Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Thức này nương Ý căn (thức thứ 7) khởi tác dụng phân biệt Pháp trần, nên gọi là "Ý thức". 

Trong tám thức duy có thức thứ Sáu này rất lanh lẹ và khôn ngoan hơn hết, nên trong bài thơ Bát thức có câu rằng:"Độc hữu nhứt cá tối linh ly" (riêng có một cái thức rất lanh lẹ). Suy nghĩ làm việc phải, thức này đứng đầu; còn tính toán tạo tác việc ác, thì nó cũng hơn cả. Bởi thế nên trong Duy thức nói:"Công vi thủ, tội vi khôi" (Nói về "Công" thì thức này hơn hết, còn luận về "Tội" thì nó cũng đứng đầu). Thức này cũng có công năng chấp Ngã và chấp Pháp. 

Một điều mà người học thường thắc mắc: Tại sao thức thứ Sáu gọi là "Ý thức", mà thức thứ Bảy cũng gọi là "Ý thức"? trong Đại thừa bá pháp minh môn luận chuế ngôn, có giải thích như vầy: Thức thứ Sáu mà gọi là "Ý thức" vì thức này nương "Ý căn" mà khởi ra phân biệt, nên gọi "Ý thức". Nghĩa là thức của Ý căn. "Thức" là năng y, còn"Ý" là bị y, hai phần khác nhau.cũng như nói "Nhãn thức", tức là thức của Nhãn căn. Thế là căn với thức khác nhau. 

Còn thức thứ Bảy mà gọi là "Ý thức"; chữ "Ý" là sanh diệt tương tục không gián đoạn. Vì thức này sanh diệt tương tục không gián đoạn nên gọi là "Ý thức". Thế là "Thức" tức là "Ý" không khác. Cũng như "Tàng thức", chữ "Tàng" là chứa đựng. Vì thức này chứa đựng các pháp, nên gọi là "Tàng thức". Thế là "Thức" tức là "Tàng (chứa) không khác. 

KHI Ở ĐIẠ VỊ PHÀM PHU, THỨC NÀY ĐỐI VỚI: 

1. Ba cảnh: Thức này có đủ ba cảnh: 

a) Tánh cảnh, b) Độc ảnh cảnh, c) Đới chất cảnh. 

2. Ba lượng: Thức này có đủ ba lượng: 

a) HIện lượng, b) Tỷ lượng, c) Phi lượng. 

3. Ba tánh: Thức này có đủ ba tánh: 

a) Thiện tánh, b) Ác tánh, c) Vô ký tánh. 

4. Ba cõi: Thức này có đủ trong ba cõi: 

a) Cõi dục, b) cõi sắc, c) cõi Vô sắc. 

5.Chín địa: Thức này có đủ trong chín địa: 

6. Tâm sở: Thức này có đủ 51 món Tâm sở: 5 món Biến hành, 5 món Biệt cảnh, 11 món Thiện, 6 món căn bản phiền não, 20 món Tùy phiền não, 4 món Bất định. 

7. Chín duyên: Trong chín duyên, thuức này chỉ có 5 duyên: a) Căn duyên, b) Cảnh duyên, c)Tác ý duyên, d)Căn bản duyên, e) Chủng tử duyên. 

8. Thể (tánh): Thể của thức này có ba món phân biệt: a)Tự tánh phân biệt, b)Tuỳ niệm phân biệt, c) Kế đạt phân biệt. 

9. Tướng: Tướng của thức này là luân chuyển trong ba cõi (tam giới luân thời dị khả tri). 

10. Nghiệp dụng: Nghiệp dụng của thức này làm cho thân và miệng tạo ra dẫn nghiệp và mãn nghiệp để cảm thọ quả báo trong ba cõi. Và ba tánh cùng năm Thọ, thức nàt thường thay đổi luôn. 

KHI LÊN THÁNH VỊ, THỨC NÀY ĐỐI VỚI 

1. Quán hạnh (tu): Thức thứ sáu này quán sanh không, phá trừ ngã chấp và quán pháp không, phá trừ pháp chấp. 

2. Đoạn hoặc và thành trí: Thức này có năm giai đoạn trừ hoặc chuyển thành trí: 

a)Đến vị Tư lương, thì thức này mới chinh phục được hai món hiện hành của ngã chấp. 

b)Đến vị Kiến đạo, thì thức này mới đoạn được hai món chủng tử về phần phân biệt của ngã chấp và pháp chấp. 

c)Đến vị Tu tập, thức này đoạn được hai món hiện hành và chinh phục được hai chủng tử cu sanh của ngã chấp và pháp chấp. 

d)Đến vị Viễn hành trở lên thì thức này mới đoạn hết cu sanh ngã chấp và hoàn toàn vô lậu. 

e)Đến vị Đẳng giác, thức này đoạn hết cu sanh pháp chấp,chuyển thành Diệu quan sát trí.  
3. Chứng quả và diệu dụng: Khi chứng quả vị Phật, thì thức này chuyển thành Diệu quan sát trí và có công năng chiếu soi căn cơ của chúng sanh trong Đại thiên thế giới, rồi tùy cơ thuyết pháp hoá độ hàm linh. 

