6 Cái Ngã
Danh từ ngã đã được định nghĩa khác nhau trong nhiều tôn giáo và triết học từ thời cổ đại đến hiện tại. Phật giáo
và đạo Bošn nhấn mạnh vào giáo lý vô ngã hay tánh không (sunyata), nó là chân lý, sự thật tối hậu của tất cả hiện tượng. Không có cái hiểu tánh không thì khó mà cắt tiệt gốc rễ của bản ngã ích kỷ và tìm thấy giải thoát khỏi những biên giới của nó.
Tuy nhiên, khi chúng ta biết được cuộc hành trình tâm linh chúng ta cũng biết được về tự giải thoát và tự chứng ngộ. Và chúng ta chắc chắn hình như là một cái ngã. Chúng ta có thể biện luận để thuyết phục những người khác rằng chúng ta không có một cái ngã, nhưng khi đời sống chúng ta bị đe dọa hay cái gì bị lấy khỏi chúng ta, cái ngã mà chúng ta bảo là không có có thể trở nên rất sợ hãi hay đảo lộn.
Theo Phật giáo và đạo Bošn, cái ngã quy ước có hiện hữu. Nếu không, không ai tạo ra nghiệp, khổ đau và tìm giải thoát. Chính cái ngã bẩm sinh, vốn có thì không hiện hữu. Không có một cái ngã bẩm sinh nghĩa là không có thực thể cốt lõi riêng biệt không thay đổi qua thời gian. Dù bản tánh của tâm thức không thay đổi, nó không nên bị lầm với một thực thể riêng biệt, một “cái ngã”, một mẩu nhỏ của tánh giác bất hoại được gọi là “tôi”. Bản tánh của tâm thức không phải là một sở hữu cá nhân và không phải là một cá thể. Nó là bản tánh của chúng sanh và như nhất đối với tất cả chúng sanh.
Chúng ta hãy lấy lại thí dụ những phản chiếu trong một tấm gương. Nếu chúng ta tập chú vào những phản chiếu, chúng ta có thể nói có cái phản chiếu này và cái phản chiếu kia, chỉ ra hai hình ảnh khác nhau. Chúng lớn lên hay nhỏ lại, đến và đi, và chúng ta có thể theo chúng quanh cái gương như thể chúng là những hiện thể tách biệt. Chúng giống như cái ngã quy ước. Tuy nhiên, những phản chiếu không phải là những thực thể riêng biệt, chúng là một trò chơi của ánh sáng, những ảo tưởng không có chất thể trong quang minh trống không của tấm gương. Chúng chỉ hiện hữu như những thực thể qua sự ý niệm hóa chúng như là những thực thể. Những phản chiếu là một biểu lộ của bản tánh tấm gương, cũng như cái ngã quy ước là một biểu lộ khởi từ, trụ trong và tan biến trở lại vào sự trong suốt trống không của nền tảng của hiện hữu, kunzhi.
Cái ngã quy ước mà bạn thường đồng hóa với nó và tâm thức động khởi sanh ra cái ngã đó, cả hai đều uyễn chuyển, năng động, tạm thời, không chất thể, chuyển dịch, vô thường, và không có hiện hữu nội tại, như cái phản chiếu trong gương. Bạn có thể thấy điều này trong chính cuộc đời bạn nếu bạn xem xét nó. Hãy tưởng tượng điền vào một tờ giấy những thông tin về bạn. Bạn kê tên, giống loại, tuổi tác, địa chỉ, công việc, địa vị và mô tả hình dáng. Bạn diễn tả những nét nhân cách và chỉ số thông minh. Bạn viết ra những mục tiêu và mơ mộng, những niềm tin, tư tưởng, giá trị và những sợ hãi của bạn.
Bây giờ hãy tưởng tượng mọi thứ này là bị lấy đi mất. Cái gì còn lại ? Lấy thêm nữa – những bè bạn và nhà cửa, quê hương và y phục. Bạn mất khả năng nói hay suy nghĩ với ngôn ngữ. Bạn mất trí nhớ. Bạn mất các giác quan. Đâu là bản ngã của bạn ? Nó có phải là thân thể bạn không ? Nếu bạn mất hết tay chân, sống với tim, phổi nhân tạo, bị tổn thương não và mất khả năng trí óc ? Ở điểm nào bạn thôi là một cái ngã ? Nếu bạn lột vỏ những tầng lớp của nhân cách và hệ thống cấp bậc các thuộc tính, đến một điểm nào không có gì còn lại.
