có nghĩa là Pháp thân chứ không phải cái Ta tầm thường ích kỷ. Nếu không biết như vậy mà cho vô ngã là phương tiện, và cho ngã của kinh Niết Bàn là chân ngã (cứu cánh) thì vẫn còn chấp ngón tay là mặt trăng.

Xưa kia các đệ tử của Phật phải tu chứng giải thoát, rồi sau 45 năm, trước khi nhập diệt, đức Phật mới dạy cho họ kinh Niết Bàn. Ngày nay chúng ta chưa tu tập gì hết mà được đọc kinh Niết Bàn nên cái ngã chưa diệt trừ liền chấp ngay Niết bàn là chân ngã.

5. Về Tánh Không, nếu các pháp là Không thì tại sao chúng sinh lại thấy là thật Có? Mắt thấy, tai nghe rõ ràng?

- Sự thấy các pháp thật có là do nghiệp của con người, cộng nghiệp khiến cho sáu căn thấy sáu trần là như vậy: chỉ thấy tổng tướng mà không thấy biệt tướng. Thí dụ đứng trước một thác nước, mắt người không thấy được từng giọt nước mà chỉ thấy một màn trắng xóa. Khi nhìn thấy nước, loài người thấy đó là nước uống, loài cá thấy là nhà ở, chư thiên thấy là lưu ly, ngạ quỷ thấy là máu mủ. Cùng là một vật, nhưng do cộng nghiệp và biệt nghiệp nên mỗi loài thấy khác nhau. Nếu các pháp có thật tánh thì loài nào nhìn vào cũng phải thấy cùng một thứ. Chúng sinh chấp những gì mắt thấy, tai nghe là có thật, nhưng đó là một sự lầm chấp. Thí dụ khác như có người cầm một cây đuốc rồi quay thật nhanh, mắt người thường sẽ thấy một vòng lửa, nhưng thật ra không có một vòng lửa nào hết mà chỉ có những đốm lửa di chuyển rất nhanh. Do lầm chấp nên mới sinh ra đau khổ. Muốn thấy, biết Tánh Không hay thật tánh của các pháp thì phải dùng trí tuệ quán chiếu mới thấy, không thể dùng mắt trần, mắt thịt mà thấy được. 

Ngoài ra không nên lầm lẫn giữa “Không có” và Tánh Không. Điều này đã được giải thích ở trên. Các pháp vẫn có, vẫn hiện hữu, đó là sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chữ “không” trong kinh Bát Nhã có nghĩa là không có tự tánh, hoặc không có thật. Thí dụ về cái ly: “Cái ly là không” khác với “không có cái ly”. Cái ly là không, nghĩa là cái ly có mặt, nhưng thể tánh của nó là không, hay không có tự tánh, chứ không phải là không có cái ly.

Ngoài ra chữ sắc trong kinh Bát Nhã cần được quán chiếu ngay nơi thân để giải trừ sự chấp ngã. Vì chữ sắc này là sắc uẩn, liên quan đến con người, chứ không phải đồ vật bên ngoài. Đọc tụng ngũ uẩn giai không, bàn luận về tánh Không có giúp cho ta bớt chấp ngã hay không?

Xem mục lục