Muốn cho người học dễ nhớ, nên trong Bát thức quy củ, ngài Huyền Trang Pháp sư có làm ba bài tụng như sau. Hai bài tụng đầu, nói thức này khi ở điạ vị Phàm phu, bài tụng thứ ba nói thức này khi đặng Thánh quả. 

Bài tụng thứ nhứt 

Tam Tánh, tam Lượng thông tam Cảnh 

Tam giới luân thời di khả tri 

Tương ưng Tâm sở ngũ thật nhứt 

Thiện ác lâm thời biệt phối chi. 

Dịch nghiã 

Ba Tánh, ba Lượng và ba Cảnh 

Luân chuyển ba cõi rất dễ biết 

Tâm sở tương ưng năm mươi mốt 

Thiện ác đến thời riêng phối hiệp. 

LƯỢC GIẢI 

Thức thứ Sáu này đủ cả ba Tánh, ba Lượng và ba Cảnh. Nó luân hồi trong ba cõi rất dễ biết. Những Tâm sở tương ưng với thức này có 51 món. Khi thức này nghĩ việc lành thì có Thiện tâm sở riêng phối hiệp, còn khi nghĩ việc ác thì có Ác tâm sở riêng phối hiệp. 

*** 

Bài tụng thứ hai 

Tánh, Giới, Thọ tam hằng chuyển dịch 

Căn, Tùy, Tín dẳng đồng tương liên 

Động thân phát ngữ độc vi tối 

Dẫn, Mãn năng chiêu nghiệp lực khiên. 

Dịch nghiã 

Tánh, Giới, Thọ ba thường biến đổi 

Căn, Tuỳ, Tín chung nhau liên tiếp 

Thân động, miệng thốt nó hơn hết 

Dẫn nghiệp, Mãn nghiệp thọ quả báo 

LƯỢC GIẢI 

Thức Này đối với ba Tánh, ba Giới và năm Thọ thì nó thường thay đổi; khi thì vui lúc lại buồn, ...51 món Tâm sở, như căn bổn phiền não, Tuỳ phiền não và Thiện tâm sở, ...cùng nhau liên tiếp không lúc nào rời thức này. Làm cho thân động và miệng nói, duy có thức này là hơn hết. Nó tạo ra dẫn nghiệp và mãn nghiệp để chiêu cảm quả báo đời sau. 

Baì tụng thứ ba 

Phát khởi sơ tâm Hoan hỷ địa 

Cu sanh du tự hiện triền miên 

Viễn hành địa hậu thuần vô lậu 

Quán sát viên minh chiếu Đại thiên. 

Dịch nghĩa 

Khi đặng sơ tâm Hoan hỷ địa 

Cu sanh ngã, pháp hiện còn ẩn 

Viễn hành về sau thuần vô lậu 

Quán sát viên mãn khắp Đại thiên 

LƯỢC GIẢI 

Hành giả trong lúc trãi qua Thập thánh thì thứ c này có ba thời kỳ đoạn phiền não và thuần vô lậu. 

1. Khi lên Sơ địa, tức là Hoan hỷ địa, thì phân biệt ngã chấp và pháp chấp đều đã đoạn. Nhưng cu sanh ngã chấp và pháp chấp hãy còn hiện hành và miên phục trong Tàng thức, chưa có thể chinh phục và đoạn trừ được. 

2. Khi đến Viễn hành địa (tức là Thất địa) trở lên thì mới đoạn được chủng tử cu sanh của ngã chấp và chinh phục được hiện hành của pháp chấp. Lúc bấy giờ thức này mới thuần Vô lậu. 

3. Khi sắp lên quả Phật thì đoạn được chủng tử cu sanh của pháp chấp. Lúc bấy giờ thức này chuyển thành Diệu quan sát trí, quán sát chiếu soi cả Đaị thiên thế giới và tuỳ theo căn cơ của mỗi loài mà thuyết pháp giáo hoá.   

Xem mục lục