Bạn không phải là cái ngã mà bạn là khi bạn mới một tuổi hay mười tuổi. Bạn không phải là cái ngã mà bạn là cách đây một giờ đồng hồ. Không có cái gì là không thay đổi. Vào lúc chết, những cái gì còn lại cuối cùng có vẻ như là một cái ngã không biến đổi cũng ra đi. Khi tái sanh, bạn là một kiểu mẫu hoàn toàn khác, thân thể khác, khả năng tinh thần khác. Không phải là bạn không là một cá nhân – rõ ràng bạn như vậy – nhưng tất cả mọi cá nhân đó đều không có hiện hữu nội tại, độc lập. Cái ngã quy ước tự căn bản là ngẫu nhiên, hiện hữu như một tạo tác từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác như dòng những tư tưởng không ngừng khởi sanh trong sự sáng tỏ của tâm thức, hay như những biểu lộ không ngừng của những hình ảnh trong gương. Những tư tưởng thì hiện hữu như những tư tưởng, nhưng khi chúng được xét nghiệm trong thiền định chúng biến vào tánh không mà từ đó chúng khởi sanh. Cũng thế đối với cái ngã quy ước : khi khảo sát sâu xa, nó chỉ chứng tỏ rằng nó là một ý niệm được gán cho một tập hợp lỏng lẻo những biến cố thường trực thay đổi. Và cũng như những tư tưởng tiếp tục khởi lên, những nhân cách cá tánh tạm thời của chúng ta cũng thế. Đồng hóa một cách sai lầm với cái ngã quy ước và tự xem mình là một chủ thể bao quanh bởi những đối tượng là nền tảng của cái nhìn nhị nguyên và là sự phân hai căn bản trên đó khổ đau không dứt của sanh tử được đặt nền.
7 Nghịch Lý của cái Ngã Vô Tự Tánh
Nhưng làm sao, nếu nền tảng của cá thể là tánh thanh tịnh, trống không, lại có thể có một cái ngã quy ước và một tâm thức động hiện hữu ? Ở đây là một thí dụ căn cứ trên những kinh nghiệm chúng ta đều có : khi chúng ta mộng, toàn bộ một thế giới biểu lộ trong đó chúng ta có thể có mọi loại kinh nghiệm. Trong giấc mộng chúng ta đồng hóa với một chủ thể, nhưng có những chúng sanh khác, bề ngoài có vẻ tách lìa chúng ta, có những kinh nghiệm riêng của họ và có vẻ thực như cái ngã mà chúng ta tự khoác vào. Cũng có một thế giới vật chất hiện diện : những sàn nhà giữ chúng ta đứng, thân thể chúng ta có những cảm giác, chúng ta có thể ăn và xúc chạm.
Khi thức dậy, chúng ta thấu hiểu rằng giấc mộng chỉ là một phóng chiếu của tâm thức chúng ta. Nó xảy ra trong tâm thức chúng ta và được tạo ra bằng năng lực của tâm thức chúng ta. Nhưng chúng ta mất vào trong nó, phản ứng với những hình ảnh do tâm thức tạo ra như thể chúng là thực và ở bên ngoài chúng ta. Tâm thức chúng ta có khả năng sáng tạo ra một giấc mộng và đồng hóa với những cá thể khác. Thậm chí chúng ta có thể đồng hóa với những chủ thể rất khác với chính chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.
Là những người bình thường, trong cùng cách như vậy, hiện giờ chúng ta đồng hóa với một cái ngã quy ước, nó cũng là một phóng chiếu của tâm thức. Chúng ta liên kết với những đối tượng và những thực thể có vẻ như vậy chúng cũng là những phóng chiếu của tâm thức. Nền tảng của hiện hữu (kunzhi) có khả năng biểu lộ mọi sự hiện hữu, thậm chí cả những chúng sanh trở nên xao lãng khỏi thật tánh của chúng, cũng như tâm thức chúng ta có thể phóng chiếu những chúng sanh bề ngoài có vẻ tách lìa với chúng ta trong một giấc mộng. Khi chúng ta tỉnh dậy, giấc mộng – là cái ngã quy ước của chúng ta – tan biến vào tánh không thanh tịnh và sự sáng tỏ quang minh.